TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm B

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. (Ga 15, 9-17)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Điện thoại và tác hại khôn lường

24/04/2024 07:59:56 |   48

Điện thoại và tác hại khôn lường

QL 250424a


Cậu trai năm nay 15 tuổi. Cái tuổi trổ mã dậy thì tràn đầy nhựa sống, tụ tập bạn bè, tung tăng bay nhảy… nhưng với em thì ngược lại. Đã nhiều năm nay em chỉ biết cúi mặt tương giao với chiếc smartphone. Khi bố mẹ nhận ra sự bất thường nghiêm trọng của con mình, họ tước điện thoại cách thô lỗ trên tay em. Một vài tiếng sau cả nhà chết ngất khi thấy em treo cổ bằng cái khăn quàng học trò.

Chuyện mới xảy ra nơi xứ cũ tôi đã mục vụ mấy năm trước. Em là một trong rất nhiều “con nghiện điện thoại” mà tôi chứng kiến ở các nơi mình đã đến. Thật đáng buồn là vùng quê ngày càng nhiều các em nghiện thứ này. Nơi sông nước ruộng đồng mênh mông thỏa sức bay nhảy. Nhưng thiên nhiên kỳ diệu vĩ đại đó không đủ sức hấp dẫn các em bằng những sản phẩm nhân tạo, cái có thể thỏa mãn tính hiếu kỳ, hiếu thắng của những tâm hồn ngây ngô bước chập chững vào đời.

Lý giải cho tình trạng trẻ em nghiện Smartphone thì cả một khoa tâm sinh lý vào cuộc. Tôi thì dựa trên kinh nghiệm thực tế, thấy đây là “trách nhiệm của phụ
huynh”: Sinh ít con nên chiều chuộng, tâm lý mình nghèo sợ con thua thiệt bạn bè, hay quá bận rộn công việc và sự kiện nên trao con cho điện thoại trông coi dùm…

Cậu thanh niên 25 tuổi gần nơi tôi ở, khoảng 1 năm nay đã “bỏ mọi sự mà theo Game”. Nửa đêm cả xóm hoảng hốt vì tiếng la thất thanh của cậu, bởi lúc đó cậu đang cao trào và nhập hồn vào nhân vật trên Game. Góp ý với phụ huynh là muốn cứu cậu cứ đuổi ra khỏi nhà, không ai nấu cơm cho ăn… để đói và thiếu thốn phải tự làm mà mưu sinh. Nhưng cả nhà bạc nhược không ai dám làm điều đó. Sẽ có ngày người thân hóa nhân vật phản diện trên game, và lãnh những nhát dao của “người anh hùng ảo tưởng”.

Chiều con cách mê muội của phần đông phụ huynh hiện nay thật đáng báo động. Xã hội vô thần thụ hưởng, “chỉ có ta và nòi giống nhà ta” là trên hết. Sinh một hai đứa con rồi quy chiếu tất cả vinh quang và danh dự dòng họ về nó. Đứa trẻ chưa ra đời thì bố mẹ đã quần quật cày đủ cách để nó có miếng đất hay tài khoản ngân hàng làm của hồi môn. Cả dòng họ hướng trọn tâm hồn về nó. Đứa trẻ chỉ biết nhận mà không biết cho đi sẽ trở nên ích kỷ. Lỗi không phải ở nó mà ở “hệ thống”.

Cũng phải công nhận một phần tại cái con Covid. Những ngày dịch bệnh chôn chân trong nhà, niềm vui đặt trọn vào Smartphone. Không còn được đến trường, thầy cô bạn bè, lớp học sân trường… đã hóa thành thiết bị công nghệ. Tuổi trẻ là cây non, uốn sao dáng vậy. Khi
đã thành hình thành dạng, muốn sửa không dễ chút nào.

Yêu cực đoan và ghét tàn bạo (đánh đập con trẻ đến chết, đóng đinh vào đầu, chọi con xuống sông…), có chăng những phụ huynh trẻ ngày nay cũng là nạn nhân của cái thời “mỗi gia đình chỉ một con”, và “con tôi là tất cả”! Lợi đâu không thấy, chứ nước mắt rơi vì con cái nghiện ngập, tự kỷ, thiếu nhân cách… đang đày đọa biết bao gia đình trong xã hội này.

Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây