Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.vn


Nối dài Nhập thể

Giáo phận Mỹ Tho vui mừng có thêm 8 tân linh mục. Thánh Lễ truyền chức được cử hành tại Nhà thờ chính tòa vào ngày 29 tháng 12, trong tuần Bát nhật lễ Giáng Sinh.
Nối dài Nhập thể

NỐI DÀI NHẬP THỂ


WGPMT (02.01.2023) - Giáo phận Mỹ Tho vui mừng có thêm 8 tân linh mục. Thánh Lễ truyền chức được cử hành tại Nhà thờ chính tòa vào ngày 29 tháng 12, trong tuần Bát nhật lễ Giáng Sinh.



Cử hành lễ truyền chức trong tuần Bát nhật lễ Giáng Sinh là cơ hội để suy nghĩ về chức linh mục trong ánh sáng mầu nhiệm Nhập Thể. Trong bốn sách Tin Mừng, chỉ có thánh Matthêu và Luca viết Trình thuật thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Tin Mừng Gioan không có trình thuật này, thay vào đó, Lời Tựa của Tin Mừng thứ IV (1,1-18) là những suy niệm hết sức phong phú về mầu nhiệm Nhập Thể, được Hội Thánh chọn đọc vào chính lễ Giáng Sinh.

Trong Lời Tựa này, ngay ở câu đầu tiên, thánh Gioan khẳng định Ngôi Lời là Thiên Chúa: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (1,1). Đến câu 14, thánh Gioan viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cắm lều giữa chúng ta”. Ngôi Lời là Thiên Chúa chí thánh chí tôn nhưng Ngài đã trở nên người phàm, nên giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Đấng Thiên Chúa đã nên người phàm ấy có tên gọi cụ thể là GIÊSU, sinh ra ở một nơi cụ thể là BELEM, lớn lên ở một nơi cụ thể là NAZARETH, hoạt động ở một nơi cụ thể là Palestina.

Thiên Chúa vô hình đã trở thành hữu hình để con người có thể thấy, nghe, chạm vào Ngài (x. 1Ga 1,1). Bàn chân Đức Giêsu đi khắp nơi trong đất nước Palestina và đó chính là bàn chân Thiên Chúa đến thăm dân Người. Môi miệng Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng Nước Trời và đó chính là Lời hằng sống của Thiên Chúa. Bàn tay Đức Giêsu xoa dịu và chữa lành những thương tích của con người và đó chính là sự chữa lành, tha thứ của Thiên Chúa.

Thế nhưng khi xuống thế làm người, Thiên Chúa cũng phải chấp nhận những giới hạn của phận người: giới hạn không gian vì Ngài không thể có mặt mọi nơi cùng một lúc, giới hạn thời gian vì Ngài cũng phải kinh qua cái chết như mọi người. Chính vì thế mầu nhiệm Nhập Thể cần được tiếp nối qua các thời đại cho tới ngày Chúa đến. Hội Thánh chính là sự nối dài của mầu nhiệm Nhập Thể. Trong thư Epheso, thánh Phaolô nhắc lại lời Kinh Thánh: “Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt”. Rồi ngay sau đó, ngài nói thêm: “Mầu nhiệm này thật là cao cả, tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (5,31-32). Như thế, Hội Thánh là xương thịt, hiền thê của Đức Kitô. Hội Thánh có sứ mạng nối dài Nhập Thể, và khi nói đến Hội Thánh là nói đến mỗi tín hữu vì chúng ta là những chi thể trong thân thể Đức Kitô.

Trong lòng Hội Thánh, sứ mạng này được trao cách riêng cho các linh mục. Linh mục được trao trách nhiệm nối dài Nhập Thể vì qua Bí tích Truyền Chức Thánh, linh mục có thể hành động trong tư cách của Chúa Kitô, in persona Christi. Khi cử hành Thánh Lễ, chính Chúa Kitô dùng môi miệng linh mục mà nói: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”. Trong Tòa giải tội, chính Chúa Kitô nói với hối nhân qua môi miệng linh mục: “Cha tha tội cho con”. Chúa Kitô muốn dùng con người linh mục – một con người với những bất toàn và khiếm khuyết, để con người ấy trở thành phương thế hữu hình chuyển thông ân sủng vô hình của Thiên Chúa cho anh chị em mình. Tắt một lời, linh mục có sứ mạng nối dài mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, sứ mạng hết sức cao cả.

Ý thức được sứ mạng cao cả ấy, các linh mục phải có tâm tình nào nếu không phải là khiêm tốn và cậy trông! Đúng thế, tâm tình của tiên tri Gieremia phải là tâm tình căn bản của linh mục: “Lạy Chúa, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói” (1,6)! Ý thức sự nghèo nàn của mình dẫn linh mục đến thái độ trông cậy vào Chúa, Đấng đã nói với Gieremia và cũng nói với linh mục: “Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (1,7). Đừng bao giờ nghĩ rằng mình tài giỏi và tự mình có thể làm được mọi sự. Dựa vào sức riêng, có thể cũng có những thành công nhưng chỉ là những thành công bên ngoài về mặt thế gian và rất chóng qua, chứ không hẳn là những hoa trái lâu dài và có giá trị trước mặt Chúa.

Trông cậy và phó thác không có nghĩa là không làm gì cả. Điều cần thiết nhất cho linh mục là gắn kết sâu xa với Đức Kitô mỗi ngày một hơn. Làm sao linh mục có thể hành động như hiện thân của Đức Kitô nếu không gắn kết với Ngài vì chính Chúa đã dạy: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15,4). Những lời hứa khi chịu chức linh mục: cầu nguyện, hi sinh, vâng phục…đều là những phương thế giúp linh mục ngày càng “liên kết mật thiết hơn với Đức Kitô Thượng Tế, và cùng với Ngài hiến thân cho Thiên Chúa để cứu độ loài người” (Nghi thức truyền chức linh mục).

Hội Thánh Việt Nam vui mừng vì có nhiều ơn gọi linh mục đang khi nhiều nơi trên thế giới phải đối diện với khủng hoảng về ơn gọi. Nhưng điều cần hơn nữa không chỉ là số lượng mà còn là các linh mục có phẩm chất về mọi mặt: nhân bản, trí thức, thiêng liêng, mục vụ, tinh thần truyền giáo. Cùng với tâm tình tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo phận thêm nhiều linh mục, chúng ta cầu xin Chúa cho các tân chức thực sự là những linh mục theo lòng Chúa ước mong và Dân Chúa mong chờ.

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm 

Nguồn: giaophanmytho.net

Tác giả bài viết: Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm 

Nguồn tin: HĐGMVN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây