Chúa Nhật I Mùa Vọng - Năm B
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Mùa Vọng là mùa chờ đón Chúa đến. Chúa sẽ đến nhưng không chắc ta có gặp được Người. Vì Người đến bất ngờ và rất âm thầm. Muốn gặp được Chúa ta phải tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là đừng mê ngủ. Trong cuộc sống có những bóng đêm ru ta ngủ say khiến không gặp được Người. Chìm đắm trong giấc mộng, ta sẽ chẳng nghe được bước chân Chúa đi. Tỉnh thức cũng có nghĩa là tỉnh táo phân định. Chúa đến có tính cách rất âm thầm và rất nhẹ nhàng, đơn sơ, hiền lành, khiêm nhường như một người phục vụ. Phải tỉnh táo lắm mới nhận ra Người. Tỉnh thức cũng có nghĩa là ở trong tư thế sẵn sàng, làm việc không ngừng và quên mình phục vụ cho lợi ích chung, chứ không phải là không ngủ mà ngồi chờ. Vậy để bước vào năm Phụng Vụ mới, chúng ta hãy xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm thiếu sót và cùng nhau thống hối.
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, con vươn linh hồn lên tới Chúa, con tin cậy vào Chúa, xin đừng để con tủi hổ. Xin đừng để quân thù hoan hỉ về con, vì tất cả những ai trông cậy Chúa, sẽ chẳng hổ người.
Không đọc Kinh Vinh Danh
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa Cha toàn năng, xin cho đoàn tín hữu chúng con hằng quyết tâm làm việc thiện, để đón chào Con Chúa đang ngự đến xét xử trần gian. Nhờ đó, chúng con sẽ được Người cho ở bên hữu, và gọi vào hưởng phúc Nước Trời. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Is 63, 16b-17; 64, 1. 3b-8
"Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Lạy Chúa, Chúa là Cha và là Ðấng Cứu Chuộc chúng con: danh Chúa đã có từ muôn đời. Lạy Chúa, tại sao Chúa để chúng con đi lạc xa đường Chúa, và làm cho tâm hồn chúng con trở nên chai đá, không còn biết kính sợ Chúa nữa? Vì các tôi tớ Chúa, các chi tộc thừa hưởng gia nghiệp Chúa, xin hãy đoái nhìn lại.
Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống: các núi đồi rung chuyển trước tôn nhan Chúa. Chúa đã ngự xuống và các núi đồi rung chuyển trước tôn nhan Chúa. Ðó là việc từ xưa đến nay chưa từng có ai nghe thấy; lạy Chúa, không tai nào nghe thấy không mắt nào nhìn thấy một chúa nào khác ngoài Chúa đã dành những hồng ân cho những ai trông đợi Chúa. Chúa đã đón tiếp kẻ hân hoan thi hành công lý, và nhớ đến Chúa khi đi trong đường lối Chúa.
Này Chúa thịnh nộ, vì chúng con đã phạm tội. Chúng con đã luôn luôn ở trong tình trạng tội lỗi, thì làm sao sẽ được cứu rỗi? Tất cả chúng con đều đầy vết nhơ, và công nghiệp chúng con đều như chiếc áo dơ bẩn.
Và không còn ai kêu cầu thánh danh Chúa, không còn ai tỉnh thức để bám lấy Chúa. Chúa đã ẩn nấp không cho chúng con nhìn thấy nữa, và Chúa đã phó mặc chúng con cho quyền lực tội lỗi. Tuy nhiên, lạy Chúa, Chúa là Cha chúng con, chúng con là đất sét, còn Chúa là người thợ gốm, tất cả chúng con đều do tay Chúa làm nên.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống
Xướng: Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai! Chúa ngự trên các Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con.
Xướng: Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình.
Xướng: Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa, Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài.
Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 3-9
"Chúng ta mong chờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, chúc cho anh em đầy ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giêsu Kitô.
Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra. Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến. Thiên Chúa là Ðấng Trung Tín, đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người, là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Tv 84, 8
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 13, 33-37
"Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!"
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Tỉnh thức không phải là việc dễ dàng, tự sức ta thật khó có thể, nên hãy tha thiết cầu nguyện xin Chúa trợ giúp :
1. “Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô ”. Xin cho các vị Chủ chăn được tinh thần nhiệt thành với nhiệm vụ Chúa ủy thác trên các linh hồn, để các ngài được khôn ngoan hướng dẫn đoàn chiên theo ý Chúa.
2.“Chúa là người thợ gốm, tất cả chúng tôi đều do tay Chúa làm nên”.- Xin cho các tín hữu ý thức rằng Chúa đến bất ngờ và thân phận mình yếu đuối, để đừng lãng quên Chúa là cứu cánh đời mình, mà hết lòng phụng sự, yêu mến, hầu khi Chúa đến họ xứng đáng đón rước Chúa.
3.“Chớ lo lắng thỏa mãn những dục vọng xác thịt”.- Xin cho giới trẻ hôm nay đang bị đam mê trần thế ru ngủ, xóa mờ ý thức về Chúa được tỉnh thức, sẵn sàng đón chờ giờ Chúa viếng thăm.
4.“Hãy tĩnh thức và cầu nguyện”.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, đang bị mưu mô của tà thần và sự lừa bịp của thế gian cuốn hút, nghe được tiếng Chúa kêu gọi mà mau mắn trở về, để được hưởng ơn cứu độ.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúng con thật yếu đuối trước những cám dỗ, xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con biết khôn ngoan mưu tìm hạnh phúc bất diệt, để Lời Chúa sinh ơn cứu độ cho chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, đây là bánh rượu chúng con đã chọn lựa trong muôn vàn phúc lộc chính Chúa đã thương ban. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và làm cho Thánh Lễ tạ ơn giờ đây chúng con dâng tiến, trở nên bảo chứng ơn cứu độ muôn đời cho chúng con. Chúng con cầu xin...
Lời tiền tụng mùa vọng I
Ca hiệp lễ
Chúa sẽ ban cho mọi điều thiên hảo, và Đất Nước chúng con sẽ sinh bông trái.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã dùng bí tích Thánh Thể để dạy chúng con là những kẻ lữ hành dưới thế biết mến yêu và gắn bó với những thực tại bền vững trên trời. Xin cho bí tích chúng con vừa cử hành đem lại cho chúng con muôn vàn ân sủng. Chúng con cầu xin...
Suy niệm
Hãy tỉnh thức
Sưu tầm
Năm phụng vụ mới bắt đầu bằng một lời cảnh báo: Hãy tỉnh thức. Chúng ta không còn ở trong thời kỳ chờ đợi Chúa giáng sinh làm người, dù rằng năm phụng vụ mở đầu với mùa vọng, mùa chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Trái lại chúng ta đang ở trong thời kỳ chờ đợi Chúa đến hoàn tất công trình cứu độ nơi mỗi người, cũng như nơi toàn thể nhân loại.
Hãy tỉnh thức, đúng thế, người Kitô hữu phải chăng là người luôn sống cái mặc cảm coi thế gian và cuộc sống chỉ là một chuỗi những cạm bẫy sẵn sàng nhận chìm chúng ta trong hư đốn? Không phải là như vậy. Lời kêu gọi của Chúa Giêsu và của Giáo Hội ngày hôm nay bao gồm một cái nhìn lạc quan về lịch sử nhân loại. Chúa Giêsu đã có đó. Tội lỗi đã bị án diệt vong. Sự chết đã bị đánh bại, còn mầm mống sự sống mới cứ mỗi ngày một lớn mạnh.
Hãy tỉnh thức để nhận ra tất cả những cái mới mẻ ấy để có thể nhập cuộc. Bà con trong thôn ấp được kêu gọi tu sửa đường xá cho việc đi lại được dễ dàng. Các em học sinh tham gia phong trào tiết kiệm để có tiền giúp đỡ các bạn cùng lớp, cùng trường gặp tai ương hoạn nạn. Người đi buôn, không nói thách, không bán đồ giả, không dùng cân thiếu và thước hụt. Phải tỉnh thức và thấm nhuần tinh thần Phúc Âm để có thể nhận ra sự lớn mạnh của trật tự xã hội mới.
Trong Phúc Âm cũng như trọn cuộc sống, chúng ta có thể bắt gặp vô số những con người mê ngủ, nghĩa là tiếp tục suy nghĩ và lý luận về hành động của Thiên Chúa theo lối cũ, theo những định kiến, theo những hệ thống thần học họ tự đặt ra. Các thượng tế, luật sĩ và biệt phái đã ru ngủ mình trong sự tự mãn và sự thông hiểu Kinh Thánh. Cả thành Giêrusalem cũng đã tự ru ngủ mình trong thói quen, trong cái nếp cũ, nên đã sống bên ngoài biến cố Con Thiên Chúa làm người.
Chúa Giêsu có đó như vị cứu tinh họ mong đợi, nhưng họ đã không nhận ra Ngài. Không những không nhận ra Ngài mà còn tìm cách giết hại Ngài. Bởi vì họ không chấp nhận nghe và thấy những lời nói, những việc làm đi ra ngoài những gì họ đã nghe và đã thấy. Họ đã có những phản ứng hoàn toàn không thích hợp với những đòi hỏi của thời đại mới. Họ đích thực là những kẻ mê ngủ. Chính những mục đồng và những kẻ bị liệt vào hàng tội lỗi công khai như người thu thuế và gái điếm, những kẻ bệnh tật và nghèo khổ lại là những người có khả năng nhận ra cái mới mẻ của tiếng hát các thiên thần, của ánh sao, của những dấu lạ để rồi cuối cùng đã nhận ra Đấng Cứu Thế nơi một hình nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, hay nơi một Đức Kitô bị chết treo trên thập giá.
Liệu chúng ta đã thực sự tỉnh thức để nhận ra Chúa nơi những người anh em, và thánh ý Ngài qua các biến cố xảy đến hay không?
Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 13, 33-37).
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!”
Suy niệm
Mùa vọng trở về như một lời mời mỗi tín hữu Kitô hãy sống tỉnh thức. Thiên Chúa trao cho mỗi người những nén bạc, những ơn gọi những phương tiện trong cuộc sống, Ngài muốn chúng ta cộng tác với Ngài để ơn cứu độ tuôn chảy đến với mọi tâm hồn, với mọi gia đình đó đây trên thế giới. Con người có đủ tỉnh thức để nhận ra lời mời của Ngài hay không, hơn nữa có quảng đại cộng tác với Ngài trong khả năng, hoàn cảnh, để niềm vui tin mừng được lan tỏa tới mọi con người. Phụng vụ Lời Chúa của ngày Chúa nhật đầu năm phụng vụ, sẽ gợi nhắc cho chúng ta trọng trách lớn lao đang đợi chờ lời đáp trả từ con người. Hãy là những người tỉnh thức để khi ông chủ về, liền ra đón ông và cùng ông vào dự bàn tiệc tình yêu dành cho những ai trung tín, tỉnh thức và luôn sẵn sàng.
Sau những ngày lưu đày nơi đất khách, dân riêng của Thiên Chúa được trở về quê hương, được sống lại những ngày hạnh phúc với những nghi lễ tạ ơn và tạ lỗi trong đền thờ. Dù được chăm sóc như thế, nhưng họ luôn đi tìm những niềm vui khác từ trần thế, do đó, Thiên Chúa đã để họ sống trong cảnh thiếu thốn, bị nô lệ, phục dịch cho các dân tộc khác. Những ngày đen tối phủ bóng trên mọi lối nẻo cuộc đời của họ, trong lúc hoạn nạn, họ mới thấy tội lỗi của mình, thành tâm sám hối. Các tiên tri đã được gởi đến để nhắc bảo họ thay đổi thái độ sống và tâm tình phải có khi đến với Thiên Chúa. Lời nhắc của tiên tri Isaia vừa là một lời cảnh tỉnh, vừa là một lời động viên, để họ cố gắng, để họ hoán cải cuộc đời, và khi cố gắng như thế, họ sẽ được Thiên Chúa thứ tha: “Này Chúa thịnh nộ, vì chúng con đã phạm tội. Chúng con đã luôn luôn ở trong tình trạng tội lỗi, thì làm sao sẽ được cứu rỗi? Tất cả chúng con đều đầy vết nhơ, và công nghiệp chúng con đều như chiếc áo dơ bẩn. Lạy Chúa, Chúa là Cha và là Ðấng Cứu Chuộc chúng con: danh Chúa đã có từ muôn đời. Lạy Chúa, tại sao Chúa để chúng con đi lạc xa đường Chúa, và làm cho tâm hồn chúng con trở nên chai đá, không còn biết kính sợ Chúa nữa? Vì các tôi tớ Chúa, các chi tộc thừa hưởng gia nghiệp Chúa, xin hãy đoái nhìn lại.”. Từ lời nhắc đó, họ đã sám hối, lời nhắc đó còn hướng về tương lai, hãy ý thức về sự yếu đuối của con người để tìm đến với Thiên Chúa mọi lúc mọi nơi và mọi biến cố, để được hướng dẫn, để được bảo vệ chở che.
Thiên Chúa là đấng tín trung, luôn kiên nhẫn đợi chờ và rất mực bao dung. Nếu con người luôn ý thức về thân phận mình và gắn bó với Ngài, Ngài không bao giờ để con người thất vọng, và con người không bao giờ cô đơn. Tâm tình chia sẻ cảm nghiệm từ cuộc sống của bản thân, được thánh Phaolô viết trong thư gởi giáo đoàn Corintho, thánh nhân đã bộc bạch niềm vui khi sống trong tâm tình tỉnh thức đón Chúa đến, và cũng là lúc bổn phận, trách nhiệm được chu toàn cách viên mãn: “Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra. Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến. Thiên Chúa là Ðấng Trung Tín, đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người, là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. Tỉnh thức ắt sẽ gặp được Ngài, Đấng Cứu Độ nhân loại, Ngài đến đem tin vui và ơn hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau. Và hôm nay, Mẹ Giáo hội nối dài tâm tình của thánh Phaolô cũng mời gọi con cái hãy sám hối, hãy tỉnh thức để được sống trong niềm vui cứu độ của Thiên Chúa.
Câu chuyện ông chủ đi xa, trao nhà cửa, của cải lại cho các đầy tớ, nhờ họ giúp trông coi, để lúc ông trở về, mọi thứ vẫn luôn tốt đẹp, mọi của cải vẫn an toàn, và có thể sinh lợi, khi những người đầy tớ khôn ngoan biết ý chủ để thực hiện. Ông đi vắng, nhà trống, các đầy tớ được làm chủ tạm thời, họ chỉ được quản lý chứ không được sở hữu, chỉ giúp trông coi chứ không được tùy tiện sử dụng hay trao đổi mua bán. Đó là tâm ý của ông chủ, không biết các đầy tớ có hiểu được tâm ý đó không, để sống đúng với trách vụ của họ: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ”. Điều quan trọng nhất các đầy tớ phải nhớ là giờ ông trở về, ông không cho họ biết chính xác lúc nào trở về, chỉ biết khi xong việc, ông chắc chắn sẽ trở về lại ngôi nhà của ông. Vì thế, các đầy tớ cần tỉnh thức, tỉnh thức để trông coi tài sản của ông chủ, tỉnh thức để làm việc, giúp vườn nhà ông gọn gàng và xinh đẹp hơn, tỉnh thức để mọi tài sản không bị thất thoát vì trộm cắp hay bị tráo đổi, tỉnh thức để có chiếc đèn sáng, hầu khi ông về là mở cửa cho ông vào. Giờ ông chủ trở về như là một thử thách cho các đầy tớ, họ không thể đoán được lúc nào, giờ nào và canh nào trong đêm, tỉnh thức để làm việc thì vất vả, thả lỏng để rong chơi có thể rơi vào chỗ thất sủng khi ông về bất ngờ, biết chọn lựa phương cách nào tốt nhất cho mình lúc này và hiện tại. Mối trăn trở lớn nhất của các đầy tớ là thế.
Con người hôm nay có xu hướng nghĩ rằng ngôi nhà thế giới này được Thiên Chúa trao cho để làm chủ, để sở hữu, mà quên đi rằng, họ chỉ là những người đầy tớ, những người quản lý tài sản, nhà cửa cho Ngài thôi. Chính vì suy nghĩ và có những tính toán như thế, họ đã biến ngôi nhà thế giới này như một công cụ để thỏa mãn mọi tính toán, mọi tham vọng của con người. Họ đã biến ngôi nhà trái đất thành một nghĩa trang của sự bất công, thành những sa mạc của sự ích kỷ, thành những ao hồ của lòng tham, từ đó, ngôi nhà trái đất đang thay đổi diện mạo thành những nấm mồ chôn tha nhân, đặc biệt là những người nghèo, những người cùng khổ của xã hội. Bên cạnh đó, nhân loại còn được ông chủ trao cho trách nhiệm quản lý sự sống của con người, của tha nhân, vậy mà họ cứ lầm tưởng rằng, nay con người có thể thay Thiên Chúa, định đoạt sự sống cho tha nhân, khởi đầu sự sống và kết thúc, đều nằm trong tính toán của con người. với những quan niệm vô cùng nghịch lý như thế, con người đang ngụp lặn trong sự tự mãn, trong những thành công của cuộc sống, từ khoa học cho đến mọi khía cạnh khác, ngay cả đời sống tôn giáo, họ vẫn tự mãn cho rằng, con người giải mã được thế giới thần thánh, trong đó có Thiên Chúa. Sống trong một thế giới được coi là thành công mọi mặt, làm sao con người còn nhớ đến một Thiên Chúa đã tạo dựng trời đất và vũ trụ, đã tạo dựng mọi thứ cỏ cây, mọi chim trời cá biển và sau cùng tạo dựng nên con người. Họ đã đánh mất cảm thức về tội, để rồi cho rằng mọi thành tựu của con người đều do lao động mà có, chứ không đến từ những món quà do Thượng đế. Đó là cái tội lớn nhất của con người hôm nay, mất cảm thức về tội lỗi.
Mùa vọng là thời gian đặc biệt cho một năm phụng vụ mới, để mỗi người tìm lại chính mình, tìm lại trách vụ của mình là gì trước mặt Thiên Chúa. Do đó, sống ơn gọi nào, người tín hữu Kitô đều phải ý thức mình chỉ là người quản lý, người đầy tớ được ông chủ trao lại nhà cửa, của cải và mọi thứ, để con người trông coi, chăm sóc và bảo vệ, chứ con người không được sở hữu, không được chiếm đoạt của Thiên Chúa. Dù đó là đời sống gia đình, dù đó là ơn gọi dâng hiến, ai ai cũng đều được cộng tác với Thiên Chúa, để làm cho ngôi nhà thế giới được xinh đẹp hơn, đầy sức sống hơn, xứng đáng là ngôi nhà của mọi dân tộc, chứ đừng biến nó thành chốn hoang vu, thành nơi lạnh lẽo. Tiếc rằng tâm tình đó chỉ chợt đến rồi chợt đi, ít khi được ở lại trong suy nghĩ và trong đời phục vụ của mọi tín hữu, do đó, họ vẫn cần những lời nhắc tỉnh thức, vẫn cần những lời động viên, để làm mới cuộc đời, bắt đầu trở lại với trọng trách của người quản lý, của người đầy tớ được ông chú tín nhiệm trao phó tất cả cho trông coi.
Lạy Chúa, vì yêu con người, Chúa đã trao cho con người quản lý sự sống, quản lý thế giới này, để làm cho ngôi nhà của nhân loại ngày một ấm áp tình trời và tình người. Xin cho chúng con luôn ý thức ơn gọi cao quý của mình, để tỉnh thức làm việc và biết trông coi tài sản của Chúa cách trọn vẹn, hầu khi Ngài trở lại luôn thấy chúng con đang tỉnh thức đón Ngài với chiếc đèn cuộc đời luôn cháy sáng và đầy dầu. Amen.
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh