TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật -Lễ Thánh Gia Thất -Năm C

Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan (Lc 2, 41-52).
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật IV Thường Niên – Năm B

29/04/2021 08:40:36 |   1225

Chúa Nhật IV Thường Niên – Năm B



Mc 1,21-28

 

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con biết hết lòng thờ phượng Chúa, và thành tâm yêu mến mọi người. Chúng con cầu xin…

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Bài sách Đệ Nhị Luật hôm nay cho chúng ta thấy việc giáo huấn dân là cần thiết, và chính Thiên Chúa sẽ dùng những người đại diện Ngài để nói Lời của Ngài: “Ta sẽ đặt lời Ta vào miệng người”. Trong bài đọc hai Thánh Phaolô cũng khuyên nhủ những người có nhiệm vụ rao giảng, đừng để mình bận tâm với những việc trần thế, nhưng hãy trở nên những dụng cụ thiết yếu cho việc tông đồ. Bài Tin Mừng cho ta thấy Chúa Giêsu đã làm những phép lạ, và lời rao giảng của Người đầy uy quyền, đến nỗi ma quỉ cũng phải câm miệng. Trong tâm tình của những người loan báo Tin Vui, chúng ta hãy tham dự Thánh Lễ với lòng biết ơn và thống hối.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con biết hết lòng thờ phượng Chúa, và thành tâm yêu mến mọi người. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ðnl 18, 15-20

“Ta sẽ gầy dựng một tiên tri và Ta sẽ đặt lời Ta vào miệng người”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói với dân chúng rằng: “Chúa là Thiên Chúa các ngươi, sẽ gầy dựng giữa các ngươi và giữa những anh em các ngươi, một tiên tri như ta: các ngươi sẽ nghe lời người, như các nguơi đã xin cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi ở Horeb khi có cuộc đại hội, và các ngươi nói rằng: Tôi không muốn nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa tôi nữa, tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa, kẻo tôi phải chết. Và Chúa phán cùng tôi: sự họ đã nói, là tốt. Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi; Ta sẽ đặt vào miệng người những lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta sẽ truyền cho người. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Ta mà người sẽ nói nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử nó. Nhưng tiên tri nào tự phụ, nhân danh Ta mà nói lời Ta không truyền phải nói, hoặc nhân danh các thần khác mà nói, thì sẽ chết”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9.

Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các bạn đừng cứng lòng

Xướng: Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người.

Xướng: Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.

Xướng: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta”.

Bài Ðọc II: 1 Cr 7, 32-35

“Người nữ đồng trinh lo lắng việc Chúa, để nên thánh”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi ước mong anh em khỏi phải lo lắng. Người không có vợ thì lo lắng việc Chúa, và tìm cách làm đẹp lòng Chúa. Nhưng người đã có vợ thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng vợ mình, và họ bị chia xẻ. Cũng thế, người phụ nữ không có chồng và đồng trinh thì lo lắng việc Chúa, để nên thánh phần xác và phần hồn. Còn người phụ nữ đã có chồng thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng chồng mình. Tôi nói thế vì ích lợi cho anh em, chứ không phải để gài bẫy anh em đâu, nhưng là để hướng dẫn anh em đến đời sống đoan chính và hoàn toàn khắng khít với Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12

Alleluia, alleluia! – Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta; những ai đón nhận Người, Người sẽ ban cho quyền làm con cái Thiên Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 1, 21-28

“Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

(Ðến thành Capharnaum) ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Giữa cuộc đời chúng ta đang sống đầy bon chen này, có biết bao tiếng mời gọi ngọt ngào của thế gian, của các đam mê lạc thú bất chính, làm cho chúng ta có thể xa lìa Chúa. Vậy chúng ta hãy dâng lời nguyện xin :

1. “Ta sẽ gầy dựng một tiên tri và Ta sẽ đặt lời Ta vào miệng người”,- Xin cho quyền bính và sự thánh thiện của Hội Thánh luôn được tôn trọng, để lời giảng dạy đầy Thần Khí cùng đời sống gương mẫu của các Chủ chăn, thu phục được nhiều người sống trung thành và tin yêu Chúa.

2. “Tôi nói là vì ích lợi cho anh em”,- Xin cho mọi Kitô hữu biết tích cực tham gia vào sứ mệnh ngôn sứ của Đức Kitô qua cuộc sống, và đáp ứng những thao thức của con người thời đại, để dấn thân phục vụ anh em đồng loại.

3. “Có một người bị thần ô uế ám…” Xin cho các tội nhân ý thức tình trạng tội lỗi của mình là bị ma quỉ xích xiềng, để họ không phản kháng trước những lời khuyên dạy, nhưng biết khiêm tôn thực tâm trở về lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa.

4. “Hãy im đi và ra khỏi người này”.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta biết dùng sức mạnh Lời Chúa mà xua trừ những xu hướng xấu, để trở thành những công dân nhiệt thành và thánh thiện của Nước Trời.

Chủ tế:  Lạy Chúa, xin sự hiện diện đầy quyền năng của Chúa xua trừ sức mạnh của thần dữ nơi mỗi người chúng con, để chúng con được sống trong bầu khí thánh thiện, yêu thương, nhờ đó, đời sống của chúng con mang lại lợi ích cho phần rỗi cá nhân, và phần nào góp phần vào công cuộc cứu thế của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô …

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con xin kính cẩn dâng những lễ vật này lên bàn thờ Chúa để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa nhân từ chấp nhận và làm cho trở thành bí tích đem lại ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu độ tôi theo lượng từ bi của Chúa. Lạy Chúa, xin đừng để tôi phải hổ ngươi vì đã kêu cầu Chúa.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy lương thực cứu độ để nuôi dưỡng chúng con; xin Chúa dùng sức mạnh dồi dào của bí tích này làm cho đức tin chân chính được tiến triển luôn mãi. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Ma quỷ
(Sưu tầm)

Năm 1970, cuốn phim Quỷ Ám được trình chiếu và đã phá kỷ lục về số vé bán ra. Chuyện phim được xây dựng trên một trường hợp có thật của một cậu bé 14 tuổi, sống tại bang Maryland vào năm 1949. Tờ Newsweek đã mô tả như sau: Tranh ảnh, bàn ghế và cả chiếc giường của cậu bé đột nhiên di động. Về đêm cậu bé không thể nào chợp mắt. Sau khi được nhận vào bệnh viện trường đại học Geogetown cậu bé bắt đầu lâm râm trong miệng những lời nguyền rủa hung hãn bằng một thứ cổ ngữ. Cuối cùng cậu được trừ tà và được cứu thoát. Hiện nay cậu đang sinh sống tại thủ đô Washington. Một vị linh mục già trừ tà cho cậu đã hứa không bàn luận gì về việc này, nhưng ngài nhấn mạnh rằng kinh nghiệm ấy đã thực sự biến đổi cuộc đời mình.

Từ câu chuyện trên chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay. Với sự việc Chúa Giêsu xua trừ ma quỷ chúng ta sẽ đưa ra 2 câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất đó là nếu như Đức Kitô đã khai mạc vương quốc Thiên Chúa 2000 năm rồi, vậy tại sao đến hôm nay điều ác vẫn còn lan rộng, hay nói cách khác vương quốc của Satan vẫn còn tác oai tác quái? Dĩ nhiên câu trả lời sẽ như sau: Nước Thiên Chúa không đến tức khắc, nhưng là một bước tiến từ từ. Nó không phải là một biến cố chỉ xảy ra trong một lúc nào đó, mà là một chuyển biến liên tục suốt dọc dòng lịch sử. Ngài khai mạc vương quốc ấy, nhưng lại trao cho chúng ta hoàn tất. Đó là lý do tại sao trong kinh Lạy Cha chúng ta vốn kêu cầu: Xin cho Nước Cha trị đến. Đức Kitô đã gieo trồng, còn bổn phận của chúng ta là vun xới và chăm sóc để Nước Chúa được đâm bông kết trái.

Câu hỏi thứ hai được đưa ra đó là tại sao Nước ấy lại đến chậm như thế, hay nói cách khác tạo sao vương quốc của Satan lại lâu tàn lụi như vậy? Tôi xin thưa chỉ vì chúng ta đã không hoàn tất nhiệm vụ của mình một cách thoả đáng, đã không thực hiện những lệnh truyền của Chúa. Chẳng hạn có bao nhiêu người trong chúng ta đã thi hành giới luật yêu thương của Ngài. Sở dĩ chúng ta chưa yêu thương người khác, thậm chí cả những người thân yêu trong gia đình là vì chúng ta quá bận rộn với những công việc bên ngoài đến nỗi quên mất sự tuyệt vời của những người ấy. Vì chúng ta không biết dừng lại để nhìn ra được bản chất đích thực của họ, vốn là những tạo vật xinh đẹp, đáng được yêu thương, giống như chúng ta đã được chính Thiên Chúa yêu thương vậy.

Hãy sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương, nhờ đó Nước Chúa mỗi ngày một trị đến, đồng thời nhờ đó chúng ta đẩy lui được ảnh hưởng của quyền lực Satan.

Chúa nhật thứ 4 mùa thường niên
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 1, 21-28).
 
Ðến thành Capharnaum ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
 
Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.
 
Suy niệm
 
Con Thiên Chúa làm người đã thổi một luồng gió mới về đời sống tâm linh tới gia đình nhân loại, luồng gió mới đó đã làm thay đổi giá trị con người, thay đổi luôn nhận thức của con người về cuộc sống, về tương quan nhân vị, đặc biệt làm thay đổi ý nghĩa của hành động mà con người thực hiện hàng ngày. Chính ý nghĩa của hành động con người thực hiện mỗi ngày, đã đưa con người, hoặc đến gần với Thiên Chúa hơn nếu để cho ánh sáng và giá trị của Tin Mừng hướng dẫn, hoặc đến gần với thế giới bóng tối, thế giới của quỷ ma khi để cho những quan niệm thực dụng và sự ích kỷ cùng tham vọng lấn át chỗ đứng của ánh sáng tình yêu và những giá trị Tin Mừng. Tuần lễ thứ 4 mùa thường niên đưa người tín hữu Kitô đi tới chỗ phân định rõ ràng đâu là giá trị của sự thánh thiện mà con người cần thực hiện từ nhận thức tới thái độ sống, và đâu là sự khiếm khuyết của tội lỗi mà con người cần xa lánh và cảnh tỉnh trong đời sống và ơn gọi của mình.
 
Trong hành trình tiến về đất hứa, người Do-thái đang được vị lãnh tụ tinh thần là Môi-sen định hướng qua những chỉ dẫn về đời sống tâm linh, giúp họ nhận ra được giá trị của những hành vi nhân linh con người, tất cả đến từ Thiên Chúa. Những giá trị nhân linh đó được Thiên Chúa nói qua miệng của người trung gian giữa cộng đoàn, ai nghe và thay đổi cuộc sống, họ sẽ được Thiên Chúa ưu ái và yêu thương, ngược lại, ai không chấp nhận, họ sẽ không được gọi là con cái Thiên Chúa: “Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi; Ta sẽ đặt vào miệng người những lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta sẽ truyền cho người. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Ta mà người sẽ nói nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử nó”. Yêu thương là bản chất của Thiên Chúa, Ngài biểu lộ tình thương đó bằng việc cúi xuống, chăm sóc và đồng hành. Còn con người, đáp trả tình thương đó bằng việc đổi thay cuộc sống, từ nhận thức cho đến thái độ sống mỗi ngày. Thiên Chúa đợi chờ con người chỉ có đấy thôi, và đó là sự mong đợi của Ngài.
 
Qua từng giai đoạn lịch sử của nhân loại, dù là màu xanh của hy vọng hay màu xám của thất bại, Thiên Chúa vẫn bên cạnh họ và mong muốn họ đổi thay suy nghĩ, để họ nhận ra những giá trị của chân lý, của sự thật, của tình yêu. Tất cả những giá trị đó luôn đồng hành với mỗi ơn gọi của con người trong từng hoàn cảnh, lời của thánh Phaolo tông đồ trong lá thư gởi cộng đoàn Co-rin-to như là lời bộc bạch của Thiên Chúa gởi đến mỗi cộng đoàn, mỗi con người: “Anh em thân mến, tôi ước mong anh em khỏi phải lo lắng. Người không có vợ thì lo lắng việc Chúa, và tìm cách làm đẹp lòng Chúa. Nhưng người đã có vợ thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng vợ mình, và họ bị chia xẻ. Cũng thế, người phụ nữ không có chồng và đồng trinh thì lo lắng việc Chúa, để nên thánh phần xác và phần hồn. Còn người phụ nữ đã có chồng thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng chồng mình”. Trong hành trình đức tin của người tín hữu, mỗi ơn gọi có một ý nghĩa nội tâm sâu xa khác nhau, trong chiều sâu đó, Thiên Chúa muốn con người luôn gìn giữ và sống ơn gọi đó cách vẹn toàn. Sự thánh thiện của mỗi ơn gọi không thể đứng ngang hàng với những khiếm khuyết của tội lỗi, của tham vọng được, vì thế, khi con người đặt giá trị ơn gọi của mình trên nền tảng của Tin Mừng và chân lý tình yêu, đó là lúc con người đang nên thánh trong ơn gọi của mình, ngược lại, con người sẽ xa dần Thiên Chúa khi sống không đúng với chiều sâu nội tâm trong ơn gọi của mình.
 
Câu chuyện người bị thần ô uế ám đang ở giữa cộng đoàn và được Đức Giêsu chữa lành, Ngài đã yêu cầu chủ nhân sự dữ rời khỏi anh ta. Thần ô uế đã rời khỏi anh ta sau khi đã dằn vặt thân xác, hành hạ tâm hồn anh ta cách thảm hại: “Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy”. Bóng đen của tội lỗi đã tạo sự chia rẽ giữa các thành viên trong cộng đoàn, người bị thần ô uế ám dù có ở giữa cộng đoàn nhưng luôn bị xa lánh, luôn bị đối xử lạnh nhạt, đó cũng là dấu chỉ của sự thiện và cái ác đang len lỏi giữa cộng đoàn và ngay trong mỗi một người nói riêng. Cái ác luôn tìm cách phá hoại tình hiệp nhất và gây nên sự phân hóa trong đời sống tâm linh, cái tốt, điều thiện, ai cũng ước mong, vậy mà khi chọn lựa và thực hiện, họ đã để cho những giá trị của thế gian điều khiển và làm thay đổi giá trị con người, dù đang sống trong gia đình của Thiên Chúa là Giáo hội.
 
Sự dữ vẫn ẩn hiện giữa cộng đoàn, thậm chí ngay trong hội đường, nơi được coi là chỗ trung gian để con người gặp gỡ Thiên Chúa. Sự dữ vẫn đâu đó trong cuộc sống của con người nói chung và bên cạnh đời sống của các tín hữu Kitô đó, sự ẩn hiện bên cạnh đó đã tác động không ít vào mọi sinh hoạt, mọi nhận thức và thái độ sống của người tín hữu hôm nay. Cái thiện và sự ác vẫn tồn tại trong thế giới này, đặc biệt trong giai đoạn người ta đề cao chủ nghĩa thực dụng, người ta tôn vinh chủ nghĩa cá nhân, người ta quan tâm đến mọi hình thức bên ngoài theo xu hướng của thế gian. Ơn gọi là lời đáp trả của con người dành cho Thiên Chúa, họ bước vào hành trình đó để phục vụ Thiên Chúa qua tha nhân. Dù ý nghĩa tâm linh của mỗi ơn gọi rất đặc biệt, nhưng người sống ơn gọi đó chưa thể ra khỏi thế giới hạn hẹp của con người, mùi vị của ích kỷ và bóng đen của tham lam vẫn ẩn hiện đâu đó trong hành trình ơn gọi.
 
Để làm mới giá trị của mỗi ơn gọi và để cho ơn thánh của Thiên Chúa thẩm thấu vào tâm hồn người tín hữu, cần đến sức mạnh đến từ Thiên Chúa, đó là những giá trị của Tin Mừng, đó là những giá trị của tình yêu đích thực. Đức Giêsu đã xua đuổi thần ô uế ra khỏi con người bằng sức mạnh của Thiên Chúa chứ không phải bằng sức mạnh của thế gian, và nếu con người hôm nay đang khát vọng xua đuổi những giá trị làm cho mình ra ô uế, hãy tìm đến những giá trị của sự thật, của tình yêu, và của tình liên đới thiêng liêng. Để có thể trục xuất những ô uế trong suy nghĩ, trong nhận thức và ngay cả thái độ sống của bản thân, mỗi người sẽ thấy sự lộng hành của điều xấu, chúng dằn vặt tâm hồn và ý thức của con người, hành hạ con người, đòi hỏi con người đấu tranh và chọn lựa như thế nào. Đây là một bài học khởi đi từ những giá trị nhân bản Kitô giáo cho tới đời sống tâm linh. Chọn lựa điều tốt, ai cũng muốn, nhưng để chọn điều tốt hơn, cần có sự hy sinh, chấp nhận thua thiệt, thì đó là điều không ai muốn, chính lúc đó, sự dằn vặt lương tâm, yếu tố hơn thua sẽ  tác động trực tiếp đến nhận thức và thái độ sống của người tín hữu, khi một bên là sự tự do và bình an của Tin Mừng, và bên kia là được hưởng thụ, được trải nghiệm mọi nhu cầu, mọi thỏa mãn của thế giới bóng đêm.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến để thanh tẩy con người, giúp con người được chìm ngập trong sự thánh thiện của Thiên Chúa và trong sự ấm áp của tình người, xin giúp chúng con biết cố gắng cộng tác với Chúa, để thanh tẩy tâm hồn và suy nghĩ của mình, hầu trở nên một người con của Chúa. Chúa cũng gặp không ít khó khăn khi đối diện với cám dỗ, nhưng Chúa đã chiến thắng nhờ ánh sáng Tin Mừng, và chúng con hôm nay cũng vậy, xin giúp chúng con biết dựa vào ánh sáng của Tin Mừng, để vượt qua những cạm bẫy của thần dữ, để mai sau được Chúa đưa vào ngôi nhà tình yêu là Nước Trời. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây