TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật II Mùa Vọng –Năm B

05/12/2023 02:02:22 |   693

Chúa Nhật II Mùa Vọng –Năm B
 

cn t2 MVb

Mc 1,1-8


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật II Mùa Vọng –Năm B

Ca nhập lễ    

Này dân Xi-on hỡi, Chúa sắp ngự đến cứu độ muôn dân. Người sẽ lên tiếng thật oai hùng, khiến tâm hồn anh em hoan hỷ.

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Bài Tin Mừng được chọn đọc trong Chúa Nhật II Mùa Vọng này đề cập đến lời Thánh Gio-an Tẩy Giả hô hào “Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng”. Đường là phương tiện giao thông liên lạc, nối kết hai người ở hai nơi xa cách nhau để có thể đến được với nhau. Không có đường, hoặc đường bị hư hỏng thì cũng không đến với nhau được. Trong Mùa Vọng này, mỗi người chúng ta hãy cố gắng vạch một đường để Chúa có thể đến với ta và ta có thể đến với Chúa. Đường đó có thể là cầu nguyện, là hiệp dâng Thánh Lễ.   

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng ái tuất, xin đừng để chúng con mải mê thế sự, chẳng còn hăm hở đi đón mừng Con Chúa, nhưng xin dạy chúng con biết ham thích những sự trên trời, hầu được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Is 40, 1-5. 9-11

“Hãy dọn đường Chúa”.

Trích sách Tiên tri I-sai-a.

Chúa ngươi phán: Hỡi dân Ta, hãy an tâm, hãy an tâm! Hãy nói với Giê-ru-sa-lem, và kêu gọi rằng: Thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá, Chúa đã ban ơn nhiều gấp hai lần tội lỗi.

Và có tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng. Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và vinh hiển Chúa sẽ xuất hiện, mọi người sẽ được thấy vinh quang Thiên Chúa, vì Ngài đã phán.

Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Si-on, hãy trèo lên núi cao. Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Giê-ru-sa-lem, hãy mạnh dạn cất tiếng. Hãy cất tiếng cao, đừng sợ! Hãy nói cho các dân thành thuộc chi họ Giu-đa rằng: Ðây Thiên Chúa các ngươi, đây Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ đến trong quyền lực; cánh tay Người sẽ thống trị. Người mang theo những phần thưởng chiến thắng và đưa đi trước những chiến lợi phẩm. Người chăn dắt đoàn chiên Người như mục tử. Người ẵm chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con Xướng: Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi.

Xướng: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau; đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.

Xướng: Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người.

Bài Ðọc II: 2 Pr 3, 8-14

“Chúng ta mong đợi trời mới đất mới”.

Trích thơ thứ hai của Thánh Phê-rô Tông đồ.

Anh em thân mến, có một điều anh em không thể không biết là một ngày đối với Chúa như ngàn năm, và ngàn năm như một ngày. Không phải Chúa chậm trễ thi hành lời hứa của Người, như có vài người lầm tưởng, nhưng vì anh em, Người hành động nhẫn nại, Người không muốn ai phải hư mất, nhưng muốn mọi người ăn năn sám hối. Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Trong ngày đó, các tầng trời qua đi trong những tiếng rung chuyển mạnh, ngũ hành đều cháy tiêu tan, trái đất cùng mọi công trình kiến tạo đều bị thiêu huỷ.

Vì mọi vật ấy tiêu tan đi, nên anh em càng phải sống thánh thiện và đạo đức biết bao, khi anh em mong chờ và thôi thúc ngày Chúa đến, ngày mà các tầng trời bốc cháy tiêu tan, và ngũ hành bị thiêu rụi. Nhưng theo lời Người hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, trong đó công lý sẽ ngự trị.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 3, 4. 6

Alleluia, alleluia! – Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 1, 1-8

“Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khởi đầu Phúc Âm của Ðức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa. Như có lời Tiên tri I-sai-a chép rằng: Ðây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi. Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.

Gio-an Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội. Dân cả miền Giu-đê-a và Giê-ru-sa-lem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Gio-đan.

Lúc đó Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Người rao giảng rằng: “Ðấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần”.

Ðó là lời Chúa

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Mùa Vọng là thời gian của hi vọng. Hi vọng của người Ki-tô hữu luôn đầy tin tưởng và phó thác. Tin rằng Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người và phó thác cho Ngài những lời tha thiết nguyện xin :

1. “Đây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi.” Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa, được mặc lấy tâm tình của vị Tiền Hô trong sứ vụ, luôn kêu gọi mọi người hoán cải trở về cùng Chúa, qua lời rao giảng Tin Mừng đi đôi với đời sông thánh thiện, đơn sơ và khiêm nhường.

2. “Gio-an Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội”.- Xin cho các Ki-tô hữu mau mắn đáp lời kêu gọi thống hối, để bớt đi những bận rộn trần thế, tích cực chu toàn nghĩa vụ tôn giáo và phát huy đời sống nội tâm, hầu tâm hồn họ trở nên đường ngay lối thẳng mà đón Chúa.

3.”Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi”. Xin cho các dân tộc biết bạt đi những núi đồi tham vọng đen tối, lấp đầy những hố sâu ích kỷ ghen ghét, bằng những nhịp cầu thông cảm yêu thương, để nhân loại được sống trong cảnh hòa bình thịnh vượng.

4. “Hãy làm việc lành cho xứng với lòng thống hối”.- Xin cho giới trẻ trong giáo xứ chúng ta được can đảm dứt khoát với tội lỗi, để không còn ngã thua trước dục vọng, nhưng mau mắn bước theo đường chính trực.

Chủ tế: Lạy Chúa, lời kêu gọi của Thánh Gio-an Tiền Hô vẫn còn vang vọng qua tiếng nói của Hội Thánh. Xin cho chúng con mau mắn đáp ứng lời mời gọi, cùng nhau sửa soạn tâm hồn, gạt bỏ những hố sâu tỵ hiềm, ghen ghét, để ngày Chúa đến chúng con sẽ là những người được xếp vào hàng ngũ đi đón rước Chiên Con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ và những lời chúng con khiêm tốn nài van. Thật chúng con chẳng có công trạng gì, chỉ trông chờ lượng từ bi ban ơn trợ giúp. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng I

Ca hiệp lễ

Vùng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi! Đứng trên nơi cao mà nhìn: Kìa Thiên Chúa đem hoan lạc đến cho ngươi.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được tham dự mầu nhiệm thánh và Chúa đã lấy bánh bởi trời mà nuôi dưỡng chúng con. Giờ đây xin Chúa thương dạy dỗ, để chúng con hằng khôn ngoan sáng suốt cân nhắc những thực tại trần gian, và luôn thiết tha với những thực tại bền vững trên trời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm
 

Chúa đến để giải thoát

Qua ba bài đọc hôm nay, lời Chúa mang đến cho chúng ta một niềm hy vọng là Ngài sẽ đến để giải thoát cho dân Ngài trong lịch sử và để tái tạo thế giới trong tương lai. Đồng thời còn vạch cho chúng ta đường lối của Ngài để chúng ta biết phải chuẩn bị như thế nào cho xứng hợp.

Trước hết, Thiên Chúa đã đến trong lịch sử. Như chúng ta đã biết dân Do Thái đã qua cuộc xuất hành đầu tiên khỏi Ai Cập, nhưng về sau họ còn phải trải qua những cuộc lưu đày khác và theo sau là những lần Chúa can thiệp. Tiên tri Isaia hôm nay loan báo cho họ biết là sắp có một cuộc xuất hành mới, khỏi ách thống trị của Babylon: Thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá. Đây Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ đến trong quyền lực, cánh tay Ngài sẽ thống trị. Ngài đến để dẫn dắt họ trở về quê hương các tổ phụ như người mục tử ẵm chiên con trên cánh tay mình và nhẹ tay dẫn dắt các chiên mẹ.

Hơn thế nữa Thiên Chúa đã đến qua Con của Ngài là Đức Kitô. Đức Kitô chính là sức mạnh của Thiên Chúa đến để giải thoát thế gian khỏi tội lỗi như lời Gioan Tiền Hô đã làm chứng: Đấng đến sau tôi nhưng quyền năng hơn tôi, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần. Người là mục tử nhân lành đến tìm kiếm những con chiên lạc.

Và sau cùng, Đức Kitô sẽ đến trong vinh quang. Ngài đã nói nhiều về ngày Ngài sẽ trở lại để phán xét thế gian. Thánh Phêrô đã nói đến thái độ của các tín hữu đầu tiên: Mong đợi ngày Chúa trở lại đến nỗi có người lầm tưởng là Ngài chậm trễ thi hành lời hứa của Ngài. Chắc chắn Ngài sẽ đến nhưng Ngài đã không xác định thời gian vì một ngày của Chúa như ngàn năm và ngàn năm như một ngày. Ngài chưa đến là do sự quan phòng, và vì Ngài nhẫn nại, muốn tất cả mọi người được cứu rỗi.

Thiên Chúa đến như là hậu quả cuộc chuẩn bị của con người. Ngài đã sai các tiên tri như tiếng kêu trong hoang địa loan báo dân Ngài hãy chuẩn bị để Ngài đến giải thoát. Thế nhưng, phải chuẩn bị ra làm sao?

Trước hết mọi người cần phải ăn năn sám hối, tiếp đến là hãy sống thánh thiện và đạo đức mong ngày Chúa đến. Sau cùng là hãy đem Tin Mừng đến cho người khác.

Một du khách rảo qua những danh lam thắng cảnh ở Thuỵ Sĩ, dừng lại trước một vườn hoa đẹp bao quanh một lâu đài, người làm vườn ra đón chào. Du khách hỏi: Cụ ở đây bao lâu rồi? Thưa 24 năm. Có lẽ chủ của cụ ít ở đây? Vâng, tôi chỉ mới gặp có bốn lần thôi, và lần cuối cùng cách đây đã 12 năm. Thế thì ai thưởng thức cảnh đẹp này mà cụ phải mất công chăm sóc kỹ càng như vậy. Thưa ông, tôi làm như chủ tôi đến hôm nay, ngay bây giờ. Ngoài ra, chính khi làm đẹp khu vườn cho chủ, vợ chồng tôi cũng được hưởng cảnh đẹp.

Lời Chúa hằng kêu gọi mọi người trong thế giới hôm nay. Chúng ta cần có thái độ lắng nghe, mở rộng tâm hồn để trở về với Chúa. Và có nhiệm vụ làm cho mọi người cũng biết từ bỏ tội lỗi mà trở về cùng Chúa.

Dọn đường

Vào một buổi sáng Chúa nhật đẹp trời, Cordell, một con người bệnh tật và đau yếu, được mời đến nói chuyện tại câu lạc bộ dành cho những người khoẻ mạnh, giàu sang và gặt hái những thành công sáng chói. Anh đã mở đầu như sau: Tôi biết rằng tôi rất khác biệt với quý vị. Rồi anh trích dẫn lời thánh Phaolô: Nhưng nhờ ơn Chúa mà tôi được như thế này. Suốt 20 phút đồng hồ, anh đã nói về lòng nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện trong đời sống của anh. Và rồi anh đã kết luận: Quý vị có thể thành công trong suốt cả cuộc đời và lợi nhuận hàng năm có thể lên tới hàng triệu đồng, nhưng khi ngày giờ đến, ngày mà quý vị nhắm mắt buông tay giã từ cuộc sống và bị vùi sâu dưới lòng đất lạnh, thì quý vị sẽ chẳng khác tôi chút nào. Đó là giây phút mọi người chúng ta đều giống nhau. Tôi không cần tới những gì quý vị đang có trong cuộc sống, nhưng tôi chắc chắn rằng quý vị cần một điều mà tôi đang có đó là Đức Kitô.

Câu chuyện trên làm cho tôi thích thú, bởi vì nó rất thích hợp với bầu khí của mùa vọng. Nó mời gọi chúng ta thử kiểm điểm xem cái gì thực sự quan trọng đối với chúng ta? Cái gì chiếm địa vị ưu tiên trong cuộc sống? Và hơn nữa Đức Kitô giữ vai trò nào trong đời sống chúng ta? Trong giây phút này, Ngài có phải là thần tượng chiếm chỗ nhất trong con tim chúng ta hay không? Như trái đất xoay quanh mặt trời, thì liệu toàn bộ cuộc đời chúng ta có quy hướng về Ngài, có xoay quanh Ngài hay không?

Cũng trong chiều hướng ấy, phụng vụ lời Chúa hôm nay thôi thúc chúng ta hãy đặt lại vấn đề xem: Chúng ta đã đi đúng hay đi sai? Chúng ta đã đặt trọng tâm của cuộc sống vào đâu? Cũng như chúng ta đã xây dựng con người chúng ta trên nền tảng nào?

Tại Luân Đôn có một ngôi nhà nguyện được sử dụng để tưởng niệm những người dân đã bị thiệt mạng trong thành phố do máy bay oanh tạc thời đệ nhị thế chiến. Trong nhà nguyện có 4 cuốn sách lớn, ghi tên sáu ngàn nạn nhân. Mỗi ngày người ta mở một trang, và khi đọc những tên ấy, chúng ta không sao biết được nạn nhân là người nghèo hay giàu, da đen hay da trắng, già hay trẻ, đẹp hay xấu. Bởi vì lúc đó không còn một khác biệt nào nữa. Có chăng sự khác biệt duy nhất đó là bản chất con người mà cá nhân chúng ta đã tạo ra cho mình khi còn sống ở trần gian này. Và như thế, chúng ta phải làm gì nếu như đã không sống đúng với cách thức chúng ta phải sống. Chúng ta phải làm gì nếu như Đức Kitô thực sự đã không chiếm chỗ nhất trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta phải làm gì nếu như chúng ta chưa chuẩn bị để gặp gỡ Đức Kitô trong ngày sau hết.

Gioan Tiền Hô hôm nay đã đưa ra những việc cần phải làm ngay, đó là phải ăn năn sám hối, cải tà quy chính và làm lại cuộc đời, nghĩa là hãy dọn đường Chúa đến. Khi tôi là một em nhỏ thì thời gian như bò tới. Khi tôi là một thanh niên thì thời gian như đi tới. Khi tôi là một người trưởng thành thì thời gian như chạy tới. Khi tôi là một người già cả, thì thời gian như bay tới. Còn khi tôi cận kề với cái chết, thì tời gian như đã mất đi. Vậy chúng ta đã làm được những gì để đón mừng Chúa đến?


ĐỪNG MẢI MÊ THẾ SỰ, NHƯNG BIẾT HAM THÍCH NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Mùa Vọng Tuần II, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin cho mình: đừng mải mê thế sự, mà chẳng còn hăm hở đón mừng Con Chúa, nhưng, biết ham thích những sự trên trời, hầu được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh.

Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia đã kết án một thứ hoạt động quá ư phàm tục: Đấng tác tạo cả thành đô, các ngươi lại không nhìn, Đấng từ lâu làm nên mọi sự, các ngươi lại chẳng thấy… Đấng kêu gọi các ngươi than van khóc lóc, ấy thế mà, chỉ thấy hoan hỷ vui mừng: mổ bò, giết chiên, ăn thịt, uống rượu: Ăn đi, uống đi, vì ngày mai chúng ta sẽ chết.

Ca Nhập Lễ: Này dân Xion hỡi, Chúa sắp ngự đến cứu độ muôn dân. Ca Hiệp Lễ: Giêrusalem hỡi! Kìa Thiên Chúa đem hoan lạc đến cho ngươi. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Giám Mục Êuxêbiô, đã chú giải: Xion đây cũng chính là Giêrusalem, đã nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa, là thành được xây ở trên cao, trên núi của Thiên Chúa, nghĩa là trên Ngôi Lời, Con Một của Người. Thiên Chúa đã truyền cho Xion phải lên núi cao mà loan Tin Mừng cứu độ. Hãy mở một con đường cho Đức Chúa, đó là việc rao giảng Tin Mừng, tức là ước mong cho hết mọi người nhận biết ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia đã kêu gọi: Hãy mở một con đường cho Đức Chúa… Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy. Bài Đáp Ca, với Thánh Vịnh 84, vịnh gia cầu xin: Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa, và ban ơn cứu độ cho chúng con. Câu Tung Hô Tin Mừng: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

“Đừng mải mê thế sự”, nhưng, “biết ham thích những sự trên trời” là tâm tình của thánh Phêrô trong bài đọc hai của ngày lễ hôm nay: Theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới. Vì thế, trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách… Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải.

Ơn cứu độ mang tính phổ quát, dành cho tất cả mọi người, vì thế, trong bài Tin Mừng, ông Gioan Tẩy Giả đã đi trước dọn đường cho Đấng Cứu Thế: Ông rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan.

“Dọn đường cho Chúa đến” bằng cách ăn năn hối cải: từ bỏ những quyến luyến trần thế, mà ham thích những sự trên trời, những sự ở trên trời là những sự gì, thì chỉ có người ở trên trời mới biết. Hồng phúc thay! Đức Giêsu đã xuống thế làm người, rao giảng cho con người trần gian biết có một “trời mới đất mới”, một cuộc sống đầy tràn hạnh phúc vĩnh cửu trên trời. “Lên trời” là về cùng Chúa Cha, và “ham thích những sự trên trời”, chính là yêu mến, và khát khao cho chính mình và người khác cũng được vào trong Vương Quốc của Đức Giêsu. Để vào Nước Trời, chắc chắn, chúng ta phải kết hiệp với cuộc vượt qua của Đức Giêsu, để sống mầu nhiệm vượt qua của chính mình: vượt qua những ràng buộc của nô lệ tội lỗi, vượt qua những rào cản của những đam mê trần thế. Ước gì chúng ta biết “ham thích những sự trên trời”, biết khước từ những dính bén trần tục đang trói buộc chúng ta, để đời sống của chúng ta trở nên chứng tá cho Đức Kitô, cho Nước Trời, ngay tại trần gian này.


 

DỌN ĐƯỜNG ĐỂ CHÚA ĐẾN
“Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” (Mc 1,1-8)

Suy niệm: Để xây dựng đất nước văn minh, việc phát triển hệ thống đường sá hiện đại là một yêu cầu tiên quyết. Muốn biến các vùng đất hoang vu thành đô thị, khu công nghiệp, v.v… thì việc đầu tiên là phải làm đường; còn ở chính các đô thị, nếu hệ thống đường sá không kịp nâng cấp, mở rộng thì sẽ xảy ra cảnh ùn tắc giao thông làm chậm trễ mọi sinh hoạt, chưa nói tới hậu quả là tai nạn giao thông gia tăng, gây hại cho biết bao nhân mạng và tài sản. Nhưng đó là chuyện những con đường vật chất để phát triển cuộc sống ở đời này. Trong mùa Vọng, Tin Mừng mời gọi chúng ta “sửa đường” nhưng là sửa những con đường tâm linh để chuẩn bị mừng kỷ niệm việc Chúa nhập thể làm người hơn hai ngàn năm nay và đón tiếp Ngài sẽ đến với chúng ta bây giờ và trong ngày quang lâm.

Mời Bạn: Dọn đường! Bạn đừng nghĩ là chỉ đi xưng tội, trong khi con đường giao lưu giữa người với người đã bị tắc nghẽn vì giận hờn, ghen ghét… Ở bên nhau mà vẫn như nghìn trùng xa cách. Sửa đường! Bạn hãy nghĩ đến những ơ hờ lạnh nhạt đối với Chúa, gian dối với Ngài, với người khác và với chính mình, những hố sâu của tham lam, những khúc quanh của dối trá, những gồ ghề của ngang ngạnh… Chúa đang cần đi trên những con đường lòng chính trực, đơn sơ, hiền hòa, khiêm tốn đón nhận giáo huấn của Chúa, biết hy sinh chính mình để phục vụ tha nhân.

Sống Lời Chúa: Xét mình xem tôi đang đi trên con đường nào, và cần sửa chữa ra sao.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, mỗi khi tham dự Thánh lễ, xin cho con biết dọn mình xứng đáng để rước Chúa vào lòng.

CN MV II: Lạy Chúa! Phép rửa của Gioan tiên báo phép rửa trong Thánh Thần, mà Chúa khắc khoải đợi chờ để chịu. Xin cho chúng con biết mở rộng lòng ra trước những tác động của Thánh Thần, để tình yêu Chúa thanh luyện con tim của chúng con, trở nên tinh tuyền, trong sáng, để những núi đồi kiêu ngạo, thung lũng hận thù, ganh tỵ được dẹp tan. Xin đừng để chúng con mải mê thế sự, chẳng còn hăm hở đi đón mừng Chúa đến, nhưng xin dạy chúng con biết ham thích những sự trên trời, hầu được cùng Chúa vui hưởng phúc trường sinh. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Vọng -Năm B

CN2MVb 2

“Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng”. (Mc 1, 1-8)
 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khởi đầu Phúc Âm của Ðức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa. Như có lời Tiên tri I-sai-a chép rằng: Ðây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi. Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.

Gio-an Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội. Dân cả miền Giu-đê-a và Giê-ru-sa-lem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Gio-đan.

Lúc đó Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Người rao giảng rằng: “Ðấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần”.


 

 

CON ĐƯỜNG ĐÓN NHẬN TÌNH YÊU
(Chúa Nhật II Mùa Vọng B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

“Có tiếng hô trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa…” (Is 40,3). Lời của ngôn sứ Isaia được thánh sử Maccô lấy lại để mở đầu cho sách Tin mừng của Ngài: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1,3). Đấng mà chỉ bằng một lời đã dựng nên trời đất muôn vật, Đấng mà không có sự gì là không thể, lại có vẻ như gặp phải khó khăn khi muốn đi vào lòng con người đến nỗi cần phải có một con đường được chuẩn bị. Một hệ luỵ tất yếu vì Người đã dựng nên con người và đã ban cho nó có ý chí tự do. “Thiên Chúa có thể dựng nên tôi không cần có tôi, nhưng Người không thể cứu tôi mà không cần có tôi” (Thánh Âugustinô). Tình yêu giả thiết có sự tự do đáp trả. “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).

Để cho tình yêu đơm hoa, kết trái, Thiên Chúa chờ đợi sự đáp trả của loài người chúng ta. Và một trong những cách thế đáp trả tình yêu của Thiên Chúa mà Lời Chúa trong Chúa Nhật II Mùa Vọng B mời gọi chúng ta, đó là hãy mở cho Người một con đường. Nói đến con đường là nói đến lối đi, cách bước, đúng hơn là nói đến đường đời của chúng ta, cách sống của chúng ta.

“Đồi cao hãy san cho bằng; hố sâu hãy lấp cho đầy…”. Những cách diễn tả trên chỉ muốn nhắm mục đích là sửa đường cho ngay và bằng phẳng. Rất có thể có nhiều cách diễn giải mang chiều kích luân lý như là dẹp bỏ sự kiêu căng, cao ngạo, loại trừ những hố sâu ích kỷ, tham lam hay chia rẽ… Dĩ nhiên cần phải có những sửa đổi trong cách sống của con người, tuy nhiên điều quan trọng và cốt yếu đó là tấm lòng của chúng ta. Đó phải là một tấm lòng khiêm hạ chân thành. Một tấm lòng chân thành trong khiêm hạ là một tấm lòng trung thực, ngay thẳng. Tình yêu đòi hỏi trước tiên sự ngay thẳng và trung thực. Sẽ chẳng còn là tình yêu khi có yếu tố gian dối xen vào. Chính vì thế để mở cho Chúa một con đường, chúng ta cần phải:

Trung thực với chính mình: Mình có sao, mình ra sao thì nhìn nhận vậy. Con người chúng ta vốn thích kẻ khác có cái nhìn tốt đẹp về mình, muốn kẻ khác lượng giá cao về mình. Vì thế, chúng ta rất dễ bị cám dỗ thoa son, tô phấn cho bản thân. Và dần dà người ta đâm ra ảo tưởng về chính mình hoặc có cái nhìn không thật, không đúng về bản thân. Cái cám dỗ này ngày càng mạnh lên mỗi khi chúng ta đã có thêm chút tiền, chút quyền hay chút địa vị.

Rất nhiều lần xét mình, chúng ta thoáng nhận ra con người thật của mình với bao là tham sân si. Ta sám hối ăn năn, ta quyết tâm sửa mình, nhưng rồi đâu lại hoàn đấy. Bệnh thì dễ chữa, nhưng tật thì khó chừa. Sự tái phạm lỗi lầm nhiều lần cũng làm chúng ta dễ có cái nhìn lệch lạc về bản thân. Để có được cái nhìn trung thực về mình thiết tưởng cần đào tạo lương tâm liên lỉ. Các nhà luân lý chỉ cho ta những cách thế để đào tạo lương tâm như là tích cực học hỏi; kiên quyết chừa tội và từ bỏ nết xấu; xa lánh các môi trường xấu, những lý thuyết lầm lạc; siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể và bí tích giao hòa…

Trung thực với tha nhân: Dù biết rằng ta có thể dối lừa một người nhiều lần, có thể dối lừa nhiều người một đôi lần, nhưng ta không thể lừa dối nhiều người nhiều lần. Thế nhưng để can đảm sống thật như chính mình trước mặt tha nhân thì quả là không mấy dễ. Cái nhìn của tha nhân, cái quan niệm của xã hội bên cạnh mặt tích cực vẫn có mặt tiêu cực, và chúng có thể khiến ta sống giả hình.

Đã là người hẳn ta thật khó mà cởi mở tấm lòng với tha nhân cách sạch sành sanh, nhưng ít ra là không bao giờ chủ ý sống giả hình, sống hai mặt vì chút lợi lộc hay chút hư danh nào đó. Đặc biệt cần phải loại trừ những mưu mô xảo quyệt gây hại cho tha nhân và xã hội. Chúa Kitô đã từng cảnh báo: “Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả. Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết” (Lc 12,1-2).

Trung thực với Thiên Chúa: Chắc hẳn Ađam biết rõ Thiên Chúa nhìn thấy mọi sự, thế mà sau khi phạm tội, ông vẫn tìm cách lánh mặt Thiên Chúa. Khi Chúa hỏi tội thì Adam đã đổ lỗi cho bà Evà, rồi Evà lại đổ tội cho con rắn (x. St 3,8-13). Khi đã trót phạm tội, chúng ta thường bị cám dỗ ẩn mình hoặc tìm cách bào chữa. “Các ngươi vốn mù mà tự cho mình sáng nên tội các người vẫn còn” (Ga 9,41). Đọc Tin Mừng chúng ta nhận ra sự thật này: con đường đã mở ra để cho Chúa Giêsu đến yêu thương, tha thứ, thi ân cho những người biết khiêm nhu nhìn nhận con người thật của mình, dù họ là người tội lỗi hay là người ngoại bang, là người thu thuế hay là kẻ bán thân nuôi miệng. Chính Chúa Giêsu đã từng kể câu chuyện người thu thuế vào Đền thờ không dám ngẩng mặt lên, chỉ biết cúi đầu đấm ngực nói: Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Và Người đã kết luận rằng người thu thuế này ra về và được nên công chính (x.Lc 18,9-14).

Chúa đến thế gian là để yêu thương con người. Và con đường Chúa đi là con đường của sự thật. Chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ thần dữ, khỏi ách nô lệ tội lỗi và giúp chúng ta có khả năng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.

Mọi đường lối Chúa đều là từ bi và ngay chính. “Lạy Chúa, Chúa ở gần bên con, mệnh lệnh Chúa đều là chân lý” (Tv 119,151). “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Cùng với tác giả Thánh Vịnh, ước gì chúng ta chân thành thân thưa: “Đường chân lý, này con đã chọn, quyết định của Ngài con khao khát đợi trông” (Tv 119,30). Sự thật là nền tảng cho tình yêu nẩy mầm. Sự thật cũng là con đường để tình yêu đi vào, ở lại và đơm bông kết trái. Trung thực với chính mình, trung thực với tha nhân và trung thực với Đấng Tạo Thành là một cách thế tuyệt vời dọn đường cho Chúa đến yêu thương chúng ta.

Một trong những cách thế để giúp sống trung thực với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa, sống trong sự khiêm hạ, đó là hãy tích cực tập thói quen tốt của cha ông ta xưa là dọn mình chết lành mỗi tối trước khi đi ngủ. “Con chim sắp chết hót tiếng bi ai, người ta sắp chết nói lời lẽ phải”. Đúng hơn khi đối diện với “giờ Chúa đến” chắc chắn chúng ta không chỉ nói lời lẽ phải mà còn nói lời rất trung thực.

Chúa nhật thứ hai của mùa vọng
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 1, 1-8).

Khởi đầu Phúc Âm của Ðức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Như có lời Tiên tri Isaia chép rằng: Ðây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi. Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.

Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội. Dân cả miền Giuđêa và Giêrusalem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Giođan.

Lúc đó Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Người rao giảng rằng: “Ðấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần”.

Suy niệm

Bước vào Chúa nhật thứ hai của mùa vọng, chủ đề dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến với mỗi người, với mọi người và với nhân loại, như là một lời mời khẩn thiết và rất thời sự hơn bao giờ hết. Đấng Cứu Thế luôn mong đến ở giữa con người, Ngài còn vui thích khi được ở giữa dân người, thế nhưng, những con đường chưa có, chưa sẵn cho Ngài đi, những lối nẻo đi vào tâm hồn mỗi người chưa có, chưa hình thành, thì làm sao Đấng Cứu Thế có thể đến với nhân loại, với con người được. Hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế, hãy san bằng những hố sâu nghi hoặc, những hố sâu ích kỷ và oán thù, hãy nắn lại những con đường quanh co của hẹp hòi và tự mãn, tất cả khởi đầu từ những lối nhỏ đi vào tâm hồn mỗi người, để cùng nhau chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế đến.

Khi phải lưu đày nơi đất khách quê người, dân Do-thái mang trong tâm hồn bao nỗi lo lắng, băn khoăn cả về đời sống thể lý lẫn tinh thần. Chỉ là một người nô lệ, làm sao thấy được tương lai tươi sáng, chỉ là một người khách ngoại kiều, làm sao có một tinh thần nhẹ nhàng, bình an để gặp gỡ Thiên Chúa và trò chuyện với Ngài, vì thế, Thiên Chúa đã sai tiên tri Isaia tới với họ, mang theo sứ điệp là những lời khích lệ, giúp họ vững tin đón chờ ngày vui trở lại, với điều kiện là họ phải cố gắng thay đổi thái độ sống và dọn dẹp tâm hồn chính mình: “Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao. Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Giêrusalem, hãy mạnh dạn cất tiếng. Hãy cất tiếng cao, đừng sợ! Hãy nói cho các dân thành thuộc chi họ Giuđa rằng: Ðây Thiên Chúa các ngươi, đây Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ đến trong quyền lực; cánh tay Người sẽ thống trị. Người mang theo những phần thưởng chiến thắng và đưa đi trước những chiến lợi phẩm”. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Người, vì thế, hãy tin tưởng, hãy đứng lên thay đổi tất cả, tâm hồn, cuộc sống và niềm tin, để được trở về miền đất của sự sống, của tự do và của niềm tin.

Thiên Chúa sẽ đến, vậy ngày nào thì Ngài đến và đến như thế nào. Chắc chắn không ai có thể giúp trả lời cho chúng ta được, chỉ biết rằng, Ngài sẽ đến, còn chúng ta, hãy dọn đường, hãy tỉnh thức, hãy sẵn sàng, đó là tâm tình của thánh Phêrô trong lá thư mục vụ gởi các giáo đoàn, đã khuyên bảo các con cái mình: “Anh em thân mến, có một điều anh em không thể không biết là một ngày đối với Chúa như ngàn năm, và ngàn năm như một ngày. Không phải Chúa chậm trễ thi hành lời hứa của Người, như có vài người lầm tưởng, nhưng vì anh em, Người hành động nhẫn nại, Người không muốn ai phải hư mất, nhưng muốn mọi người ăn năn sám hối. Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm”. Kế hoạch của Thiên Chúa làm sao con người hiểu được, chương trình của Ngài cũng thế, do đó, khi Thiên Chúa thực hiện chương trình yêu thương, con người hãy cố gắng góp một phần nhỏ của mình, là sám hối, là sửa lối cho Người đi, là tỉnh thức trong bổn phận, là can đảm gạt bỏ những gì ngổn ngang trong tâm hồn, để có chỗ cho Ngài đi ngang cuộc đời của mình.

Hình ảnh một chàng thanh niên xuất hiện, đi ra từ sa mạc, gây ngạc nhiên cho mọi người, sứ điệp chàng ta loan báo, còn gây ngạc nhiên hơn, đó là kêu gọi mọi người hãy dọn đường. Chàng thanh niên đó là thánh Gioan Tẩy giả. Cuộc đời của thánh nhân chỉ là người đi dọn đường, chỉ là người đi loan báo về Đấng Cứu Thế, chỉ là người đầy tớ không hơn không kém: “Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội. Dân cả miền Giuđêa và Giêrusalem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Giođan. Lúc đó Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Người rao giảng rằng: “Ðấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần”. Hãy dọn đường trong sự khiêm tốn, hãy dọn đường với tinh thần ly thoát, những gì không cần thiết, những gì ngổn ngang tâm hồn, hãy rũ bỏ, để cuộc đời trở nên trống rỗng, thanh thoát, kiến tạo nên con đường bằng phẳng, gọn gàng cho Đấng Cứu Thế đến viếng thăm con người.

Một xã hội phát triển tốt, cần có nhiều loại hình về đường sá, tất cả nhằm thu hẹp khoảng cách địa lý, giúp con người và cuộc sống ngày càng tốt hơn. Lời mời của thánh Gioan Tẩy giả hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến, không hướng về những con đường về địa lý, về hàng không hay đường thủy, cũng như những xa lộ thông tin, nhưng là con đường dẫn tới tâm hồn và đi vào cuộc đời mỗi người. Con đường đi vào tâm hồn con người còn bị ngăn trở bởi những lo lắng, những toan tính và những âu lo trong cuộc sống, tất cả như những chướng ngại vật, chiếm hết không gian tâm hồn, bên cạnh đó còn có những dải đất khô cằn vì cỏ gai ích kỷ và hẹp hòi, vì sỏi đá hận thù và tính toán hơn thiệt. Có nhận ra tất cả những thứ đó còn ngổn ngang trong tâm hồn, mới thấy lời mời dọn đường của thánh Gioan đầy tính thời sự, là việc cần làm ngay và liền đối với mỗi người.

Dừng lại một vài phút giữa dòng đời, mỗi người chúng ta thử hỏi, những con đường của xã hội có đưa con người xích lại gần nhau hơn, thông cảm với nhau hơn và giúp nhau sống tốt hơn không, tất nhiên là có, từ giúp đỡ khi tha nhân gặp hoạn nạn, thiên tai, nhưng bên cạnh đó, những loại hình đường sá đó cũng chuyển tải đến cho con người bao đau thương, từ tệ nạn xã hội, các trào lưu thác loạn trong giới trẻ, từ bệnh tật hiểm nghèo cho đến những trào lưu văn hóa, gây hoang mang cho con người. Xa hơn nữa, những loại hình đường sá đó, có đưa con người đến với Thiên Chúa nhanh hơn và hiệu quả hơn không, có đưa con người đến với nhau chân thành hơn, giúp nhau sống đạo tích cực và năng động hơn không. Mục đích của thánh Gioan kêu gọi dọn đường là biết loại bỏ những gì không tích cực, phát huy những gì tích cực, nhằm giúp con người nhận ra chính mình, nhận ra nhau là anh em cùng một nhà và nhận ra Thiên Chúa là Cha.

Lạy Chúa, Chúa gởi thánh Gioan đi trước để dọn đường cho Ngài đến với chúng con, xin giúp mỗi người hiểu được lời kêu mời của thánh nhân, để dọn dẹp tâm hồn, loại trừ những rác rưởi và những gì không cần thiết cho đời sống đức tin, để mỗi người có một tâm hồn trống rỗng, ấm cúng, tạo ra những con đường thênh thang cho Chúa đến với mỗi người, từ ngôi nhà tâm hồn mỗi người, Chúa sẽ đi vào ngôi nhà xứ đạo, ngôi nhà thế giới, giúp mọi người có được sự bình an trong tâm hồn, sống đạo tích cực và năng động hơn. Chúa cũng nhắc cho chúng con về sứ mạng của mình, hãy nhỏ bé như Gioan, để chúng con sống trọn vẹn trách nhiệm và bổn phận hàng ngày, là dọn đường cho Chúa đến với mình, đến với gia đình và đến với cộng đoàn. Amen.

 

 


DỌN ĐƯỜNG
Chúa Nhật 2 Mùa Vọng năm B: Mc 1, 1-8 - Lm. Thái Nguyên


Suy niệm

Bước vào Mùa Vọng, chúng ta gặp lại Gioan Tiền Hô, vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước. Ông được cưu mang và sinh ra cách lạ lùng, rõ ràng là một biến cố hoàn toàn do ân sủng của Thiên Chúa. Sau 5 thế kỷ vắng bóng ngôn sứ, nay ông xuất hiện với sứ mạng Tiền Hô, để dọng đường cho Đấng cứu tinh nhân loại. Đúng như lời Thiên Chúa đã nói qua ngôn sứ Isaia: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con”. Để thực hiện sứ mạng này, Gioan chọn con đường khổ chế: ẩn tu trong sa mạc, ăn châu chấu và mật ong rừng, uống nước lã và mặc áo da thú. Chính trong hoang địa mà ông đã lớn lên và trưởng thành trong sự gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Nhờ sự đào luyện bản thân cách nghiêm túc, nhiệm nhặt, mà Gioan đã trở thành người mở đường hữu hiệu cho Đấng Cứu Thế.

Khi ra rao giảng, việc quan trọng đầu tiên là Gioan “kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”. Cụm từ Hy Lạp baptisma metanoias (thanh tẩy sám hối: Lc 3,3; Cv 13,24; 19,4): xác định đặc tính của phép rửa Gioan là “phép rửa tượng trưng hoặc diễn tả lòng sám hối”. Lòng sám hối đích thực không hệ tại nơi những tình cảm chóng qua, hay những nghi thức bên ngoài, nhưng phát xuất từ chính tâm tình bên trong, sự mong đợi Đấng Mêsia ngự đến.

Việc sám hối bao gồm sự hoán cải. Sám là ăn năn lỗi trước, và “Hối là chừa bỏ lỗi sau. Chỉ có “sám” mà không có “hối” thì tội vẫn còn nguyên. Sám hối và hoán cải cũng không chỉ sửa chữa những lầm lỗi hay thiếu sót, mà cơ bản là trở về với Thiên Chúa, Đấng là Chân, Thiện, Mỹ, mà từ trong sâu thẳm, con người hằng thao thức và khát mong tìm về. Chỉ dừng lại ở việc hoán cải trí tuệ và luân lý thôi thì đời sống Kitô hữu vẫn còn đang dang dở, chưa dấn thân trọn vẹn con người mình cho Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa cứu độ ta chứ không phải sự hiểu biết về chân lý hay những việc thiện mà ta làm.  

Cụ thể của việc sám hối và hoán cải nơi sứ điệp của Gioan là kêu gọi mọi người Hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Trên phương diện xã hội, nếu không có đường thì giao thông vận chuyển và mọi phát triển đều bế tắc. Nhưng đường mà đất bùn lầy, đá lởm chởm, nhiều lồi lõm, lối quanh co… sẽ gây trắc trở và nhiều nguy hại. Con đường mà Gioan nói tới là đường vào cõi lòng ta, nhiều khi cũng đã sình lầy và bít bùng hoặc hư hỏng rồi, nên phải “dọn”, phải “sửa”, để Chúa có thể đến với tâm hồn mình.

Dọn đường hay sửa đường là nỗ lực đổi mới bản thân, không chỉ vượt qua những ngăn chặn tiêu cực nơi chính mình, cũng không chỉ làm đẹp một tính cách nào đó, mà còn là tích cực góp phần để tình yêu và chân lý được tỏa sáng, để công lý và hòa bình được ngự trị. Đức Bênêđictô XVI khẳng định: Chính tinh thần sám hối và hoán cải giúp canh tân Giáo Hội chứ không phải việc thay đổi các cơ cấu”.

Mỗi Kitô hữu cũng chính là một con đường để mọi người đến với Chúa và để Chúa đến với mọi người. Nhưng chúng ta hãy thật tâm nhìn lại con đường của tâm hồn mình, biết đâu đang có những chỗ lồi lõm, gồ ghề, quanh co, và có cả vực sâu ngăn chặn Thiên Chúa và con người đến với nhau. Cần bạt đi thói kiêu căng tự mãn, cần san bằng tính tự ái ngang ngạnh, cần lấp đi những hố sâu tham vọng, cần uốn thẳng lại những kiểu sống quanh co dối trá, giả hình... để tâm hồn ta trở thành một con đường thật đẹp để Chúa đến với mọi người xung quanh.

Cuối cùng, tâm tình sám hối và hoán cải phải thật sự đưa ta đến gặp gỡ Đức Giêsu, Đấng cứu độ. Sám hối và hoán cải là nhịp đập của một trái tim hít vô và thở ra để mang lại sự sống, cũng là một sự thanh tẩy và đổi mới bản thân để gặp gỡ Chúa sâu xa hơn. Đức Bênêđictô XVI cũng đã khẳng định rằng: “Trở thành Kitô hữu không phải là kết quả của sự lựa chọn đạo đức hoặc ý tưởng cao thượng mà là cuộc gặp gỡ với một biến cố, một con người, đem lại cho đời sống mình một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (Tông huấn Verbum Domini 11).

Gioan Tẩy Giả nhìn người ta được tẩy sạch khi lên khỏi nước. Ông gạt đi những lời cám ơn và ca ngợi. Ông nói với họ về “Đấng quyền thế hơn”, Đấng mà ông không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”. Đó là Đấng sẽ làm phép rửa cho họ trong Thánh Thần để tiến tới một đời sống mới. Đời sống này sẽ khởi sự khi người ta nhận ra và đón nhận Đức Kitô cùng với sự khôn ngoan của Người vào lòng. Họ đang ở tại bờ của một khởi đầu; họ cần sẵn sàng, khao khát và mở lòng ra.

Mỗi Kitô hữu cũng có một vai trò tiền hô đối với anh chị em xung quanh mình hằng ngày. Cần khiêm tốn và trung thực để giới thiệu về Đức Giêsu là Đấng đã đang có mặt trong lịch sử loài người.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Cũng như thánh Gio-an Tẩy Giả,
mỗi người chúng con là một con đường,
để Chúa đến với con người hôm nay,
ban sức thiêng cho cuộc sống đời này.


Nhưng lòng con còn quanh co gian dối,
còn che chắn và tăm tối mịt mù,
còn những lối hiềm thù và đố kị,
còn những mô cao khinh thị kiêu căng,
còn gồ ghề và nhỏ nhen ích kỷ,
những vô lý và thô bỉ với người.


Nghe theo thánh Gio-an đã kêu gọi,
xin cho con biết thật tình sám hối,
biết tu tâm và đổi mới bản thân,
biết siêng năng và sốt sắng ân cần,
để dành giờ cho Chúa và tha nhân.


Cũng như thánh Gio-an đã từng sống,
cho con sống khó nghèo và nhiệm nhặt,
biết từ khước những gì là dễ dãi,

những tiện nghi và thoải mái cho mình,
để sống chân tình và giản dị đơn sơ.


Cũng như thánh Gio-an đã hành động,
xin cho con dám
sống một đức tin,
ra khỏi mìnhđến với anh em,
gần gũi và đỡ nâng người yếu kém,
xả thân vì sự thật của Tin Mừng.


Cũng như thánh Gio-an đã nêu gương,
cho con biết rút lui vào hậu trường,
bỏ uy thế và ảnh hưởng của mình,
rất hân hoan nhường đường cho Chúa đến,
để đem lại ơn cứu độ cho đời. Amen.


 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây