Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 19/04/2023 10:04 |
691
Trong suốt hành trình dài của cuộc đời, Đức Bênêđictô XVI rất quan tâm đến Phụng vụ của Giáo hội. Thật vậy, tập sách được chuyển ngữ đầu tiên trong số các tác phẩm được sưu tập của ngài là tập XI, bao gồm những suy tư của ngài về chủ đề này. Phụng vụ là một trong những đề tài chính trong các bài viết và suy tư thần học và là một trong những trụ cột trong tư tưởng của Đức Bênêđictô.
Đức Bênêđictô XVI: Những nguyên tắc căn bản của phụng vụ
(Hình: Alfa Y Omega)
ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI: NHỮNG NGUYÊN TẮC CĂN BẢN CỦA PHỤNG VỤ Lm. Edward McNamara, LC[1]
WHĐ (18.04.2023) – Trong suốt hành trình dài của cuộc đời, Đức Bênêđictô XVI rất quan tâm đến Phụng vụ của Giáo hội. Thật vậy, tập sách được chuyển ngữ đầu tiên trong số các tác phẩm được sưu tập của ngài là tập XI, bao gồm những suy tư của ngài về chủ đề này. Phụng vụ là một trong những đề tài chính trong các bài viết và suy tư thần học và là một trong những trụ cột trong tư tưởng của Đức Bênêđictô.
Trong cuốn tự thuật, Joseph Ratzinger diễn tả món quà tặng là cuốn sách lễ Schott đã giúp ngài khám phá ra Phụng vụ như một hồng ân ra sao. Ngài cho biết mối quan tâm của mình đối với các chủ đề Phụng vụ khởi đi từ việc ngài đọc tác phẩm Tinh thần Phụng vụ của Romano Guardini. Đối với ngài, tác phẩm tinh túy này: “Là sự khám phá về một thế giới mới, về Phụng vụ đích thực… về Phụng vụ như một thế giới biểu tượng chứa đầy thực tại, đầy ý nghĩa”. Tuổi trẻ của ngài trùng hợp với những đóng góp quan trọng của phong trào Phụng vụ Đức mà đỉnh cao là những cải cách của Công đồng Vatican II mà ngài hầu hết tán thành và chấp nhận.
Trong tư tưởng của Đức Bênêđictô, Phụng vụ không phải là một chủ đề bên lề, nhưng khái niệm của một người về Giáo hội và về mối tương quan của nhân loại với Thiên Chúa phần lớn phụ thuộc vào khái niệm căn bản về Phụng vụ. Trong phần dẫn nhập của tập XI, Đức Bênêđictô khẳng định rằng ngài quan tâm đến Thần học cơ bản hoặc câu hỏi “Tại sao chúng ta tin?” một cách tự nhiên dẫn đến câu hỏi về sự đáp trả đúng đắn đối với Thiên Chúa. Nền tảng cơ bản này của Phụng vụ là điểm cốt lõi đối với tư tưởng và là nền tảng cho những kết luận thực tiễn của ngài. Đức Bênêđictô đã phát triển thần học của mình theo cách độc đáo với sự kết hợp giữa nền tảng thần học Kinh thánh vững chắc và sự cởi mở đối với sự phát triển hữu cơ thực sự kết hợp với tình yêu truyền thống, và điều mà chúng ta có thể gọi là thực tại thần nghiệm về sự hiện hữu của Kitô giáo. Với lối nhìn này, chúng ta có thể khám phá những nguyên tắc căn bản trong Thần học Phụng vụ của Đức Bênêđictô.
1. “Sự ban tặng” của Phụng vụ
Khía cạnh đầu tiên mà chúng ta có thể thấy là Đức Bênêđictô nhấn mạnh đến sự thật đó là, Phụng vụ, về bản chất, là một điều gì đó được ban tặng chứ không phải do con người tạo ra mặc dù sự đóng góp của con người là cần thiết.
Trước hết, Phụng vụ là kết quả của sáng kiến thần linh. Khi nghiên cứu bản văn Xh 7, 16 "Hãy thả dân Ta ra, để chúng đi thờ phượng Ta trong sa mạc" Ratzinger chỉ ra ba kết quả:
- Dân chúng không chỉ nhận được Hướng dẫn về sự thờ phượng mà còn nhận được quy tắc của cuộc sống.
- Chính qua quy tắc này, một dân tộc được hình thành với tư cách là một dân tộc nhận được mảnh đất nội tâm của mình.
- Ba khía cạnh: thờ phượng, luật pháp và luân lý đạo đức được đan xen trong Giao ước và nguyên tắc này vẫn luôn có giá trị mặc dù có một số khác biệt trong Kitô giáo.
Ngài lưu ý rằng bất cứ khi nào dân Israel thất bại trong sự thờ phượng đích thật, thì họ sẽ mất tự do về tinh thần cũng như thể chất. Vì thế, ngài có thể nói rằng: “Sự thờ phượng chính yếu bao hàm trật tự của toàn bộ cuộc sống con người theo nghĩa của Irenaeus. Có thể nói, con người trở nên vinh quang của Thiên Chúa là đặt Thiên Chúa vào trong ánh sáng (và đó là ý nghĩa của sự thờ phượng), khi con người sống hướng về Thiên Chúa. Mặt khác, đúng thực là luật pháp và đạo đức không gắn kết với nhau khi chúng không được gắn chặt vào trung tâm Phụng vụ và không được truyền cảm hứng từ Phụng vụ”.
Do đó, câu trả lời đầu tiên cho thực tại được tìm thấy trong Phụng vụ là chỉ khi mối tương quan của con người với Thiên Chúa đúng đắn thì các mối tương quan khác của con người mới có trật tự tốt đẹp. Điều này cũng có nghĩa là Phụng vụ không thể là một sáng tạo đơn thuần của con người, một việc làm tùy ý: “Chính chúng tôi cũng không biết phải dâng gì cho Ðức Chúa, bao lâu chưa đến đó” (Xh 10, 26).
Điều này cũng có nghĩa là cộng đoàn Kitô hữu không tự tạo ra mình nhưng đón nhận sự hiện hữu của mình như một quà tặng của Thiên Chúa và dâng trao lại quà tặng này cho nguồn cội của mình. Vì Phụng vụ được trao ban, Đức Bênêđictô đã khám phá câu hỏi là dâng lên cái gì, hay đúng hơn là dâng lên cho ai trong Phụng vụ. Câu trả lời của ngài là sự thờ phượng Kitô giáo xuất hiện nhờ Đức Kitô.
2. Phụng vụ như là hiện thân của mầu nhiệm Đức Kitô
Vai trò trung tâm của Đức Kitô là điều thiết yếu để hiểu Thần học Phụng vụ của Đức Bênêđictô. Điều này dựa trên hai điểm chính là Mầu Nhiệm Nhập Thể và Mầu Nhiệm Vượt Qua.
Đức Bênêđictô chú giải về Ga 1, 14: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người” và kết luận rằng: “Ngôi Lời mà sự thờ phượng của Kitô giáo nói đến trước hết không phải là một bản văn, mà là một thực tại sống động: một Thiên Chúa, Đấng tự truyền đạt ý nghĩa, và Đấng truyền đạt chính mình bằng cách trở thành một con người. Sự nhập thể này là lều thánh, tâm điểm của mọi sự thờ phượng, vốn nhìn vào vinh quang của Thiên Chúa và tôn vinh Ngài”.
Tuy nhiên, Nhập thể chỉ là chuyển động đầu tiên và chỉ có thể được hiểu trong ánh sáng của Thập giá và Phục sinh. Đây là dòng chuyển động sắp đặt Phụng vụ. Trong khái niệm về hy tế của Kitô giáo, một khái niệm đã chiếm lĩnh suy tư của ngài trong hơn 50 năm, Ratzinger tập hợp nhiều suy tư về Bữa Tiệc Ly khi nói rằng, vào thời điểm trung tâm của lịch sử: “Giao ước mới cũng được hoàn thành và kết thúc bằng một hy tế mới đích thực: hiển nhiên là Chúa Giêsu, Đấng đã hiến dâng mạng sống mình, là sự thờ phượng đích thực và sự tôn vinh đích thực đối với Thiên Chúa”. Do đó, ngài khẳng định rằng trong Bữa Tiệc Ly và trên Thập giá, Đức Kitô là Chiên Vượt qua và là Ađam mới, Đấng đi vào bóng tối của giấc ngủ của sự chết, và do đó, bắt đầu một nhân loại mới. Chính Đức Kitô truyền rằng hy tế này phải được lặp lại để tưởng nhớ đến Người, do đó, làm cho hy tế của Người hiện diện xuyên suốt lịch sử.
Cùng với thần học về Hy tế, Đức Bênêđictô luôn phát triển tầm quan trọng trung tâm của sự Phục sinh đối với nền tảng và nhận thức về các Bí tích và đời sống Phụng vụ. Như ngài đã viết: Sự tự hiến của Đức Kitô sẽ trở nên vô nghĩa nếu cái chết là tiếng nói cuối cùng. Vì thế, chỉ qua sự Phục sinh, giao ước mới được hiện hữu một cách trọn vẹn. Giờ đây, con người được kết hiệp vĩnh viễn với Thiên Chúa. Giờ đây, cả hai thực sự gắn bó với nhau không thể tách rời. Như vậy, ngày Phục sinh là ngày Sabbat mới. Đó là ngày mà Chúa đến giữa dân của Người và mời họ tham gia vào “Phụng vụ”, vào việc tôn vinh Thiên Chúa, và vào việc Người thông ban chính mình cho họ.
Từ hai chủ đề trung tâm, Đức Bênêđictô rút ra những khái niệm then chốt khác mà chúng ta có thể phác thảo một cách ngắn gọn.
3. Chiều kích vũ trụ và thời gian
Thực tại đầu tiên là vũ trụ và thời gian mà trong đó diễn ra Phụng vụ. Đối với Đức Bênêđictô, Phụng vụ Kitô giáo là một Phụng vụ vũ trụ bao trùm toàn thể tạo vật.
Nguyên lý mang tính vũ trụ này biểu lộ trực giác rằng Con người hiện hữu vì Thiên Chúa. Trình thuật sáng tạo trong sách Sáng thế chương 1 mạc khải rằng sự sáng tạo xuất hiện để thiết lập giao ước và do đó hướng tới ngày Sabát, vốn là dấu chỉ của giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Sau đó, điều này chắc chắn dẫn đến sự thờ phượng, mà một cách cơ bản: “Hệ tại… sự kết hợp của con người và tạo vật với Thiên Chúa. Thuộc về Thiên Chúa không liên quan gì đến sự hủy diệt hoặc không hiện hữu, đúng hơn nó là một cách thức hiện diện”. Thuộc về Thiên Chúa có nghĩa là thoát ra khỏi trạng thái của sự tách biệt, của sự tự quản hiển nhiên, của sự hiện hữu cho chính mình và trong chính mình. Thuộc về Thiên Chúa có nghĩa là từ bỏ mình như là cách thế duy nhất để tìm lại chính mình (x. Mc 8, 35; Mt 10, 39). Đó là lý do tại sao Thánh Augustinô nói rằng “hy tế” đích thực là civitas Dei, nghĩa là nhân loại được tình yêu biến đổi, sự thần hóa của thụ tạo, và sự quy phục của muôn loài đối với Thiên Chúa: Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài (x. 1Cr 15, 28). Đó chính là mục đích của thế giới. Đó là cốt lõi của sự thờ phượng.
4. Chiều kích Giáo hội học
Ratzinger là người đi tiên phong trong lĩnh vực Giáo hội học, đặc biệt là trong việc đưa ra khái niệm về sự Hiệp thông. Tuy nhiên, quan niệm về Giáo hội của ngài cũng liên quan mật thiết đến Phụng vụ và không thể tách rời khỏi Phụng vụ. Chẳng hạn, ngài nhấn mạnh đến mối dây được thiết lập bởi Bí tích Thánh Thể, mối dây quy tụ chúng ta thành một gia đình qua việc thông phần Mình và Máu Đức Kitô. Ngài khẳng định rằng: “tất cả các cộng đoàn cử hành Thánh Thể cùng nhau vẫn chỉ là một cộng đoàn, bởi vì thân thể của Đức Kitô chỉ là một, và do đó Dân Chúa chỉ có thể là một”.
Trong một diễn từ sau đó, Hồng y Ratzinger đã khai triển về khái niệm và ý nghĩa của sự Hiệp thông đối với đức ái và việc xây dựng tình liên đới dưới ánh sáng của thư 1Cr 10 và 1Ga 3-7. Giáo hội không phải là một thực tại thông qua chính quyền trung ương, mà đúng hơn: “Một trung tâm chung cho tất cả mọi người là khả thi vì Giáo hội luôn bắt nguồn từ một Chúa duy nhất, Đấng mà trong một tấm bánh duy nhất làm cho Giáo hội trở thành một thân thể. Đó là lý do tại sao sự hiệp nhất của Giáo hội sâu sắc hơn bất kỳ sự kết hợp nào của con người. Chính khi Thánh Thể được hiểu trong sự mật thiết trọn vẹn của sự kết hợp giữa mỗi cá nhân với Chúa, thì nó cũng tự động trở thành một bí tích mang tính xã hội ở mức cao nhất”.
5. Chiều kích cánh chung
Đức Hồng y Ratzinger coi phụng vụ Kitô giáo về cơ bản là Phụng vụ của một lời hứa được hoàn thành nhưng cũng là Phụng vụ của niềm hy vọng trong đó Đền thờ mới vẫn đang được xây dựng. Phụng vụ lữ hành sẽ chỉ được hoàn thành vào ngày tận thế. Bản văn sau đây minh họa rất rõ quan điểm của ngài về điều này: “Cuối cùng, yếu tính của Phụng vụ được tóm tắt trong lời nguyện cảm thán mà Thánh Phaolô (1Cr 16, 22) và Didache (10, 6) đã truyền lại cho chúng ta Maranatha – Chúa của chúng ta ở đây – Lạy Chúa, xin ngự đến! Ngay cả giờ đây, sự Quang lâm (Parousia) được hoàn thành trong Thánh Thể, nhưng theo cách này, Thánh Thể làm cho chúng ta hướng tới Chúa là Đấng sẽ đến; vì thế, Thánh Thể dạy chúng ta kêu lên: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Và Thánh Thể cho phép chúng ta nghe đi nghe lại câu trả lời và trải nghiệm điều này như là sự thật: “chẳng bao lâu nữa ta sẽ đến" (Kh 22, 17. 20).
6. Phụng vụ như là sự thờ phượng xứng hợp(Logiké latreia, Rm 12:1)
Nguyên tắc cuối cùng dẫn chúng ta đến câu trả lời cho câu hỏi người ta hy vọng đạt được điều gì qua sự thờ phượng. Đức Bênêđictô đã phát triển khái niệm quan trọng về Phụng vụ Kitô giáo như là sự thờ phượng đích thực, cũng như là sự thờ phượng xứng hợp (logiké latreia, rationabile obsequium).
Việc thờ phượng của Kitô giáo phải xứng hợp với Logos (Lời) và từ đó rút ra một số hệ quả: “Mối tương quan với một văn bản, tính hợp lý, tính dễ hiểu và sự đúng mực của Phụng vụ Kitô giáo”.
Phụng vụ có đặc tính của “từ ngữ”. Điều này không có nghĩa là Phụng vụ giảm thiểu thành từ ngữ đơn thuần như một biểu hiện của lý trí: “Hy tế là “lời”, lời cầu nguyện, đi từ con người lên đến Thiên Chúa, thể hiện toàn bộ sự tồn tại của con người và giúp con người trở thành lời (logos) trong mình. Chính con người, tuân theo logos và trở thành logos nhờ đức tin, mới là hy lễ đích thực, vinh quang đích thực của Thiên Chúa.” Theo cách này, triết học Hy Lạp về từ ngữ được đưa vào khái niệm và nâng nó lên thành một sự kết hợp thần bí với Logos.
Khái niệm về sự thờ phượng xứng hợp cũng được coi như là một hy tế trong đó từ ngữ không phải là một diễn ngôn đơn thuần mà là sự biến đổi bản thể của chúng ta thành logos “Do đó, Kinh nguyện Thánh Thể, “hy tế đích thực” là từ ngữ của Lời; trong đó nói lên Đấng, Lời, là sự sống”. Kinh nguyện Thánh Thể cũng là hy tế đích thực chứ không phải là sự trình bày về những ân ban.
Có nhiều kết luận thực tế và chữ đỏ bắt nguồn từ những nguyên tắc này, nhưng Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI thường than thở rằng những nhận xét về Thần học Phụng vụ của ngài thường bị mất hút vào những chi tiết vụn vặt của những quan tâm mang tính thực hành về chữ đỏ. Chúng ta hy vọng rằng việc nhắc lại đôi chút những nguyên tắc cơ bản trong di sản thần học sâu sắc của Đức Bênêđictô sẽ là một sự tri ân nhỏ đối với vị giáo hoàng vĩ đại, người đã để lại dấu ấn vững bền trong lịch sử của Thần học và của Giáo hội.