Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.vn


Ơn chữa lành: chưa đủ...

“Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng, vì Nước Trời đã gần đến” (x.Mc 1,15; Mt 4,17).
Ơn chữa lành: chưa đủ...

ƠN CHỮA LÀNH: CHƯA ĐỦ…

(Thứ Hai sau Lễ Hiển Linh – Mt 4,12-17.23-25)

Các Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật lời rao giảng của Chúa Giêsu: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng, vì Nước Trời đã gần đến” (x.Mc 1,15; Mt 4,17). Nghĩa của hạn từ ăn năn sám hối – Métanoia – là thay đổi đời sống cách triệt để, từ cái nhìn, cảm nghĩ đến hành động. Đây là một sự đổi thay như quay ngược lối đi của mình với góc 180 độ.

Để mời gọi người ta đổi thay thì Chúa Giêsu lúc khởi đầu rao giảng đã dùng phương thế là chữa lành bệnh tật cho dân chúng về cả thể lý lẫn tinh thần. Người chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền cho dân chúng và xua trừ các thần dữ. Nói đến ơn chữa lành thì không chỉ Kitô hữu mà hầu như bất cứ ai thuộc niềm tin tôn giáo nào đều cũng cảm nhận là hồng ân quý giá khiến nhiều người cảm mến và rồi đổi thay cuộc đời.

Dữ kiện này cũng như đang tái diễn trên nhiều nơi, cách riêng tại các trung tâm hành hương kính Chúa, Đức Mẹ hay các Thánh. Tuy nhiên cần chân nhận hiện thực này đó là số người được ơn chữa lành, các riêng về tật bệnh thể lý thì không nhiều. Và trong số được chữa lành thì không phải tất cả đều hoán cải ăn năn thay đổi đời sống một cách hữu hiệu. Và hơn nữa trong số người thay đổi đời sống thì vẫn có không ít người thay đổi một thời gian rồi sau đó đâu lại hoàn đấy, nếu không muốn nói là “ngựa theo đường cũ”. Ngoài ra chúng ta cần phải nói đến tình trạng rất, rất nhiều người vì quá bám víu vào ơn chữa lành tật bệnh thể lý mà không nhận được ơn nên đã chán nản và thất vọng, có khi là bị lung lay đức tin.

Dù không xem nhẹ ơn chữa lành là dấu chỉ tỏ bày lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã dần dà nhận ra sự hạn chế của phương thế này. Và Người đã tìm ra phương thế tốt đẹp nhất để tỏ bày chân dung Cha trên trời, Đấng đầy lòng thương xót đó là liên đới với nhân loại đến cùng qua việc “gánh lấy” và “chia phần”. Người đã tự nguyện gánh lấy mọi bệnh hoạn tật nguyền nhân gian và cả hậu quả tội lỗi con người vào chính bản thân mình với tấm thân chẳng còn hình tượng người ta nữa trên cây thập giá. Người đã dùng chính tấm thân mình với trái tim vắt kiệt đến giọt máu, giọt nước cuối cùng để thông chia sự sống thần linh cho nhân trần.

Đây chính là Tin Mừng, tin vui cho mọi người trong mọi hoàn cảnh. Khi đón nhận Tin Mừng với lòng thành và sự khiêm hạ thì chúng ta sẽ biết cách thay đổi đời sống cách hữu hiệu và bền lâu. Giáo hội vẫn xác nhận ơn chữa lành các tật bệnh là một dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa. Tuy nhiên Giáo hội luôn nhắc nhở đoàn tín hữu cẩn trọng với hình thức sống đạo có phần mang tính “vụ lợi” này. Một sự hoán cải, đổi thay dựa trên nền tảng là tin vào Tin Mừng, tức là tin vào tình yêu liên đới, hiệp thông, chia sẻ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô thì bền lâu và sâu đậm hơn nhiều.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây