Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.vn


Lời Chúa THỨ BA TUẦN 3 MÙA VỌNG

“…nó hối hận, nên lại đi.” (Mt 21, 9)

13/12/2022
THỨ BA TUẦN 3 MÙA VỌNG
Thánh Lucia, trinh nữ, tử đạo

t3 t3 MV

Mt 21, 28-32


HOÁN CẢI THẬT LÒNG
nó hối hận, nên lại đi. (Mt 21, 9)

Suy niệm: Trước lời mời gọi của người cha “này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”, hai người con trai có hai thái độ và hành động trái ngược nhau. Người con thứ nhất từ chối “con không muốn” nhưng lại làm theo ý cha. Người con thứ hai tỏ ra vừa lòng cha “Thưa ngài, con đây!” nhưng anh lại bất tuân ý cha. Chúa Giê-su dùng hai ảnh tương phản của hai người con trong dụ ngôn đó để cho thấy điều quan trọng chung cuộc là thực hành thánh ý Chúa. Và may mắn cho chúng ta là Ngài cho phép chúng ta rút lại lời nói “không” trước đó để thưa “có” với Chúa bằng chính hành động của mình. Như thế, ngay cả những người bị coi là tội lỗi cũng được có cơ hội: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21, 31). Bởi vì Thiên Chúa cần lòng nhân chứ không cần lễ tế, vì Ngài không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.

Mời Bạn: Chúa Giê-su chính là lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại. Nơi Chúa Giê-su, chúng ta nghiệm thấy: tất cả những người tội lỗi mà sám hối chân thành khi đến với Ngài đều được ơn tha thứ, ơn chữa lành và được sống một cuộc sống mới. Noi gương Chúa Giê-su, người Ki-tô hữu phải là cánh tay nối dài của Chúa đem tình yêu, lòng thương xót của Chúa đến cho tha nhân.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy thật lòng ăn năn sám hối chân thành mỗi khi phạm tội làm mất lòng Chúa và hãy có cái nhìn cảm thông, tha thứ, thương xót, chia sẻ… thay vì cái nhìn kết án, luận tội.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết tín thác vào lòng thương xót của Chúa, để con thật lòng sám hối ăn năn.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 3 MÙA VỌNG

Ca nhập lễ

Này Chúa sắp đến cùng với muôn thần thánh của Người và trong ngày ấy ánh sáng huy hoàng sẽ bừng lên.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một giáng trần để biến đổi chúng con thành tạo vật mới, thành những công trình của lòng Chúa yêu thương. Này chúng con đang chờ Người ngự đến, xin đoái nhìn và thanh tẩy chúng con khỏi mọi vết nhơ con người cũ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Xp 3, 1-2. 9-13

“Chúa hứa ban ơn cứu độ cho những người nghèo khó”.

Trích sách tiên tri Xôphônia.

Chúa phán: Khốn cho thành phản nghịch và ô uế, cho thành làm sự hung bạo. Nó không nghe lời, không chịu sửa dạy, không tin tưởng vào Thiên Chúa, không đến gần Chúa mình.

Bấy giờ Ta sẽ cho dân Ta môi miệng thanh sạch để mọi người kêu cầu danh Chúa và nhất tâm phụng sự Người. Từ phía bên kia các sông xứ Ethiôpi, con cái những kẻ tha hương kêu cầu Ta, đem lễ vật đến dâng cho Ta.

Ngày đó, ngươi sẽ không còn phải xấu hổ vì các lỗi lầm của ngươi đã phạm đến Ta. Vì Ta sẽ cất xa khỏi ngươi những kẻ chiến thắng kiêu căng và từ đây, ngươi sẽ mãi mãi được vinh quang trên núi thánh Ta. Ta sẽ để lại giữa ngươi một dân tộc nghèo khó và thiếu thốn và họ sẽ tin tưởng vào danh Chúa. Những người Israel còn sót lại sẽ không làm điều gian ác, không nói dối, người ta không thấy chúng nói lời phỉnh gạt. Chúng sẽ như đàn chiên ăn cỏ và nghỉ ngơi, và sẽ không ai làm phiền chúng.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 6-7. 17-18. 19 và 23

Ðáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe (c. 7a).

Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc; miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Ngài. Trong Chúa, linh hồn tôi hãnh diện. Bạn nghèo hãy nghe và hãy vui mừng. 

Xướng: Hãy nhìn về Chúa, để các bạn sẽ vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Ngài đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. 

Xướng: Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Ngài cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. 

Xướng: Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương tan nát. Thiên Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Ngài, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Ngài, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi. 

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Này đây Chúa đến để cứu dân Người; hạnh phúc thay những ai sẵn sàng đón rước Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 21, 28-32

“Gioan đến và những kẻ tội lỗi tin ngài”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn cho cha!” Nó thưa lại rằng: “Con không đi”. Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: “Thưa cha, vâng, con đi”. Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?” Họ đáp: “Người con thứ nhất”. Chúa Giêsu bảo họ: “Quả thật, Ta bảo các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ và những lời chúng con khiêm tốn nài van. Thật chúng con chẳng có công trạng gì mà chỉ trông chờ lượng từ bi ban ơn trợ giúp. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng I

Ca hiệp lễ

Vị Thẩm Phán chí công sẽ ân thưởng cân xứng cho những ai hết tình trông đợi Người ngự đến.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được tham dự mầu nhiệm thánh, và Chúa đã lấy bánh bởi trời mà nuôi dưỡng chúng con. Giờ đây, xin Chúa thương dạy dỗ để chúng con hằng khôn ngoan sáng suốt cân nhắc những thực tại trần gian và luôn thiết tha với những thực tại bền vững trên trời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CÁI BÊN NGOÀI KHÔNG CỨU ĐỘ ĐƯỢC LINH HỒN! (Mt 21,28-32)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Ngày nay, nhiều người Công Giáo vẫn có quan niệm gắn kết đời mình vào những chuyện sinh hoạt đoàn thể, họ rất đề cao những tổ chức bề ngoài… Điều này không có nghĩa là không tốt, nhưng không phải là chuyện tốt nhất! Bởi lẽ, nếu không chừng, chính những sinh hoạt đó sẽ dẫn chúng ta đến tình trạng sống đạo hình thức, bề ngoài, trên môi miệng!

Thật vậy, trong đời sống thực tế cho thấy, rất nhiều người tỏ vẻ năng nổ trong các đoàn thể, lễ hội… nhưng khi đối diện với những lựa chọn cốt lõi của Tin Mừng, họ thường là những người thua cuộc vì mọi chuyện của họ bị chi phối hoàn toàn thuần túy bởi việc giữ luật thuần túy, mà  không hề có khả năng đón nhận thánh ý Thiên Chúa trên cuộc đời của mình, nhất là khi gặp đau khổ, thử thách. Sự kiêu ngạo đã là ông chủ trong tâm hồn họ, nên chúng ta không lạ gì khi đối diện với Lời Chúa, họ cảm thấy xa lạ và không thể chấp nhận để Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời mình!

Nguyên nhân chính là việc giữ đạo của họ không có chiều sâu, Lời Chúa không bén rễ trong tâm hồn, vì thế, khi phong ba bão táp ập đến là họ sẵn sàng ngả theo chiều gió để cho nó cuốn đi.

Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu kể dụ ngôn: “Hai người con” để cảnh báo những Thượng tế và Kỳ mục trong dân về nguy cơ mất ơn cứu độ khi đang ở ngay trong nhà của mình. Còn những người tội lỗi như thu thuế và gái điếm lại là những người được ơn cứu độ trước họ vì họ có lòng khiêm tốn và sẵn sàng để cho Lời Chúa cật vấn lương tâm họ và khi nhận ra mình là người tội lỗi, họ đã khiêm tốn xin ơn tha thứ để được ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cẩn trọng trong lối giữ đạo. Nếu không, chúng ta là những người miệng thì lâm râm kinh sách tối ngày, nhưng những việc như bác ái, yêu thương, khiêm tốn… thì lại quá xa vời; hay đôi khi chúng ta chỉ giữ đạo trong nhà thờ, khi ra khỏi nhà thờ là chửi nhau, buôn gian bán lận, ăn chơi trác táng hạng sang…

Lạy Chúa Giêsu, trong tâm tình Mùa Vọng, xin Chúa ban cho mỗi chúng con biết nhìn lại lối sống đạo của mình. Biết đặt những giá trị tinh thần lên trên những chuyện hình thức bên ngoài. Luôn sống cốt lõi của luật hơn là những chuyện bề ngoài. Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Lucia, trinh nữ, tử đạo

Ca nhập lễ

Vị thánh này đã chiến đấu đến chết vì lề luật Chúa, và không sợ hãi lời đe doạ của những kẻ gian ác, vì người đã được xây dựng trên tảng đá vững chắc.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, hôm nay chúng con mừng kỷ niệm ngày thánh nữ Lu-xi-a đồng trinh, tử đạo, vinh hiển bước vào Trời. xin Chúa nhận lời người cầu thay nguyện giúp mà khơi lửa yêu mến trong lòng chúng con, để mai sau chúng con được chiêm ngưỡng Chúa vô cùng vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con ca tụng Chúa đã làm những việc kỳ diệu nơi thánh trinh nữ Luxia xin vui lòng chấp nhận lễ tế chúng con thành kính dâng lên Chúa và xin ban cho chúng con trung thành phụng sự Chúa suốt cả cuộc đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban lương thực bởi trời để chúng con được thêm sức mạnh. Xin cũng giúp chúng con, biết noi gương sáng của thánh trinh nữ Luxia là chỉ sống cho Chúa khi mang trong thân mình cuộc thương khó của Chúa Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ngày 13/12: Thánh Lucia – Trinh nữ, tử đạo (khoảng +304)

Lễ nhớ buộc

12906 St. lucia

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lòng sùng kính thánh nữ Lucia, tử đạo tại Syracusa (Sicilia), đã được chứng thực từ thế kỷ IV, và lễ nhớ ngài được ghi trong sách Tử đạo của thánh Hiêrônimô là vào ngày 13 tháng 12. Khoảng giữa thế kỷ VI, người ta vẽ hình thánh nữ trong cuộc rước các trinh nữ ở nhà thờ Saint-Apollinaire-le-Neuf ở Ravenne, và một bia chí được tìm thấy ở Syracusa trong hang toại đạo thánh Lucia có nguồn gốc từ thế kỷ V cho thấy hàng chữ “ngày lễ kính Bà Lucia”. Được tôn kính ở Rôma từ thế kỷ VI, tên của thánh Lucia được ghi vào lễ qui Rôma cùng với tên của các thánh Agata, A-nê và Cécilia.

Lòng sùng kính thánh Lucia được phổ biến khắp phương Tây và lan rộng tới cả các vùng Bắc Âu, tại đây lễ ngài được cử hành vào ngày đông chí, như muốn nói lên ánh sáng mặt trời ngài đem đến giữa đêm dài của các nước vùng Bắc Âu. Thực ra, tên Lucia bắt nguồn từ tiếng la tinh lux, có nghĩa là ánh sáng.

Chắc là thánh Lucia chịu tử đạo ở Syracusa, thành phố quê hương của ngài, vào khoảng năm 304, trong cuộc bách đạo của hoàng đế Diocletian (†305). Nhưng những câu chuyện nổi tiếng về cuộc tử đạo của ngài (thế kỷ V hay VI) đều mang dáng dấp những truyền thuyết. Sau đây là một vài chi tiết:

Ngài thuộc dòng họ quí tộc ở Syracusa, đã hứa hôn, nhưng Lucia tỏ lộ ước muốn hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa và đòi phần thừa kế di sản của mình để phân phát cho người nghèo. Người được hứa hôn với ngài tức giận đã tố cáo ngài với quan tổng trấn Syracusa là Paschasius, ông này kết án tống ngài vào chuồng sư tử. Nhưng khi người ta muốn lôi ngài tới đó, ngài chống trả quyết liệt: người ta nhổ răng, xẻo ngực ngài; người ta gọi các thày pháp tới, đưa những con bò tới… nhưng không gì có thể khuất phục nổi ngài. Theo một câu truyện, Lucia còn tự móc mắt mình gửi cho người hứa hôn, nhưng Đức Mẹ đã làm cho mọc ra hai con mắt đẹp hơn gấp bội. Sau cùng, người ta lấy gươm đâm vào cổ ngài, nhưng trước khi chết, ngài còn có thể rước Mình Thánh Chúa.

Di hài của ngài lúc đầu được tôn kính ở Syracusa, sau được dời về Constantinople rồi về Venise. Ở Napôli, người ta sùng kính cặp mắt ngài.

Các tranh ảnh vẽ cuộc tử nạn của ngài rất phong phú: Lucia đứng trước Paschasius, hay bưng chiếc đĩa để cặp mắt của ngài hay cầm cặp mắt ngài trong các ngón tay. Ngoài rất nhiều tranh ảnh khác, có các bức hoạ của Di Niccolo (New York), Zurbaran (Chartres), Furini (Rôma), Luini (Milan), Lotto (Jesi), Tiepolo (Venise), Caravage (Syracusa).

II. Thông điệp và tính thời sự

Trong Lời Nguyện thánh lễ, chúng ta xin Chúa “đốt cháy lòng sốt mến của chúng ta nhờ lời chuyển cầu của thánh Lucia”  khi chúng ta kính nhớ cuộc tử đạo của ngài. Cuộc tử nạn của trinh nữ thành Syracusa đã nuôi dưỡng sâu xa lòng đạo đức của các Kitô hữu qua nhiều thế kỷ. Đứng trước toà án, thánh Lucia tuyên bố: “Bây giờ tôi không còn gì để hi sinh, tôi dâng hiến bản thân tôi làm của lễ sống cho Thiên Chúa tối cao… Thánh Tông đồ đã nói: “Những ai sống trong sạch và đạo đức thì là đền thờ của Thiên Chúa, và Chúa Thánh Thần cư ngụ trong họ.” Thân xác chỉ bị ô uế nếu tâm hồn chiều theo… Nếu ông bắt tôi vi phạm ngược với ý tôi, thì sự trinh khiết của tôi sẽ mang lại cho tôi triều thiên đáng giá gấp hai.” Thánh Thomas Aquinô trích lại những lời sau cùng này và nói: “Không phải ngài nhận được hai hào quang của sự trinh khiết, nhưng ngài sẽ nhận được hai phần thưởng: một do sự trinh khiết mà ngài đã giữ được, và một do sự sỉ nhục mà ngài đã chịu.” (Summa theologiae, Suppl., q. 96, a. 5, ad 4).

Điệp ca của kinh Benedictus nhấn mạnh sự hiến mình hoàn toàn của thánh Lucia: “. . . Tôi hiến mình hoàn toàn cho Người.”  điệp ca của kinh Magnificat cũng như bài đọc I thánh lễ làm nổi bật hình ảnh “vị hôn thê của Đức Kitô”: “Hỡi vị hôn thê của Đức Kitô, nàng giữ gìn được sự sống mình bằng sự kiên trì…  “ (điệp ca). “Tôi đã dẫn anh chị em tới gặp Tân Lang duy nhất: anh chị em là vị hôn thê trinh trong và thánh thiện mà tôi đã giới thiệu với Đức Kitô” (2 Cr 11, 2). Hình ảnh Tân Lang cũng được lặp lại trong Tin Mừng thánh lễ: Kìa Tân Lang đã tới! Hãy ra đón Người.

Bài đọc Giờ Kinh Sách trích từ Khảo luận của thánh Ambroise về sự trinh khiết, ca ngợi nhân đức Kitô giáo này, nhờ đó mà “vẻ kiều diễm của thân xác được chiếu sáng bởi ánh rực rỡ của tâm hồn.” Nhưng nếu sự trinh khiết là nguồn ánh sáng, thì trên hết nó là ước muốn nồng cháy được gặp Tân Lang: “Hãy suy gẫm không ngừng về Đức Kitô và mong chờ Người đến trong mọi lúc… Vì thế hãy ôm ấp Đấng mà bạn đã tìm kiếm; hãy đến gần Người và bạn sẽ nhận được ánh sáng.” Và làm thế nào để giữ được Người? “Người chỉ được trói buộc bằng các sợi dây tình yêu, bằng tình cảm của linh hồn.”

Lễ thánh nữ Lucia luôn rơi vào mùa Vọng, nên thích hợp tuyệt vời với phụng vụ của mùa này: “Con mở lòng con ra, lạy Chúa, để nghe lời ánh sáng của Ngài” (Xướng đáp của Kinh Sách). Tâm hồn và thân xác con kêu vang lên tới Thiên Chúa hằng sống (Tv 83, trong thánh lễ).

Enzo Lodi

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây