TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật X Thường Niên -Năm B

04/06/2024 07:39:58 |   755

Chúa Nhật X Thường Niên -Năm B

cn 10 TNb1

Mc 3,20-35


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật X Thường Niên -Năm B

Ca nhập lễ

Chúa là sự sáng, là Đấng cứu độ tôi, tôi sợ chi ai? Chúa là Đấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? Khi những đứa ác xông vào để xả thịt tôi, bọn thù ghét tôi sẽ siêu té và ngã gục.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Phụng vụ Lời Chúa tuần này khuyên chúng ta phải hiệp nhất. Bài đọc I sách Sáng Thế cho thấy khi hai ông bà nguyên tổ, sau khi phạm tội thì chia rẽ, đổ tội cho nhau. Thư Thánh Phaolô thì khuyên nhủ giáo đoàn Corinthô phải kiên tâm tin tưởng trước những bách hại, đừng lấy thế làm nản lòng mà chia tay nhau.

Tới bài Tin Mừng Chúa Giêsu cũng nói đến: công việc muốn có thành công phải liên kết với nhau “một nước mà chia rẽ thì nước đó tồn tại sao được ?”. Vì thế, phải đoàn kết để làm việc thì mọi sự mới có kết quả tốt đẹp.

Trong cuộc sống có biết bao lần chúng ta đã hiềm khích, nói hành, đổ vạ cho người khác cách này cách nọ, gây nên sự chia rẽ nhau. Vậy giờ đây chúng ta cùng thành tâm thống hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, xin đáp lời con cái nài van mà soi sáng cho biết những gì là chính đáng, và giúp chúng con đủ sức thi hành. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: St 3,9-15

“Ta sẽ gây mối thù giữa dòng giống mi và dòng giống người đàn bà”.

Trích sách Sáng thế.

Sau khi con người ăn trái cây biết lành biết dữ, Ðức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?” Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẫn trốn”. Ðức Chúa là Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?” Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”. Ðức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?” Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn”. Ðức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn:

“Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất

trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú.

Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,

giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy;

dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 129, 1-2.3-4.5-6a.6b-8

Ðáp: Chúa luôn luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa. (c. 7bc)

Xướng: Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu. 

Xướng: Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài.

Xướng: Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người. Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông. 

Xướng: Hơn lính canh mong đợi hừng đông, trông cậy Chúa đi, Ítraen hỡi, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa. Chính Người sẽ cứu chuộc Ítraen cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn. 

Bài Ðọc II: 2Cr 4,13 – 5,1

“Chúng tôi tin, nên chúng tôi mới nói”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Thưa anh em, có được cùng một lòng tin, như đã chép: Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói. Quả thật, chúng tôi biết rằng: Ðấng đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy, cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giêsu, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em. Thật vậy, tất cả những điều ấy xảy ra là vì anh em. Như thế, ân sủng càng dồi dào, thì càng có đông người hơn dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người.

Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.

Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 12,31b-32

Alleluia, alleluia! – Chúa nói: Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 3,20-35

“Xatan đã tận số”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Ðức Giêsu và các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

Còn các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. Ðức Giêsu liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.

“Tôi bảo thật các ông: mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”. Ðó là vì họ đã nói: “Ông ấy bị thần ô uế ám”.

Mẹ và anh em Ðức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Mỗi người một cá tính, khó lòng mà đồng tâm nhất trí, nhưng với lòng tin tưởng và cậy trông nơi ơn Chúa. Chúng ta cùng sốt sáng nguyện xin:

1. “Người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi”.- Xin cho các vị Chủ chăn một lòng yêu mến Chúa sắt son, để các ngài thông truyền cho các con chiên của mình lòng trung thành với ơn Chúa.

2. “Mặc dầu con người bên ngoài của chúng ta bị tiêu hủy đi, nhưng con người bên trong của chúng ta ngày càng được canh tân”.- Xin cho mọi thành phần dân Chúa được trung kiên trong gian khó, yêu mến trong cậy trông, để can đảm của họ trở nên dấu chỉ ơn cứu độ.

3. “Một nhà mà tự phân tán, thì nhà đó không thể đứng vững được”.- Xin cho mọi gia đình trên thế giới biết đoàn kết yêu thương nhau, để mọi thành viên trong đó cảm thấy gia đình là tổ ấm bền vững.

4. “Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và mẹ Ta”.- Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta luôn biết thực thi ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, để xứng đáng là con cái và là anh em của Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa, người đời cũng thường nói: đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết. Xin cho chúng con biết nhìn nhận nơi tha nhân là anh em mình, để chia sẻ tinh thần và vật chất. Hầu đáng hưởng vinh quang nước Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa chúng con dâng tiến lễ vật này, để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và cho chúng con được thêm lòng mến Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa là sơn động chỗ tôi nương mình, là Đấng cứu độ và là sức hộ phù tôi.

Hoặc đọc:

Thiên Chúa là tình yêu, và ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin dùng ơn thiêng của bí tích này để chữa lành và bổ dưỡng chúng con, cho chúng con thoát khỏi mọi khuynh hướng xấu và bước đi vững vàng trên con đường thánh thiện. Chúng con cầu xin.

 Suy niệm

anh em đích thực của chúa
“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em, là mẹ tôi.” (Mc 3,20-35)


Suy niệm: Xét trên bình diện tự nhiên, đây có thể là một trong những giây phút phũ phàng nhất trong đời của Chúa Giê-su. Người dưng nước lã nói Ngài bị quỷ ám thì cũng đành; còn ở đây ngay cả thân nhân bà con cũng đến để lôi Chúa về nhà, vì họ cho rằng Chúa bị điên loạn, mất trí. Sống trong thân phận con người, nhưng Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể, vẫn không để bản tính nhân loại lấn át, kéo Ngài xa lạc khỏi sứ mạng thiêng liêng: cứu độ con người để nâng con người lên địa vị làm con cái Thiên Chúa. Ngài nhìn mọi sự trong nhãn quan siêu nhiên đó và cho chúng ta biết mối tương quan thân thuộc đích thực của chúng ta với Ngài không hệ tại ở huyết thống nhân loại mà là ở việc “thi hành ý muốn của Thiên Chúa”.

Mời Bạn: Thay vì nghĩ suy, cư xử theo sự thúc đẩy của xu hướng tự nhiên, chúng ta nhận ra Chúa nơi mọi sự, mọi người; thay vì chạy theo chủ nghĩa thế tục để tìm kiếm tiền tài, danh vọng cốt sao có thể hưởng thụ tối đa ở đời này mà thôi, đối lại, với cặp mắt đức tin siêu nhiên, chúng ta luôn tìm kiếm và hưởng dùng mọi sự, nhắm tới cùng đích là hạnh phúc vĩnh cửu Nước Trời. Nói tóm lại, để trở thành anh em chị em với Chúa Ki-tô, nghĩa là sống trong tình thân với Ngài, chỉ cần một điều kiện, đó là “thi hành ý muốn của Thiên Chúa”.

Sống Lời Chúa: Trước khi hành động bất cứ điều gì, mời bạn dừng lại một giây để thưa với Chúa: “Chúa muốn con làm gì để đẹp ý Chúa?”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết nhận ra Chúa trong mọi sự và biết nhìn mọi sự trong Chúa để con xứng đáng là anh em chị em với Chúa.

Ngày 9: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu! Lạc giáo, ly giáo là do tội lỗi của chúng con, bởi vì, ở đâu có tội lỗi, ở đó có chia rẽ, có tranh chấp, có lạc giáo, và ly giáo. Xin cho Hội Thánh chúng con biết canh tân: để trung thành hơn với sứ mạng, biết hoán cải: để sống phù hợp hơn với Tin Mừng, bởi vì, chính vì chúng con bất trung với Chúa, và sống phản chứng với Tin Mừng là nguyên nhân chính yếu gây chia rẽ giữa chúng con với nhau. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB


TỘI LỖI VÀ TÌNH THƯƠNG
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Chúa Nhật X Thường Niên – Năm B

Trình thuật của sách Sáng Thế mà chúng ta nghe trong Bài đọc I như một trang sử buồn của nhân loại. Đó là câu chuyện về việc hai ông bà, Ađam và Evà, trái lệnh Chúa mà ăn trái cấm. Chúa cho ông bà được ăn mọi trái cây trong vườn, chỉ trừ một loại trái cây ở giữa vườn. Theo lẽ thường, thứ gì bị cấm thì lại hấp dẫn gợi thèm. Càng cấm thì người ta lại càng tò mò muốn xem muốn biết. Hai ông bà đã bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa mà ăn trái cấm. Ấy vậy mà sau khi đã vi phạm điều cấm, Chúa đặt câu hỏi, thì con người lại đổ lỗi cho nhau. Khi Chúa đặt câu hỏi: Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn không? Ông Ađam đã trở lời rất vô trách nhiệm: “Người đàn bà Ngài đã cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”. Đổ lỗi cho người đàn bà là đổ lỗi cho Chúa, vì chính Chúa đã cho ông Ađam người đàn bà làm vợ. Ađam làm như mình chẳng có lỗi gì. Lỗi này là do người đàn bà, và suy cho cùng là do Chúa, vì chính Chúa đã cho ông người đàn bà này, là nguyên nhân của sự bất tuân. Theo tâm lý thông thường, con người vốn không can đảm và khiêm tốn nhận những việc xấu họ đã làm. Họ thường đổ lỗi cho người khác, thậm chí đổ lỗi cho ông Trời, cho Chúa. Tác giả sách Sáng thế vừa ẩn ý khôi hài vừa mỉa mai: thế là cuối cùng con rắn là phải chịu tội nặng nhất. Con rắn bị Chúa kết án nặng nề. Án lệnh này mang tính truyền kiếp, vì đã cám dỗ loài người.

Tuy vậy, dù tội lỗi có ngập tràn và bản án có khắt khe, Thiên Chúa vẫn luôn thương xót con người, vì bản chất của Ngài là Tình Yêu. Chính trong lời tuyên án dành cho con rắn, Thiên Chúa đã nói tới một viễn tượng xa xôi, khi mà dòng giống người phụ nữ sẽ đạp dập đầu con rắn, và con rắn sẽ rình cắn gót chân người phụ nữ ấy. Nhãn quan Kitô giáo nhận ra đây là hình ảnh Đức Trinh nữ Maria, người phụ nữ mới, người sẽ sinh ra Đức Giêsu Kitô Đấng cứu nhân độ thế. Được nuôi dưỡng và khích lệ bởi truyền thống ngôn sứ, lời hứa Thiên Sai lớn dần nơi tâm thức mỗi người Do Thái. Ước mong Đấng Thiên Sai được diễn tả trong mỗi lời kinh, mỗi hơi thở của người Do Thái đạo đức, với niềm hy vọng chắc chắn: Chúa sẽ giải phóng Dân Ngài.

“Ađam, ngươi đang ở đâu?”. Hôm nay Chúa đang đặt ra cho mỗi người chúng ta câu hỏi này. Đây là câu hỏi gợi nhắc về tình trạng tâm hồn, về lối sống, về đối nhân xử thế và về trách nhiệm của mỗi người đối với những lời nói và việc làm của mình. Quả vậy, trong một xã hội mà mọi thành viên đều liên đới với nhau trong đau khổ cũng như trong hạnh phúc, trách nhiệm của con người ngày càng trở nên quan trọng và ảnh hưởng thiết thực đến đời sống hằng ngày. Con người không phải là ốc đảo riêng rẽ độc lập, nhưng liên kết với nhau, như nhiều giọt nước làm nên dòng sông, nhiều cây làm nên rừng, nhiều âm thanh tạo nên bản nhạc để làm vui cho đời. Mỗi chúng ta hãy lắng nghe câu hỏi của Chúa rồi tìm ra câu trả lời: Tôi ở đâu trong mối tương quan với Chúa, trong mối tương quan với anh chị em. Tôi ở đâu trong một gia đình, một lối xóm, một cộng đoàn đức tin và một xã hội? Đâu là hình ảnh mọi người có về tôi? Là người thân thiện dễ mến hay là người ích kỷ lạnh lùng?

“Ngươi đã làm gì thế?”. Đó là câu hỏi Chúa đặt ra với người phụ nữ. Chúa ưu ái hai ông bà, cho hưởng mọi điều tốt đẹp trong vườn địa đàng. Ấy vậy mà ông bà không hài lòng với những gì Chúa ban. Hai ông bà còn đòi nên giống như Chúa. Hai ông bà cũng nghi ngờ lòng thương xót và tình yêu thương của Ngài. Hôm nay Chúa cũng đã đặt ra với mỗi người chúng ta câu hỏi đó, mời gọi chúng ta hãy nghiêm túc nhìn lại cách sống và hành động của mình. Con người quá cao ngạo, khi đạt được điều mình mong muốn thì quên cả Chúa, thậm chí muốn thay thế Ngài. Đó là cơn cám dỗ nghiêm trọng trong thời đại văn minh hôm nay. Con người cậy vào những phát minh khoa học, sự phát triển của kỹ thuật, để tự cho mình có thể thay thế Thượng Đế. Họ quên rằng chính Thiên Chúa đã sắp đặt những nguyên lý trong vũ trụ và trong đời sống con người. Thiên Chúa cũng ban cho con người có khả năng trí tuệ để nghiên cứu và khám phá ra những nguyên lý đó.

Đổ lỗi, kết án và vu khống, đó là điều thường thấy nơi con người. Cũng như con người ở đầu lịch sử đã đổ lỗi cho Chúa và đổ lỗi cho nhau, thời Chúa Giêsu, khi chứng kiến phép lạ trừ quỷ, một số người Do Thái đã dựa vào đó mà nói rằng Chúa Giêsu là quỷ vương, nên có thể trừ các quỷ khác. Chúa Giêsu cho đây là sự xúc phạm nặng nề, là tội phạm đến Chúa Thánh Thần. Tội này không thể được tha thứ. Tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội đồng hoá Chúa Giêsu với ma quỷ. Đó cũng là tội mất lòng trông cậy vào lòng thương của Thiên Chúa.

Giáo huấn uy quyền của Chúa được nhiều người đón nhận, nhưng cũng có những người khước từ. Bởi lẽ, muốn đón nhận giáo huấn của Chúa, họ phải từ bỏ lối sống cũ và can đảm chấp nhận được tái sinh trong sự thật. Hai mươi thế kỷ qua, vẫn còn đó những chống đối, những thờ ơ trước sứ điệp Tin Mừng. Vương quốc của Satan vẫn còn thống trị nơi nhiều người và lôi kéo họ xa rời ánh sáng chân lý. Đối với những ai đón nhận Lời Chúa với tâm hồn rộng mở, họ sẽ trở nên những người thân tình thiết nghĩa với Ngài. Chúa Giêsu đã gọi những người thực thi thánh ý Thiên Chúa là mẹ, là anh chị em của Người.

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã gọi các môn đệ là bạn. Mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và những ai tin vào Người đã trở nên thân thiết, cùng chung một nhịp đập của trái tim, cùng mang một niềm thao thức. Một khi trở nên bạn hữu, anh em, chị em với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được chia sẻ sức sống thần linh của Người và sẽ được thánh hoá, nhờ kết hợp mật thiết với Người. Tin vào Chúa và thực thi Lời Người, đó là điều kiện làm cho chúng ta nên một với Người. Tác giả thư gửi giáo dân Rôma đã nhắc đến ông Abraham như mẫu mực của mọi tín hữu. Vào những lúc bi đát của cuộc đời, ông vẫn vững tin vào Chúa. Abraham được truyền thống Do Thái kể như người công chính, vì ông tin. Tác giả khẳng định với chúng ta: chúng ta cũng sẽ trở nên những người công chính nếu chúng ta vững tin vào Đức Giêsu. Người là Đấng Thiên sai, là con Thiên Chúa và là Đấng Cứu độ chúng ta.

Trong tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta hãy tôn vinh tình thương cao cả của Thiên Chúa, được thể hiện qua Trái tim bị đâm thâu qua. Tình yêu đền đáp tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người và Ngài mong muốn họ đền đáp tình yêu thương đó bằng cuộc sống thánh thiện trước mặt Chúa và đối với anh chị em trong cuộc sống hằng ngày.
 

HẠNH PHÚC THẬT Ở ĐÂU
Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

Trong cuộc sống, không ai là người lại không muốn cho mình được hạnh phúc! Người thì cho rằng: vợ đẹp con khôn là hạnh phúc; người khác lại nghĩ có được nhà lầu xe hơi mới là hạnh phúc; lại có người nghĩ mình phải phấn đấu để được giữ chức nọ việc kia thì sẽ hạnh phúc, nhưng có người lại chỉ hy vọng rất đơn giản là làm sao có cơm ba bữa, quần áo mặc cả ngày cũng là hạnh phúc lắm rồi!

Như vậy, mỗi người đều mong cho mình được hạnh phúc, tuy nhiên quan niệm về hạnh phúc thì lại khác nhau.

Hôm nay, Đức Giêsu cho chúng ta thấy: hạnh phúc của người Tín hữu Kitô chính là việc được đón nhận hồng ân đức tin. Có được đức tin là chúng ta được sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Đây là những người hạnh phúc đích thực.

Vì thế, Đức Giêsu rất quan tâm đến mối liên hệ trong đức tin hơn là sự liên hệ tình cảm thuần túy.

Vì thế, khi thấy được những điều kỳ diệu Đức Giêsu làm và những lời giảng dạy tuyệt vời của Ngài, một người đã thốt lên lời khen ngợi, hay nói đúng hơn là lời chúc mừng Đức Maria là người đã sinh ra và nuôi dưỡng Ngài: “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!”. Tuy nhiên, Đức Giêsu lại nói: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”.

Khi nói như thế, Ngài không có ý hạ thấp vai trò của Đức Maria, nhưng một cách gián tiếp, Ngài đang đề cao Mẹ Maria hơn bao giờ hết, bởi vì trong số những người lắng nghe lời Thiên Chúa, hẳn Mẹ là người trung thành và trọn vẹn nhất. Vì thế, Đức Giêsu muốn đưa Đức Maria ra làm mẫu gương về việc lắng nghe Lời Chúa.

Lời Chúa hôm nay gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh mỗi người chúng ta, vì: ngày nay, trong cuộc sống có quá nhiều sự bon chen, con người phải chạy đua với chúng như trò chơi đuổi nhau của bọn trẻ. Họ phỏng chiếu hạnh phúc qua lăng kính của tiền, tài, tình, quyền…. Còn đứng trước lời mời gọi của Chúa qua chính Lời Ngài thì hẳn chúng ta không muốn nghe, nói gì đến việc tuân giữ!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người: hãy xin Chúa ban đức tin cho ta, từ đức tin đó, chúng ta cộng tác với ơn Chúa để làm cho đức tin ngày càng lớn mạnh. Dấu hiệu của người có một đức tin trưởng thành là yêu mến và tuân giữ Lời Chúa, suy đi nghĩ lại và đem ra thực hành. Được như thế, chúng ta sẽ là những người hạnh phúc.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con được yêu mến và tuân giữ Lời Chúa cách trung thành như Mẹ Maria khi xưa. Amen.

BIẾT NHỮNG GÌ CHÍNH ĐÁNG
(CHÚA NHẬT TUẦN 10 TN NĂM B)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 10 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, xin đáp lời con cái nài van, mà soi dẫn cho biết những gì là chính đáng, và giúp chúng ta đủ sức thi hành.

Xin Chúa soi dẫn cho biết những gì là chính đáng, và đủ sức thi hành, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Huấn Ca cho thấy: ông Giôsuê và ông Calép đứng ra đương đầu với cộng đồng, ngăn cản không để dân phạm tội, làm im bặt những tiếng xì xầm không hay. Vì thế, trong số sáu trăm ngàn bộ binh, chỉ có hai ông là được cứu thoát để đưa dân vào phần gia sản, vào đất tràn trề sữa và mật.

Xin Chúa soi dẫn cho biết những gì là chính đáng, và quyết tâm thực hiện, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Inhaxiô Antiôkhia nói: Anh em đừng dành cho tôi cái gì khác hơn là cứ để tôi được hiến tế cho Thiên Chúa, đang lúc bàn thờ đã sẵn đây rồi. Thiên Chúa đã đoái thương chọn giám mục Xyri này, mà đem từ phương mặt trời mọc sang hướng mặt trời lặn. Tốt đẹp biết bao được lặn khỏi thế gian này mà về cùng Thiên Chúa, rồi được mọc lên trong Người.

Xin Chúa soi dẫn cho biết những gì là chính đáng, bởi vì, Xatan luôn tìm cách quấy phá, cám dỗ chúng ta chống lại ý Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Sáng Thế tường thuật lại: Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.

Xin Chúa soi dẫn cho biết những gì là chính đáng, và giữ vững niềm trông cậy trước những thử thách gian truân, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 129, vịnh gia cũng cùng chung tâm tình này khi nói: Chúa luôn luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa. Hơn lính canh mong đợi hừng đông, trông cậy Chúa đi, Ítraen hỡi, chính Người sẽ cứu chuộc Ítraen cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, vì thế, những gì không thiện hảo chắc chắn không xuất phát từ Thiên Chúa, mà từ Xatan. Do ảnh hưởng của Tội Nguyên Tổ, con người thường dễ nghiêng chiều theo những lời mời gọi của Xatan, mà khước từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người và đã chiến thắng Xatan. Người đã được giương cao và Người sẽ kéo mọi người lên với Người. Xatan là cha của sự dối trá, luôn tìm cách làm cho con người lầm đường lạc lối. Chỉ có một mình Chúa mới chế ngự được Xatan. Ước gì chúng ta luôn biết bám chặt vào Chúa, là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, hầu, chúng ta tránh được những lời quyến dụ phù phiếm của Xatan. Ước gì được như thế!

 

Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng: “Satan lại trừ Satan làm sao được?”

Chúa nhật tuần lễ thứ 10 thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN10TNb a3


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 3, 20-35)

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: “Ngài mất trí”. Và những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng: “Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám”, và nói thêm rằng: “Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ”. Khi đã gọi họ lại, Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng: “Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Và nếu một nhà mà tự phân tán, thì nhà đó không thể đứng vững được. Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong. Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y.
Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Chúa Thánh Thần, muôn đời sẽ không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời”. Đó là vì họ nói: “Người bị thần ô uế ám”.
Và mẹ cùng anh em Người đến, đứng ở ngoài sai người vào mời Chúa ra. Bấy giờ có đám đông ngồi chung quanh Người và họ trình Người rằng: “Kìa mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy”. Người trả lời rằng: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?” Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, Người nói: “Đây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật X Thường Niên -B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

 
 

Suy niệm

Mỗi ngày, khi mở mắt đón một ngày mới, ai cũng mong được tắm mình trong sự trong lành của không khí, được trải nghiệm những gì tốt đẹp nhất cho cuộc sống, được thực hiện những chương trình, những kế hoạch theo sự tính toán của bản thân. Tất cả như đang diễn tả một xu hướng mới của con người, đó là mỗi ngày được trải nghiệm chiều sâu của sự tự do, tự do sống, tự do làm việc và tự do trải nghiệm cuộc đời. Để có thể thực hiện được điều đó, cần trở lại với khái niệm của tự do theo góc nhìn của Thánh kinh, bởi bên cạnh sự tự do, còn tồn tại một khái niệm khác là sự dữ, đây là một khái niệm con người không mấy ưa thích nhưng cứ đeo đẳng. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 10 thường niên, sẽ giúp trả lời cho con người khái niệm về tự do thế nào là đúng, đồng thời cũng cho biết cội nguồn sự dữ và thái độ đối diện với nó như thế nào.

Chỉ vì mang trong mình chút tham vọng ngang bằng Thiên Chúa, con người đã sa vào cạm bẫy của Satan, phá vỡ tương quan giữa Thiên Chúa với con người, giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên. Thiên Chúa cho nguyên tổ sự tự do trong vòng tay của Ngài, tự do chọn lựa tương lai cho mình, thế nhưng, món quà đó đã bị loại trừ, thay vào đó là một sự phản bội thê thảm: “Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: “Ngươi đang ở đâu?” Ông đã thưa: “Con đã nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng, và con đang ẩn núp”. Chúa phán bảo ông rằng: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi không được ăn ư? Ađam thưa lại: “Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn”. Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi đã làm điều đó?” Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn”. Tội xuất hiện, đem tới cho con người bao nỗi bất hạnh, vợ chồng nghi kỵ lẫn nhau, từ chối trách nhiệm, kéo Thiên Chúa vào vòng xoáy của đau khổ, đem lại bất hạnh cho nhau. Hậu quả của sự tự do theo ý con người chứ không theo ý Thiên Chúa là thế.

Chuỗi ngày ngập chìm trong bất hạnh của phận người kéo dài qua mọi thời, dù có sự xuất hiện của Con Thiên Chúa làm người, con người vẫn nhận chịu bao nỗi bất hạnh đến từ hậu quả của sự chọn lựa sai lầm, vẫn nghi ngờ, vẫn cố chấp và vẫn quay lưng lại với tình yêu tha thứ: “những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng: “Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám”, và nói thêm rằng: “Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ”. Khi đã gọi họ lại, Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng: “Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Và nếu một nhà mà tự phân tán, thì nhà đó không thể đứng vững được. Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong”. Chúa Cha đã trao cho con người món quà vô giá là sự tự do, họ đã sử dụng không đúng mục đích, dẫn tới bao nhiêu khổ đau, trong đó, thái độ cố chấp và đóng kín cửa tâm hồn đã làm cho Thiên Chúa phải khổ đau, thậm chí còn nghi ngờ cả tình yêu tha thứ của Thiên Chúa nữa. Do đó, Đức Giêsu đã lên tiếng về thái độ vô cảm của con người: “mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Chúa Thánh Thần, muôn đời sẽ không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời”. Vì sự cố chấp đó nên đau khổ và sự dữ luôn là nỗi ám ảnh đối với con người mọi thời, tình yêu của Thiên Chúa như bị tổn thương.

Hiện hữu trên đời, con người chỉ là một loài thụ tạo không hơn không kém, thế nhưng thụ tạo này được Tạo Hóa ưu ái, yêu thương và chăm sóc bằng một tình yêu vị tha. Hơn nữa, còn trao cho họ món quà là sự tự do, được nhận lãnh hết ơn này đến ơn khác. Do đó, tạ ơn luôn là một tâm tình con người cần phải có, để tri ân Thiên Chúa, đồng thời, giúp họ sống ơn gọi tín hữu Kitô hoàn thiện hơn: “Anh em thân mến, anh em hãy có cùng một tinh thần đức tin, như đã chép rằng: “Tôi đã tin, nên tôi đã nói”; và chúng tôi tin, nên chúng tôi cũng nói, bởi chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại, cũng sẽ làm cho chúng tôi sống lại với Đức Giêsu và sẽ đặt chúng tôi bên Người làm một với anh em. Vì chưng mọi sự đều vì anh em, để ân sủng càng tràn đầy, bởi nhiều kẻ tạ ơn, thì càng gia tăng vinh quang Thiên Chúa”. Đó là những cảm nghiệm của thánh Phaolô trong những ngày thi hành tác vụ của mình, khi được chọn làm Tông đồ cho anh em dân ngoại. Dù là dân Do-thái hay dân ngoại, tất cả cũng chỉ là con người mong manh, rất cần ân sủng để tồn tại, để sống, vì vậy hãy tạ ơn Thiên Chúa bằng cách sống đúng ơn gọi và chu toàn bổn phận của mình.

Thiên Chúa là một người Cha không bao giờ ghét bỏ con cái, Ngài không bao giờ muốn để con cái mình phải hư mất, phải chết đời đời, nhưng phận người yếu đuối, con người còn bị ảnh hưởng do tội nguyên tổ, nên không thiếu những lúc đã lầm lạc. Sự lầm lạc đó dẫn con người đi vào lối nẻo của tội lỗi, ghen ghét, sống ích kỷ, cùng với lòng tham vô đáy, cùng với những tính toán hơn thua, họ không ngại loại trừ chính anh chị em mình. Chính những hậu quả của tội đó, đã đưa con người đến chỗ phải xa rời ngôi nhà Thiên Chúa. Không nỡ đứng nhìn con cái ra đi, Thiên Chúa trao cho con người chính Con yêu của mình, để đưa con người trở về, người Con yêu của Chúa Cha còn hy sinh cả sự sống, để cho con người được sống, được trở về mái ấm ban đầu. Tất cả khởi đi từ tình yêu của Thiên Chúa Cha. Hơn thế nữa, Ngài còn ban Thánh Thần để hướng dẫn từng đường đi nước bước, từng việc làm đúng đắn và có ý nghĩa hơn, Thiên Chúa Ngôi Ba là Thầy dạy, là Sự thật, là Tình yêu, luôn song hành với con người, đó là một sự bảo đảm cho con người. Nhưng thảm hại thay, con người nhân danh sự tự do, từ chối sự song hành đó.

Sự tự do được coi là món quà vô giá Thiên Chúa trao cho con người, chính vì tôn trọng sự tự do của con người, nên khi thấy họ đau khổ, thấy họ dìm mình trong tội, Thiên Chúa không nỡ trừng phạt họ mà ban tặng Người Con của mình cho con người. Người Con đó đã làm người để chia sẻ, cảm thông và đồng hành với con người trong lúc đau khổ, trong lúc bệnh tật, trong lúc thiếu vắng tình người. Một Thiên Chúa cúi xuống vì yêu. Vì thế, khi hiểu ra câu chuyện tình sâu đậm này, con người có dám đầu tư tình yêu của mình cho Thiên Chúa trong mọi sinh hoạt cuộc đời không, con người có dám dành trái tim của mình để yêu tha nhân, để phục vụ anh chị em và đặc biệt là đón nhận những khó khăn trong mỗi ngày sống của mình không, đó là một sự tự do đích thực, một sự tự do đền đáp và sống cho Thiên Chúa tình yêu. Chính tình yêu trao ban nhờ sự tự do là tiêu chuẩn đủ để vào Nước Trời ngày mai. Chính sự tự do giúp con người hôm nay ý thức hơn khi gặp đau khổ, bệnh tật, thất bại, tôi cần phải làm gì khi có Thiên Chúa làm người ở bên cạnh, khi có Ngôi Ba Thiên Chúa giúp tôi thánh hóa mọi biến cố trong cuộc đời.

Lạy Chúa, vì yêu con người, Thiên Chúa không nỡ để con người phải xa rời vòng tay Ngài, xin giúp chúng con luôn cố gắng vượt qua mọi trở ngại, mọi thành kiến thế gian để được sống trong vòng tay yêu thương của Chúa, bởi nơi đó, chúng con mới thực sự là con Chúa, mới thực sự là một thụ tạo yếu đuối luôn cần sự chở che từ Thiên Chúa. Anh em đích thực của chúng con là những ai nghe và thực hành Lời Chúa, xin giúp chúng con biết lấy ánh sáng Lời Chúa làm ngọn đèn soi bước chân, biết lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc sống và biết dùng Lời Chúa là vũ khí chống lại những mưu chước cám dỗ của Satan. Xin Chúa dạy chúng con biết đem tình yêu vào cuộc sống và trong mọi tương quan với anh chị em. Amen.

Bài giảng lễ Chúa Nhật X Thường Niên -Năm B
Lm. Stephanô Nguyễn Văn Đậu

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây