Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.vn


Chớ xin nhiều

Chuyện giữa chúng ta với Thiên Chúa. Chúa Giêsu dạy chúng ta là hãy cầu nguyện liên lỉ nhưng Người dạy ta là khi cầu nguyện thì “chớ có nhiều lời như anh em lương dân” (x.Mt 6,7).
Chớ xin nhiều

CHỚ XIN NHIỀU

Bản thân đang phụ trách một địa bàn mục vụ trong đó có một số bà con di dân từ miền Bắc vào, vì sinh kế. Có lẽ do thói quen hay tập quán giao tiếp, tạm gọi là đạo đức của mình nên mỗi lần đến gặp tôi, linh mục quản xứ, để trình bày nhu cầu nào đó, bà con thường mào đầu bằng các câu: “Chúng con xin trông ơn cha” hay “xin cha thương ban”… Quả thật đã hơn một lần tôi không kìm được sự khó chịu nên đã buột miệng: “nếu anh chị em còn nói những câu như thế thì tôi không giải quyết chuyện gì cả”. Sau cơn nắng nóng, trời lại dịu mát, tôi dịu giọng giải thích: “giả như có một ai đó là lương dân hay bà con khác đạo ở đây, nghe thấy thì họ nghĩ ông cha này ra sao đây? Ông ta chắc là khó tính, hà khắc hay là bủn xỉn, keo kiệt dữ lắm?” Từ dữ kiện đời thường trên, chúng ta lần lên chuyện giữa chúng ta với Thiên Chúa, với những vị, những đấng bậc đang cầm quyền trong Hội Thánh cũng như ngoài xã hội.

Chuyện giữa chúng ta với Thiên Chúa. Chúa Giêsu dạy chúng ta là hãy cầu nguyện liên lỉ nhưng Người dạy ta là khi cầu nguyện thì “chớ có nhiều lời như anh em lương dân” (x.Mt 6,7). Không ai chối bỏ chuyện cần phải cầu xin. Trong kinh “Lạy Cha” lời kinh duy nhất mà Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện thì chữ “xin” xuất hiện trên ba lần. Trong các kinh nguyện của các cử hành Phụng Vụ thì lời cầu xin không thể nói là ít được. Chúng ta phải xin để ý thức rằng mọi sự là do ân sủng Chúa ban (tout est grâce). “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công…” (Tv 126). Tuy nhiên, nếu không để ý thì việc mãi miết cầu xin đích thị là một lỗi lớn, có khi là tội không nhỏ. Xin đan cử một vài thứ tội sau mà có thể vì vô tri mà chúng ta vướng phải:

Tội thứ nhất: Làm biến dạng chân dung của Thiên Chúa. Thay vì tôn thờ một Thiên Chúa là Cha nhân hậu, giàu lòng xót thương, chậm bất bình và rất mực khoan dung thì chúng ta đã vẽ trong tâm trí mình một vị thần hà khắc, chờ con người sai lỗi để trừng phạt và có khi phạt cả con cháu đến ba bốn đời. Thay vì tôn thờ một Thiên Chúa là người cha trên các người cha vốn biết con cái mình cần những gì và sẵn sàng ban phát điều tốt nhất thì chúng ta đã hình dung Chúa như một vị thần keo kiệt bủn xỉn hay như một ông chủ gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát (x.Mt 25,14-39).

Tội thứ hai: Tự biến mình thành người nô lệ chứ không phải là con cái. Ở trong nhà Cha mà chúng ta cứ hành xử như mình là người làm thuê hay là người nô lệ. Phải xin nhiều thì mới được nhậm lời thì chúng ta vô tình hay hữu ý quên rằng “mọi sự của cha cũng là của con” (x.Lc 15,31). Trong Đức Kitô, đã được thừa hưởng gia tài Thiên Chúa hứa ban thế mà chúng ta làm như mình không được chút quyền nào cả. Cứ mãi cầu xin tha thứ thì chúng ta quên rằng Thiên Chúa đã tha cho ta ngay cả khi ta còn là tội nhân. Quên điều này thì chúng ta cũng dễ quên rằng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta được hưởng tình thương tha thứ của Người bằng cách tha thứ cho anh em, bằng cách đem những cái bên trong ra mà phân phát, bằng cách khoan dung, quảng đại, không xét đoán tha nhân… Khi biến mình thành nô lệ hay là người làm thuê thì chúng ta vừa bỏ quên quyền lợi lại vừa xao lãng nghĩa vụ của mình. Một trong những nghĩa vụ của người con trong gia đình là phải làm rạng rỡ gia phong. Đây chính là việc làm cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời (x.Mt 6,9-10). Là con cái trong nhà, chúng ta còn có nghĩa vụ yêu thương, liên đới với anh chị em của mình.

Chuyện giữa chúng ta với Hội Thánh, với xã hội, với quê hương, đất nước: Xin nhiều quá, cái gì cũng xin thì ta đang có lỗi với Đấng thiết lập Hội Thánh, với tiên tổ, những vị đã có công dựng xây quê hương, đất nước.

Tội thứ nhất: Cái gì cũng xin thì ta vô tình làm biến dạng những vị điều hành, lãnh đạo Hội Thánh, lãnh đạo quê huơng đất nước thành những ông chủ chứ không còn là đầy tớ của đoàn chiên, của nhân dân. Xin nhiều quá thì chúng ta rất có thể làm cớ cho những người vốn là đầy tớ nhân dân trở thành độc đoán, độc quyền và có thể thành độc tài, độc ác vì lợi, vì danh. Xin nhiều quá thì chúng ta có thể vô tình làm cớ cho những mục tử nhân lành vốn phải sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì đoàn chiên lại thành những kẻ chăn thuê, chỉ biết lấy sữa, xén lông các con chiên béo mập mà bỏ rơi các con chiên bệnh hoạn tật nguyền. Xin nhiều quá cũng gây ra tệ nạn “giáo sĩ trị”.

Tội thứ hai: Cung cách hành xử kiểu cái gì cũng xin sẽ làm chúng ta quên mất mình là công dân, là thành viên của xã hội này, đất nước này. Nếu cái gì cũng xin thì chúng ta đã quên mất mình là một phần tử trong đoàn dân Chúa, đã được Đức Kitô thông chia các chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương giả của Người.

Là thành viên của một xã hội, là công dân của một quốc gia, là phần tử của Hội Thánh, chúng ta vừa có những quyền lợi căn bản hợp pháp vừa có những nghĩa vụ chính đáng, tất yếu của một công dân, của một người con cái Chúa trong lòng Hội Thánh mẹ. Đã là quyền lợi chính đáng, đã là nghĩa vụ phải đạo thì chúng ta phải hành xử cách tự do và tự nguyện. Và do đó không thể để chuyện xin xỏ hay xin – cho tồn tại tràn lan. Nhiều quốc gia trên thế giới và ngay cả đất nước chúng ta cũng đang nỗ lực hoàn thiện cơ cấu pháp luật để bãi bỏ dần cơ chế xin – cho.

Ngày nay nước nhà chúng ta đang chuyển dần các thủ tục xin xỏ qua hình thức đăng ký. Đây là một nét tiến bộ, nhưng cũng là một quy luật tất yếu để người dân phát huy vai trò làm chủ, để không chỉ minh nhiên hành xử các quyền lợi căn bản mà còn tích cực thực thi các nghĩa vụ chính đáng của mình. Bộ Giáo Luật 1983 đã quy định rõ những quyền lợi và nghĩa vụ của người tín hữu, của tín hữu hàng giáo dân từ điều 208 đến 231. Chẳng hạn điều 213: “Các tín hữu có quyền được lãnh nhận từ các Chủ chăn sự hỗ trợ nhờ các của cải thiêng liêng của Hội Thánh, nhất là Lời Chúa và các Bí tích” hoặc điều 222.2: “Các tín hữu có bổn phận cổ võ công bằng xã hội cũng như dùng tài sản riêng tư để giúp đỡ những người nghèo, theo lệnh truyền của Thiên Chúa”…

Xin khẳng định rằng không thể hoàn toàn bãi bỏ việc xin. Với Thiên Chúa, khi ta cầu xin là ta nhìn nhận mọi sự đều là hồng ân. Mọi sự ta đang có và nhất là sự “ta là” tức là sự hiện hữu của ta cũng như mọi vật mọi loài đều do bởi quyền năng và tình thương của Chúa. Ngay cả đối với những tập thể xã hội hay với Hội thánh thì chuyện xin vẫn còn đó. Điều này nói lên sự cần thiết, sự phụ thuộc của ta đối với Hội Thánh, đối với xã hội, vì không ai là một hòn đảo. Tuy nhiên, không thể và không được phép hành xử kiểu cái gì cũng xin. Thiết nghĩ rằng trong nhiều nguyên nhân phát sinh căn bệnh xin nhiều thì tình trạng “phép vua thua lệ làng” một nguyên nhân lớn. Chẳng hạn luật về “dâng lễ đồng tế” đã được Hội thánh hướng dẫn, thế mà tại nhiều giáo phận vẫn có đó tình trạng quy định ngặt hơn. Chuyện các giáo xứ thêm thắt các tục lệ để lãnh nhận các bí tích hay cử hành bí tích hôn phối thì vẫn còn đó. Ngoài thủ tục giấy tờ, điều kiện khắt khe thì chuyện nhiều giáo xứ dứt khoát không cho tín hữu đủ điều kiện được cử hành bí tích hôn phối trong Mùa Vọng, Mùa Chay là có thật. Theo lời dạy của Đức Giáo Hoàng Phanxicô mong sao các Đấng bậc đứng đầu các giáo phận cương quyết loại bỏ các hình thái “cấp quota ân sủng” thì tình trạng “xin nhiều” sẽ giảm dần.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây