TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXV Thường Niên -Năm B

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. (Mc 9, 29-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô

04/06/2023 08:09:39 |   874

Chúa Nhật X Thường Niên -A
Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô

cn minh mau chua

Ga 6, 51-58

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Mỗi người chúng ta đều biết rằng, Thánh lễ Misa là lễ tưởng niệm và hiện tại hóa hy lễ vượt qua của Chúa Giêsu, là giao ước tình yêu mà Chúa đã thiết lập bằng Mình và Máu Người trong nhiệm tích Thánh Thể, hầu tiếp tục hy tế trên Thánh giá và làm lương thực dưỡng nuôi và dẫn ta về quê trời. Máu Chúa Kitô vẫn hằng đổ ra nơi bàn thờ mỗi ngày sẽ đổi mới con người cũ của chúng ta để sống xứng đáng hơn. Cùng với Mẹ Hội Thánh, giờ đây chúng ta long trọng cử hành lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu để nhắc nhở ta về lòng thương yêu khôn dò của Chúa Giêsu dành chomỗi người chúng ta. Vậy chúng ta hãy dọn lòng trong sạch, hầu xứng đáng tham dự yến tiệc Mình và Máu Chúa Giêsu trao ban trong thánh lễ này.

Ca nhập lễ

Ta sẽ lấy tinh hoa lúa mì nuôi dưỡng chúng, và cho chúng ăn no mật từ hốc đã chảy ra.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình Và Máu Thánh Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
 

Bài Ðọc I: Ðnl 8, 2-3. 14b-16a

“Người sẽ ban cho các ngươi của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy nhớ tất cả đoạn đường mà Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã dẫn đưa các ngươi qua sa mạc suốt bốn mươi năm, để rèn luyện và thử thách các ngươi, để biết các điều bí ẩn trong lòng các ngươi và xem các ngươi có tuân giữ lề luật của Người hay không? Người đã để các ngươi vất vả thiếu thốn, và ban cho các ngươi manna làm của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới, để tỏ cho các ngươi thấy rằng: Con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

“Các ngươi hãy nhớ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, Ðấng đã dẫn đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Và Người là Ðấng đã dẫn các ngươi vào nơi hoang địa mênh mông và kinh khủng có nhiều rắn hổ lửa, bò cạp, rắn lục, và không có một giọt nước nào; Người đã khiến nước từ tảng đá cứng rắn vọt ra. Trong hoang địa, Người đã nuôi các ngươi bằng manna mà cha ông các ngươi chưa từng biết tới”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20.

Ðáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa

Xướng: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa. Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các then cửa ngươi, Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. – Ðáp.

Xướng: Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. Người khiến tuyết rơi như thể lông cừu, Người gieo rắc sương đông như tro bụi trắng. – Ðáp.

Xướng: Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 10, 16-17

Có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ là một thân thể”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa chẳng phải là thông hiệp với máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 51-52

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 51-59

“Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu yêu thương ta vô cùng, đến nỗi đã ban chính Mình và Máu Người làm lương thực nuôi sống ta hằng ngày. Với lòng tin, mến, tạ ơn, chúng ta tha thiết dâng lời cầu xin:

1. “Người đã nuôi các ngươi bằng Manna mà cha ông các ngươi chưa từng biết tới” Xin Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn sức mạnh, bổ dưỡng và nâng đỡ Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục, để giữa muôn vàn gian khổ và thử thách, các ngài vẫn kiên trì làm tròn sứ vụ Chúa trao phó.

2. “Vì có một tấm bánh nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” Xin cho các Kitô hữu siêng năng và sốt sáng lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa để kết hợp ngày một hơn với Chúa Ba Ngôi và thông cảm với anh em đồng loại.

3. “Thịt Ta là thật của ăn, Máu Ta là thật của uống” Xin cho các Linh Mục luôn ý thức đến ân huệ cao trọng Chúa đã thương ban, hầu biết thánh hóa mình qua việc chu toàn bổn phận với tinh thần hi sinh, yêu mến Chúa và các linh hồn.

4. “Bánh Ta ban chính là thịt Ta để cho thế gian được sống” Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, hằng ngày được phúc đón nhận Bí tích tình yêu biết noi gương Chúa, sẵn sàng hiến thân từng giây phút, và được nghiền nát để nên tấm bánh tiến dâng Chúa và đền tội.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con cảm tạ Chúa đã thiết lập Bí tích Thánh Thể để nuôi sống linh hồn chúng con, xin giúp chúng con luôn sống trong sạch, xứng đáng làm tòa Chúa ngự mỗi ngày, để mai này được liên kết bền chặt với Chúa, trong vinh quang, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, bao hạt lúa mới làm nên tấm bánh này, bao trái nho mới ép thành chén rượu đây, tượng trưng sự đoàn kết giữa con cái Chúa. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và làm cho trở nên bí tích nhiệm mầu, đem lại cho Hội Thánh Chúa ơn hiệp nhất và bình an. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Thánh Thể

Ca hiệp lễ

Chúa phán: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tuy còn ở dưới thế, nhưng đã được tham dự bàn tiệc trên trời khi thông hiệp với Mình và Máu Thánh Chúa. Xin cho chúng con một khi lên cõi trời vinh hiển được cùng Chúa vui hưởng phúc trường sinh. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm
 

LỄ MÌNH VÀ MÁU CHÚA GIÊSU

SUY NIỆM CHÚA NHẬT KÍNH MÌNH VÀ MÁU CHÚA GIÊSU

(Đnl 8, 2-3.14-16; lCr l0, 16-17; Ga 6, 51-58)
Giuse Vinh sơn Ngọc Biển SSP

Nếu chiều thứ năm Tuần Thánh, Giáo Hội cử hành thánh lễ Tiệc Ly, kỷ niệm việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể để ở lại với loài người mọi ngày cho đến tận thế, thì hôm nay, Giáo Hội long trọng cử hành thánh lễ kính Mình và Máu Chúa Giêsu nơi Bí Tích Thánh Thể. Khi cử hành như thế, Giáo Hội cảm nghiệm và xác tín rằng: Bí tích Thánh Thể chính là trung tâm trong lịch sử của nhân loại, là “nguồn mạch” và “chóp đỉnh” của mọi sinh hoạt trong phụng vụ của Giáo Hội, bởi vì Thánh Thể là lương thực cần thiết cho sự sống và sứ mạng của Giáo Hội.

Thật là ý nghĩa và tốt đẹp biết bao khi các tín hữu trong ngày Lễ này, quy tụ với nhau chung quanh Thánh Thể, để tôn thờ Người hiện diện trong Bí tích cao trọng qua các hình thức đạo đức như chầu và rước kiệu Thánh Thể, sốt sắng tham dự Thánh lễ và rước Mình và Máu Thánh Chúa xách xứng đáng, để thể hiện niềm tin vào Chúa Giêsu hằng sống và nói lên niềm vui vì sự hiện diện của Ngài trong nhân loại và trên cuộc đời.

1. Sự cao trọng của Bí tích Thánh Thể

Trong Giáo Hội có Bẩy Bí tích, nơi các Bí tích này đều có sự liên hệ mật thiết với nhau làm nên tính toàn thể trong mầu nhiệm cứu chuộc của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Bí tích cao trọng nhất và vĩ đại nhất vẫn là Bí tích Thánh Thể. Vì thế, Bí tích này được gọi là: “Bí tích của các Bí tích”: Thật vậy: “Tất cả các Bí tích khác đều quy hướng về Bí tích Thánh Thể như về cùng đích” (GLHTCG số 1211), và đời sống đức tin của chúng ta nơi Bí tích Thánh Thể như là cứu cánh của mình.

Vì thế, không có kinh nào, nghi thức nào và tổ chức nào cao trọng, quý mến cho bằng Thánh lễ, bởi vì trong Thánh lễ sẽ diễn ra một cuộc trao đổi kỳ diệu dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, làm cho bánh và rượu trở nên Thịt và Máu Chúa Giêsu qua lời truyền phép của linh mục. Bí tích Thánh Thể nói lên sự hiện diện thực sự và trọn vẹn của Chúa Giêsu. Cũng qua Thánh lễ, cùng với của lễ tuyệt hảo là Chúa Giêsu trên Thánh giá, chúng ta nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, dâng lên Thiên Chúa Cha lời chúc tụng, tạ ơn và cầu xin.

Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu diễn tả tình yêu trọn vẹn khi trao hiến Thịt và Máu của mình làm của ăn, của uống cho nhân loại. Qua Bí tích Cực Thánh này, Chúa Giêsu hiện diện dưới hình bánh, hình rượu để trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng ta, làm cho đời sống tinh thần của chúng ta được lớn mạnh không ngừng.

Chính vì thế, Bí tích Thánh Thể là “Nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống kitô hữu” (x. LG 11). “Hy lễ Thánh Thể, tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa, tiếp diễn mãi mãi Hy Lễ Thánh Giá, là tuyệt đỉnh và nguồn suối của tất cả phụng tự và đời sống Kitô giáo. Nhờ Hy Lễ Thánh Thể, sự hiệp nhất của dân Chúa được biểu lộ và thể hiện, việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô được hoàn tất. Bởi đấy, các Bí Tích khác và mọi hoạt động tông đồ của Giáo Hội đều quy hướng về và liên kết chặt chẽ với Bí Tích Thánh Thể” (Giáo  Luật, số 897). Thật vậy, mỗi lần Hy tế Thập giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó “Chúa Kitô, Chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế (x. 1 Cr  5,7), thì công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện” (x. LG, số 3).

Như thế, tham dự và cử hành Bí tích Thánh Thể trong khuôn khổ Thánh lễ Tạ Ơn là việc vô cùng quan trọng trong đời sống của Giáo Hội và của mọi người tín hữu Chúa Kitô, vì đây chính là “nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô giáo” (x. LG, số 11) như Giáo Hội dạy.

Mỗi khi chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể hay tôn sùng Bí tích cao trọng này cách xứng đáng, ấy là lúc chúng ta tin nhận Bí tích Thánh Thể  là “nguồn mạch và tột đỉnh” của đời sống Kitô hữu. Nói cách khác, toàn thể đời sống tâm linh của Kitô hữu cũng như mọi cử hành phụng vụ của Giáo Hội được bắt nguồn từ Bí Tích Thánh Thể.

Khi xác tín như thế, chúng ta cùng nhau hướng mục đích của cuộc đời mình về Chúa Giêsu như một sự quy chiếu đến cùng đích tối hậu của cuộc sống nơi mình. Đồng thời, mỗi khi cử hành và tôn sùng Bí tích Thánh Thể, Giáo Hội mời gọi con cái mình trở nên giống Chúa Giêsu ngày càng mật thiết hơn và sống mầu nhiệm Thánh Thể trong đời sống hằng ngày.

Như thế, đời sống tâm linh của chúng ta phải là con đường hai chiều. Con đường này khởi đi từ Bí tích Thánh Thể, rồi sau đó lại đưa dẫn chúng ta trở về với Thiên Chúa trong Bí tích này. Mối liên hệ trên được diễn ra trong tình yêu. Chính nhờ tình yêu, mà chúng ta cũng kết hợp với toàn thể Giáo Hội, là Nhiệm Thể Đức Kitô. Để rồi nhờ hồng ân Bí tích Thánh Thể, chúng ta thương yêu tha nhân như chính mình vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa.

2. Sống mầu nhiệm Thánh Thể trong đời sống người kitô hữu

Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông thư “Mane Nobiscum Domine – lạy Chúa, xin ở lại với chúng con” đã nhấn mạnh: “Mỗi lần ta dự phần vào Mình và Máu Người, chúng ta đã thực sự gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta không thể giữ lại cho riêng mình niềm hân hoan mình đã cảm nghiệm. Việc gặp gỡ riêng tư với Chúa Kitô cách thường xuyên được tăng triển và đào sâu trong Bí tích Thánh Thể khơi lên trong Giáo Hội và nơi mỗi tín hữu một lời mời gọi khẩn thiết cho việc làm chứng và rao giảng Tin Mừng” (Gioan Phaolô II, Mane Nobiscum Domine, số 24).

Người Kitô hữu chúng ta không thể sống khác đi được. Nếu đi ngược lại, chúng ta đánh mất chính mình vì đã mâu thuẫn nội tại.

Vì thế, mỗi khi tham dự Thánh Lễ, nhất là rước Mình và Máu Chúa vào trong linh hồn chúng ta, hẳn là hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi để trở nên thánh thiện, trong sạch hầu xứng đáng với Mầu Nhiệm ta đã lãnh nhận.

Thông hiệp vào Mầu Nhiệm Cực Thánh này, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi để đi vào tận sâu thẳm của tình yêu Thiên Chúa để cảm nghiệm được tình yêu tự hiến nơi Chúa Giêsu, Đấng đã “đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”, Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, để qua đó, mời gọi chúng ta noi gương Ngài, phục vụ anh chị em mình với sự khiêm nhường trong lòng mến.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa ban cho chúng con thêm lòng yêu mến Chúa và siêng năng tham dự Thánh lễ, rước Mình và Máu Chúa cách xứng đáng; đồng thời luôn xác tín Bí tích Thánh Thể chính là “nguồn mạch và chóp đỉnh” của đời sống Giáo Hội và nơi mỗi người chúng con. Amen.


VUN ĐẮP TÌNH CHÚA BAN

“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”. (Ga 6, 56-57).

Suy niệm: Lời Chúa Giê-su nói trên đây khiến nhiều người nghe chói tai lại là lời an ủi và niềm hy vọng cho các tín hữu. Bởi mỗi lần cử hành Thánh Lễ là một lần Chúa Giê-su ban chính Mình Ngài cho các tín hữu. Nhờ cử hành ấy, Hội Thánh được nối kết với cuộc Khổ Nạn hồng phúc của Chúa, được Chúa ở cùng mọi ngày cho tới ngày Chúa lại đến. Khi tham dự Thánh Lễ, Ki-tô hữu hiểu rằng lúc này Lời không còn là lời nói suông mà đã trở thành hiện thực. Đó chính là Mình Máu Chúa, nay được trao cho con người làm lương thực cho con người lữ hành trên đường dương thế. Đó chính là việc Chúa đến ở với con người, “cắm lều” trong tâm hồn con người để chia sẻ với họ mọi nỗi niềm của thân phận con người. Từ nay, kẻ ăn Mình Ngài hiểu rằng, trong họ không chỉ có sự sống tự nhiên mà còn có sự sống thần linh của Chúa nữa.

Mời Bạn: Mỗi lần tham dự Thánh Lễ là một dịp bạn đụng chạm với mầu nhiệm Thiên Chúa trao ban Thân Mình Con Yêu Dấu của Ngài. Bạn có cùng với Hội Thánh xác tín tuyên xưng niềm tin ấy trong Thánh Lễ và trong đời bạn không?

Chia sẻ: Điều gì sẽ xảy ra khi Chúa ở lại trong bạn?

Sống Lời Chúa: Tâm niệm nhiều lần câu sau đây: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, tai con không cảm thấy chói khi nghe lời Chúa, chân con không rời xa Chúa vì những lời khó hiểu, nhưng xin giúp con yêu Chúa, vì yêu Chúa mới thực ở trong Chúa.

BÁNH HẰNG SỐNG
Chúa Nhật -Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô năm A: Ga 6, 51-58 - Lm. Thái Nguyên

LmTN 070623a

 

Suy niệm

Trong bài đọc I, sách Đệ nhị luật kể lại lúc cuối cuộc hành trình trong sa mạc và trước khi bước vào Đất hứa, Môsê khuyên bảo dân đừng bao giờ quên những ơn lành Chúa đã ban cho họ, đặc biệt Ngài đã nuôi sống họ bằng Manna từ trời rơi xuống và nước từ tảng đá vọt ra. Trong bài đọc II, khi nói về Bí tích Thánh Thể, thánh Phaolô nhắc tín hữu Côrintô ý thức rằng, vì họ cùng ăn một bánh và cùng uống một chén nên họ không được chia rẽ, trái lại phải đoàn kết yêu thương nhau. Còn bài Tin Mừng cho biết sau khi dân chúng đã được ăn no nê thừa thãi thứ bánh vật chất mà Đức Giêsu vừa làm phép lạ, thì Ngài hướng họ đến một thứ lương thực cao quý hơn, đó chính là Mình và Máu Ngài.

Được sống trên cõi đời là một hồng phúc, một ân huệ cao vời. Vì yêu thương con người vô hạn mà Thiên Chúa đã ban cho họ quà tặng cao quý nhất là sự sống, không chỉ sự sống tự nhiên mà còn là sự sống siêu nhiên, sự sống muôn đời. Đó là Bí tích Thánh Thể được Chúa Giêsu lập ra để hiến ban Thịt và Máu Ngài, dưới hình bánh rượu, cho chúng ta được rước lấy. Việc rước Mình Máu Chúa không phải là đón nhận một xác chết, mà đón nhận một Đức Giêsu đã chịu chết và đã phục sinh. Toàn thể con người Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là con người, qua Bí tích Thánh Thể, Ngài biến thành của ăn đem lại phúc trường sinh cho chúng ta: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54).

Thánh Gioan Phaolô II còn xác quyết rằng: “Ai nuôi mình bằng Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, không cần đợi chờ một thế giới bên kia để nhận lãnh sự sống đời đời, họ đã chiếm hữu nó ngay từ đời nầy, như hoa quả đầu mùa của sự sung mãn sẽ tới, liên hệ đến toàn thể con người”. Thật vậy, ngay trong hiện tại, khi tiếp nhận Mình Máu Chúa Giêsu, ta được kết hợp mật thiết với Ngài: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6, 51-58). Không những thế, ta còn được chung phần sự sống với Chúa Cha và Chúa Con: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn lấy tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6, 57). Đó là sự sống của chính Thiên Chúa Ba Ngôi.

Đời sống Kitô hữu thật cao cả, vì được diễm phúc đón nhận chính Đức Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, và được biến đổi để trở nên chính Ngài. Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả khẳng định: “Thực thế, chúng ta thông phần Mình và Máu Chúa Kitô là để được biến thành Đấng chúng ta rước lấy”. Thánh Augustinô còn vui mừng xác tín: “Hãy hoan hỉ và cảm tạ Thiên Chúa, không những chúng ta đã trở nên những Kitô hữu, nhưng chúng ta đã trở nên chính Đức Kitô”.

Thực chất của việc rước lấy Mình Máu Thánh Chúa là như thế, nhưng rồi linh nghiệm tới mức độ nào lại tùy thuộc sự đón nhận và lòng tin mến của chúng ta. Mẹ Têrêxa Calcutta cho biết sở dĩ các nữ tu có đủ tinh thần và nghị lực để mỗi ngày đem đến cho những người nghèo khổ sự an ủi, nâng đỡ, bằng việc yêu thương và phục vụ, là nhờ Mình Thánh Chúa mà họ rước mỗi ngày với lòng tin mến vô vàn.

Đức Cha Helder Camera, Tổng Giám Mục Braxil, đã chia sẻ kinh nghiệm sống mầu nhiệm Thánh Thể như sau: “Mỗi sáng, tôi được nuôi dưỡng bằng Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể, rồi suốt ngày, tôi gặp gỡ Đức Kitô nơi anh chị em tôi. Cũng một Chúa Giêsu ở trên bàn thờ và ngoài đường phố”. Bất cứ ai được Thánh Thể cảm hóa đều nhận ra Ngài nơi anh chị em mình, vì Ngài đang hiện diện ẩn dấu nơi họ, nhất là nơi những người nghèo khổ và bất hạnh. Chỉ khi cảm nhận thâm sâu về Mình Máu Chúa Giêsu đang thấm nhập vào máu thịt ta, mới làm ta choáng ngợp và thay đổi dần dần, thay đổi tận căn, để như Đức Kitô, ta lại tiếp tục trở thành tấm bánh cho người khác.

Ai trong chúng ta cũng khao khát tình yêu, muốn yêu và được yêu đến vô cùng. Chỉ có tình yêu Thiên Chúa qua Đức Kitô mới lấp đầy khát vọng vô biên của chúng ta. Hãy mở rộng trái tim mình cho tình yêu Chúa trào tuôn. Tình yêu là con đường ngắn nhất để cho Mình Máu Chúa biến đổi cuộc đời ta thành sự hiện hiện diện của Đức Giêsu.

Ước chi chúng ta thật sự hăm hở và vui mừng mỗi khi được rước Chúa, được cận kề bên Chúa, được sống trong Chúa và Chúa sống trong ta. Dần dần ta mới cảm thấy Chúa lấp đầy trái tim khao khát của mình, mới cảm nhận Ngài là sự sống viên mãn và niềm vui miên trường cho chúng ta từ chính cuộc sống hôm nay, để ta dám sống cho mọi người.

Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Lương thực hằng ngày chỉ sống đời này,
chẳng ai có thể sống hoài sống mãi,
chỉ có Chúa là tấm bánh nhiệm mầu,
cho con người sự sống mới mai sau.


Khi con rước Chúa với lòng khao khát,
là con được chính Chúa nguồn ân ban,
được kết hiệp với Ba Ngôi Chúa cả,
cao vời quá ôi tình thương hải hà.


Bản thân con bất xứng muôn ngàn lần,
mà rồi Chúa vẫn ân cần ngự đến,
con không dám tin đó là sự thật,
ai ngờ là nhiệm mật của tình yêu,
chính là điều vượt trên mọi trí hiểu,


Mầu nhiệm này không ai suy cho thấu,
chỉ khi con yêu Chúa cả trái tim,
con mới có được phần nào cảm nghiệm,
tấm bánh linh thiêng quá diệu huyền,
để đời con được dần dần xoay chuyển.


Nhưng con thấy tâm hồn vẫn bợn nhơ,
khi đứng trước tình yêu Chúa vô bờ,
vẫn không tránh những lần con vô cảm,
khi rước Chúa mà lòng vẫn không ham,
chỉ vì còn đam mê đời thế tục,
chưa thoát khỏi nhục dục của trần gian.


Xin tha thứ cho con đã xúc phạm,
thật ra chẳng bao giờ mà con dám,
cũng chỉ vì yếu đuối quá vô tình,
xin cho con biết cải hóa đời mình,
lòng hân hoan đón rước Chúa uy linh,
để sống mãi trong ân tình muôn thuở. Amen.

 

 
 

Mình và Máu Con Thiên Chúa
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 6, 51-59).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

Suy niệm

Mỗi ngày, khi mặt trời bắt đầu ló dạng, con người thức dậy cùng với những lo toan, những trăn trở liên quan đến cái ăn cái mặc, đến mọi nhu cầu của cuộc sống, từ bản thân cho đến gia đình. Những lo toan đó không có gì là mới, thế nhưng, ai cũng phải quan tâm và tìm kiếm cho mình, dù biết rằng trong mỗi con người, đâu chỉ tồn tại đời sống thể xác, nhưng còn khía cạnh thứ hai là đời sống tinh thần. Trong đời sống tinh thần đó, ngoài những nhu cầu như tình người, tình gia đình, tình yêu đôi lứa, tình yêu vợ chồng, tình Cha Mẹ - con cái, con người còn cần có đời sống tôn giáo. Chính đời sống tôn giáo, giúp con người tìm thấy chính mình, tìm thấy cội nguồn và hơn nữa, còn giúp trả lời cho con người nhiều câu hỏi liên quan đến cuộc sống hàng ngày. Vậy lương thực dùng để nuôi đời sống tôn giáo là gì, nếu không phải là những bài giáo huấn từ các tôn giáo. Với đạo Công Giáo, lương thực đó còn được Đấng sáng lập đem từ trời xuống, đó là Mình và Máu Con Thiên Chúa. Thứ lương thực đó khởi đi từ khái niệm của ăn, nhưng thực sự, đó là lúc sự sống của Thiên Chúa, đi vào trong từng hơi thở và sự sống của con người.

Hành trình của dân Do-thái từ Ai-cập trở về đất hứa đầy những thử thách, nhất là cái ăn cái mặc. Họ quan tâm đến những thứ đó hàng ngày và mọi nơi, có những lúc, họ đã phàn nàn Thiên Chúa, đòi hỏi những thứ cần cho sự sống thể xác, họ quên đi một điều là sự hiện diện của Thiên Chúa bên cạnh họ, trong đám mây, trong cột lửa, là một sự quan tâm đầy yêu thương của Thiên Chúa. Bài đọc 1 là một lời nhắc của Môi sen, trước những ân huệ lớn lao của Thiên Chúa dành cho họ, ông nhắc cho họ hãy biết sống tâm tình tạ ơn mỗi ngày: “Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy nhớ tất cả đoạn đường mà Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã dẫn đưa các ngươi qua sa mạc suốt bốn mươi năm, để rèn luyện và thử thách các ngươi, để biết các điều bí ẩn trong lòng các ngươi và xem các ngươi có tuân giữ lề luật của Người hay không? Người đã để các ngươi vất vả thiếu thốn, và ban cho các ngươi manna làm của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới, để tỏ cho các ngươi thấy rằng: Con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Khởi đi từ nhu cầu thể xác là cái ăn cái mặc, Thiên Chúa muốn họ hiểu ra rằng, lương thực nuôi sống tâm linh mới thực sự là cần thiết, bởi từ lương thực đó, họ mới là một dân riêng đích thực, mới là một con người được Thiên Chúa yêu mến, vì trong hơi thở của họ, có sự sống của Thiên Chúa.

Là một cộng đoàn còn non trẻ trong đời sống tôn giáo, thánh Phaolô luôn đồng hành và hướng dẫn các tín hữu thành Co-rin-to sống tình huynh đệ cộng đoàn khởi đi từ nghi thức bẻ bánh và cầu nguyện chung. Với nghi thức bẻ bánh và trao cho nhau, cộng đoàn tôn giáo luôn là một như tấm bánh, sẵn sàng bẻ ra trao cho nhau, sẵn sàng phục vụ và hy sinh cho nhau. Sức sống của mỗi tín hữu gồm có lời hằng sống từ Kinh thánh, còn thêm vào đó là tình huynh đệ thiêng liêng, là lời cầu nguyện của mỗi người và mọi người: “Anh em thân mến, chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa chẳng phải là thông hiệp với máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh”. Nghi thức bẻ bánh trao ban cho nhau, dù bên ngoài là như thế, nhưng ý nghĩa sâu xa hơn là sự hy sinh, chia sẻ tình người và tình cộng đoàn. Thiên Chúa đã trở nên tấm bánh bẻ ra trao cho mọi người, mọi dân tộc, từ đó Ngài mong muốn các môn đệ, hãy họa lại cử chỉ đó, như là dấu ấn của tình yêu trao ban và hy sinh cho nhau.

Lời giới thiệu của Đức Giêsu về thứ lương thực từ trời xuống, làm cho nhiều người hoang mang. Làm sao con người có thể ăn thịt đồng loại được, không thể chấp nhận một lời mời đi ngược lại với thuần phong mỹ tục cũng như quy luật của cuộc sống được. Vì thế, bài giáo lý này đã bị chống đối kịch liệt, thực tế, Ngài muốn dùng hình ảnh của ăn thể xác, để hướng tới thứ lương thực cho đời sống tinh thần. Thiên Chúa muốn hòa mình vào nhịp sống của con người, Thiên Chúa muốn con người hòa mình vào nhịp sống của Thiên Chúa, và cách thế nhanh nhất là trở nên của ăn thức uống: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi”. Thức ăn khi được đưa vào cơ thể, sẽ chuyển hóa thành thức ăn hữu cơ, cần thiết cho mỗi cơ phận trong thân thể, giúp tất cả tồn tại và phát triển. Đời sống tinh thần cũng cần được nuôi dưỡng, chỉ có Mình và Máu của Con Thiên Chúa, mới trở thành những loại thức ăn tinh thần, cần thiết cho đời sống tâm linh của người Kitô hữu.

Đức Giêsu giới thiệu cho nhân loại một thứ lương thực mới là Thịt và Máu của Ngài. Quả thực, để chấp nhận lời ví von này không mấy dễ dàng, bởi con người không bao giờ ăn thịt đồng loại. Lời giới thiệu và nội dung không dừng lại theo cách hiểu trên bản văn của vấn đề, nhưng Đức Giêsu muốn giới thiệu về sự tồn tại của con người, luôn cần đến sự sống của Thiên Chúa, bởi ngay từ thưở ban đầu, trong câu chuyện tạo dựng, con người đã mang hơi thở của Thiên Chúa. Mỗi người Kitô hữu, được mời gọi trở nên chứng nhân sống động của Đức Giêsu phục sinh, với trách vụ lớn lao đó, người tín hữu cần họa lại đời sống của Ngài trong chính đời sống của mình, vì thế, từng cử chỉ, hành động, lời nói và tương quan phải đến từ Thiên Chúa. Do đó, nếu trong mình mang lấy sự sống, hơi thở của Thiên Chúa, người tín hữu dễ dàng khắc họa nổi bật bức tranh một Thiên Chúa tình yêu giữa dòng đời, trong thế giới lạnh cóng tình người và tình Trời.

Sống giữa một thế giới đầy những thách đố như hôm nay, người tín hữu rất cần sức mạnh nội tâm để vượt qua mọi thách đố và trở nên chứng nhân của tin mừng. Khi trong mình mang sự sống của Thiên Chúa, khi trong ý thức và ý chí bản thân luôn có hình ảnh của Thiên Chúa, người tín hữu có thể đi vào trong mọi sinh hoạt của thế giới, để làm chứng cho sự hiện hữu của Thiên Chúa, từ khoa học kỹ thuật, đến sự tiến bộ của y học, từ những phát minh vĩ đại của thế giới, cho đến những lời chối từ sự sống của con người, trong những bối cảnh đó, người tín hữu hoàn toàn có thể làm chứng rằng, Thiên Chúa đang hiện hữu, đang trao cho con người những món quà vô giá, để họ thấy được giá trị của chính mình và tha nhân, đồng thời, biết chăm sóc và bảo vệ sự sống của mình và đồng loại. Tiếc rằng, vì tự mãn trước những thành tựu của cuộc sống, con người quên dần cội nguồn của chính mình và của vũ trụ. Nếu không có một tình yêu tạo dựng, làm sao có nhân loại hôm nay, làm sao có một Thiên Chúa cúi xuống với con người, nếu không có một tình yêu cứu độ, làm sao con người có thể trò chuyện và đến gần Thiên Chúa, như người cha đồng hành với người con mỗi ngày, nếu không có tình yêu thánh hóa, làm sao con người có thể thăng tiến trong ơn gọi và được cộng tác với Chúa Thánh Thần, để loan báo tin mừng cứu độ cho thế giới.

Lạy Chúa, chúng con chỉ là một tạo vật, một hạt bụi giữa dòng đời, nhưng đã được Chúa yêu thương và cứu độ bằng giá máu của Con Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức về giá trị của chính mình trước mặt Chúa, để chúng con đáp đền tình yêu vô biên của Chúa. Chúa trao cho chúng con thứ lương thực từ trời, đó là sự sống, đó là sự hiện diện thiêng liêng của Chúa trong tâm hồn chúng con, xin cho mỗi người luôn biết tìm đến thứ lương thực đó, để mỗi ngày, không phải là chúng con sống, mà là Chúa đang sống trong chúng con, đang hành động trong mỗi người chúng con. Lạy Chúa, xin thúc đẩy chúng con tìm về với bí tích Thánh Thể mỗi ngày, để kín múc sự sống thiêng liêng và ân sủng của tình yêu trời cao. Amen.


ĐỂ THỰC SỰ LÀ SỐNG
(Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô -năm A) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa –Ban Mê Thuột

“Thật, Tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.” (Ga 6, 53). Khi Chúa Giêsu đã dùng kiểu nói trịnh trọng theo văn phong thời bấy giờ “thật, Tôi bảo thật… (Amen… Amen…)” thì không chỉ nói lên tầm quan trọng của nội dung lời tuyên bố mà còn nói lên tính tất yếu và thiết yếu của chân lý đối với thính giả bấy giờ và nhân loại mọi thời. Căn cứ vào những lời Chúa Giêsu tuyên phán ở trên, chúng ta thử hỏi rằng những thính giả lúc bấy giờ, thực sự có sự sống nơi họ không. Hay nói cách khác, cần phải đặt vấn đề: sống là gì?

SỐNG LÀ GÌ?

Một câu hỏi không dễ trả lời. Câu trả lời khá phổ thông: sống là động. Trạng thái động đối lập với trạng thái tỉnh (bất động). Trạng thái này có thể là di động, chuyển động, cử động hay hành động. Nếu mô tả tình trạng sống là trạng thái động, thì vừa thái quá lại vừa bất cập. Các khoáng sản như đất đá hay lớn hơn như quả địa cầu, các tinh tú… chúng hằng di động và đang chuyển động. Vậy chúng đang sống ư? Với sinh vật bậc cao là con người, nếu ở trong tình trạng hôn mê, không còn hành động cũng chẳng cử động thì đã chết chưa?

Dưới cái nhìn sinh hóa thì sống là một quá trình tổng hợp và trao đổi các hợp chất hữu cơ. Các học giả trình bày khái niệm: sống là tồn tại có trao đổi chất với môi trường bên ngoài, có sinh đẻ, lớn lên và chết. Một số triết gia vừa thực tế vừa phũ phàng cho ta thấy sống là một quá trình tích lũy năng lực: sức khỏe, tiền bạc, địa vị… để tiến dần về nấm mộ (cái chết).

Quả thật nếu quan niệm sống như là một tình trạng đối lập với chết thì cuộc sống của con người trên bình diện thể lý tự nhiên đúng là nghịch lý và phi lý. Và rồi người ta dễ dàng đồng quan niệm với anh em Phật tử rằng cuộc sống (đời) là bể khổ với cái vòng lẩn quẩn thành - trụ - hoại – không; sinh - lão - bệnh - tử.

Dưới nhãn quan Kitô giáo theo ánh sáng Lời mạc khải thì sống là một trạng thái, đúng hơn là một động thái ở cùng, ở với và ở trong Đấng là nguồn sống, là Đấng Sáng tạo, là căn nguyên và cùng đích của mọi hiện hữu, đặc biệt của loài người. Con người khi tự ý cắt lìa, xa rời Thiên Chúa là đi vào cõi chết hay là đã chết, cho dù cơ thể còn sinh động, còn tổng hợp các chất hữu cơ…

Sách Sáng Thế ký diễn tả chân lý này khi cho thấy loài bụi đất chỉ thực sự là sống khi được Giavê thổi sinh khí vào (x.St 2, 7). Đến đây chúng ta mới hiểu được ý nghĩa lời Chúa trong sách Đệ Nhị Luật khi Giavê thử thách dân Người trong hoang mạc, khi để họ phải chịu đói cùng cực rồi ban Manna từ trời nuôi sống họ để họ ý thức, đúng hơn là để họ tin nhận rằng: “người ta sống không nguyên bởi bánh nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8, 3).

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51). Một lời tuyên bố công khai gây nhiều tranh cãi cho thính giả bấy giờ. Quả là chối tai! Nhưng đó là sự thật, một sự thật nền tảng và thiết yếu cho con người đến nỗi Chúa Giêsu trình bày một cách thẳng thừng tới mức “sống sượng”, không chút rào đón xa gần. Người còn tái khẳng định chân lý ấy ở dạng thức đối nghịch: “Thật, Tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6, 53). Chúng ta nhận ra tính tất yếu và khẩn thiết của chân lý này qua thái độ của Chúa Kitô là sẵn sàng chấp nhận người ta, kể cả các môn đệ rời bỏ Người. Và Người không ngần ngại để tự do cho cả nhóm Mười Hai (x.Ga 6, 60-71).

ĐỂ THỰC SỰ LÀ SỐNG CẦN PHẢI ĐÓN NHẬN NGUỒN SỐNG TỪ THIÊN CHÚA VÀ HÀNH XỬ THEO SỰ SỐNG THIÊN LINH.

Thiên Chúa có thể ban cho nhân loại sự sống của Người dưới nhiều dạng thức khác nhau. Mình Máu Chúa Kitô chính là một trong những phương thế đặc biệt Chúa ban sự sống của Người cho nhân loại chúng ta. Là Kitô hữu, chúng ta dễ dàng tin nhận chân lý này hơn người Do Thái xưa, vì chúng ta tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là chúng ta có biết sống, cư xử, hành động theo nguyên lý hoạt động của sự sống Thiên Chúa không.

Sự sống của Thiên Chúa chính là tình yêu giữa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tình yêu ấy được tỏ bày qua dòng lịch sử, qua lịch sử ơn cứu độ và được tỏ bày cách trọn vẹn, hoàn hảo cho nhân loại nơi Đức Kitô, Ngôi Hai nhập thể làm người. Dựa vào lời mạc khải và qua lời dạy của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, chúng ta cùng xem xét một vài sắc thái của tình yêu Thiên Chúa:

Một tình yêu thể hiện qua tình bạn (Filia): Ngay từ thưở đầu công trình sáng tạo, Giavê đã ngày ngày dạo chơi với con người và con người ở trước nhan Giavê cách thân tình như bạn hữu. Sau khi phạm tội thì con người mới lánh mặt Giavê (x.St 3, 8). Khi đã biết đến giờ phải bỏ thế gian mà về cùng Cha, Chúa Giêsu đã tỏ bày cho các môn đệ: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy đã gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15).

Đã là bạn hữu chân thành thì luôn tín nhiệm nhau. Sự tín nhiệm được thể hiện không chỉ qua việc tỏ bày cho nhau cả những sự sâu kín của mình mà còn sẵn sàng trao phó trách nhiệm, cả trong những việc lớn lao, cao cả lẫn hệ trọng. “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy bá chủ cá biển, chim trời…” (St 1, 28). Ngay từ đầu Giavê đã trao phó nhiệm vụ làm chủ vũ trụ thiên nhiên cho con người. Đến thời viên mãn Chúa Kitô lại trao phó việc rao giảng Tin Mừng cứu độ cho các môn đệ (x.Mt 28, 16-20).

Một tình yêu thể hiện qua việc đón nhận và trao ban (Eros và Agapê): Khi tạo dựng con người Giavê Thiên Chúa đã sáng tạo loài tạo vật hữu hình cao cả nhất là loài người giống hình ảnh và họa ảnh của mình (x.St 1, 26-27). Có thể nói đây là một sự đón nhận toàn vẹn. Xem ai như chính mình là một sự đón nhận hết cả tấm lòng. Trên thập giá, đôi tay của Chúa Kitô giang ra, Trái Tim cực thánh của Người mở tung, là hành vi tình yêu đón nhận cách hoàn hảo và trọn vẹn. Người đón nhận cả những lời hoan hô Người khi Người vào thành thành Giêrusalem lẫn cả những lời nhục mạ khinh khi của nhiều người Do Thái bấy giờ. Người đón nhận lời tuyên tín của Phêrô thay mặt nhóm Mười Hai: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai…” (Ga 6, 68) và đón nhận cả sự phản bội, sự hèn nhát của các ngài khi bỏ Thầy chạy cứu lấy thân mình. Người đón nhận nhiều vị lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ vốn ghen tức tìm mọi cách loại trừ Người và đón nhận cả sự mê lầm của họ (x. Lc 23, 34).

Khi đón nhận con người như là hình ảnh của mình, Giavê Thiên Chúa đã trao ban chính công trình sáng tạo của mình, một công trình như mới khởi đầu. Và Chúa Kitô khi đón nhận các môn sinh làm bạn hữu thì Người đã trao ban công trình cứu độ mà Người vừa khai mở. Khi đón nhận bản tính nhân loại vào Ngôi vị Thiên Chúa thì Ngôi Hai đã thực sự trao ban chức vị làm con Thiên Chúa cùng với gia sản thừa kế cho loài người.

Chính khi đón nhận là lúc trao ban. Chính lúc trao ban là lúc đón nhận. Cả hai động thái trao ban và đón nhận luôn quyện lẫn vào nhau trong một tình yêu đích thực. Và tình yêu ấy bắt nguồn từ Đấng là Tình Yêu (x.1Ga 4, 8). Hôm nay chúng ta cùng tôn thờ mầu nhiệm Chúa Kitô trao ban cho chúng ta chính Máu Thịt của Người qua Bí Tích Thánh Thể. Hiện diện trong Thánh Thể là trọn vẹn Chúa Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa với thiên tình và nhân tính của Người. Trao ban cho ta Thân Mình Người là Chúa Kitô đón nhận chúng ta nên một với Người. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định chân lý này: “Thưa anh em, khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Chúa Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” (1 Cor 10, 16).

Được dự phần vào Mình và Máu Thánh Chúa Kitô là để được sống. Và sự sống đích thực này phải được thể hiện bằng tình yêu. Đó là tình yêu sẵn sàng đón nhận tha nhân, cả ưu điểm lẫn khuyết điểm, cả mặt nổi trội lẫn khía cạnh hạn chế… Đó là tình yêu sẵn sàng trao ban những gì tốt nhất, đẹp nhất của ta cho tha nhân và trao ban cả con người của ta, sự sống của ta. Và đó phải là tình yêu luôn tìm cách nâng nhau lên hàng bạn hữu. Nếu như được vậy, thì một điều chắc chắn là chúng ta đang sống thực sự và thực sự đang sống cách dồi dào.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây