Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.vn


Ngày Tĩnh huấn Giáo lý viên GP.BMT

Sáng ngày 15/07/2025, hơn 3.300 giáo lý viên đã quy tụ về TTHH Lòng Chúa Thương Xót -Đồi Thánh Tâm, tham dự Ngày Tĩnh huấn với chủ đề: “Giáo lý viên Khơi Niềm Hy Vọng”.

TĨNH HUẤN GIÁO LÝ VIÊN GIÁO PHẬN BAN MÊ THUỘT: “GIÁO LÝ VIÊN KHƠI NIỀM HY VỌNG”

GLV 150725a

 

Sáng ngày 15/07/2025, tại Trung tâm Hành hương Lòng Chúa Thương Xót -Đồi Thánh Tâm GP.BMT, hơn 3.300 giáo lý viên từ khắp các Giáo xứ trong 8 Giáo Hạt đã quy tụ về tham dự Ngày Tĩnh huấn với chủ đề: “Giáo lý viên Khơi Niềm Hy Vọng”.

Vào lúc 8g00, nghi thức cung nghinh Á Thánh Anrê Phú Yên – bổn mạng Giáo Lý Viên khởi đầu Lễ Khai mạc Ngày Tĩnh Huấn. Sau đó là phần giới thiệu thành phần tham dự, diễn văn chào mừng của Cha GB. Nguyễn Văn Liêm -Trưởng Ban Giáo lý Đức Tin, và huấn từ khai mạc của Đức Cha Giáo phận. Chương trình xen kẽ các tiết mục văn nghệ, đặc biệt là đồng diễn bài ca chủ đề, làm nóng bầu khí của ngày gặp gỡ huynh đệ.

Trong bài giảng huấn trọng tâm, Đức Cha Giáo phận đã chia sẻ một cách cảm hứng và sâu sắc về hình mẫu sống động của người Giáo Lý Viên hôm nay: Á Thánh Anrê Phú Yên -vị tử đạo trẻ đầu tiên của Giáo hội Việt Nam.

Nói về chủ đề chính: “Khơi niềm hy vọng” nơi giáo lý viên, Đức Cha dùng  3 chữ “K”:
- Kỷ cương: Không phải kỷ luật cứng nhắc mà là sự đồng phục, đồng lòng, thể hiện tinh thần hiệp hành.
- Khiêm tốn: Nhận ra mình còn thiếu, còn kém để học hỏi và lớn lên. “Những điều tôi biết chỉ là hạt sương rơi, những điều tôi chưa biết là cả biển khơi ngàn trùng.”
- Kiên nhẫn: Kiên trì đồng hành với các em Giáo lý sinh trong học tập và đức tin.

Để “Khơi niềm hy vọng” nơi các em Giáo lý sinh, Đức Cha chia sẻ  3 chữ “G”:
- Gặp gỡ: Gặp thật sự, có tương tác, không chỉ là đến lớp và nói một chiều.
- Gần gũi: Hiểu hoàn cảnh, tâm lý, sở thích của từng em, sống như một người bạn.
- Gương sáng: Làm gương mẫu trong đời sống đức tin, lời nói đi đôi với việc làm.

Khơi niềm hy vọng là vì niềm hy vọng đã có sẵn do Chúa gieo, Giáo lý viên là người khơi lên nơi các em. Vai trò huấn giáo là chính yếu, dạy dỗ những người đã tin nhưng đang yếu đức tin. Giáo lý viên phải là chứng nhân sống động của Tin Mừng, trình bày về cuộc đời của Chúa Kitô.

Đức Cha nhấn mạnh: Á thánh Anrê Phú Yên là mẫu gương cho Giáo lý viên qua 3 danh xưng:
- Thầy giảng thánh thiện,
- Giáo lý viên nhiệt thành,
- Chứng nhân bất khuất.

Trước khi kết thúc bài giảng huấn, Đức Cha nhắc lại lời Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: “Ngày nay người ta thích thấy chứng nhân hơn là nghe thầy giảng, và nếu họ nghe thầy giảng là vì người ấy là một chứng nhân.”

 

Đức Cha Giáo phận giảng huấn 

Bài giảng huấn thứ hai, Cha Stephanô Nguyễn Văn Đậu trình bày về “Kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa lúc tạo dựng vũ trụ này”. Thiên Chúa tạo dựng con người trong tình yêu, để sống yêu thương nhau trong gia đình, xã hội, Giáo hội. Kinh Thánh dạy, con người chỉ là người quản lý của cải, không ai là chủ tuyệt đối, tất cả phải phục vụ người khác. Chúa Giêsu là mẫu gương sống đức tin cụ thể, yêu thương người nghèo, rao giảng cho người nghèo.

Học thuyết xã hội Công giáo xuất hiện như một tiếng nói Tin Mừng trong đời sống kinh tế, xã hội hiện đại. Trong đó, Ducat là cuốn sách học thuyết xã hội dành cho người trẻ. Nguyên tắc cốt lõi của học thuyết xã hộiNhân phẩm, Công ích, Bổ trợ, Liên đới. Đây không phải “con đường trung lập” giữa các chủ thuyết, mà là cách sống Tin Mừng một cách cụ thể và đạo đức.

Đức cố Giáo hoàng Phanxicô mời gọi Giáo hội phải ra khỏi mình, đến với những vùng ngoại biên, trở thành “Giáo hội bầm dập” vì yêu người nghèo. Kêu gọi người trẻ dấn thân trong xã hội, chính trị, kinh tế để làm sáng lên hy vọng và phẩm giá con người.

Người tín hữu Công giáo cần phải giàu, giỏi, khỏe để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Đức tin phải đi liền với hành động, nếu không yêu thương, liên đới thì chưa thật sự nhận biết Thiên Chúa. Người Kitô hữu không chỉ giữ đạo hình thức, mà phải sống Tin Mừng cách cụ thể bằng yêu thương, chia sẻ, liên đới và dấn thân trong xã hội, đặc biệt, hướng về người nghèo, người bị bỏ rơi.

 

Cha Stephanô Nguyễn Văn Đậu giảng huấn
 

Cha Stephanô Nguyễn Văn Đậu giảng huấn

Sau bài giảng huấn, Giáo lý viên của 8 Giáo Hạt sôi nổi tham gia Đố vui Giáo Lý.
 

Giáo lý viên sôi nổi tham gia Đố vui Giáo Lý

Đầu giờ chiều, các tham dự viên được hướng dẫn hồi tâm và lãnh nhận bí tích hòa giải trước khi tham dự Thánh lễ.

 

Đức Cha Giáo phận giảng lễ

Thánh lễ mừng kính Thánh Anrê Phú Yên -bổn mạng Giáo Lý Viên do Đức Cha Giáo Phận chủ tế.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha chia sẻ: Chiều ngày 26/7/1644, tại đất Phước Kiều – Đà Nẵng, một thanh niên 19 tuổi tên Anrê Phú Yên đã ngã xuống vì đức tin. Nhưng cái chết ấy không phải là chấm hết, mà là khởi đầu cho một thế hệ trẻ anh hùng, đứng lên sống đức tin cách can đảm và đầy hy vọng.

Ngài là chứng nhân tử đạo đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam, nhưng điều khiến ngài trở nên nổi bật không chỉ là máu đổ, mà là tình yêu của một người trẻ đã dám sống và chết vì Đức Kitô.

Từ gương sáng ấy, Đức Cha mời gọi Giáo Lý Viên canh tân đời sống phục vụ dựa trên 3 đức tính cốt lõi:

1. Hiếu học – Nền tảng vững chắc của sứ vụ
Anrê Phú Yên khát khao học hỏi lời Chúa, giáo lý, ngôn ngữ… Dù là người nhỏ tuổi nhất trong nhóm được Cha Đắc Lộ huấn luyện, ngài đã vượt lên vì lòng yêu mến. Là giáo lý viên, nếu không hiếu học, chúng ta không thể trao ban đức tin cách vững chắc. “Không ai có thể cho điều mình không có.”

2. Hăng say – Lửa thiêng của sứ mạng
Dù chỉ sống đức tin trong 3 năm, nhưng ngài đã dấn thân trọn vẹn: phục vụ, rao giảng, sống khiêm tốn và luôn sẵn sàng. Một giáo lý viên không thể sống lừng chừng, nguội lạnh, mà phải là người cháy hết mình vì sứ vụ.

3. Hy sinh – Tình yêu được thử thách bằng hiến dâng
Ngài không chết vì bắt buộc, nhưng xin thay cha Đắc Lộ. Ngài tự nguyện hiến thân đến cùng, chấp nhận cái chết để bảo vệ sứ vụ. Ngài sống theo đúng tinh thần của Đức Kitô: yêu thương đến cùng, không giữ lại gì cho mình. “Tình yêu đáp đền tình yêu” -Đó là mẫu gương sống đạo của người Giáo Lý Viên hôm nay.

Tử đạo hôm nay không còn là đổ máu, nhưng là biết hy sinh từng ngày: thời gian, công sức, sự thoải mái cá nhân… để phục vụ các em nhỏ và cộng đoàn.

Nếu Anrê Phú Yên là nhân chứng thứ nhất, thì hôm nay, mỗi giáo lý viên chúng ta được mời gọi là nhân chứng thứ “n”, chứng nhân tiếp nối. Không nhất thiết phải đổ máu, nhưng phải dám “mất”, mất thời gian, mất thoải mái, để “được” ơn cứu độ và nước trời.

Nguyện xin Á Thánh Anrê Phú Yên giúp chúng ta, biết học hỏi, nhiệt thành và dấn thân đến cùng trong đức tin để chúng ta có được niềm vui như Đức Giêsu đã nói: “Các con hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”.

Trước khi kết lễ, Ban tổ chức cử hành Nghi thức trao Thánh Giá cho Ban Giáo lý Giáo hạt Gia Nghĩa, và Nghi thức Sai Đi cho các tham dự viên.

Ngày Tĩnh huấn bế mạc sau vũ khúc: “Hãy ra đi và làm như thế”. Mọi người ra về với Ơn Toàn xá Năm Thánh và nhiều ơn thiêng liêng.

 

 

 

 

 

 

 

HÌNH ẢNH

Bài viết: Tuyết Nhung
Hình ảnh: Tiến Hùng

Video trực tuyến: Nhóm Media

VIDEO Ngày Tĩnh huấn

 



 

Tác giả bài viết: Tuyết Nhung

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây