Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.vn


Câu chuyện hoà giải giữa Jacob và Esau

Esau và Jacob đã có thể ôm hôn nhau, gọi nhau bằng tiếng huynh đệ chân tình. Làm sao lại có thể xảy ra cuộc hoà giải theo cách thế không thể tốt hơn được như vậy?
Câu chuyện hoà giải giữa Jacob và Esau

CÂU CHUYỆN HÒA GIẢI GIỮA JACOB VÀ ESAU
 

A. DẪN NHẬP

Sự bất hoà giữa hai anh em Esau và Jacob đã manh nha từ trong trứng nước, khi họ còn trong dạ mẹ. Việc này được tiếp nối ngay lúc họ chào đời. Những khác biệt trong tính cách của họ sau đó như càng nối dài thêm sự bất hoà, cho đến một ngày lên đến đỉnh điểm khi một kẻ ôm mối hận trong lòng, còn kẻ khác phải tìm cớ lánh nạn ở phương xa. Hơn hai mươi năm sau đó, họ đã gặp lại nhau, căng thẳng, kịch tính, tưởng chừng sẽ có một cuộc trả thù tàn bạo không thể tránh khỏi. Nhưng không, không những điều làm người ta lo sợ này đã không xảy ra, mà trái lại, Esau và Jacob đã có thể ôm hôn nhau, gọi nhau bằng tiếng huynh đệ chân tình. Làm sao lại có thể xảy ra cuộc hoà giải theo cách thế không thể tốt hơn được như vậy?

Với bài viết này, tôi sẽ tìm hiểu một số dữ liệu Kinh Thánh chủ yếu đến từ sách Sáng Thế để lý giải cho điều này.[1] Tôi cũng muốn kết hợp trong bài viết này những yếu tố của khoa chú giải Kinh Thánh, các ý nghĩa thần học và mục vụ, cùng một lối hành văn không nặng tính khảo luận thần học khúc chiết, vốn thường bị xem là khô khan, chỉ dành riêng cho giới học giả; nhưng thay vào đó, bằng một lối văn phong nhẹ nhàng, dễ đọc, dễ hiểu, phù hợp với nhiều đối tượng độc giả.

B. NỘI DUNG CHÍNH

Bài viết xoay quanh hai nội dung chính: 1. Tìm hiểu nguồn gốc đa diện của mối bất hoà giữa Jacob và Esau; 2. Các phương thế giải quyết mối bất hoà giữa hai anh em này.

 


I. Nguồn gốc đa diện của sự bất hoà giữa Jacob và Esau

        1. Cuộc đối đầu khi còn trong lòng mẹ và dấu hiệu tiếm quyền lúc chào đời

        2. Khác biệt về tính cách, sở thích và sự kiện tiếm quyền trưởng nam

        3. Jacob tiến chiếm lời chúc lành ông Isaac chủ ý dành cho Esau

II. Các phương thế giải quyết mối bất hoà giữa Jacob và Esau

        1. Tìm cớ tránh đi phương xa và kinh nghiệm về Thiên Chúa

        2. Trải qua nhiều kinh nghiệm nhớ đời và kinh nghiệm về Thiên Chúa

        3. Lễ vật lòng thành và kinh nghiệm về Thiên Chúa

 

I. Nguồn gốc đa diện của sự bất hoà giữa Jacob và Esau

Mối bất hoà giữa Jacob và Esau có nhiều nguyên nhân. Thánh Kinh ghi lại nhiều sự kiện được kể là những nhân tố gây ra mối bất hoà này.

1. Cuộc đối đầu khi còn trong lòng mẹ và dấu hiệu tiếm quyền lúc chào đời

Esau và Jacob được thành hình trong dạ mẹ là do tình thương của Thiên Chúa dành cho cha mẹ họ là ông bà Isaac- Rebekah. Người chồng Isaac đã tha thiết khấn xin Thiên Chúa cất khỏi người bạn đời Rebekah tình trạng son sẻ sau gần 20 năm họ thành hôn với nhau (x. St 25,20-21.26). Khi còn trong dạ mẹ, hai đứa con đã đụng nhau không nhẹ, nhưng chẳng rõ đứa nào thắng đứa nào.[2] Có điều chuyện này chắc hẳn đã diễn ra thường xuyên, khiến bà Rebekah không cho rằng đây là một hiện tượng bình thường của người nữ lúc mang thai, ai cũng gặp phải. Có thể bà đã tâm sự với chồng mình là ông Isaac về chuyện này, thậm chí có thể không ít lần tham khảo ý kiến của láng giềng, nhất là của những phụ nữ đã có kinh nghiệm mang thai và sinh con, nhưng dường như bà mẹ tương lai này không có được câu trả lời vừa ý. Niềm vui được mang thai, và sắp được làm mẹ, dường như đang bị khuấy đục bởi hiện tượng không có lời đáp thỏa đáng này. Nỗi bất an như đang tăng dần lên, cho đến một ngày bà Rebekah quyết định phải thỉnh ý Đức Chúa, thì bà mới hi vọng có thể hiểu được ngọn nguồn của hiện tượng lạ thường này (x. St 25,22).

Và rồi bí mật của việc này đã được tỏ lộ, vượt xa khuôn khổ của những chuyện đụng độ cá nhân giữa hai sinh linh vẫn còn trong lòng mẹ. Quả thế, Đức Chúa phán với bà Rebekah thế này: “Cớ hai dân tộc trong lòng ngươi, hai dân từ dạ ngươi sinh ra và sẽ chia rẽ nhau, dân này sẽ mạnh hơn dân kia, đứa lớn sẽ làm tôi đứa bề” (St 25,23).[3] Hóa ra, đây đâu phải chỉ là chuyện hai anh em đụng độ nhau, mà đây là điềm báo trước những cuộc đụng độ của hai dân tộc phát xuất từ họ trong tương lai, để rồi sẽ có kẻ thắng người thua, kẻ làm chủ kẻ làm tớ. Mà ai làm chủ, ai làm tớ, thì lời Chúa phán đã quá rõ rồi, không cần bàn thêm.[4]

Khi đã có được lời giải đáp từ Đức Chúa, bà Rebekah xem chừng không phàn nàn gì nữa, nhưng điều này không có nghĩa là hai đứa trẻ trong lòng bà, từ nay không còn đụng nhau nữa. Hầu chắc, chúng vẫn đụng nhau, cho đến ngày chúng chào đời. Quả thế, vào ngày chúng bắt đầu thấy ánh bình minh, hay đúng ra phải nói là, ngày cha mẹ chúng thấy chúng bằng xương bằng thịt dưới ánh mặt trời, chúng xem ra vẫn không ngừng tranh chấp. Sự tranh chấp lần này ai cũng thấy rõ như ban ngày, chứ không phải kiểu ẩn mình sau lớp tường cung lòng người mẹ, mà chỉ có cặp mắt tinh đời của người mẹ mới nhìn thấu được. Sách Sáng Thế viết tiếp: “Đứa ra trước đỏ hoe, toàn thân như một chiếc áo choàng bằng lông: người ta đặt tên cho nó là Esau. Sau đó, đứa em ra, tay nắm gót chân của Esau: người ta đặt tên nó là Jacob” (St 25,25-26).[5]

2. Khác biệt về tính cách, sở thích và sự kiện tiếm quyền trưởng nam

Hai đứa trẻ lớn lên, mỗi đứa một tính nết khác nhau, cả đến sở thích cũng không đồng quy. “Esau là người thạo nghề săn bắn, chuyên rong ruổi ngoài đồng; còn Jacob thì trầm tĩnh, chỉ sống ở trong lều” (St 25,27). Đứa anh thì sôi nổi, lấy thế giới rộng lớn bên ngoài làm trường huấn luyện mình, lấy những con mồi hoang dã làm niềm vui cuộc sống và cơ hội thể hiện bản lĩnh của mình. Đứa em lại thích cuộc sống trầm mặc, suốt ngày quanh quẩn trong lều, mặc nhiên không thấy chi buồn chán. Hai đứa cũng để lại trong lòng cha mẹ chúng những ấn tượng riêng: “Ông Isaac thương Esau vì ông thích ăn thịt rừng, còn bà Rebekah thì thương Jacob" (St 25,28).

Cuộc sống xem chừng cứ trôi theo lệ thường với hai anh em Esau và Jacob. Khác biệt ai cũng thấy rõ, nhưng xem chừng hai anh em không phải đụng chân đụng tay nhau như hồi còn trong lòng mẹ, mỗi đứa có một thế giới riêng, những mối quan tâm riêng, nước sông không xâm phạm nước giếng. Đứa thích rong ruổi ngoài đồng kia xem chừng vẫn cứ vô tư, ngày ngày thao luyện tài nghệ săn bắn với các con mồi. Còn đứa trầm tĩnh kia, suốt ngày quanh quẩn bên túp lều, làm công việc nấu nướng của người phụ nữ, xem chừng có cuộc sống vô vị tẻ nhạt đối với một nam nhi đương thời, nhưng đừng có ai vội xem thường cậu, cậu là người trầm tư mặc tưởng, không để tâm trí đuổi theo những con mồi như anh mình, mà đang tập trung suy tính đường dài cho cuộc đời.

Không rõ có phải được ở gần mẹ thường xuyên trong túp lều, lại được mẹ thương mến cách riêng, nên bí mật Đức Chúa phán với mẹ năm xưa - “Có hai dân tộc trong lòng ngươi, hai dân từ dạ ngươi sinh ra và sẽ chia rẽ nhau, dân này sẽ mạnh hơn dân kia, đứa lớn sẽ làm tôi đứa bé” (St 25,23) - vào một ngày đẹp trời nào đó khi Jacob đã đủ trí khôn để lãnh hội, bí mật đó đã được mẹ đích thân đầu đuôi kể lại cho cậu, với không ít hi vọng đặt để nơi “đứa bé” này. Rất có thể là như vậy! Khi người mẹ thương mến con, và đặt kỳ vọng nơi con mình, thì có gì mà bà lại giấu kín chứ? Nhưng khổ nỗi, Jacob - đứa con bà thương mến, lại là kẻ đến sau. Thế thì, làm sao đứa lớn có thể làm tôi đứa bé được, khi quyền trưởng nam bình thường lại thuộc về đứa lớn (Esau)?

Một ngày thuận lợi đã đến. Esau vẫn vô tư như thường. Cậu vẫn rong ruổi đuổi bắt. Lần này thì cậu từ ngoài đồng về, mệt lả. Nhìn thấy món cháo đo đỏ mà Jacob đang nấu, cậu không thể cầm lòng, xin ngay một chén. Jacob không phải dạng vừa, làm gì có chuyện cho không. Cá xem chừng đã mắc câu. Muốn ăn được miếng mồi thì phải trả giá. Nắm bắt cơ hội này, Jacob đề cập ngay đến một cuộc trao đổi nhanh gọn: “Anh hãy bán quyền trưởng nam của anh cho em trước đã” (St 25,31). Đứa trầm tính này chắc hẳn từ lâu đã muốn chiếm được quyền trưởng nam của anh mình, để hiện thực hóa điều đã được phán trước: “đứa lớn sẽ làm tôi đứa bé.” Nhưng Jacob tỏ ra muốn đường đường chính chính nhận được quyền này. Esau sẽ phải tâm phục khẩu phục dâng hai tay trao quyền này cho Jacob. Cậu muốn nghe từ chính miệng Esau nói lời chia tay không nuối tiếc với quyền trưởng nam của mình.

Lúc đang đói lả, và vì tâm trí cho đến nay có lẽ suốt ngày chỉ biết rong ruổi theo các con mồi, suy tính không đi xa hơn chuyện làm sao bắt gọn thú rừng; thêm nữa, có thể cũng vì vô tâm không lường trước hết các mưu tính của kẻ đã “nắm gót chân” mình lúc chào đời, nên Esau buột miệng chẳng chút e dè: “Anh đang sắp chết, thì quyền trưởng nam có ích gì cho anh chứ?”” (St 25,32). Và một khi Jacob đã tường tận “gót chân Achilles” của Esau, cậu đẩy vấn đề thêm một nấc nữa, bắt Esau phải thề mới được, chứ không thể cứ nói suông. Lúc đói lòng thì nói vậy, biết đâu sau này lại chẳng đổi ý. Jacob muốn ăn chắc mặc bền, có sự chứng giám của đất trời.[6] Thế là, đáng buồn thay, Esau không chút do dự “liền thề và bán quyền trưởng nam của mình cho Jacob”” (St 25,33).

Đó là một quyết định mà Thánh Kinh đã chẳng ngại kết luận một câu xanh rờn: “Esau đã coi thường quyền trưởng nam”” (St 25,34). Hóa ra, Esau đã hành xử quá vô tâm, đảo lộn bậc thang giá trị, cậu chẳng xem trọng quyền trưởng nam cho đủ, sẵn sàng bán nó bằng một chén cháo đo đỏ ngay trước mắt mình. Esau được cho thêm bánh nữa, cậu vừa có bánh vừa có cháo đậu để ăn (x. St 25,34), xem chừng được lời lãi với quyết định nhượng quyền trưởng nam. Như thế, cậu có nhiều hơn thứ nhu cầu căn bản cậu mong đợi vào lúc này khi bán quyền trưởng nam, nhưng thực ra, cậu đang để tuột mất khỏi mình điều cao quý hơn nhiều so với thứ bánh và cháo kia, đó chính là giá trị của kẻ làm con trưởng, là sự kính trọng mà mọi đứa con thứ phải có dành cho người con trưởng.[7]

Sách Đệ Nhị Luật sau này cho chúng ta hay: kẻ nắm quyền trưởng nam phải được tôn trọng đúng mực, ngay cả khi người này được sinh ra bởi một người vợ không được chồng yêu thương cho đủ, vì ông cũng có thêm người vợ khác mà ông ưa thích. Người con trưởng sinh ra bởi người vợ không được chồng đoái hoài, cũng không vì thế mà bị phế bỏ chức trưởng nam một cách độc đoán và thiên vị bởi người cha. Trái lại, khi chia gia tài, đứa trưởng nam phải được hai phần sản nghiệp, tức là gấp đôi phần những đứa còn lại được hưởng. Lý do vì: “Nó là hoa quả đầu đời trai tráng của người ấy [người cha], nên nó được hưởng quyền trưởng nam” (x. Đnl 21,15-17, đb. c.17).

Quyền trưởng nam vẫn có thể bị tước bỏ, nhưng phải vì một lý do hết sức nghiêm trọng, như chúng ta có thể thấy trong trường hợp của Reuben, người con cả của chính ông Jacob. Sách Sử Biên Niên đã ghi lại điều này: “Chính ông [Reuben], người con đầu lòng, nhưng vì ông đã làm bẩn giường của cha ông [Jacob], nên quyền trưởng nam của ông được trao cho các con ông Joseph, là con ông Israel [Jacob]; ông [Reuben] không được thừa hưởng quyền trưởng nam nữa” (1Sb 5,1-2). Vì sao nên cớ sự này? Đọc Kinh Thánh, chúng ta biết rằng Reuben là con cả của ông Jacob, Reuben do bà Leah sinh ra. Ông Jacob có đến bốn bà vợ: ngoài bà Leah, Rachel (được ông thương nhất), còn có hai nàng hầu trở thành vợ ông là Zilpah (nàng hầu của Leah), và Bilhah (nàng hầu của Rachel). Ma xui quỷ khiến thế nào, mà có một lần nọ, Reuben lại mê đắm bà vợ lẽ Bilhah của cha mình, Reuben đã ăn nằm với Bilhah, và ông Jacob đã biết chuyện này (x. St 35,22).

Tội chết được tha, nhưng tội sống khó tha. Lúc sắp lìa thế để về sum họp với tổ tiên, khi trăn trối cùng các con, ông Jacob đã không quên tước quyền trưởng nam của Reuben: “Reuben, con là con đầu lòng của cha, là sức mạnh của cha, là tinh hoa của sinh lực cha, địa vị con trổi vượt, thế lực con trổi vượt. Nhưng dù mạnh như nước cuốn, con sẽ không trổi vượt, vì con đã trèo lên chỗ cha con nằm, khi ấy con đã xúc phạm đến nơi chăn gối của cha con” (St 49,3-4).

Trở lại chuyện của Jacob, cậu quả là cao tay. Cậu đã buộc Esau phải thề bỏ quyền trưởng nam của mình mới chịu cho ăn. Có trời đất làm chứng, Esau sau này có muốn rút lại lời thề thốt, cũng không dám. Há miệng ra sẽ mắc quai thôi. Trong trận chiến này, Jacob không mất gì nhiều, mà lại tiến chiếm quyền trưởng nam của anh mình. Jacob quả là người đầy mưu tính. Cái vẻ trầm tư mặc tưởng kia đã phát huy tác dụng. Có điều, phương thế con người mà Jacob chẳng ngại dùng đến, dồn người ta vào bức tường lúc đói lòng. Về lâu về dài, giả như Esau biết phản tỉnh đôi chút, điều này sẽ chỉ làm cho tình anh em thêm rạn nứt, hố ngờ vực lại càng đào sâu thêm. Esau sẽ càng thêm bất mãn với đứa em mình. Cảnh hai đứa đụng tay đụng chân nhau khi chưa chào đời, đã làm cho bà Rebekah phải phiền lòng, e rằng sự kiện này sẽ mang thêm duyên cớ để tái phát, hay đúng hơn, là bùng phát.

Sau câu chuyện này, Thánh Kinh không đưa ra lời bình luận gì thêm, không cho chúng ta hay liệu kẻ làm cha mẹ có biết chuyện đổi cháo lấy quyền trưởng nam của hai đứa con mình. Thánh Kinh cũng giữ bầu khí thinh lặng về chuyện liệu có phản ứng gì thấy được từ phía ông Isaac và bà Rebekah về sự kiện này. Thánh Kinh để lại một khoảng trống rất lớn cho trí tưởng tượng của độc giả. Chúng ta cứ tự do chau mày nhíu mắt về những câu hỏi tương tự như vậy, còn Kinh Thánh thì gác chuyện này qua một bên, để bàn tiếp về những sự kiện xoay quanh ông Isaac và bà Rebekah với nhân vật số một của dân Philistines tại Gerar là vua Abimelech (x. St 26). Còn hai anh em Esau và Jacob, thì Kinh Thánh mời họ lui vào hậu trường chờ ngày tái xuất (x. St 27).

3. Jacob tiến chiếm lời chúc lành ông Isaac chủ ý dành cho Esau

Sách Sáng Thế trở lại chuyện nội bộ trong gia đình Isaac- Rebekah ở chương 27. Chuyện chủ yếu xoay quanh vấn đề chúc phúc. Hai anh em Esau và Jacob lại xuất hiện với cha mẹ của mình. Jacob cuối cùng là người nhận được lời chúc phúc từ cha mình là Isaac, dù rằng Isaac chủ đích dành điều cao quý này cho đứa con ông thương mến là Esau. Câu chuyện kẻ được người mất này được kể là đỉnh điểm cho mối bất hoà từ lâu đã cháy âm ỉ trong lòng hai anh em Esau và Jacob.

Thực tình, Jacob có đến mười lá gan cũng không dám làm chuyện tiến chiếm lời chúc phúc mà cha mình là Isaac muốn dành cho người anh Esau, nếu như cậu không được chống lưng bởi mẹ mình là bà Rebekah. Về phần mình, bà Rebekah dù có ăn gan hùm cũng chẳng dám tự ý lập mưu cướp lời chúc phúc của chồng mình là Isaac dành cho Esau. Và cho dù bà Rebekah có thể không hợp với tính khí của đứa con mình đầy lông lá như Esau đi chăng nữa, thì Esau xét cho cùng vẫn là con bà. Hơn nữa, Thánh Kinh cho đến thời điểm này của câu chuyện, không đả động gì đến chuyện liệu trong cuộc sống thường ngày Esau có hay làm phật lòng mẹ mình hay không.

Chỉ có một lý do có thể giải thích việc bà Rebekah chủ động đạo diễn vụ này, đó chính là lời Đức Chúa đã nói với bà khi bà còn đang mang thai cặp song sinh Esau - Jacob: “Có hai dân tộc trong lòng ngươi, hai dân từ dạ ngươi sinh ra và sẽ chia rẽ nhau, dân này sẽ mạnh hơn dân kia, đứa lớn sẽ làm tôi đứa bể” (St 25,23). Kinh nghiệm gặp phải lúc mang thai, khi hai đứa con trong bụng đụng nhau hoài, khiến bà phải thốt lên tại sao bà phải chịu cảnh thế này, và ơn soi sáng sau đó đến từ Đức Chúa, dường như đã khiến cho bà Rebekah đi đến xác tín: Đây là lúc chính bà và Jacob phải thực hiện bằng được lời Đức Chúa phán, sau khi Jacob trước đó đã thành công mua được quyền trưởng nam của Esau chỉ bằng miếng bánh và chén cháo.

Chuyện này bắt đầu bằng sự kiện “ông Isaac đã già, mắt ông loà không trông thấy nữa,”” e rằng có thể quy tiên bất cứ lúc nào, nên ông đã chủ động trao lời chúc phúc cho Esau, đứa con ông thương mến, với một điều kiện hết sức đơn giản đối với Esau, là “con hãy lấy khí giới của con, ống tên và cây cung của con, ra đồng săn thú cho cha. Con hãy làm cho cha một món ăn ngon như cha thích, rồi đem đến cho cha ăn, để cha đích thân chúc phúc cho con trước khi chết”” (x. St 27,1-5).

Cuộc trò chuyện riêng tư giữa hai cha con Isaac - Esau,[8] nào ngờ đã không qua khỏi tai mắt của bà Rebekah. Khi Esau bắt đầu thực hiện mệnh lệnh của cha, thì cũng là lúc bà Rebekah trổ tài đi nhanh hơn một bước. Vội tìm Jacob, bà Rebekah trao khẩu dụ: chẳng phải cất công ra ngoài đồng săn thú làm gì cho mất giờ như Esau đang làm, Jacob cứ nhanh chân đến đàn vật nuôi, bắt lấy “hai con dê đực non béo tốt,”” thì mẹ đây, vốn đã am tường khẩu vị của cha và đủ tài chế biến, chẳng cần phải là thú rừng, vật nuôi trong nhà thôi, “mẹ [cũng] sẽ làm thành một món ăn ngon cho cha con, như cha con thích. Con sẽ đem đến cho cha con, và cha con sẽ ăn, để người chúc phúc cho con trước khi người chết” (St 27,9-10).[9]

Jacob hiển nhiên không chút nghi ngờ về tài nấu nướng giả thịt rừng của bà Rebekah, có lẽ vì cậu đã nhiều lần chứng thực điều này trong cuộc sống, nhưng cậu vẫn e ngại kế hoạch này khó thành công, vì giữa cậu và Esau có sự khác biệt về hình hài thể lý: “Mẹ coi, anh Esau thì lông lá, còn con thì nhẵn nhụi” (St 27,11). Chuyện này, nếu làm không cẩn thận, thì sẽ chuốc hoạ vào thân: “Biết đâu cha con sẽ rờ con; con sẽ bị cha coi như một tên lừa gạt, và sẽ phải chuốc lấy lời nguyền rủa, thay vì được chúc phúc’” (St 27,12). Không rõ Jacob có thuộc lòng câu chuyện Noah chúc dữ cho đứa con nhỏ nhất của mình là Kham, cha của Canaan, hay không, nhưng mức độ nghiêm trọng của việc bị nguyền rủa là điều hầu chắc nằm trong tầm ý thức của Jacob. Trong câu chuyện của Noah, ông đã tuyên những lời đáng sợ: “Canaan đáng bị nguyền rủa! Nó phải là đầy tớ các đầy tớ của anh em nó!”” (St 9,25). Con cháu của kẻ bị nguyền rủa sẽ mang lấy thân nô lệ, làm đầy tớ suốt đời, không sao có thể ngóc đầu lên nổi. Không khéo, con cháu của Jacob phải làm tôi con cháu của Esau suốt đời, nếu như ông tổ của họ là Jacob phải lãnh lấy lời nguyền rủa của cha mình.

Nhưng bà Rebekah lại không sợ như vậy. Bà mẹ đầy mưu tính này, một khi đã ra tay, thì đã nhìn trước ngó sau kỹ lắm rồi, phải nắm phần thắng mới thực hiện. Giả như vì một sự vụng về nào đó từ phía con mình, khi để cha phát hiện ra cậu không phải là Esau, thì bà sẽ đứng ra gánh trách nhiệm, mọi tội cứ đổ lên đầu bà. Thế nên, bà Rebekah liền trấn an Jacob: “Con ơi, nếu con bị nguyền rủa, thì mẹ gánh cho; cứ nghe lời mẹ và đi bắt dê cho mẹ” (St 27,13).

Jacob y lệnh mà làm. Bà Rebekah trổ tài nấu ăn ngoại thường. Bà mau chóng hoàn thành món ăn ngon miệng. Và như để xua tan nỗi lo có thể vẫn còn vương vấn trong lòng của đứa con Jacob này, bà “đã lấy áo của Esau, con trai lớn của bà, áo sang nhất mà bà có ở nhà, mà mặc cho Jacob, con nhỏ của bà.” Đồng thời, sáng kiến lóe lên, nhằm che mắt chồng bà, vốn đã mù loà nhưng biết đâu lại đột nhiên thông suốt không chừng, bà bèn “lấy da dê non mà bọc lấy tay và phần cổ nhẵn nhụi của cậu. Rồi bà đặt món ăn ngon và bánh đã làm vào tay Jacob, con bà” (St 27,17).

Mọi khâu chuẩn bị đã đâu vào đó, gọn gàng, ngăn nắp. Bây giờ là lúc cậu Jacob có đủ tài diễn xuất hay không mà thôi. Màn kịch lừa ông già Isaac đã đến lúc hồi hộp nhất, nhịp tim được đẩy nhanh hơn bình thường không chỉ đối với chàng diễn viên thủ vai là Jacob, hay đối với vị đạo diễn Rebekah, mà còn đối với tất cả những ai đang theo dõi cảnh diễn này. Và Jacob quả không hổ danh là kẻ nhiều mưu lắm kế. Cậu uốn lưỡi tự xưng mình là Esau: “Con là Esau, con trưởng của cha, con đã làm như cha bảo. Mời cha ngồi dậy xơi món thịt rừng của con, để cha đích thân chúc phúc cho con” (St 27,19). Khi bị truy vấn tại sao lại có thể tìm được thú rừng mau thế, cậu liền lôi cả Thiên Chúa vào, để đánh lừa cha mình: “YHWH, Thiên Chúa của cha, đã cho con gặp được may mắn” (St 27,20).

Cha cậu vẫn chưa hết ngờ vực, mắt ông đã mù loà, không còn trông thấy rõ hình dạng con mình, nhưng ông vẫn còn đôi tay cơ mà, ông bèn nói: “Con ơi, lại gần đây, để cha rờ con, xem con có đúng là Esau, con cha, hay không?” (St 27,21). Đúng như những gì Jacob đã dự cảm trước đó và cũng đã được bà Rebekah đề ra đối sách tương thích. Đây là thời khắc căng thẳng nhất cho Jacob. Lành hay dữ cho cậu đều được định đoạt ở những giây phút này. Jacob ở vào tình thế của quân tốt trên bàn cờ, một khi đã tiến quân, thì không còn đường thoái lui nữa. Đã phóng lao phải theo lao, cậu tiến lại gần cha. Cha cậu rờ cậu rồi nói: “Tiếng thì tiếng Jacob, mà tay thì tay Esau” (St 27,22). Đôi mắt và đôi tay không giúp gì nhiều, nhưng thính giác vẫn mách bảo ông có điều gì đó xem ra không ổn, thế nên Isaac mới mở miệng bình luận như trên. Trước khi cất lời chúc lành, Isaac vẫn muốn đoan chắc kẻ đứng trước mặt mình là đứa mình ưa thích, nên ông hỏi lại lần nữa: “Con có đúng là Esau, con của cha không?” (St 27,24).

Dù biết lúc này im lặng là vàng để tránh làm lộ tẩy thêm giọng nói không lẫn với ai của mình, nhưng vì không còn cách nào khác, cậu liền đánh bạo thưa ngắn gọn: “Vâng, chính con” (St 27,24). Không biết lần này cậu có cần phải dùng đến thủ pháp nhái giọng anh mình cho thật chuẩn không nữa, nhất là sau khi đã bị cha mình bắt thóp “tiếng là tiếng Jacob, tay thì tay Esau,” nhưng sự thật là sau đó ông Isaac không thắc mắc thêm gì nữa về giọng nói của cậu. Phút căng thẳng kịch tính như đã trôi qua, tim cậu có thể đã trở lại nhịp đập bình thường.

Những diễn tiến tiếp theo của câu chuyện đều theo chiều hướng thuận lợi cho cậu. Gió đã thổi theo ý cậu muốn. Cha cậu sau khi đã hưởng dùng món ăn ngon và rượu quý, và sau khi đã hít thở mùi áo thơm phức mà mẹ cậu dường như từ lâu đã chuẩn bị sẵn cho biến cố này để mặc cho cậu, thì ông liền chúc phúc cho cậu, lấy khởi hứng từ chính mùi thơm của tấm áo cậu đang khoác trên mình: “Kìa, mùi thơm con tôi như mùi thơm cánh đồng Đức Chúa đã chúc phúc. Xin Thiên Chúa ban cho con sương trời với đất đai màu mỡ, và lúa mì rượu mới dồi dào. Các dân phải làm tôi con, các nước phải sụp xuống lạy con. Con hãy làm chủ các anh em con, và các con của mẹ con phải lạy sụp xuống lạy con. Kẻ nguyền rủa con sẽ bị nguyền rủa, kẻ chúc phúc cho con sẽ được chúc phúc” (St 27,27-29).

Lời chúc phúc này gồm ba yếu tố chính: 1. Jacob có được mưa thuận gió hoà, hoa màu thặng dư; 2. Jacob có được địa vị tôn quý giữa anh em mình và nơi các lân bang; 3. Jacob trở thành mối phúc hay mối hoạ cho kẻ yêu mến hay ghét bỏ mình. Lời chúc phúc này gợi nhớ đến những gì ông Noah trước đó đã chúc phúc cho hai người con Shem và Japheth sau khi họ đã tỏ ra hiếu kính với cha mình: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa của Shem; Canaan phải là đầy tớ nó! Xin Thiên Chúa mở rộng Japheth, nó hãy ở trong lều của Shem, và Canaan phải là đầy tớ nó!” (St 9,26-27).

Lời chúc phúc này cũng có điểm đồng điệu với lời Thiên Chúa đã hứa ban cho ông nội của Jacob là Abraham, khi Người gọi ông rời bỏ Kharan đến vùng Canaan: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,2-3).

Đặc tính cao trọng và không thể rút lại của lời chúc phúc này[10] lý giải nguyên nhân tại sao Isaac lại năm lần bảy lượt đòi kẻ “tiếng thì tiếng Jacob, tay thì tay Esau” phải minh nhiên xưng nhận mình đích thực là Esau, vì người cha sắp gần đất xa trời này muốn biết chắc như đinh đóng cột đứa con Esau mà ông thương mến, chứ không phải ai khác, sẽ nhận được những lời nói từ trái tim người cha, như một thứ gia sản quý giá anh được hưởng xứng với địa vị trưởng nam của mình. Có điều, không rõ ông Isaac có nghe biết chuyện đổi chác giữa Jacob và Esau trước đó hay không, và nếu có, liệu ông có công nhận điều này hay không, nhưng mà giữa hai anh em, bao gồm cả người mẹ Rebekah nữa, xem chừng kể từ lúc chén cháo đo đỏ và chiếc bánh được trao tay, thì quyền trưởng nam cũng đã chắp cánh rời bỏ Esau mà tìm đến vòng tay nâng niu của Jacob, em cậu.

Esau là kẻ nghe trước mà lại đến sau. Hiển nhiên đây không phải do lỗi của cậu. Cậu thật tình sốt sắng trang bị đủ thứ vũ khí cần thiết để đi tìm thú rừng cho cha. Lòng cậu hân hoan khi bắt được một con ưng ý. Cậu cũng mau mắn chế biến món ăn cha mình ưa thích. Cậu cũng tỏ sự hiếu nghĩa với cha mình: “Mời cha dậy xơi món thịt rừng của con cha, để cha đích thân chúc phúc cho con” (St 27,31). Nhưng hỡi ôi, dù chẳng có dấu hiệu gì cho thấy cậu lạc giọng, tiếng vẫn tiếng Esau, tay vẫn tay Esau, thế mà lần này cha cậu lại ngạc nhiên hỏi: “Con là đứa nào đây?” (St 27,32). Chưa thấu được ẩn ý bên trong của câu hỏi đó, có lẽ do cha già đã đến hồi lẩm cẩm, hay do mỏi mệt nên phút chốc cha không còn nhận ra tiếng mình chăng, cậu bèn nhẹ nhàng thưa: “Con là Esau, con trai cha, con trưởng của cha!” (St 27,32).[11]

Những lời tô đậm căn tính của Esau giờ đây lại càng làm cho người cha mù loà thêm hoảng hốt, kinh động hết cả người: “Ông Isaac run lên, run bắn người lên và hỏi: ‘Vậy ai là người đã săn thịt rừng và đem lại cho cha? Cha đã ăn tất cả trước khi con vào, cha đã chúc phúc cho nó, và dù sao nó vẫn được chúc phúc” (St 27,33). Chẳng cần phải nêu tên nó là ai. Ai cũng biết nó là đứa nào rồi. Nói ra chỉ thêm đau đớn hơn thôi. Nhưng ngay cả không cần nêu tên kẻ đó, Esau khi nghe những lời cha mình, “cậu kêu lên một tiếng lớn và cay đắng vô cùng” (St 27,34).

II. Các phương thế giải quyết mối bất hoà giữa Jacob và Esau

Nếu như sự bất hoà giữa Jacob và Esau có nhiều mặt và đạt đến đỉnh điểm khi Jacob lừa cha để đoạt lời chúc phúc, thì các giải pháp giải quyết mối bất hoà đó cũng không chỉ giới hạn vào một phương thế duy nhất. Nhưng dù có nhiều cách thức tiếp cận vấn đề này, độc giả cũng sẽ nhận ra có một phương thế trổi vượt hơn những cách thức còn lại. Các câu chuyện sau đây về Jacob sẽ làm sáng tỏ nhận định này.

1. Tìm cớ tránh đi phương xa và kinh nghiệm về Thiên Chúa

Tránh mặt nhau là giải pháp tức thời khi hai người gặp bất hoà nghiêm trọng. Và chuyện này đúng trong trường hợp của Jacob và Esau. Theo dòng tiếp diễn của câu chuyện, Thánh Kinh cho chúng ta hay, bà Rebekah đã biết được mưu đồ của đứa con cả đang giận tím mày tím mặt đứa con thứ, vốn đã dùng mưu đoạt mất lời chúc phúc lẽ ra dành cho mình. Esau lúc này toan tính: “Sắp đến ngày lo đám tang cho cha ta rồi; bấy giờ ta sẽ giết Jacob, em ta!” (St 27,41). Esau không muốn ra tay ngay với đứa em mình,[12] vì không muốn cha mình, hiện xem chừng không còn sống được bao lâu nữa, sẽ phải chứng kiến cảnh huynh đệ tương tàn. Esau muốn cha mình được an bình ra đi, về với tổ tiên. Nhưng sau đó thì sao? Mối hận trong lòng như khối đá đè nặng lồng ngực phải được loại bỏ càng sớm càng tốt. Tên Jacob kia, mà theo lời Esau, là kẻ đã hất cẳng cậu đến hai lần (x. St 27,36), sẽ phải trả giá cho hành vi lừa đảo của hắn.

Toan tính là vậy, nhưng Esau không ngờ, bà mẹ Rebekah của mình như thể có tai mắt khắp nơi. Không một động tĩnh bất thường nào từ phía Esau lại có thể dễ dàng lọt qua sự canh chừng nghiêm cẩn của bà. Thật thế, ai đó đã báo cho bà biết ý đồ chẳng lành của Esau đối với Jacob. Bà liền ra tay sắp đặt mọi sự đâu vào đó. Bà khuyên nhủ Jacob như thể còn đang bán tín bán nghi, hãy hành động tức thời. Bằng lời lẽ của một người mẹ đã trải qua bao thăng trầm trong đời, bà nói với đứa con yêu quý của mình: “Con ơi, hãy nghe lời mẹ, đứng lên và trốn sang bên bác Laban, anh của mẹ ở Haran. Con sẽ ở với bác một thời gian, cho đến khi anh con nguôi giận. Chừng nào anh con không còn giận con nữa và quên đi điều con đã làm cho anh, thì mẹ sẽ sai người đưa con từ đó về. Lẽ nào trong một ngày mẹ mất cả hai con?” (St 27,43-45).

Tránh mặt nhau là một giải pháp tức thời cho sự xung đột. Tránh mặt nhau một khoảng thời gian tương xứng, trong nhiều trường hợp, là một cách thế thỏa đáng giúp xoa dịu những vết thương lòng, khơi lên niềm hi vọng rằng những người trong cuộc sẽ có những khoảng lặng cần thiết sau đó, để tỉnh táo nhìn nhận lại vấn đề một cách rõ nét, sâu sắc hơn, từ đó có cách hành xử nhân bản hơn, tình người hơn. Trong không ít trường hợp, thời gian là phương thuốc hay thần tiên, nó giúp xóa đi bao ký ức không hay, hay ít ra, nó có thể giúp chôn vùi những mảnh vỡ ký ức ấy. Còn nếu mọi sự diễn ra theo chiều hướng tích cực hơn, biết đâu nhờ thời gian và sự lánh mặt, gương vỡ kia sao lại chẳng lành.

Trong suy nghĩ của bà Rebekah, có lẽ chuyện lánh nạn này sẽ không kéo dài lê thê như các bộ phim truyền hình nhiều tập trong thời đại chúng ta. Nhưng những tình tiết câu chuyện diễn ra sau đó với Jacob cho thấy, người tính không bằng trời tính đâu. Dự kiến “con sẽ ở với bác một thời gian” hóa ra lại kéo dài đến 20 năm (x. St 31,38.41). Ngoài ra, cũng chẳng cần có chuyện “mẹ sẽ sai người đưa con từ đó về, ” mà chính Jacob sẽ tự trở về nhà cha mình,[13] dưới sự thúc đẩy và sự bảo trợ của Đấng Thiên Chúa sắp tới đây sẽ tỏ mình ra cho Jacob qua giấc mộng tại Bethel (x. St 28,10-22).

Dù gì đi nữa, một người mẹ tài tình sắp đặt như bà Rebekah sẽ chẳng dễ dàng chấp nhận để đứa con yêu quý của mình phải ra đi trong cảnh trốn chạy. Bà sẽ định liệu để Jacob rời khỏi nhà cha trong tư cách của người được cha sai đi. Thật vậy, sau những lời nhắn nhủ với Jacob con mình, bà Rebekah tìm dịp phàn nàn cùng chồng: “Tôi chán không muốn sống nữa vì các con gái ông Khết. Nếu Jacob cưới ai trong số con gái ông Khết như những cô này [2 người vợ của Esau], đám con gái xứ này, thì tôi còn sống làm gì nữa?'” (St27,46).

Chuyện bà Rebekah bày tỏ rõ ý định chẳng còn tha thiết sống trên đời này nữa, nếu Jacob cũng hành xử giống như anh mình là Esau, nghĩa là lại lấy phải những người vợ ngoại tộc; chuyện than vãn này hiển nhiên đã tìm được sự đồng cảm của chồng bà, vì chính ông cũng đang giở khóc giở cười với hai cô con dâu ngoại tộc (Judith và Basemath) do Esau rước về, điều mà Kinh Thánh chẳng cần úp mở, cứ nói thẳng ra: “hai người phụ nữ này làm cho ông Isaac và bà Rebekah phải cay đắng trong lòng' (x. St 26,34-35).[14]

Và cũng từ chuyện phàn nàn này mà chuyến đi của Jacob về quê ngoại để tìm người bạn đời xứng hợp, đã nhận được lời chúc lành thuận tình của cha. Bằng những lời lẽ ôn tồn, đầy khích lệ, như thể người cha già này đã không còn để đọng lại trong tâm trí một nỗi buồn bực nào nữa về đứa con đã từng lừa gạt mình (x. St 28,1-4), ông Isaac cất tiếng nói: “Con không được cưới ai trong số con gái Canaan. Đứng lên, đi về Paddan-aram, đến nhà ông Pethuel, ông ngoại con, và ở đó lấy con gái ông Laban, bác con, làm vợ” (St 28,1-2). Những lời này của ông Isaac phản ánh chính những điều cha ông là ông Abraham, khoảng 60 năm trước đây, đã dặn dò kỹ lưỡng người quản gia, khi sai phái lão nô này về Haran để cưới vợ cho Isaac: “Ngươi hãy đặt tay dưới đùi tôi và tôi xin ngươi nhân danh YHWH là Chúa trời đất mà thề rằng ngươi sẽ không cưới cho con trai tôi một người vợ trong số con gái Canaan, nơi tôi đang sống. Nhưng ngươi sẽ về quê tôi, đến với họ hàng tôi, mà cưới vợ cho con tôi là Isaac” (St 24,3-4).

Và không chỉ dặn dò Jacob, ông Isaac còn rộng tay xin Thiên Chúa chúc phúc cho con trai mình: “Xin Thiên Chúa toàn năng chúc phúc cho con, xin Người làm cho con sinh sôi nảy nở thật nhiều, để con trở nên một cộng đồng nhiều dân nước. Xin Người ban cho con và dòng dõi con phúc lành của ông Abraham, để con chiếm hữu miền đất con đang trú ngụ, là miền đất Thiên Chúa đã ban cho ông Abraham” (St 28,2-4). Những lời chúc phúc này như tấm gương phản chiếu chính những gì Thiên Chúa đã chúc phúc cho Isaac: “Ta sẽ ở với ngươi và sẽ chúc phúc cho ngươi, vì Ta sẽ ban tất cả những miền đất này cho ngươi và cho dòng dõi ngươi, và Ta sẽ giữ lời Ta đã thề với Abraham, cha ngươi. Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi ra nhiều như sao trên trời, Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi tất cả những miền đất này; và nhờ dòng dõi ngươi, mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc...” (St 26,3-4; cũng x. c.24).

* Kinh nghiệm về Thiên Chúa tại Bethel

Jacob cất bước lên đường với tư cách của người được cha sai phái, mang nơi mình lời chúc phúc của cha, và với tâm tình không làm cho cha mẹ thất vọng với đời sống hôn nhân của mình, mà theo một nghĩa nào đó, tức là mang tâm tình của người mong ước nối dài cuộc sống có ý nghĩa và niềm tin cho cha mẹ mình.

Trong hành trình tiến về quê ngoại này, tại vùng đất mà Jacob sẽ đặt tên là Bethel, Jacob đã được Thiên Chúa ban cho một giấc mộng lạ thường, khiến cậu tin chắc nơi đây “là nhà của Thiên Chúa, là cửa trời, chứ không phải là gì khác” (St 28,17). Quả thế, trong giấc chiêm bao này, Jacob “thấy một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời, trên đó có các sứ thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên thang” (St 28,12). Hình ảnh này có lực hấp dẫn rất lớn, đến độ sau này chính Chúa Giê-su đã dùng để nói với Nathanael về Con Người: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người” (Ga 1,51).

Jacob còn thấy “YHWH đứng bên trên thang” mà phán, với 4 nội dung như sau: 1. Hứa ban đất: “Ta là YHWH, Thiên Chúa của Abraham, tổ phụ ngươi, và là Thiên Chúa của Isaac. Đất ngươi đang nằm, Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi” (St 28,13); 2. Hứa ban hậu duệ đông đảo: “Dòng dõi ngươi sẽ nhiều như bụi trên đất; ngươi sẽ lan tràn ra khắp đông tây nam bắc” (St 28,14a); 3. Hứa ban phúc lành cho muôn dân: “Nhờ ngươi và dòng dõi ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 28,14b); 4. Hứa ở với Jacob trong hành trình này: “Này Ta sẽ ở với ngươi; ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ gìn giữ ngươi, và Ta sẽ đưa người về đất này, vì Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta hoàn thành điều Ta đã phán với ngươi” (St 28,15).[15]

Những lời Thiên Chúa phán với Jacob đã khiến cậu phát sợ. Mà không sợ sao được, vì 3 lời hứa đầu của Thiên Chúa đã đặt Jacob ở ngang tầm với ông nội và cha mình, xét như người được ân nghĩa với Thiên Chúa (“về đất”: x. St 12,7; 26,3; “về hậu duệ”: x. St 12,2; 13,14; 22,17; 26,24; “về lời hứa phúc lành cho muôn dân”: x. St 12,3; 22,18). Còn lời hứa thứ tư, vừa phản chiếu điều Thiên Chúa đã hứa với Isaac (x. St 26,3), vừa có nét riêng dành cho Jacob, đang khởi động tiến trình về quê ngoại tìm bạn đời theo kế hoạch của bà Rebekah, theo sự chuẩn y và lời chúc phúc của ông Isaac.

Sáng hôm sau, Jacob đã lấy hòn đá cậu gối đầu đêm trước, dựng lên làm trụ và đổ dầu lên đầu trụ, như để ghi nhớ sự hiện diện quan phòng của Thiên Chúa đối với mình. Cậu bèn khấn cùng Thiên Chúa, nêu ra ba điều kiện, để Thiên Chúa của tổ tiên thực sự là Thiên Chúa cá vị đối với mình: “Nếu Thiên Chúa ở với tôi và gìn giữ tôi trong chuyến đi tôi đang thực hiện, nếu Người ban cho tôi bánh ăn áo mặc, nếu tôi được trở về nhà cha tôi bình an, thì Đức Chúa sẽ là Thiên Chúa của tôi” (St 28,20-21). Jacob cũng không quên đoan hứa hai điều cùng Thiên Chúa: “Hòn đá này là hòn đá tôi đã dựng lên làm trụ sẽ là nhà của Thiên Chúa; và lạy Chúa, mọi sự Ngài ban cho con, con sẽ dâng cho Ngài một phần mười” (St 28,22).

Có thể nói được, qua 3 điều kiện và cả lời đoan hứa mà Jacob nói ra, Jacob còn lâu lắm mới đạt đến tầm mức “đức tin” như ông nội Abraham, khi ông mau mắn cất bước lên đường theo tiếng gọi của Thiên Chúa: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng, và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1), hay khi ông Abraham toàn tâm toàn ý thi hành mệnh lệnh Chúa truyền: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Isaac, hãy đi đến xứ Moriah mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho” (St 22,2). Cậu Jacob của chúng ta ở đây, cậu không chỉ phải thực hiện những bước rong ruổi về quê ngoại xa xôi, mà cậu còn phải bước vào cuộc hành trình đức tin, để đức tin của cậu đặt để vào Thiên Chúa, có thể đạt đến tầm mức trưởng thành và cá vị như ông nội Abraham.

Những tình tiết của câu chuyện tiếp sau đó sẽ cho chúng ta thấy Thiên Chúa sẽ thỏa ba điều kiện Jacob nêu ra, vượt xa những gì Jacob trông đợi. Có thể nói được: ngoài sự kiện Thiên Chúa cách nay hơn 40 năm đã đưa ra câu trả lời cho lời thỉnh nguyện của bà Rebekah, theo đó “đứa lớn sẽ làm tôi đứa bé” (St 25,23), qua đó tiên báo về vị thế trổi vượt của Jacob so với Esau anh mình, thì câu chuyện tại Bethel này được kể là lần đầu tiên Thiên Chúa trực tiếp bày tỏ cho Jacob biết kế hoạch yêu thương và quan phòng của Người dành cho cậu. Nếu nhìn từ nhãn quan này, độc giả phần nào cảm nghiệm được một cách chắc chắn: cuộc xung đột giữa Jacob và Esau rốt cuộc cũng sẽ được giải quyết một cách êm thấm nhờ vào sự can thiệp của Thiên Chúa.

2. Trải qua nhiều kinh nghiệm nhớ đời và kinh nghiệm về Thiên Chúa

Một trong những thành tố tạo nên một cuộc hoà giải có ý nghĩa, đó chính là phía người gây hoạ phải thành tâm nhận lỗi. Và trong rất nhiều trường hợp như chúng ta có thể bắt gặp trên đời, sự thành tâm đó nhiều khi lại đến từ chuyện kẻ gây hại sẽ phải trải qua điều tương tự mà mình trước đây đã gây ra cho người khác. Câu chuyện của Jacob tại nhà gia đình ông Laban là một thí dụ điển hình cho điều này. Gieo gió ắt gặp bão: chuyện này đúng trong trường hợp của Jacob.

Nhưng nhìn dưới nhãn quan đức tin, điều này cũng không nằm ngoài đường lối sư phạm diệu kỳ của Thiên Chúa, Đấng đã hiện ra với Jacob tại Bethel, với lời đoan chắc “Này Ta sẽ ở với ngươi; ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ gìn giữ ngươi, và Ta sẽ đưa ngươi về đất này, vì Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta hoàn thành điều Ta đã phán với ngươi” (St 28,15). Lời đoan chắc này là bảo chứng cuộc hoà giải giữa Jacob và Esau sẽ thành tựu, nếu cả hai nhân vật, cách riêng là Jacob, đồng lòng để Thiên Chúa chèo lái con thuyền đời họ đến bến mơ, chấp nhận phải trải qua nhiều sóng gió trong đời để học biết cách hoà giải chân thành nhất.

Trở lại chuyện của Jacob: sau những chặng đường dài, cuối cùng Jacob cũng đến nhà bác Laban, và cậu đã được chào đón nồng hậu ở đó. Điều này hàm ý điều kiện thứ nhất mà Jacob đã đặt ra với Thiên Chúa tại Bethel, cụ thể là “nếu Thiên Chúa ở với tôi và gìn giữ tôi trong chuyến đi tôi đang thực hiện” (St 28,20a), điều kiện này đã thành tựu mỹ mãn nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa. Thánh Kinh kể lại: sau khi nghe cô con gái Rachel thuật lại, ông Laban “vừa nghe nói đến Jacob, con của em gái ông, liền chạy ra đón, ôm cậu mà hôn, rồi đưa vào nhà” (St 29,13). Trong bầu khí được đón tiếp như thể một người thân lâu ngày lắm mới hồi hương, Jacob xem chừng không giấu giếm điều chi hết. “Cậu kể lại cho ông Laban hết mọi chuyện” (St 29,13).

Hết mọi chuyện gì vậy? Thánh Kinh không nói rõ, nhưng theo mạch văn của câu chuyện, chúng ta có thể mường tượng: Jacob đã kể cho Laban nghe lý do mình thực hiện chuyến đi này; hành trình diễn tiến ra sao. Rất có thể, trong lúc cao hứng và trong bầu khí ấm cúng, cậu không ngần ngại kể lại chuyện mình đã làm thế nào chiếm lấy lời chúc phúc của cha, vì lẽ đó mà đào sâu thêm mối bất hoà với Esau, khiến Esau ôm hận muốn sát hại cậu; chuyện cha mẹ không vui với cảnh có nàng dâu ngoại tộc trong nhà; cùng ước muốn vừa lánh nạn, vừa lại lấy được nàng dâu trong dòng họ cho cha mẹ mình được vui lòng.

Khi nghe Jacob kể hết mọi sự, ông Laban liền cất tiếng: “Cháu đúng là cốt nhục của bác!” (St 29,14). Hiển nhiên, trước khi Jacob kể một mạch mọi chuyện, khi đón cậu vào nhà và tiếp đón nồng hậu, thì Laban đã biết Jacob là con của em gái mình, là cốt nhục của mình rồi. Đâu cần phải nghe xong chuyện này, Laban mới nhìn nhận chuyện cốt nhục với Jacob. Câu nói này của Laban, vì thế, hầu như có ẩn ý, đại loại như: nghe chuyện cháu kể, bác thấy cháu sao giống bác quá, ở cái khoản “đánh lừa” người khác. Những diễn biến tiếp theo ở câu chuyện sẽ cho chúng ta thấy rõ Laban và Jacob quả là “cốt nhục” của nhau ở khoản dùng mưu hạ gục người khác. Laban xem chừng còn cao tay ấn hơn Jacob ở chuyện này.

* Hết lòng vì người mình yêu

Jacob ở với Laban. Cậu để mắt đến cô con gái út của người bác mình. Cô này tên là Rachel, một người con gái “duyên dáng và có nhan sắc” (St 29,17). Không biết sau này, bà Rachel có giữ được nét đẹp của mình như bà nội Sarah không, là người ở độ tuổi trên dưới 65, vẫn được không chỉ Abram chồng bà, mà còn cả đám quần thần Ai-cập tán tụng với Pharaoh về sắc nước nghiêng thành của bà (x. St 12,11.14-15). Nhưng ít là vào lúc này, hiển nhiên xét theo bề ngoài, thì Rachel bỏ xa cô chị Leah của mình. Quả vậy, cô Leah, con gái cả của ông Laban, được mô tả không mấy ấn tượng với chúng ta, hiển nhiên với cả Jacob nữa: “Cô Leah mắt lờ đờ” (St 29,17).

Và một khi tâm trí đã gửi gắm cho cô Rachel, thì Jacob chẳng ngại dùng sức trai hùng của mình để cật lực làm việc cho bác Laban. Cậu tình nguyện: “Cháu sẽ phục vụ bác bảy năm để được Rachel, con gái út của bác” (St 29,18). Khi nhận được sự thuận tình của Laban, Jacob đã hăng say làm việc, thời gian trôi qua thật nhanh, như lời Thánh Kinh viết: “Vì cô Rachel, Jacob đã phục vụ bảy năm, nhưng đối với cậu chỉ như vài ngày, vì cậu quá yêu cô” (St 19,20). Đây có lẽ là khoảng thời gian đẹp nhất đối với Jacob, bộc lộ những tố chất tốt đẹp nơi Jacob. Cậu vui tươi làm việc, chẳng nề hà điều gì. Cô Rachel trở thành nguồn động lực cho cậu. Cứ mỗi ngày trôi qua, Jacob lại càng gần với ước mơ sánh duyên với người mình yêu.

* Ăn phải trái đắng từ Laban

Ngày được sánh duyên cùng nàng Rachel đã đến. Jacob mạnh dạn thưa với ông Laban: “Xin bác giao vợ cháu cho cháu, vì cháu đã mãn hạn, và cháu muốn lui tới với nàng” (St 19,21). Mọi sự diễn biến theo hướng Jacob mong ước. Hôn lễ được cử hành. Nhưng cuộc đời không như là mơ. Sau đêm động phòng hoa chúc ấy, Jacob mới vỡ lẽ: cô dâu lại là Leah có cặp mắt lờ đờ không mấy ấn tượng kia. Jacob không giấu được nỗi tức giận, cậu chất vấn bác Laban, nay cũng là nhạc phụ của mình, bằng một loạt ba câu hỏi tới tấp: “Cha đã làm gì con thế? Con đã chẳng phục vụ để được Rachel sao? Sao cha lại đánh lừa con?” (St 29,25).

Ông Laban đưa ra câu giải thích ngụy biện: “Trong miền chúng tôi không có lệ gả em trước khi gả chị” (St 29,26). Và khi biết Jacob nay như cá đã cắn câu rồi, ông Laban liền dùng lời lẽ vừa xoa dịu, vừa chẳng ngần ngại nói rõ chủ đích của mình: “Con cứ qua trọn tuần lễ cưới với đứa này đã rồi cha sẽ gả cho con cả đứa kia, để bù lại công con phục vụ ở nhà cha thêm bảy năm nữa” (St 29,27).[16] Thế là để có được người mình yêu là cô Rachel, Jacob dù phải chịu lừa gạt một vố đau, vẫn đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, mất thêm bảy năm lao động nữa cho nhạc phụ Laban, là nhân vật mà Jacob và chúng ta phải thừa nhận là thuộc hàng sư phụ về nghệ thuật lừa gạt.

Sở dĩ ông Laban có thể dễ dàng khiến Jacob mắc quai mà chẳng thể làm gì được ông, là vì hầu chắc bảy năm trước đó, lúc mới đến nhà bác Laban của mình, rất có thể trong lúc cao hứng, Jacob đã lỡ miệng kể cho người bác này nghe biết ngọn nguồn lý do cậu đến đây, qua đó người bác Laban này đã nắm được tẩy lừa gạt của Jacob. Trách ai bây giờ, vì chính Jacob cũng là kẻ đã từng lừa anh gạt cha mình trước đó.

Âu cũng là ý trời! Nhìn từ nhãn quan tích cực hơn, thì qua sự kiện chẳng hay ho gì trong cách hành xử của ông Laban đối với cậu con rể của mình, Thiên Chúa đang để cho Jacob trải qua kinh nghiệm đau đớn của người bị đánh lừa. Kinh nghiệm này trước đây Jacob chưa hề có. Trước đây, cậu như thể là người thắng cuộc trong các trận đấu: cậu là người lừa được cả anh mình lẫn cha mình. Thành công mỹ mãn đấy, nhưng nỗi thương tổn mà cậu gây ra cho Esau và cho ông Isaac, chắc hẳn cậu chưa cảm nghiệm được, chưa thẩm thấu được.

Có thể sẽ khó nói về một cuộc hoà giải của Jacob với Esau sau này, nếu như Jacob không thật lòng cho thời khắc đó. Mà sự thật lòng thường đòi phải có sự hoán cải thật sự. Sự hoán cải đến lượt mình đôi lúc lại chỉ đạt được khi người cần hoán cải phải uống thứ thuốc đắng dã tật tâm hồn. Một trong những phương thuốc xem chừng hữu hiệu giúp chữa trị hành vi lừa dối của Jacob, đó chính là để Jacob trải qua kinh nghiệm đau đớn của một người phải dùng món “thịt lừa” mình không muốn.

* Thiên Chúa bênh đỡ Jacob tại nhà Laban

Cần nhắc lại điều kiện thứ hai mà Jacob đã đặt ra cho Thiên Chúa tại Bethel, đó là “nếu Người ban cho tôi bánh ăn và áo mặc” (St 28,20b), điều kiện này cũng đã được Thiên Chúa thực hiện một cách tuyệt vời. Jacob không chỉ có của ăn áo mặc thông thường, mà nhờ ơn Thiên Chúa phù trợ, ông còn trở nên giàu có khi sống tại Paddan-aram. Ông đông con đã đành, vốn dĩ là dấu chỉ được Thiên Chúa chúc phúc, ông còn sở hữu nhiều của cải chẳng thua kém ai ở đó. Dù bị nhạc phụ Laban bào mòn sức lực của mình, như chính lời Jacob nói với 2 người bạn đời của mình là Leah và Rachel: “Cha các bà đã đánh lừa tôi, và đã đổi công xá của tôi mười lần, nhưng Thiên

Chúa đã không để ông ấy làm hại tôi” (St 31,7). Jacob cũng tuyên nhận: “Thiên Chúa đã lấy đàn vật của cha các bà mà trao cho tôi” (St 31,9). Mấy ngày sau đó, khi gặp ông Laban, Jacob cũng đã rút ruột rút gan nói hết những điều uất ức trong lòng: “Con ở nhà cha đã được 20 năm, con đã phục vụ cha được 14 năm để được hai cô con gái của cha, 6 năm để được chiên của cha, cha đã đổi công xá của con 10 lần. Giả như Thiên Chúa của cha con, là Thiên Chúa ông Abraham thờ và là Đấng ông Isaac khiếp sợ, đã không ở với con, thì bây giờ hẳn cha đã để con về tay không” (St 31,41-42a).

Lúc rời khỏi nhà Laban, theo lệnh truyền của Thiên Chúa (x. St 31,3.13), ông Jacob đã có một tài sản đồ sộ, mà Thánh Kinh ghi lại, là riêng về số đàn vật, ông đã có gấp 10 lần số con vật ông muốn tặng cho Esau: “Ông lấy một phần của cải tay ông đã làm ra, để làm tặng phẩm biếu ông Esau, anh ông: 200 dê cái và 20 dê đực; 200 chiên cái và 20 chiên đực; 30 lạc đà cái đang cho con bú và con của chúng; 40 bò cái và 10 bò đực; 20 lừa cái và 10 lừa con” (St 32,14-16).

* Câu chuyện hoà giải với Laban và kinh nghiệm về Thiên Chúa

Nhạc phụ Laban cảm thấy tức tối khi hay tin Jacob không chào mà biệt, lặng lẽ cùng vợ con, gia nhân, tài sản lên đường trở lại nhà cha mình tại đất Canaan. Laban cùng đám anh em họ hàng rượt theo, lần này ắt phải cho Jacob biết tay. Sau 7 ngày đường, cuối cùng, Laban và đám tùy tùng cũng đuổi kịp Jacob ở núi Gilead” (x. St 31,22-23). Xem chừng phen này Jacob khó thoát khỏi tai kiếp. Nhưng không, hôm sau, ông Laban lại tỏ ra hoà hoãn khác thường. Ày là vì Thánh Kinh cho biết, đêm hôm trước, Thiên Chúa đã báo mộng cùng ông, nghiêm khắc cảnh cáo ông chớ cậy sức mình mà đụng đến Jacob: “Coi chừng, đừng nói bất cứ điều gì với Jacob” (St 31,24).[17] Đây chính là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đang thỏa điều kiện thứ ba mà Jacob đã nêu lên tại Bethel: “Nếu tôi được trở về nhà cha tôi bình an...” (St 28,21).

Nhạc phụ Laban vẽ vời đủ điều, từ trách mắng đến xoa dịu, tỏ ra ân cần lo lắng: “Con đã làm gì thế? Con đã đánh lừa cha mà đem các con gái cha đi như thể tù binh chiến tranh. Tại sao con đã lén lút trốn đi và đã lừa cha, không cho cha biết, để cha còn tiễn đưa con trong niềm vui tiếng hát, trong tiếng trống tiếng đàn? Con đã không để cho cha hôn con hôn cháu cha. Thật con đã hành động ngu xuẩn!” (St 31,26-28).

Không rõ một phần những lời lẽ xem ra đầy ân cần, quan tâm này, chứa đựng được bao nhiêu phần trăm sự thành thật, nhưng cuối cùng ông Laban cũng phải moi ruột móc gan nói ra sự thật: “Cha có đủ khả năng làm hại các con, nhưng đêm qua Thiên Chúa của cha các con đã phán với cha rằng: ‘Coi chừng, đừng nói bất cứ điều gì với Jacob’” (St 31,29).

Không thể làm gì Jacob, vì đứa con rể này có Thiên Chúa phù hộ, nên ông Laban bèn quay qua chủ đề khác, cay đắng trách cứ Jacob: “Bây giờ con đi vì quá nhớ nhà cha con, nhưng tại sao con lại lấy trộm các thần của cha?'” (St 31,30). Jacob không hề biết, mấy thứ tượng thần đó, đã bị bà Rachel lấy đi, lúc ông Laban đi xén lông chiên (x. St 31,19). Jacob để cho ông Laban tự do lục lọi tìm kiếm chúng, nhưng hỡi ôi, ông nhạc phụ này có lục tung hết các lều trại cũng chẳng tìm ra, vì chúng đang bị Rachel để trong yên lạc đà bà đang ngồi lên trên. Khổ nỗi, bà lấy cớ đang “tới ngày tới tháng” của người nữ, không tiện đứng lên để ông Laban lục lọi.[18]

Hóa ra, các tượng thần mà ông Laban tôn thờ lạy lục, đã trở thành thứ vật ô uế, dơ bẩn, chiếu theo những gì sách Lê-vi sau này xác định: “Khi một người phụ nữ ra huyết, huyết từ thân thể chảy ra, thì nó sẽ ra ô uế bảy ngày vì có kinh. Bất cứ ai đụng vào nó, sẽ ra ô uế cho đến chiều. Mọi cái gì khi nó nằm khi có kinh, sẽ ra ô uế, mọi đồ vật nó ngồi lên, sẽ ra ô uế... Nếu có cái gì trên giường hoặc đồ vật nó đã ngồi lên, thì ai đụng đến cái đó, sẽ ra ô uế cho đến chiều'” (Lv 15,19-23). Có lẽ bà Rachel chẳng phải rơi vào “ngày của các bà các cô,” bà chỉ đánh lừa cha mình thôi, nhưng điểm sâu xa mà Thánh Kinh muốn nói đến, có lẽ là: mấy thứ tượng thần tưởng là cao quý và đáng tôn kính kia, thực là chỉ là đám đồ bỏ, đồ ô uế. Ai đụng vào chúng, chỉ tổ ra ô uế mà thôi.

Rốt cuộc, sau một hồi hai bên Laban và Jacob lời qua tiếng lại, ai cũng cho người khác thấu ruột thấu gan của mình, thì họ quyết định đi đến thỏa ước với nhau, nước sông không phạm đến nước giếng, ai về nhà đó, không tìm cách gây sự nữa. Họ xin Thiên Chúa làm chứng cho họ. Ông Laban nói với Jacob: “Đây đống đá này, và đây trụ đá cha đã đặt giữa cha và con. Đống đá này làm chứng và trụ đá này cũng làm chứng rằng cha không được vượt qua đống đá này sang bên con, và con cũng không được vượt qua đống đá này và trụ đá này sang bên cha với ý đồ xấu. Xin Thiên Chúa của ông Abraham và Thiên Chúa của ông Nahor, Thiên Chúa của cha các ngài, xét xử giữa chúng ta” (St 31,52-53).

Thế là cả Laban và Jacob đã đi đến được thỏa thuận chung với nhau. Họ đã lập giao ước với nhau, có Thiên Chúa làm chứng.[19] Bầu khí sau đó diễn ra thân tình. Họ chân tình chia tay nhau. Laban cùng với họ hàng trở về. Jacob cùng bầu đoàn thê tử, gia nhân, tiếp tục hành trình về nhà cha mình. Một kết thúc có hậu, vì tất cả đều đặt dưới sự quan phòng chở che của Thiên Chúa dành cho Jacob, như lời Người đã phán cùng Jacob 20 năm trước đây tại Bethel: “Này Ta ở với ngươi; ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ gìn giữ ngươi, và Ta sẽ đưa ngươi về đất này, vì Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta hoàn thành điều Ta đã phán với ngươi” (St 28,15).

Thỏa ước này giữa Jacob và Laban cũng là một thứ tiền đề cho phép độc giả chúng ta nhìn xa hơn về một cuộc hoà giải được chờ đợi giữa Jacob và Esau. Và chúng ta cũng có đủ lý do để tin rằng bảo chứng cho cuộc hoà giải giữa hai anh em, không ai khác, vẫn chính là Thiên Chúa.

3. Lễ vật lòng thành và kinh nghiệm về Thiên Chúa

Lúc đặt chân đến vùng đất Seir, lãnh địa của Esau, Jacob liền sai sứ giả đi trước ông đến thưa chuyện với ông Esau. Jacob dặn dò họ phải dùng lời lẽ nhún nhường thay mặt ông tỏ lòng tôn kính bậc huynh trưởng Esau: “Tôi tớ ngài là ông Jacob nói như sau: Tôi đã trú ngụ tại nhà ông Laban và đã ở lại mãi đến bây giờ. Tôi có bò lừa, chiên dê, tôi trai tớ gái, và tôi sai người báo tin cho ngài để được đẹp lòng ngài” (St 32,5-6).

Nhưng những sứ giả đó trở về, chỉ biết nêu lên hai sự kiện: 1. Họ đã gặp Esau; 2. Esau đang tiến về phía Jacob, với 400 người đi cùng (x. St 32,7). Họ không hề cho biết phản ứng của Esau thế nào: thuận hay nghịch, hoà hoãn hay báo thù? Jacob khi nghe như vậy, thì kinh hoàng bạt vía. Ông nghĩ theo hướng tiêu cực: 400 kẻ cùng với Esau đang tiến về phía ông, chính là để gây sự, mối nguy hiểm lần này còn cao hơn gấp bội so với chuyện vừa mới xảy ra với ông Laban và đám họ hàng của ông ấy. Bởi thế, vì là một người túc trí đa mưu, ông liền “chia những người đi với ông, cũng như chiên dê, bò và lạc đà, đóng thành hai trại. Ông tự nhủ: ‘Nếu ông Esau đến đánh phá một trại, thì trại còn lại có thể thoát'” (St 32,8-9).

Lý trí mách bảo Jacob phải hành động mau lẹ, sao cho giảm thiểu thiệt hại hết mức, khi mà theo phán đoán của ông, nhóm của ông với đa phần là đàn bà con trẻ, không tài nào có thể chống đỡ nổi đám người của Esau. Nhưng Jacob cũng thừa biết rằng lúc này chỉ có Thiên Chúa mới cứu vãn nổi tình thế nguy ngập này. Giải pháp kia có thành sự hay không còn phải nhờ ơn trên “che mắt” đám người Esau.

Bởi thế, ngay khi sắp đặt mọi sự như kế hoạch, ông tha thiết kêu xin cùng Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa của tổ phụ con là ông Abraham, Thiên Chúa của cha con là ông Isaac, lạy Đức Chúa, Đấng đã phán bảo con: ‘Hãy trở về xứ sở, về với họ hàng ngươi, và Ta sẽ đối xử nhân hậu với ngươi,' con bé nhỏ, đâu xứng với mọi ân huệ và tất cả lòng thành tín mà Ngài đã tỏ cho tôi tớ Ngài đây. Thật vậy, khi qua sông Jordan, con chỉ có cây gậy, thế mà giờ đây đã thành ra hai trại. Xin giải thoát con khỏi tay anh con, khỏi tay anh Esau, vì con sợ anh ấy, sợ anh ấy đánh chúng con, đánh cả mẹ lẫn con. Chính Ngài đã phán với con: ‘Ta sẽ đối xử rất nhân hậu với ngươi, và sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên nhiều như cát ngoài biển, không thể đếm được vì quá đông'” (St 32,10-13).

lẽ đây là lời cầu nguyện dài hơi nhất của Jacob cho đến thời điểm này trong cuộc đời ông. Nói đúng ra, đây được kể là lời cầu nguyện đầu tiên đúng nghĩa được Thánh Kinh đề cập đến trong trường hợp của Jacob. Lạ thay, con người thiên về hành động của hai mươi năm nay, đã biết dành nhiều thời gian, ngay cả lúc nguy cấp này, để cầu xin cùng Thiên Chúa.[20] Tâm tình cầu nguyện của Jacob cũng rất dạt dào, đụng đến nhiều khía cạnh: nào là nhắc đến tương quan Thiên Chúa với tổ tiên, nhắc đến lời Người hứa sẽ đối xử nhân hậu và bảo vệ ông, nào là bày tỏ tâm tình cảm tạ tri ân, nào là xin ơn giải thoát, nào là nhắc đến lời hứa của Thiên Chúa về hậu duệ đông đảo dành cho ông.

Thế mới biết lúc này đây, trong cảm thức của Jacob, Đức Chúa của tổ tiên “hầu như” là Thiên Chúa cá vị của chính ông rồi. Đức tin được tổ tiên truyền thụ sắp trở thành đức tin cá vị thực thụ rồi. Chỉ còn một chút nữa thôi, thì 3 điều kiện mà Jacob nêu ra với Thiên Chúa, cách đây 20 năm, tại Bethel, sẽ được thành toàn mỹ mãn, Đức Chúa sẽ là “Thiên Chúa của Jacob” (x. St 28,20-21).

* Cuộc vật lộn với Thiên Chúa

Sau lời cầu nguyện tha thiết đó, Jacob tiếp tục sắp đặt mọi sự theo hướng làm cho Esau nguôi giận.[21] Ông căn dặn gia nhân, không chỉ thay mặt Jacob thưa gửi với Esau một cách tôn kính, mà còn dành nhiều lễ vật dâng tặng Esau. Jacob “giao từng đàn vật riêng rẽ cho các đầy tớ và bảo họ: ‘các ngươi hãy đi trước tôi và để một khoảng cách giữa mỗi đàn vật’ (St 32,17). Nếu Esau có hỏi về chủ nhân của đàn vật, thì các đầy tớ phải trả lời: “[đàn vật] của tôi tớ ngài là Jacob. Đây là tặng phẩm ông ấy gửi biếu ngài Esau, còn chính ông thì đang đi đằng sau chúng tôi” (St 32,19). Ông căn dặn điều này kỹ càng với 3 người đầy tớ đóng vai trò những kẻ tiến dâng lễ vật, và với tất cả những kẻ đi sau các đàn vật. Ông Jacob tự nhủ: “Ta cho tặng phẩm này đi trước để làm cho anh ấy nguôi giận; sau đó ta sẽ giáp mặt anh ấy và may ra anh ấy sẽ nể ta” (St 32,21).

Kinh Thánh kể tiếp về Jacob: “Tặng phẩm đi trước, còn chính ông nghỉ lại đêm ấy trong trại” (St 32,22). Nhưng đêm đó, Jacob dường như vẫn có điều gì bất an, nên ông thức dậy, “đem theo hai bà vợ, hai người nữ tỳ và mười một đứa con, và ông lội qua sông Jabbok.[22] Ông đem họ theo, đưa họ qua sông, rồi đưa tài sản của ông qua. Ông Jacob ở lại một mình” (St 32,23-25a).

Khi còn lại một mình, ông Jacob đã có một kinh nghiệm lạ lùng, “có một người vật lộn với ông cho đến lúc rạng đông” (St 32,25b).[23] Sau một hồi quần thảo, người đó “thấy không thắng được ông, bèn đánh vào khớp xương hông của Jacob,”” khiến nó bị trật (x. St 32,26). Người đó đòi Jacob buông mình ra, nhưng Jacob đòi người ấy phải chúc phúc cho mình thì mới chịu buông. Người ấy hỏi Jacob tên là gì. Khi Jacob xưng tên mình ra, người ấy đã nói: “Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Jacob nữa, nhưng là Israel, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng” (St 32,29). Người đó không chịu nói tên mình ra, nhưng lại chúc lành cho Jacob. Sau đó, ông Jacob đặt tên nơi đó là Penuel vì ông nói: “Tôi đã thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, mà tôi đã được tha mạng” (St 32,31).

Như thế, đối với Jacob, sau khi đã được đổi tên, rồi được chúc phúc, và khi hoàn hồn lại, ông tin nhận mình không phải đấu với người phàm, mà đấu với bậc thần minh, mà phải nói cho đúng, là đấu với Thiên Chúa (dù Người xuất hiện dưới hình dạng con người). Ông cảm thấy mình thật may mắn vì được tha mạng, chỉ bị đánh trật xương hông thôi. Nếu Đấng ấy không nương tay, thì Jacob đã mất mạng rồi.

Với tên gọi mới là Israel, vốn thường được hiểu là “Thiên Chúa dũng mạnh,”[24] do chính Thiên Chúa đặt cho mình, Jacob giờ đây đang mang theo mình một định mệnh mới.[25] Tên gọi Jacob, vốn từng bị Esau cay đắng liên kết với yếu tố lừa gạt, như Esau đã từng than thở: “Cớ phải vì nó tên là Jacob, mà nó đã hất cẳng con đến hai lần? Nó đã đoạt quyền trưởng nam của con, bây giờ đây nó lại đoạt lời chúc phúc của con” (St 27,35-36);[26] tên gọi đó vẫn được Sách Thánh dùng đến sau sự kiện này.[27] Tuy nhiên, Sách Thánh kể từ đây cũng lưu ý chúng ta rằng: Jacob còn có một tên gọi mới, do Thiên Chúa đặt cho ông, tên gọi này sau này sẽ chuyển từ cá nhân Jacob sang thành tên gọi cho dân tộc phát xuất từ ông, đó là dân Israel.

Sau cuộc vật lộn kỳ lạ này, Jacob đi khập khiễng vì bị trật xương hông. Về phương diện thể lý, ông có vẻ kém hơn so với trước đây. Bây giờ đi gặp Esau, chân vững bước trên mặt đất mà lòng còn e ngại, thì huống hồ gì lúc này chân lại bước cao bước thấp. Nhưng không, sau cuộc vật lộn này, dù có vẻ bất lợi về mặt thể lý, nhưng Jacob lại được củng cố niềm cậy trông với tên gọi mới là Israel: ông sẽ được “Thiên Chúa dũng mạnh” chở che; Người sẽ biểu lộ quyền năng của Người đối với ông; ông sẽ không phải sợ bất cứ ai, kể cả Esau với hơn 400 người hộ tống; Jacob sẽ là “người chiến thắng,” nếu xảy ra cuộc xung đột không mong muốn giữa hai anh em. Quả là, khi yếu sức, lại là lúc mạnh sức. Ấy là vì Jacob có Thiên Chúa hằng bênh đỡ chở che ông.

* Cuộc hoà giải nằm ngoài trông đợi

Jacob đã có được bảo chứng trợ giúp từ Thiên Chúa, qua cuộc vận lộn đêm qua. Việc ông được đổi tên thành Israel, hàm ý Thiên Chúa sẽ là nguồn sức mạnh bênh đỡ ông. Việc “người bí ẩn” giải nghĩa tên mới của Jacob, là ''“ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng” (St 32,29), giả định một chiến thắng dành cho Jacob, nếu Esau phát động chuyện binh đao. Hiển nhiên, Jacob chẳng thể nào thắng được Thiên Chúa, nếu Người không nhường cho ông có được thế uy phong đó. Chính miệng Jacob đã tuyên xưng điều đó: “Tôi đã thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, mà tôi đã được tha mạng” (St 32,31).

Tuy nhiên, Jacob không vì thế mà trở nên tự dương tự đắc. Ông không còn phải sợ Esau nữa, nhưng ông sẽ vẫn hành xử thật khiêm hạ. Sau khi đã sắp xếp thứ tự bầu đoàn thê tử theo mức độ những kẻ đứng cuối được sủng ái nhất - “Ông xếp các nữ tỳ với con của họ đi đầu, bà Leah với các con của bà đi sau, bà Rachel với Joseph đi chót” (St 33,2) - Jacob vượt lên phía trước để đón gặp Esau. “Ông sụp xuống đất lạy bảy lần trước khi đến gần anh mình” (St 33,3).

Liệu ông Jacob có cần phải làm như thế không? Sao lại hạ mình đến như vậy, dù đã có bảo chứng sự bảo vệ đến từ Thiên Chúa? Rõ ràng ở đây Jacob không hành động vì khiếp sợ nữa, nhưng vì tỏ lòng tôn kính với bậc huynh trưởng. Dù đã tiếp nhận quyền trưởng nam từ Esau, và đã nhận lời chúc phúc từ cha mình là Isaac cách nay hơn 20 năm, trong đó có câu: “Con hãy làm chủ các anh em con, và các con của mẹ con phải sụp xuống lạy con” (St 27,29), việc sụp lạy của Jacob trước Esau dường như muốn gửi một thông điệp tinh tế cho anh mình: Esau, anh mới đáng nhận được lời chúc lành của cha, xin nhận nơi em một lạy. Và không chỉ có một lạy, mà đến bảy lạy, nghĩa là hết sức tôn kính; mà nếu chỉ nói đến tôn kính thì cũng chưa đủ, phải nói đến cả yếu tố hối lỗi xin tha thứ vì bao lầm lỗi Jacob đã gây ra cho Esau.

Còn về phía Esau thì sao? Trước một Jacob đang tay không chạy đến sụp lạy mình, nếu muốn, thì chỉ cần một nhát giáo cũng đủ cho Esau lấy mạng Jacob. Nhưng Esau đã không làm vậy. Thánh Kinh ghi lại: “Ông Esau chạy lại đón em, ôm chầm lấy, bá cổ mà hôn, rồi cả hai cùng khóc” (St 33,4). Quả là một cảnh cảm động, chỉ có được khi những người thân yêu lâu ngày xa cách nay lại được gặp nhau.[28] Không có một chút bầu khí nghi kỵ gì ở đây cả; cũng chẳng còn hình ảnh của một Esau cách đây 20 năm đã từng tuyên bố: “Sắp đến ngày lo đám tang cho cha ta rồi; bấy giờ ta sẽ giết Jacob, em ta” (St 27,41).

* Một Esau đã được biến đổi

Esau bây giờ đã khác, không còn là Esau của 20 năm về trước. Dù Kinh Thánh không giải thích gì về việc thay đổi này, nhưng khi đọc dưới nhãn quan đức tin, độc giả chúng ta phải công nhận điều Kinh Thánh muốn ám chỉ: chính Thiên Chúa đã từng bước làm biến đổi cuộc đời của Esau. Bước trước tiên dễ nhận ra, đó là việc Esau biết sửa lỗi: Ngay khi biết cha mẹ mình chỉ mong có nàng dâu trong thân tộc, vì hai người vợ ngoại tộc của mình đã làm cha mẹ đau khổ, thì Esau đã đến nhà ông Ishmael (bác mình), “cưới thêm cô Mahalath, là con gái của ông Ishmael, con ông Abraham, và là em gái của ông Nebaioth” (St 28,9).

Còn trong câu chuyện chúng ta đang bàn tới, chính Esau đã thừa nhận, về phương diện của cải vật chất, ông không hề thiếu, như lời ông nói với Jacob: “Tôi có nhiều rồi, chú ạ! Cái gì của chú, chú cứ giữ lấy” (St 33,9). Thế mới nói, dù không nhận được lời chúc phúc của ông Isaac, mà chỉ nhận được lời cha tiên báo về mình và về hậu duệ của mình: “Kìa, nơi ở của con sẽ cách xa đất đai màu mỡ và không được sương từ trời cao gieo xuống. Con sẽ sống nhờ thanh gươm của con, sẽ làm tôi em con. Nhưng khi còn nay đây mai đó, con sẽ giữ được ách em con ra khỏi cổ con” (St 27,39-40), nhưng Thiên Chúa vẫn quan phòng để Esau vẫn có được đời sống dư giả và có quyền lực.[29]

Có lẽ sau 20 năm, thời gian là viên thuốc tiên, đã ít nhiều chữa lành vết thương lòng của Esau. Ông cũng đã nhận ra Thiên Chúa không bỏ rơi ông. Và với tất cả những gì đã xảy ra, khi nhìn về tính cách và lối hành xử của mình, rất có thể Esau đã thấy mình không thực sự thích hợp đảm nhận quyền trưởng nam, và cũng không xứng đáng là kẻ tiếp nhận lời chúc phúc của cha mình.[30] Phải công tâm mà nói, nếu không có ơn Chúa, và nỗ lực thay đổi bản thân, thì Esau không thể hành xử nồng ấm với Jacob khi gặp lại em mình.

Thế nên, muốn có hoà giải thực sự, “kẻ bị hại” như Esau không thể chỉ biết chỉ ngón tay quy tội vào tên lường gạt Jacob kia, mà còn phải biết nhìn lại chính mình và cần được biến đổi. Vì lẽ gì nên cớ sự 20 năm trước đây? Nếu biết nhìn lại bản thân, và nhờ ơn Chúa giúp, kẻ bị hại sẽ thấy được nhiều điều thiếu sót nơi mình, từ tâm tính đến cách hành xử, kể cả âm mưu nguy hiểm là muốn xóa sổ em mình khỏi cuộc sống này; những thứ này ít nhiều đã tạo nên một phần câu chuyện không hay xảy ra. Khi nhận ra những thiếu sót nơi bản thân, Esau mới tìm thấy được thứ ánh sáng tha thứ, và từ đó mới từng bước chữa lành những vết thương lòng do tình trạng bị lường gạt kia để lại. Và một khi nhận ra, dù bị em mình lừa gạt, dù bị mẹ mình chủ mưu vụ này, Esau không vì thế bị Thiên Chúa loại bỏ. Ngài vẫn yêu thương Esau, vẫn ban những ơn cần thiết để ông sống xứng hợp với ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể.

Esau không muốn nhận quà của Jacob, vì ông thấy mình đã được Thiên Chúa đối xử nhân hậu, ông có đủ của cải vật chất rồi. Nhưng sau khi nghe được những lời chân tình của Jacob: “Nếu tôi đẹp lòng ngài, thì xin ngài nhận tặng phẩm tự tay tôi biếu. Thật vậy, tôi đã nhìn thấy mặt ngài như nhìn thấy mặt Thiên Chúa, và ngài đã tỏ lòng thương đối với tôi. Xin ngài nhận lấy món quà tôi đưa đến để cầu phúc cho ngài, vì Thiên Chúa đã thương ban cho tôi và tôi có đủ mọi sự” (St 33,10-11). Thế là, giờ đây món quà Jacob muốn biếu tặng Esau không còn mang ý nghĩa “làm Esau nguôi giận” (x. 32,21), mà để “cầu phúc cho Esau.” Đó không còn là thứ vật chất để mua sự tha thứ của Esau, mà là tặng phẩm của lòng kính mến, để thông chia cho Esau tình thương Thiên Chúa đã dành cho Jacob, với ước nguyện Thiên Chúa cũng sẽ tỏ tình thương của Người cho Esau như Người đã thực hiện cho Jacob.

Jacob nài ép và Esau đã nhận món quà ân tình này, như đón nhận lời cầu phúc của Jacob cho mình. Hai mươi năm trước đây, Jacob đã tước đoạt lời chúc phúc mà lẽ ra dành cho Esau. Qua cử chỉ kính biếu, cùng lời lẽ khiêm hạ, xem mình chỉ là hàng tôi tớ trước mặt anh mình, Jacob thực sự muốn hoà giải với anh mình. Ông cũng mong ước những gì tốt đẹp mà ông thừa hưởng được từ lời chúc phúc của cha mình là Isaac, cũng sẽ được lan tỏa sang cả Esau, anh mình.[31]

Hai anh em sau đó, mỗi người đi theo ngả riêng của mình. Họ gặp lại nhau khi ông Isaac qua đời, hưởng thọ 180 tuổi, để hai anh em cùng chôn cất cha mình (x. St 35,27-29). Nhưng trước đó, Jacob đã thực hiện một hành vi mang tính biểu tượng, như thể qua hành vi này, ông và gia đình tuyên nhận Thiên Chúa không chỉ là Thiên Chúa của ông, mà còn là Đấng duy nhất mà ông và gia đình tôn thờ. Hành vi biểu tượng đó chính là trước khi đến Bethel, nơi Thiên Chúa đã hiện ra với ông 20 năm trước đây, Jacob đã truyền cho mọi người trong gia đình và trong đám gia nhân phải ''“loại bỏ hết các thần ngoại bang họ đang giữ và các khuyên họ đang đeo ở tai, và ông Jacob chôn những thứ ấy dưới gốc cây vân hương gần Sikhem” (St 35,4).[32]

C. LỜI KẾT

Sự bất hoà giữa hai anh em Jacob và Esau có nhiều nguyên nhân, trải qua nhiều giai đoạn trong cuộc đời của hai nhân vật này. Mấu chốt của việc hoà giải giữa Jacob và Esau là do tác động của Thiên Chúa. Có lúc Kinh Thánh trình bày chuyện này cách minh nhiên. Có lúc chúng ta phải “đọc ra” điều này từ những manh mối ít ỏi hay ở những chi tiết tản mác đó đây trong câu chuyện của Jacob và Esau. Rất cần có một cảm thức đức tin đủ sâu, thì chúng ta mới cảm nhận được bàn tay kỳ diệu của Thiên Chúa dẫn dắt mọi chuyện đi đúng hướng, ngay cả khi những nhân vật trong câu chuyện này hành xử rối tung cả lên.

Nẻo đường đầy toan tính con người của bà Rebekah và Jacob để “hiện thực hóa” lời tiên báo của Thiên Chúa (x. St 25,23) chỉ mang lại nỗi cay đắng và sự bấn loạn tinh thần cho những người bị lừa là Esau và ông Isaac. Và một khi nỗi cay đắng trong lòng lên đến đỉnh điểm, thì nó sẽ làm sinh ra một thứ mưu đồ bất chính nơi Esau, đó là tìm cách sát hại em ruột mình. Câu chuyện hoà giải giữa Jacob và Esau, vì thế, chỉ thành hiện thực khi cả hai anh em đều phải được biến đổi.

Trong nhãn quan đức tin, được trợ giúp bằng những cảm nhận tinh tế qua các tình tiết câu chuyện, độc giả chúng ta có thể nhận ra, dù được trình bày lúc ẩn lúc hiện, không ai khác nhưng chính Thiên Chúa mới là Đấng mang lại sự hoà giải đích thực giữa Jacob và Esau. Bằng đường lối sư phạm mầu nhiệm của mình, Thiên Chúa đã để cho Jacob phải trải qua kinh nghiệm ngậm đắng nuốt cay về tình trạng bị đánh lừa khi sống tại gia đình ông Laban. Những kinh nghiệm nằm lòng này sẽ giúp Jacob cảm thấu được những tổn thương mình đã gây ra cho Esau, anh mình. Và qua những lần can thiệp trực tiếp, hay qua những ơn ban cần thiết, Thiên Chúa đã thể hiện một cách rõ nét sự hiện diện quan phòng đầy yêu thương của Người đối với ông. Từ một kẻ ra đi đến Paddan-aram với bàn tay trắng, Jacob trở về nhà cha, có được tất cả những gì cần phải có nơi một người được chúc lành theo quan niệm thời đó: một gia đình đông đảo, một tài sản đồ sộ, một đức tin được củng cố về một Thiên Chúa trong tương quan cá vị với ông.

Thiên Chúa của Jacob hiển nhiên cũng là Thiên Chúa yêu thương Esau. Không thể có một Esau được biến đổi và phải thực lòng thốt lên “tôi có nhiều rồi, chú ạ! Cái gì của chú, chú cứ giữ lấy” (St 33,9), nếu như không có ơn ban của Thiên Chúa dành cho ông. Nhãn quan đức tin phải dẫn dắt người đọc đến một kết luận như vậy.

Cuộc hoà giải giữa Jacob và Esau, vì thế, phải được đặt trong viễn tượng tình thương Thiên Chúa dành cho cả Jacob và Esau, tình thương ấy đã làm biến đổi cả Jacob lẫn Esau, để họ có thể lại đến với nhau trong tư cách là những người anh em thân thiết. Cách riêng trong trường hợp Jacob như Thánh Kinh ghi lại, cuộc hoà giải này là một minh chứng sống động về việc Thiên Chúa thành toàn những gì Người đã phán với Jacob tại Bethel: “Này Ta ở với ngươi; ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ gìn giữ ngươi, và Ta sẽ đưa ngươi về đất này, vì Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta hoàn thành điều Ta đã phán với ngươi” (St 28,15).

Ước chi câu chuyện hoà giải giữa Jacob và Esau cũng mang lại nguồn khởi hứng và niềm tin thành toàn cho mọi nỗ lực hoà giải mà có thể nhiều người chúng ta đang thực hiện để tìm cách hóa giải các cuộc tranh chấp hay xung đột trong phạm vi cá nhân, gia đình, hay quốc gia và thế giới, đụng chạm đến nhiều lãnh vực khác nhau.

Lm. Giuse Phạm Tuấn Nghĩa, SJ

THƯ MỤC THAM KHẢO

Alter, Robert, Genesis: Translation and Commentary. New York: W. W. Norton & Company, 1996.

Fischer, Georg, Der Jakobsweg der Bibel: Gott suchen und finden. Stuttgart: Verlag Katholisches Bibelwerk, 2010.

Hamilton, Victor P., The Book of Genesis: Chapters 18-50. Grand Rapids: Eerdmans, 1995.

Hughes, R. Kent, Genesis: Beginning and Blessing. Preaching the Word. Wheaton: Crossway Books, 2004.

Humphreys, W. Lee, The Character of God in the Book of Genesis: A Narrative Appraisal. Louisville: Westminster John Knox Press, 2001.

Kselman, John S., “Genesis,” The HarperCollins Bible Commentary, ed. gen. James L. Mays. New York: HarperCollins Publishers, 2000.

Longman III, Tremper, The Baker Illustrated Bible Dictionary.
Grand Rapids: Baker Books, Ebook edition, 2013.

Sailhamer, John H., The Pentateuch as Narrative: A Biblical- Theological Commentary. Grand Rapids: Zondervan Publishing House, 1992.

Westermann, Claus, Genesis, transl. David E. Green. London - New York: T&T Clark International, 2004.

Whybray, R. N., “Genesis,” Oxford Bible Commentary, eds. John Barton and John Muddiman. New York: Oxford Univ. Press, 2007.

Nguồn: dongten.net (11.11.2022)

 

 


[1] Các câu Thánh Kinh được trích ra từ bản dịch tiếng Việt của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV). Xin Nhóm CGKPV cho phép tôi sử dụng, và xin hết lòng tri ân quý vị. X. Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh: Ấn Bản 2011 (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2011).

[2] Victor P. Hamilton, The Book of Genesis: Chapters 18-50 (Grand Rapids: Eerdmans, 1995), 176. Victor P. Hamilton nhận xét: “Vấn đề của Isaac là làm sao cho bà Rebekah có thai. Còn vấn đề của bà Rebekah lại chính là tình trạng mang thai.”

[3] Hamilton, The Book of Genesis, 177. Victor P. Hamilton nhận xét: “Việc tỏ lộ này cung cấp thêm một ví dụ nữa trong danh sách một loạt các minh hoạ về việc người trẻ hơn sẽ thay thế kẻ lớn hơn. Chúng ta có thể nghĩ về các trường hợp: Isaac và Ishmael; Zerah và Perez; Joseph / Benjamin và các người anh của họ; Ephraim và Manasseh; David và các anh; Solomon và Adonijah. Tất cả những trường hợp này đều chứng thực rằng việc chọn lựa nhưng không của Thiên Chúa không hệ ở tuổi tác, nhưng dựa trên thánh ý siêu việt của Người.”

[4] Hamilton, The Book of Genesis, 178. Victor P. Hamilton giải thích thêm: “Phải đợi đến thời vua Đavit thì dân Israel (đứa bé) mới thống trị được dân Edom (đứa lớn) - x. 2Sm 8,12-14, đặc biệt c. 14b: ‘toàn dân Edom phải làm đầy tớ cho vua Đavit’.”

[5] John S. Kselman, “Genesis,” The HarperCollins Bible Commentary, ed. gen. James L. Mays (New York: HarperCollins Publishers, 2000), 98. John S. Kselman có cùng một hướng nhìn, và giải thích thêm: “Chủ đề về xung đột, trước tiên hiển nhiên trong cung lòng bà Rebekah, tiếp diễn với việc hạ sinh hai anh em sinh đôi, khi đứa thứ hai lúc sinh ra đã tìm cách chiếm lợi thế so với đứa thứ nhất, bằng việc nắm gót chân anh nó.”

[6] Hamilton, The Book of Genesis, 183. Victor P. Hamilton đưa ra nhận xét tương tự về Jacob: “Cậu ấy nói từ vị thế sức mạnh, và sẽ sử dụng vị thế này để thò tay chiếm lấy quyền trưởng nam của anh mình.”

[7] Nhà tâm lý học Abraham Maslow, vào năm 1943, đã đưa ra lý thuyết về tháp nhu cầu của con người, theo đó, chúng ta có các nhu cầu xếp từ thấp đến cao theo hình tháp: 1. Nhu cầu sinh thể lý (physiological); 2. Nhu cầu về an toàn (safety); 3. Nhu cầu được yêu thương, hay thuộc về một nhóm (love/ belonging); 4. Nhu cầu được quý mến, kính trọng (esteem); 5. Nhu cầu được thể hiện khả năng bản thân (self-actualization). Nhìn từ quan điểm của Maslow, thì Esau đang cần thỏa nhu cầu thấp (1), lại dễ dàng từ bỏ nhu cầu cao (4).

[8] Hamilton, The Book of Genesis, 212. Victor P. Hamilton đặt ra một loạt giả thiết về lý do ông Isaac muốn chúc phúc cho Esau trước khi quy tiên: “Có lẽ Isaac vẫn chưa hay biết gì về lời sấm của Thiên Chúa (sau 40 năm?), hay có lẽ ông đã hiểu sai nó, hay có lẽ ông đã quên bẵng nó. Già nua tuổi tác và thị lực kém hẳn có thể đã đi cùng với trí nhớ giảm sút.”

[9] Hamilton, The Book of Genesis, 216. Victor P. Hamilton có cùng nhận định về chuyện ra ‘khẩu dụ’: “Bà Rebekah không gợi ý cho Jacob - bà ra lệnh. Ông Isaac trao đổi với Esau, nhưng bà Rebekah áp đặt trên Jacob.”

[10] R. N. Whybray, “Genesis,” Oxford Bible Commentary, eds. John Barton and John Muddiman (New York: Oxford Univ. Press, 2007), 56. R. N. Whybray bình giải thêm: “Câu chuyện này dựa trên niềm tin rằng các lời chúc phúc và các lời nguyền rủa có sức mạnh khách quan và không thể thu hồi.”

[11] John S. Kselman, “Genesis,” The HarperCollins Bible Commentary, 99. John S. Kselman lưu ý: “Có sự khác biệt đáng kể giữa hai cuộc đối thoại của Jacob và Esau với cha mình. Khi nói với Jacob, ông Isaac gọi cậu là “con trai cha” (my son) đến 7 lần (cc.18.20.21[2x].24.26.27; ngoài ra, còn có “con trai ông, ở c.20), trong khi đó ông chỉ dùng một lần để nói với Esau, cậu này gọi mình là “con cha” (your son) đến 2 lần ở cc.31-32.”

[12] Hamilton, The Book of Genesis, 230. Victor P. Hamilton cho rằng: “Esau âm mưu sát hại em mình như Cain. Tuy nhiên, cậu không như Cain, là kẻ hành động nhất thời do không kiểm soát được cảm xúc của mình; Esau giống với Absalom hơn, là kẻ hoạch định việc trả thù người anh cùng cha khác mẹ là Ammon trong vòng 2 năm (2Sm 13,23). Esau nổi giận, nhưng không hành động hấp tấp.”

[13] Hamilton, The Book of Genesis, 235. Victor P. Hamilton nhận xét: “Điều nghịch lý là Rebekah lo lắng cứu lấy mạng Jacob, nhưng bà sẽ không còn gặp được cậu nữa. Không chỗ nào trong sách Sáng Thế ghi lại việc quy tiên của bà Rebekah, cũng như không có chỗ nào nhắc đến việc hai mẹ con sẽ gặp nhau sau này.”

[14] Nguyên ngữ tiếng Do-thái: watih9yeynã mõrat rũah layisahãq úloriboqâ-7/ợ thành nồi cay đắng tâm thần đối với Isaac và Rebekah."

[15] John H. Sailhamer, The Pentateuch as Narrative: A Biblical-Theological Commentary (Grand Rapids: Zondervan Publishing House, 1992), 193. John H. Sailhamer nhận xét: “Những lời này của Thiên Chúa trở thành chủ đề quán xuyến (motif) và nguyên tắc dẫn dắt chi phối dòng chảy của câu chuyện.”

[16] Hamilton, The Book of Genesis, 264. Victor P. Hamilton bình giải: “Laban không thấy có vấn đề gì với chuyện một người nam cưới hai chị em làm vợ. Các trình thuật về thời tổ phụ cũng vậy. Nhưng Luật sau này kết án điều đó (Lv 18,18). Điều này cho thấy các truyền thống về Jacob và các bà vợ đã có trước sách Lê-vi.”

[17] Nguyên ngữ Do-thái: lô hiššäºmer lükä Pen-TüdaBBër `im-ya`áqöb mi††ôb `ad-rä` - “Coi chừng, đừng nói với Jacob từ điều tốt đến điều xấu.”

[18] R. N. Whybray, “Genesis,” Oxford Bible Commentary, 58. R. N. Whybray giải thích thêm về các thần của Laban: Các teraphim này xem chừng là những tượng thần nhỏ dạng hình người. Việc làm cho chúng được đề cập ở Tl 17,5; Hs 3,4 ngụ ý chúng khá phổ biến trong thời kỳ quân chủ của Israel. Tuy nhiên, sau này, chúng bị lên án là ngẫu tượng (Dcr 10,2) cùng với tệ bói toán mê tín, mà dường như hai chuyện này có mối liên hệ với nhau (Ed 21,21). Các tượng thần này hiển nhiên quan trọng với Laban, vì ông có vẻ đã sử dụng chúng vào việc xem bói.

[19] R. N. Whybray, “Genesis,” Oxford Bible Commentary, 58. R. N. Whybray giải thích thêm: “Đây thực sự là một thỏa ước không đơn giản giữa 2 cá nhân, nhưng giữa những người đại diện cho 2 dân tộc, như được diễn tả qua việc đống đá chứng ước có đến 2 tên gọi: Jegar-sahadutha (tiếng Aram) và Galeed (tiếng Hipri). Đằng sau chuyện này chắc hẳn có một truyền thống cổ xưa về một thỏa thuận đã từng đạt được giữa Israel và người Aram, tuy nhiên, họ sau này đã lâm vào cảnh binh đao với nhau về chuyện lãnh thổ (x. 2Sm 8; 10; 1V 11; 20; 22; 2V 7-16).”

[20] R. Kent Hughes, Genesis: Beginning and Blessing. Preaching the Word (Wheaton: Crossway Books, 2004), 399. R. Kent Hughes nhìn thấy sự trưởng thành thiêng liêng của Jacob qua lời cầu nguyện này.

[21] W. Lee Humphreys, The Character of God in the Book of Genesis: A Narrative Appraisal (Louisville: Westminster John Knox Press, 2001), 190. W. Lee Humphreys đã nhận xét không sai: “Sau khi đã kêu cầu, van xin,và nhắc lại lời Chúa hứa bảo vệ ông, Jacob không đơn giản chỉ biết ngồi chờ các sự kiện xảy ra...”

[22] Tremper Longman III, “Jabbok,” The Baker Illustrated Bible Dictionary, gen. Ed (Grand Rapids: Baker Books, 2013). Tremper Longman III: “Jacob vật lộn với ‘một người’ tại Jabbok (St 32,22-27), gây chú ý bằng lối chơi chữ của người thuật truyện: ‘Jabbok’ (yabboq), ‘Jacob’ (ya’aqob), và ‘ông vật lộn’ (ye’abeq).”

[23] Tremper Longman III, “Jacob,” The Baker Illustrated Bible Dictionary. Tremper Longman III xem cuộc vật lộn là cách Thiên Chúa đáp lại lời kêu xin tha thiết của Jacob: “Đêm đó, Jacob còn lại một mình, và lời cầu xin của ông đã được đáp lời theo một cách lạ thường dưới dạng một người vật lộn, được bản văn mô tả như thể vừa là người vừa là thần linh (St 32,22-32).”

[24] X. Chú thích (d) của Nhóm CGKPV, Kinh Thánh, 81. Các tác giả khác như Georg Fischer và R. Kent Hughes, hiểu tên gọi Israel theo nghĩa “Thiên Chúa [sẽ] chiến đấu.” R. Kent Hughes giải thích: “Tên gọi Israel theo nguyên ngữ có nghĩa là ‘Thiên Chúa chiến đấu’ (Godfights hay God strives). Nhưng ở đây, cách hiểu phổ thông nhấn mạnh đến cuộc đấu của Jacob. Danh xưng ‘Thiên Chúa chiến đấu’ hay cách giải thích bình dân ‘ngươi đã đấu và đã thắng’ vì thế mặc lấy một ý nghĩa quan trọng cho các cuộc tranh chấp sau này.” x. Georg Fischer, Der Jakobsweg der Bibel: Gott suchen und fmden (Stuttgart: Verlag Katholisches Bibelwerk, 2010), 71-72; R. Kent Hughes, Genesis: Beginning and Blessing. Preaching the Word (Wheaton: Crossway Books, 2004), 401"

[25] John S. Kselman, “Genesis,” The HarperCollins Bible Commentary, 103. John S. Kselman nhận xét về việc này: “Việc đổi tên thành Israel, hàm ý một sự thay đổi về nhân cách và định mạng.”

[26] Hamilton, The Book of Genesis, 227.Victor P. Hamilton giải thích: “Hiển nhiên, Esau bận tâm nhiều hơn với chuyện mất lời chúc phúc hơn chuyện mất quyền trưởng nam. Không thấy có chỗ nào Esau phản đối chuyện từ bỏ quyền trưởng nam. Cậu không bao giờ nói với ông Isaac: ‘Cha chỉ có một quyền trưởng nam thôi sao?’.”

[27] Robert Alter, Genesis: Translation and Commentary (New York: W. W. Norton & Company, 1996), 182. Robert Alter lưu ý: Trong khi Abraham được gọi là Abraham kể từ khi được Thiên Chúa đổi tên từ tên gọi Abram, thì Jacob trong phần lớn trường hợp vẫn được gọi là Jacob. Do đó, tên gọi Israel không thực sự thay thế hoàn toàn tên gọi Jacob, nhưng là một tên gọi đồng nghĩa. Lối thực hành này thường được tìm thấy trong thi ca, nơi cả hai tên gọi Jacob và Israel thường được dùng song đối với nhau.

[28] Claus Westermann, Genesis, transl. David E. Green (London - New York: T&T Clark International, 2004), 233. Claus Westermann có cùng một suy nghĩ như vậy, và còn bình giải thêm: “Sự tha thứ đã mặc nhiên thể hiện nơi cử chỉ đón nhận nồng hậu. Việc thiếu vắng một câu minh nhiên nói về sự tha thứ của Esau là do phát xuất từ hoàn cảnh ấy; câu chuyện sẽ bị hủy hoại nếu chúng ta nghe Esau nói: ‘Tôi tha thứ cho chú.’ Điều này cho thấy người kể chuyện có sự hiểu biết sâu sắc về bản tính con người; trong một số hoàn cảnh, sự tha thứ mang nét trung thực hơn nếu nó không được nói ra, nhưng ẩn mình qua một hành động hay cử chỉ.”

[29] Robert Alter, Genesis: Translation and Commentary (New York: W. W. Norton & Company, 1996), 185. Robert Alter có cùng một suy nghĩ như vậy, khi bình giải: “Esau trên thực tế đã trở thành một vị vương giả (prince), dù ông mất quyền trưởng nam và lời chúc phúc, và ông có thể nói với Jacob theo kiểu quảng đại của vị vương giả.”

[30] John H. Sailhamer, The Pentateuch as Narrative: A Biblical-Theological Commentary (Grand Rapids: Zondervan Publishing House, 1992), 190. Khi tìm hiểu ý nghĩa của đoạn văn St 26,34-35, vốn xuất hiện ngay trước chương 27 (Isaac chúc lành cho Jacob), mà theo đoạn văn đó Esau đã lấy phải hai người vợ ngoại tộc, là những kẻ đã gây ra nhiều đau khổ cho hai ông bà Isaac và Rebekah, John H. Sailhamer đã nhận xét: St 26,34-35 hay hành động của Esau “cho thấy Esau không thích hợp thừa hưởng lời chúc phúc của cha mình.”

[31] John H. Sailhamer, The Pentateuch as Narrative, 190. John H. Sailhamer đã bình giải về chủ đề hoà giải này: “Việc hoà giải giữa Jacob và Esau, Israel và Edom, là một yếu tố quan trọng về niềm vi họng tương lai của các sách Ngôn Sứ sau này (Am 9,12; đ/c Cv 15,17). Đó là bức tranh về lời hứa của Thiên Chúa dành cho Abraham sẽ thành tựu: ‘Nhờ ngươi mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc’ (St 12,3).”

[32] Hamilton, The Book of Genesis, 375. Victor P. Hamilton nhận xét: “Trường hợp tương ứng rõ nhất với các hành động của Jacob dường như là trường hợp của Joshua, là người (tại Sikhem) cũng truyền cho các kỳ mục ‘Anh em hãy vứt bỏ các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả và ở Ai-cập, và hãy phụng thờ Đức Chúa’ (Gs 24,14). Sự hiện diện của ‘các thần khác’ sẽ là một cản trở đối với việc phụng sự YHWH cách phải đạo. Ngôn ngữ của Jacob cũng tương ứng với ngôn ngữ của Samuel, là người cũng kêu gọi dân Israel trở lại với nghi thức giao ước xa xưa là từ bỏ các thần ngoại (1Sm 7,3tt).”

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Phạm Tuấn Nghĩa, SJ

Nguồn tin: HĐGMVN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây