Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.vn


Trước - Sau

“Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Trước - Sau

TRƯỚC – SAU
(Thứ Hai sau Chúa Nhật I TN – Mc 1,14-20)

“Sau khi ông Gioan bị nộp, Chúa Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Nhờ các chuyên gia Thánh Kinh chúng ta hiểu rằng động thái ăn năn sám hối là một sự đổi thay cuộc sống cách triệt để, khởi đi từ tâm trí đến hành vi thiết thực cụ thể. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều lối diễn giải quá nghiêng về khía cạnh luân lý. Dù rằng không sai, vì chiều kích luân lý như là điểm tới của việc thay đổi đời sống. Và cũng đã có ý kiến cho rằng đạo nào cũng như đạo nào, thảy đều dạy người ta cởi bỏ điều xấu xa và ăn ngay ở lành.

Xin có cái nhìn về lời rao giảng của Chúa Giêsu: “Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”. Hai phạm trù này “ăn năn sám hối” và “tin vào Tin Mừng”, điều nào trước, điều nào sau? Chúng ta ăn năn sám hối rồi tin vào Tin Mừng hay ngược lại, nhờ tin vào Tin Mừng nên chúng ta ăn năn sám hối tức là thay đổi đời sống? Làm rõ thứ tự trước sau hai phạm trù này thì chúng ta sẽ nhận ra nét riêng của niềm tin Kitô giáo và chúng ta tin đây là nét trỗi vượt.

Tin Mừng mà Chúa Giêsu loan báo chủ yếu ở những điểm này: Đấng dựng nên vũ trụ đất trời, cho chúng ta từ chốn hư vô làm người chính là Cha Toàn Năng Chí Ái. Người cho mọi vật mọi loài hiện hữu là để thông chia vinh quang và hạnh phúc cho các loài thụ tạo, cách riêng loài người chúng ta, loài được chọn làm hình ảnh và là họa ảnh của Người. Tất cả mọi người bất phân màu da, sắc tộc, ngôn ngữ thảy đều là anh chị em với nhau trong tình một Cha Trên Trời, với người Anh Cả Giêsu, Đấng làm người. Hạnh phúc đích thực của chúng ta là được hiệp thông với Thiên Chúa qua lối diễn tả “tám mối phúc thật” mà Chúa Giêsu rao giảng (x.Mt 5,1-12). Và cách thế để đạt hạnh phúc thật đó là hãy sống với nhau trong tình yêu liên đới, cách rõ nét nhất là như Chúa Giêsu yêu thương chúng ta (x.Ga 15,12).

Đây chính là nội hàm đức tin Kitô giáo, là Tin Mừng. Tin vào Tin mừng là đón nhận chân lý hằng sống này. Như thế việc tin vào Tin Mừng phải là động thái đi trước làm nền tảng cho việc sám hối ăn năn, thay đổi đời sống. Thiết nghĩ rằng điều phải thay đổi trước tiên đó là hành vi đức tin của chúng ta. Phải thay cái nhìn về Thiên Chúa như một Ông chủ khắt khe hay như vị Quan tòa nghiêm minh vốn bàng bạc trong các niềm tin tôn giáo và cả trong Cựu Ước để rồi tin nhận Người là Cha Toàn Năng Chí Ái như lời Chúa Kitô mạc khải. Khi đã chỉnh sửa cái nhìn đức tin thì những việc đổi thay sẽ tự nhiên kéo theo như là hệ quả tất yếu.

Phải chăng hình thức sống đạo kiểu thụ động, ích kỷ, vụ lợi của đoàn tín hữu Kitô cách nào đó chưa phán ánh niềm tin vào Thiên Chúa là Cha Toàn Năng Chí Ái, Cha của hết mọi người? Phải chăng cung cách phục vụ và quản trị kiểu độc quyền, độc tôn, độc đoán theo tinh thần giáo sĩ trị của nhiều mục tử trong Giáo Hội Công giáo không chỉ làm lu mờ mà còn làm biến dạng chân dung Đấng Toàn Năng là Cha giàu lòng thương xót?

Giáo hội Công giáo đang nỗ lực cùng nhau đổi thay “cách sống đạo” qua Thượng Hội Đồng “Hiệp Thông – Tham Gia – Sứ Vụ” đang mở ra. Ước gì nội hàm Tin Mừng được thể hiện cách rõ nét trong đời sống đức tin của Kitô hữu thuộc mọi thành phần từ việc cầu nguyện đến cử hành và tham dự các bí tích, từ các cơ chế luật lệ đến các hoạt động tông đồ và xã hội. Không phải nhờ thay đổi đời sống rồi chúng ta mới tin vào Tin Mừng, nhưng chính nhờ tin vào Tin Mừng mà chúng ta đổi thay đời sống, đổi thay cả cung cách sống đạo của mình.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây