TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật -Lễ Thánh Gia Thất -Năm C

Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan (Lc 2, 41-52).
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật III Mùa Vọng - Năm B

29/04/2021 09:12:30 |   1088

Chúa Nhật III Mùa Vọng - Năm B

 

Ca nhập lễ

Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại: Anh em hãy vui lên! Vì Chúa đã đến gần.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Gioan được sai đến để dọn đường cho Đâng Cứu Thế, nên còn có tên là Gioan Tiền Hô. Ông đã thi hành sứ mạng bằng việc làm chứng rằng: ông không phải là tiên tri Êlia hay một tiên tri nào khác theo ước vọng của dân Do Thái, mà chỉ là “tiếng kêu trong sa mạc” như Isaia đã tuyên sấm. Ông làm phép rửa bằng nước để chuẩn bị cho Đấng đến sau đầy quyền năng, mà ông không đáng làm đầy tớ cởi quai dép cho Ngài. Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng này Hội Thánh cũng mời gọi chúng ta làm chứng nhân cho Chúa giữa lòng thế giới, đây là thời gian mong chờ Chúa tái lâm để kiến tạo “ một trời mời đất mới”. Vậy để có thể trở  nên chứng tá Tin Mừng, chúng ta hãy nghe lời Thánh Gioan mời gọi thành tâm hối lỗi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, này dân Chúa đem tất cả niềm tin đợi chờ ngày lễ Sinh Nhật Ðấng Cứu Thế. Xin hướng niềm vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả để tâm hồn chúng con hoàn toàn đổi mới, mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 61, 1-2a. 10-11

“Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.

Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo. Như đất đâm chồi, như vườn nảy lộc, Chúa cũng làm phát sinh công chính và lời ca tụng trước mặt muôn dân.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Lc 1, 46-48. 49-50. 53-54

Ðáp: Linh hồn tôi nhảy mừng trong Chúa.

Xướng: Ðức Maria nói: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Người đã nhìn đến phận hèn tớ nữ Người; thực từ đây, thiên hạ muôn đời sẽ khen tôi có phước.

Xướng: Vì Ðấng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Người quyền năng, và danh Người là thánh. Ðức từ bi Người từ đời nọ tới đời kia dành cho những ai kính sợ Người.

Xướng: Kẻ đói khát, Người cho no đầy thiện hảo; bọn giàu sang, Người đuổi về tay không. Chúa đã nhận săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng từ bi của Người.

Bài Ðọc II: 1 Tx 5, 16-24

“Thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ cho tới ngày Chúa đến”.

Trích thơ thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng luôn. Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa. Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về tất cả anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Ðừng dập tắt Thánh Thần; đừng khinh khi các lời tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự, điều gì tốt hãy giữ lại. Hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức.

Xin chính Thiên Chúa bình an thánh hoá anh em toàn diện, để thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ toàn vẹn trong ngày Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến. Ðấng đã kêu gọi anh em, chính Người là Ðấng Trung Tín. Chính Người sẽ thực hiện.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Is 61, 1 (x. Lc 4, 18)

Alleluia, alleluia! – Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 1, 6-8. 19-28

“Giữa các ngươi có một Ðấng mà các ngươi không biết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do-thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Elia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”. – “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải”.

Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”.

Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không phải là Elia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”. Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sống Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thánh Gioan Tẩy Giả đã tận lực, sống ơn gọi và vai trò tiên tri của mình, vì thế mà ngài đã bị thiệt thân. Chúng ta hãy xin ngài chuyển lời nguyện xin lên Chúa :

1. “Người đã sai tôi đi đem Tin Mừng cho người nghèo”.- Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa, là những người được xức dầu để loan báo Tin Mừng, được đầy tràn ân sủng để đời sống khiêm nhu, quên mình của các ngài, lôi kéo được nhiều người hứng khởi tìm về Đức Kitô là ánh sáng chân thật.

2. “Hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức”.- Xin cho mọi thành phần dân Chúa được đức tin trưởng thành vững chắc, biết dùng ánh sáng chân thật, mà đón nhận và xét định biến cố xẩy đến trong cuộc đời, để sẵn sàng chờ Chúa đến trong tâm hồn bình an và phó thác.

3. “Có người được Chúa sai đến, tên là Gioan, ông đến để làm chứng về sự sáng”.- Xin cho các người làm việc công tác tông đồ, phản chiếu trung thực ánh sáng Chúa Kitô, để chính đời sống của họ sẽ là lời mời gọi sống động, hối thúc mọi người canh tân, chuẩn bị đón chờ giờ Chúa viếng thăm.

4. “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa”.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta biết thánh hóa cuộc đời, để sống thánh thiện hầu mời gọi người chung quanh, nhận ra Đức Kitô đang hiện diện giữa lòng đời, để hết lòng yêu mến và tôn thờ.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết chuẩn bị đón Chúa bằng tinh thần cầu nguyện, với thái độ khiêm nhu của Thánh Gioan Tiền Hô, để chúng con luôn sống an vui dưới sự hiện diện của Đấng Cứu Độ, Người hằng sống …

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng biết dâng lên Chúa lễ tế chứng tỏ lòng tôn kính mến yêu. Ước chi hy lễ này hoàn toàn thể hiện được ý muốn của Ðức Kitô khi lập bí tích Thánh Thể, là đem lại cho cả thế giới ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng I

Ca hiệp lễ

Hãy nói vói những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Này Thiên Chúa chúng ta sẽ ngự đến cứu độ chúng ta.”

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa rất từ bi nhân hậu, chúng con nài xin Chúa cho bí tích Thánh Thể này thanh tẩy chúng con sạch vết nhơ tội lỗi, và chuẩn bị tâm hồn chúng con mừng những ngày đại lễ sắp tới. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

NIỀM VUI ĐÍCH THỰC (Is 61,1-2.10-11; 1 Tx 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28)
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

 

 

 

Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta đã đi được ¾ chặng đường của Mùa Vọng. Nếu xét về mặt thời gian, đây là thời điểm gần kề đại lễ Giáng Sinh. Vì thế, giống như người nông phu, gần đến mùa thu hoạch, ông ta vui mừng thế nào, thì với tinh thần phụng vụ, Chúa Nhật này, Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta hãy vui lên, vì Chúa sắp đến rồi.Tuy nhiên, niềm vui của chúng ta hoàn toàn khác với niềm vui mà con người và xã hội thời nay mừng lễ Giáng Sinh. Vậy đâu là điểm khác biệt giữa các niềm vui này? Và đâu là niềm vui đích thực của người Kitô hữu mỗi khi đại lễ Giáng Sinh về?

1. Niềm vui của con người và xã hội

Trong những ngày này, cứ đi ra các thành phố lớn, chúng ta sẽ thấy tràn ngập không khí mừng lễ Giáng Sinh. Những điểm vui chơi với nhiều loại hình mọc lên như nấm, từ ăn uống đến ca nhạc, múa nhảy. Những đèn sao lấp lánh rực sáng cả vùng trời. Ngay cả những quán Karaoke, quán bar hay café đèn mờ đông khách đến lạ thường….

Ở những nơi thôn quê nghèo, góc này, chỗ kia cũng có những cuộc nhậu đơn sơ giản dị với vài ba ly rượu nhắm với con cá, con gà hay mấy thứ trái cây quen thuộc….

Đấy là biểu hiện niềm vui của những người hưởng thụ. Bên cạnh đó, niềm vui còn đến từ một thành phần không nhỏ, đó là giới kinh doanh. Họ coi đây là thời điểm thuận lợi cho việc buôn bán kiếm lời. Vì thế, họ không ngừng đầu tư cho mùa vụ làm ăn “hot” này.

Còn nơi các xứ đạo, điện đèn và các công tác trang trí cũng đang dần đi vào giai đoạn hoàn thiện.

Trước những thực trạng trên, chúng ta thấy đây đó cũng có những niềm vui thánh thiện được biểu lộ cách thiết thực ra bên ngoài. Tuy nhiên, những người như vậy có lẽ đếm trên đầu ngón tay! Còn lại, đa số là niềm vui nhất thời, tạm bợ khi coi lễ Giáng Sinh như là một lễ hội thuần túy để biểu dương sự giàu có chốn ăn chơi trác táng, hay nhân cơ hội này để moi tiền cách bất chính nơi những “con thiêu thân” ham muốn của lạ?

Chính vì thế, chúng ta không lạ gì khi thấy sau những cuộc vui chơi, ăn uống, nhậu nhẹt, biết bao người đã không khỏi vươn vai thở dài ngao ngán vì mệt nhọc và trống rỗng, bởi vì: “uống chén tiêu sầu càng sầu thêm!”.

Tại sao vậy? Thưa bởi vì chỉ có Chúa mới là nguồn cội và cùng đích của con người. Gặp được, sống với và ở trong Thiên Chúa thì con người mới được an vui hạnh phúc. Nếu không, con người sẽ mãi mãi cô đơn ngay giữa lòng thành phố hay chốn đông người!

2. Niềm vui của người có Chúa

Phụng vụ Lời Chúa và tinh thần của Chúa Nhật 3 Mùa Vọng hôm nay mời gọi chúng ta hãy cảm nghiệm và sống niềm vui thực sự trong Thiên Chúa. Một niềm vui phát xuất từ nơi tâm hồn chứ không chỉ bề ngoài. Một niềm vui mang tính chủ đạo của cuộc đời chứ không chỉ là thứ niềm vui ký sinh, tạm bợ, phù phiếm….

Khởi đi từ bài đọc 1, tiên tri Isaia đã làm toát lên hình ảnh một vị Thiên Chúa đến để giải thoát con người cách toàn diện từ thể xác lẫn tinh thần.

Thể xác thì được chữa lành bênh tật. Tinh thần thì được giải thoát khỏi nô lệ của tội lỗi.

Còn gì vui mừng, sung sướng và hạnh phúc cho bằng khi con người được Thiên Chúa ghé thăm phận nghèo hèn, băng bó những tâm hồn đau thương dập nát, giải phóng cho kẻ bị giam cầm, tuyên bố năm hồng ân của Thiên Chúa.

Đây phải là niềm vui vượt lên trên mọi niềm vui khác, bởi vì niềm vui này là của chính Chúa trao tặng và mang tính cứu chuộc.

Sang bài đọc 2, thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu là những người con tinh thần của chính ngài sinh ra rằng: Hãy cầu nguyện không ngừng”; “Ðừng dập tắt Thánh Thần”; “Để thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ toàn vẹn trong ngày Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến” (x. 1 Tx 5, 16-24). Như vậy, thánh nhân muốn khẳng định rằng: con người chỉ đạt được niềm vui thực sự khi tâm hồn của chính mỗi người có Chúa. Nói cách khác, chỉ có khi nào ngụp lặn trong Chúa, lúc đó niềm vui đích thực mới hiện hữu ở trong cuộc đời.

Nếu không có đời sống cầu nguyện thâm sâu thực sự, con người sẽ bị chạy đua với những niềm vui hời hợt, bên ngoài, vì: không có chiều sâu, không mục đích, không lý tưởng.

Sang bài Tin Mừng, tác giả làm toát lên sứ vụ của Gioan qua câu hỏi của các Tư tế và Lêvi. Họ hỏi ông: “Ông có phải là Êlia hay tiên tri nào đó?”; “Ông có phải là Đấng Kitô?”. Gioan đã không chắp cánh cho sự ngộ nhận này của dân chúng. Ngược lại, ông đã giúp cho dân chúng sờ chạm được cội nguồn của niềm vui khi đích thân giới thiệu về Đức Giêsu chính là người sẽ mang lại cho nhân loại niềm vui cứu độ mà bấy lâu nay họ chưa biết. Vì thế, Ngài nói: “Giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người” (x. Ga 1, 26-27)

Khi mạc khải như thế, Gioan đã hoàn toàn hướng sự kính trọng và yêu mến của mọi người dành cho mình về Đức Giêsu. Vì thế, nơi Gioan, niềm vui của ông là chu toàn sứ vụ trong vai trò là người dọn đường. Niềm vui ấy, ông muốn truyền lan sang cho những ai đang nghe ông cũng đạt được, đó là niềm vui khi nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế.

Với Gioan thì để có được niềm vui thực sự trong tâm hồn, người tín hữu phải là người đón nhận được tình thương và nhận ra tình thương của Thiên Chúa trên cuộc đời của mình.

Một trong những chìa khóa để được hưởng và nhận ra tình thương của Thiên Chúa, đó là đời sống kết hiệp với Thiên Chúa trong cầu nguyện.

3. Sống sứ điệp Lời Chúa

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta trong khi chuẩn bị đón mừng Chúa Giáng Sinh bằng những việc bề ngoài như trang trí đèn sao, hang đá, chuẩn bị những bài thánh ca…, mỗi người cũng cần nhìn lại công việc cấp thiết của đời sống nội tâm nơi sâu thẳm tâm hồn mình.

Chúng ta không thể đón mừng đại lễ Giáng Sinh với một tâm hồn trống rỗng, hay như những người chỉ biết làm theo hiệu ứng đám đông! Vì thế, bao lâu, chúng ta lầm tưởng và chạy đua với nó, thì bấy lâu chúng ta sẽ giống như những con ve sầu của thời vụ, tức là chỉ biết kêu la có mùa, hết mùa là nó chết và đi vào hư vô.

Mang trong mình đặc tính là người Kitô hữu, người có đức tin, chúng ta phải mừng lễ Giáng Sinh một cách khác.

Cái khác của người tín hữu, đó là tinh thần mừng lễ.

Vì thế, một trong những cách thiết thực nhất mà các bài đọc chúng ta vừa nghe đã vạch ra, để giúp mỗi người đạt được niềm vui đích thực và trọn vẹn, đó là:

Trước tiên, cần xác định thật rõ rằng: chỉ có Chúa là mục đích, lý tưởng, lẽ sống của mình. Chỉ có Chúa mới làm cho con người được thỏa mãn. Chỉ có Chúa mới lấp đầy lỗ hổng trong tâm hồn của chúng ta. Ngoài Chúa ra, không có ai có thể mang lại cho chúng ta niềm vui cứu độ.

Thứ đến, cần có một đời sống nội tâm sâu xa qua việc cầu nguyện, để cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa qua biến cố Giáng Sinh, đồng thời cũng biết cảm nghiệm bàn tay nhân từ, xót thương của Thiên Chúa trên và trong chính cuộc đời của mình.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang chuẩn bị đón mừng kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh làm người. Xin Chúa ban cho chúng con biết chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để đón Chúa ngự đến với chúng con, ngõ hầu chúng con được an vui và hạnh phúc đích thực. Amen.

Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 1, 6-8. 19-28).
 
Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do-thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Elia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”. - “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải”. Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”. Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không phải là Elia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”. Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sống Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.
 
Suy niệm
 
Màu hồng, một màu sắc đem lại nhiều niềm vui và hạnh phúc cho cuộc sống. Nó còn là biểu tượng của tình yêu, một tình yêu đầy hy vọng và đầy sức sống. Chúa nhật thứ 3 mùa vọng được gọi là Chúa nhật màu hồng, bởi từ phụng vụ Lời Chúa, tin vui từ trời được loan báo đến mọi người, mọi nhà, hơn nữa, mỗi người tín hữu hôm nay còn được mời gọi lên đường, tiếp nối sứ vụ của thánh Gioan Tiền Hô, mời mọi người hãy chuẩn bị tâm hồn để Con Thiên Chúa ghé thăm và ở lại với thế giới, với mỗi người.
 
Mỗi người khi bước vào đời đều được Thiên Chúa trao cho một sứ mệnh tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện sống. Tiên tri Isaia cũng vậy, cuộc đời của người tiên tri này dù có nhiều thăng trầm, nhưng ơn gọi đó luôn thôi thúc ông lên đường, thôi thúc ông lên tiếng, thôi thúc ông bảo vệ chân lý, bảo vệ những giá trị thánh thiêng. Ông đã nói về ơn gọi của mình rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”. Dù là một tạo vật, ông được Thánh Thần Thiên Chúa ngự xuống trên cuộc đời, sai ông bước vào đời trong vai trò chứng nhân và ngôn sứ, để loan truyền tin vui và đưa lối cho bao kẻ lầm lạc trở về với Thiên Chúa. Một con người bất tài, một tạo vật bất toàn, vậy mà được Thiên Chúa trao cho sứ mạng thật cao cả, thật thánh thiêng và thật vinh dự. Ông đã sống trọn vẹn ơn gọi của mình cùng với nhiều nỗ lực và hy sinh: “Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo”. Được cộng tác và được lên đường với sứ mạng đến từ Thiên Chúa, nào có gì sánh cho bằng vinh dự đó.
 
Ý thức về sứ mạng và ơn gọi cao quý của mình, thánh Phaolô trong lá thư gởi cộng đoàn giáo hội tại Thexalonica, ngài đã nhắn nhủ các tín hữu Kitô hãy tạ ơn Thiên Chúa đã cho con người được cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài, đồng thời hãy tỉnh thức và biện phân mọi biến cố, mọi công việc và mọi hoàn cảnh, để thực hiện đúng thánh ý Thiên Chúa: “Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng luôn. Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa. Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về tất cả anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Ðừng dập tắt Thánh Thần; đừng khinh khi các lời tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự, điều gì tốt hãy giữ lại. Hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức”. Là một cộng đoàn giáo hội còn non yếu, thánh nhân biết các tín hữu dễ bị sa ngã, dễ bị thất tín với Thiên Chúa, vì thế, ngài khuyên bảo họ hãy đặt những giá trị của Nước Trời lên trên mọi giá trị của thế gian, đồng thời hãy cẩn trọng với mọi cạm bẫy thế gian. Quả thực, ơn gọi của người môn đệ Đức Giêsu trong mọi thời đại, luôn là miếng mồi ngon cho ma quỷ và sự dữ, nhưng là một hồng ân cao quý con người được đón nhận từ Thiên Chúa, do đó, cần phải giữ gìn, trân trọng và tìm đến với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện mỗi ngày.
 
Người làm chứng luôn là một nhân vật quan trọng và cần thiết, Thiên Chúa đã dùng ngôn ngữ và cách diễn đạt của con người để đi vào lịch sử nhân loại, Ngài đã chọn một con người nhỏ bé nhưng có trái tim đủ lớn, có một quyết tâm đủ mạnh và có một tâm hồn đong đầy tình yêu, đó là thánh Gioan Tiền Hô. Thánh nhân chào đời trong một gia đình nhỏ, lớn lên trong ơn nghĩa Thiên Chúa ngay lúc còn trong cung lòng mẹ. Sinh ra và lớn lên trong sự quan phòng của Thiên Chúa, thánh nhân luôn ý thức sứ mạng cao quý của mình trong phận người. Khi được hỏi về thân thế và sự nghiệp, thánh nhân đã trả lời cho các nhà lãnh đạo tôn giáo lúc đó: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”. Chỉ là một tiếng kêu, chỉ là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến, chứ không phải là một nhân vật đặc biệt nào, thánh nhân tự nhận mình là vậy dù ơn gọi của ông rất cao quý: “Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do-thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Elia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”. - “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải”. Một chứng nhân chứ không phải là đấng cứu độ, một người dọn đường cho Đấng Cứu Độ chứ không phải là đấng cứu độ, thánh nhân luôn ý thức ơn gọi của mình là người chứng nhân, là người dọn đường cho Con Thiên Chúa, ngài đã sống tròn đầy giá trị của ơn gọi bản thân, dù có phải thiệt thân và tù đày. Sứ mạng lớn lao trên đôi vai của người chứng nhân đó rất đặc biệt, chỉ là người đi tiền trạm, dọn dẹp mọi ngổn ngang trong tâm hồn con người với lời nhắc thực tế, lên án mọi bất công xã hội với lời cảnh tỉnh nghiêm khắc dành cho những người có trách nhiệm, nâng đỡ những ai bị khinh miệt, bị bỏ rơi và sống bất hạnh bên lề xã hội: “Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không phải là Elia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”.
 
Làm chứng bằng lời nói chưa đủ thuyết phục để đưa mọi người chung quanh trở về, thánh Gioan đã dùng cuộc đời mình để làm chứng. Cái chết của ngài là một minh chứng cho sự trung thành với sứ mạng. Dù được đón tiếp rất trọng thị, nhưng thánh nhân chỉ tự nhận mình là một tiếng kêu, một người chưa xứng đáng cởi dây giày cho Đấng Cứu Thế. Sự khiêm tốn luôn là một yếu tố cần thiết cho người chứng nhân, bởi họ được mời gọi, được sai đi loan tin mừng cứu độ của Thiên Chúa chứ không phải được sai đi để nói lời của họ, để nói về tài năng và kế hoạch của họ, họ chọn Thiên Chúa để sống và gắn bó chứ không chọn việc của Thiên Chúa để sống và gắn bó, vì thế, khi Đấng Cứu Độ xuất hiện, thánh nhân đã giới thiệu với nhân loại: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng Cứu Độ trần gian” và thánh nhân đã lui vào phía sau của sân khấu cuộc đời, nhường tất cả lại cho nhân vật ngài đi dọn đường. Quả thực một con người, một ơn gọi thật cao quý và đủ khiêm tốn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
 
Và hôm nay, bao người môn đệ của Đấng Cứu Thế đang sống trong thế giới này, họ cũng được mời gọi sống sứ mạng giống như thánh Gioan Tiền Hô. Chỉ tiếc rằng, rất nhiều người môn đệ đó thay vì chọn Chúa để phục vụ, họ đã chọn công việc của Chúa, thay vì chọn sứ mạng dọn đường cho Đấng Cứu Thế, họ lại dọn đường cho cái tôi của họ ngự trị và hiển lộ trong thế giới tục hóa này. Bậc sống gia đình hay ơn gọi dâng hiến đều là những môn đệ của sự thật, của chân lý và của tình thương, thế nhưng được bao người, được bao tâm hồn thực sự sống trọn vẹn với giao ước tình yêu đó, được bao bước chân lên đường loan tin vui cứu độ của Thiên Chúa, hay chỉ loan tin buồn cho tha nhân vì sự ích kỷ, ganh ghét và oán thù, luôn tìm mọi cách để xây dựng pháo đài cho cái tôi ích kỷ trong chính gia đình mình và ngay giữa cộng đoàn huynh đệ. Nếu những lời chứng đó không đến từ Thiên Chúa, làm sao Con Thiên Chúa có thể đi vào lịch sử nhân loại để cứu độ và giải thoát con người trong thế giới tội lỗi và sự chết. Thiên Chúa qua Mẹ Giáo hội đang mong đợi những người con hãy hướng về cuộc đời của thánh Gioan Tiền Hô, hãy học nơi ngài sự khiêm tốn và sự chung thủy với ơn gọi trong mọi hoàn cảnh và trong mọi ơn gọi, để Thiên Chúa có thể đi vào thế giới này trên những con đường bằng phẳng tình người, rộng rãi trong tình liên đới, ấm áp trong tình trời.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đi vào lịch sử nhân loại lần thứ nhất, và đã chứng kiến bao bất toàn của con người, xin giúp mỗi người chúng con hãy học bài học của người chứng nhân nơi thánh Gioan, để tiếp tục sứ mạng loan tin vui cho mọi người. Chúa đã chấp nhận những khiếm khuyết trong cuộc đời chúng con, xin giúp chúng con luôn biết đặt những giá trị Nước Trời lên trên trong mọi chọn lựa của chúng con, để ơn gọi phục vụ của mỗi người luôn là thực hiện thánh ý Thiên Chúa, mưu ích cho phần rỗi các linh hồn. Amen.
 

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây