TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm A

02/06/2021 03:51:00 |   736

Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm A
Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa

 

 

 

 

 

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến,

Sau khi Phục Sinh, mỗi lần hiện ra với các môn đệ, việc đầu tiên Chúa Giêsu làm là ban bình an cho các ông. Bình an là một trong những yếu tố cần thiết và quan trọng trong đời sống con người, nhất là bình an nội tâm. Nó mang tính riêng tư, không ai có thể xâm phạm. Dù sống trong thế giới đầy chiến tranh, loạn lạc, khủng bố đến đâu, nếu ta có bình an trong tâm hồn thì ta vẫn luôn được bình an. Qua bài Tin Mừng hôm nay Chúa chúc bình an cho các Tông Đồ là thứ bình an này. Hôm nay Hội Thánh kính lòng thương xót Chúa mà Thánh nữ Fautina đã được Chúa trao sứ mệnh loan truyền, mỗi người chúng ta hãy trông cậy vào lòng thương xót Chúa để năng chạy đến Bí tích Hòa Giải, vì Chúa đã phán với Thánh nữ; Cha chỉ nhìn hiện tại của con thôi. Tin tưởng vào lòng thương xót Chúa chúng ta cùng sốt sáng tham dự Thánh Lễ này, để cùng cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa luôn trải rộng trong cuộc đời của mỗi chúng ta.

Ca nhập lễ

Như trẻ sơ sinh, anh em hãy ao ước sự thiêng liêng không phôi pha, để nhờ đó anh em lớn lên trong ơn cứu độ - Allêluia.

Hoặc đọc:

Anh em hãy nhận lãnh niềm vui vinh quang của anh em, hãy tạ ơn Chúa, Đấng đã kêu gọi anh em vào nước trời - Allêluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, hằng năm Chúa dùng ngọn lửa phục sinh để khơi lại niềm tin trong lòng dân thánh, cúi xin Chúa gia tăng ân sủng để chúng con hiểu rằng: chính Chúa Kitô đã thanh tẩy chúng con bằng phép rửa, đã tái sinh chúng con bằng Thánh Thần và cứu chuộc chúng con bằng Máu Thánh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Cv 2, 42-47

"Tất cả mọi kẻ tin, đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi ấy, các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các Tông đồ, việc thông hiệp huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện. Mọi người đều có lòng kính sợ. Vì các Tông đồ làm nhiều việc phi thường và nhiều phép lạ tại Giêrusalem, nên mọi người đều sợ hãi. Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu từng người. Hằng ngày họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ, bẻ bánh ở nhà, họ dùng bữa cách vui vẻ đơn sơ; họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng. Hằng ngày Chúa cho gia tăng số người được cứu rỗi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 2-4. 13-15. 22-24

Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở".

Xướng: Tôi đã bị đẩy, bị xô cho ngã xuống, nhưng Chúa đã phù trợ tôi. Chúa là sức mạnh, là dũng lực của tôi, và Người trở nên Ðấng cứu độ tôi. Tiếng reo mừng và chiến thắng vang lên trong cư xá những kẻ hiền nhân. Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt.

Xướng: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.

Bài Ðọc II: 1 Pr 1, 3-9

"Nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời. Anh em được bảo vệ trong quyền năng của Thiên Chúa, nhờ tin vào sự cứu độ đã được mạc khải trong thời sau hết. Lúc đó anh em sẽ vui mừng, tuy bây giờ anh em phải sầu khổ một ít lâu giữa trăm chiều thử thách, để đức tin anh em được tôi luyện, nên quý hơn vàng được thử lửa bội phần, nhờ đó, anh em được ngợi khen, vinh quang và vinh dự khi Ðức Giêsu Kitô hiện đến. Anh em yêu mến Ngài, dù không thấy Ngài, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng không thấy Ngài; bởi anh em tin, anh em sẽ được vui mừng vinh quang khôn tả, vì chắc rằng anh em đạt tới cứu cánh của đức tin là phần rỗi linh hồn.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 20, 19-31

"Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Ðoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin".

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa đã dùng sự Phục Sinh của Con Chúa để khai mở một cuộc sống vĩnh cửu cho chúng ta. Trong ngày Hội Thánh tuyên hiển thánh cho hai Chân phúc Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, chúng ta cùng hân hoan ca ngợi lòng thương xót Chúa và dâng lời cầu nguyện.

1. Chúa Kitô Phục Sinh đã sai các Tông đồ ra đi để ban ơn tha tội. Xin cho các thừa tác viên trong Hội Thánh luôn theo gương hai tân hiển Thánh Giáo hoàng, để trung thành với sứ vụ giao hòa và trao ban lòng thương xót Chúa cho mọi người.

2. Chúa Kitô Phục Sinh đã ban bình an cho các môn đệ đang sống trong sợ hãi. Xin cho các vị lãnh đạo chính quyền, được khích lệ bởi tấm gương xây dựng hòa bình của hai Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, biết mang lại hòa giải và bình an cho những nơi chiến tranh và hận thù.

3. Chúa Kitô Phục Sinh chúc phúc cho những ai không thấy mà tin. Xin cho các tín hữu biết noi gương hai Thánh Giáo hoàng, để luôn vững tin vào Chúa Phục Sinh và nhận ra Người trong bí tích Thánh Thể và trong những người nghèo khổ.

4. Chúa Kitô Phục Sinh đã hiện diện trong cộng đoàn tín hữu tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem và làm cho họ nên một. Xin cho chúng ta biết noi gương hai Thánh Giáo hoàng để làm chứng cho Chúa Phục Sinh bằng đời sống hiệp nhất và liên đới trong cộng đoàn đức tin.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha chúng con, xin giúp chúng con vững tin vào Đức Kitô và vượt qua thử thách gian nan, để trên cuộc lữ hành trần thế, mặc dầu không thấy Người chúng con vẫn luôn cảm nghiệm lòng Chúa xót thương. Người hằng sống và hiển trị muôn đời .

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận lễ vật của chúng con (và đặc biệt là của những anh chị em tân tòng) Chúa đã cho mọi người chúng con được đổi mới nhờ đức tin và nhờ bí tích thánh tẩy, xin cũng dẫn đưa chúng con tới hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin...

Lời tiền tụng Phục Sinh I

Ca hiệp lễ

Con hãy xỏ ngón tay vào đây, hãy nhìn xem những vết đinh, và đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin - Allêluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Thánh Ðức Kitô là Ðấng đã chết và sống lại để ban sự sống đời đời cho thế gian. Cúi xin Chúa làm cho ân huệ quý báu này được tồn tại mãi trong tâm hồn chúng con. Chúng con cầu xin...

 

Suy niệm

Tin
Sưu tầm

Trong thành Giêrusalem, ai nấy đều rõ: Ông Giêsu, người làng Nagiaret, đã chết. Thế nhưng, việc Ngài đột ngột sống lại đã gây nên nhiều thái độ khác nhau: Tin và không tin, chấp nhận và chống đối. Chúng ta cùng nhau phân tích thái độ của Tôma, vì nó rất gần gũi với chúng ta, cũng như soi sáng cho chúng ta tin vào Đức Kitô Phục sinh hơn.

Trước hết tin là phải chấp nhận có một thế giới khác vượt ngoài tầm tay và suy tưởng của chúng ta. Trong thời đại khoa học này, chúng ta dễ bị cám dỗ, chỉ tin vào những gì thấy được và hợp lý mà thôi.

Chính vì thế một bác sĩ giải phẫu đã tuyên bố:

- Tôi đã mổ nhiều người nhưng chẳng thấy linh hồn ở đâu.

Hay như một phi hành gia sau lần bay quanh mặt trăng ba vòng cũng tuyên bố:

- Tôi đã lên thật cao mà chẳng thấy Chúa nào ở trên trời cả.

Tôma cũng đòi phải thọc chính tay mình vào cạnh sườn Chúa thì ông mới tin. Thường tình con người vẫn muốn coi mình là trung tâm điểm và bắt Thiên Chúa phải thế này thế nọ thì chúng ta mới tin.

Tiếp đến, tin vào Chúa Phục sinh đòi chúng ta phải dám liều. Hai người yêu nhau dù có tâm sự tính toán kỹ với nhau, nhưng rồi cuối cùng cũng vẫn phải dám liều. Biết ngày mai sẽ ra như thế nào. Nếu chắc chắn thì còn thề thốt làm chi.

Chẳng bao giờ con người có thể hiểu hết về Thiên Chúa cũng như về thế giới bên kia. Tin đây là tin Đấng đã chết mà nay sống lại, đồng thời Ngài đã hứa ban cho chúng ta đời sống vĩnh cửu sau khi chết.

Cũng như Tôma, chúng ta chỉ được nghe nói lại. Ngài là Đấng vô hình và dường như luôn vắng bóng và im tiếng, dù Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta. Tin như vậy không phải là dám liều, dán trao cả cuộc đời và con người chúng ta vào tay Đấng vô hình đó sao. Với Tôma, tin Ngài sống lại có nghĩa là phải tiếp tục từ bỏ những dự định riêng tư để bước theo Ngài.

Sau cùng, tin đòi phải chiến đấu. Đức tin không đem lại sự yên ổn. Sở dĩ như vậy vì đức tin đòi phải phá hủy con người cũ trong chúng ta. Bởi đó chúng ta phải chiến đấu với chính mình. Con người vẫn có khuynh hướng ôm chắc lấy những gì có sẵn, không muốn đánh mất thế giới họ đã tạo ra như của cải, mạng sống.

Tin vào Chúa Phục sinh là hướng cả cuộc sống về đời sau Chúa hứa. Do đó, đức tin đòi chúng ta phải đặt lại giá trị tất cả những gì chúng ta đang có hay sẽ kiếm được, ngay cả đến mạng sống. Nhiều khi đức tin còn đòi chúng ta phải có thái độ dửng dưng và từ bỏ, nếu của cải, mạng sống ngăn cản Tin Mừng. Nếu không chiến đấu với những khuynh hướng đi xuống như vậy, chúng ta sẽ bị kéo ghì và ở lại mãi trong thế giới vật chất...

Hơn nữa, đó cũng chính là não trạng chung của những người chung quanh. Họ sẽ trấn an để chúng ta sống như thể chẳng có Tin Mừng Phục sinh. Sống ngược với não trạng trần thế ấy đòi chúng ta phải có một ý chí phấn đấu và mạnh mẽ. Đáp lại, Tin Mừng thường làm chúng ta có cảm giác lạc lõng và bơ vơ, không giống ai và bị thiệt thòi ở đời này.

Sống đức tin và đón nhận niềm vui của Đấng đã sống lại là điều khó khăn, chúng ta luôn bị cám dỗ đặt lại vấn đề đức tin, linh hồn, đời sau, giống như người Do Thái ngày xưa luôn muốn trở lại với kiếp nô lệ nhưng no nê, bảo đảm, và bàn tay khỏi lo lắng và đòi hỏi.

Hãy vững niềm tin vì Chúa đã sống lại, Ngài ở với chúng ta luôn mãi.

Chúa Nhật II Phục Sinh
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 20, 19-31).
 
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.
 
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
 
Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
 
Suy niệm
 
Chúng ta đang bước vào tuần thứ hai sau Chúa nhật phục sinh. Phụng vụ Lời Chúa trong tuần này, mời chúng ta trở lại với những lời chứng của các Tông đồ, các môn đệ và những người đi theo Chúa Giêsu khi Ngài còn hiện diện trên dương thế, đặc biệt, Lời Chúa mời chúng ta đến chứng kiến những ngày sinh hoạt của các cộng đoàn Giáo hội sơ khai ban đầu.
 
Cuốn sách Tông Đồ Công Vụ được coi là cuốn Tin Mừng của Chúa Thánh Thần, bởi nội dung trình bày cho chúng ta những hoạt động của các Tông đồ, các cộng đoàn ban sơ dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. Khởi đi từ các Tông Đồ, các ông đã chứng kiến cuộc khổ nạn của Thầy trong đau khổ, nhục nhã và tang thương, rồi sau đó, được gặp lại Thầy trong vinh quang của Thiên Chúa khi Thầy sống lại. Niềm tin của các ông sau vụ án rất mong manh, thậm chí còn nhiều hoài nghi. Thế nhưng, khi Chúa Thánh Thần dẫn các ông đi vào chương trình loan Tin Mừng phục sinh, các ông bắt đầu cảm nghiệm tất cả những gì Thầy mình đã loan báo, tất cả những gì Thầy đã nhận chịu, sẽ trở thành lời chứng hùng hồn. Các ông đã thiết lập các cộng đoàn tín hữu, trong đó có cả người Do-thái và dân ngoại, nhưng hàng rào kỳ thị không còn nữa, họ sống với nhau trong tình huynh đệ gia đình. Họ sống được vậy là nhờ lời chứng của các Tông đồ, bởi các ông là những người đã được gặp Chúa phục sinh, Ngài đang sống và đồng hành, do đó, các ông luôn tin tưởng Ngài vẫn hiện diện với các ông giữa cộng đoàn: “Khi ấy, các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các Tông đồ, việc thông hiệp huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện. Mọi người đều có lòng kính sợ. Vì các Tông đồ làm nhiều việc phi thường và nhiều phép lạ tại Giêrusalem, nên mọi người đều sợ hãi. Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung”. Điều đặc biệt là các Tông Đồ đã làm chứng được rằng Đức Giêsu Kitô, người đã sống với các ông trong thời gian công khai, cũng là Đấng đã chết, đã sống lại và nay đang sống giữa các cộng đoàn. Sự hiện diện thiêng liêng của Đức Giêsu phục sinh đã liên kết mọi thành phần trong cộng đoàn lại với nhau thành một gia đình. Đó là những gì Tin Mừng phục sinh hướng đến. Một gia đình của Thiên Chúa ở trần gian.
 
Tình liên đới cộng đoàn là yếu tố giúp nhau mỗi ngày hoàn thiện ơn gọi chứng nhân Tin Mừng phục sinh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, bởi vậy, thánh Tông Đồ Phêrô, trong vai trò là tông đồ trưởng, đã nhắc nhở các tín hữu hãy ý thức rằng, họ được cứu độ nhờ tình thương của Chúa Cha, nhờ máu của Đức Giêsu Kitô, đấng đã chết vì con người, từ đó, họ được sống trong niềm hy vọng vào sự sống đời đời, nhưng đó cũng là trách vụ của mỗi người, loan báo Tin Mừng đó cho những người chung quanh: “nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời. Anh em được bảo vệ trong quyền năng của Thiên Chúa, nhờ tin vào sự cứu độ đã được mạc khải trong thời sau hết”. Các cộng đoàn Giáo hội sơ khai bao gồm những anh chị em dân ngoại trở về, cùng sum họp bên cạnh các Tông đồ, dưới sự hướng dẫn của các ông, họ chia sẻ cuộc sống với nhau về vật chất, động viên nhau vượt qua những thách đố về tinh thần. Trong vai trò là người đại diện của Thiên Chúa, thánh Phêrô động viên họ hãy đón nhận cả những niềm vui và những khó khăn, để đồng hành với Thầy Chí Thánh là Đức Kitô trong mầu nhiệm tử nạn, bởi nếu không có mầu nhiệm tử nạn sẽ không bao giờ có mầu nhiệm phục sinh: “Lúc đó anh em sẽ vui mừng, tuy bây giờ anh em phải sầu khổ một ít lâu giữa trăm chiều thử thách, để đức tin anh em được tôi luyện, nên quý hơn vàng được thử lửa bội phần, nhờ đó, anh em được ngợi khen, vinh quang và vinh dự khi Ðức Giêsu Kitô hiện đến. Anh em yêu mến Ngài, dù không thấy Ngài, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng không thấy Ngài; bởi anh em tin, anh em sẽ được vui mừng vinh quang khôn tả, vì chắc rằng anh em đạt tới cứu cánh của đức tin là phần rỗi linh hồn”. Lời động viên của thánh Tông đồ trưởng như thổi một luồng gió mới vào sức sống của các cộng đoàn, từ đây tình liên đới, tình hiệp nhất trong các cộng đoàn nâng lên từng ngày.
 
Câu chuyện về niềm tin của Thánh Thomas luôn là một đề tài nhắc cho ai có thái độ nghi ngờ vào lời chứng của người khác. Thực ra, thánh nhân muốn có một sự nhất thống giữa Đức Giêsu Nazareth đã chịu chết và Đức Giêsu Kitô phục sinh là một con người. Từ những lời chứng của các Tông đồ, thánh nhân còn chút băn khoăn đó có phải là hai hay chỉ là một người duy nhất, do đó, có thể nói rằng, thánh nhân mong được đặt ngón tay vào lỗ đinh nơi mỗi bàn tay, đặt bàn tay vào cạnh sườn của Thầy, để minh định cách rõ ràng, đó là một con người, là Thầy Chí Thánh của mình, Đấng được gọi là Đức Giêsu Kitô, đã chết và nay đã sống lại và đang bên cạnh các anh em mình: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”. Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. Để có thể xác tín được niềm tin đó, mỗi người cần có sự bình an trong tâm hồn, bởi lúc đó ai cũng đang trong tâm trạng lo sợ, hãi hùng. Đức Giêsu đã đem đến cho họ món quà nhưng không từ trời, đó là sự bình an của Thiên Chúa. Khi nhận lãnh sự bình an đó, người môn đệ không còn bị chi phối bởi những yếu tố khác từ xã hội, từ cuộc sống, không còn bị áp lực từ những người lãnh đạo tôn giáo, khi họ tin vào một Đấng đã bị những người đó kết án tử, bị đóng đinh, và hôm nay các ông khẳng định Ngài đã sống lại.
 
Ngày hôm nay, đặc biệt trong đại dịch này, con người luôn sống trong nỗi bất an, sợ hãi, sợ virus tấn công lúc nào không hay, sợ bị cách ly, sợ bị giãn cách xã hội tiếp theo, sợ thất nghiệp sau đại dịch, sợ đói, sợ khát, sợ mất mùa và bao nỗi sợ khác đang xâm chiếm tâm hồn các tín hữu Kitô. Vậy có phải lúc này, mọi người đang rất cần đến sự bình an của Thiên Chúa do Đức Giêsu phục sinh đem đến không? Có thể nói chính lúc này, sự bình an đó là một là một món quà vô giá mà nhân loại đang đói, đang khát. Cũng chính trong hoàn cảnh này, người tín hữu Kitô cần minh định lại đấng mình tin tưởng, đó có phải là Đức Giêsu Kitô phục sinh, đấng đã chết, đã bị treo trên thập giá, đó là hai con người hay chỉ là một, bởi có những lúc niềm tin chưa thực sự xác tín của con người cho rằng đó là hai nhân vật, hai con người. Đức Giêsu Nazareth đã sống gần gũi với mọi người, đã chia sẻ mọi khó khăn, mọi đau khổ với con người trong mọi tầng lớp của xã hội và toàn thể các dân tộc, thì Đức Giêsu Kitô phục sinh, Ngài cũng sẽ hiện diện gần gũi, thiêng liêng với con người, với Giáo hội, với thế giới. Đó là điều thế giới hôm nay cần học nơi thánh Thomas, để niềm tin của mỗi người trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt trong đại dịch nguy hiểm này, chúng ta chấp nhận và tin tưởng rằng, trong thế giới luôn có sự hiện diện của Đức Giêsu phục sinh, của Thiên Chúa Ba Ngôi, chứ con người không đơn độc, con người không bị bỏ rơi, con người không bị trừng phạt vì tội lỗi như quan niệm của thế gian.
 
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Chúa đã đem sự bình an đến cho các môn đệ khi các ngài ngụp lặn trong bao nỗi sợ hãi từ tôn giáo cho đến cộng đoàn và xã hội. khi được nhận món quà đó, họ đã can đảm, mạnh mẽ vượt qua những cánh cửa bấy lâu đóng chặt, để lên đường loan tin mừng phục sinh cho tha nhân, dù sẽ đối diện với muôn vàn rủi ro, xin Chúa cũng ban cho chúng con món quà bình an đó mỗi ngày, để chúng con dám vượt lên mọi nỗi sợ hãi, sống ơn gọi của mình xác tín và đúng đắn hơn. Chúa đã cho thánh Thomas xem các lỗ đinh, xem vết thương cạnh sườn để giúp ông và các tông đồ liên kết niềm tin khởi đi từ mầu nhiệm tử nạn, đến mầu nhiệm phục sinh, xin Chúa cho chúng con cảm nghiệm được sự gần gũi và thánh thiêng của Chúa phục sinh, như Chúa đã gần gũi với mọi người Do-thái khi sinh thời, và niềm tin của chúng con được củng cố vững bền hơn. Amen.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây