Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm A
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Chúa Kitô sống lại, Ngài khải hoàn vinh hiển, mở lại cửa Thiên Đàng cho nhân loại. Qua cái chết khổ nhục rồi được sống lại Ngài dậy chúng ta tín thác vào Ngài. Khi thật sự tín thác vào Ngài, chúng ta sẽ vui sống, tin tưởng đặt trọn tương lai vào Ngài. Ngài đặt trong tâm hồn chúng ta lòng ao ước được chia sẻ sự sống vĩnh cửu với Ngài. Hai môn đệ trên đường Emmau hôm nay, đang buồn chán nhưng khi có Chúa đồng hành và được nghe Ngài giao huấn, tâm hồn các ông đã bừng nóng lên, dầu chưa nhận ra Ngài vì mắt các ông còn bị che phủ. Trong cuộc sống của chúng ta, tội lỗi cũng làm che phủ con mắt đức tin, nên nhiều khi chúng ta cũng chán nản khi gặp những thất bại, đau khổ ... Giờ đây chúng ta cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết và Phục Sinh, vậy để niềm tin Phục Sinh ngự trong lòng chúng ta.
Ca nhập lễ
Toàn thể đất nước hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngượi vinh quang danh Người, hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh - Alleluia.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã làm cho tâm hồn chúng con tươi trẻ lại, và chan chứa niềm vui vì được làm con Chúa. Xin cho chúng con hằng giữ mãi niềm vui Chúa ban, và nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển. Chúng con cầu xin...
Bài Ðọc I: Cv 2, 14. 22-28
"Không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong cõi chết".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: "Hỡi các người Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, hãy nghe những lời này: Ðức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Người đã bị nộp, và anh em đã dùng tay những kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Sau khi bẻ gãy xiềng xích tử thần, Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó. Vì chưng Ðavít đã nói về Người rằng: 'Tôi hằng chiêm ngưỡng Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi không nao núng. Vì thế, lòng tôi hân hoan, miệng lưỡi tôi hát mừng, và xác tôi yên nghỉ trong niềm cậy trông: vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Ðấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và cho tôi đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa'".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11
Ðáp: Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: "Ngài là chúa tể con, Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con".
Xướng: Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng.
Xướng: Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy sự hư nát.
Xướng: Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! - Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Pr 1, 17-21
"Anh em được cứu độ bằng Máu châu báu của Ðức Kitô, Con Chiên tinh tuyền".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, nếu anh em gọi Người là Cha, Ðấng không thiên vị ai khi xét đoán mỗi người theo việc họ làm, thì anh em hãy sống trong sự kính sợ suốt thời anh em còn lưu trên đất khách. Anh em biết rằng không phải bằng vàng bạc hay hư nát mà anh em đã được cứu chuộc khỏi nếp sống phù phiếm tổ truyền, nhưng bằng máu châu báu của Ðức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, không tì ố. Người đã được tiền định trước khi tác thành vũ trụ và được tỏ bày trong thời sau hết vì anh em. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Ðấng làm cho Người sống lại từ cõi chết, và ban vinh quang cho Người để anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa Giêsu, xin giải thích cho chúng con những lời Thánh Kinh; xin làm cho tâm hồn chúng con sốt sắng khi nghe Chúa nói với chúng con. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 24, 13-35
"Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: "Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?" Một người tên là Clêophas trả lời: "Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay". Chúa hỏi: "Việc gì thế?" Các ông thưa: "Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp".
Bấy giờ Người bảo họ: "Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?" Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn". Người liền vào với các ông.
Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: "Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?" Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: "Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon". Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Chúa Kitô Phục Sinh đang hiện diện giữa chúng ta khi chúng ta cử hành Lời Chúa và Thánh Thể. Kết hợp với Người chúng ta dâng lên Chúa Cha những lời cầu nguyện.
1. Nhờ được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Thánh Thể, xin cho Tin Mừng Phục Sinh thúc bách mọi người trong Hội Thánh, biết nhiệt thành loan báo Đức Giêsu Phục Sinh.
2. Xin cho Tin Mừng Phục Sinh trở nên nguồn sức mạnh cho những ai đang xây dựng sự hòa bình và hòa giải.
3. Xin cho Tin Mừng Phục Sinh trở nên nguồn an ủi và can đảm cho những ai đang thất vọng, sầu khổ, cô đơn và bệnh tật, để họ có thể vượt qua thử thách.
4. Xin cho Tin Mừng Phục Sinh giúp mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết đón tiếp những người xa lạ với tình người và bác ái.
Chủ tế: Lạy Chúa, khi chúng con thất vọng thì Chúa ủi an. Khi chúng con gặp thử thách thì Chúa nâng đỡ. Xin ở lại với chúng con trong chiều tối của cuộc lữ hành trần gian và dẫn đưa chúng con đến bình minh rực rỡ là vinh quang Phục Sinh của Con Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã ban cho Giáo Hội được niềm vui khôn tả; giờ đây xin vui lòng chấp nhận của lễ Giáo Hội đang hoan hỷ dâng lên và ban cho chúng con được hưởng nhờ hiệu quả là hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin...
Lời tiền tụng Phục Sinh
Ca hiệp lễ
Các môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu khi Người bẻ bánh - Alleluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin ghé mắt nhân từ nhìn đến chúng con là đoàn dân của Chúa. Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã cho tâm hồn chúng con được hoàn toàn đổi mới, xin cho cả thân xác yếu hèn của chúng con đây mai sau cũng được sống lại vinh hiển và hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin...
Suy niệm
Tìm gặp Chúa
Sưu tầm
Có hai chàng thanh niên là anh em ruột với nhau, nhưng sống rất khô khan nguội lạnh. Vào một buổi sáng, hai cậu lái xe xuống một dốc núi giữa lúc trời mưa tầm tã. Bỗng hai cậu gặp một cụ già, người ướt sũng đang khập khiễng bước đi. Hai cậu bèn dừng xe mời cụ lên. Thì ra ông cụ đang trên đường đi dự lễ tại một nhà thờ cách đó chừng 5 cây số. Vì trời còn mưa, nên hai cậu quyết định chờ để chở cụ về nhà. Một phần vì tò mò, hai cậu đã bước vào trong nhà thờ, thay vì ngồi ở ngoài xe. Và rồi một sự biến đổi đã xảy ra. Hai cậu quyết định làm lại cuộc đời và trở nên những con người đạo đức sốt sắng. Cụ già đã nói với hai cậu không phải bằng lời nhưng bằng một hành vi gương mẫu. Nhìn thấy cụ đi lễ trong buổi sáng mưa bão, tâm hồn các cậu đã bừng cháy lên. Và rồi trong lúc bẻ bánh nơi nhà thờ, hai cậu đã khám phá ra Chúa Giêsu mà hai cậu đã đánh mất.
Từ câu chuyện này chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng vừa nghe. Hai môn đệ trên đường Emmaus, đã từng có một thời bước theo Chúa. Các ông tin rằng Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến để thiết lập vương quốc. Thế nhưng, những giờ phút bão táp đã xảy đến. Mọi hy vọng, mọi mơ ước đã tan theo mây khói. Sau cái chết trên thập giá vào chiều ngày thứ Sáu tuần thánh, các ông đã bỏ mặc Ngài nơi nấm mồ cô quạnh và trở về với nếp sống trước kia. Chính trong bối cảnh này, các ông đã gặp người khách lạ trên đường đi Emmau. Các ông lắng nghe vị khách ấy, chăm chú nhìn vị khách ấy bẻ bánh và rồi một điều gì đó đã xảy ra khiến các ông xúc động: Vị khách ấy chính là Chúa Giêsu đang sống động trước mặt các ông.
Câu chuyện hai môn đệ đi Emmaus và câu chuyện hai chàng thanh niên trong buổi sáng mưa bão phải chăng cũng là câu chuyện của mỗi người chúng ta, bởi vì trong cuộc sống, chúng ta cũng đã từng gặp phải những giờ phút bão táp, khủng hoảng về đức tin. Thế rồi một ngày nào đó, chúng ta đã gặp được một người, có thể là một vĩ khách lạ, nhưng qua người này, chúng ta tìm lại được Chúa giữa lòng Giáo Hội trong nghi thức bẻ bánh. Để kết luận, chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa hãy cùng đi với chúng con trên vạn nẻo đường đời, như xưa Chúa đã cùng đi với hai môn đệ trên đường Emmaus, nhờ đó đức tin của chúng con sẽ được nâng đỡ và bản thân chúng con sẽ trở thành chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa.
Chúa Nhật III Phục Sinh – Năm A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 24, 13-35)
Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”. Chúa hỏi: “Việc gì thế?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”.
Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông.
Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
Suy niệm
Cứ mỗi lần mùa Phục Sinh trở về, người tín hữu được mời gọi nhìn lại niềm tin của mình vào một Đức Giêsu Kitô, Đấng được gọi là Con Thiên Chúa, đã chịu chết và nay Ngài đang sống giữa các cộng đoàn, trong mỗi gia đình và mỗi con người, thế nhưng, sự hiện diện đó có đủ thuyết phục để mỗi người chân nhận Ngài đã sống lại để đưa con người đi vào sự sống của Thiên Chúa và hướng con người đến một tương lai tự do trong ánh sáng của Tin Mừng phục sinh.
Trở lại với câu chuyện tác giả sách Tông Đồ Công Vụ kể, chúng ta thấy những con người chân lấm tay bùn ngày nào là các Tông Đồ, họ được Đức Giêsu chọn và gọi, cho họ sống bên cạnh Ngài. Các ông đã chứng kiến cái chết của Thầy mình, rồi trong nỗi sợ hãi tột cùng, Thầy đã xuất hiện, ban bình an của Chúa Cha cho họ. Nhận được món quà từ Đức Giêsu phục sinh, các Tông Đồ mạnh dạn, bước ra khỏi cánh cửa của sợ hãi, của nhát đảm, loan báo tin vui cho nhân loại. Thánh Phêrô đã cất tiếng với một niềm tin thật xác tín, với một con người thật mạnh mẽ, với một trái tim cảm thông và chia sẻ, thánh nhân lên tiếng: “Hỡi các người Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, hãy nghe những lời này: Ðức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết”. Từ một con người ban đầu với những định kiến về lề luật, với những quan niệm về người Thầy của mình, nay thánh nhân đã thay đổi cách nhìn về cuộc đời, về những giá trị của con người, về sự hiện diện của Thầy mình qua mầu nhiệm phục sinh. Các Tông Đồ đã chấp nhận để cho Chúa Thánh Thần thay đổi con người, thay đổi ý thức hệ, thay đổi luôn cả hình ảnh của Thầy trong tâm trí, để rồi các ông ra đi, có sự hiện diện gần gũi của Thầy bên cạnh, có sự bình an của Chúa Cha trong tâm hồn, và có sự hướng dẫn của Thánh Thần, Đấng là Chân Lý và là Sự Sống.
Trên hành trình loan báo Tin Mừng phục sinh, các Tông Đồ, đặc biệt là thánh Phêrô, luôn nhắc nhở mỗi tín hữu Kitô hãy ý thức về giá trị linh thánh của mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô, nhờ máu châu báu của Ngài, con người được cứu độ, được nhận vào gia đình của Thiên Chúa, do đó, mỗi người có trách nhiệm với ơn gọi đặc biệt đó của mình, đồng thời, giới thiệu cho tha nhân biết những giá trị của mầu nhiệm tình yêu đó, để họ được tham dự vào sự sống đời đời của Thiên Chúa. Thánh nhân đã khuyên nhủ các giáo đoàn ban đầu rằng: “Anh em biết rằng không phải bằng vàng bạc hay hư nát mà anh em đã được cứu chuộc khỏi nếp sống phù phiếm tổ truyền, nhưng bằng máu châu báu của Ðức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, không tì ố. Người đã được tiền định trước khi tác thành vũ trụ và được tỏ bày trong thời sau hết vì anh em. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Ðấng làm cho Người sống lại từ cõi chết, và ban vinh quang cho Người để anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa”. Vì được cứu chuộc bằng máu châu báu của Đức Kitô, nên mỗi người phải tái sinh cuộc đời của bản thân, phải đổi thay những định kiến, những suy nghĩ và những quan niệm sống không phù hợp với tinh thần của mầu nhiệm phục sinh nữa. Có cố gắng như thế, họ mới thực sự xứng đáng với ơn cứu chuộc mà Con Thiên Chúa đã dành cho con người.
Các bằng chứng về việc Chúa sống lại luôn là những điểm đến cho những người tin dựa vào để nói về biến cố đặc biệt đó, trong số các bằng chứng, câu chuyện hai môn đệ trên đường về quê Emmaus được coi là một dấu ấn khá quan trọng. Những bước chân nặng nề với một khối suy nghĩ truyền thống, những quan niệm cổ hủ về một Thiên Chúa quyền năng, đầy vinh quang, chưa được thay đổi, do đó, khi nghe nói về việc Thầy mình đã phục sinh, các ông không chấp nhận, các bà nghe Ngài gọi tên mình, đã nhận ra Ngài, các môn đệ khác nhận ra ngôi mộ trống và các đồ tẩm liệm còn đó, đã chấp nhận sự thật đó dù có chút hoài nghi, các môn đệ họp nhau trong nhà khi các cửa đều đóng kín, nhưng Thầy đã xuất hiện, đã cho xem các lỗ đinh, xem cạnh sườn, họ đã tin dù ban đầu có chút nghi ngờ đó là ma, còn các môn đệ này, đã để sẵn trong đầu mình, trong suy nghĩ về hình ảnh một Thiên Chúa nơi Thầy mình, đầy quyền năng, đầy sức mạnh của trời cao, đã cho kẻ chết sống lại, đã làm phép lạ hoá bánh nhiều, đã cho người què đi được và đã dẹp yên cả sóng biển. Vậy sao Thầy lại chấp nhận nằm lại trong nấm mồ lạnh, chấp nhận bị tiêu tan như bao người khác, suy nghĩ đó làm cho tâm trí các ông nặng trĩu: “Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”. Chúa hỏi: “Việc gì thế?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá”. Trước những chứng cứ như thế, hai ông chưa thể đón nhận nên từ bỏ cộng đoàn, từ bỏ anh em, trở về chốn cũ người xưa với những bước chân lê thê trong tâm trạng rối bời. Rối bời do chưa chấp nhận được sự thật, chưa chấp nhận được tin nóng vừa nhận được, để rồi hai ông mang trên mình nỗi buồn thất vọng vì Thầy đã chết, tất cả những kỳ vọng bấy lâu nay đã tan theo mây khói.
Sau khi trò chuyện với vị khách bộ hành, vị đó đã dùng chính Kinh Thánh, những gì hai ông đã biết, để giải thích về biến cố đang làm các ông sầu buồn. Nghe lời giải thích, hai ông dần bừng tỉnh, dần thấu hiểu nhưng chưa thực sự lột bỏ được những định kiến. Mãi tới lúc được chứng kiến cử chỉ bẻ bánh của người bộ hành, hai ông bừng tỉnh thực sự, bởi hai ông nhận ra cử chỉ đó quá quen thuộc, và thấp thoáng đâu đó, bóng dáng của Thầy mình đã bẻ bánh, đã trao tận tay cho mỗi người đồ đệ. Trái tim họ thổn thức, tâm hồn họ rạo rực, tinh thần như được đổi thay, lập tức họ chỗi dậy trở lại với anh em đang động viên nhau trong hoàn cảnh hiện tại.
Cộng góp mọi biến cố, mọi sự kiện liên quan đến biến cố Thầy đã sống lại, chúng ta có thể thấy tâm trạng của các môn đệ, của những người theo Chúa, họ có nhiều ký ức về một người họ yêu quý nhất là Thầy Chí Thánh, họ nghe Ngài dạy dỗ, nghe Ngài loan báo về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh rồi, nhưng họ chưa thể thay đổi suy nghĩ, thay đổi nhận thức hiện tại, dù lời Kinh Thánh họ đã đọc đều hướng về đó nhưng họ cũng chưa thể chấp nhận sự thật. Khi ánh sáng phục sinh qua tác động của Chúa Thánh Thần, giúp họ đổi thay suy nghĩ, đổi thay ý thức hệ về tôn giáo, về Thiên Chúa, về những gì lời Kinh Thánh đã tiên báo, và bên cạnh là những ký ức, những kỷ niệm những cử chỉ thân quen, tất cả cộng góp lại giúp họ chấp nhận sự thật là Thầy mình, Đức Giêsu Kitô, đã sống lại và đang ở bên cạnh họ trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố cuộc đời. Hai ông từ làng Emmaus sau khi được biến đổi, đã trở lại Giêrusalem với những bước chân vui mừng, nhanh nhẹn và đầy sức sống, để báo tin cho anh em, và hôm nay, trước biến cố phục sinh của Đức Giêsu Kitô trong đại lễ chúng ta vừa cử hành, mỗi người có chấp nhận đổi thay cách suy nghĩ của mình về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới này không, có chấp nhận sự hiện diện của một Đức Giêsu phục sinh trên mọi nẻo đường cuộc đời của mỗi người môn đệ của Ngài không? Để dùng chính cuộc đời của mình loan báo một Tin Mừng cứu độ, dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, cho nhân loại, tất cả tuỳ thuộc vào sự hoán đổi cuộc đời của mỗi người.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Ngài đã sống lại, đồng hành với các môn đệ trên mọi nẻo đường, Ngài đã mở đôi mắt, mở tâm hồn, mở trí khôn cho họ hiểu về biến cố phục sinh đó dưới ánh sáng của Tin Mừng, xin Ngài cũng mở đôi mắt chúng con, mở trái tim, mở tâm trí chúng con, để tất cả nhận ra khuôn mặt của Ngài trong thế giới, giữa cuộc đời. Chúa đã giúp họ nhận ra Chúa qua những dấu chỉ gần gũi, thân quen như là bẻ bánh, là gọi tên, là dấu đinh, là cạnh sườn, xin cho mỗi người nhận ra Chúa phục sinh qua những dấu chỉ thời đại, những dấu chỉ của Tin Mừng dọi chiếu, những dấu chỉ của cuộc đời, để chúng con tuyên xưng và loan báo Tin Mừng đó cho thế giới. Amen.
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
HÀNH TRÌNH EMMAU
(Chúa Nhật III Phục Sinh) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột
Câu chuyên hai môn đệ trên đường đi Emmau thường được biểu trưng hành trình đức tin của Kitô hữu. Nói đến hành trình đức tin của Kitô hữu thì chúng không thể không nói đến một hành vi thờ phượng đỉnh cao trong Phụng Vụ là các buổi cử hành Thánh Thể hay còn gọi là Thánh Lễ. Dõi theo chân hai môn đệ năm xưa, xin được chia sẻ đôi tâm tình.
1. Các cơn giông tố hay những thách đố của cuộc đời:
Hai môn đệ chán chường, mỏi mệt, rời Giêrusalem về quê cũ, Emmau. Thế là hết. Hết mọi hy vọng về một vương triều mới dưới sự lãnh đạo của Thầy Giêsu. Tất cả như vô vọng. Còn gì để mong khi xác Người đã nằm im bất động ngay trong huyệt lạnh. Một vài tin đồn khá giật gân từ miệng các phụ nữ. Ôi, phụ nữ! Ôi đàn bà! Thời nào chẳng vậy, từ không thành có cũng thường do các bà dựng nên. Chẳng còn lý do gì để lưu lại chốn kinh thành. Thôi đành về quê xưa, mang lại cảnh kiếp “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Hành trình đức tin Kitô hữu hôm nay và mọi thời, hẳn không thiếu những thì, những lúc, thấy mình chơi vơi, lạc hướng. Niềm tin đã nhiều lần chao đảo trước bao thử thách, cam go và cảnh hẩm hiu của số phận. Hình như Chúa bỏ tôi hay là Chúa có hiện hữu chăng? Nếu thực có Người và Người đang sống thì tình người sẽ không như thế và cuộc đời sẽ không như vậy. Bao ngang trái vẫn dẫy đầy. Người ngay gặp cảnh dữ, kẻ ác lại gặp vận may. Đâu phải là chuyện họa hiếm, mà trái lại, nó đang nhan nhản thật khó chối cãi. Đôi lần và đã nhiều lần, bản thân tôi và cả bậc thánh nhân như muốn buông xuôi. Cứ mặc dòng đời trôi. Người ta sao, mình vậy. Anh hùng làm gì cho thiệt thân. Sao lại phải vất vả bơi ngược dòng cho khác người?
2. Tình yêu luôn cần đó một lời mời:
Một đôi khi đến Nhà Thờ nghe Lời Chúa, nghe giảng dạy, lòng cũng nóng lên như hai môn đệ đi Emmmau ngày nào. Quyết tâm ăn năn: không thiếu. Quyết tâm thay đổi: có nhiều. Nhưng rồi, ra khỏi Nhà Thờ, về với cuộc sống đời thường thì đâu lại hoàn đấy. Ánh sáng của Lời Chúa vừa le lói: “có qua đau khổ mới đến vinh quang” chợt vụt tắt. Hết lưỡng lự lại phân vân và rồi không thắng nổi cái sức ì của kiếp nhân sinh.
Ta có ngờ đâu, như xưa với hai môn đệ đi Emmau, Chúa Kitô Phục Sinh mãi đang đồng hành bên ta. Không nhận ra Người cũng là điều dễ hiểu. Tại mắt đức tin ta mờ tối hay lòng ta đang nặng trĩu muôn sự đời? Dẫu gì đi nữa thì Người chẳng để ta đơn côi. “Thầy ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Người vẫn đang đồng hành với ta khi vui cũng như lúc buồn, lúc chán chường cũng như khi hân hoan vui sướng. Người đang đợi ta. Người đang chờ ta. Tình yêu luôn mở ngỏ với một lời mời.
3. Chuyện nghịch lý của tình yêu:
May thay, hai môn đệ đi Emmau đã mở lời nài ép người khách lạ vào quán trọ dùng bữa, qua đêm. Một nghĩa cử bình thường của tình nhân loại, thế thôi, nhưng cũng đủ thành duyên cớ để Chúa Kitô lưu lại cùng hai ngài và tái diễn các hành vi của Bữa Tiệc Thánh. Thiên Chúa chẳng hề bỏ qua một nghĩa cử nào của ta, dù là bé nhỏ, để bắt đầu một cuộc gặp gỡ. Này Ta đứng ngoài cửa mà gõ. Ai mở cửa thì Ta sẽ vào dùng bữa với họ (x. Kh 3,20).
Chuyện nghịch lý đã xảy ra. Khi chủ mời khách dự tiệc đời thì khách lại trao ban cho chủ lương thực bởi trời. Vị khách lạ cầm lấy bánh bẻ ra, trao cho hai môn đệ. Khách chủ đổi ngôi. Tình yêu quả thật kỳ diệu. Chính khi trao ban là lúc lãnh nhận. Càng chia sẻ thì càng có thêm nhiều. Nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh là một hạnh phúc không gì so sánh.
4. Tình yêu là để thông chia chứ không phải để độc chiếm:
Vừa nhận ra Thầy Chí Thánh, Thầy vụt biến mất. Hạnh phúc là điều cần phải dệt xây chứ không phải để hưởng thụ. Ai càng cố nắm giữ thì sẽ mất. Hiểu được điều này, hai môn đệ vội vàng trở về Giêrusalem ngay giữa đêm khuya báo tin cho anh em. Tình yêu, hạnh phúc thúc bách ta cần chia sẻ, dù lúc trời nắng nhẹ hay giữa đêm khuya lạnh giá. Gặp gỡ, hiệp thông với đấng Phục Sinh để rồi chia sẻ cho tha nhân những gì mình đã lãnh nhận.
Loan báo Tin Mừng là một hệ luận tất yếu của người đã nhận hồng ân, được cảm nhận Chúa Phục Sinh. Gian truân, bắt bớ, tù đày chẳng hề ngăn được bước chân các tông đồ, các môn đệ. Vừa được giải thoát khỏi tù ngục, các tông đồ đã lại hiên ngang rao giảng tại Đền Thờ (x.Cvtđ 5,17-26).
5. Thánh Lễ: một hành trình Emmau.
Người ta dễ dàng nhận ra bản trình thuật của Thánh Sử Luca về chuyện hai môn đệ đi làng Emmau được cấu trúc như tiến trình của Thánh Lễ gồm hai phần chính là Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể. Mỗi ngày đầu tuần tức là ngày Chúa Nhật, Kitô hữu tiên khởi quy tụ lại để họp mừng mầu nhiệm Chúa Phục Sinh. Truyền thống của Hội Thánh từ xưa đến nay đều mừng Chúa Phục Sinh trong ngày Chúa Nhật, kể cả trong các mùa đặc biệt như mùa Vọng và mùa Chay.
Thật đẹp thay cứ mỗi tuần chúng ta họp nhau ít là một lần vào ngày Chúa Nhật để dâng lên Chúa mọi bao vui buồn sướng khổ của đời ta. Không một ai là khách lạ trong buổi cử hành Thánh Thể. Không một ai đến Nhà Thờ ngày Chúa chỉ vì luật buộc. Và ước gì không một ai đến họp mừng Chúa Phục Sinh với đôi bàn tay trắng trơn, khi họ không thực sự tham dự mà chỉ xem Lễ cách bàng quan, chiếu lệ.
Dâng lên Chúa trọn cuộc sống buồn vui và bao trăn trở của mình để rồi lắng nghe Chúa nói qua phần Phụng Vụ Lời Chúa. Xin đừng quên phần diễn giải Lời Chúa của giám mục, linh mục hay của thầy phó tế trong Thánh Lễ là một phần của Phụng vụ Lời Chúa. Ước gì tất cả mọi người không chỉ nói với Chúa và nghe Chúa nói mà còn được kết hiệp với Chúa Kitô Phục Sinh trong Bí tích Thánh Thể. Và rồi cái gì đến sẽ phải đến. Những bước chân của chúng ta sau khi ra khỏi Nhà Thờ sẽ là những bước chân trong hân hoan, sẵn sàng chia sẻ niềm vui, chia sẻ hồng ân mình đã lãnh nhận. Mong sao cứ mỗi lần ra khỏi Thánh đường, lòng chúng ta lại rộng mở hơn xưa, cho kẻ lạ cũng như người thân, cho người đạo hạnh cũng như kẻ bất nhân bạc tình. Nếu được vậy thì đó là một trong những dấu chỉ nói lên rằng ta đã gặp gỡ Đấng Phục Sinh, Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân trần.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột