TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XIV Thường Niên - Năm A

02/06/2021 04:22:13 |   590

Chúa Nhật XIV Thường Niên - Năm A

 

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Mỗi ngày Chúa nhật, chúng ta cùng họp nhau để được Chúa nuôi dưỡng và dạy dỗ, hầu mạnh sức hơn để dân Chúa tiếp tục sống làm con Chúa giữa trần gian. Hôm nay, Chúa Nhật 14 thường niên năm A, Chúa kêu gọi chúng ta, những người đang gồng gánh nặng nề, hãy đến với Người để Người bổ sức cho. Vậy chúng ta hãy chú ý lắng nghe Lời Chúa và đón nhận Mình Máu Người hầu Thánh Lễ sẽ thực sự bổ sức cho chúng ta.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, chúng tôi tưởng nhớ lại lòng thương xót của Chúa, ngay trong đền thánh Chúa. Lạy Chúa, cũng như thánh danh Chúa, lời khen ngợi Chúa sẽ vang  đến tận cùng trái đất; tay hữu Chúa đầy đức công minh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, nhờ con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên, xin rộng ban cho các tín hữu Chúa niềm vui thánh thiện này: Chúa đã thương cứu họ ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, xin cũng cho họ được hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Dcr 9, 9-10

"Này vua ngươi khiêm tốn đến với ngươi".

Trích sách Tiên tri Dacaria.

Ðây Chúa phán: "Hỡi thiếu nữ Sion, hãy nhảy mừng; hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy reo mừng! Này vua ngươi đến với ngươi. Người là Ðấng công chính và là Ðấng cứu độ; Người khiêm tốn ngồi trên lừa con, con của lừa mẹ. Người đã loại bỏ các chiến xa khỏi Ephraim, và ngựa khỏi Giêrusalem. Cung tên chiến trận sẽ được phá huỷ. Người sẽ công bố hoà bình cho các dân tộc. Quyền bính của Người sẽ bành trướng từ biển này đến biển nọ, từ sông cái đến tận cùng trái đất".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 1-2. 8-9. 10-11. 13cd-14

Ðáp: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời 

Xướng: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. - Ðáp.

Xướng: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. - Ðáp.

Xướng: Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. - Ðáp.

Xướng: Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 8, 9. 11-13

"Nếu nhờ thần trí mà anh em đã giết được hành động của xác thịt, thì anh em sẽ được sống".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Ðức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Và nếu Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã làm cho Ðức Kitô từ cõi chết sống lại, cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.

Anh em thân mến, chúng ta không phải là những kẻ mắc nợ xác thịt, để chúng ta sống theo xác thịt. Vì chưng, nếu anh em đã sống theo xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Trí mà anh em đã giết được các hành động (xấu xa của) thân xác, thì anh em sẽ được sống.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 17

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 11, 25-30

"Ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. - Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho.

"Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Khi chọn những người bé mọn, hiền lành và khiêm nhường để mạc khải những mầu nhiệm Nước Trời, Thiên Chúa đã bày tỏ tình thương vô vị lợi của Ngài. Tin tưởng vào tình thương ấy, chúng ta mạnh dạn dâng lời khẩn nguyện :

1. “Người khiêm tốn ngồi trên mình lừa...là con của lừa mẹ” - Xin cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục luôn mặc lấy tâm tình khiêm tốn và hiền hậu của Chúa Kitô , để khi mở rộng con tim đón nhận mọi người, các Ngài thông truyền cho họ sức sống sung mãn của Chúa.

2. “Tất cả hãy đến với Ta hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng".- Xin cho mọi tâm hồn Kitô hữu đang hầu ngã quị dưới sức nặng của vất vả, khổ đau do cuộc sống, được Ngài cứu khỏi lo âu, thất vọng, đem lại sức mạnh và can đảm, để họ hưởng sự bình an hoan lạc của Ngài.

3. “Hãy học cùng Ta vì Ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng" Xin cho những tâm hồn đã trở nên già cỗi bởi bao hận thù ghen ghét, được ân sủng Chúa cảm hoá, giúp họ biết noi gương Đức Kitô sống hiền lành và khiêm nhường hầu xứng đáng nếm hưởng tình thương của Ngài.

4. “Cha đã mạc khải Nước Trời cho những kẻ bé mọn”.- Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta, biết khiêm tôn và năng học hỏi tìm kiếm Chân Lý, để đáng được Chúa mạc khải kho tàng trên trời, hầu nhận ra Chúa là Đấng duy nhất phải phụng thờ.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin gương khiêm nhường và dịu hiền của Chúa luôn là bài học sâu sắc giúp chúng con trị dẹp tính kiêu căng tự ái, để biết tuân phục các vị chủ chăn và sống hiền hòa với nhau xứng đáng là chi thể của Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin Chúa dùng của lễ chúng con dâng tiến để thanh tẩy và hướng dẫn chúng con, cho chúng con ngày càng biết sống chân tình với Chúa. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao. Phúc cho ai tìm nương tựa ở nơi Chúa.

Hoặc đọc:

Chúa phán: "Hỡi tất cả những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ mang đỡ bổ xức cho các ngươi".

Lời nguyện kết lễ

Lạy Chúa chúng con vừa lãnh nhận hồng ân cao cả; xin cho chúng con được hưởng ơn cứu độ dồi dào và không ngừng chúc tụng tạ ơn Chúa. Chúng con cầu xin...

 

Suy niệm
 

HÃY MANG LẤY “ÁCH” VÀ “GÁNH” CỦA ĐỨC GIÊSU
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

(Dcr 9,9- 10; Rm 8,9.11- 13; Mt 11,25- 30)

Trong cuộc sống hiện nay, khoa học phát triển, con người được nhàn nhã hơn. Nhận định đó không sai. Tuy nhiên, nó chỉ đúng với những gì là thực dụng, hay đúng trong lãnh vực khoa học, còn trong lãnh vực tinh thần thì vẫn còn đó những buồn sầu, lo lắng; vẫn còn đó những đau khổ tinh thần; và vẫn còn đó những điều bất bình an khi con người có nhiều thứ phục vụ cho thân xác và chất lượng hiện sinh của cuộc sống. Câu hỏi được đặt ra là: làm sao cho cuộc sống này được hạnh phúc và bình an thực sự?

1. Những gánh nặng cuộc đời

Trước khi nói đến sự bình an, chúng ta cùng nhau tìm hiểu những gánh nặng của con người trong cuộc sống hiện nay.

Những gánh nặng đó là:

Gánh nặng của những quá khứ với biết bao nhiêu điều chưa làm được;

Gánh nặng của hiện tại với biết bao bất công;

Gánh nặng của ham muốn, tham lam mà không đạt được;

Gánh nặng của những nghi ngờ, bon chen, hà tiện, ganh tỵ;

Gánh nặng của những khát vọng thống lĩnh xã hội bằng chiến tranh;

Gánh nặng của những người bị áp bức bạo tàn;

Gánh nặng của những kỳ thị chủng tộc và loại trừ;

Gánh nặng khi mang trên mình những căn bệnh nguy hiểm của thế kỷ;

Gánh nặng của những thất vọng, lo âu;

Khi mang trên mình những gánh nặng về thể lý hay tinh thần như thế, con người cần phải được nghỉ ngơi, bồi dưỡng để đem lại bình an. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể đạt được khi chúng ta mang lấy “ách” và “gánh” của Đức Giêsu, và hãy học cùng Đức Giêsu, vì Ngài “hiền hậu” và “khiêm nhường” trong lòng.

2. Ý nghĩa sự “hiền hậu” và “khiêm nhường” theo tinh thần Tin Mừng

Khi nói đến sự“hiền hậu”, người ta nghĩ ngay đến những đặc tính của nó như: dịu dàng, nhẹ nhàng, ngọt ngào, không thô bạo, cứng cỏi, cộc cằn...; "hiền hậu" còn có nghĩa là êm ái, hòa nhã, yêu thương, nhân hậu, thông cảm, tôn trọng và khoan dung; luôn nghĩ tốt và hành động tốt cho người khác. Sẵn sàng đối thoại, không đối đầu và chấp nhận sửa sai.

Còn khi nói đến sự "khiêm tốn”, chúng ta sẵn sàng xuống thấp, ở dưới hay chấp nhận bị hạ xuống, biết sự giới hạn của mình để sống khiêm tốn, sống thật với bản chất, khả năng của mình, không thêu dệt quá những gì mình có.

3. Hãy học với Đức Giêsu vì Ngài “hiền hậu” và “khiêm nhường”

Hôm nay, Đức Giêsu lên tiếng mời gọi các môn đệ hãy mang lấy "ách" và "gánh" của Ngài, bởi vì Ngài có lòng “hiền hậu” và “khiêm nhường” trong lòng.

Thật vậy, hễ mang “ách” của ai là học với người đó; còn mang "gánh" của ai thì được mời gọi giữ những điều luật của người đó đang giữ hay điều luật của chính người đó ban hành. Đức Giêsu mời gọi mang lấy "ách" và “gánh” của Mình, Ngài muốn chúng ta phải sống“hiền hậu”, “khiêm nhường”, “êm ái”, “nhẹ nhàng” và giữ “luật yêu thương”.

Khi mang lấy “ách” và “gánh” của Đức Giêsu, chúng ta sẽ được hạnh phúc và bình an, vì “ách” của Đức Giêsu thì êm ái và “gánh ” của Ngài thì nhẹ nhàng. Đến với và mang lấy tinh thần của Đức Giêsu, chúng ta sẽ được nghỉ ngơi lại sức vì có ơn Chúa phù trợ, chở che. Khi ấy, tinh thần của chúng ta sẽ hạnh phúc và an vui, dẫu có gặp phải những điều khó khăn, thử thách.

Khi mang trong mình những “ách” và “gánh” của Đức Giêsu, ấy là lúc chúng ta đang sống trong quỹ đạo của tình yêu và làm cho tình yêu đó được lên ngôi chứ không phải nhu nhược, nhát đảm, hèn hạ, mù quáng, hay lầm lạc...

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được kiên trì trung thành mang lấy “ách” và “gánh” của Chúa để chúng con được bình an. Amen.

Chúa nhật XIV Thường Niên – Năm A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 11, 25-30).
 
Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. - Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho.
 
“Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.
 
Suy niệm
 
Bước vào tuần lễ thứ 14 thường niên, lời mời của Đức Giêsu gởi đến cho các môn sinh của Ngài, và chúng ta hôm nay, là mỗi người, trong ơn gọi và mỗi hoàn cảnh, hãy cố gắng học nơi Ngài bài học của sự khiêm nhường và dịu hiền trong lòng, có học được tâm tình đó, người môn đệ mới thực sự là một chứng nhân của Tin Mừng tình yêu, một Tin Mừng khởi đi từ tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã cúi xuống với con người, và đã đưa con người lên tận ngôi nhà của Ngài là Nước Trời.
 
Sau khi được an cư trên miền đất đầy sữa và mật ong, dân Do-thái hòa mình vào cuộc sống của những dân tộc chung quanh trong tình huynh đệ, đó là một tương quan tích cực giúp họ phát triển về mọi mặt, bên cạnh đó cũng có những mối lo, đó là họ xem thường lề luật của Giavê, coi nhẹ đời sống phụng tự, sa đọa trong đời sống hàng ngày, vì thế, Giavê đã thanh luyện họ với những lời răn đe và cảnh tỉnh rất nghiêm nghị. Họ vâng nghe và đã thay đổi cuộc đời. Lời của Ngôn sứ Dacaria trong bài đọc 1 là một lời động viên, khích lệ họ hãy cố gắng mỗi ngày vì Giavê luôn coi họ như một thiếu nữ đáng yêu của Ngài: “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy nhảy mừng; hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy reo mừng! Này vua ngươi đến với ngươi. Người là Ðấng công chính và là Ðấng cứu độ; Người khiêm tốn ngồi trên lừa con, con của lừa mẹ”. Lời khích lệ đó giúp họ cố gắng tránh xa những niềm tin lệch lạc, tránh xa những thói quen sinh hoạt đi ngược với lề luật và truyền thống. Giavê đến thăm họ từng ngày, ở lại với họ và gìn giữ họ trong cảnh thái bình thịnh vượng. Hỏi có dân tộc nào được chăm sóc, được yêu thương và được giữ gìn như dân riêng của Giavê không, chắc sẽ không có một dân tộc nào được như vậy, bởi Ngài yêu thương họ bằng một tình yêu cúi xuống, một tình yêu chia sẻ và một tình yêu chăm sóc hàng ngày.
 
Cộng đoàn giáo hội Roma là một cộng đoàn lớn với muôn vàn nét đẹp của các nền văn hóa, do đó, các tín hữu trong cộng đoàn đó đối diện với muôn vàn hấp lực của các vẻ đẹp văn hóa và văn minh đó, bởi thế, trước những cạm bẫy hàng ngày, thánh Phaolô đã nhắc cho họ rằng: “Anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Ðức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Và nếu Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã làm cho Ðức Kitô từ cõi chết sống lại, cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em”. Nhờ Thánh Thần, anh em mới thực sự tham dự vào sự sống bất diệt của Thiên Chúa chứ không phải dựa vào những hấp lực của thế gian hay những hào nhoáng bên ngoài của nhân loại. Chạy theo những trào lưu, những xu hướng của các dân ngoại luôn là lời dụ dỗ ngọt ngào vang lên bên tai mỗi ngày, từ lối sống thiên về xác thịt cho đến nhu cầu tâm linh, tất cả như mang màu sắc của trần thế. Đó là những cám dỗ hàng ngày của các tín hữu thành Roma ngày xưa và chúng ta hôm nay, khi đang sống trong một thế giới muốn tục hóa mọi sinh hoạt tôn giáo và tâm linh của con người.
 
Khi bước vào lịch sử của nhân loại, Đức Giêsu đã chấp nhận những giới hạn của con người, trong đó có những lỗi lầm được chấp nhận và tha thứ, nhưng cũng có những lỗi lầm Đức Giêsu không thể tha thứ cho họ. Khi người Do-thái biến đền thờ Giêrusalem thành nơi buôn bán, coi thường đền thờ, Ngài đã xua đuổi họ thẳng thừng, bởi họ đã tục hóa sự thánh thiêng nơi Thiên Chúa hiện diện với con người. Trước tòa án Philatô, khi được hỏi về thân thế của mình, Đức Giêsu đã trả lời đúng với sự thật, nhưng đã bị vả vào má. Ngài đã lên tiếng phản đối, bởi đó là cách hành xử thiếu tôn trọng sự thật. Từ đây, chúng ta biết Đức Giêsu, suốt cả cuộc đời, luôn cố gắng làm hiển lộ tình thương của Thiên Chúa dành cho con người, nhưng tình thương đó phải dựa trên sự thật và chân lý, chứ không dựa trên quyền lực và vật chất. Lời cầu nguyện của Ngài trong bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ 14 này là một lời chứng về sự hài hòa đó: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. - Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho”. Dù biết đó là một điều kỳ diệu trong chương trình của Chúa Cha khi mạc khải tình yêu cho con người, nhưng Đức Giêsu còn muốn cho con người thấy một khía cạnh khác của tình yêu Thiên Chúa, đó là ai sẽ hiểu và biết được chiều sâu của tình yêu đó nếu không phải là những người khiêm nhường và hiền hậu trong lòng. Thái độ hiền hậu và khiêm nhường trong lòng cùng với những yếu tố của chân lý, của sự thật, tạo nên những giá trị đặc biệt của Tin Mừng và cũng là những giá trị ưu việt của Kitô giáo. Đức Giêsu đã thực hiện những giá trị đó trong suốt thời gian đi loan báo tin mừng, sẵn sàng tranh luận với những gì trái ngược với chân lý, với sự thật, nhưng cũng sẵn sàng cho sự khiêm nhường và hiền hậu lên ngôi.
 
Sự khiêm nhường và hiền hậu trong lòng mà Đức Giêsu giới thiệu cho chúng ta thực hành trong đời sống, là một thái độ ứng xử với nhau trong tương quan giữa người với người. Đó không phải là một sự khiêm nhường nhu nhược, và cũng không phải là một sự hiền hậu ngoan ngoãn, để rồi ai muốn làm gì, muốn nói gì thì cứ để mặc, nhưng đó là một sự khiêm nhường hài hòa giữa tình thương và sự thật. Khiêm nhường để sống ơn gọi hôn nhân là giữ những đặc tính của hôn nhân công giáo, là tôn trọng nhau trong tình thương và sự khác biệt của mỗi giới tính, mỗi cá vị con người, đó là sự khiêm nhường cần và đủ để có một tổ ấm, một cộng đoàn yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, dù có gặp thành công hay thất bại, dù có bình an hay đối diện với những hoạn nạn, bệnh tật. Sự hiền hậu trong bổn phận là cha, là mẹ trong mỗi gia đình, sẽ là những nhân đức vô giá mà các bậc cha mẹ để lại cho con cái, khi chúng thành nhân, thành người trưởng thành trong giáo hội và trong xã hội.
 
Sự hiền hậu và khiêm nhường trong đời tu có thể song hành với những giá trị thánh thiêng của các lời khấn. Khiêm nhường để vâng phục và phục vụ theo mỗi linh đạo được mời gọi, là kim chỉ nam của đời sống tận hiến, thế nhưng,  hành trình vâng phục và phục vụ trong một thế giới đầy những sắc màu tục hóa, đã bị thay hình đổi dạng, và mỗi ngày như đang đi xa dần với những gì Thiên Chúa đợi chờ. Sự khiêm nhường thực sự mà Đức Giêsu giới thiệu đã khoác lấy một chiếc áo mới là không còn là sự hài hòa giữa tình thương và sự thật trong hành trình dâng hiến nhưng là sự khiêm nhường ảo tưởng, để phục vụ cho những tính toán vụ lợi của con người. Nếu không có sự hài hòa cần và đủ đó, làm sao một tu sĩ có thể sống hiền hậu với Thiên Chúa và tha nhân trong một ơn gọi nào được, bởi trong bất cứ hoàn cảnh nào, kế hoạch của con người vẫn được đề cao và chương trình của Thiên Chúa chỉ là bức bình phong bên ngoài: “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.
 
Đức Giêsu không bảo ai cần phải học và ai không cần phải học, Ngài đề nghị tất cả hãy học nơi Ngài sự khiêm nhường và hiền hậu, lời đề nghị đó đâu loại trừ những người có chức quyền, có địa vị trong một tôn giáo hay một cộng đoàn nào, cũng không miễn trừ cho một thành viên nào trong các gia đình, do đó, là con người, ai cũng được mời gọi hãy học nơi Ngài bài học của sự khiêm nhường và hiền hậu, từ bài học đó, mỗi người hãy sống ơn gọi của mình cách hữu hiệu hơn, và chu toàn trọng trách của mình cách hài hòa giữa sự thật và tình thương.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi chúng con hãy sống hoàn thiện như Cha trên trời, và hơn nữa, Chúa còn mời gọi chúng con hãy học sống khiêm nhường và hiền hậu trong lòng, để làm hiển lộ tình thương và sự thật của Thiên Chúa trong cuộc sống, xin cho mỗi chúng con luôn cố gắng học hỏi những gì Chúa dạy, để nên người và trở thành những Kito hữu đích thực. Chúa đã cúi xuống và trở nên nhỏ bé trong tình thương của Chúa Cha, xin cho mỗi chúng con cũng biết sống khiêm tốn đủ, để cho Chúa lớn lên trong con mỗi ngày. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh


 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây