Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.vn


Đừng lìa bỏ niềm hy vọng

Chỉ nơi Lòng Thương Xót của Chúa, con người mới có thể náu nương và hướng đến.
Đừng lìa bỏ niềm hy vọng

Đừng lìa bỏ niềm hy vọng


TGPSG-- Trên chuyến xe chở tình nguyện viên chúng tôi đi làm về từ bệnh viện tới khách sạn, tôi tình cờ nghe được bài hát “im lặng thở dài” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Những ca từ “im lặng thở dài, tôi đã lắng nghe, im lặng mặt người, nghe bao nỗi đau...” khiến tôi lặng nghĩ về nơi tôi đang phục vụ - ICU 2A của Bệnh Viện Hồi Sức Covid 19.

ICU là tên viết tắt của cụm từ Intensive Care Unit, có nghĩa là Chăm Sóc Hồi Sức Tích Cực. Với đầy đủ tính chất và các phương pháp trị liệu trong y khoa, Khoa ICU tại bệnh viện Hồi Sức Covid 19 được đánh giá là cứu cánh trong liệu trình cứu chữa những bệnh nhân nguy kịch vì mắc Covid. Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng phải túc trực, chăm sóc và theo dõi trong sự căng thẳng và tỉnh táo 24g hằng ngày đối với từng bệnh nhân. Tại Khoa ICU 2A chúng tôi có 30 phòng, số bệnh nhân dao động từ 50-60 người. Nói là dao động bởi lẽ trận chiến giành giật sự sống ở nơi đây được cho là khốc liệt nhất. Người tới vội vàng, người lui lẳng lặng.

Im lặng của ngày, im lặng của đêm...

Ngày cũng như đêm, bệnh nhân nằm im lìm với dây nhựa chằng chịt khắp người. Chị điều dưỡng bảo với tôi nếu tỉnh dậy họ sẽ đau đớn và bứt khỏi mình các dây máy đang gắn trên người. Vào đây, vào chính cái nơi người ta đang mong manh giữa cửa sinh tử, cái nơi mà các y bác sĩ đang nỗ lực hết mình để vớt vát sự sống còn, người ta có thể thấy được nỗ lực níu kéo sự sống của con người chỉ có giới hạn nhưng những trái tim và cố gắng của đội ngũ tuyến đầu phải đáng khâm phục và tri ân đặc biệt.

Tôi đang lắng nghe

Trong không gian im ắng, tôi lắng nghe những tiếng máy vang khắp các phòng. Tôi nghe những nhịp tim, tiếng mạch, tiếng thở của những bệnh nhân. Có tiếng đều đều, có tiếng yếu dần. Và có tiếng hoà vào thinh không. Có những lúc cả khoa trở nên căng thẳng vì tiếng tri hô bác sĩ khi bệnh nhân ngưng tim. Có cả tiếng thở mừng vui vì tim bệnh nhân đập lại. Cũng có cả tiếng thở thẫn thờ vì bệnh nhân đã ra đi. Những lần lau nhà, lau giường hay đi gom rác từng phòng, tôi nhìn vào các bệnh nhân và thầm thì lời kinh Kính Mừng. Những giây phút ấy, tôi muốn Mẹ lắng nghe cùng.

Tôi đang lắng nghe

Ngoài kia có vẻ như đã lạc quan hơn, xã hội mở cửa sau thời gian giãn cách đầy cơ cực. Số ca F0 giảm, số người được tiêm vắc xin ngày thêm đông. Xã hội đang sống chung với dịch và mong muốn đạt được trạng thái bình thường mới dẫu vẫn nơm nớp lo sợ những biến thể mới và những đợt bùng dịch mới. Những điều ấy lại để tôi lặng lòng mình hơn để phần nào đặt mình vào những bệnh nhân nguy kịch đang nằm trong khoa ICU. Tôi lắng nghe nỗi đau đớn mà bệnh nhân đang phải chịu. Lắng nghe những thiệt thòi của họ khi chưa có vắc-xin để tiêm. Lắng nghe những tâm tư mà họ còn vương nặng trong lòng. Lắng nghe nỗi sợ hãi, sự cô đơn của họ trong giây phút khủng khiếp mà họ đang trải qua. Tôi lắng nghe tất cả như chỉ là chút an ủi tôi muốn dành cho họ cố gắng để chống chọi với cơn bạo bệnh này. Và lắng nghe như chỉ là mong chờ họ khỏe lên và được xuất viện.

Im lặng thở dài

Tiếng thở dài tôi nghe từ tình hình bệnh nhân không có tiến triển hay trở nặng thêm. Tiếng thở dài khi số lượng bệnh nhân nguy kịch vẫn còn nhiều. Tiếng thở dài khi con số tử vong vẫn cao. Mỗi khi có bệnh nhân mất, khi bác sĩ làm xong hồ sơ, chúng tôi lau tắm cho bệnh nhân lần cuối và lượm thi hài vào ”túi”. Chẳng có thuốc thơm để xức, cũng chẳng có khăn sạch để bọc, cũng chẳng táng vào huyệt mộ. Cùng lời kinh, lời cầu đọc chung kêu lên Chúa, chúng tôi gửi vào họ sự hiện diện của người thân, của những nghi thức cuối cùng và của chút nghĩa tử là nghĩa tận. Sau khi người mất được mang đi, chúng tôi phun khử khuẩn, lau giường và phòng bệnh, bầu không khí lại im lặng trong những tiếng thở dài nhưng chúng tôi tin rằng niềm hy vọng âm thầm nơi cánh cửa bên kia sẽ giúp cho người quá cố được Thiên Chúa đón nhận hưởng phúc thiên đàng.

Nơi Ngài con đặt hy vọng

“Dâng vui buồn sẽ đến, dâng sướng khổ qua rồi, dâng lên Ngài trót một kiếp con người. Dâng lên Chúa trái tim ai mồ côi, dâng lên Ngài kiếp sống ai lẻ loi. Mong con thuyền ghé bến, vui đến mở ân tình, dâng lên Ngài ước nguyện sẽ vô ngần."

Mượn lời bài hát Dâng lên Ngài của nhạc sĩ Phanxicô, xin dâng lên Chúa như một niềm hy vọng vào sự nâng đỡ và cứu chữa của Người Cha nhân lành. Cả người đang khỏe mạnh, người đang chạy chữa bệnh, người đang mưu sinh, người đang còn sống, người đã ra đi... xin gói trọn trong lời cầu nguyện xin ơn bình an và chữa lành. Niềm hy vọng vẫn nóng cháy dù bao đau khổ và bi thương. Và tự hỏi rằng sau cơn đại dịch, người ta sẽ nhận ra điều gì? Chỉ nơi Lòng Thương Xót của Chúa, con người mới có thể náu nương và hướng đến. Chỉ nơi Ngài, nhân loại mới tìm được bình an đích thực và sự sống vĩnh cửu.

Kết thúc chút cảm nhận, xin lấy lời của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê như tự nhắn nhủ bản thân để biết kiên tâm và nỗ lực trong đời sống hằng ngày:

“Anh em chỉ cần giữ vững đức tin, cần được xây dựng vững chắc, kiên quyết và đừng vì nao núng mà lìa bỏ niềm hy vọng anh em đã nhận được khi nghe loan báo Tin Mừng.” (Cl 1,23a)

Huệ Đồng

Tác giả bài viết: Huệ Đồng

Nguồn tin: tgpsaigon.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây