Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.vn


Điểm sách: An Tử và Trợ Tử

Điểm sách: An Tử và Trợ Tử

Phát Triển Nền Văn Hoá Sự Chết: An Tử Và Trợ Tử

Tác giả Phêrô Trần Mạnh Hùng, C.Ss.R (Melbourne: Freedom publishing, 2006).

Điểm sách do Chelsea Pietsch, nghiên cứu sinh thuộc Viện đạo đức sinh học, Nam Thập Tự (Southern Cross Bioethics Centre in South Australia). Ấn loát Bioethics Research Notes, Vol. 19, Issue 4, December 2007.

Để chạy trốn những đau khổ tật nguyền của cuộc sống, tôi tìm ẩn náu nơi cái chết. Vậy nếu tôi được chọn giữa cái chết trong quằn quại khổ đau và một cái chết đơn giản, dễ dàng, tại sao tôi không chọn cái thứ hai kia? Cũng giống như tôi có thể chọn chiếc thuyền mà tôi sẽ lèo lái và tôi có thể chọn căn nhà, là nơi tôi sẽ trú ngụ, vậy tôi sẽ chọn một cái chết để từ giã cõi đời này chứ. Hơn bất cứ một cái nào khác, trong lối chết chúng ta phải nên hành sử theo ước vọng của mình…tại sao tôi phải chịu đựng những đau đớn cực độ của bệnh tật … khi tôi có thể tự  giải thoát mình khỏi tất cả mọi sự đau đớn khổ sở ấy?

Những lời ghi nhận này đã xuất phát từ triết gia Seneca, thuộc phái Khắc kỷ và cho thấy rằng an tửtrợ tử chắc hẳn không phải là chuyện mới đây. Như những luận cứ cũng chẳng có gì là thay đổi cả. Cũng bằng đấy quan niệm, nào là quyền tự quyết cá nhân, nào là lòng xót thương mà Seneca đã viện dẫn, vẫn là trung tâm điểm của những luận cứ ủng hộ an tử ngày nay. Cũng như thời xưa, phong trào phò an tử hiện nay, chính là câu trả lời mang tính cách chính trị của nhân loại, trước sự hãi hùng của đau khổ. Những người ủng hộ an-tử dùng những nguyên tắc này để bênh vực cho cái được gọi là “quyền được chết”. Quan điểm này đối nghịch với truyền thống Do Thái Giáo - Công Giáo mà trong đó đề cao  phẩm giá và sự thánh thiêng căn bản của sự sống con người, từ khi sinh ra cho đến khi chết theo luật tự nhiên. Thần học luân lý Công Giáo được xây dựng vững chắc trên truyền thống này. Tựu chung, những truyền thống xung khắc này (giữa phe chống đối và nhóm ủng hộ) biểu hiện cách đại cương, sự phân chia trong những cuộc tranh cãi hiện nay về an tử và trợ tử, mà Cha Trần Mạnh Hùng đã nêu lên trong cuốn sách mới xuất bản: “Phát Triển Nền Văn Hóa Sự Chết: An Tử và Trợ Tử.[1] Cuốn sách này là tái bản của luận án tiến sĩ về thần học luân lý, nó cống hiến cho chúng ta một cái nhìn chi tiết về những khía cạnh trong cuộc tranh cãi về an tử, đồng thời nó cũng đưa ra một cái nhìn tổng hợp, chính xác và thỏa đáng cho những luận cứ ủng hộ và chống lại chủ trương an tử.

Khoa học  đã  thành công trong những nổ lực nhằm kéo dài sự sống và làm giảm bớt sự đau đớn  bằng các phương pháp trấn áp cơn đau. Điều đáng mơ ước là trên cõi đời này đau khổ bị triệt tiêu và cuộc sống được kéo dài thêm. Nhưng khốn nỗi cái gì sẽ xảy ra khi cuộc sống được kéo dài tối đa, nhưng đau khổ lại không được giảm đi một chút mảy may nào? Chúng ta làm thế nào để làm thuyên giảm cơn đau của một người đang quằn quại đau đớn?  Có bao giờ chúng ta nên thúc tử (làm cho cái chết đến sớm) không? Thay vì phân biệt giữa phương tiện chăm sóc y khoa thông thường và ngoại thường, như luân lý Công Giáo đề xướng, chúng ta đã bắt đầu việc giải tỏa các xung khắc bằng việc thỏa thuận cho giết người: nếu bạn không thể loại trừ được đau khổ thì hãy triệt tiêu người đang đau khổ. Cha Hùng khảo sát những luận chứng phò-an tử này, nhưng Ngài tìm thấy những mâu thuẫn ở ngay trong chính tâm điểm của những luận cứ trên. Trong khi đòi được chết là một quyền tự quyết, nhưng hoàn tất lời yêu cầu này, nghĩa là chấm dứt sự sống của một người, đã dập tắt mọi diễn tả của quyền tự quyết kia. Ngài cũng trình bày sự khó xử, tiến thoái lưỡng nan, của các y sĩ khi phải làm tròn lời yêu cầu của bệnh nhân muốn được chết, trong khi bổn phận của họ là duy trì sự sống.

Trong khi đưa ra những luận cứ chống đối an-tử (từ ngữ mà Cha Hùng ưa sử dụng), Cha Hùng phân biệt giữa luận chứng đặt cơ sở trên lý trí và những luận cứ đặt cơ sở trên đức tin, và Ngài cũng nhận thấy rằng, những luận cứ khác nhau có sức thu hút các độc giả khác nhau. Thí dụ, một luận cứ (như thánh Tôma  đã đề ra) dựa trên định đề tôn giáo. “Chỉ một mình Thiên Chúa, là

Đấng tạo hóa, có quyền tối thượng trên sự sống và sự chết”. Cha Hùng biết rằng những định đề như thế này, không thể thuyết phục được những người vô tín ngưỡng và vì thế, Ngài tìm sức thuyết phục của những luận chứng đặt cơ sở trên lý trí. Ngài dùng luật tự nhiên, như gía trị của sự sống con người, để bênh vực cho những nguyên tắc trên. Cha Hùng viện dẫn những trí thức gia như Edward Schils, người đã nhận thấy sự thánh thiêng của sự sống con người qua những kinh nghiệm “tiền tôn giáo hay siêu hình học tự nhiên”. Nhà xã hội học này đã đối chiếu điều này với cảm thức kính sợ “được đặt nền móng  ngay trong kinh nghiệm về sự sống”. Trong khi lập trường Do Thái Giáo - Công Giáo đăt trên cả lý trí lẫn đức tin, Cha Hùng cố gắng dùng những luận chứng dựa trên lý trí mà nó không đi nghịch lại với những lý chứng được đặt căn bản trên đức tin.

Một trong những khía cạnh độc đáo trong cuốn sách của Cha Hùng là Ngài đánh động một số độc giả rộng lớn, bằng cách nhấn mạnh đến những điểm chung mà những người của hai phe tranh cãi đều nhất trí. Ngài cho thấy rõ rằng cả hai bên đều dành cho mình là biết thương xót trong tiến trình luận cứ của họ như thế nào. Cả hai phe đều tìm cách bày tỏ lòng yêu thương với  những người đang đau khổ. Tuy nhiên, nơi mà hai phe chia cách nhau chính là chỗ mà mỗi bên hiểu cách bày tỏ lòng nhân từ thương xót của mình như thế nào. Bày tỏ lòng thương xót đối với một bệnh nhân đang đau khổ có nghĩa là gì? Theo phong trào phò-an tử, sự xót thương tự bản chất có tính cách duy lợi,[2] và vì thế trước sự đau khổ của một người đang phải chịu đựng, họ tìm mọi cách để làm giảm bớt sự đau khổ đó, cho dù hành động này đồng nghĩa với việc giết người đi nữa. Lối hành xử này thường hóa giải luân  thường đạo lý của những việc làm để hòng đạt được điều mong muốn. Trái lại, phong trào chống đối an-tử thấy rằng thương xót thực sự có nghĩa là sống, vì luân lý tuyệt đối (những nguyên tắc) như là: bảo-trì sự sống là một điều thiện hảo, “giết một người vô tội bao giờ cùng là điều sai trái”.

Một điểm then chốt nữa trong cuốn sách của Cha Hùng, là khảo sát những luận cứ “dốc trượt”[3] - có nghĩa là những luận cứ chỉ dựa trên những giản lược của một số những hành động nào đó - tại một số các quốc gia cho phép thực hành việc an tử và/hay trợ tử. Cha Hùng khảo sát trường hợp nổi tiếng của bà Chabot ở Hà-lan, nơi người ta đã tái định nghĩa danh từ “đau khổ bất khả kham (đau khổ không thể chịu đựng được nữa)”- từ ngữ này phải được nhất trí để khi thi hành an tử, nó mới được hợp pháp - và ám chỉ cả những đau khổ tâm thần, thí dụ như thất vọng. Trong trường hợp trên, một tòa án đã coi sự rối loạn tâm thần của bà ta, người đã trải qua một cuộc hôn nhân đổ bể, hai đứa con trai bị chết, là đủ đề biện minh cho cái chết của bà. Có lẽ vấn đề trở nên rối rắm, như Cha Hùng diễn giải, khi sự việc có dính líu đến những hành vi của một việc an tử không tự ý; điều đó có nghĩa là một cái chết không có sự đồng ý (do cưỡng bách). Cái chết không được tự quyết đã gây sự chú ý cho những người ủng hộ an tử, bởi vì nó đối nghịch với gía trị căn bản nhất của quyền chọn lựa của con người.

Công trình nghiên cứu của Linh mục Tiến sĩ Phêrô Trần mạnh Hùng là một áp dụng thiết thực trong môn thần học luân lý Công Giáo và Ngài đã cống hiến cho chúng ta một cái nhìn quân bình, tái duyệt những lý chứng ủng hộ an tử, được điều khiển bởi cái, như Ngài gọi, là chủ nghĩa đạo đức tự do phóng khoáng - đó là một triết lý, chỉ chú tâm hàng đầu đến sự tự do và quyền hạn của cá nhân. Luận đề của Ngài được minh định và được diễn tả một cách rất rõ ràng. Những phân tích tinh tế, cẩn trọng của Ngài chiếu dọi một luồng ánh sáng lớn trên những cuộc tranh luận hiện nay về an tử cũng như trên những luận cứ ủng hộ và chống lại nền văn hóa của sự chết.

Tác giả bài điểm sách - Chelsea Pietsch, nghiên cứu sinh thuộc Viện đạo đức sinh học, Nam Thập Tự (Southern Cross Bioethics Centre in South Australia).  

Phạm Bá Huỳnh chuyển ngữ.

 

 


[1] .  Lm Trần Mạnh Hùng,  Phát Triển Nền Văn Hóa Sự Chết: An Tử và Trợ Tử (Sài Gòn: Nhà Xuất Bản Phương Đông, 2015). https://ducbahoabinhbooks-osp.com/sach/than-hoc/luan-ly/phat-trien-nen-van-hoa-su-chet/

[2] . Duy lợi chủ nghĩa: Lý thuyết luân lý đạo đức do Jeremy Bentham và James Mill chủ trương, cho rằng mọi hành vi có lợi ích, nên làm khi nó nhắm đạt được sự hạnh phúc to lớn cho nhiều người, nói cách khác việc làm nào cho người khác được hạnh phúc thì việc đó phải được nên làm. (American Heritage Dictionary).

[3] .  “Dốc trượt” là một cách nói, rằng một khi con người trong xã hội bắt đầu bước theo một con đường nào đó thì sức hút sẽ kéo họ đi xa hơn nữa. Áp dụng vào an tử, cách nói này nghĩa là nếu ta cho phép thầy thuốc (hoặc các tác nhân khác) theo yêu cầu của các bệnh nhân sắp chết mà kết liễu mạng sống của họ, thì sự việc không chỉ dừng lại ở đó. Ta sẽ bị kéo trượt dài trên con đường ấy để đưa vào cả những diện bệnh nhân khác nữa như: bệnh nhân vô phương cứu chữa nhưng không sắp chết, bệnh nhân ở tình trạng thực vật vĩnh viễn, trẻ sơ sinh khuyết tật, người lão suy, người thiểu năng tâm lý, v.v...

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây