Kinh Truyền Tin 29/01: Ai là những người “có tinh thần nghèo khó?
Trưa Chúa Nhật ngày 29/1, ĐTC đã đến cửa sổ Dinh Tông Toà để chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu. Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha đã có bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật IV thường niên về Các Mối Phúc.
Bài huấn dụ của ĐTC trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong phụng vụ hôm nay, các Mối Phúc theo Tin Mừng Mátthêu được công bố (xem Mt 5:1-12). Mối phúc đầu tiên và nền tảng là: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (c. 3).
Ai là những người “có tinh thần nghèo khó”? Họ là những người biết rằng họ không đủ với chính mình, không tự đủ, và họ sống như “những hành khất của Thiên Chúa”: họ cảm thấy cần đến Người và nhận ra rằng điều tốt lành đến từ Người, như những hồng ân, những ân sủng. Những người có tinh thần nghèo khó quý trọng những gì họ nhận được; do đó họ mong rằng không có món quà nào bị lãng phí. Hôm nay tôi muốn dừng lại ở khía cạnh điển hình này của tinh thần nghèo khó: không lãng phí. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc không lãng phí, chẳng hạn sau phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều, Người yêu cầu thu lại thức ăn thừa để không lãng phí (x. Ga 6:12). Không lãng phí cho phép chúng ta biết trân trọng giá trị của chính mình, của người khác và của sự vật. Tuy nhiên, thật không may, đó là một nguyên tắc thường bị bỏ qua, đặc biệt là ở các xã hội giàu có hơn, nơi văn hóa lãng phí và vứt bỏ chiếm ưu thế. Vì vậy, tôi muốn đưa ra ba thức đố chống lại não trạng lãng phí.
Thách đố đầu tiên: không lãng phí món quà là chính chúng ta. Mỗi chúng ta đều tốt đẹp, bất kể khả năng của chúng ta. Mỗi người nữ, người nam không chỉ giàu có về tài năng, mà còn về phẩm giá, mỗi người được Chúa yêu thương, mỗi người đều quý báu và đáng giá. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có phúc không phải vì “chúng ta có”, mà vì “chúng ta là”. Vì vậy, cái nghèo thực sự là khi một người buông thả và vứt bỏ chính mình, lãng phí chính mình. Với sự giúp đỡ của Chúa, chúng ta hãy chiến đấu chống lại cám dỗ coi mình là bất xứng, sai lầm và cảm thấy thương hại cho chính mình.
Kế đến là thách đố thứ hai: không lãng phí những món quà chúng ta có. Những kết quả chỉ ra rằng khoảng một phần ba tổng sản lượng lương thực bị lãng phí hàng năm trên thế giới. Điều này xảy ra trong khi rất nhiều người đang chết đói! Các tài nguyên của công trình sáng tạo không thể được sử dụng như thế này; những phúc lợi phải được gìn giữ và chia sẻ, để không ai thiếu những gì cần thiết. Chúng ta đừng lãng phí những gì chúng ta có, nhưng hãy làm lan truyền một hệ sinh thái công bằng và bác ái!
Cuối cùng, thách đố thứ ba: không vứt bỏ con người. Văn hóa vứt bỏ nói rằng: Tôi sử dụng anh bao lâu tôi cần anh; khi anh không còn quan trọng với tôi nữa hay anh cản đường tôi, thì tôi sẽ ném bỏ anh đi. Và những người yếu đuối nhất đều bị đối xử như vậy. Họ là những trẻ em chưa chào đời, người già, người túng thiếu và người thiệt thòi. Nhưng con người không thể bị vứt bỏ như thế, không bao giờ! Mỗi người đều là một quà tặng thánh thiêng và độc nhất, ở mọi lứa tuổi và mọi hoàn cảnh. Chúng ta hãy luôn tôn trọng và thăng tiến sự sống!
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự đặt ra một vài câu hỏi. Trước hết, tôi sống tinh thần nghèo khó như thế nào? Tôi có biết dành chỗ cho Thiên Chúa không, tôi có tin rằng Người là sự tốt lành, là kho báu đích thực và lớn lao của tôi không? Tôi có tin rằng Người yêu tôi, hay tôi buồn bã vứt mình đi, quên rằng mình là một món quà? Và rồi, tôi có cẩn thận để không lãng phí không, tôi có trách nhiệm trong việc sử dụng đồ vật, hàng hóa không? Và tôi có sẵn sàng chia sẻ chúng với những người khác không? Cuối cùng, tôi có coi những người yếu đuối nhất là những quà tặng quý giá mà Thiên Chúa yêu cầu tôi trông giữ không? Tôi có nhớ đến người nghèo, những người đang thiếu những gì cần thiết không?
Xin Mẹ Maria, Người Nữ của Các Mối Phúc, giúp chúng ta làm chứng cho niềm vui rằng cuộc sống là một món quà và cho vẻ đẹp của việc trao tặng chính mình.
Vatican News
ĐTC xin cầu nguyện cho chuyến viếng thăm CHDC Congo và Nam Sudan
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 29/1/2023, Đức Thánh Cha đã đọc sứ điệp gửi đến người dân hai nước CHDC Congo và Nam Sudan mà ngài sắp viếng thăm và mời gọi các Kitô hữu cầu nguyện cho cuộc “hành hương hoà bình” của ngài.
Đức Thánh Cha thực hiện cuộc “hành hương hoà bình” đến CHDC Congo và Nam Sudan từ ngày 31/1 đến 5/2/2023. Tại thủ đô Kinshasa của Congo ngài sẽ gặp các chính quyền dân sự, các nạn nhân của cuộc xung đột ở miền đông và các Giám mục. Trong cuộc viếng thăm Nam Sudan từ ngày 3 đến 5/2/2023, Đức Thánh Cha sẽ ở tại thủ đô Juba, gặp gỡ các nhóm dân sự và Giáo hội, trong đó có những người di tản nội địa. Sau Thánh lễ vào sáng Chúa Nhật 5/2/2023 Đức Thánh Cha sẽ trở về Rôma.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha cảm ơn các chính quyền dân sự và các Giám mục của cả hai quốc gia đã mời ngài viếng thăm cũng như đã chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha cũng chân thành chào những người dân thân yêu đang chờ đợi ngài, những người dân ở những miền đất đau khổ vì những cuộc xung đột kéo dài. Ngài lưu ý rằng CHDC Congo “đang phải chịu đựng các cuộc đụng độ vũ trang và bị khai thác bóc lột, đặc biệt là ở phía đông của đất nước”, trong khi Nam Sudan đã “bị tàn phá bởi nhiều năm chiến tranh” và “mong muốn chấm dứt tình trạng bạo lực liên tục buộc nhiều người phải di tản và sống trong những điều kiện cực kỳ khó khăn.”
Đức Thánh Cha cũng nhắc rằng ngài sẽ đến Nam Sudan cùng với Đức Tổng Giám mục Anh giáo Justin Welby và vị điều hành Tổng công nghị của Giáo hội Scotland. Ngài nói: “Chúng tôi sẽ cùng nhau, như những người anh em, thực hiện cuộc hành hương đại kết hoà bình.”
Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người đồng hành với chuyến tông du của ngài bằng lời cầu nguyện.
Hồng Thủy - Vatican News
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn