TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật Phục Sinh – Năm B

30/03/2021 12:58:14 |   1751

Chúa Nhật Phục Sinh – Năm B


Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Hôm nay, chúng ta hân hoan mừng lễ Chúa Giêsu Phục Sinh, sau khi chịu khổ nạn, chết trên Thập Giá và mai táng trong mồ. Đó là một biến cố vĩ đại, làm nền tảng cho đức tin của chúng ta. Nhưng thử hỏi biến cố đó có ảnh hưởng hay ích lợi gì cho cuộc đời của chúng ta không, hay chỉ là một kỷ niệm được lập lại hàng năm, chỉ để tưởng nhớ một biến cố đã hoàn toàn qua đi? Chúa Giêsu phục sinh là để đem lại cho chúng ta sự sống mới, và trở nên những con người mới, tại đây và lúc này. Như vậy, để được sự sống mới, chúng ta phải dứt khoát từ bỏ con người cũ, con người vị kỷ, phải lột xác toàn diện, từ quan niệm, cách suy nghĩ, cách ăn nói, hành động, để trở thành con người mới thực thụ. Có như thế, việc Chúa Giêsu phục sinh mới thực sự ích lợi cho đời sống Kitô hữu của chúng ta. Trong tâm tình tạ ơn, chúng ta cùng nhau xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm để xứng đáng cử hành Thánh Lễ trọng đại này.

Ca nhập lễ

Tôi đã sống lại và tôi vẫn còn ở bên Chúa, Chúa đã đặt tay trên mình tôi, sự thông minh của Chúa quá ư huyền diệu – Alleluia.

Hoặc đọc:

Chúa sống lại thật, alleluia, nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời.

Ðọc hoặc hát kinh Tin Kính

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa từ ái, ngày hôm nay, Ðức Giêsu đã đánh bại thần chết, khai đường mở lối cho chúng con vào cuộc sống muôn đời. Nay chúng con đang hoan hỷ mừng Người sống lại, xin Chúa ban Thánh Thần làm cho chúng con trở nên người mới để sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Cv 10, 34a. 37-43

“Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: “Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23

Ðáp: Ðây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó (c. 24).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.

Xướng: Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.

Xướng: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.

Bài Ðọc II: Cl 3, 1-4

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: 1 Cr 5, 6b-8

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, anh em không biết sao?: chỉ một tí men là đã đủ làm dậy men cả khối bột! Anh em hãy tẩy trừ men cũ để nên bột mới anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Ðức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật.

Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên

(Ðọc trong Chúa Nhật Phục Sinh, còn các ngày khác trong tuần Bát nhật thì không buộc đọc)

Các Kitô hữu hãy tiến dâng

lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua.

Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ:

Ðức Kitô vô tội đã hoà giải tội nhân với Chúa Cha.

Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ,

tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.

Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi nghe

bà đã thấy gì trên quãng đường đi?

Tôi đã thấy mồ Ðức Kitô đang sống

và vinh quang của Ðấng Phục Sinh,

thấy các thiên thần làm chứng,

thấy khăn liệm và y phục.

Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh,

Người đi trước chư vị tới xứ Galilêa.

Chúng tôi biết Ðức Kitô đã sống lại thật từ cõi chết!

Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con.

Alleluia: 1 Cr 5, 7b-8a

Alleluia, alleluia! – Lễ Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 20, 1-9

“Người phải sống lại từ cõi chết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Được tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh, chúng ta phải biết loan truyền mầu nhiệm ấy bằng cách dứt bỏ những đam mê và khát vọng trần thế, sống gắn bó với Chúa Kitô. Với lòng cậy trông và phó thác, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:

1 .”Chúng tôi là nhân chứng tất cả những gì Người đã làm trong nước Do Thái và tại Gỉêrusalem” .-Xia cho các vị chủ chăn có tinh thần nhiệt thành, hăng say, can đảm của các tông đồ, để các ngài khôn ngoan hướng dẫn dân Chúa, giúp họ sống đức tin một cách quả cảm và trung kiên.

2. “Anh em hãy tìm những sự trên trời”. Xin lửa nhiệt thành truyền giáo nung nâu tâm hồn mọi người tín hữu biết hướng nhìn về những giá trị cao siêu, khả dĩ thúc giục mọi người tìm về chân lý.

3. “Ông thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào”.- Xin cho những thành phần cấp tiến trong Hội Thánh, biết noi gương Thánh Gioan trong việc tôn trọng quyền phán quyết tối thượng của Đức Thánh Cha, không cố chấp theo những tư tuởng ngược với giáo huấn của Hội Thánh.

4. “Theo Kinh Thánh thì Người phải sống lại từ cõi chết”.- Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết dùng Kinh Thánh làm nền tảng cho đời sống đức tin, để có thể đương đầu với mọi chống đối và xuyên tạc, trung thành giữ đức tin tông truyền, theo giáo huấn của Hội Thánh.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh, thôi thúc chúng con tiến sâu vào sự hiệp thông cùng Ba Ngôi Thiên Chúa, để sức mạnh của .tình yêu Chúa biến đổi chúng con thành những con người mới. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, hôm nay mừng đại lễ Vượt Qua, chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa lễ tế này, là lễ tế làm cho Giáo Hội được tái sinh vào đời sống mới, và được nuôi dưỡng cách lạ lùng. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh I: “nhất là trong ngày cực thánh này”

Khi dùng kinh Tạ Ơn I thì đọc kinh “Cùng hiệp thông…” và kinh “Vậy, lạy Cha…”

Ca hiệp lễ

Chiên Vượt qua của chúng ta là Đức Kitô đã hiến tế, vì thế chúng ta hãy mừng lễ với bánh không men tinh tuyền và chân chính – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa rất từ bi nhân hậu, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã thương đổi mới Hội Thánh; xin Chúa cũng luôn che chở giữ gìn, để Hội Thánh được thấy ngày sống lại vinh quang. Chúng con cầu xin…

Ðể giải tán, phó tế hoặc chính linh mục nói:

X. Lễ đã xong, chúc anh chị em đi bình an. Ha-lê-lu-ia. Ha-lê-lu-ia

Ð. Tạ ơn Chúa. Ha-lê-lu-ia. Ha-lê-lu-ia.

Câu giải tán này dùng cho đến hết Chúa Nhật II Phục Sinh.

Suy niệm

Niềm tin
(sưu tầm)

Kết quả một cuộc điều tra mới đây tại Pháp cho thấy 84% người Pháp cho mình là người công giáo, nghĩa là có lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Nhưng chỉ có 32% là con tin vào sự sống lại. Và người ta phỏng đoán đến năm 2020 thì con số những người tin vào sự sống lại sẽ giảm xuống, chỉ còn độ 10%. Nếu số liệu trên là sát với thực tế và điều phỏng đoán trên là đáng tin cậy, thì tình trạng niềm tin hôm nay quả là bi đát. Tại sao lại có hiện tượng ấy?

Phải chăng con người ngày nay quá quen với những kỹ thuật khoa học có thể kiểm chứng, để không còn nhạy cảm đủ với niềm tin, vốn khởi đi từ những cảm nghiệm. Hay nói theo kiểu thánh Phaolô: Vì quá mải mê những sự dưới đất đến nỗi không còn tha thiết với những sự trên trời. Chính vì thế, chúng ta cần phải khám phá lại niềm tin vào Đức Kitô phục sinh, là nền tảng cho cuộc sống của người tín hữu hôm nay.

Như chúng ta đã biết Phục Sinh là một biến cố quan trọng bởi vì không có nó thì niềm tin sẽ trở thành một việc luống công vô ích, thế mà biến cố quan trọng ấy chỉ được ghi nhận bằng một sự kiện đơn giản: Ngôi mộ trống rỗng. Thế nhưng điều đơn giản ấy nếu không là dấu chứng lịch sử để mà biện bạch thì lại là dấu chỉ mở về một thực tại khác. Đó là niềm tin Phục Sinh qua những chặng đường khám phá.

Thực vậy, từ khám phá đầu tiên về cửa mồ mở toang, khiến Mađalena phải hốt hoảng, tới khám phá tiếp theo về dây băng còn nguyên và khăn liệm được cuộn lại, khiến Phêrô phải kinh ngạc không nói nên lời, để rồi kết thúc bằng khám phá bất ngờ của Gioan khi ông nối kết những dấu chỉ kia với lời Kinh Thánh để làm bừng lên một cảm nghiệm mới và hết sức lạ lùng: ông đã tin.

Mồ rỗng và khăn liệm còn đó là gì nếu không phải là một dấu chỉ cho sự phục sinh theo Kinh Thánh. Thực vậy, Đức Kitô là Thiên Chúa hằng sống, nên Ngài không thể bị chôn vùi trong cõi chết. Là Đấng quyền năng, nên Ngài không thể bị giam hãm trong ngục thất của tử thần. Là Đấng của vĩnh cửu, nên Ngài không thể bị giới hạn trong thời gian. Là ánh sáng, lẽ nào Ngài lại bị bao vây bởi bóng tối. Là Đấng tạo dựng, lẽ nào Ngài lại bị thân phận con người cầm chân. Bởi đó không còn một cách nào khác hơn là Ngài đã phục sinh.

Từ đó, ngày Phục Sinh được gọi là ngày Chúa nhật, ngày của Chúa. Biến cố Phục Sinh không phải chỉ là một biến cố có tính cách lịch sử mà hơn thế nữa, còn là một biến cố làm nên lịch sử, vì biến cố ấy không ngừng được công bố và trở thành nền tảng niềm tin cho cả Giáo Hội. Bởi vì một khi Đức Kitô là đầu đã sống lại, thì chúng ta là chi thể, một ngày kia cũng sẽ sống lại, nếu như chúng ta trung thành gắn bó mật thiết với Ngài.
 

Chúa nhật Phục Sinh
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 20, 1-9).
 
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
 
Suy niệm
 
Giáo hội Công giáo hân hoan đón chào bình minh của ngày mới trong niềm vui Chúa Phục sinh. Ngày mới đây không hướng về thời gian nhưng hướng về ngày mới của sự sống mới đến từ mầu nhiệm sống lại của Con Thiên Chúa làm người. Mầu nhiệm sống lại của Đức Giêsu là một biến cố thực sự đã xảy ra trong không gian và thời gian của lịch sử nhân loại. Biến cố này được xác thực bởi bao nhiêu lời chứng, khởi đi từ những người đã sống với Ngài là các môn đệ, bao nhiêu con người đã can đảm làm chứng cho biến cố này bằng máu, bằng sự sống của họ. Và hôm nay cho đến mai sau, mầu nhiệm này vẫn mãi là một chân lý, một mầu nhiệm đem lại cho nhân loại sự sống đích thực và được trở về mái ấm gia đình của mình là Nước Trời.
 
Sau khi chứng kiến mồ trống của Thầy, thánh Phêrô rất vui mừng, trở về cùng với anh em, động viên nhau vượt qua những khoảng khắc đen tối của đức tin. Sau đó, các ông đã được nhận Thánh Thần từ Đấng phục sinh và các ông đã thay đổi tất cả. Từ ý thức cuộc sống cho đến thái độ đức tin của mỗi người. Trước đám đông của dân chúng đang mừng lễ lớn, thánh Phêrô đã lớn tiếng làm chứng về mầu nhiệm sống lại của Thầy Chí Thánh: “Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: “Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại”. Từ một người ít học, thánh Tông đồ trưởng đã mạnh mẽ làm chứng về cái chết và sự sống lại của Thầy. Lời chứng đó không phải là một lời dụ dỗ như quảng cáo, mà là một lời tuyên bố đến từ thái độ đức tin của một người được chứng kiến. Niềm tin đó có thể bị trả giá và sẵn sàng được trả giá bằng sự sống của thánh nhân và bao nhiêu nhân chứng khác.
 
Lời chứng thứ hai đến từ vị tông đồ chưa một lần sống với Đức Giêsu, chưa một lần được ăn uống với Thầy, đó là thánh Phaolô. Thánh nhân được chọn gọi trên đường Đa-mas, từ đây, thánh nhân tiếp xúc với Đấng Phục sinh trong tương quan Thầy – trò và niềm tin của ngài ngày một lớn lên trong từng biến cố cuộc đời. Lời trần tình của thánh nhân trong lá thư gởi cho cộng đoàn tại thành Co-lo-se là một minh chứng cho niềm tin vững vàng và cũng là một lời chứng của ngài đã hơn một lần được gặp Đấng phục sinh: “Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang”. Vinh quang của thế gian không thể làm cho con người tồn tại vĩnh viễn, chỉ có vinh quang của Thiên Chúa mới đem lại cho con người sự sống vĩnh cửu. Nếu con người muốn được sống vĩnh cửu, hãy cùng chết với Đức Kitô trong mọi yếu đuối và bất toàn của mình, từ đây, họ được Ngài tái sinh trong Nước và Thánh Thần, được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa và thuộc về thượng giới là Nước Trời.
 
Câu chuyện Đức Giêsu sống lại từ cõi chết không đến từ sự bịa đặt của các đồ đệ của Ngài, cũng không được thêu dệt từ những người đã từng đi theo Ngài đó đây và đã được ăn bánh, uống rượu qua những phép lạ, câu chuyện đó là một sự thật hiển nhiên trong lịch sử nhân loại. Ngoài những dấu chỉ như lời tiên báo của Đức Giêsu khi còn sống, thì bản án đó còn được các nhà viết sử ghi lại trong lịch sử thành Roma. Đó là góc nhìn của xã hội, còn dưới góc nhìn của các chứng nhân thì ngôi mộ trống không còn thi hài là một lời chứng hùng hồn. Dù trong đó còn sót lại những dây băng hay những tấm khăn dùng quấn cho thi hài, ngoài ra ngôi mộ cũng không bị tác động bởi những trận động đất lớn, đến nỗi nứt ra và thi hài rơi vào tâm địa cầu như dư luận đã thêu dệt. Các môn đệ của Ngài cũng đã chứng kiến ngôi mộ đó không còn thi hài như khi các ông mai táng Ngài trước đó, lời chứng đó được ghi lại như sau: “Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ”. Cái chết của Đức Giêsu có thể nói là điên rồ đối với những người dân ngoại, nhưng với các môn đệ, sau khi chứng kiến mồ trống và nhận ra tất cả những dấu chỉ Thầy báo trước, các ông đã làm chứng cho sự thật đó bằng chính niềm tin kiên định của mỗi người. Lời chứng đó lắm lúc còn phải đánh đổi bằng sự sống, bằng giá máu của rất nhiều người. Chắc chắn những người làm chứng cho sự thật đó không phải là điên rồ và lời chứng của họ không phải là một lời chứng gian.
 
Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người nghe câu chuyện trên có vẻ nực cười và có chút hoang đường, nhưng đó là một câu chuyện rất ý nghĩa dưới góc nhìn của niềm tin. Một người chết cho người mình yêu. Con Thiên Chúa đã chấp nhận cái chết để bày tỏ tình yêu Chúa Cha yêu con người đến nỗi trao hiến Người Con duy nhất cho con người. Người Con đó đã được sống lại sau cái chết thê thảm bằng quyền năng của Thiên Chúa, chứ không dựa vào thế lực hay phù phép như thế gian suy tưởng. Chúa Cha đã cho người Con sống lại để lời hứa cứu độ của Ngài được vẹn toàn, bởi khi con người phạm tội, trở nên nô lệ cho tội và sự chết, Chúa Cha không bỏ con người và Ngài đã hứa sẽ cứu độ con người. Từ biến cố kỳ diệu này, con người tìm lại được vị thế ban đầu là được gọi Thiên Chúa là Cha, được ở lại trong ngôi nhà của Ngài như một người con đích thực và được chung chia sự sống thần linh với Ngài. Quả là một hồng ân lớn lao của con người khi Con Thiên Chúa đã sống lại.
 
Tiếp bước các chứng nhân thưở ban đầu, người tín hữu hôm nay, trong mỗi ơn gọi Thiên Chúa mời, hãy trở thành những chứng nhân của tin mừng phục sinh. Đức Giêsu phục sinh không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian như một thụ tạo, Ngài vượt lên trên tất cả và hiện diện trong tất cả mọi người. Do đó, người môn đệ của Đức Giêsu phục sinh hãy dùng chính đời sống của mình làm chứng cho thế giới biết, Đức Giêsu đã chết, đã sống lại và nay đang hiện diện trong con người của họ, trong tất cả mọi người. Vì thế, tình liên đới hiệp thông, sự trân trọng phẩm giá con người, tâm tình chia sẻ với những người khó khăn, đau khổ, bệnh tật và đói nghèo, là những hành động mà người tín hữu đang giúp đỡ cho Đức Giêsu phục sinh trong tha nhân. Ngược lại là thái độ khinh miệt, coi thường phẩm giá con người và giá trị sự sống là họ đang gián tiếp kết án Đức Giêsu và đóng đinh Ngài thêm một lần nữa.
 
Lạy Đức Giêsu phục sinh, tin mừng cứu độ Ngài đem tới trần gian là tin mừng sự sống, xin cho chúng con được tiếp bước các môn đệ loan báo tin mừng sự sống đó cho tha nhân, để mọi người đều nhận ra rằng họ là con cái Thiên Chúa và được Chúa yêu thương rất nhiều, dù hoàn cảnh cuộc đời có là thế nào. Chúa đã mời các môn đệ của Chúa ngày xưa đi loan báo tin mừng cứu độ cho thế giới, xin cho chúng con cùng cộng tác với các môn đệ Chúa, loan báo tin mừng phục sinh cho nhân loại với khả năng, hoàn cảnh và ơn gọi chúng con đang sống. Amen.
 
Chúa đã sống lại thật ! ALLELUIA !
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

XIN ĐỪNG

Chúa Kitô đã chết và Người đã phục sinh. Chúng ta hãy chết đi cho con người cũ để sống lại với con người mới. Một sứ điệp Phục Sinh thường nghe đến độ rất quen tai. Dĩ nhiên sứ điệp ấy không có gì sai. Trái lại nó quá chuẩn mực. Thế nhưng khi nó được triển khai thì xem có phần hạn chế. Hãy từ bỏ con người cũ là chớ có rượu chè, trai gái, cờ bạc, trộm cắp… Hãy biết sống yêu thương đùm bọc lẫn nhau như là lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân… Phải chăng mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Kitô soi dẫn chúng ta đến các động thái sống ấy? Dĩ nhiên là có, nhưng quả là quá hạn chế.

Xin đừng luân lý hóa mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đấng chúng ta tuyên xưng là Thiên Chúa làm người. Rất nhiều hiền giả và hầu hết các nhà sáng lập tôn giáo đều hướng dẫn tha nhân sống những điều ấy. Như thế mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô phải vượt lên trên phạm trù luân lý. Xin đừng luân lý hóa mầu nhiệm nền tảng của đức tin Kitô giáo. Mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô là mầu nhiệm thuộc tính thần lý.

Đến ngày thứ ba, chỗi dậy từ cõi chết, mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô khẳng định chân lý nền tảng này: Đấng làm người, Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật. Đã là Thiên Chúa thì đã có, đang có và mãi có. Với Thiên Chúa thì chỉ có phạm trù “sống”. Sự chết chỉ là một cung đoạn vượt qua của mọi vật mọi loài. Ngoài Thiên Chúa thì không có thần nào khác. Sự chết không thể là một thứ “thần”. Thế nhưng thực tiễn cho thấy nó đã được “phong thần”, cách riêng bởi những ai quá bám víu vào cuộc sống hữu hạn, có tính kỳ gian này và nhất là bởi những ai không tin nhận có sự sống đời đời đằng sau cánh cửa sự chết thể lý.

Thiên Chúa là Tình yêu và là Chân lý. Tuyên xưng niềm tin vào mầu nhiệm Chúa phục sinh là tuyên xưng rằng Tình yêu là vĩnh tồn và Chân lý thì bất diệt. Chân lý và Tình yêu đã, đang và mãi sống nơi nhiều tâm hồn vững tin vào sức mạnh và sự vĩnh tồn của chúng. Những ngày vừa qua, bạn và tôi có nhận ra sự hiện diện của Đấng phục sinh nơi trên dưới 500 người chấp nhận ngã xuống vì một nền dân chủ tại Myamar (Miến Điện)? Chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Đấng phục sinh nơi nhiều tâm hồn sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng của mình, gia đình mình và sẵn sàng đương đầu với các nguy cơ để cống hiến tâm huyết, công sức và khả năng cho việc phòng chống cơn đại đại dịch Covid đang hoành hành trên thế giới? Chân lý không chỉ giúp chúng ta thoát cảnh mê lầm mà còn giải phóng chúng thoát khỏi cảnh kiếp đời vong thân, nô lệ. Tình yêu không chỉ mở rộng tấm lòng của chúng ta ra khỏi sự ích kỷ tầm thường và những thiện ích hữu hạn chóng qua mà còn nuôi dưỡng niềm hy vọng cho chúng ta vượt qua nhiều nghịch cảnh để sống một kiếp đời cho hữu ích và có ý nghĩa.

Mừng Chúa Phục Sinh, tham dự Thánh Lễ vọng với nhiều nghi thức long trọng, hát cung Allêluia trầm hùng, “hoành tráng”… quả là chính đáng và hợp lý với Kitô hữu. Tuy nhiên mọi sự rồi sẽ qua nhanh không khác gì năm trước khi mà vì dịch bệnh nên không có lễ nghi gì, nếu Đấng Phục Sinh không thực sự sống trong chúng ta. Không chỉ ái mộ chân lý mà còn phải đứng về chân lý và bảo vệ chân lý, không chỉ biết đón nhận tình yêu mà còn phải biết lan tỏa tình yêu bằng đời sống cống hiến thì chúng ta một cách nào đó mới có thể nói như thánh Tông đồ dân ngoại: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà chính Chúa Kitô (Đấng phục sinh) đang sống trong tôi” (Gal 2,20).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Bài giảng lễ Vọng Phục Sinh 2021
(Rm 6, 3-11; Mc 16, l-8)


Anh chị em thân mến,

Nếu hôm nay, sau hơn 2000 năm của Kitô giáo, chúng ta cử hành đại lễ Phục Sinh, chính là bởi vì một chuỗi liên tục những người tín hữu qua các thời đại đã truyền lại cho chúng ta niềm tin tràn đầy hy vọng vào sự sống lại của Đức Kitô.

Trong 1 Corinto, thánh Phaolô viết: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn 500 anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (1 Co 15, 3-8).

Chúng ta quy tụ hôm nay để mừng lễ Vọng Phục Sinh là nhờ vào việc thông truyền Tin Mừng này qua nhiều thế kỷ. Chúng ta cử hành chiến thắng của sự sống trên sự chết. Chúng ta cử hành chiến thắng của Chúa Giê-su Kitô, niềm hy vọng của chúng ta, Đấng mang lại ý nghĩa cho đời sống của chúng ta, bất chấp những lo lắng, đau khổ và những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt mỗi ngày.

Tảng đá to gắn chặt trên ngôi mộ là biểu tượng của sự bất lực của chúng ta trong việc chiến thắng sự chết bằng sức riêng của mình. “Những người phụ nụ nói với nhau: ai sẽ lăn tảng đá đa khỏi mộ dùm chúng ta đây”. Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm” (Mc 15, 3-4). Chi tiết cụ thể này được cả 4 vị thánh sử ghi lại. Đối với thánh Mac-co và đối với chúng ta hôm nay, tảng đá này ám chỉ đến một bức tường thật sự chia tách con người với sự sống lại: “Ai có thể cất đi thử thách này?”. Chỉ có một mình Thiên Chúa có thể xóa bỏ sức nặng của sự chết đè lên thân phận con người.

Điều quan trọng trong bài Tin Mừng hôm nay, không phải là trình bày về ngôi mộ trống, nhưng là lời loan báo về sự sống lại. Các bà đã gặp một người đưa tin, một thanh niên mặc áo trắng, bày tỏ cho các bà về sự sống lại của Chúa Giê-su. Phục Sinh, đó là ngày lễ của sự mạc khải lớn lao này; đó là lễ của niềm vui và hy vọng. Các bà đã hoảng sợ, nhưng người thanh niên này nói với các bà rằng: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì? Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này.” Nếu sự xuất hiện bất thình lình của Thiên Chúa làm cho người ta hoảng sợ, thì sự hiện diện của Ngài sẽ làm cho người ta được an tâm. Thiên Chúa chân thật không phải là kẻ làm cho người ta sợ hãi, nhưng là Đấng mang lại sự bình an và niềm hy vọng.

Người thanh niên mặc áo trắng còn nói thêm: “Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Galile trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông”. Galile, đó là nơi mà các môn đệ đã được sinh ra, lớn lên, làm việc và sống với gia đình, vì các ngài đều quê ở Galile. Đức Kitô đồng hành với họ trong đời sống thường ngày. Hãy đi! Đừng dừng lại nơi ngôi mộ trống. Hãy đi đến bất cứ nơi nào mà Chúa Giê-su đi trước các anh, nơi mà Ngài đã hẹn với các anh.

Thường thường, tất cả mọi sự liên quan đến đời sống của con người đều kết thúc nơi nghĩa trang, nghĩa là hành trình dương thế đã đóng lại, và người ta bước sang một thế giới khác. Nhưng trong lịch sử của Đức Kitô, tất cả bắt đầu nơi nghĩa trang, chung quanh ngôi mộ trống. Và vị sứ giả không nói với các phụ nữ: “Hãy đi nói với các môn đệ đến đây xem ngôi mộ trống”. Nhưng đã nói với các bà rằng: “Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Galile trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông”. Cộng đoàn của các môn đệ không được thành lập chung quanh một ngôi mộ trống, nhưng là chung quanh Chúa Giê-su Phục Sinh. “Ngài không còn ở đây, Ngài đã phục sinh... Ngài đi trước các anh đến Galile”. Ngài đợi các anh ở nơi các anh đang sống.

Mỗi ngày Chúa nhật, các Kitô hữu họp nhau trong cộng đoàn, trong giáo xứ của mình, chung quanh Chúa Giê-su Phục Sinh, như lời Chúa Giê-su nói: “Nơi nào có hai hay ba người họp nhau lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ”. Và Đức Kitô Phục Sinh luôn đồng hành với chúng ta: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống... Ai bước đi theo Thầy, sẽ không đi trong tối tăm”.

Anh chị em thân mến,

Thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng... Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu… Thật vậy Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết, vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô” (1 Co 15, 14. 20. 25-27).

Niềm tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh đã đâm rễ sâu trong đời sống đức tin của người tín hữu công giáo qua các thời đại. Dẫu cho có một số người chống đối, không tin, nhưng những chứng cứ của các tông đồ, những người đã có dịp gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh, những sự biến đổi tích cực của những người đón nhận Tin Mừng Phục Sinh, là một điều không thể chối cãi được.

Vào ngày lễ Phục Sinh, Đức Kitô mời gọi chúng ta bắt đầu lại để sống một cách tròn đầy niềm tin của người tín hữu, để bước từ nỗi sợ hãi sang niềm vui, từ quá khứ sang hiện tại, từ cái chết đến sự sống. Hôm nay, chúng ta cử hành sự vinh quang vĩ đại, chiến thắng của Đức Kitô trên sự chết.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.

+Gm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây