TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

CN Lễ Mình và Máu Thánh Chúa

30/05/2021 04:14:09 |   1341

Chúa Nhật X Thường Niên - Năm B
Mình và Máu Thánh Chúa Kitô


 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật X Thường Niên - Năm B
Mình và Máu Thánh Chúa Kitô


Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly trước khi tự hiến chịu tử nạn và Phục Sinh, thiết lập một giao ước mới thay thế giao ước cũ thời ông Môisê, để nhân loại được giao hòa với Thiên Chúa và lãnh nhận ơn cứu độ. Như vậy Thánh Thể là trung tâm điểm đời sống của chúng ta, luôn chi phối mọi hoạt động của chúng ta, là cơ quan đầu não điều khiển chúng ta sống trong mối tương quan yêu thương với Thiên Chúa và với mọi người, vì trong bí tích Thánh Thể chúng ta không chỉ nên một với Thiên Chúa, nhưng còn với anh chị em của mình nữa, như Thánh Phaolô đã từng nói: tất cả chúng ta tuy nhiều nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh, vì thế, chúng ta làm nên một thân mình. Thân mình mầu nhiệm này sẽ được sống nhờ sức sống của Chúa Kitô là chính Chúa Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. Vậy chúng ta hãy dọn lòng trong sạch, hầu xứng đáng tham dự yến tiệc Mình và Máu Chúa Giêsu trong thánh lễ này.

Ca nhập lễ

Ta sẽ lấy tinh hoa lúa mì nuôi dưỡng chúng, và cho chúng ăn no mật từ hốc đã chảy ra.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình Và Máu Thánh Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Xh 24, 3-8

“Ðây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Môsê đến thuật lại cho dân chúng nghe tất cả những lời và lề luật của Chúa, và toàn dân đồng thanh thưa rằng: “Chúng tôi xin thi hành mọi lời Chúa đã phán”. Vậy Môsê ghi lại tất cả những lời của Chúa. Và sáng sớm, ông chỗi dậy, lập bàn thờ ở chân núi, dựng mười hai cột trụ, chỉ mười hai chi họ Israel, ông sai các thanh niên trong con cái Israel mang của lễ toàn thiêu và hiến dâng lên Chúa những con bò tơ làm hy lễ giao hoà. Môsê lấy phân nửa máu đổ vào các chậu và rưới phân nửa kia lên bàn thờ. Ông mở quyển giao ước ra đọc cho dân nghe và họ thưa: “Chúng tôi xin thi hành và tuân theo tất cả những điều Chúa đã phán”. Vậy ông lấy máu rẩy lên dân chúng và nói: “Ðây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đó”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18

Ðáp: Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa

Hoặc đọc: Alleluia

Xướng: Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa.

Xướng: Trước mặt Chúa thật là quý hoá, cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Tôi là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tì Ngài, Ngài bẻ gãy xiềng xích cho tôi.

Xướng: Tôi sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. 

Bài Ðọc II: Dt 9, 11-15

“Máu Chúa Kitô tẩy sạch lương tâm chúng ta”.

Trích thư gởi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng tế cầu bầu mọi phúc lành tương lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê và tro bò mà người ta rảy trên kẻ ô uế còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Ðức Kitô, Ðấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống. Vì vậy Chúa Kitô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc tội phạm dưới thời Cựu Ước, mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 51-52

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 14, 12-16. 22-26

“Này là Mình Ta. Này là Máu Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: “Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: ‘Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?’ Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó”. Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.

Ðang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa”. Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Trong đời sống, không có gì bất ngờ và thú vị cho bằng tình yêu. Thiên Chúa đã tỏ tình yêu của Ngài trong việc sáng tạo, cứu chuộc, thánh hóa. Đặc biệt bí tích Thánh Thể là cách thế biểu lộ tình yêu cao quí và tuyệt vời nhất. Với lòng tạ ơn và yêu mến, chúng ta tha thiết dâng lời nguyện xin:

1. “Chúng tôi xin thi hành mọi Lời Chúa đã phán” Xin cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục phải là người đi tiên phong trong việc tuân giữ giới luật Chúa truyền, hầu trở nên đòn bẩy thúc giục mọi tâm hồn noi theo.

2. “Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng Tế cầu bầu mọi phúc lành tương lai”.- Xin cho các nguyên thủ quốc gia, khi muốn cho nhân dân được hạnh phúc, hãy tìm về với Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Đức Giêsu Kitô.

3. “Thầy sai chúng tôi hỏi: Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu ?” Xin cho mọi Kitô hữu mỗi ngày biết chuẩn bị tâm hồn, dành làm phòng tiệc ly, để cùng nhau chia sẻ bánh hằng sống là Chúa Giêsu, Chiên Vượt Qua đích thực.

4. “Sau khi hát Thanh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu’’.- Xin cho cộng đoàn giáo xứ, một khi đã được tiếp rước Chúa là nguồn sức sống, cũng can đảm bước theo Chúa vào cuộc khổ nạn Thiên Chúa Cha dành cho, vì “ ngày nào có cái khổ của ngày ấy”.

Chủ sự:  Lạy Chúa Giêsu Kitô, qua sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể, Chúa là lương thực đời này, và là nơi an nghỉ cho chúng con ở đời sau. Xin Chúa liên kết chúng con nên một trong Chúa, để một ngày kia tất cả được quây quần bên nhau quanh bàn tiệc Nước Trời, Chúa hằng sống…

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, bao hạt lúa mới làm nên tấm bánh này, bao trái nho mới ép thành chén rượu đây, tượng trưng sự đoàn kết giữa con cái Chúa. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và làm cho trở nên bí tích nhiệm mầu, đem lại cho Hội Thánh Chúa ơn hiệp nhất và bình an. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Thánh Thể

Ca hiệp lễ

Chúa phán:” Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tuy còn ở dưới thế, nhưng đã được tham dự bàn tiệc trên trời khi thông hiệp với Mình và Máu Thánh Chúa. Xin cho chúng con một khi lên cõi trời vinh hiển được cùng Chúa vui hưởng phúc trường sinh. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

CHÚA GIÊSU TRAO BAN SỰ SỐNG

Xh 24,3-8; Dt 9,11-15; Mc 14,12-16.22-26
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

Có một vị linh mục, khi được chọn và gọi để tiến lên bàn thánh, ngài đã chọn cho mình câu khẩu hiệu: “Cầm lấy mà ăn”. Trong bài giảng lễ tạ ơn, vị giảng lễ luôn tập trung vào hành động bẻ ra, trao ban của Chúa Giêsu để muốn nói lên một điều quan trọng, đó là: linh mục là hiện thân của Chúa Kitô, là tấm bánh tình yêu được chia sẻ cho mọi người. Tấm bánh ấy chính là sự cầu nguyện, hy sinh và chấp nhận tiêu hao sức khỏe, khả năng khi thi hành sứ vụ linh mục của mình cho con chiên đã được trao phó.

Hôm nay, Giáo Hội mừng trọng thể lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu, Ngài là vị mục tử nhân lành, đã hiến mạng sống vì đàn chiên, đã trở nên của ăn thiêng liêng nuôi sống con người. Đây là một chân lý vô cùng cao trọng trong đời sống của người Tín Hữu Kitô.

1. Chúa Giêsu trao ban chính sự sống của Ngài

“Này là Mình Thầy… Này là chén Máu Thầy”. Đây là lời thật sự đầy xúc động, tâm huyết trong bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ trước khi trao hiến thân mình trên thập giá để đền tội thay cho nhân loại.

Khi tuyên bố: “Này là Mình Thầy… Này là chén Máu Thầy”. Chúa Giêsu đã thực sự trao ban chính sự sống của Ngài cho nhân loại. Ngài đã cho và cho đi tất cả. Đó là một tình yêu tròn đầy, tuyệt đối, trọn vẹn và dứt khoát của một Vị Thiên Chúa luôn đi bước trước trong tình yêu. Trao ban một lần nhưng đến cùng. Cái “cùng” này của Thiên Chúa chính là “vô cùng”, nên một lần trao ban là ban mãi mãi. Lời tuyên bố: “Này là Mình Thầy….Này là chén Máu Thầy” là một bảo chứng cho một tình yêu vĩ đại bao trùm cả nhân loại, trải dài trong suốt dòng lịch sử.

Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã chấp nhận bị tiêu hao và trở thành thần lương nuôi sống con người. Nói cách khác, khi trao ban chính Thịt và Máu Ngài để trở thành của ăn của uống nuôi linh hồn ta, thì: Chúa Giêsu đã thuộc về chúng ta. Trong ta và Ngài cùng chung nhau một giòng máu- giòng máu Thần Linh.  

2. Bí tích Thánh Thể – thần dược tâm linh

Khi nói về nguồn sống của Bí tích Thánh Thể, nhiều nhà tu đức đã liên tưởng như sau:

Nếu trong đời sống, những người đã từng thám hiểm, du khảo trong sa mạc, hẳn họ sẽ hiểu và cảm nghiệm sâu xa hơn ai hết về về lương thực và nước uống! Chỉ có nước và lương thực mới đảm bảo cho họ sống sót trong một hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt của khí hậu và môi trường.

Hay, nếu trong cuộc sống thường ngày, chúng ta phải đối diện với nhiều trắc trở cam go, nhiều cám dỗ buông thả theo lối sống hưởng thụ, trụy lạc, khiến con người bị hư thối trong nhận thức, lối sống và hành động.

Thì Thánh Thể Chúa Giêsu thực sự trở thành nguồn sống cho mọi người. Trở thành thần dược chữa trị những tâm hồn hư hoại. Bởi vì chính Chúa Giêsu đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống […] Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 51-54). Thánh Inhaxiô thành Antiokia cũng đã khẳng định:“Thánh Thể là linh dược đem lại sự bất tử, một phương thuốc diệt trừ sự chết”.

3. Sứ điệp ngày lễ

Mỗi khi cử hành Thánh Lễ và tôn thờ Bí tích Thánh Thể, Giáo Hội mời gọi con cái mình hãy cảm nghiệm được tình yêu vô cùng của Thiên Chúa. Cảm thấu lòng thương xót vô biên của Chúa Giêsu qua việc trao hiến thân mình. Thánh Gioan đã viết: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1). Vì thế, chính Ngài đã khẳng định: Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Hơn nữa, lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” là một lệnh truyền cho hết mọi người, không chỉ riêng cho các linh mục. Mệnh lệnh ấy mang một sứ điệp quan trọng, bởi vì: Thánh Lễ không thể kết thúc ở nhà thờ, mà Thánh Lễ ấy, linh đạo Thánh Thể ấy còn kéo dài cả đời.

Nên khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta đã kín múc được nguồn suối thương xót vô biên qua việc lãnh nhận Thánh Thể, thì khi ra khỏi nhà thờ, mỗi người hãy làm cho lòng thương xót ấy được lan tỏa ngang qua đời sống tràn đầy đức tin và đức ái của chúng ta.

Nói cách khác: khi Thánh Lễ trong nhà thờ đã kết thúc, thì Thánh Lễ cuộc đời ngay lập tức được diễn ra.

Tuy nhiên, trong thực tế, Chúa Giêsu đã không tiếc gì chúng ta, kể cả sự sống của chính Ngài, nhưng với bản tính yếu đuối và bản năng vị kỷ của con người, nhiều khi chúng ta so đo tính toán với Chúa từng chút từng chút một. Nhiều khi chúng ta tham dự Thánh Lễ, tôn thờ Thánh Thể, nhưng lòng còn vương vấn biết bao chuyện như: cơm, áo, gạo, tiền. Hay nhiều khi chia sẻ một chút lương thực, tiền bạc cho người nghèo, hay những nhu cầu của Giáo Hội, chúng ta tính toán thiệt hơn!

Mong sao mỗi khi chúng ta rước lấy Mình và Máu Chúa Giêsu vào trong tâm hồn, chúng ta thuộc về Chúa, nên sẵn sàng biết noi gương Chúa. Sống cho đi, sống khiêm tốn – tự hạ để đem lại hạnh phúc cho anh chị em mình.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, vì yêu thương nhân loại mà Chúa đã chấp nhận trở thành một tù nhân giữa loài người. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con luôn biết cảm tạ Chúa không ngừng. Biết noi gương Chúa để sống yêu thương, khiêm tốn và phục vụ.

 

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật X Thường Niên - Năm B

Ca nhập lễ

Chúa là sự sáng, là Đấng cứu độ tôi, tôi sợ chi ai? Chúa là Đấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? Khi những đứa ác xông vào để xả thịt tôi, bọn thù ghét tôi sẽ siêu té và ngã gục.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Phụng vụ Lời Chúa tuần này khuyên chúng ta phải hiệp nhất. Bài đọc I sách Sáng Thế cho thấy khi hai ông bà nguyên tổ, sau khi phạm tội thì chia rẽ, đổ tội cho nhau. Thư Thánh Phaolô thì khuyên nhủ giáo đoàn Corinthô phải kiên tâm tin tưởng trước những bách hại, đừng lấy thế làm nản lòng mà chia tay nhau.

Tới bài Tin Mừng Chúa Giêsu cũng nói đến: công việc muốn có thành công phải liên kết với nhau “một nước mà chia rẽ thì nước đó tồn tại sao được ?”. Vì thế, phải đoàn kết để làm việc thì mọi sự mới có kết quả tốt đẹp.

Trong cuộc sống có biết bao lần chúng ta đã hiềm khích, nói hành, đổ vạ cho người khác cách này cách nọ, gây nên sự chia rẽ nhau. Vậy giờ đây chúng ta cùng thành tâm thống hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, xin đáp lời con cái nài van mà soi sáng cho biết những gì là chính đáng, và giúp chúng con đủ sức thi hành. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: St 3,9-15

“Ta sẽ gây mối thù giữa dòng giống mi và dòng giống người đàn bà”.

Trích sách Sáng thế.

Sau khi con người ăn trái cây biết lành biết dữ, Ðức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?” Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẫn trốn”. Ðức Chúa là Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?” Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”. Ðức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?” Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn”. Ðức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn:

“Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất

trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú.

Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,

giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy;

dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 129, 1-2.3-4.5-6a.6b-8

Ðáp: Chúa luôn luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa. (c. 7bc)

Xướng: Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu. 

Xướng: Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài.

Xướng: Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người. Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông. 

Xướng: Hơn lính canh mong đợi hừng đông, trông cậy Chúa đi, Ítraen hỡi, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa. Chính Người sẽ cứu chuộc Ítraen cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn. 

Bài Ðọc II: 2Cr 4,13 – 5,1

“Chúng tôi tin, nên chúng tôi mới nói”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Thưa anh em, có được cùng một lòng tin, như đã chép: Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói. Quả thật, chúng tôi biết rằng: Ðấng đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy, cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giêsu, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em. Thật vậy, tất cả những điều ấy xảy ra là vì anh em. Như thế, ân sủng càng dồi dào, thì càng có đông người hơn dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người.

Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.

Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 12,31b-32

Alleluia, alleluia! – Chúa nói: Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 3,20-35

“Xatan đã tận số”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Ðức Giêsu và các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

Còn các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. Ðức Giêsu liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.

“Tôi bảo thật các ông: mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”. Ðó là vì họ đã nói: “Ông ấy bị thần ô uế ám”.

Mẹ và anh em Ðức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Mỗi người một cá tính, khó lòng mà đồng tâm nhất trí, nhưng với lòng tin tưởng và cậy trông nơi ơn Chúa. Chúng ta cùng sốt sáng nguyện xin:

1. “Người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi”.- Xin cho các vị Chủ chăn một lòng yêu mến Chúa sắt son, để các ngài thông truyền cho các con chiên của mình lòng trung thành với ơn Chúa.

2. “Mặc dầu con người bên ngoài của chúng ta bị tiêu hủy đi, nhưng con người bên trong của chúng ta ngày càng được canh tân”.- Xin cho mọi thành phần dân Chúa được trung kiên trong gian khó, yêu mến trong cậy trông, để can đảm của họ trở nên dấu chỉ ơn cứu độ.

3. “Một nhà mà tự phân tán, thì nhà đó không thể đứng vững được”.- Xin cho mọi gia đình trên thế giới biết đoàn kết yêu thương nhau, để mọi thành viên trong đó cảm thấy gia đình là tổ ấm bền vững.

4. “Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và mẹ Ta”.- Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta luôn biết thực thi ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, để xứng đáng là con cái và là anh em của Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa, người đời cũng thường nói: đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết. Xin cho chúng con biết nhìn nhận nơi tha nhân là anh em mình, để chia sẻ tinh thần và vật chất. Hầu đáng hưởng vinh quang nước Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa chúng con dâng tiến lễ vật này, để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và cho chúng con được thêm lòng mến Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa là sơn động chỗ tôi nương mình, là Đấng cứu độ và là sức hộ phù tôi.

Hoặc đọc:

Thiên Chúa là tình yêu, và ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin dùng ơn thiêng của bí tích này để chữa lành và bổ dưỡng chúng con, cho chúng con thoát khỏi mọi khuynh hướng xấu và bước đi vững vàng trên con đường thánh thiện. Chúng con cầu xin.

 Suy niệm

HẠNH PHÚC THẬT Ở ĐÂU
Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

Trong cuộc sống, không ai là người lại không muốn cho mình được hạnh phúc! Người thì cho rằng: vợ đẹp con khôn là hạnh phúc; người khác lại nghĩ có được nhà lầu xe hơi mới là hạnh phúc; lại có người nghĩ mình phải phấn đấu để được giữ chức nọ việc kia thì sẽ hạnh phúc, nhưng có người lại chỉ hy vọng rất đơn giản là làm sao có cơm ba bữa, quần áo mặc cả ngày cũng là hạnh phúc lắm rồi!

Như vậy, mỗi người đều mong cho mình được hạnh phúc, tuy nhiên quan niệm về hạnh phúc thì lại khác nhau.

Hôm nay, Đức Giêsu cho chúng ta thấy: hạnh phúc của người Tín hữu Kitô chính là việc được đón nhận hồng ân đức tin. Có được đức tin là chúng ta được sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Đây là những người hạnh phúc đích thực.

Vì thế, Đức Giêsu rất quan tâm đến mối liên hệ trong đức tin hơn là sự liên hệ tình cảm thuần túy.

Vì thế, khi thấy được những điều kỳ diệu Đức Giêsu làm và những lời giảng dạy tuyệt vời của Ngài, một người đã thốt lên lời khen ngợi, hay nói đúng hơn là lời chúc mừng Đức Maria là người đã sinh ra và nuôi dưỡng Ngài: “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!”. Tuy nhiên, Đức Giêsu lại nói: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”.

Khi nói như thế, Ngài không có ý hạ thấp vai trò của Đức Maria, nhưng một cách gián tiếp, Ngài đang đề cao Mẹ Maria hơn bao giờ hết, bởi vì trong số những người lắng nghe lời Thiên Chúa, hẳn Mẹ là người trung thành và trọn vẹn nhất. Vì thế, Đức Giêsu muốn đưa Đức Maria ra làm mẫu gương về việc lắng nghe Lời Chúa.

Lời Chúa hôm nay gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh mỗi người chúng ta, vì: ngày nay, trong cuộc sống có quá nhiều sự bon chen, con người phải chạy đua với chúng như trò chơi đuổi nhau của bọn trẻ. Họ phỏng chiếu hạnh phúc qua lăng kính của tiền, tài, tình, quyền…. Còn đứng trước lời mời gọi của Chúa qua chính Lời Ngài thì hẳn chúng ta không muốn nghe, nói gì đến việc tuân giữ!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người: hãy xin Chúa ban đức tin cho ta, từ đức tin đó, chúng ta cộng tác với ơn Chúa để làm cho đức tin ngày càng lớn mạnh. Dấu hiệu của người có một đức tin trưởng thành là yêu mến và tuân giữ Lời Chúa, suy đi nghĩ lại và đem ra thực hành. Được như thế, chúng ta sẽ là những người hạnh phúc.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con được yêu mến và tuân giữ Lời Chúa cách trung thành như Mẹ Maria khi xưa. Amen.
 

Chúa nhật thứ 10 thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 14, 12-16. 22-26).
 
Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: “Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: ‘Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?’ Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó”. Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.
Ðang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa”. Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu.
 
Suy niệm
 
Mỗi ngày, khi cùng với cộng đoàn tham dự Thánh lễ, chính là lúc chúng ta cùng nhau trở về đồi Can-vê năm xưa, để hiệp cùng Đức Giêsu trên thập giá, tiến dâng lên Thiên Chúa Cha của lễ tinh tuyền nhất là chính Người Con của Ngài, cùng với những tâm tình đoàn con dâng lên. Hy lễ đó khởi đi từ bàn tiệc ly, nơi đó Đức Giêsu đã cầu nguyện, đọc lời chúc tụng, rồi từ đây, tấm bánh và chén rượu trở thành Mình và Máu Thánh của Ngài, trở thành của ăn thiêng liêng cho cộng đoàn, cho mỗi linh hồn. Chúa nhật thứ 10 thường niên được dành riêng để kính trọng thể bí tích Thánh Thể, là Mình và Máu Thánh Con Thiên Chúa. Từ bàn tiệc thánh này, Con Thiên Chúa đã trao chính thân thể Ngài làm của ăn cho con người trong hành trình nơi dương thế, nếu không có sức mạnh từ bí tích này, con người khó có thể vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời.
 
Trên hành trình về đất hứa của dân Do-thái, Thiên Chúa đã nuôi dưỡng họ bằng một thứ lương thực đặc biệt đến từ trời. Lương thực đó đã giúp họ vượt qua chặng đường dài để tới đất hứa. Trong các nghi thức phụng tự của cộng đoàn, Thiên Chúa đã chấp nhận máu của các con vật được hiến tế, có thể tẩy sạch mọi tội lỗi của con người và thanh tẩy mọi đồ vật dùng vào việc hiến tế. Câu chuyện trong bài đọc 1 từ sách Xuất hành tường thuật lại nghi lễ thanh tẩy cộng đoàn bằng chính máu bò tơ dâng trên bàn thánh: “Và sáng sớm, ông chỗi dậy, lập bàn thờ ở chân núi, dựng mười hai cột trụ, chỉ mười hai chi họ Israel, ông sai các thanh niên trong con cái Israel mang của lễ toàn thiêu và hiến dâng lên Chúa những con bò tơ làm hy lễ giao hoà. Môsê lấy phân nửa máu đổ vào các chậu và rưới phân nửa kia lên bàn thờ. Ông mở quyển giao ước ra đọc cho dân nghe và họ thưa: “Chúng tôi xin thi hành và tuân theo tất cả những điều Chúa đã phán”. Vậy ông lấy máu rẩy lên dân chúng và nói: “Ðây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đó”. Máu chiên bò từ các lễ vật con người dâng lên, thế mà Thiên Chúa đón nhận và cho phép con người dùng máu đó để thanh tẩy, để thánh hiến con người và những đồ dùng trong việc phụng tự. Hình ảnh máu chiên bò như báo trước về một hy lễ trọng đại trên đồi Can-vê, nơi đó máu Con Thiên Chúa đổ ra đã thanh tẩy tất cả mọi tội lỗi của con người qua mọi thời. Quả mà một bức tranh tình yêu vô cùng đẹp và đầy ý nghĩa.
 
Được chứng kiến bao câu chuyện tình yêu đầy thánh thiêng, tác giả thư gởi cộng đoàn Do-thái đã trình bày ý nghĩa thánh thiêng của việc thanh tẩy từ máu chiên bò, từ câu chuyện này, tác giả mời mọi người hướng về dòng máu đổ ra từ thập giá trên đồi Can-vê xưa, dòng máu đó còn cao trọng và đáng trân quý hơn máu chiên bò và đem lại ơn cứu độ cho con người như thế nào: “Vì nếu máu dê và tro bò mà người ta rảy trên kẻ ô uế còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Ðức Kitô, Ðấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống”. Máu tượng trưng cho sự sống, là hình ảnh của người có dòng máu đó đang hiện diện, Máu của Đức Giêsu đổ ra trên thập giá, chính là sự hiện diện của Thiên Chúa nơi người Con, và dòng máu đó đem lại sự sống cho muôn người và mọi người.
 
Trước khi bước vào chặng đường thập giá, Đức Giêsu đã gặp gỡ và trò chuyện với các đồ đệ của Ngài trong một bữa ăn đầy tình huynh đệ. Trong bữa ăn đó, Ngài nói về mầu nhiệm tự hủy mà Ngài đang sống, đặc biệt Ngài cử hành nghi thức bẻ bánh và trao ban cho các ông lương thực trời cao. Tiếp theo là nghi thức nâng chén rượu cùng với lời chúc tụng và cầu xin, Ngài trao cho họ thức uống thiêng liêng, sự sống thần linh. Thánh Mac-cô đã tường thuật lại những nghi thức đượm tình huynh đệ và tự hủy của Con Thiên Chúa trong bữa ăn đó, để từ đây các môn đệ học hỏi và thi hành như lời Ngài dạy: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Đức Giêsu đã cử hành các nghi thức theo tinh thần mới của Thiên Chúa: “Ðang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người”. Từ bữa ăn huynh đệ này, chân trời sự sống thần linh được giới thiệu cho thế giới, mạch suối tình yêu được đong đầy và sẽ chảy vào lịch sử nhân loại qua mọi thời. Tất cả đem lại cho con người một loại hình lương thực giúp họ tồn tại và lớn lên trong gia đình Thiên Chúa, đồng thời, chính mỗi con người tín hữu, sẽ là chiếc máng nối dài sự sống của Thiên Chúa đến từ dòng máu thánh này, hầu giúp con người được sống và sống đời đời.
 
Trở về với Thánh lễ mỗi ngày, chúng ta được hiệp thông với mầu nhiệm hy tế của Đức Giêsu trên thánh giá, khi Ngài dâng mình cho Chúa Cha. Mẹ Giáo hội mời con cái hiện tại hóa mầu nhiệm đó bằng một lời tuyên xưng sau nghi thức truyền phép: đây là mầu nhiệm đức tin. Nếu không có đức tin và nếu đức tin không đủ lớn, đủ sâu, chúng ta chưa thể cảm nghiệm được chiều sâu thiêng liêng của bí tích Thánh Thể. Đức Giêsu đã cầu nguyện và bẻ tấm bánh ra, trao cho các đồ đệ của mình. Tấm bánh là lương thực hàng ngày của con người. Tấm bánh đó là dấu chỉ sự hiện diện thiêng liêng của Con Thiên Chúa, Ngài sẵn sàng hủy mình ra trở thành lương thực để nuôi con người mỗi ngày và mọi ngày. Thiên Chúa sẵn sàng chấp nhận trở thành lương thực cho con người dùng, để tồn tại và tăng triển sự sống, cả về thể xác lẫn tâm hồn.
 
Một người môn đệ có sự sống thiêng liêng sung mãn, sẽ là món quà Thiên Chúa gởi đến cho tha nhân, để phục vụ, để chia sẻ, để cho đi và để hy sinh. Nếu người môn đệ đó luôn gắn bó với bí tích Thánh Thể, họ sẽ được đón nhận lương thực của Thiên Chúa mỗi ngày. Chén rượu được nâng lên, được Thiên Chúa chúc lành qua lời cầu nguyện của Đức Giêsu, từ đây không còn là chén rượu, nhưng là chén máu cứu độ muôn người. Máu là hình ảnh của sự sống, mỗi thân thể tồn tại đều có một dòng máu chảy xuyên suốt và chảy mỗi ngày. Máu của Con Thiên Chúa sẽ chảy vào cuộc đời mỗi chứng nhân tin mừng, khi họ hiệp thông với hy lễ của Ngài trên thập giá qua bàn tiệc Thánh lễ. Họ mang trong mình sự sống của Thiên Chúa, một sự sống viên mãn, và Thiên Chúa muốn người chứng nhân hãy chia sẻ sự sống đó cho mọi người, chia sẻ dòng máu thánh thiêng đó bằng chứng từ cuộc sống, bằng việc họa lại khuôn mặt của Thiên Chúa nơi cuộc đời chính mình.
 
Tham dự Thánh lễ không phải là một việc làm theo thói quen của người tín hữu Kitô, nhưng là một nghi thức thánh trong mầu nhiệm đức tin. Mỗi phút giây trong ngày, có biết bao nhiêu Thánh lễ đang được cử hành. Sống hiệp thông với các Thánh lễ đó là chúng ta đang nên một với thân thể mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô. Người tín hữu còn có trách nhiệm nối dài Thánh lễ đó vào trong mọi sinh hoạt của mỗi người trong mọi công việc, mọi hoàn cảnh sống và mỗi ơn gọi. Trở nên lương thực cho người khác được sống không phải là một việc làm đơn giản nhưng cần có thái độ từ bỏ và chấp nhận hy sinh, mới có thể giúp tha nhân có lương thực thiêng liêng để sống, và cũng là thông chia dòng máu cứu độ của Thiên Chúa cho họ, khi sẵn sàng biến cuộc đời là chiếc máng của tình yêu và sự sống.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tự nguyện trở nên tấm bánh làm lương thực cho con người, hầu mọi người được sống trong ơn nghĩa của Chúa, xin cho chúng con biết sống mầu nhiệm tự hủy như Chúa, để trở nên lương thực cho tha nhân trong một thế giới đang đói tình Trời và tình người. Chúa đã chấp nhận trở nên dòng máu sự sống cho con người, để con người đem dòng máu đó chia sẻ cho nhau, xin giúp chúng con biết cố gắng đi lại con đường tự hiến của Chúa, sẵn sàng chia sẻ sự sống thiêng liêng cho mọi người trên những nẻo đường cuộc đời của chúng con. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây