Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.vn


Thánh giá, cây trục cứu độ

Hình Thánh Giá viết trên Cây Nến Đêm Vọng Phục Sinh, có ý nghĩa thâu họp vạn vật, mang ý nghĩa vũ trụ.
images (4)

Thánh giá, cây trục cứu độ

 
 
 
 
 
 
Hình Thánh Giá viết trên Cây Nến Đêm Vọng Phục Sinh, có ý nghĩa thâu họp vạn vật, mang ý nghĩa vũ trụ. Cây trục vũ trụ được gọi có nghĩa là xung quanh trục ấy biểu lộ những xoay vần của loài thọ tạo. Bốn góc Thánh giá được ghi năm hồng ân cứu độ liên kết tòan thể vũ trụ vào trong cây trục trung tâm của ơn cứu độ. Qua năm tháng, Chúa Kitô là trung tâm của lịch sử cứu độ, mang con người về với Chúa Cha nhờ Chúa Thánh Thần.

Thánh Irénée viết: “Ngài đã đến dưới dạng hữu hình với những gì thuộc về Ngài, Ngài đã trở thành xác thịt và xác thịt ấy đã được treo lên cây Thập tự để bằng cách ấy thâu họp vào mình cả vũ trụ” và cũng theo Irénée thâu họp để biến đổi (tái sinh): “Con Thiên Chúa làm người để con người trở thành con cái Thiên Chúa”.
Như vậy, cách nào cũng để nói, Thánh Giá trở thành trục thế giới, thánh Cyrille ở  Jérusalem viết: “Chúa Trời đã dang hai tay trên cây Thập Tự để ôm lấy bờ cõi Vũ trụ và vì vậy núi Golgotha là trục thế giới”. Trên trục vũ trụ ấy có treo lên một người Con của Thiên Chúa, Thánh Phaolô thì diễn tả trục này như sau: “Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô” (Ep 1, 10).  
Thánh Grégoire Nysee nói thánh giá như dấu ấn vũ trụ. Lactance thì viết: “Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô khi ôm khổ nạn của mình đã giang tay ôm lấy hình cầu trái đất”. Diễn giải về trục thế giới, điều này liên quan tới nhiều hình thức biểu tượng của cây trụ trời.
Cây trục nối giữa trời và đất, biểu trưng trong cây Thánh Giá còn mang theo ý nghĩa của Cứu Độ, đó là trung tâm điểm nối kết giữa trời và đất bằng sự giao hòa. Sự rạn nứt của cây trục thế giới đã từng bị tội của Adam tác động vào, nay được làm mới lại trong một Adam mới là Đức Giêsu Kitô.
Khi linh mục ghi dấu năm cứu độ chung quanh trục cây Thánh Giá, người linh mục cũng ghi khắc vào đó cả khối tình tri ân của những năm hưởng nhờ hồng ân cứu độ trong lịch sử thời gian. Về không gian thì trục vũ trụ nối trời với đất. Về mặt thời gian cây trục là điểm thâu họp lịch sử. Hai chiều kích của Thánh Gía biểu hiện bao gồm hai chiều kích ấy. Đức Kitô là trung tâm điểm của không gian và thời gian.
Là Trục của thế giới, mà trung tâm điểm ấy là Đức Giêsu Kitô, nếu nhìn theo chiều kích cánh chung, thế giới nhân loại thời gian sau cùng hết, sẽ chịu sự phân chia, bên tả hoặc bên hữu. Thời điểm phân chia tả hữu, gọi là thời gian của sự phán xét. Sự phán xét cuối cùng của mọi người sẽ trải qua. Như vậy, trục còn có nghĩa là mốc tuyển chọn, những người được tuyển chọn và những người tự mình đánh rơi. Thánh Phaolô nhìn trục này như sự phân chia Lề Luật và Đức Tin. Phân chia tâm hồn con người thành hai phần, nhục thể và Thần Khí, để rồi cho thấy sự thống nhất của phân chia là việc hóan cải, tái sinh, công chính hóa lề luật, nhờ vào niềm tin cuộc khổ nạn của Đức Giêsu trên Thập Giá.
Là trục của thế giới, nếu nhìn theo chiều kích cánh chung, còn thấy trục biểu trưng là chiếc thang, một chiếc thang đưa con người đi lên tham dự vào đời sống của Thiên Chúa. Một chiếc thang để đất trời không còn xa nhau. Chiếc thang nhiệm màu mà thánh Nữ Perpétue thấy trong ngày chịu tử đạo: “Tôi nhìn thấy một cái thang bằng đồng thanh, cao khác thường, vươn tới tận trời, nhưng hẹp tới mức chỉ có thể đi lên từng người một: Hai bên thang tua tủa các khí giới: Kiếm, giáo, móc câu, gươm, như vậy mà nếu người nào lên mà lơ đãng, không chú ý nhìn lên trên cao, sẽ bị tan nát thịt da, để lại những mảng thịt mắc vào những khí giới đó. Và bên dưới cái thang có một con rồng to lớn dị thường, nằm đó chăng bẫy những ai đạp chân lên thang, làm cho họ khiếp sợ không dám trèo lên. Còn tôi, khi tôi đặt chân lên trên bậc thang thứ nhất, tôi đã đạp lên đầu con rồng đó, thế là tôi đi lên được và nhìn thấy một khu vườn rộng mênh mông”.
Biểu hình chiếc thang của ý nghĩa cây trục thế giới, có những bậc chỉ nhất thời, đó là những bậc của thử thách, niềm an bình sẽ xuất hiện khi bước lên bậc thang thứ nhất, và cứ thế theo từng bậc niềm an bình sẽ được gia tăng cho đến khi hòan tòan ở trên đỉnh thang. Muốn đi lên cao, cần rũ bỏ, rũ bỏ làm cho nhẹ nhàng thanh thóat trên đường đi lên. Đó cũng là thời gian dành cho việc cầu nguyện và ăn chay thực thi đức ái để trút bỏ mỗi ngày trong cuộc sống.
Mùa chay có cao điểm là Thánh Giá cho nên cũng là mùa luyện tập trút bỏ để lên cao và được làm mới lại trong Đức Giêsu Kitô. Chiếc thang biểu tượng cho sự thăng thiên, đường lên trời chỉ có thể đi lên nếu tháp nhập vào Đức Giêsu Kitô. Do đó, khi Đức Giêsu Kitô được biểu trưng bằng cây trục thế giới thì mọi người chỉ có thể: “Nhờ Đức Kitô, Trong Đức Kitô và với Đức kitô” chúng ta được hòan thành trong Ngài.
L. m Giuse Hoàng Kim Toan

Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây