Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.vn


Ăn Tết tại bệnh viện dã chiến

“Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12,19)
Ăn Tết tại bệnh viện dã chiến

Ăn Tết tại bệnh viện dã chiến

TGPSG -- “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12,19)

Kỳ nghỉ Tết năm nay, chúng tôi được nhà Dòng và Tòa Giám Mục trao cho cơ hội phục vụ các bệnh nhân bị nhiễm covid trong các bệnh viện dã chiến.

Khi biết tôi đăng ký đi tình nguyện, có người đã hỏi tôi: “Nay bệnh nhân đã giảm nhiều rồi, sao thầy không về ăn Tết với gia đình có phải hay hơn không?” Đúng vậy, vào dịp Tết ai cũng muốn được ở bên gia đình và tôi cũng vậy. Tuy nhiên, khi nghĩ đến những người bệnh đang phải điều trị cách ly tại bệnh viện dã chiến, cho dù chỉ còn lại rất ít các bệnh nhân, tôi vẫn muốn ở lại và ăn Tết cùng với họ. Bởi vì, tôi hy vọng rằng sự hiện diện của chúng tôi có thể bù đắp lại được phần nào nỗi cô đơn và thiếu vắng người thân của các bệnh nhân trong những ngày Tết.

Quả thế, Giáo Hội luôn sống tinh thần hiệp hành và không ai bỏ lại phía sau, cho dù ở các bệnh viện dã chiến chỉ còn lại một số người. Cho dù cả xã hội dường như đã vượt qua được sự tàn phá khủng khiếp của cơn đại dịch, nhưng còn rất nhiều người trong đó những người già, những người neo đơn đang rất cần được sự quan tâm và chăm sóc.

Trong những ngày Tết này, mọi người đều có thể về ăn Tết với gia đình, tuy nhiên tại các bệnh viện dã chiến, các bệnh nhân chưa được chữa lành vẫn phải ở lại tiếp tục điều trị. Các bệnh nhân bị nhiễm Covid 19 là những người đang rất cần đến sự quan tâm của gia đình vào lúc này. Gia đình chính là điểm tựa tinh thần và là liều thuốc tốt nhất trợ giúp họ về mặt tinh thần vượt qua cơn bệnh nguy hiểm này. Trong hoàn cảnh cách ly vì dịch bệnh, vợ chồng, con cái hay cháu chắt chẳng thể ở bên để chăm sóc họ được. Mỗi khi có cơ hội để nói chuyện với các bệnh nhân, tôi được lắng nghe những nỗi niềm khao khát của họ mong được trở về với gia đình trong những ngày Tết.

Quả thế, khi vào tới khu cách ly, tôi luôn cảm nhận có một sự tách biệt giữa khu cách ly với thế giới bên ngoài. Ở trong khu cách ly, người bệnh nào cũng trở thành người neo đơn vì họ không có người thân ở bên cạnh. Họ chỉ nhận được sự chăm sóc của các bác sĩ, nhân viên y tế và những tình nguyện viên như chúng tôi.

Cuộc sống trong khu cách ly khác xa với cuộc sống hằng ngày. Thay vì lắng nghe những âm thanh của cuộc sống ồn ào, người bệnh suốt ngày chỉ nghe thấy tiếng pip của máy đo nhịp tim và các thiết bị y tế… Ngoài giờ thăm bệnh của các bác sĩ và nhân viên y tế, người bệnh ít được nói chuyện với ai khác. Vì thế, những nỗi lo lắng, hoang mang và sợ hãi dễ dàng bao trùm tâm trí của họ, đến nỗi sự bi quan về bệnh tật khiến họ không thể ăn uống hay ngủ nghỉ được. Có nhiều lúc, họ đã cảm thấy mình đã bị bỏ lại phía sau, cô đơn và tuyệt vọng. Lúc này họ cần lắm những người có thể nâng đỡ họ về tinh thần.

Quả thế, trong cơn đại dịch Covid19, con người ta không chỉ chiến đấu với con vi-rút Corona mà họ còn phải chiến đấu với cám dỗ bỏ cuộc và buông xuôi. Chỉ những ai có được những ý chí và tinh thần mạnh mẽ mới có thể dễ dàng vượt qua cơn nguy tử. Chỉ có ai thực sự có khao khát được sống và nhìn thấy ý nghĩa của cuộc đời, họ mới dễ vượt qua được sự hủy diệt của nỗi cô đơn và chán chường.

Khi được chăm sóc phục vụ các bệnh nhân nằm trên giường bệnh, tôi nhận ra sự sống của con người thật mong manh nhưng cũng thật quý giá. Ở đâu đó, ngang qua các câu chuyện hay trong những ánh mắt không nói nên lời, tôi nhận thấy các bệnh nhân luôn khao khát được sống. Đối với họ, sự sống bây giờ quả thực là một món quà vô cùng quý giá. Một số người tôi gặp đã nói rằng “Con cầu xin Trời Phật, Thiên Chúa cho con được khỏi bệnh để trở về ăn Tết với gia đình."

Quả vậy, Thiên Chúa trao tặng sự sống cho con người và món quà đó giờ đây thật quá đỗi quý giá đối với các bệnh nhân covid. Cho dù người bệnh đang tỏ ra thất vọng và chán chường, Chúa vẫn luôn hiện diện với họ. Ngay cả khi họ phải mang vác lấy một thân xác đầy bất lực trên giường bệnh, Chúa vẫn có mặt ở đó trong thân xác mòng giòn và yếu đuối của chính họ. Đứng bên cạnh giường bệnh, tôi tiếp tục cầu xin Chúa ơn chữa lành thay cho các bệnh nhân. Hiệp với lời cầu nguyện xin ơn chữa lành của toàn Giáo Hội, tôi tin rằng Chúa đã lắng nghe và ban nhiều ơn chữa lành phần hồn và phần xác cho tất cả các bệnh nhân, cho các bác sĩ và nhân viên y tế đang phục vụ các bệnh nhân.

Các phép lạ vẫn luôn xảy ra tại hai khoa hồi sức tích cực ICU 1 và ICU2 của bệnh viện số 16. Mỗi ngày tôi đều được nhìn thấy sự thay đổi tích cực cả về sức khỏe thể lý lẫn tinh thần của các bệnh nhân mà tôi được tiếp xúc. Đó là điều kỳ diệu đối với tôi, bởi vì tôi đã thực sự cảm nghiệm Chúa chữa lành cho họ từng ngày. Có những ca bệnh lần đầu tôi tiếp xúc xem ra có vẻ rất tồi tệ, họ không thể ăn uống. Nhưng qua ngày hôm sau, tôi thấy họ có thể ăn được chút chút. Rồi qua ngày hôm sau nữa, tôi thấy họ ăn được nhiều hơn và ngủ ngon hơn. Rồi qua ngày hôm sau nữa, tôi thấy họ được đổi qua phòng bệnh nhẹ hơn và không còn phải thở oxy. Thật là vui khi chứng kiến những người bệnh khỏe lên mỗi ngày. Đến lúc này tôi đã được chào tạm biệt một vài bệnh nhân được xuất viện. Có lẽ từ nay, cuộc sống của họ sẽ chuyển từ nỗi lo lắng sợ hãi và thất vọng sang niềm hy vọng và biết ơn.

Tạ ơn Chúa đã cho tôi tham gia đợt tình nguyện này để tôi nhận ra nhiều người cần đang cần đến sự quan tâm và chăm sóc. Tạ ơn Chúa vì Ngài luôn hiện diện và đang chữa lành cho tất cả các bệnh nhân. Tạ ơn Chúa vì những người tôi gặp gỡ và tiếp xúc có thêm được niềm tin và hy vọng. Xin Chúa tiếp tục đồng hành với các y bác sĩ và các nhân viên y tế để giúp các bệnh nhân chiến thắng được cơn dịch bệnh này. Xin Chúa Mùa Xuân tiếp tục ban nhiều ơn lành cho tất cả mọi người.

Bệnh viện Dã chiến 16
Giuse Nguyễn Văn Đức SJ. (TGPSG)

Tác giả bài viết: Giuse Nguyễn Văn Đức SJ.

Nguồn tin: tgpsaigon.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây