TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật -Lễ Thánh Gia Thất -Năm C

Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan (Lc 2, 41-52).
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Giêsu chịu phép rửa - Năm A

02/06/2021 02:55:38 |   1059

 

 

Nghe MP3: 

 

 

Ca nhập lễ

Sau khi Chúa Giê-su chịu phép rửa, các tầng trời mở ra, và Thánh Thần lấy hình bồ câu đậu xuống trên Người. Cùng lúc ấy, có tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Đây là Con chí ái của Ta, Người làm cho lòng Ta vui thỏa”.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến!  Hôm nay, Hội Thánh cử hành phụng vụ lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, và toàn thể dân công giáo khai mạc một giai đoạn mới trong năm phụng vụ, chu kỳ phụng vụ mùa thường niên. Chọn lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa để khai mạc thời gian phụng vụ này, Hội Thánh muốn mời gọi tất cả chúng ta dân thân sâu xa hơn vào mầu nhiệm Chúa Kitô, vào sự hiện diện của Ngài giữa lòng thế giới và cuộc sống, vào Tin Mừng Cứu Độ mà Ngài đã loan báo cách đây hơn 2000 năm.

Ngoài ra cử hành lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa hôm nay, Mẹ Hội Thánh còn muốn nhắc nhở con cái mình đặc ân Bí tích Rửa Tội, và khuyên dụ chúng ta hãy cố gắng gìn giữ chiếc áo trắng được tinh tuyển cho tới khi Chúa lại đến. Nhưng lúc này đây chắc hẳn không ai trong chúng ta dám tự hào mình vô tội. Vậy để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh chúng ta cùng thành tâm hốì lỗi          

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Ðức Kitô chịu phép rửa tại sông Gio-đan và Thánh Thần ngự xuống trên Người, Chúa đã long trọng tuyên bố Người là Con chí ái. Xin cho chúng con là đoàn nghĩa tử được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, hằng bền vững thi hành ý Chúa. Chúng con cầu xin...

Hoặc:

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con nhận biết Ðức Kitô Con Một Chúa xuất hiện như người phàm và mặc lấy thân xác giống hệt chúng con. Xin Chúa làm cho tâm hồn chúng con được đổi mới và trở nên giống hình ảnh Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Is 42, 1-4. 6-7

"Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây là lời Chúa phán: "Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.

Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 28, 1a và 2. 3ac-4. 3b và 9b-10

Ðáp: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình (c. 11b).

Xướng: Các con cái Thiên Chúa hãy dâng kính Chúa, hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người; hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa. 

Xướng: Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ. 

Xướng: Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa, mọi người kêu lên: Vinh quang! Chúa ngự trị trong cơn hồng thuỷ, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời. 

Bài Ðọc II: Cv 10, 34-38

"Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô mở miệng nói rằng: "Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người".

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: x. Mc 9, 7

Alleluia, alleluia! - Các tầng trời mở ra, tiếng Chúa Cha tuyên phán: "Này là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 3, 13-17

"Khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống trên mình Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan, để ông làm phép rửa cho. Nhưng Gioan can Người rằng: "Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?" Chúa Giêsu liền đáp lại: "Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế". Và bấy giờ ông Gioan chiều ý Người. Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người. Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: "Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tếAnh chị em thân mến! Mầu nhiệm phép rửa nơi Đức Kitô hôm nào bên bờ sông Giodan, cho chúng ta thấy Đức Giêsu đã khởi sự cuộc đời rao giảng Tin Mừng từ biến cố đặc biệt này, và Ngài mời gọi chúng ta hãy tiếp tục ra đi từ giếng rửa tội của mỗi người. Vậy chúng ta cùng nguyện xin:

1. “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn”.- Xin cho các vị Mục tử có tinh thần khiêm hạ của Đức Kitô, để qua các ngài ân sủng của Thiên Chúa tuôn đổ trên đoàn dân mà các ngài chăm sóc.

2. “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người" - Xin cho các Kitô hữu luôn nhớ mình đã được xức dầu, được mặc áo trắng tinh tuyền, được trao nến Phục Sinh, và được thanh tẩy trong Thánh Thần, để sống xứng đáng mỗi ngày với ân huệ đã lãnh nhận.

3. “Chúng ta cần chu tòan bổn phận" - Xin cho các nhà cầm quyền Quốc Gia biết chu toàn bổn phận của mình, để kiến tạo hòa bình và thịnh vượng cho dân tộc.

4. “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, biết sống hòa mình với mọi người, để trở nên men làm dậy bột thánh thiện nơi cộng đồng nhân loại, xứng đáng là con cái Thiên Chúa.

Chủ tế: Lạy Thần Khí Thiên Chúa, Đấng đã ngự trên Đức Giêsu và hướng dẫn Người trong khi thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho nhân loại, xin cũng ngự trị trên chúng con, biến đổi chúng con thành công cụ của công cuộc truyền giáo trên quê hương yêu dâu của chúng con, và trên toàn thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô..

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, trong ngày Chúa mặc khải Ðức Kitô Con yêu dấu, đoàn tín hữu chúng con dâng lên Chúa những lễ vật này: cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và làm cho trở nên lễ hy sinh hoàn hảo của Người là chính Ðấng đã thương rửa sạch tội lỗi trần gian. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Khi Ðức Kitô chịu phép rửa tại sông Gio-đan, Chúa đã dùng những dấu lạ này tỏ bày mầu nhiệm phép rửa mới: Nhờ tiếng Chúa từ trời vọng xuống, chúng con tin rằng Ngôi Lời của Chúa ở giữa loài người; và nhờ Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu hiện xuống, chúng con nhận biết Ðức Kitô là Tôi Trung của Chúa, được xức dầu hoan lạc và được sai đi rao giảng Tin Mừng cho kẻ khó nghèo. Vì thế, cùng với triều thần thiên quốc, chúng con ở dưới trần gian luôn ca tụng uy linh cao cả và không ngừng tung hô rằng:

Thánh ! Thánh ! Thánh!

Ca hiệp lễ

Đây là Đấng mà ông Gio-an đã nói: “Tôi đã thấy và xin làm chứng rằng: Người là Con Thiên Chúa”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, nơi bàn tiệc thánh, Chúa đã cho chúng con được no lòng thoả dạ. Xin cũng giúp chúng con luôn trung thành nghe theo lời Con Một Chúa dạy bảo, để không những chúng con chỉ mang danh là con cái Chúa mà còn thực sự sống với Chúa cho phải đạo làm con. Chúng con cầu xin...

Suy niệm

Người con yêu quý
Sưu tầm

Vào thế kỷ thứ IV, Ario truyền bá một lạc thuyết vô cùng nguy hại. Ario chủ trương rằng Đức Kitô không thực sự là Con Thiên Chúa. Hoàng đế Theôđôsiô đỡ đầu cho lạc thuyết này. Cũng vào lúc ấy hoàng đế phong cho hoàng tử mới 16 tuổi của ông được cùng trị vì trên ngai vàng với ông. Trong những khách được mời đến dự buổi lễ phong vương, có Đức Giám mục Amphilôcô. Đức Giám mục chỉ nói vài lời chúc mừng rồi chuẩn bị ra về. Hoàng đế giận dữ hỏi: Ngài không quan tâm đến hoàng tử sao? Ngài không biết rằng ta phong cho hoàng tử cùng trị vì với ta hay sao? Vị Giám mục bình tĩnh trả lời: Tâu hoàng thượng, hoàng thượng phật ý trước sự giả bộ thờ ơ của tôi đối với hoàng tử, vì tôi đã tỏ ra không tôn kính hoàng tử như bệ hạ mong muốn. Vậy Thiên Chúa sẽ nghĩ sao về hoàng thượng, khi hoàng thượng giáng cấp Người Con ngang hàng và cùng hiện hữu với Ngài dưới danh hiệu Con Thiên Chúa.

Từ câu chuyện trên chúng ta thấy: Ngày nay có nhiều người, kể cả một số người mệnh danh là Kitô hữu, đã chối bỏ hoặc nghi ngờ thiên tính của Đức Kitô. Thiết tưởng những người ấy hãy lắng nghe lời Chúa Cha tuyên phong trong đoạn Tin Mừng hôm nay: Con là Con yêu quý của Cha, Cha hài lòng về Con.

Việc Đức Kitô chịu phép Rửa bởi Gioan đánh dấu bước khởi đầu công cuộc cứu độ của Ngài. Công cuộc trọng đại này là hành động của cả Ba Ngôi, vì chúng ta thấy Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống, đồng thời Chúa Cha phán bảo. Biến cố này rất quan trọng, nên Giáo Hội muốn chúng ta mừng kính riêng trong Chúa nhật hôm nay, tựa như ngày đăng quang của Đức Giáo Hoàng hay ngày nhận chức của một tổng thống.

Đặc điểm chúng ta cần nhấn mạnh đó là Chúa Cha trên trời hài lòng về Người Con yêu quý của Ngài, là Đức Kitô. Có người cha nào lại không vui mừng khi người con của mình khởi sự một chức vụ quan trọng: người cha của một bác sĩ, người cha của một tân linh mục, người cha của chú rể trong ngày cưới. Niềm vui ấy càng lớn lao hơn khi người con ấy vâng phục và tôn kính cha mình.

Đức Kitô là một người con yêu mến và vâng phục Chúa Cha. Đồng thời Ngài luôn khoan dung và khiêm tốn như một kẻ tôi tớ, vì thế, Chúa Cha luôn hài lòng về Ngài. Còn chúng ta thì sao?

Với bí tích Rửa Tội đã lãnh nhận, chúng ta được mời gọi để nhận biết, yêu mến và phụng sự Cha trên trời, khi chúng ta cố gắng chu toàn thánh ý Ngài giữa lòng cuộc đời, khi chúng ta cố gắng sống mầu nhiệm của bí tích Rửa Tội, khi chúng ta cố gắng noi theo Người Con Chí Thánh trong sự khiêm tốn và vâng phục, thì chúng ta cũng làm hài lòng Cha trên trời, để rồi trong ngày cuối cùng, chúng ta cũng sẽ được Chúa Cha tuyên phong, như ngày xưa Ngài đã tuyên phong Đức Kitô bên bờ sông Giođan: Con là Con yêu quý của Cha, Cha hài lòng về Con.

Bài suy niệm Chúa nhật I Thường niên – A (Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa)
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 3, 13-17).
 
Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan, để ông làm phép rửa cho. Nhưng Gioan can Người rằng: “Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?” Chúa Giêsu liền đáp lại: “Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế”. Và bấy giờ ông Gioan chiều ý Người. Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người. Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”.
 
Suy niệm
Bước vào những ngày đầu của mùa thường niên, Mẹ Giáo hội mời gọi chúng ta cùng hướng về một biến cố đặc biệt trong cuộc đời của Đấng Cứu Thế, đó là ngày Ngài bước xuống dòng sông Giodan, cùng với các tội nhân, xin thánh Gioan Tẩy Giả được thanh tẩy. Sao Con Thiên Chúa làm người cũng mang nhiều dấu ấn của tội lỗi và sự chết hay sao, mà Ngài đã hành động như thế?
 
Con Thiên Chúa đi vào lịch sử nhân loại qua mầu nhiệm Giáng sinh, từ mầu nhiệm đó, Con Thiên Chúa trở nên một con người, sống bên cạnh tha nhân và chung chia với họ tất cả những gì thuộc về con người, ngoại trừ tội lỗi. Vâng lời Chúa Cha, Ngài đi vào trần gian như một người đầy tớ mỗi ngày thực hiện ý của chủ, Đức Giêsu được gọi là một con người hiền lành và khiêm nhường, như lời Ngôn sứ Isaia đã đưa tin: “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người”. Sự hiền lành và khiêm nhường cần có nơi người môn đệ của Thiên Chúa, bởi đó là ánh sáng, là niềm vui và hy vọng đến từ trời, sẽ làm thay đổi tâm hồn và con người đang ngập tràn bóng đêm của tội lỗi, của hận thù và của sự chết. Do đó, người môn đệ của Thiên Chúa phải là người có một tâm hồn đủ sáng, đủ nóng và đủ hiền lành, để chinh phục những mảnh vỡ tâm hồn từ tha nhân: “Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm”. Người tôi tớ đó sẽ thổi một luồng gió mới vào thế giới bằng chính cuộc đời và thái độ sống của bản thân, bởi thế, cả cuộc đời của người môn đệ không còn sống cho chính mình, mà là sống cho người khác, hơn nữa là chết cho người khác, tất cả vì Nước Trời.
 
Hình ảnh người tôi tớ của Giavê một lần nữa được thánh Phêrô khắc hoạ và được tác giả sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại, ngài nói với con cái rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận”. Người tôi tớ nhận ra sứ mạng của mình, và từng ngày sống của họ sẽ là một lời chứng hùng hồn và đầy sức thuyết phục, nhờ những nỗ lực và cố gắng từng ngày của bản thân, Thiên Chúa sẽ đưa người tôi tớ đó đi vào trong chương trình của Ngài, để đem các chi họ trở về với Giavê, đem những chiên lạc trở về với đàn chiên, theo một chủ chăn. Hình ảnh người tôi tớ đó được hoạ lại đậm nét nơi cuộc đời và sứ mạng của Đức Giêsu, người Con chí ái của Chúa Cha. Thánh Phêrô nhắc cho chúng ta hình ảnh và sự hiền lành từ nơi Người Con duy nhất của Thiên Chúa, để mỗi người chúng ta hướng về đó như là hình ảnh người tôi tớ lý tưởng, để mỗi người cố gắng hoàn thiện ơn gọi của mình: “Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”. Đức Giêsu, khi làm người, Người đã hoà mình vào dòng chảy của nhân loại để chia sẻ phận người với nhân loại, trong đó có những tội nhân, trong đó có những người bất hạnh, trong đó có những người bị xã hội loại bỏ, tất cả như đã chết trong mắt của những người chung quanh, nhưng người tôi tớ của Thiên Chúa đã đến và đưa họ ra khỏi vũng lầy của tăm tối và khổ đau, đưa họ trở về với vị thế của một con người, một người con của Thiên Chúa.
 
Con Thiên Chúa làm người khởi đi từ một Hài Nhi, Ngài muốn trở nên nhỏ bé và yếu đuối như bao người khác. Hơn nữa, Ngài còn xếp hàng với cộng đoàn, bước xuống dòng sông Giodan, xin thánh Gioan cử hành nghi thức thanh tẩy, chỉ với mong ước được tha tội, được trong sạch. Ngài không phải là một tội nhân, Ngài cũng không phải là kẻ gây ra bao đau khổ trong ghen tuông, trong ích kỷ, trong hận thù và trong chết chóc, bởi Ngài là Thiên Chúa, thế nhưng, Ngài muốn sống tình liên đới với con người, đặc biệt với các tội nhân, để đồng cảm trong nỗi nhục của tội nhân, để chia sẻ nỗi dằn vặt của kẻ phạm tội, và để động viên họ chỗi dậy trở về để được tha thứ và được yêu thương: “Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan, để ông làm phép rửa cho. Nhưng Gioan can Người rằng: “Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?” Chúa Giêsu liền đáp lại: “Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế”. Đức Giêsu đã cúi xuống với con người, cúi xuống với các tội nhân để nâng đỡ họ dậy trong phận người yếu đuối. Hành động của Ngài khi bước xuống dòng sông như là lần cúi xuống thứ hai sau khi từ bỏ ngai vàng trời cao đến với con người, lần cúi xuống này không làm cho Ngài trở nên hèn hạ, nhưng là đưa Ngài tới chỗ đứng hiện tại của Ngài là một Thiên Chúa yêu thương, một Thiên Chúa chấp nhận cúi xuống với con người và đó cũng là một Thiên Chúa đã tha thứ tất cả cho con người. Từ đây, Ngài đưa con người đi vào một hành trình mới, một trang sử mới, đó là một hành trình có nhiều dấu chân của Thiên Chúa làm người cùng song hành với mỗi người.
 
Sau khi chấp nhận dìm mình trong dòng sông, Đức Giêsu bước lên bờ và thấy trời mở ra, Thánh Thần Thiên Chúa trong hình dạng chim bồ câu bay xuống đậu lại trên Ngài: “Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người. Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”. Cửa trời đã mở trở lại để con người có thể về trời. Cánh cửa đó đã đóng ngay sau khi nguyên tổ con người chống lại Thiên Chúa, muốn xua đuổi Thiên Chúa ra khỏi thế giới của họ, từ đó bóng dáng của Thiên Chúa không còn trong tâm trí họ, nhưng với Thiên Chúa thì Ngài không bao giờ từ bỏ đứa con Ngài đã tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Cánh cửa đó mở ra nhờ Đức Giêsu, để từ đây, ai theo chân Ngài bước xuống dòng sông cuộc đời, nhận phép thanh tẩy bước Nước và Thánh Thần, sẽ được đưa về trời như Con Thiên Chúa. Có thể nói, từ đây, con người như bước vào một thế giới mới, thế giới của Thiên Chúa, thế giới của sự sống, của chân lý và của tình yêu, nơi đó, họ được sống trong sự sống của Thiên Chúa.
 
Sống trong một xã hội mà con người muốn làm chủ tất cả, muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi mọi sinh hoạt của mình, con người muốn được tự do, muốn sống theo những nhu cầu của bản thân, không thích lệ thuộc và cũng không thích đi theo một lối nẻo nào khác. Do đó, con người đang tìm cách loại trừ Thiên Chúa, loại trừ các giá trị của Tin Mừng mà Con Thiên Chúa đem đến từ trời cao, các giá trị đó liên quan đến quyền làm người, liên quan đến sự sống của con người, liên quan đến đời sống tôn giáo của con người. Thiên Chúa muốn cúi xuống và ở lại với con người, thế mà con người không tiếp nhận Ngài, không muốn có sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời mình, cũng như không muốn Ngài can dự vào mọi sinh hoạt của mình.
 
Sống ơn gọi nào cũng vậy, có những lúc, con người tưởng mình đang đi trong sự hạnh phúc đến từ Thiên Chúa, bởi họ đạt được những mong muốn của mình, họ như thấy Thiên Chúa đang ưu ái và chăm sóc họ như người mẹ chăm sóc con cái mình, nhưng khi họ đối diện với những thử thách, những thất bại, hình ảnh và sự hiện diện của Thiên Chúa trong hành trình cuộc đời là một sự phiền toái, một sự áp đặt thiếu tự do, thiếu tình thương. Ơn gọi luôn là một lời mời, một lời đáp trả trong tinh thần tự do từ phía được mời, vậy mà con người lại quy gán cho Thiên Chúa áp đặt và thiếu tôn trọng. Có phải tất cả đến từ một niềm tin nông cạn và đầy tính toán, một niềm tin chưa đủ mạnh để có thể khiêm tốn cúi xuống xin tha thứ chỉ vì tội lỗi của con người. Bên cạnh đó còn là sự tính toán của con người. Mong được về trời vẫn được mọi người quan tâm, nhưng trong những hoàn cảnh hiện tại, ai cũng muốn có địa vị, muốn có quyền bính, muốn có chỗ nhất trong cộng đoàn, vì thế, họ sẵn sàng loại bỏ những giá trị nhân bản Kitô giáo ra khỏi cuộc đời và ơn gọi của mình, để sống trong những tham vọng của cá nhân, để luồn cúi hầu mong được thống trị tha nhân. Nếu như Con Thiên Chúa làm người mang theo những tính toán như thế, liệu rằng con người hôm nay có được tha thứ, được yêu thương và xa hơn là được cứu độ bằng máu của Con Thiên Chúa không? Và kết thúc cuộc đời, họ có được theo chân Con Thiên Chúa về trời hưởng vinh phúc trong sự sống của Thiên Chúa không? Quả là một vấn nạn mỗi ngày con người cần tìm câu trả lời, để có thể đổi thay cuộc đời.
 
Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã chấp nhận bỏ trời cao đến với con người, và hôm nay, Ngài còn xếp hàng với các tội nhân để xin thanh tẩy, xin cho mỗi chúng con đến gần với Chúa để học bài học khiêm tốn và mạnh dạn từ bỏ cái tôi trong cuộc đời, đó là con đường để trở thành người môn đệ khôn ngoan của Thiên Chúa. Chúa đã cúi xuống để cánh cửa Nước Trời được mở ra cho con người về trời, xin cho mỗi chúng con biết cúi xuống gặp Chúa nơi những người bất hạnh, khổ đau, nhất là nơi những người bệnh tật, mồ côi và nghèo đói, để chúng con có thể tìm thấy con đường về trời cho mình ngang qua tha nhân. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

 
CON ĐƯỜNG YÊU THƯƠNG DIỆU KỲ
(Lễ Chúa Giêsu Chịu phép rửa)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Để mạc khải tình yêu cho muôn loài, Con Thiên Chúa đã làm người. Để bày tỏ tình yêu đến cùng với con người, Thiên Chúa chọn con đường đồng thân với nhân loại. “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Không chỉ mang lấy kiếp người, Con Thiên Chúa còn mang vào chính bản thân phận tôi đòi, phận tội nhơ của con người. Xếp mình vào đoàn dân đang tự nhận là tội nhân đến với Gioan Tẩy Giả trên bờ sông Giođan là một hành vi thật khó lý giải theo sự luận suy của lý trí. Con tim có lý lẽ của nó. Và chúng ta chỉ có thể hiểu động thái chịu phép rửa của Chúa Giêsu bằng con tim. Tuy nhiên, dưới ánh sáng lời mạc khải qua các bài đọc Thánh Lễ Chúa chịu phép rửa, chúng ta có thể nhận ra mục đích của Đấng Cứu Độ khi để cho Gioan làm phép rửa trên bờ sông Giođan.

1. Tự nguyện liên đới với mọi người để yêu thương hết mọi người.

Hai từ liên đới gợi mở cho ta hình ảnh gắn liền đai lưng với nhau. Nói đến chung lưng đấu cật là nói đến những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ cần vượt qua. Chính vì thế không ai lại nói liên đới trong những thành công hay chung lưng trong những hoàn cảnh thuận lợi. Hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhất của con người có thể nói là khi gặp phải các sự dữ. Có những sự dữ do khách quan như thiên tai hay địch họa. Có những sự dữ lại do chủ quan là do bản thân tự gây ra cho chính mình. Dưới cái nhìn đức tin thì chỉ có một sự dữ đáng gọi là dữ, đó là tội lỗi. Các sự dữ khác chỉ có thể làm hại sự sống đời này, còn tội lỗi thì có thể làm thiệt hại cả sự sống đời này và cả sự sống mai sau.

Dù là Đấng vô tội, dù là Đấng ngàn trùng chí thánh, Chúa Giêsu vẫn muốn đồng phận với nhân loại chúng ta trong kiếp tội nhân. Khởi đầu bằng việc chung hàng với đoàn người tội lỗi và điều này đã làm đẹp lòng Chúa Cha: “Này là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” (Mt 3,17; Mc 1,11; Lc 3,22). Trong quá trình rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu không ngại ngần đến với những người tội lỗi và đồng bàn với họ, bất chấp những lời xầm xì của nhiều người nhóm biệt phái và luật sĩ (x.Lc 5,29-32; 15,1-2). Người còn tự nguyện đứng về phía những người nghèo, những người bất hạnh, cô thế, kém phận, dĩ nhiên vẫn không từ chối lời mời của những người quyền quý, lớn vai hay nhiều vế trong xã hội (x.Lc 7,36-50). Tất cả những sự việc ấy nói lên rằng Chúa Cứu Thế muốn bày tỏ tình yêu với hết mọi người.

2. Đi xuống tận cùng đáy sâu thân phận tội lỗi của kiếp người để nâng mọi người lên.

Tự dìm mình dưới dòng sông Giođan để cho thánh Gioan Tẩy giả làm phép thanh tẩy là quyết định khởi đầu của Con Thiên Chúa làm người khi công khai rao giảng Tin Mừng. Và điểm đến của quyết định ấy là cái chết trong phận một phạm nhân trọng tội. Con Chiên tinh tuyền của Thiên Chúa đã cúi mình xuống trước một Giuđa đã rắp tâm phản bội Thầy, trước một Phêrô lát nữa đây sẽ chối bỏ Thầy và trước cả nhóm môn đồ còn lại, vốn tham sinh, úy tử cách ích kỷ, sẵn sàng bỏ Thầy để giữ lấy mạng sống riêng mình. Người cúi xuống là để nâng con người lên.

Thiên Chúa không muốn bất cứ một ai trong nhân loại phải hư mất. Đấng Cứu độ đã đi xuống tận cùng của cảnh kiếp tội nhân. Và giờ đây không một ai, không một tội nhân nào là không có thể được tha thứ và cứu sống. Một tuơng lai tràn trề hy vọng đang mở ra cho từng người, cho toàn thể nhân loại. Nói như Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận: “Không một thánh nhân nào là không có một quá khứ (quá khứ lỗi lầm), vì thế, chẳng có một tội nhân nào mà chẳng có một tương lai”. Sự khả thể đang mở ra với nhân loại khi Đức Giêsu tự nguyện đồng phận với kiếp tội nhân của con người. Và điều khả thể này đã hiện thực cách rõ ràng với người tử tội bị treo bên phải Chúa Giêsu năm xưa: “Ta bảo thật với anh: Ngay hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với Ta” (Lc 23,43).

Vấn nạn đặt ra cho chúng ta hôm nay và mãi mãi.

- Không được phép ngã lòng về bản thân mình cho dù ta đang trong hoàn cảnh bi đát hay tồi tệ thế nào. Không một ai là ngoài tình thương của Thiên Chúa. Không gì có thể tách lìa chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự nguyện liên đới với chúng ta cho đến cùng (x.Rm 8,38-39). Không một ai, không một tình trạng nào vượt quá quyền năng vô biên của Thiên Chúa, Đấng mà không có sự gì là không thể (x.Mt 19,26), chỉ trừ người phạm đến Chúa Thánh Thần, tức là cố tình không đón nhận tình yêu cứu độ. Thiên Chúa có thể làm được mọi sự nhưng Người vẫn tôn trọng tự do của con người, một món quà vô giá mà Người đã ban cho nhân loại. Mọi sự đều là có thể cho người luôn biết hy vọng và nỗ lực vươn lên trong niềm tin vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa.

- Không được phép thất vọng về bất cứ một ai cho dù họ đang bê bối hay đáng chúc dữ dường nào. Biết bao người thời Chúa Giêsu rất đáng và đã bị Người chúc dữ thế mà vẫn được Người xin Chúa Cha tha thứ vì họ lầm chẳng biết (x.Lc 23,34). Con người là hữu thể đang chuyển thành (l’homme c’est l’ être en devenir). Chính vì thế, điều mà ta cần loại bỏ, cần xóa đi, đó là những định kiến của ta về tha nhân. Giữ mãi thành kiến không tốt về tha nhân là ta đang đóng đinh anh em mình bằng những chiếc đinh ác tâm, vô tình. Đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét (x.Mt 7,1-5). Xin đừng quên chính khi đóng đinh tha nhân bằng định kiến là ta tự đóng đinh số phận của mình. Lời kinh nguyện duy nhất Chúa Giêsu dạy, nhắc nhớ chúng ta về sự liên đới với tha nhân như là một trong những điều kiện tất yếu để đón nhận hồng ân của Cha trên trời: “Lạy Cha chúng con…” (Mt 6,9-15)

Mừng mầu nhiệm Chúa chịu phép rửa là tán dương tình thương của Chúa, một tình thương vô biên và diệu kỳ. Mừng mầu nhiệm Chúa chịu phép rửa là phấn khởi và tích cực dưỡng nuôi niềm hy vọng vào Thiên Chúa giàu lòng xót thương, chậm bất bình và rất mực khoan dung. Thiên Chúa đã nên hữu hình nơi Đức Kitô, Đấng không chỉ “không bẻ gãy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói”, mà còn “mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm” (Is 42,3; 7), Đấng đầy tràn Thánh Thần và đi đến đâu thì giáng phúc thi ân đến đó (x.Cvtđ 10,38). Mầu nhiệm Chúa chịu phép rửa lại còn thôi thúc chúng ta tích cực đón nhận tha nhân để giúp nhau hoán cải, đổi mới và thăng tiến. Khoanh tay đứng nhìn hay cam chịu thúc thủ trước sự dữ là một thái độ “phỉ báng” hành vi cúi mình chịu phép rửa của Chúa Kitô trên dòng sông Giođan. Ước gì được một lần trong đời, ta thầm nghe được lời Chúa phán: “Này là con yêu dấu của Cha, con đẹp lòng Cha”, khi ta biết yêu thương nhau bằng con đường đi xuống (như nghĩa của từ Giođan).

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA A

Is 42, 1-4.6-7; Cv 10, 34-38; Mt 3, 13-17
LM ĐAN VINH - HHTM

 

SỐNG TÌNH CON THẢO VỚI CHÚA CHA
I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 3, 13-17.

(13) Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. (14) Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!”. (15) Nhưng Đức Giê-su trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính. Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người. (16) Khi Đức Giê-su chịu phép Rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. (17) Và kìa có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.

2. Ý CHÍNH:

Hôm nay là ngày cuối cùng của Mùa Giáng Sinh, và cũng là ngày khởi đầu Mùa Quanh Năm I. Tin Mừng Mát-thêu cho thấy: Đức Giê-su khởi đầu cuộc sống công khai bằng việc từ Ga-li-lê xuống miền Giu-đê và đến sông Gio-đan để xin ông Gio-an làm phép rửa cho. Ngay từ ban đầu Gio-an đã biết Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, nên không dám rửa cho Người. Nhưng sau khi biết đó là thánh ý Thiên Chúa, thì Gio-an đã vâng lời để làm phép rửa cho Người. Khi Đức Giê-su vừa ở dưới nước lên, thì một cuộc Thần hiện đã xảy ra: Thánh Thần lấy hình chim câu ngự xuống trên Người, và có tiếng Chúa Cha xác nhận Người là Con yêu dấu luôn làm đẹp lòng Cha.

3. CHÚ THÍCH:

- C 13-14: + Từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan: Từ miền Ga-li-lê cụ thể là Na-da-rét (x. Mt 2, 23), Đức Giê-su đến sông Gio-đan ở vùng Bê-ta-ni-a cách thành Giê-ri-cô không bao xa, để xin Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa cho. Người tự nguyện đến chứ không phải do lương tâm thúc bách chịu để xin ơn tha tội như người Do thái, vì Người là Đấng thánh thiện và vô tội. + Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!: Nói câu này, có lẽ Gio-an đã biết Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế mà ông rao giảng sắp đến (x Mt 3, 11).

- C 15: + Bây giờ cứ thế đã: Bây giờ Gio-an hãy cứ làm phép rửa cho Người. + Vì chúng ta nên làm như vậy: Đức Giê-su muốn chịu phép rửa của Gio-an để xác nhận về sứ mệnh Thiên Sai (x. Lc 7, 29-30). + Để giữ trọn đức công chính: Giữ trọn hay chu toàn bổn phận. Có thi hành ý muốn của Thiên Chúa là chịu phép rửa, thì Đức Giê-su mới thiết lập được nền công chính mới (x. Mt 5, 20) và kiện toàn Luật Mô-sê (x. Mt 5, 17).

HỎI: Phép rửa của Gio-an là một nghi lễ biểu lộ lòng thống hối của các tội nhân. Vậy Đức Giê-su là Đấng thánh thiện và trong sạch vô cùng, thì chịu phép rửa ấy làm chi?

ĐÁP:
Qua đoạn Tin Mừng này, chúng ta mới biết được câu trả lời phần nào qua câu nói của Đức Giê-su với Gio-an: Đó là thánh ý của Thiên Chúa. Nhưng theo ý kiến của các nhà chú giải Kinh Thánh, thì có hai lý do khiến Người xin chịu phép rửa của Gio-an như sau: Một là vì Đức Giê-su muốn tự liệt mình vào hàng ngũ những tội nhân mà sau này Người sẽ chịu chết đền tội thay cho họ (x. Mt 26, 28). Hai là vì Đưc Giê-su muốn đồng hóa mình với những tội nhân có lòng ăn năn hối cải, để qua phép rửa của Gio-an, là hình bóng của phép rửa Tử Nạn và Phục Sinh (x. Lc 12, 50) và cũng là hình bóng bí tích Rửa Tội mà Người sẽ thiết lập (x. Mc 16, 15), Người sẽ biến đổi các tín hữu chịu phép rửa tội được trở nên con Thiên Chúa.

- C 16-17: + Các tầng trời mở ra: Hiện tượng trời mở ra gợi nhớ câu: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan” (Is 63, 19). Đây là lời cầu nguyện của vị Ngôn sứ dâng lên Thiên Chúa xin Người nguôi giận với dân, và tỏ mình ra là người Cha, sau thời gian lâu dài không đoái hoài đến dân. Lời cầu xin ấy hôm nay đã ứng nghiệm nơi Đức Giê-su: đất trời được giao hòa với nhau (x. Cv 7,56), Thiên Chúa sẽ tiếp tục mặc khải cho dân Người (x. Ed 1, 1). + Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người: Câu này nhắc lại cuộc tạo dựng nguyên thủy (x. St 1, 2). Ở đây báo hiệu một cuộc tạo dựng mới đang được thực hiện. Trong Cựu Ước, chim bồ câu không được coi là hình ảnh của Thần Khí. Thần Khí Chúa đã bay là là trên nước nguyên thủy để ban sự sống cho nước như chim bồ câu mẹ bay chập chờn trên bầy chim con (x. St 1, 2). Thần Khí ngự trên Đức Giê-su để xức dầu thiêng liêng (x. Cv 10, 38), tấn phong Người làm Đấng Mê-si-a (x. Is 11, 2). + “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”: Sau khi Đức Giê-su đã vâng phục Chúa Cha đến chịu phép rửa của ông Gio-an, thì Chúa Cha đã giới thiệu Người là Con yêu dấu trước mặt những người hiện diện. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa nhiều lần đã gọi Đấng Thiên Sai và dân Ít-ra-en là Con yêu của Ngài: “Con là Con Ta, hôm nay Ta đã sinh ra Con” (Tv 2, 7). “Này là Tôi Tớ của Ta mà Ta nâng đỡ, tuyển nhân mà Ta sủng mộ, Ta ban Thần Khí Ta trên Người” (Is 42, 1). “Từ Ai-cập, Ta đã gọi Con Ta về” (Hs 11, 1). Qua câu này, Tin Mừng Mát-thêu cho thấy Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai và là Con của Thiên Chúa.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao Đức Giê-su là Đấng thánh thiện mà đến chịu phép rửa sám hối của Gio-an làm chi? 2) Trong Do thái giáo chim bồ câu có phải là hình ảnh của Thần Khí Thiên Chúa không? Câu “Thần Khí Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người” có nghĩa như thế nào? 3) Trong Cựu Ước, Thiên Chúa thường gọi những ai là “con yêu” của Ngài?


II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” (Mt 3, 14).

2. CÂU CHUYỆN:

1) GƯƠNG HIẾU THẢO ĐỐI VỚI CHA MẸ:

GEOGE WASINHTON là vị tướng tài ba và là vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Thế nhưng, rất ít người biết ông còn là một tấm gương sống động về lòng hiếu thảo đối với bà mẹ của mình.

Sau những trận chiến cam go nhất, cũng như giữa những công việc bề bộn và nặng nề nhất của một vị nguyên thủ quốc gia, Wa-sinh-tơn vẫn dành thời giờ về thăm hỏi và trò chuyện lâu giờ với bà mẹ già. Một hôm bà đã hỏi ông như sau: “Tại sao con lại dành nhiều thời giờ để thăm nom mẹ như vậy?” Ông liền trả lời: “Thưa mẹ. Khi ngồi bên mẹ và lắng nghe lời mẹ dạy không phải là việc mất thời giờ. Chính sự bình thản và lòng tốt của mẹ đã dạy con phải quyết tâm luôn sống tốt với mọi người”.

2) TAI HẠI CỦA THÓI KIÊU NGẠO: TRÈO CAO TÉ ĐAU

Trong kho tàng truyện thần thoại của Hy-lạp, có một câu chuyện về hai cha con nhà kia. Người cha tên là I-đam và đứa con là I-ka. I-đam là một kiến trúc sư kiêm nghề điêu khắc. Chính ông đã được nhà vua ra lệnh xây dựng một bát quái đồ để bắt giam vào đó một con quái vật đầu người mình thú rất hung dữ, để tránh cho dân lành khỏi bị nó giết hại. Nhưng về sau, do hiểu lầm là hai cha con I-đam và I-ka âm mưu làm loạn, nên vua Mi-nos đã hạ lệnh tống giam cả hai cha con vào bát quái đồ đó. Nhưng rồi “cái khó ló cái khôn”: Trong lúc bị giam cầm, hai cha con này đã tìm ra con đường trốn thoát khỏi cảnh tù tội bằng cách bay lên trời cao. Họ dùng sáp ong nối nhiều lông chim lại thành hai bộ cánh chim. Nhờ những chiếc cánh chim tự tạo này mà hai cha con đã bay được lên cao và thoát ra khỏi nhà tù qua lỗ nhỏ trên mái. Quá phấn khởi trước thành công bất ngờ, anh con trai càng lúc càng bay lên cao và bỏ ngoài tai những lời khuyên khẩn thiết của cha mình. Khi bay cao gần đến mặt trời, thì sáp dính các lông chim trên đôi cánh bay của anh bị nóng chảy ra và anh con trai đã bị rơi từ trên độ cao xuống đất chết tan xác.

Chính thói kiêu hãnh về sự thành công đã làm cho anh con trai không vâng lời cha dạy nữa, nên cuối cùng đã bị rơi xuống đất chết thảm. Ngày nay, sự kiêu ngạo cũng làm cho người ta coi thường và bỏ ngoài tai những lời khuyên can khôn ngoan kinh nghiệm của cha bác, thầy cô và những bậc cao niên. Nếu mỗi người chúng ta chiều theo những đam mê ích kỷ nhất thời của mình, thì chắc chắn chúng ta sẽ chuốc lấy thất bại đau thương.

3) GƯƠNG KHIÊM NHƯỜNG TỰ HẠ CỦA MỘT ÔNG QUAN:

Một vị quan lớn mở tiệc mời nhiều người đến dự. Tất cả các người được mời đều ăn mặc sang trọng và dùng xe đi đến. Trong số ấy có một vị khách cao niên. Rủi thay, vì già yếu nên ông này khi bước xuống xe đã bị trượt chân té vào vũng bùn khiến quần áo vấy bẩn. Khách đến dự tiệc thấy vậy liền phá lên cười.

Xấu hổ và cảm thấy mình không xứng đáng, ông lão quyết định quay về nhà. Gia nhân nài nỉ cách mấy ông cũng không chịu ở lại dự tiệc. Khi nghe biết sự việc, viên quan chủ tiệc đã từ trong nhà vội bước ra sân, tới chỗ vũng nước dơ, ông cũng cố tình té ngã vào vũng nước. Thế là áo quần của ông cũng dơ bẩn y như cụ già kia. Lần này mọi người chẳng ai còn dám cười nhạo nữa. Sau đó, vị quan lớn đến cầm tay vị khách quý đưa vào phòng tiệc. Bây giờ ông lão chẳng thể nào chối từ nữa.

Chính hành động khiêm tốn hạ mình của viên quan chủ tiệc: cố tình té ngã xuống bùn để trở nên lem luốc giống ông lão, mới đánh tan được mặc cảm tự ti của ông và mới đưa được ông vui vẻ vào nhà dự tiệc.

4) SỨC MẠNH THUYẾT PHỤC CỦA LỐI SỐNG BÁC ÁI YÊU THƯƠNG: 

Tại một xứ cùng quê nước Pháp, có một người đàn ông khoảng 50 tuổi tên là A-lix. Ông bị bại liệt. Mỗi buổi sáng bà vợ đặt ông vào một ghế bành ngoài hiên nhà rồi đi làm. Ông bà không con, không cháu.

Ông A-lix không phải là người công giáo, nhưng thỉnh thoảng cha sở vẫn tới thăm, cha còn khuyên giáo dân tới giúp đỡ ông. Các em nhỏ tới chơi quanh ông, đem sách cho ông đọc và giúp ông mở sách. Mỗi tuần có một bác sĩ tình nguyện tới chăm sóc ông.

Giáng sinh năm đó, ông A-lix đột ngột thưa cha sở:

- Thưa cha, xin cha cho con rước lễ.

Cha sở ngạc nhiên vì ông chưa là tín hữu. Nhưng ông thưa:

- Trước đây con không tin gì vào Thiên Chúa, nhưng ít lâu nay cha và anh em giáo hữu quá tốt với con nên con thấy hạnh phúc như mình được gặp Chúa vậy. Chỉ có Chúa mới làm cho cha, bác sĩ và anh chị em bỏ công sức giúp đỡ một người xa lạ như thế này.

3. SUY NIỆM:

1) MẠC KHẢI MẦU NHIỆM MỘT CHÚA BA NGÔI:

Sự kiện tại sông Gio-đan sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, chính là mạc khải của Thiên Chúa cho loài người về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Chỉ có một Thiên Chúa nhưng xuất hiện qua Ba Ngôi vị như sau:

- Ngôi Con là Đức Giê-su vừa được ông Gio-an làm phép rửa bằng nước sông và từ dưới nước trồi lên.

- Ngôi Ba là Thần Khí Thiên Chúa từ trên cao đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Đức Giê-su.

- Ngôi Cha xuất hiện qua tiếng phán từ trời: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.

2) ĐỨC GIÊ-SU NÊU GƯƠNG KHIÊM HẠ CHO CHÚNG TA:

Đức Giê-su là Con Thiên Chúa ngự trên trời cao, lại hạ mình xuống trở thành một phàm nhân. Người là đấng thánh thiện vô cùng, lại khiêm nhu đứng xếp hàng chung với những kẻ có tội.

Là Đấng xóa tội trần gian, lại sẵn sàng hòa mình ở giữa đoàn người tội lỗi.

Là Đấng thanh sạch vô biên, lại chấp nhận dìm mình trong dòng sông để nêu gương sám hối cho các tội nhân.

Là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần, lại khiêm tốn xin Gio-an làm phép rửa.

Hành động khiêm hạ của Đấng Cứu Thế cho thấy tình yêu vô biên Thiên Chúa đối với loài người: Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người để chia sẻ thân phận đói nghèo, khổ đau, bệnh tật của con người; Để cảm thông với nỗi đau khổ mà các tội nhân đang phải chịu để đền tội và để ban ơn Thánh Thần giúp tội nhân được đổi mới nên con yêu của Thiên Chúa.

3) KẾT HIỆP VỚI CHÚA GIÊ-SU ĐỂ NÊN CON THẢO CỦA CHÚA CHA:

- Sau khi nhận được Thần Khí, Đức Giê-su đã bắt đầu sứ mệnh Thiên Sai: Trong thời gian gần 3 năm, Người luôn theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để chiến thắng ma quỷ cám dỗ, cầu nguyện kết hiệp với Chúa Cha, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế. Cuối cùng, Người đã vâng lời Chúa Cha, sẵn sàng theo đường «Qua đau khổ vào vinh quang» là chấp nhận trải qua cuộc tử nạn để đền tội thay cho chúng ta và sống lại để phục hồi sự sống cho chúng ta.

- Phép rửa của Gio-an Tẩy Giả là hình bóng của phép rửa là cuộc Tử Nạn và Phục Sinh mà Đức Giê-su sẽ trải qua để vâng theo ý Cha (x Mt 26, 39). Vì thế Người đã được Chúa Cha xác nhận là con yêu dấu luôn làm vui lòng Cha: “Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 17b).

4) SỐNG TÌNH CON THẢO BẰNG VIỆC “XIN VÂNG” THÁNH Ý THIÊN CHÚA:

- Một đứa con ngoan sẽ không vùng vằng cãi trả mỗi khi cha mẹ sai bảo điều gì. Trái lại phải vui vẻ mau mắn thi hành những điều cha mẹ chỉ dạy. Đối với Thiên Chúa cũng vậy. Để xứng đáng làm con cái hiếu thảo của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải vui vẻ và mau mắn thực thi thánh ý Ngài noi gương Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a.

- Ngày nay vâng theo thánh ý Thiên Chúa là làm theo tiếng lương tâm, tuân giữ các giới răn Thiên Chúa và điều luật Hội Thánh, nhất là giữ giới răn mến Chúa yêu người, khiêm tốn vâng phục các vị chủ chăn trong Hội Thánh...

4. THẢO LUẬN:

Cuộc đời của Đức Giê-su là một chuỗi những hành động khiêm nhường với Thiên Chúa và người đời: Vâng phục thánh ý Chúa Cha và yêu thương phục vụ tha nhân. Vậy bạn sẽ làm gì để thực hành đức khiêm nhường trong cách ứng xử với người thân và tha nhân noi gương Đức Giê-su?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay xin Chúa ban cho chúng con luôn biết điều chỉnh cách suy nghĩ nói năng và hành động, cho phù hợp với gương sáng và lời dạy của Chúa. Xin cho chúng con biết khôn ngoan khiêm hạ để tránh ảo tưởng về mình, biết thành thật để khỏi tự dối lòng mình. Ước gì Chúa ban cho chúng con được ơn sám hối và hoán cải; Sám hối bằng hành động hơn chỉ dừng lại trên bờ môi. Xin cho chúng con biết lắng nghe và suy niệm Lời Chúa hằng ngày; Xin ơn Thánh Thần cắt tỉa những thói hư mà chúng con đang mắc phải. Xin ban cho chúng con niềm vui biến đổi sau khi gặp Chúa, cho chúng con biết năng cầu nguyện kết hiệp với Chúa. Nhất là không quá coi trọng của cải vật chất, nhưng biết mở lòng chia sẻ cơm áo cho những người nghèo đói bất hạnh, hầu chúng con trở nên con thảo đẹp lòng Chúa Cha noi gương Chúa xưa.- A-MEN.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây