TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

CN IX TN – Lễ Chúa Ba Ngôi

23/05/2021 06:44:04 |   955

Chúa Nhật IX Thường Niên – Năm B

Lễ Chúa Ba Ngôi


Mt 28,16-20


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Lễ Chúa Ba Ngôi

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm vô cùng siêu việt, thẳm sâu, chính Chúa Giêsu mạc khải, nhân loại mới có thể biết được. Con người không thể dùng lý trí, các phương tiện khoa học dầu thật hiện đại để khám phá, kiểm chứng, thấu hiểu. Muốn cảm nhận được mầu nhiệm ấy, con người phải trở về nội tâm của mình, đặt hết niềm tin vào Lời Thiên Chúa dạy bảo. Đó là cách tốt nhất để sống mầu nhiệm cao cả này. Nếu Ba Ngôi là kiểu mẫu của gia đình, thì mọi thành viên trong gia đình cũng phải yêu nhau bằng tình yêu trao ban, tình yêu tự hiến, tình yêu rộng mở đối với mọi người và biết tha thứ. Trong tâm tình đó, chúng ta cùng thành tâm thống hối.

Ca nhập lễ

Chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, vì Chúa đã tỏ lòng từ bi đối với chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa đã sai Con Một là Lời chân lý và sai Thánh Thần, Ðấng thánh hoá muôn loài đến trần gian mặc khải cho chúng con biết mầu nhiệm cao vời của Chúa. Xin cho chúng con hằng tuyên xưng đức tin chân thật là nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ðnl 4, 32-34. 39-40

Chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác“.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy tìm hiểu những thời xa xưa trước kia, từ khi Thiên Chúa tác thành con người trên mặt đất, từ chân trời này đến chân trời nọ, có bao giờ xảy ra một việc vĩ đại như thế này chăng? Có bao giờ người ta đã nghe thấy những việc lạ lùng như vậy chăng? Có bao giờ một dân tộc đã nghe lời Thiên Chúa từ trong lửa phán ra như các ngươi đã nghe mà còn sống chăng? Có bao giờ Chúa đã dùng sự thử thách, dấu chỉ, điềm lạ, chiến tranh, cánh tay quyền năng mạnh mẽ và những thị kiến khủng khiếp, để chọn lấy cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác, như Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã làm tất cả các điều đó trước mặt các ngươi trong đất Ai-cập chăng? Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác. Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy cho các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh phúc và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 4-5. 6 và 9. 18-19. 20 và 22

Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).

Xướng: Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Ngài làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa.

Xướng: Do lời Chúa mà trời xanh được tạo thành, và mọi cơ binh chúng đều do hơi thở miệng Ngài. Vì chính Ngài phán dạy mà chúng được tạo thành, chính Ngài ra lệnh mà chúng trở nên thực hữu.

Xướng: Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Xướng: Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

Bài Ðọc II: Rm 8, 14-17

“Anh em đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: Abba, lạy Cha!“.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, ai sống theo Thánh Thần Thiên Chúa, thì là con cái Thiên Chúa. Vì không phải anh em đã nhận tinh thần nô lệ trong sợ hãi nữa, nhưng đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: “Abba – lạy Cha!” Vì chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu là con cái, thì cũng là những người thừa tự, nghĩa là thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Ðức Kitô: vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Kh 1, 8

Alleluia, alleluia! – Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa, Ðấng đang có, đã có và sẽ đến. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 28, 16-20

Làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ sự: Anh chị em thân mến! Vì yêu thương, Thiên Chúa đã tác tạo nên vũ trụ vạn vật này. Vì yêu thương, Ngài đã cho con một của Ngài là Ngôi Lời Nhập Thể nơi trần gian để cứu chuộc nhân loại. Vì yêu thương, Chúa Thánh Thần đến để thánh hóa và ở lại với nhân loại. Tin tưởng vào tình yêu Chúa Ba Ngôi, chúng ta cùng nguyện cầu:

1. “Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác”. Xin cho các vị lãnh đạo trong Hội Thánh can đảm, hiên ngang lên tiếng loan báo cho thế giới, biết sự hiện diện của Thiên Chúa mà suy phục tôn thờ, như ông Moisen tuyên bố với dân Do Thái xưa.

2. “Không phải anh em đã nhận tinh thần nô lệ trong sợ hãi nữa, nhưng đã nhận tinh thần nghĩa tử”,- Xin cho mọi Kitô hữu biết quí trọng ơn được làm con Chúa, và luôn ra sức bảo tồn vinh dự ấy trong ơn sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi.

3. “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã dược ban cho Thầy”.- Xin cho mọi thụ tạo trong hoàn vũ, nhận ra uy quyền tối cao của Đấng Cứu Độ và an tâm sống dưới sự che chở của Người, hầu trật tự trong gia đình và ngoài xã hội luôn vững bền.

4. “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.— Xin cho giáo xứ chúng ta, được hân hoan vì biết rằng Chúa Giêsu luôn hiện diện và đồng hành với chúng ta, đặc biệt qua bí tích Thánh Thể, để đến tâm sự và cầu nguyện với Người.

Chủ sự: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vì yêu thương mà mạc khải cho chúng con mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Xin soi trí mở lòng chúng con thấu hiểu mầu nhiệm này, giúp chúng con cảm nhận tình Chúa vô biên, để chúng con luôn cố gắng giữ sao cho gia đình mình mãi mãi là cộng đồng của tình yêu Ba Ngôi, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, này chúng con kêu cầu danh thánh Chúa, cúi xin Chúa nhận lời cầu nguyện và thánh hoá lễ vật chúng con dâng. Nhờ lễ vật này xin biến đổi chúng con thành của lễ hoàn hảo đời đời dâng tiến Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo, và sinh ơn cứu độ cho chúng con.

Cùng với Con Một Chúa và Chúa Thánh Thần, Chúa là Thiên Chúa duy nhất, là Chúa Tể duy nhất, không phải trong một ngôi đơn độc nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể. Nhờ mặc khải Chúa ban, chúng con tin Chúa là Ðấng vinh hiển và chúng con cũng tin như thế về Con Chúa và Chúa Thánh Thần. Và khi tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa chân thật và hằng hữu, chúng con tôn thờ Ba Ngôi tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau. Vì thế, các Thiên thần và tổng lãnh Thiên thần ngợi khen Chúa và hàng ngày không ngớt lời ca tụng, đồng thanh tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Vì anh em được làm con cái, nên Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của Con Chúa vào tâm hồn chúng ta, mà kêu lên rằng: Abba, nghĩa là “Lạy Cha”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận, và lời chúng con tuyên xưng Chúa là một Chúa Ba Ngôi, đem lại cho hồn xác chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm
LỄ CHÚA BA NGÔI, NĂM B

LINH ĐẠO CỦA THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

(Dnl 4,32-34.39-40; Rm 8,14-17; Mt 28,16-20)
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

Ngay trước lúc Chúa Giêsu lên trời, Ngài đã khẳng định và truyền cho các môn đệ: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,18-19).

Hôm nay, Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi. Qua lễ này, Giáo Hội muốn cho con cái mình có dịp thuận tiện để xác tín mạng mẽ sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi đầy yêu thương trên cuộc đời của mình và trên nhân loại. Đồng thời, luôn sẵn sàng ra đi loan báo về mầu nhiệm tình yêu ấy cho nhân loại để mọi người nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa, vì:  “… trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa” (Đnl 4,39).

1. Ý nghĩa Lời Chúa

Bài đọc I trích sách Đệ Nhị Luật mà chúng ta vừa nghe đã khơi lên trong lòng dân Israel về một Vị Thiên Chúa luôn yêu thương con người cách trọn vẹn. Với Thiên Chúa, Người luôn coi dân Israel là một dân riêng, được hiến thánh, là thành phần ưu tuyển, để qua đó, Người thể hiện quyền năng và lòng yêu thương được thể hiện qua những kỳ công Người đã làm trên dân.

Vì thế, Môsê đã nhắc cho dân biết vị thế của họ trong trái tim Thiên Chúa rất đặc biệt, ông nói: “Có dân nào đã nghe tiếng Thiên Chúa phán bảo từ trong đám lửa như anh em đã nghe ?… Có Thiên Chúa nào đã chọn cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác bằng những dấu lạ, điềm thiêng… như Thiên Chúa của anh em, đã làm tại Ai Cập trước mắt anh em không?” (x. Đnl 4, 35 -40). Từ những diễn tả trên, Môsê mời gọi dân hãy trung thành giữ những lệnh truyền của Thiên Chúa vừa uy quyền, vừa yêu thương, nên chỉ tôn thờ một mình Người mà thôi.

Sang Bài Đọc II, thánh Phaolô mời gọi giáo đoàn Rôma hãy sống xứng đáng với vai trò của mình trong tâm thế của một người con trước Thiên Chúa là Cha Nhân Hậu chứ không phải trước một vị Thiên Chúa đáng sợ như dân ngoại. Hãy vui mừng vì được trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần và được diễm phước gọi Thiên Chúa là Cha: “Abba, Cha ơi”. Khi gọi Thiên Chúa là Cha, Dân Chúa thực sự trở thành những người con đích thực, nên được đồng thừa tự với Đức Giêsu. Chính vì điều này, mà Thiên Chúa và con người trở nên gần gũi hơn bao giờ hết!

Với bài Tin Mừng, thánh sử Mátthêu thuật lại cuộc hiện ra cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ, qua đó, Đấng Phục Sinh khẳng định quyền bính của Ngài khi nói: “Thầy đã được trao trọn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Đồng thời, Đức Giêsu truyền lệnh cho các môn đệ hãy đi loan báo Tin Mừng, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chiêu tập mọi người làm môn đệ để cho họ cũng được cảm nghiệm và sống trong tình thương của Thiên Chúa (x. Mt 28, 19-20).

2. Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi tràn ngập trong ta

Dưới ánh sáng Lời Chúa, tình yêu của Thiên Chúa trải dài qua muôn ngàn thế hệ, khiến chúng ta chỉ có thể thốt lên tâm tình tạ ơn.

Tạ ơn Chúa vì do tình thương mà ta được dựng nên theo hình ảnh của Người.

Tạ ơn Chúa vì ta được lãnh nhận Phép Rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, trở nên con Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha, trở thành dân của Thiên Chúa, là đền thờ Chúa Thánh Thần, được đồng thừa tự với Đức Giêsu.

Như vậy, Thiên Chúa luôn yêu ta bằng tình yêu tuyệt đối. Còn với chúng ta, chắc chắn không gì quý giá hơn khi một loài xác đất vật hèn, mỏng dòn yếu đuối, mà lại được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa, Đấng là Chủ Tể mọi loài mọi vật trên trời dưới đất.

Tuy nhiên, “Đấng không thể gọi tên, Đấng bất khả đạt thấu, Đấng là nền tảng mọi sự” ấy (x. Karl Rahner, Science as a Confession, 389) lại sẵn sàng cho chúng ta được tựa nương vào Người như con cái trong vòng tay yêu thương của người cha, như gà con được ở dưới bóng cánh mẹ hiền.

Như vậy, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu luôn luôn đi bước trước và mang tính trọn vẹn đến tuyệt đối như thánh Têrêsa Hài đồng đã cầu nguyện: “Lạy Chúa Ba Ngôi chí thánh, Chúa trở nên tù nhân bị giam hãm trong hồn con”.

Tất cả tình yêu ấy được chính Đức Giêsu mặc khải khi khẳng định như sau: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Còn với thánh Phaolô, ngài căn dặn: “Anh em lại không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần của Thiên Chúa ở trong anh em sao”?(1Cr 3,16-17 ; x. 6,19).

Thật hạnh phúc vô biên cho chúng ta khi có một Thiên Chúa đầy nhân hậu, từ bi, luôn sẵn sàng lắng nghe, hiểu thấu và hiện diện với ta, cùng ta và trong ta như vậy!

3. Sống và diễn tả tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người 

Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Thiên Chúa là Tình yêu”. Ai ở trong Thiên Chúa thì ở trong tình yêu. Nói cách khác: ai không biết yêu thì không phải là người thuộc về Thiên Chúa.

Vì thế, bổn phận của chúng ta là: yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết mình, hết trí khôn và sức lực.

Những hành động cụ thể diễn tả tình yêu của ta đối với Thiên Chúa, đó là:

Tin tưởng và phó thác mọi sự cho Thiên Chúa quan phòng. Luôn yêu mến và thực hành Lời Chúa dạy. Luôn tôn thờ Người là Chúa Tể mọi loài mọi vật, ngoài Người ra, không có chúa nào khác để chúng ta tôn thờ.

Cần tránh những thứ làm cho chúng ta xa Chúa như: tôn thờ tiền bạc. Chạy đua danh vọng. Ham mê lạc thú. Mê tín dị đoan….

Ngoài ra, yêu mến Thiên Chúa và tôn thờ Thiên Chúa còn là sống linh đạo của Người trong cuộc sống của chúng ta.

Linh đạo đó là linh đạo tình yêu và hiệp nhất.

Nếu Ba Ngôi Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta bằng tình yêu tuyệt đối, trọn vẹn, không phân biệt, không tính toán, thì đến lượt chúng ta, mỗi người cũng phải yêu mọi người như vậy, dù người đó là ai, sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh, văn hóa, truyền thống nào đi nữa, chúng ta vẫn luôn được mời gọi yêu và yêu hết mình như Thiên Chúa.

Nếu Thiên Chúa Ba Ngôi luôn kết hợp chặt chẽ với nhau trong công trình cứu chuộc con người, như lời cầu nguyện của Đức Giêsu đã mạc khải trong lời cầu nguyện của Ngài: xin Cha cho “mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta …” (Ga 17, 21), thì đến lượt chúng ta, mầu nhiệm này phải được coi là nền tảng, là căn cốt, là bản lề cho đời sống đức tin và là mẫu mực cho đời sống Kitô hữu nói chung, cho đời sống từng gia đình giữa vợ – chồng, con cái, hay cho mọi người trong cộng đoàn nói riêng.

Có thế, mầu nhiệm siêu phàm của Chúa Ba Ngôi mới thực sự trở nên sống động ngang qua hành động, lời nói, lựa chọn và cung cách sống của chúng ta.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin cho chúng con được thuộc trọn về Chúa. Luôn được sống trong tình yêu của Chúa và sẵn sàng làm sáng danh Chúa bằng đời sống hy sinh, yêu thương và hiệp nhất. Amen.
 

Chúa nhật IX thường niên - Chúa Ba Ngôi
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Bài Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 28, 16-20).
 
Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
 
Suy niệm
 
Lớn lên trong gia đình Giáo hội Công giáo, người tín hữu nào cũng được học hỏi về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm quan trọng trong các mầu nhiệm của đạo thánh. Từ mầu nhiệm này, người tín hữu luôn minh định niềm tin của mình hàng ngày, để hành trình đức tin của bản thân không bị lệch lạc, không bị tục hóa và cũng không rơi vào tình trạng mê tín hay cuồng tín. Chúa nhật thứ chín mùa thường niên được dành riêng để hướng về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, rồi từ đây trở lại với đời sống chứng nhân của mình, người tín hữu hơn ai hết hiểu rõ Thiên Chúa tôi đang tin thờ là vị Thiên Chúa nào, Ngài có ảnh hưởng gì đến cuộc đời mỗi người và chính bản thân, Ngài đến với tôi trước hay tôi đến với Ngài trước. Tất cả những vấn nạn này giúp người tín hữu có một niềm tin tinh tuyền và độc thần giữa một xã hội đa thần.
 
Sau khi tiếng kêu than từ đất Ai cập thấu tận trời xanh, Thiên Chúa đã cúi xuống, đem dân riêng Ngài ra khỏi kiếp nô lệ. Môi-sen người đã được trao sứ mạng dẫn đưa dân riêng của Thiên Chúa ra khỏi cảnh lầm than xứ người, đồng thời, ông cũng được trao sứ vụ củng cố niềm tin của cộng đoàn. Sống cảnh du mục đó đây trong sa mạc Si-nai, rồi bước vào vùng đất của người Ai-cập, dân Do-thái đối diện với một đời sống tôn giáo đa thần. Vì thế, khi được lên đường trở về đất hứa, trước khi đặt chân lên mảnh đất chảy sữa và mật, họ phải xác định lại niềm tin của mình là đa thần hay độc thần, bởi chỉ có một Gia-vê Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương và giải cứu họ: “Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác. Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy cho các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh phúc và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi”. Cả một hành trình dài của lịch sử dân riêng, niềm tin đa thần được thay thế bằng niềm tin độc thần, đây là một sự thay da đổi thịt từ bên trong lẫn bên ngoài, họ phải thay đổi khuôn mặt Gia-vê trong tâm trí họ, thay đổi quan niệm về một thần linh đặc biệt đã yêu thương và lắng nghe họ giữa cảnh tăm tối cuộc đời. Ngài còn đồng hành với họ trên từng bước chân cuộc đời. Tôi sẽ chọn Ngài là Gia-vê Thiên Chúa độc nhất để tôn thờ, hay chấp nhận nhiều thần ngoại bang khác, hiện diện trong cuộc đời và giúp cho đời sống hàng ngày của tôi hữu ích và tốt đẹp hơn?
 
Theo dòng lịch sử cứu độ, từ niềm tin đa thần, Gia-vê Thiên Chúa đã dùng chính con người như Môi-sen, các Tiên Tri, các Vua cùng những vị đại diện khác, uốn nắn đời sống tâm linh của cộng đoàn, đưa niềm tin đó đi vào quỹ đạo độc thần mà Thiên Chúa mong đợi. Khi Đức Giêsu nhập thể, Ngài vẫn minh định cụ thể là chỉ có Thiên Chúa duy nhất hiện diện ở trên trời chứ không có thần nào khác. Từ những tâm tình đó, thánh Phaolô đã hướng dẫn cho cộng đoàn giáo hội Roma hiểu rõ hơn về chiều sâu tâm linh của niềm tin đó, tất cả đều nhờ đến sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần: “Vì chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu là con cái, thì cũng là những người thừa tự, nghĩa là thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Ðức Kitô: vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người”. Khi đón nhận niềm tin đó dưới sự hướng dẫn của Ngôi Ba Thiên Chúa, con người mới khám phá vị thế của bản thân có một giá trị thiêng liêng và cao quý như thế nào trước mặt Thiên Chúa. Mối tương quan giữa con người với Đức Giêsu, người Con duy nhất của Thiên Chúa là một mối liên hệ thừa tự, là anh em với nhau cùng một Cha. Do đó, để có được một niềm tin độc thần, cần có thời gian và sự cố gắng rất nhiều từ Thiên Chúa và con người, Thiên Chúa kiên nhẫn đợi chờ và hướng dẫn bằng nhiều cách thế, con người cố gắng loại bỏ những gì không cần thiết, san định lại mối tương quan của bản thân với một Thiên Chúa duy nhất, từ đây, cuộc đời của các tín hữu sẽ đi theo quỹ đạo mới, quỹ đạo của tình yêu và gia đình.
 
Trước khi về trời, Đức Giêsu mong muốn mọi người chân nhận địa vị làm con của mình trong gia đình của Thiên Chúa, Ngài mời các Tông đồ, các môn đệ lên đường loan báo niềm vui đó, đón nhận niềm vui đó bằng việc lãnh nhận phép rửa, họ sẽ chính thức được gọi là con cái Thiên Chúa: “Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Để có được một niềm tin độc đáo ấy, cần có những khoảng lặng để phân định niềm tin và quan niệm sống của các tín hữu. Là Do-thái hay dân ngoại, chấp nhận một Thiên Chúa duy nhất không là một điều đơn giản nhưng là một quá trình thanh luyện. Niềm tin đó đến từ Thiên Chúa và đi trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, đó mới thực là niềm tin đưa con người đi vào ngôi nhà của Chúa Cha, đưa con người đi vào gia đình thiêng liêng là Giáo hội, đưa con người đi vào mối tương quan anh chị em có cùng một Cha chung trên trời.
 
Phép rửa được cử hành nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ đưa con người đi vào gia đình Ngài. Để có được niềm tin độc thần, Thiên Chúa đã chấp nhận những khiếm khuyết ban đầu của con người trong niềm tin đa thần, Ngài đã hướng dẫn họ bằng tình thương, bằng đời sống phụng tự, bằng đôi tay bảo vệ và chăm sóc từng ngày. Hình ảnh người cha chăm sóc và bảo vệ cho đứa con mỗi ngày là một hình ảnh làm hiển lộ tâm tình Thiên Chúa chăm sóc và đồng hành với con người. Bản tính của Thiên Chúa chỉ là một từ muôn đời và cho đến muôn đời, nhưng để khám phá tình yêu Thiên Chúa với những thái độ cúi xuống, con người đã dùng những khái niệm cụ thể về ngôi vị, để làm sáng tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử con người. Nhiều lúc có sự lẫn lộn giữa bản tính của Thiên Chúa và ngôi vị, dẫn đến những niềm tin lệch lạc kèm theo cách sống đạo thiếu chuẩn mực. mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi có từ đời đời và trường cửu, chỉ tiếc là cách suy nghĩ, cách diễn đạt và áp dụng vào cuộc sống của các tín hữu có đổi thay theo từng giai đoạn lịch sử. Mừng lễ Chúa Ba Ngôi là cơ hội để các tín hữu Kitô xác định lại niềm tin của mình là đa thần hay độc thần, tin vào một Thiên Chúa duy nhất hay còn nhiều thần linh khác ẩn hiện trong dòng đời?
 
Chúng ta trách dân Do-thái bất tín khi dám đúc bò vàng để tôn thờ và coi đó là thần cứu mạng của họ, chúng ta trách họ dám bỏ Thiên Chúa khi đã định cư trong đất hứa, để rồi đi tìm các thần linh ngoại bang chung quanh. Chúng ta còn trách họ nhiều lần phản bội Thiên Chúa trong niềm tin, đúng sai sẽ không bàn tới nơi đây nhưng người tín hữu hôm nay có mạnh dạn tuyên tín rằng niềm tin của tôi là niềm tin độc thần không, tôi chỉ tin thờ một Thiên Chúa duy nhất mà thôi, bởi bên cạnh mỗi người và trong dòng đời, còn có những vị thần khác như thần Quyền bính; thần Tiền bạc; thần Xác thịt và bao vị thần khác đang hiển hiện đó đây. Chắc không thiếu những lần chúng ta đã vô tình chọn những vị thần đó và đặt vào chổ của Thiên Chúa trong trái tim và cuộc đời của mình rồi, đó là thái độ sống đơn sơ, chân thành hay có những tính toán theo kiểu thế gian? có lúc nào khuôn mặt Thiên Chúa chúng ta tin thờ được thay thế bằng một khuôn mặt Thiên Chúa do con người nhào nắn lên chăng? Đời sống ơn gọi nào, hoàn cảnh sống nào cũng khó tránh khỏi cám dỗ này, bởi chủ nghĩa cá nhân thực dụng và hấp lực của thế gian đang tác động trực tiếp vào niềm tin mong manh của người tín hữu Kitô.
 
Lạy Chúa Giêsu, khi làm người như chúng con, Chúa đã đối diện với muôn vàn cám dỗ như chúng con hôm nay, nhưng Chúa đã chiến thắng, bởi Ngài luôn cầu nguyện và thi hành ý của Cha trên trời, xin giúp chúng con biết chăm chỉ cầu nguyện để biết thánh ý Cha muốn con làm gì và làm như thế nào đúng với ý Cha. Chúa đã vượt qua những cơn cám dỗ lớn bằng sức mạnh của Lời Chúa, xin soi sáng cho chúng con biết đọc và học hỏi Lời Chúa nhiều hơn, để sức mạnh siêu nhiên của Lời Chúa đưa chúng con ra khỏi thế giới của bóng tối, đi vào thế giới của ánh sáng tình yêu. Tất cả để cho niềm tin của chúng con nên tinh ròng và hoàn thiện hơn trong cuộc đời. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật IX Thường Niên – Năm B

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương tôi, vì tôi cô đơn và thân tôi đau khổ. Xin Chúa nhìn xem cảnh lầm than khốn khổ của tôi, và tha thứ hết mọi tội lỗi cho tôi.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến!  Phụng vụ Lời Chúa trong Chúa Nhật IX năm B này, Hội Thánh muốn nhắc nhở con cái hãy tuân giữ ngày lễ nghỉ để làm việc tôn vinh Chúa. Như trong sách Đệ Nhị Luật Thiên Chúa nói : “Ngày thứ bảy là ngày Sabbat, ngày dành cho Chúa là Thiên Chúa ngươi”.

Ngoài việc tôn thờ Chúa, người ta còn lo làm việc bác ái, cứu vớt tha nhân, những người cùng khổ về tinh thần cũng như vật chất. Ngày dành cho Chúa nhưng đừng cứng ngắc, nệ vào luật mà đóng lòng lại trước anh chị em đang lâm cảnh túng thiếu bần cùng.

Để sống được như lời Chúa dạy không phải dễ, vì chúng ta mỏng dòn như chiếc bình sành, phải cậy nhờ ơn Chúa. Vì thế, khi làm được việc gì thì hãy biết rằng đó là do ơn Chúa ban, nên hãy cất lời ca ngợi Thiên Chúa và reo vui lên mừng Người.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa quan phòng mọi sự và an bài thật khôn ngoan, tất cả đều xảy ra như Chúa muốn; xin đẩy xa những gì nguy hại và rộng ban muôn điều lợi ích cho chúng con. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Đnl  5, 12-15

“Ngươi hãy nhớ rằng ngươi đã làm nô lệ bên Ai-cập”.

Trích sách Đệ Nhị Luật.

Đây Chúa phán: “Ngươi hãy giữ ngày Sabbat, để thánh hoá ngày ấy như Chúa là Thiên Chúa ngươi đã truyền dạy. Ngươi sẽ làm việc và hoàn tất các công việc của ngươi trong sáu ngày. Ngày thứ bảy là ngày Sabbat, ngày dành cho Chúa là Thiên Chúa ngươi. Trong ngày ấy, ngươi, cả con trai, con gái, tớ trai, tớ gái, bò lừa, các súc vật và cả khách trọ nhà ngươi, không được làm việc gì, để tớ trai, tớ gái cũng được nghỉ ngơi như ngươi. Ngươi hãy nhớ rằng ngươi đã làm nô lệ bên Ai-cập, và Chúa là Thiên Chúa ngươi đã dùng bàn tay mạnh cánh tay hùng dẫn dắt ngươi ra khỏi đó. Vì thế, Người đã truyền dạy ngươi phải giữ ngày Sabbat!”  Đó là lời Chúa.

Đáp ca:  Tv 80, 3-4. 5-6ab. 6c-8a. 10-11ab

Đáp: Hãy reo mừng Thiên Chúa là Đấng phù trợ chúng ta (c. 2a).

Xướng: Hãy hoà nhạc và đánh trống râm ran, dạo đàn cầm êm ái với thất huyền. Hãy rúc tù và lên mừng ngày trăng mới, trong buổi trăng rÄm, ngày đại lễ của chúng ta. 

Xướng: Vì đó là điều đã thiết lập cho Israel, đó là huấn lệnh của Thiên Chúa nhà Giacóp. Người đã đặt ra luật này cho nhà Giuse khi họ cất gót lên đường lìa xa Ai-cập. 

Xướng: Tôi đã nghe lời nói mới lạ rÄng: “Ta đã cứu vai ngươi khỏi mang gánh nặng, tay ngươi không còn phải mang thúng mủng. Trong cảnh gian truân ngươi cầu cứu và Ta giải thoát ngươi”. 

Xướng: Ở nơi ngươi đừng có một chúa tể nào khác cả, ngươi cũng đừng thờ tự một chúa tể ngoại lai: vì Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ta đã đưa ngươi ra ngoài Ai-cập.  

Bài đọc II:  2 Cr 4, 6-11

“Sự sống của Đức Giêsu được tỏ hiện trong thân xác chúng ta”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Thiên Chúa là Đấng đã khiến cho ánh sáng bừng lên trong bóng tối, thì cũng chính Người chiếu soi trong lòng chúng ta, để ban cho chúng ta sự hiểu biết vinh quang Thiên Chúa hiển hiện trên gương mặt Đức Giêsu Kitô. Nhưng chúng ta chứa đựng kho tàng ấy trong những bình sành để biết rằng quyền lực vô song đó là của Thiên Chúa, chứ không phải phát xuất tự chúng ta. Chúng ta chịu khổ cực tư bề, nhưng không bị đè bẹp; chúng ta phải long đong, nhưng không tuyệt vọng; chúng ta bị bắt bớ, nhưng không bị bỏ rơi, bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Bởi vì chúng ta luôn mang trên thân xác mình sự chết của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu được tỏ hiện nơi thân xác chúng ta. Vì chưng, mặc dầu đang sống, nhưng vì Đức Giêsu, chúng ta luôn luôn nộp mình chịu chết, để sự sống của Đức Giêsu được tỏ hiện trong thân xác hay chết của chúng ta.  Đó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! – Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. – Alleluia.

Phúc âm:  Mc 2, 23-28   hoặc 2, 23  – 3, 6

“Con Người cũng làm chủ cả ngày sabbat”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: “Kìa Thầy xem. Tại sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?” Người trả lời rằng: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Đavít đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào đền thờ Chúa thời thượng tế Abiata thế nào, đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?” Và Người bảo họ rằng: “Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat”.

Người lại vào hội đường, và ở đó có người khô bại một tay. Và họ rình xem Người có chữa người đó trong ngày Sabbat không, để có thể tố cáo Người. Người bảo kẻ có tay khô bại rằng: “Hãy đứng lên trước mặt mọi người”. Rồi Người hỏi họ: “Ngày Sabbat, có được phép làm sự lành hơn là làm sự dữ không? Có được phép cứu sống hơn là giết đi không? Nhưng ai nấy đều thinh lặng. Bấy giờ Chúa Giêsu thịnh nộ, và buồn sầu đưa mắt nhìn họ hết một lượt, vì lòng họ chai đá, Người bảo người kia rằng: “Anh hãy giơ thẳng tay ra”. Người đó liền giơ thẳng tay và tay được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người. 

Đó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Ngày lễ nghỉ của chúng ta hôm nay, chúng ta thường lo vui chơi thể xác, mà quên đi công việc chính là tôn thờ Thiên Chúa và phục vụ Ngài qua tha nhân. Giờ đây chúng ta hãy cầu xin để có thể thi hành được giới luật của Chúa:

1. “Chúa là Thiên Chúa ngươi đã dùng bàn tay mạnh, cánh tay hùng dẫn dắt ngươi”.- Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa luôn sống trong sự thánh thiện, khôn ngoan, để mọi người nhận ra sự sống của Chúa đang hành động nơi các ngài. Nhờ đó, công việc mục vụ của các ngài đem lại nhiều kết quả tốt đẹp.

2. “Để sự sống của Đức Giêsu được tỏ hiện trong thân xác hay chết của chúng ta”.- Xin cho các Kitô hữu ý thức mình được thoát khỏi cảnh nô lệ tội lỗi nhờ Bí tích Thánh Tẩy, mà luôn duy trì sự sống của Người trong mọi hành vi ngôn ngữ.

3. “Ngày Sabbat làm ra vì loài người”,- Xin cho các nhà cầm quyền biết tôn trọng ngày lễ nghỉ, để mỗi người công dân có thời gian thư giãn mà thi hành bổn phận tâm linh của mình.

4. “Có được phép cứu sống hay là giết đi không?”.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta biết chấp nhận đau khổ trong cuộc sống, để nhờ những hi sinh đó sự sống Thần Linh sẽ lớn lên trong chúng ta mỗi ngày một hơn.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn thực thi ý Chúa bằng lòng yêu mến chân thành, đừng để chúng con rơi vào hình trạng giữ luật vì hình thức hay khoe khoang. Nhờ đó chúng con sẽ trở nên con cái Chúa thực sự. Chúng con cầu

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, tin tưởng vào lòng Chúa từ bi nhân hậu, chúng con cùng đến đây thành kính dâng của lễ lên bàn thờ, và tha thiết nguyện cầu Chúa ban ơn cho chúng con được thanh tẩy nhờ thánh lễ chúng con cử hành. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Chúa, bởi Chúa nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, và xin nghe rõ tiếng tôi.

Hoặc đọc:

Chúa Phán: “Thầy bảo thật các con: tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được điều đó.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa nhân từ, Chúa đã cho chúng con dự tiệc Thánh Thể; xin ban Thánh Thần xuống hướng dẫn chúng con, để chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng lời nói cũng như việc làm hầu đáng được hưởng vinh quang thiên quốc. Chúng con cầu xin...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây