Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.vn


Tòa Thánh và chiến tranh tại Ucraina

Ngành ngoại giao Tòa Thánh có thể làm được gì trong lúc này trước chiến tranh tại Ucraina?
Tòa Thánh và chiến tranh tại Ucraina

Ngoại giao Tòa Thánh và chiến tranh tại Ucraina

Ngành ngoại giao Tòa Thánh có thể làm được gì trong lúc này trước chiến tranh tại Ucraina?

Viễn tượng không sáng sủa

Đó là câu hỏi lớn đang được đặt ra. Hôm 8/3 vừa qua, ĐHY Parolin Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã điện đàm với ngoại trưởng Nga Sergej Lavrov và chiều hôm sau 9/3, trong cuộc gặp gỡ giới báo chí tại đại học Angelicum, bên lề buổi thuyết trình của ngài tại đây, ĐHY tỏ ra báo động vì tình trạng chiến tranh ở Ucraina chưa có viễn tượng nào thoát ra được. Trong bao nhiêu năm, chưa bao giờ ĐHY thấy như thế, đó là một dấu hiệu chứng tỏ ngành ngoại giao gặp khó khăn, quay vòng vòng mà không kết quả gì. Ngay cả các thỏa thuận về hành lang nhân đạo cũng không hoạt động. ĐHY Parolin nói: “Cần có sự sẵn sàng thương thảo và tìm những thỏa thuận, nhưng nếu mỗi người đều cố thủ trong lập trường của mình, thì khi đó chẳng còn có gì có thể làm và chiến tranh ngày càng trở nên chết chóc hơn, với viễn tượng có thể lan rộng. Tôi hy vọng là không xảy ra như vậy”.

Quả thực, chiến tranh tại Ucraina chuẩn bị tiến sang ngày thứ 20 nhưng chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ có ánh sáng “ở cuối đường hầm”. Trái lại, dường như chiến tranh tiếp tục tăng cường độ với sự cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ucraina để chống lại cuộc xâm chiếm của Nga tại nước này. Tuy một số cuộc đàm phán đã diễn ra giữa phái đoàn Nga và Ucraina, nhưng chưa có tiến bộ nào đáng kể và một cuộc ngừng chiến ngày càng có vẻ xa vời. Làn sóng người tị nạn ngày càng gia tăng.

Cũng trong bối cảnh trên đây, có những người trách cứ tại sao Đức Thánh Cha và Tòa Thánh chưa một lần nào đích thị nêu tên nước Nga và tố giác chính sách xâm lược của nước này.

Để hiểu thái độ và chủ trương và hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh đối với chiến cuộc tại Ucraina, ký giả Christopher Lamb của tạp chí Công Giáo “The Tablet” ở Anh quốc đã phỏng vấn Đức TGM Claudio Gugerotti, Sứ thần Tòa Thánh tại London và phổ biến hôm 10/3 vừa qua.

Thân thế Đức Sứ Thần Gugerotti

Đức TGM Gugerotti người Ý, năm nay 67 tuổi (1955), sinh trưởng tại thành phố Verona, vốn là một chuyên gia về phụng vụ Đông phương đã từng phục vụ tại Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, và làm giáo sư tại Giáo Hoàng Học viện Đông phương ở Roma trước khi được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Armeni, Giorgia, và Azerbaigian từ năm 2001 đến 2011, sau đó chuyển sang Belarus từ năm 2011 đến 2015, rồi làm Sứ thần Ucraina cho đến 2020 thì được chuyển sang London. Đức TGM thông thạo tiếng Anh, Nga, Armeni và Pháp.

Khi ngài làm sứ thần tại Georgia có xảy ra xung đột giữa Nga và Georgia năm 2008. Khi ở Belarus, ngài là nhà ngoại giao duy nhất có thể viếng thăm các tù nhân chính trị tại nước này và đã từng gặp tổng thống Putin cũng như ngoại trưởng Nga Lavrov. Cuối năm 2020, Đức TGM Gugerotti được Tòa Thánh đặc biệt phái tới Belarus để thương thảo với tổng thống Lukashenko về việc ông cấm Đức TGM Tadeusz Kondrusiewicz, Chủ tịch HĐGM Belarus, không được về nước. Ít lâu sau cuộc gặp gỡ đó, chính phủ Belarus đã để Đức TGM được trở về Belarus.

Ngoại giao Vatican

Ký giả Christopher Lamb nhận xét rằng Tòa Thánh có nhiều kinh nghiệm làm trung gian trong các cuộc xung đột. Đức Thánh Cha Phanxicô đã giúp bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba, làm dịu bớt cam go trên con đường dẫn tới các cuộc bầu cử tại Cộng hòa Trung Phi, và đưa các lãnh tụ chiến tranh tại Nam Sudan xích lại gần nhau. Phần lớn các hoạt động này diễn ra âm thầm, đằng sau hậu trường quốc tế.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Sứ thần Gugerotti nhắc lại rằng “đã có nhiều cố gắng của Tòa Thánh nhắm tránh các cuộc chiến tranh như hiện nay tại Ucraina. Trong các nỗ lực đó, có khi Tòa Thánh thành công, có khi không. Nhưng nguyên sự kiện Nga chấp nhận Tòa Thánh, đặc biệt là Đức Giáo Hoàng Phanxicô như một người đối thoại, đó đã là một điều rất đặc biệt vì những gì xảy ra trong các cuộc chiến tranh này là không ai tìm kiếm một người đối thoại. Mỗi người chỉ tìm kiếm kẻ thù”.

Mùa hè vừa qua, Tổng thống Zelensky của Ucraina đã nói rằng Vatican sẽ là một chỗ lý tưởng để nói chuyện với Nga, và ông ngụ ý rằng có một đề nghị để các vị lãnh đạo ký kết một hòa ước tại Roma, tuy rằng thực tế điều này đã không xảy ra được.

Đức Thánh Cha đã gặp tổng thống Putin của Nga 3 lần và Tòa Thánh có quan hệ ngoại giao với Nga cũng như với Ucraina. Trong khi người Ucraina nói họ chào đón sự trung gian của Tòa Thánh, Nga không cho thấy dấu hiệu nào về vấn đề này.

Đức TGM Gugerotti nói: “Tổng thống Putin nghe Đức Giáo Hoàng, nhưng tôi không thể nói gì thêm ngoài điều đó. Ông Putin có một sự kính trọng đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và uy tín tinh thần của ngài.”

Đức TGM cũng nhận xét rằng Đức Giáo Hoàng không hề là một nhà đối thoại chính trị, và không bao giờ dùng Giáo Hội để tạo sức ép trên một chính quyền, đó không phải là một chính sách đưa đến thành công. Nói khác đi cả hai bên đều cần sẵn sàng ngồi vào bàn. “Điều mà Đức Thánh Cha muốn tránh là tạo nên những chia rẽ. Khi có cả hai bên đều yêu cầu, Đức Giáo Hoàng có thể cho thấy vai trò của ngài là tích cực và ngài sẵn sẵng”.

Đức TGM Gugerotti nhắc lại rằng trước công đồng chung Vatican 2, ngoại giao Tòa Thánh nhắm phục vụ Giáo Hội, nay vai trò của Đức Giáo Hoàng và ngoại giao Tòa Thánh là trở nên một sự hỗ trợ cho hòa bình thế giới, và vì chúng ta đang ở trong một sa mạc các nhân vật tinh thần, vị trí của Đức Giáo Hoàng là một nhà lãnh đạo tinh thần trên thế giới và càng trở nên quan trọng hơn. Ngài tượng trưng một uy tín tinh thần, cả đối với những người không tín ngưỡng. Ngài không có gì để đổi chác, không tìm tư lợi, không vũ khí, không kiếm lợi lộc kinh tế. Những cố gắng của ngài chỉ là sức mạnh của Tin Mừng.

Lên án chiến tranh và các cuộc tấn công dân sự

Tuy không nêu đích danh Nga, nhưng trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6/3, Đức Thánh Cha chống lại tuyên truyền của Nga cho rằng chiến tranh tại Ucraina là một “cuộc chiến dịch quân sự”. Ngài gọi đích danh đó là một cuộc chiến tranh, “máu và nước mắt chảy thành sông”. Đó là ngôn từ nặng nhất ĐTC Phanxicô dùng cho đến nay, sau khi đã đích thân đến đại sứ quán Nga cạnh Tòa Thánh để bày tỏ lo âu của ngài trước chiến tranh tại Ucraina.

Tôn trọng con người

Về việc ĐTC Phanxicô bị một số người phê bình vì không minh nhiên quyết liệt lên án Nga hoặc tổng thống Putin, Đức TGM Gugerotti nói rằng lối tiếp cận của Đức Giáo Hoàng không phải là điều mới mẻ. Nhiều khi các vị Giáo hoàng cũng bị phê bình là không lên tiếng trong thời kỳ chiến tranh. Như trường hợp Đức Piô 12 bị phê bình là không mạnh mẽ lên tiếng chống lại những tàn bạo của Đức quốc xã, dù rằng ở hậu trường ngài đã cứu vớt nhiều người Do thái.

Đức TGM Gugerotti cũng giải thích rằng trong vấn đề làm trung gian, chúng ta cần rất thẳng thắn và loại bỏ những tội lỗi của con người. Chiến tranh ở Ucraina là điều kinh khủng và tuyệt đối không thể chấp nhận được. Nhưng đồng thời vai trò của Giáo Hội cũng là một “nhịp cầu tình thương và tôn trọng”, luôn tránh rơi vào những lời hùng biện. “Mục đích của Tòa Thánh luôn luôn là một khả thể cuối cùng khi mọi khả thể khác đã chấm dứt. Nếu bạn nói một lời loại trừ thì khả thể ấy không còn nữa.” Đức Giáo Hoàng và ngành ngoại giao Tòa Thánh luôn chứng tỏ rằng dù điều gì xảy ra đi nữa, các vị luôn tôn trọng mọi đối tác như một con người. Đó là điều kiện tiên quyết để có thể có một vai trò trong cuộc làm trung gian. Nếu phía thứ ba tuyệt đối loại bỏ một phía kia, coi họ là quái vật, thì người ấy không chấp nhận tham gia cuộc thương thảo vì cảm thấy không được chấp nhận. Vấn đề ở đây không phải là tìm kiếm những lời khen ngợi. Đức Giáo Hoàng cao tuổi rồi, ngài chẳng có vinh quang trần thế phải tìm kiếm. Giáo Hội sẽ tiếp tục bao lâu còn giữ vai trò là một nhà hướng dẫn tinh thần.”

G. Trần Đức Anh O.P

Nguồn tin: Vatican News

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây