TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”. (Ga 20, 19-23)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật Lễ Thánh Gia - Năm A

02/06/2021 02:49:55 |   854

 

Nghe MP3: 

 

 

Ca nhập lễ

Các mục đồng hối hả ra đi, tới nơi họ gặp thấy bà Ma-ri-a cùng với ông Giu-se, và gặp thấy Hài Nhi đặt trong máng cỏ.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Chủ đích của phụng vụ là muốn dành Chúa Nhật này để nói về gia đình, nên bài Đức Huấn Ca 3,3-7.14-17 cho thấy phúc lành sẽ đổ xuống trên người con, nếu biết tôn kính, phụng dưỡng cha mẹ, và bài đọc II trích trong thư gửi tín hữu Côlôsê, Thánh Phaolô tông đồ cũng đề cập tới bổn phận của người cha, người mẹ trong gia đình, phải sống như thế nào để có sự hòa thuận, yêu thương. Còn bài Tin Mừng Thánh Sử Matthêu cho thấy Thánh Giuse và Đức Maria nhận ra sứ mạng của Chúa Giêsu, và hai Ngài đã cộng tác vào sứ mạng ấy. Cũng vậy bổn phận cha mẹ là phải nhận ra ơn gọi, sứ mạng của con cái mà giúp chúng hoàn thành.

Xin mời tất cả các gia đình tham dự trong Thánh Lễ này hãy thành tâm thống hôi để sốt sáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã muốn đề cao Thánh Gia như tấm gương xán lạn để mọi người bắt chước. Xin làm cho chúng con cũng biết noi gương để ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời. Chúng con cầu xin...

 Bài Ðọc I: Hc 3, 3-7. 14-17a

"Ai kính sợ Chúa, thì thảo kính cha mẹ".

Trích sách Huấn Ca.

Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ.

Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5

Ðáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người (x. c. 1).

Xướng: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. 

Xướng: Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như những chồi non của khóm ô-liu ở chung quanh bàn ăn của bạn. Ðó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Ðức Thiên Chúa. 

Xướng: Nguyện xin Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem hết mọi ngày trong đời sống của bạn, và để bạn nhìn thấy lũ cháu đoàn con! 

Bài Ðọc II: Cl 3, 12-21

"Về đời sống gia đình trong Chúa".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.

Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Cl 3, 15a. 16a

Alleluia, alleluia! - Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 2, 13-15. 19-23

"Hãy đem Con Trẻ và mẹ Người trốn sang Ai-cập".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi các đạo sĩ đã đi rồi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: "Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người". Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrôđê băng hà, hầu làm cho trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: "Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập".

Bấy giờ Hêrôđê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe những tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.

Khi Hêrôđê băng hà, thì đây thiên thần Chúa hiện ra cùng Giuse trong giấc mơ bên Ai-cập và bảo: "Hãy chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm hại mạng sống Người đã chết". Ông liền chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel. Nhưng nghe rằng Arkhêlao làm vua xứ Giuđa thay cho Hêrôđê là cha mình, thì Giuse sợ không dám về đó. Ðược báo trong giấc mộng, ông lánh sang địa phận xứ Galilêa, và lập cư trong thành gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua các tiên tri rằng: "Người sẽ được gọi là Nadarêô".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Hiện trạng xã hội ta đang sống, còn biết bao gia đình tan vỡ, trẻ em bị bỏ rơi, tệ nạn xã hội, sự khủng bố và chiến tranh đang diễn ra trên thế giới. Nguyên do từ sự bất bình an trong tâm hồn, sự chia rẽ trong gia đình. Vậy tất cả chúng ta hãy hiệp lời cầu xin để Thiên Chúa thánh hóa các gia đình:

1. “Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái” - Xin cho các vị Chủ chăn biết yêu thương tha thứ, biết cầu nguyện và phục vụ để nhiều người nhận ra Chúa nơi các ngài mà trở về đàn chiên.

2. “Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em’’. Xin cho các Kitô hữu biết làm tròn bổn phận Chúa trao phó, biết thánh hóa gia đình mình để mọi người sống đẹp lòng Chúa hơn.

3. “Anh em hãy mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu ...tha thứ cho nhau” - Xin cho các phần tử trong gia đình biết quan tâm đến nhau để gia đình thực sự là nơi phát sinh nguồn yêu thương và là tổ ấm cho con cái.

4. “Hãy chỗi dậy đem con trẻ về Nagiareth”,- Xin cho các gia trưởng biết coi nhẹ cái tôi của mình để quan tâm đến hạnh phúc gia đình, cho các bà mẹ luôn tỏ ra dễ thương, dịu dàng và hi sinh cho chồng con, cho con cái biết kính trọng và vâng phục cha mẹ để gia đình trở thành gia đình Nagiareth khác.

Chủ tế: Lạy Cha, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu, xin cho mọi gia đình biết đặt Thánh Ý Chúa làm nền tảng cho đời sống. Nhờ đó, gia đình chúng con sẽ làm chứng về sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa Ba Ngôi. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng của lễ đền tạ này lên trước Tôn Nhan: vì lời Thánh Mẫu Ðồng Trinh và thánh cả Giuse cầu thay nguyện giúp, xin Chúa làm cho mọi gia đình chúng con được sống vững vàng trong ơn nghĩa Chúa và được luôn trên thuận dưới hoà. Chúng con cầu xin...

Lời tiền tụng Giáng Sinh

Ca hiệp lễ

Thiên Chúa đã xuất hiện trên mặt đất và sống giữa loài người chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Cha nhân từ, Cha đã nuôi dưỡng chúng con nơi bàn tiệc Thánh Thể, xin cho chúng con hằng biết noi gương Thánh Gia Thất, để sau đời khổ ải, được cùng Chúa Giêsu Kitô, Ðức Mẹ và thánh cả Giuse hưởng vinh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin...
 

Suy niệm

Những nhân vật
Sưu tầm

Giờ đây chúng ta cùng nhau dừng lại để tìm hiểu về những nhân vật qua đoạn Tin Mừng vừa nghe.

Trước hết là Chúa Giêsu

Từ thuở thơ ấu, ngay cả khi chưa nói được, Chúa Giêsu đã hoàn tất các lời Thánh Kinh. Hôm nay Ngài thực hiện lời hứa đã được ban cho Đaniel, Malakia và nhiều tiên tri khác. Hôm nay trong con người hài nhi Chúa Giêsu, chính Thiên Chúa trở lại cung thánh đã bị bỏ phế của Ngài. Dù tội của Israel có thế nào chăng nữa, Thiên Chúa vẫn trung thành với lời mình đã hứa. Sự bất trung của Israel chỉ làm trì hoãn việc thực hiện các lời hứa ấy chứ không thể huỷ bỏ chúng được.

Trong cuộc đời chúng ta cũng thế. Ngày chúng ta được rửa tội, Thiên Chúa đã nhận chúng ta làm nghĩa tử. Mặc dù chúng ta có lắm bất trung, Ngài vẫn không khi nào ruồng rẫy. Mặc dù chúng ta có xua đuổi Ngài ra khỏi cung lòng chúng ta, Ngài vẫn tìm mọi cách giúp đỡ chúng ta ăn năn sám hối. Hôm nay, chúng ta hãy mở rộng cung thánh tâm hồn chúng ta cho Ngài, hãy mời Ngài đến ở mãi trong cuộc đời chúng ta, để rồi chúng ta sẽ trở nên ánh sáng chiếu soi cho những người chúng ta gặp gỡ trên vạn nẻo đường đời.

Tiếp đến là Maria và Giuse

Các Ngài đã chấp nhận chu toàn mọi lề luật. Các Ngài vâng phục đến độ còn thi hành thói quen đạo đức là trình dâng con trai đầu lòng tại đền thánh, một điều luật không đòi hỏi. Sở dĩ các Ngài đã đi quá lề luật như thế là vì các Ngài đã tuân phục với tình yêu chứ không vì sợ hãi. Riêng Mẹ Maria là thụ tạo tinh tuyền nhất của nhân loại, đã khiêm tốn chấp hành nghi thức thanh tẩy. Phần chúng ta là những kẻ bị tội lỗi làm cho trở nên xấu xa, chúng ta hãy khiêm tốn lãnh nhận bí tích Cáo giải để tâm hồn được thanh tẩy.

Sau khi nghe ông già Simêon nói về hài nhi Giêsu, hai ông bà đã ngạc nhiên. Sở dĩ như vậy vì các ngài chưa hoàn toàn thấu triệt mầu nhiệm sâu xa che phủ trên Con mình. Dù được sống thân mật với Chúa Giêsu, các ngài vẫn phải tiến tới trong đức tin. Nhưng đức tin các ngài luôn được đào sâu, vì các ngài suy gẫm trong lòng. Đối với chúng ta, cũng chẳng có gì lạ, nếu chúng ta không hiểu hết được những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Dù qua hai mươi thế kỷ, Giáo Hội vẫn luôn tiếp tục đào sâu mầu nhiệm Đức Kitô. Nơi Đức Kitô, đức tin của chúng ta cũng phải triển nở và lớn lên trong sức mạnh và ơn sủng. Đức tin của chúng ta chính là sự tăng trưởng liên tục của Đức Kitô trong tâm hồn chúng ta.

Sau hết là ông Simêon và bà Anna

Chúa Thánh Thần đã ở trên ông Simêon, mạc khải cho ông biết Đấng Messia trước khi qua đời, thúc đẩy ông vào đền thờ chờ đón Hài Nhi Giêsu đến. Đối với chúng ta cũng vậy, chúng ta có thể sống dưới sự hoạt động của Chúa Thánh Thần cách thường xuyên, nếu chúng ta ở trong ơn nghĩa và biết chăm chỉ tuân theo những thúc đẩy bên trong của Ngài. Chúa Thánh Thần cũng có thể trở nên trong chúng ta một nguồn ánh sáng giúp chúng ta hiểu rõ hơn đức tin và bổn phận của chúng ta. Ngài đem đến một nguồn sức mạnh thiêng liêng giúp chúng ta can đảm sống đời sống chứng nhân cho Thiên Chúa.

Simêon và Anna đã suốt đời chờ mong Đức Kitô. Với chúng ta họ là những tấm gương hy vọng và trung tín. Lòng trung tín của họ đã được ân thưởng. Họ đã được niềm vui bồng ẵm trên tay ánh sáng dân ngoại, vinh quang Israel, là chính Chúa Giêsu. Trong mùa Giáng sinh này, chúng ta cũng hãy chuẩn bị và đón nhận hồng ân Thiên Chúa trong sự trung tín đợi chờ và đón nhận nó với tất cả tâm tình biết ơn ơn Simêon và Anna ngày xưa.

Lễ Thánh Gia – Năm A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 2, 13-15. 19-23).
 
Khi các đạo sĩ đã đi rồi, Thiên Thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: “Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người”. Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrôđê băng hà, hầu làm cho trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: “Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”.
 
Bấy giờ Hêrôđê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe những tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.
 
Khi Hêrôđê băng hà, thì đây thiên thần Chúa hiện ra cùng Giuse trong giấc mơ bên Ai-cập và bảo: “Hãy chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm hại mạng sống Người đã chết”. Ông liền chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel. Nhưng nghe rằng Arkhêlao làm vua xứ Giuđa thay cho Hêrôđê là cha mình, thì Giuse sợ không dám về đó. Ðược báo trong giấc mộng, ông lánh sang địa phận xứ Galilêa, và lập cư trong thành gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua các tiên tri rằng: “Người sẽ được gọi là Nadarêô”.
 
Suy niệm
 
Ngay sau lễ Giáng sinh, Mẹ Giáo hội mời con cái cùng hướng về gia đình của mình qua Thánh lễ Gia Thất. Bởi từ nơi gia đình, Con Thiên Chúa đã chọn để đi vào lịch sử nhân loại, và cũng từ nơi gia đình, Con Thiên Chúa hướng dẫn con người, hãy học lại những bài học làm người, làm con trong gia đình và làm con Thiên Chúa.
 
Khi nhắc đến gia đình, những ký ức tuổi thơ, những tình yêu thương của Cha Mẹ dành cho mình lại ùa về, làm cho bao cảm xúc dâng tràn, và đó cũng là những gì thiêng liêng nhất trong cuộc đời mỗi người. Tuy nhiên, những ký ức đó mãi tới lúc trưởng thành, mỗi người mới cảm nhận được, đặc biệt là những lúc gặp thất bại trong cuộc sống, gặp những câu chuyện đắng cay trong cuộc đời, lúc đó mới thấy gia đình là nơi mình tìm về để có những khoảng khắc bình yên. Để có được những tình cảm đặc biệt đó, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho mỗi người có một người Cha, một người Mẹ nơi gia đình. Họ được trao phó những trọng trách lớn lao trong chương trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa. Những trọng trách đó đòi hỏi họ phải hy sinh nhiều, phải từ bỏ luôn cuộc sống của mình, để sống cho, sống với và sống vì gia đình, vì đoàn con. Lời sách Huấn Ca cho chúng ta thấy niềm vui của Cha, của Mẹ cũng như những trách vụ của họ trong gia đình như thế nào: “Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng”. Thảo kính Cha Mẹ là bổn phận của con cái như lời Thiên Chúa dạy, đặc biệt Ngài còn đặt vào trong giới răn của Ngài là con cái phải thảo kính Cha Mẹ của mình. Đây là một giới răn đi sau những giới răn thờ phượng Thiên Chúa, sau bổn phận thờ phượng Thiên Chúa, con người phải tôn kính Mẹ Cha, thảo hiếu với các ngài.
 
Để có những đứa con ngoan hiền, biết sống đạo làm con vẹn toàn nơi các gia đình, thánh Phaolô yêu cầu các người vợ, người chồng hãy làm gương sáng cho con cái mình. Đó là bổn phận của Mẹ Cha đối với con cái. Đòi hỏi con cái thảo kính Mẹ Cha, mà vợ chồng cứ cãi cọ nhau suốt ngày, thiếu sự tôn trọng, thiếu tình yêu vợ chồng, thiếu sự chia sẻ, thì làm sao con cái có thể học được những bài học nhân bản đầu tiên từ gia đình được. Khi vợ chồng biết nhường nhịn nhau, biết tha thứ cho nhau, chính là lúc họ trở thành những con người mẫu mực, hướng dẫn con cái nên người, nên thánh trong gia đình: “Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện”. Dù đời sống gia đình có nhiều khó khăn đi chăng, thì nơi đó vẫn đủ ơn của Thiên Chúa cho mỗi thành viên, bổn phận người Cha là trụ cột, là chỗ dựa tinh thần cho con cái, cho cả nhà. Bởi thế, người Cha cần có một bờ vai vững, một trái tim đủ lớn và một vòng tay đủ ấm để làm chỗ dựa, để yêu thương tất cả các thành viên và để ôm lấy mọi người trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Còn người Mẹ cần có một tình thương bao la như biển lớn thái bình, để cưu mang, để chăm chút, để nuôi dạy và để đồng hành với gia đình, với con cái trên mọi nẻo đường cuộc sống. Là con cái, hãy sống hiếu thảo với Mẹ Cha, biết cảm thông với tuổi già của các ngài, chấp nhận những giới hạn của phận người xế chiều, và nhớ đến các ngài khi họ đã về thế giới bên kia.
 
Tất cả những gì trong hai Bài Đọc gợi nhắc, được coi là những tâm tình của Lời Chúa gởi đến các bậc làm Cha, làm Mẹ cũng như con cái trong các gia đình. Bên cạnh đó, giá trị của Tin Mừng còn giới thiệu cho mọi người một gia đình thánh, thường gọi là gia đình Thánh Gia, nơi đó có Thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu. Một gia đình. Tất cả những giá trị tinh hoa trong bổn phận của mỗi thành viên gia đình đều hội tụ nơi gia đình thánh này. Vì yêu thương tổ ấm của mình, đặc biệt là người con, thánh Giuse chấp nhận mọi rủi ro, mọi hiểm nguy, đón nhận người bạn là Đức Maria về làm bạn mình, để chăm sóc, đặc biệt là chăm sóc hài nhi đang lớn lên từng ngày trong cung lòng người mẹ. Khi đứa con chào đời, dù thiếu thốn trăm bề, thánh nhân không để cho con cái rơi vào tình trạng bị đe doạ sự sống, ngài đưa cả nhà ra đi trong đêm tối, tìm đến nơi bình yên cho gia đình. Dù chỉ là một lời mộng báo trong giấc mơ, nhưng thánh nhân hiểu được đó là thánh ý Thiên Chúa muốn ngài, trong cương vị người cha, hãy hành động ngay, kẻo con cái lâm nguy. Ngài đã hành động, ngài đã lên đường: “Khi các đạo sĩ đã đi rồi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: “Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người”. Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm”. Bên cạnh một người Cha có trách nhiệm, Đức Giêsu còn có một người Mẹ với trái tim rộng lượng. Chấp nhận mọi hiểm nguy sau lúc nhận lời Thiên sứ truyền tin, Đức Maria tín thác vào tình thương Thiên Chúa, để rồi trở về chung sống với người bạn đời và sinh con trong điều kiện thiếu thốn mọi thứ. Người Mẹ đó cũng chấp nhận một cuộc phiêu lưu với người chồng, để bảo vệ sự sống của con cái. Rồi sau đó, 30 năm nơi ngôi làng Nazareth, gia đình thánh đó cùng giúp nhau từng ngày lớn lên trong trách vụ, trong đời sống thể xác cũng như đời sống tinh thần. Ẩn hiện trong mái ấm đó, bóng dáng người con cũng rất đặc biệt, dù là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu chấp nhận mọi giới hạn của con người, luôn thấu hiểu đạo làm con trong gia đình cũng như với Chúa Cha. Mỗi ngày Ngài sống, mỗi việc Ngài làm, sẽ là những tâm tình sống gởi đến cho những người con trong các gia đình hôm nay.
 
Không ai là không có gia đình, không có tổ ấm và cũng không ai là không có Cha, không có Mẹ cũng như không có bổn phận làm con. Dù sống ơn gọi nào, bậc sống nào, là con người đều được sinh ra, được nuôi dưỡng, được lớn lên và được yêu thương từ gia đình. Một nơi bình yên, một nơi thiêng liêng, một nơi đầy tình thương, giúp cho con người được nuôi dưỡng, được dạy dỗ để nên người. Thế nhưng, để giữ gìn nơi chốn thiêng liêng đó, cần có rất nhiều nỗ lực của mọi thành viên trong gia đình. Từ những hy sinh của người Cha, từ những tình thương của người Mẹ, từ những cố gắng của người con, tạo nên một bầu khí ấm áp, thắp sáng gia đình, sưởi ấm tâm hồn mỗi người. Thế mà, trong một xã hội đề cao những giá trị về vật chất và tư quyền, mỗi thành viên trong các gia đình vô tình quên đi những giá trị và trách vụ của mình, để rồi có những lúc biến gia đình của mình trở thành một địa ngục trần gian, một quán trọ giữa cuộc đời. Tủi nhục cho con người khi không có một gia đình, đau khổ cho những người con khi không có một nơi để trở về, một bờ vai để nương tựa, một vòng tay để được ôm, vậy mà con người hôm nay, đã để những giá trị thực dụng, xoá dần những tình cảm linh thiêng đó, xoá dần những tương quan đầy ắp tình người đó, và thay thế vào là những đồng tiền bẩn, những tham vọng xấu và những tính toán hẹp hòi.
 
Ngày lễ Thánh Gia, có được bao người can đảm dừng lại sau Thánh lễ, hay ít nhất là trong Thánh lễ, dâng lên Thiên Chúa một lời nguyện xin cho gia đình của mình, cho người Cha mình hết mực yêu thương, cho người Mẹ mình luôn luôn kính mến, cho các con cái mình sẵn sàng hy sinh tất cả. Những lời nguyện xin đó, sẽ là một nhịp cầu cho Thiên Chúa đến và ở lại với gia đình của mình, đặc biệt là Ngài được hiện diện bên bàn ăn của gia đình mỗi ngày.
 
Lạy Chúa Hài Đồng, Chúa đã chọn một gia đình để đi vào thế giới cứu độ con người. Nơi gia đình đó, Chúa đã chia sẻ mọi công việc với các thành viên, với ước mong có một gia đình yêu thương. Xin cho mỗi chúng con biết trân trọng gia đình của mình, biết yêu thương và hiếu thảo với Mẹ, với Cha, biết sống chan hoà với anh chị em trong nhà. Dù có lên đường đi tìm thánh ý Cha, nhưng Ngài vẫn trở về với gia đình để được yêu thương và dạy dỗ người con ngoan, xin cho mỗi người chúng con biết tìm về với gia đình, để được dạy dỗ nên người tốt, để được yêu thương trong suốt cuộc đời. Xin Chúa chúc lành và ban bình an cho mỗi gia đình chúng con. Amen. 

 

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA A

Hc 3, 3-7.14-; Cl 3, 12-21; Mt 2, 13-15.19-23
LM ĐAN VINH - HHTM

 

XÂY DỰNG GIA ĐÌNH HÒA HỢP HẠNH PHÚC
I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 2, 13-15.19-23

(13) Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì kìa sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!”. (14) Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi va mẹ Người trốn sang Ai-cập. (15) Ông ở đó cho đến khi Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”.(19) Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, (20) báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì chưng kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi. (21) Ông liền trỗi dậy, đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, (23) và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ: “Người sẽ được gọi là người Na-da-rét”.

2. Ý CHÍNH: XUẤT HÀNH TỪ AI CẬP

Tin Mừng hôm nay muốn nói lên tư tưởng Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế đã được Thiên Chúa bảo vệ khỏi bàn tay độc ác của bạo vương Hê-rô-đê. Người là Mô-sê Mới, dẫn đầu dân Ít-ra-en Mới, xuất hành ra khỏi Ai Cập trần gian để về miền Đất Hứa là thiên đàng đời sau.

3, CHÚ THÍCH:

- C 13-14: + Sứ thần Chúa hiện ra: Tin Mừng Mát-thêu ghi lại 4 lần sứ thần Chúa hiện ra với ông Giu-se (Mt 1,20; 2, 13; 2, 19; 2, 22). + Báo mộng cho ông Giu-se: Sứ thần Chúa hiện đến cùng Giu-se trong giấc mộng và thay mặt Thiên Chúa ra lệnh cho Giu-se phải làm theo. + Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập: Lệnh truyền này nói lên sự can thiệp của Thiên Chúa để bảo vệ Hài Nhi Cứu Thế. Ai Cập là một nước lớn nằm sát bên nước Do thái về phía Nam, và là nơi những người Do thái bị ruồng bắt thường tìm đến lánh nạn (x. 1V 11,40). Đi từ Bê-lem tới Ai Cập mất khoảng 5-6 ngày đường. + Vì Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy: Hài Nhi Giê-su được đem sang Ai Cập để trốn khỏi sự khủng bố của vua Hê-rô-đê độc ác, giống như Mô-sê ngày xưa cũng phải trốn khỏi sự ruồng bắt của Pha-ra-ô nước Ai-cập (x. Xh 2, 15). + Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập”: Câu này rút ra từ sách ngôn sứ Hô-sê (x. Hs 11,1), nói về cuộc Xuất hành của Ít-ra-en xưa. Khi đó dân Ít-ra-en đã được Đức Chúa gọi là “con Ta” (x. Xh 4, 22).

- C 19-20: + Thánh gia trốn sang Ai-cập trong thời gian bao lâu: Khoảng từ vài tháng tới 3 năm. Giả sử thánh gia được triệu về ngay sau khi Ác-khê-la-ô lên kế vị (năm 750 tức khoảng năm thứ 4 đến thứ 6 sau Công Nguyên), thì thời gian ở bên Ai-cập của Thánh Gia không thể quá 3 hay 4 năm được. + Công Nguyên là gì: Công Nguyên hay Kỷ Nguyên Chung được tính bắt đầu từ năm Chúa Giáng Sinh. + Sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập: Khi vua Hê-rô-đê Cả chết, ông Giu-se lại được sứ thần Chúa hiện đến trong giấc mơ ra lệnh cho ông mau đem Hài Nhi và mẹ Người trở về quê hương, vì mối nguy đã chấm dứt với cái chết của vua Hê-rô-đê. + Vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi: Câu này chính là lời Đức Chúa báo cho Mô-sê về cái chết của Pha-ra-ô Ai-cập (x. Xh 4, 19). Đây là bằng chứng cho thấy Mát-thêu muốn ám chỉ Hài Nhi chính là Mô-sê của thời Tân Ước.

- C 23: + Và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét: Thánh Gia về cư ngụ ở Na-da-rét là ứng nghiệm lời sấm đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: “Người sẽ được gọi là người Na-da-rét”. Ta có thể hiểu rằng Mát-thêu dùng danh xưng này để ám chỉ việc tự hạ của Đấng Cứu Thế. Nói Đấng Cứu Thế là người Na-da-rét cũng là gián tiếp nói Người bị người đời miệt thị khinh dể do có quê hương hèn kém vậy.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao Giu-se phải đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-Cập? 2) Thánh Gia trốn sang Ai Cập đến khi nào về? 3) Tại sao Giu-se lại đem Hài Nhi đến ở thành Na-da-rét?

 

II. SỐNG LỜI CHÚA


1. LỜI CHÚA: Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập (14).

2. CÂU CHUYỆN:

1) MẸ CHUYỂN NHÀ ĐỂ DẠY CON NÊN NGƯỜI:

Khi Mạnh Tử còn bé, tóc để hình trái đào, mặt mũi khôi ngô, tính ham học hỏi thắc mắc và bắt chước người khác. Mẹ của Mạnh Tử rất thương yêu con, mong cho con học hành giỏi giang, trở thành hiền tài, nên bà luôn tìm phương cách dạy dỗ con tốt nhất.

Bấy giờ, nhà Mạnh Tử ở gần một nghĩa địa. Ngày nào trong nghĩa địa cũng có các đám tang chôn cất người chết. Trong đám tang, Có người thì khóc thương thảm thiết, người khác đào huyệt rồi cùng nhau chôn quan tài xuống huyệt và lấp đất làm thành ngôi mộ. Bọn trẻ con gần đó rủ nhau đi xem đám ma, rồi bắt chước người lớn chơi trò đưa đám. Chúng chia nhau ra: Em đóng vai người chôn cất, em khác thì đội khăn tang theo sau quan tài khóc lóc thảm thiết. Một hôm, mẹ Mạnh Tử đang ngồi dệt vải, nghe thấy tiếng trẻ con gào khóc gần nhà và xen lẫn tiếng người hô hoán khác lạ. Bà liền rời khung cửi ra ngõ xem điều gì xảy ra và bà giật mình khi thấy bọn trẻ đang chơi trò đám tang giả. Bà thấy Mạnh Tử nhà bà cũng đang bắt chước người lớn đào huyệt, chôn xác, rồi cũng có lúc giả bộ lăn lộn trên đất giống như người nhà trong các đám tang mà chúng vẫn xem. Bà mẹ lo lắng tự nhủ: "Con ta thơ dại mà lại chơi trò đào, chôn, lăn, khóc như thế này tâm trí ắt sẽ bị ảnh hưởng, còn tâm trí đâu mà học hành nữa". Rồi bà liền quyết định dọn nhà sang ở nơi khác, để thay đổi môi trường sống cho con. Lần này Mạnh Tử ở gần khu chợ sầm uất. Hằng ngày Mạnh Tử bắt chước người lớn ăn nói chua ngoa tục tĩu và chơi trò mua bán gian xảo. Bà mẹ Mạnh Tử một lần nữa lại dời nhà đến ở gần trường học. Tại đây bà thấy con trai học theo các học trò chăm chỉ đến lớp nghe lời thầy giáo dạy dỗ. Bà liền quyết định ở hẳn lại nơi này để Mạnh Tử con bà có điều kiện học hành chăm chỉ. Về sau Mạnh Tử đã thi đỗ và trở thành người tài đức giúp ích cho đời.

2) TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIỜ KINH TỐI GIA ĐÌNH:

Một cha xứ kia đi thăm các gia đình trong xứ để kiểm tra nhân danh. Gặp một đôi vợ chồng không đọc kinh tối gia đình, cha hỏi: “Gia đình ông bà có đọc kinh chung gia đình không?”. Họ trả lời vì không có thời giờ do con cái phải đi học thêm hay phải đi làm theo ca. Gia đình ông ta phải kiếm sống trước đã như câu “Có thực mới vực được đạo!” Bấy giờ cha xứ lại hỏi: “Nếu ông bà biết rõ là nhờ đọc kinh tối hàng ngày mà một đứa con sẽ tránh được một cơn bệnh hiểm nghèo, tránh được một tai nạn; Nhờ đọc kinh tối mà chúng mới có công ăn việc làm đều, chúng mới có đủ sáng suốt để làm được bài thi ở trường; Nhờ đọc kinh mà các linh hồn tiên nhân ông bà cha mẹ và những người thân đã chết sẽ sớm được về thiên đàng… thì ông bà có tổ chức đọc kinh gia đình hàng ngày không?” Họ trả lời rằng: “Có thể chúng con sẽ đọc”. Cha xứ lại hỏi: “Giả như gia đình làm ăn thất bại phải mang nợ tới 100 triệu đồng, khó lòng có thể trả được cả vốn lẫn lãi, mà nếu ngày nào có đọc kinh tối gia đình 15 phút, thì sẽ được chủ nợ trừ bớt số lời 100.000 đồng, thì ông bà có đọc kinh tối chung không?”. Bấy giờ ông kia hỏi lại: “Thưa cha, cha hỏi như vậy để làm gì?” Bấy giờ cha xứ mới ôn tồn trả lời: “Tôi nói như vậy để cho thấy nguyên nhân gia đình ông bà không đọc kinh tối, không phải vì không có thời giờ hay vì bận làm việc, mà lý do chính là vì nghĩ rằng đọc kinh tối gia đình là điều không cần thiết, chỉ cần đi lễ nhà thờ là đủ. Tôi hỏi vậy để cho thấy việc đọc kinh cũng quan trọng không kém gì việc giữ gìn sức khỏe và sự an toàn của các người thân trong gia đình, cũng có giá trị như một số tiền thiêng liêng, giúp bớt phần phạt cho người thân là tiên nhân ông bà đã qua đời, và giá trị của việc đọc kinh cũng có thể tương đương với số tiền cần chi dùng hàng ngày”.

3. SUY NIỆM:

1) NGUYÊN NHÂN GÂY ĐỔ VỠ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH:

- Nhân vật nữ được tuần báo Time chọn làm người của năm 1996 là công chúa Diana của Anh Quốc. Trong phỏng vấn dành cho đài BBC, công chúa đã không ngần ngại bộc bạch hết câu chuyện đổ vỡ của gia đình bà. Sự đổ vỡ của gia đình vương giả này khiến nhiều người phải tiếc xót. Bởi vì, nếu xét theo những tiêu chuẩn thông thường của người đời, thì quả thực cặp vợ chồng này có đủ điều kiện về danh vọng, tiền tài, địa vị… để được hạnh phúc. Thế nhưng tại sao họ lại bị bất hạnh và dẫn đến sự ly hôn? Có lẽ gia đình họ còn thiếu một cái gì đó quan trọng mà sự giàu có danh vọng quyền lực… không thể giúp họ đạt được sự hoà hợp hạnh phúc.

Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm Thánh Gia thất để khám phá ra bí quyết xây dựng hạnh phúc gia đình. Cũng như bao gia đình khác, Thánh gia cũng đã trải qua nhiều sóng gió, thử thách. Chúng ta hãy nhìn lại cảnh bối rối mà có lẽ ít có đôi vợ chồng trẻ nào phải trải qua: vợ sắp sinh nên Giu-se phải đi tìm một quán trọ qua đêm nhưng không có, cuối cùng phải vào một chuồng súc vật và sinh con ở đó, và rồi phải vội vã đi lánh nạn trong một cuộc hành trình cam go để sống giữa những người xa lạ. Bí quyết đã giúp Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se vượt qua khó khăn thử thách, đó là có Chúa Giê-su bên cạnh. Sự hiện diện của Chúa Giê-su chính là nền tảng của gia đình Na-da-rét.

- Có nhiều nguyên nhân dẫn tới gia đình ly hôn, mà nguyên nhân quan trọng là sự xuống cấp về đạo đức nơi nhiều gia đình. Có lẽ chưa có thời đại nào người ta thấy có nhiều cha mẹ nạo phá thai để giết con, nhiều con cái bất hiếu giết chết cha mẹ như thời đại hôm nay. Có lẽ chưa có thời đại nào người ta thấy có nhiều đứa con bất hiếu bắt cha mẹ già lê lết ở đầu đường, xó chợ ăn xin để kiếm tiền về nộp cho con như thời đại hôm nay. Có lẽ chưa có thời đại nào có nhiều cha mẹ tàn nhẫn đến độ bán con làm gái mại dâm, bắt con đi ăn xin như thời đại hôm nay. Có lẽ chưa có thời đại nào mà các gia đình, những tổ ấm của các trẻ thơ lại biến thành những hang ổ để người lớn mua bán tình dục nhiều như thời đại hôm nay. Có lẽ chưa có thời đại nào đời sống hôn nhân bị coi rẻ, đời sống vợ chồng bị phản bội và đổ vỡ nhiều như thời đại hôm nay. Vợ chồng đánh đập nhau như hai con thú dữ, chửa rủa nhau bằng những ngôn từ tục tĩu. Người ta lấy nhau đó rồi lại bỏ nhau đó. Người ta ăn ở với nhau đó rồi lại đá nhau đó. Người ta thề hứa chung thủy đó, rồi lại bất trung đó…

- Cũng như Thánh gia thất, ngày nay các gia đình Việt Nam cũng đang trải qua bao khó khăn thử thách. Trước tiên là do cái nghèo và rồi từ nghèo khổ sinh ra dốt nát, và dốt nát kéo theo bao hệ lụy khác. Tuy nhiên, nhìn vào gương Thánh gia thất, chúng ta thấy: Sự nghèo khổ không đương nhiên gây bất hạnh và đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Tỷ lệ những gia đình ly hôn tại các nước công nghiệp văn minh là bằng chứng cho thấy giầu có chưa hẳn đã bảo đảm chắc chắn cho hạnh phúc.

- Không những trải qua cảnh nghèo. Thánh gia thất còn phải đương đầu với bạo chúa Hê-rô-đê nữa. Ngày nay, các gia đình cũng phải đương đầu với nhiều thứ bạo chúa, như các phương tiện truyền thông quảng bá lối sống đồi truỵ nhằm lung lạc đầu độc giới trẻ, hoặc những luật pháp áp đặt những luật lệ nhằm phá đổ chính nền tảng thánh thiêng của gia đình, như luật cho phép dễ dàng ly dị, cho phá thai dù ở thời kỳ cuối ngay trước khi sinh…

- Thánh gia thất đã vượt qua được sóng gió nhờ niềm tin vững chắc vào sự hiện diện của Chúa trong gia đình. Đó cũng là bí quyết mà Giáo Hội đề ra cho chúng ta khi mời gọi chúng ta chiêm ngắm Thánh gia. Hãy lấy sự hiện diện của Chúa Giêsu làm nền tảng vững chắc cho gia đình. Đó là hãy mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu, tha thứ cho nhau; Lấy sự cầu nguyện trong giờ kinh gia đình để làm giây liên kết mọi người: một gia đình có thói quen cầu nguyện chung mỗi ngày là một gia đình bền vững. Vì thế ta hãy quyết tâm duy trì thói quen đọc kinh tối gia đình mỗi ngày.

2) THÁNH CẢ GIU-SE - GƯƠNG MẪU CỦA CÁC BẬC GIA TRƯỞNG:

- Mau mắn tuân giữ lời Chúa: Giu-se đã thi hành ba lệnh truyền của Chúa: Một là rước Ma-ri-a đang có thai về nhà làm vợ mình; Hai là tôn trọng lời khấn của Ma-ri-a dâng hiến toàn thân phụng sự Chúa bằng việc không ăn ở với bà. Ba là đặt tên cho trẻ là Giê-su để nhận mình làm cha của Hài Nhi về luật pháp (x. Mt 1, 24-25).

- Quyết tâm bảo vệ Hài Nhi: Khi vừa được mộng báo, Giu-se đã lập tức trỗi dậy mang Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập ngay lúc đêm khuya và đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, ông lại vâng lời sứ thần trỗi dậy mang Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. Ông cũng khôn ngoan phòng tránh cho Hài Nhi khỏi bị nguy hiểm: Khi về tới Be-lem, nghe tin Ác-khê-lao đã lên kế vị vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê cũng độc ác không kém vua cha nên ông đã đưa vợ con về miền Ga-li-lê tại Na-da-rét.

- Tín thác vào Chúa quan phòng: Tín thác là dấu chỉ của một đức tin chân chính. Thánh Giu-se luôn lắng nghe Lời Chúa và mau mắn vâng theo với sự tín thác hoàn toàn vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa quan phòng.

3) ĐIỀU KIỆN ĐỂ XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH:

- Mỗi người sống đúng vai trò của mình: Một tờ báo ở Luân-đôn nước Anh đã mở một cuộc điều tra các ông chồng, yêu cầu họ thành thật trả lời câu hỏi: “Trong gia đình bạn, ai là người thực sự có quyền làm chủ?” Kết quả cho có 80% câu trả lời: “Vợ tôi làm chủ”, 20% trả lời “Mẹ vợ tôi làm chủ”. Chỉ có một số ít trả lời: “Chính tôi làm chủ, vì vợ tôi đã qua đời!” Như vậy, không lạ gì Anh quốc là nước có tỷ lệ ly hôn cao nhất: Mỗi năm cứ hai đám cưới thì có một đám ly hôn.

- Tránh thái độ gia trưởng độc đoán: Vợ chồng cần trao đổi để nên một lòng một ý trong cách ứng xử với tha nhân, nuôi dạy con cái, mua sắm đồ dùng, và trong công việc làm ăn sinh sống. Vì “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”, và “Phu phụ hòa, gia đạo thịnh”.

- Gia đình phải có Chúa hiện diện: Thực vậy, nếu gia đình thực sự có đức tin, có lòng đạo đức, thì sẽ thương yêu và nhường nhịn lẫn nhau. Chồng thương yêu vợ, vợ yêu thương chồng, con cái thảo kính cha mẹ và anh chị em trong nhà thương yêu nhường nhịn nhau.

- Vợ chồng hãy chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau: Trong đời sống vợ chồng, chắc chắn sẽ có những lúc vui lúc buồn, những khi thành công lúc thất bại, nên vợ chồng phải sẵn sàng vác thánh giá là các bệnh tật và thói hư của nhau. Rồi cần phải vác đến chết để đền tội.

Trong một buổi tĩnh tâm dành cho gia trưởng, nhưng cũng có nhiều bà vợ tham dự. Tới phần làm phép Thánh giá, cha giảng phòng nói: “Ai có cây Thánh giá xin đem lên gần gian cung thánh để được làm phép. Bấy giờ một ông lão thay vì mang cây Thánh giá thì ông lại cõng bà vợ bị tê liệt lên. Tới lúc cha đến trước từng người đang cầm cây thánh giá để rấy nước thánh. Thay vì giơ cây Thánh giá lên cho cha làm phép thì ông lại cố bồng bà cụ lên trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ông nói: “Thưa cha, đây là cây thánh giá của con. Xin cha làm phép để con được vác thánh giá này đến cùng!” Qua lời nói của ông cụ, chúng ta hiểu người bạn đời chính là thánh giá sống động mà chúng ta phải mang từ khi lấy nhau cho đến chết. Vợ là thánh giá của chồng và chồng là thánh giá của vợ. Ai cùng Chúa Giê-su trung thành vác thánh giá ấy đến cùng, thì sau này sẽ được sống lại và cùng được hưởng vinh quang Nước Trời với Người.

- Vợ chồng cùng nhau nhìn về một hướng là nuôi dạy con cái nên người: Cần ý thức con cái chính là tài sản quý giá nhất của cha mẹ, là tương lai của cha mẹ sau này, nên vợ chồng phải hy sinh mọi sự như thời giờ, tiền bạc, công việc… để lo cho con cái được sống trong bầu khí hạnh phúc và môi trường sống an toàn. Câu chuyện mẹ thày Mạnh Tử sẵn sàng dời nhà từ nghĩa trang đến gần trường học để tránh cho con khỏi bị lây nhiễm các thói hư và chăm chỉ học tập trở thành người tài đức giúp ích cho đời, là gương mẫu cho các cha mẹ hôm nay.

4) CHA MẸ CẦN LÀM GÌ ĐỂ GIÁO DỤC CON CÁI? 

Các bậc cha mẹ hãy học tập noi gương thánh cả Giu-se và thánh mẫu Ma-ri-a cụ thể như sau:

- Quan tâm chăm sóc dạy dỗ con cái: Cha mẹ không phải chỉ quan tâm đến con bằng việc cho chúng tiền bạc tiêu xài, mà quan trọng hơn là cho con tình thương, sự chăm sóc dạy dỗ ngay từ khi chúng còn nhỏ dại, và cảm thông động viên khi chúng trưởng thành. Nên nhớ rằng: Dù cha mẹ có thành công trong việc làm ăn kinh tế hay được thăng quan tiến chức ngoài xã hội, nhưng nếu để con cái sa đà vào các thói hư như hút sách bài bạc… thì sự thành công kia lại trở thành sự thất bại, gây cho cha mẹ nhiều nỗi ân hận. Vì thế, cha mẹ cần bảo vệ con cái khỏi tác hại của sách báo phim ảnh xấu trên các trang mạng in-ter-net, khỏi các bạn bè xấu… Nếu cần cha mẹ hãy đem con cách ly khỏi nanh vuốt của Hê-rô-đê gian ác của thời nay để con yên tâm học tập và trở thành những người trưởng thành hữu dụng sau này.

- Phải dạy cho con cái hiếu thảo với cha mẹ và biết lễ độ với người trên: Muốn việc giáo dục thành công, thì trước hết chính cha mẹ phải được huấn luyện về các đức tính nhân bản để có điều kiện dạy dỗ con cái. Cần dạy con bằng gương sáng hơn bằng lời nói suông hay bằng roi đòn trừng phạt.

- Gia Đình cần học sống Lời Chúa: Cha mẹ cần tạo thói quen cho mọi thành viên trong gia đình lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong giờ kinh tối gia đình, bằng cách phân công cho con cái mở Kinh Thánh để đọc Lời Chúa, rồi các thành viên sẽ cầu nguyện để quyết tâm sống theo Lời Chúa dạy.

4. THẢO LUẬN:

1) Nguyên nhân làm cho các gia đình đổ vỡ ly hôn là gì? Khi xảy ra ly hôn thì trong hai vợ chồng ai là người có lỗi hơn? 2) Bạn có đồng ý với câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” không? Tại sao?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA, xin ban cho các gia đình tín hữu chúng con biết luôn “trên thuận dưới hòa”, “một lòng một ý”. Xin giúp các đôi vợ chồng trẻ biết cách duy trì được tình yêu ban đầu. Xin cho họ biết “cho nhiều hơn nhận”, biết “ân cần phục vụ” cho nhau, biết “quảng đại tha thứ và nín nhịn các sự yếu đuối lỗi lầm” của nhau. Biết “nói ít làm nhiều”, và “sẵn sàng vác thánh giá” là nhẫn nhịn chịu đựng người bạn đời của mình”... Nhờ đó gia đình chúng con hy vọng sẽ trở thành thiên đàng trần gian, và là dấu chỉ sau này chúng con sẽ được hưởng hạnh phúc thiên đàng. - AMEN.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây