Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.vn


Linh mục, người là ai? -kỳ 2

Linh mục, người là ai? của tác giả Lm Lã Mộng Thường là tác phẩm kể lại cuộc đời một vị linh mục trẻ người Việt Nam, mục vụ tại Hoa Kỳ.
Linh mục, người là ai? -kỳ 2
 
lm NLA h3


Linh mục, người là ai? Linh mục làm gì trong những ngày cách ly? Linh mục trở nên Alter Christus như thế nào? Luôn là chủ đề nhiều người quan tâm.

Tuần tĩnh tâm linh mục -2021 tại Giáo phận Ban Mê Thuột, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản xác định Linh mục là người xây dựng Giáo Hội. Linh mục là con người mới trong một Giáo Hội mới (Ga 1, 43-51).

Đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, nhiều linh mục đã có những sáng kiến nhằm phục vụ dân Chúa cả về đời sống tinh thần lẫn vật chất bằng sự hy sinh quên mình. Nhiều linh mục tình nguyện dấn thân phục vụ tại các bệnh viện nơi tuyến đầu chống dịch.

Linh mục, người là ai? của tác giả Lm Lã Mộng Thường là tác phẩm kể lại cuộc đời một vị linh mục trẻ người Việt Nam, mục vụ tại Hoa Kỳ. Ngoài những khó khăn về giao tiếp, khác nhau về phong tục tập quán, Cha Lành (nhân vật chính) còn trải qua biết bao thách đố, cám dỗ, cạm bẫy giăng mắc trên bước đường linh mục nơi xứ người.

Linh mục, người là ai? do tác giả Lm Lã Mộng Thường phát hành vào năm 1991 tại Hoa Kỳ, nay được tái bản và lưu hành nội bộ tại Ban Mê Thuột với số lượng có hạn, ưu tiên cho các giáo xứ, dòng tu, đoàn thể.

Xin vui lòng liên hệ SĐT: 0905 266 328 (Vũ Đình Bình)
Hoặc email: binhbalme@gmail.com

Giá bán: 42.000đ VN / 1 cuốn

Trân trọng giới thiệu.

 
LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI? I

(Kỳ 2)

Con đường Fountain Ave., được gọi là avenue nhưng chỉ là lối nhỏ tráng nhựa, nằm dọc giữa hai dãy nhà bao bọc bởi những hàng rào thép lưới cao ngang thắt lưng. Đầu đường, cột điện đứng sát một bên và bên kia bụi cây lòa xòa chắn lối khiến cho xe muốn quẹo vô phải lấn gần hết nửa bên kia. Chẳng may nếu có một xe khác đi ra, xe quẹo vô phải nhường dầu quyền ưu tiên thuộc phần mình. Đầu đường phía kia bảng tên đã mất tự bao giờ khiến lần trước kiệu Mình Thánh cho người khác cha Lành kiếm mãi không ra dù đã mấy lần đi ngang. Số nhà lại thay đổi lung tung, nơi số cũ, nơi số mới; cái thì tán trên hộp thư ngoài lề đường, cái bên trên cửa nhỏ xí như sợ người khác dòm thấy. Nhà ông Ảnh thì lại không có số, chỉ có bảng nhỏ nâu đen khắc tên dòng họ Nguyễn. Hình như bảng số nhà đã quá cũ, chán cảnh chường mặt cho thiên hạ dòm nên đã về hưu.

Từ từ đậu xe ép sát bên kia hàng rào, cha Lành cảm thấy hơi chán nản; sự chán nản khiến chân ngài nặng nề không muốn bước ra khỏi xe. Kiệu Mình Thánh đến cho họ, đã không một lời cảm ơn lại còn kiếm cách hoạch họe vô lối. Lần trước kiệu Mình Thánh đến, ông bà ta khoe nhà có 7 đứa con, đứa nào cũng học hành giỏi giang, làm ăn giầu có. Đứa thì chủ tiệm này, đứa làm đại diện hãng kia. Cha Lành tự hỏi có phải vì con cái ông bà ta giầu có nên họ nghĩ mọi người khác phải phục dịch hoặc bợ đỡ, tìm kiếm ý muốn của họ để làm theo. Nhìn đến cổng rào khép kín, cánh cửa lưới nằm sát bậc thềm, và những giọt nước từ mái nhà thi nhau nhỏ xuống đang khi trời lất phất mưa, cha Lành thở dài. Có gọi được người ra mở cửa thì cũng đã bị ướt; mà người ta có nghĩ đến điều đó đâu; người ta ở trong nhà. Căn nhà tuy cùng đứng theo dãy với các nhà khác nhưng đầy vẻ cô lập, cô lập bởi hàng hiên bọc lưới không để thừa chút mái tránh mưa lúc cần kíp. Thôi thì đàng nào mình cũng đã mang Mình Thánh tới, dù có muốn hay không cũng phải vô! Cha tự nghĩ, hãy bỏ tâm tư nặng nề lại nơi xe, ráng bọc lấy bộ mặt vui tươi tha thiết tránh những xoi mói của người khác để tiếp đãi họ. Ta đi thôi!

Cha Lành với ra sau lấy chiếc dù đen què quặt. Nó què quặt nên đã bị người nào đó cố tình bỏ quên nơi nhà thờ bởi gẫy hai sống căng vải. Chiếc dù tự động bằng nhôm thứ rẻ tiền nên sống dù mềm yếu gặp gió hơi lớn cầm không để ý là bị thổi bật ngược. Đã mấy lần kiếm dù mua mà chưa kiếm ra; chợ Sears thì xa đi mất giờ, Kmart bán đồ rẻ thì sao có thứ tốt nên cứ đành nhờ vả chiếc dù què quặt này. Tuy nhiên, có nó vẫn còn hơn không. Thân dù vừa cỡ nhưng so với chiếc xe lại hơi dài, cầm lên không để ý là đụng. Mới chịu chức được hơn hai năm, dành dụm, bóp chắt từng đồng mới đủ tiền mua được chiếc xe mới. Hơn hai năm tiền lương đâu phải nhỏ nhặt chi! Hơn nữa, tâm lý chung của những người có xe mới, hơi chút đụng chạm cũng thấy đau xót. Tránh được chiếc dù đụng chạm phía trong, cánh dù què quặt lại đụng vào chiếc mui xe bên ngoài. “Oops” cha Lành lẩm bẩm “Sao mày cứ thích đụng đến cái xe mới làm chi thế!” và từ từ bước ngang qua đường mở cổng sắt, bấm chuông đứng đợi người trong nhà mở cửa...
- Chào ông bà, hôm nay ông cảm thấy khỏe không?
- Tệ lắm.
Câu trả lời cộc lốc như của ông chủ đối với người đầy tớ...

Một ý nghĩ thoáng qua tâm trí, có lẽ đêm rồi ông ta ngủ không được nên khó chịu. Ai chả thế, khi người không được khỏe, lời nói hoặc thái độ trở nên khác thường; thế nên cha Lành điềm đạm hỏi:
- Đêm rồi ông ngủ được không?
- Chán lắm, cứ trằn trọc suốt.
- Cũng phiền thật! Kỳ này khí hậu ẩm ướt quá hay làm khó ngủ hoặc làm cơ thể đau như dần...
Quay qua bà Ảnh đang đứng tại cửa vào nhà trong, ngài hỏi:
- Hôm nay bà có muốn rước lễ không?
- Thưa cha có.
Cố gắng nói thật chậm, ngài thêm:
- Hôm trước bà không nói cho tôi biết. Thật ra, nếu vô tình hỏi một người mà họ không thể rước lễ được vì có sự ngăn trở nào đó, đôi khi làm cho họ mang mặc cảm; đó là lý do tại sao tôi đã không hỏi. Thế giờ ông bà đã sẵn sàng chưa?
- Thưa cha vâng...

Dợm bước đi ra sau khi cho hai ông bà rước lễ, cha Lành cảm thấy thương cho họ. Con cái nuôi nấng lớn lên nhưng giờ không một ai ở gần cha mẹ. Ai cũng phải lo cho chính mình đến nỗi quên cả bố mẹ giờ này ra sao. Còn khỏe thì sống riêng một mình, yếu hơn, nhà dưỡng lão! Cũng chẳng có thể trách ai được vì cuộc sống thúc đẩy người ta bận rộn vật lộn từng ngày từng giờ. Có thương bố mẹ lắm thì may ra một tuần gọi điện thoại hỏi thăm được một lần để rồi lại phải chìm vào công việc mưu sinh, ai lo phận nấy. Cha mẹ, khi tuổi già, có nhớ về con cái thì chỉ còn cách nhắc nhở niềm hãnh diện của mình về chúng hầu che lấp khoảng trống tâm tư, cảnh thiếu vắng bởi mặc cảm bị bỏ rơi. Thế nhưng cảm nghĩ này đâu bao giờ có thể nói ra được nên sinh ra mơ ước được người khác nhận biết công lao của mình... đôi khi đưa đến tâm trạng cho rằng mọi người nên biết ơn mình thay cho con cái... Mối thương tâm cảm thông thúc đẩy ngài dừng lại đoạn nhẹ nhàng hỏi:
- Ông bà có gọi điện thoại cho nhà xứ biết ông bà cần được kiệu Mình Thánh tại nhà không?
- Không, tôi nói con trai tôi gọi cho nhà xứ.
- Thế anh ta đã gọi nhà xứ chưa?
- Tôi không biết. Sáng nay đức giám mục có gọi phone cho tôi nói con tôi gọi ngài.
- Anh ta ở gần đây?
- Không, nó ở riêng mình nó bên Osean Springs.
- Anh ta có hay ghé thăm ông bà không?
- Ít khi, nó chỉ gọi điện thoại.
- Thế ông có nói với đức giám mục là ông rước lễ tại nhà không?
- Có, tôi nói cha kiệu Mình Thánh cho tôi.
- Từ nay, ông bà làm ơn gọi cho nhà xứ khi có chuyện gì cần thiết vì nếu gọi cho đức giám mục thay vì gọi nhà xứ, ngài sẽ nghĩ có chuyện gì rắc rối xảy ra. Tôi muốn cho ông bà biết, các cha cầu nguyện đặc biệt cho những người bệnh trong xứ hằng ngày. Xin Chúa chúc lành nơi ông bà. Xin chào....

Băng ngang qua đường tới chiếc xe, Cha Lành chậm rãi bước thầm nghĩ về sự đối nghịch của phản ứng con người. Người nào càng cố gắng cảm thông cho kẻ khác càng bó buộc chính mình. Trái lại, ai cho rằng chỉ mình mới là quan trọng hơn hết sẽ gây ra lắm cảnh phiền lụy tai hại tới người khác. Câu hỏi tại sao con ông Ảnh lại gọi đức giám mục trong khi không hề gọi nhà xứ cứ luẩn quẩn nơi ý nghĩ. Anh ta muốn gì? Hoặc là anh ta muốn chứng minh rằng những người khác cũng đối xử với bố mẹ anh ta không ra gì giống như chính anh. “Cầu xin cho anh ta nhận ra giá trị của việc đã làm,” ngài lẩm bẩm khi cúi người ngồi vô tay lái.

(còn nữa)

Lm Lã Mộng Thường

Tác giả bài viết: Lm Lã Mộng Thường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây