TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XIV Thường Niên -Năm C

“Sự bằng yên của các con sẽ đến trên người ấy”. (Lc 1-12. 17-20)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XIV Thường Niên -Năm C

03/07/2025 09:53:55 |   63
“Sự bằng yên của các con sẽ đến trên người ấy”. (Lc 1-12. 17-20)

Chúa Nhật XIV Thường Niên -Năm C

CN14TN C

Lc 10, 1-12.17-20

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XIV Thường Niên -Năm C

 

Dẫn vào thánh lễ

Anh chị em thân mến! Sợi chỉ đỏ xuyên suốt các bài đọc hôm nay là: Dù thế giới có bị tan nát, lưu đầy như số phận của dân Do Thái và thành thánh Giêrusalem trong bài đọc I, thì vẫn còn hi vọng. Bởi lời tiên báo cứu vớt của tiên tri Isaia. Lời này được thực hiện khi Chúa Giêsu sai các Tông Đồ và môn đệ đi rao giảng Nước Trời và bình an của Ngài.

Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được hạnh phúc ấy nên nói: “Nhờ cây Thập Giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi đối với thế gian”. Mọi Kitô hữu cũng sẽ cảm nghiệm như thánh nhân, nếu hết lòng theo Chúa không chần chừ và tháo lui.

Trong Thánh lễ giờ đây, chúng ta cũng trao cho nhau bình an. Vâng, cần phải trầm tĩnh lại để thống hối về những bất hòa, xáo trộn, để lãnh nhận được bình an do Nhiệm Tích Thánh Thể mang lại cho chúng ta.

Ca nhập lễ

Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa với tiếng reo vui.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dủ lòng thương nhận chúng con làm nghĩa tử để chúng con trở thành con cái ánh sáng; xin đừng để chúng con sa vào cảnh tối tăm lầm lạc nhưng gìn giữ chúng con luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 66, 10-14c

“Ðây Ta khiến sông bình an chảy vào nó”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem, và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: “Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông, và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ. Các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nẩy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 65, 1-3a. 4-5. 6-7a. 16 và 20

Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa (c. 1).

Xướng: Toàn thể đất nước hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngợi vinh quang danh Người, hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa. 

Xướng: Toàn thể đất nước thờ lạy và ca khen Ngài, ca khen danh thánh của Ngài. Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Người thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta! 

Xướng: Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa. Với quyền năng, Người thống trị tới muôn đời. 

Xướng: Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao! Chúc tụng Chúa là Ðấng không hất hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi. 

Bài Ðọc II: Gl 6, 14-18

“Tôi mang trong mình tôi những dấu thánh của Chúa Giêsu”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, phần tôi, ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ cây thập giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian. Vì chưng trong Ðức Kitô, có cắt bì hay không cũng chẳng có giá trị gì, điều quan trọng là trở nên một tạo vật mới. Nguyện chúc bình an và lòng thương xót đối với những ai rập theo quy tắc đó, và cho cả Israel của Thiên Chúa nữa. Từ nay trở đi, ước gì không ai làm phiền tôi nữa; vì tôi mang trong mình tôi dấu thánh của Chúa Giêsu.

Anh em thân mến, nguyện ân sủng của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ở cùng anh em! Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 1-9 {hoặc Lc 1-12. 17-20}

“Sự bằng yên của các con sẽ đến trên người ấy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

“Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: ‘Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi’.

{“Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: ‘Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần’. Ta bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này”.

Bảy mươi hai ông trở về rất vui mừng và nói rằng: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con”. Người bảo: “Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rít, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con, nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”.}

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Đấng vô cùng nhân hậu, và là Cha rất mực yêu thương chúng ta. Trong tâm tình con thảo, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin:

1. Tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giê-su”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các Giám mục, linh mục và phó tế, luôn ý thức sống theo gương mẫu Đức Ki-tô, để chu toàn sứ mạng Chúa trao, và dẫn đưa đoàn chiên tới nguồn mạch sự sống.

2. Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa, được ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, biết mở lòng đón nhận Lời Chúa, để được hưởng ơn cứu độ muôn đời.

3. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các thanh thiếu niên can đảm và quảng đại dấn thân phục vụ Nước Chúa, để có thêm những tay thợ nhiệt thành trên cánh đồng truyền giáo.

4. Bình an cho nhà này!”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các gia đình trong cộng đoàn chúng ta, đang khi nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, được Chúa giữ gìn, che chở để gia đình họ luôn được bình an, thuận hòa và hạnh phúc.

Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa quan phòng và an bài mọi sự cách khôn ngoan. Xin đoái nhận những lời nguyện cầu mà chúng con vừa dâng lên, và xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, mà ca khen chúc tụng Chúa không ngừng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa dùng các bí tích để ban phát ơn cứu độ; xin cho cộng đoàn chúng con biết cử hành lễ tế thờ phượng này với tinh thần phục vụ của Ðức Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi hãy chúc tụng thánh danh Người.

Hoặc đọc:

Chúa nguyện rằng: Lạy Cha, Con cầu xin cho chúng, để chúng nên một như Ta, hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chúng con vừa dâng lễ tạ ơn và đã được rước Mình và Máu Con Chúa là nguồn mạch sức sống dồi dào; xin cho chúng con hằng gắn bó cùng Chúa để sinh hoa quả tồn tại đến muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

SỨ VỤ CẤP BÁCH
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi.” (Lc 1-12. 17-20)

Suy niệm: Đức Giê-su dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, vì “Cha của Thầy cũng là Cha của anh em” (Ga 20, 17); và như thế mọi người là anh em với nhau. Thế nhưng, có những người con chưa biết Cha mình, giống như những đứa con, vì lý do nào đó, đã bị lạc mất cha. Trong gia đình nhân loại này, vì chưa nhận Chúa là Cha nên nhiều người chưa nhận nhau là anh em. Đòi hỏi cấp bách là làm thế nào để những anh chị em đang bị “lạc” được nhận biết Cha, và để mọi người nhận biết nhau là anh chị em nhận ra mình đều là con cái trong gia đình Thiên Chúa. Ước muốn cấp bách này giống như đồng lúa chín vàng phải thu hoạch ngay, nếu để chậm trễ, lúa sẽ rụng rơi và hư mất.

Mời Bạn: Chúa Giê-su thao thức trước “đồng lúa chín mà thiếu thợ gặt.” Người môn đệ Chúa có thao thức thế không? Ngài đã ra lệnh cho các tông đồ ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc đến nay đã 2.000 năm, thế nhưng số người tin theo Chúa chỉ khoảng 1/3 dân số thế giới. Riêng tại Việt Nam, số người tin Chúa chưa đầy 10%. Thế giới, cách riêng đất nước, dân tộc Việt Nam như đồng lúa chín vàng đang là lời kêu gọi thúc bách và thách đố cho chúng ta. Chúng ta sẽ làm gì?

Sống Lời Chúa: Đưa lời cầu cho lương dân vào lời cầu nguyện và đưa việc thăm viếng, chia sẻ với anh em lương dân vào chương trình hành động hằng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa giao cho chúng con sứ vụ loan báo Tin Mừng cho anh em lương dân. Xin cho chúng con lòng nhiệt thành với sứ vụ cao quý này.

Bình an của Chúa

Ngày kia có một người đậu xe bên lề đường, rồi vào trong một cửa hàng để mua sắm mấy thứ cần thiết, khi quay trở ra thì thấy trên ghế ngồi có một mẩu giấy với hàng chữ: Thưa ông, tôi đã tính ăn cắp chiếc xe hơi này, nhưng tình cờ đọc thấy lời cầu phúc “Bình an cho quý bạn”, được dán trên tấm kính. Lời cầu chúc này khiến tôi dừng lại và suy nghĩ. Tôi tin chắc nếu tôi ăn cắp chiếc xe này, thì hẳn ông sẽ không còn được bình an và chính tôi cũng vậy. Vì đây là lần đầu tiên tôi ra nghề. Tôi cũng cầu chúc bình an cho ông và cho cả tôi nữa.

Câu chuyện ngộ nghĩnh trên đây khiến chúng ta nhớ tới lời Chúa qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay: Khi vào bất cứ nhà nào, trước tiên các con hãy nói: Bình an cho nhà này. Nếu ở đó có người yêu chuộng sự bình an, thì sự bình an sẽ ở lại trên người ấy, bằng không sự bình an sẽ trở lại với các con.

Áp dụng lời phán dạy này và câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng: Tấm bảng gắn trên kính xe đã đem lại sự bình an của Đức Kitô cho kẻ đang dự tính ăn cắp xe. Kẻ ăn trộm này là người yêu chuộng sự bình an của Đức Kitô, nên sự bình an đã ở lại trên anh ta. Vậy đâu là sự bình an của Đức Kitô?

Kinh Thánh thường dùng danh từ bình an với bốn ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất, trên bình diện quân sự thì bình an ám chỉ một tình trạng không có chiến tranh giữa các dân tộc. Ý nghĩa thứ hai trên bình diện cá nhân, thì bình an ám chỉ tình trạng yên ổn của từng người. Ý nghĩa thứ ba trên bình diện tôn giáo, thì bình an là mối liên hệ tình nghĩa tốt đẹp giữa Thiên Chúa và chúng ta. Cuối cùng, bình an còn được Kinh Thánh dùng để nói lên tình trạng trong đó mọi người trên mặt đất sống hoà thuận với Chúa, với người khác và với chính bản thân.

Đây là sự bình an mà Chúa nói đến khi Ngài tuyên bố: Ta để lại sự bình an cho các con, Ta ban sự bình an của Ta cho các con. Đây cũng chính là sự bình an mà các thiên thần đã cầu chúc trong đêm Giáng sinh: vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm. Sự bình an này chẳng la gì khác ngoài việc thực thi Nước Chúa trên trần gian. Để thực hiện sự bình an này, Đức Kitô đã xuống thế làm người để hoà giải con người với Thiên Chúa cũng như hoà giải con người với nhau. Bởi vì sự bình an đích thực phải là kết quả của sự hoà giải.

Như thế, để có được sự bình an của Chúa, chúng ta cũng phải sống tinh thần hoà giải. Có được sự bình an trong tâm hồn mà thôi chưa đủ, Đức Kitô còn muốn chúng ta mang sự bình an này đến cho những người chung quanh chúng ta. Chính vì thế mà chúng ta hãy cầu nguyện như lời kinh của thánh Phanxicô Assie: Lạy Chúa, xin hãy biến con thành khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Bởi vì như lời Chúa đã phán: Phúc cho ai xây dựng hoà bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Truyền giáo

Có một linh mục người Mỹ thuộc dòng Tên, giảng dạy tại một trường đại học Công giáo nổi tiếng tại Phi Luật Tân. Ngày kia, tình cờ vị linh mục này đi vào một khu xóm lao động nghèo nàn và gặp một tu sĩ Tiểu đệ người Bỉ. Sau một hồi trao đổi, linh mục người Mỹ đã hỏi tu sĩ người Bỉ như sau: Anh ở đây làm gì vậy. Tu sĩ người Bỉ trả lời: Tôi đi chợ, nấu ăn, giặt giũ quần áo, tôi sống với những người anh em nghèo trong khu xóm lao động này. Nghe thế vị giáo sư người Mỹ có lẽ như tiếc rẻ cho sự hy sinh lãng phí ấy, nên mới nói về mình như sau: Tôi sang đây là để dạy học và thuyết trình, tôi đi đây đi đó, tôi đào tạo những con người hữu ích cho xã hội.

Qua cuộc đối thoại này, có lẽ chúng ta thấy được những khía cạnh khác nhau của việc truyền giáo trong Hội Thánh. Vị linh mục người Mỹ trên đây là điển hình cho một đội ngũ đông đảo các nhà truyền giáo của Hội Thánh trên khắp thế giới, từ thành thị đến nông thôn, từ học đường đến công sở. Nếu có những nhà truyền giáo hăng say hoạt động rao gảing thì cũng có những nhà truyền giáo âm thầm, sống như những chứng nhân. Tựu trung, hoạt động hay sống âm thầm, cả hai hình thức đều có chung một sứ mạng, đó là làm chứng cho Đức Kitô và nước của Ngài. Cả hai đều được sai đi, cả hai đều bị ràng buộc bởi một đòi hỏi giống nhau, đó là làm chứng cho Nước Trời bằng cuộc sống siêu thoát.

Đây là đòi hỏi cơ bản nhất mà Chúa Giêsu đã đề ra cho các môn đệ khi Ngài sai các ông lên đường rao giảng Tin Mừng. Ngài nói với các ông: Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, áo xống, giày dép và đừng chào hỏi ai dọc đường. Một cuộc sống siêu thoát, không lệ thuộc vào của cải trân gian, đó là biểu hiện tiên quyết cho chứng nhân Nước Trời.

Ra đi không hẳn là rời bỏ quê hương của mình để đến những miền đất xa lạ, nhưng chủ yếu là ra khỏi chính mình, ra khỏi con người ích kỷ của mình để đến với tha nhân trong tinh thần hoà giải, yêu thương và phục vụ. Đó là ý nghĩa của mệnh lệnh Chúa truyền: Vào nhà nào trước tiên các con hãy nói: bình an cho nhà này. Hiện diện giữa tha nhân, hiện diện với tha nhân bằng tinh thần chia sẻ, cảm thông và tha thứ, đó chính là sự ra đi đích thực của nhà truyền giáo. Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo.

Là thành phần của Giáo Hội, mỗi người tín hữu, tự bản chất cũng là một nhà truyền giáo. Điều đó có nghĩa là những giá trị của Nước Trời cần phải được thể hiện trong chính cuộc sống giữa chúng ta. Chúng ta phải sống thế nào để những người chung quanh nhìn vào sẽ phải thốt lên sự bỡ ngỡ như những người Do Thái ngày xưa nhìn vào các tín hữu tiên khởi đã phải kêu lên: Kìa xem họ yêu thương nhau dường nào.

Bằng lời nói và nhất là bằng cuộc sống dạt dào yêu thương, chúng ta hãy trở nên là những chứng nhân sống động cho Đức Kitô giữa lòng cuộc đời.

Chúa sai tôi đi
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Ta thường nghĩ rằng: Việc truyền giáo là dành cho các Giám mục, các Linh mục, Tu sĩ. Giáo dân không được học hỏi gì nhiều làm sao có thể truyền giáo được? Truyền giáo phải có nhiều phương tiện vật chất. Thiếu phương tiện không có thể làm gì được. Đó là những quan niệm sai lầm mà Chúa vạch cho ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Chúa Giêsu cho ta thấy truyền giáo là công việc của mọi người khi Người sai 72 môn đệ lên đường. Mười hai Tông đồ có tên tuổi rõ ràng. Đó là thành phần ưu tuyển. Đó là các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ. Còn 72 môn đệ không có tên tuổi rõ ràng. Đó là một đám đông không xác định. Đó là tất cả mọi người giáo dân. Khi sai 72 môn đệ, Chúa Giêsu muốn huy động tất cả mọi người thuộc đủ mọi thành phần tham gia vào việc truyền giáo.

Giáo dân tham gia vào việc truyền giáo bằng cách nào? Trước hết phải ý thức sự cấp thiết của việc truyền giáo: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Lúa đã chín vàng, phải nhanh chóng gặt về không được chậm trễ, nếu không lúa sẽ hư hỏng. Biết bao anh em đang chờ đợi được nghe Lời Chúa. Biết bao anh em đang tìm kiếm Chúa. Biết bao tâm hồn đang mở cửa đón Chúa. Ta phải mau mắn để khỏi lở mất cơ hội.

Thứ đến ta phải cầu nguyện. Sau khi đã chỉ cho thấy đồng lúa chín vàng, Chúa Giêsu không bảo lên đường ngay, nhưng Người dạy phải cầu nguyện trước. Cầu nguyện là nền tảng của việc truyền giáo. Vì truyền giáo phát xuất từ ý định của Thiên chúa. Ơn hoán cải tâm hồn là ơn Chúa ban. Nên cầu nguyện chính là truyền giáo và kết quả của việc truyền giáo bằng cầu nguyện sẽ rất sâu xa. Ta hãy noi gươngThánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu. Vị Thánh sống âm thầm, suốt đời chôn vùi trong 4 bức tường Dòng Kín. Thế mà nhờ lời cầu nguyện, Thánh nữ đã đem được nhiều linh hồn về với Chúa không kém thánh Phanxicô Xaviê, người suốt đời bôn ba khắp nơi để rao giảng Lời Chúa.

Khi đi truyền giáo, hãy trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Chúa dạy ta: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” để ta biết sống khó nghèo. Để ta đừng cậy dựa vào tài sức riêng mình. Để ta đừng cậy dựa vào những phương tiện vật chất. Biết mình nghèo hèn yếu kém, biết những phương tiện vật chất chỉ có giá trị tương đối, ta sẽ biết trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Chính Chúa sẽ làm cho việc truyền giáo có kết quả.

Sau cùng, truyền giáo là đem bình an đến cho mọi người. Niềm bình an đến từ thái độ quên mình, sống chan hoà với những người chung quanh. Niềm bình an đến từ sự hiệp thông, có cho đi, có nhận lãnh. Và nhất là, niềm bình an vì được làm con cái Chúa, luôn sống dưới ánh mắt yêu thương của Chúa.

Như thế việc truyền giáo hoàn toàn nằm trong tầm tay của mọi người giáo dân. Mọi người đều có thể ý thức việc truyền giáo. Mọi người đều có thể cầu nguyện. Mọi người đều có thể trông cậy vào Thiên chúa. Và mọi người đều có khả năng cho đi, nhận lãnh, sống chan hoà với người khác

Như thế mọi người, từ người già tới em bé, từ người bình dân ít học đến những bậc trí thức tài cao học rộng, từ người khoẻ mạnh đến những người đau yếu bệnh tật, tất cả đều có thể làm việc truyền giáo theo ý Chúa muốn.

Hôm nay, Chúa đang than thở với mọi người chúng ta: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Chúng ta hãy bắt chước tiên tri Isaia thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con đi”.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Bạn có thấy việc truyền giáo là cấp thiết không?

2- Theo ý bạn, muốn truyền giáo thành công trong vùng này, người tông đồ cần có những đức tính nào?

3- Bạn có bao giờ cầu nguyện cho việc truyền giáo, cho người làm việc truyền giáo, cho những người chưa biết Chúa ở chung quanh bạn không?

4- Bạn đã bao giờ tham gia vào việc truyền giáo trong Giáo xứ, trong Giáo phận chưa?

BÌNH AN SẼ Ở LẠI VỚI NGƯỜI ĐÓN NHẬN
(CHÚA NHẬT TUẦN 14 TN NĂM C) 
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 14 Thường Niên, Năm C này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Nhờ Con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên. Xin Chúa rộng ban cho các tín hữu Chúa niềm vui thánh thiện này: Chúa đã thương cứu họ ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, thì xin Chúa cũng cho họ được hưởng phúc trường sinh.

Được hưởng phúc trường sinh, nhờ lòng thương xót vô bờ của Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, trích sách Samuen Quyển II nói về: Vua Đavít sám hối. Nghe dụ ngôn của ngôn sứ Nathan rồi, vua Đavít chưa nhận lỗi ngay đâu, nhưng ông vốn có tâm hồn ngay thẳng, không đóng kín khi gặp ánh sáng. Khi được soi sáng rồi, ông khiêm tốn nhận lỗi, và dẫn đầu những ai thành tâm sám hối trong lịch sử thánh. Tội lỗi con nhiều hơn cát biển, và cứ mãi gia tăng; con không đáng nhìn trời, bởi tội lỗi con nhiều vô số. Con đã chọc giận Chúa, dám làm điều dữ trước mắt Ngài. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa.

Được hưởng phúc trường sinh, nhờ biết thành tâm sám hối quay về với Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát… Lạy Chúa, tội lỗi con làm con nhức nhối như mũi tên cắm phập vào mình. Con sám hối, xin Chúa chữa lành trước khi địch thù tìm cách hại con. Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.

Được hưởng phúc trường sinh, nhờ ơn thái bình từ thập giá Đức Kitô, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách ngôn sứ Isaia nói: Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 65, vịnh gia cho thấy: Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa, đàn hát lên mừng Danh Thánh rạng ngời, nào dâng lời ca tụng tôn vinh! Hãy thưa cùng Thiên Chúa: Khủng khiếp thay, sự nghiệp của Ngài! Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giêsu.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Ước chi lòng anh em phấn khởi vì được Đức Kitô ban tặng bình an, và ước chi lời Người hằng sinh hoa kết quả dồi dào trong anh em. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy. Lời Chúa phán là lời chúc bình an cho Dân Người. Đức Kitô, Hoàng Tử Bình An đã dùng chính Máu mình đổ ra trên thập giá, để mua lấy sự bình an cho chúng ta, ước chi bình an của Đức Kitô luôn ở lại trong chúng ta, và sinh hoa kết quả dồi dào trong tâm hồn chúng ta, hầu, chúng ta cũng biết trao tặng bình an đó cho những người xung quanh. Bình an của Đức Kitô chỉ có thể được đón nhận bởi một tâm hồn tan nát giày vò, thành tâm sám hối trước tình yêu và lòng thương xót vô bờ của Chúa, để, chúng ta sẽ như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối, được an ủi vỗ về, được tươi tốt như cỏ đồng xanh. Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm. Chúng ta có thượng tiến lễ toàn thiêu, Người cũng không chấp nhận. Vậy, ta không có tế phẩm sao, ta sẽ không dâng gì ư, không dâng gì mà làm cho Chúa nguôi lòng được sao, Chúa không ưa thích những tế phẩm, nhưng, ta vẫn phải dâng: một tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, để Chúa tạo cho chúng ta một tấm lòng trong trắng, một tâm hồn bình an. Khi đã trót phạm tội, ta hãy đau đớn buồn phiền, vì tội lỗi làm phiền lòng Chúa. Điều gì làm mất lòng Chúa, thì, cũng phải làm đau lòng chúng ta. Như vậy, phần nào đó, chúng ta sẽ một lòng một ý với Chúa, bởi lẽ, điều gì ở nơi chúng ta khiến ta buồn phiền, thì, Đấng tác tạo nên ta cũng gớm ghét điều ấy. Nhờ Con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên. Chúa đã thương cứu chúng ta ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, ước gì chúng ta được hưởng phúc trường sinh. Ước gì được như thế!

 

Tin Mừng Chúa Nhật XIV Thường Niên -Năm C
“Sự bằng yên của các con sẽ đến trên người ấy”. (Lc 10, 1-9) {hoặc Lc 1-12. 17-20}

CN 14 TNc 2


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
          
Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.
          
“Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: ‘Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi’.
          
{
“Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: ‘Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần’. Ta bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này”.
          
Bảy mươi hai ông trở về rất vui mừng và nói rằng: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con”. Người bảo: “Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rít, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con, nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”.}
          
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIV Thường Niên -Năm C
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm

 

 

ƠN AN BÌNH
(Chúa Nhật XIV TN C) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

“Ôi Thần Linh thân ái, xin mở rộng lòng con. Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí, ơn an bình”. Lời ca Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Axidi như đã ghi tạc vào lòng Kitô hữu Việt Nam chúng ta. Ơn bình an là một ơn trong những mà Kitô hữu thương khát mong. Và sự khát mong ấy được thể hiện qua các ý lễ của tín hữu Công giáo thường xin dâng Lễ.
          
Một linh mục bạn tôi dí dỏm rằng lần kia ngài đi cử hành Bí tích Xức Dầu bệnh nhân cho vợ của một người giáo dân trung niên trong xứ. Xức dầu xong, vừa về, chưa kịp vào nhà xứ, bỗng thấy anh trung niên ấy “hớn hở” chạy theo, trên tay cầm một phong thư, lắp bắp: “Thưa cha, cho con xin lễ, xin tạ ơn”. “Gì vậy anh, chị nhà khỏe lại hả?” “Thưa cha, nhà con đi rồi”. Tôi bèn phụ họa. Không bằng chuyện xứ mình. Cũng một lần nọ đi “xức dầu” cho vợ một trung niên về. Lát sau đó anh ta đến nhà xứ, tay cũng cầm phong bì xin lễ. “Sao đó, chị nhà khỏe lại rồi chứ?” “Thưa cha, nhà con khỏe lại rồi. Còn ăn uống và nói chuyện nữa chứ”. “Xin Lễ hả. Xin tạ ơn chứ gì?” “Thưa cha không. Xin cha dâng Lễ cầu bình an”.
          
Hẳn nhiên câu chuyện sau là chuyện không có thật. Nhưng cảnh đời giữa người với người cũng có thể có thật. Tha nhân cũng có thể là “hỏa ngục” hay là “sói dữ” như cách nói của triết gia Jean Paul Sartre.
          
Được bình an hay có nền hòa bình là một trong những khát mong cháy bỏng của con người xưa lẫn nay. Trước đây khái niệm bình an hay hòa bình vốn thường được hiểu theo nghĩa là không có những sự tiêu cực, xấu xa. Chẳng hạn như hòa bình là tình trạng không có chiến tranh. Bình an là tình trạng không gặp phải những điều khó khăn, bất trắc như tai ương, hoạn nạn… Ngày nay người ta quan niệm sự bình an hay hòa bình theo chiều kích tích cực hơn. Đó là tình trạng hài hòa trong các mối tương quan giữa người với người, giữa tập thể với tập thể, giữa người với môi trường sống, với vũ trụ vạn vật…
          
Thánh Kinh cho chúng cái nhìn sâu xa hơn về sự bình an. Ngôn sứ Isaia vẽ nên quang canh an bình như sau: “Này Ta tuôn đổ xuống thành Giêrusalem ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ. Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy.” (Is 66,12-13). Khi sai bảy mươi hai môn đệ ra đi gieo rắc ơn an bình thì Chúa Giêsu đã truyền lệnh các ngài “đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”. Sự bình an đích thực không hệ tại ở vật chất đủ đầy. Cha ông chúng ta đã từng cảm nghiệm “đa phú, đa ưu”. Tiền của càng chồng chất thì nỗi lo càng thêm nhiều. Chức cao, quyền trọng cũng không phải là những cái đem lại sự an bình. Thuyền to thì sóng lớn. Đây là một thực tế khá phổ biến mà ít ai tranh biện.
          
Sự bình an đích thực là tình trạng cảm nhận mình được yêu thương. Đó là tình trạng được sống trong tình yêu, cảm nhận mình được yêu thương vượt quá sự xứng đáng của mình, từ đó thúc đẩy mình nỗ lực sống yêu thương với một tình yêu vượt quá tình cảm tự nhiên thường tình. Người có sự bình an, khi được tha nhân đón nhận thì tự nhiên ở lại với họ, tự nhiên “dùng những gì người ta dọn cho”, nếu người ta không tiếp đón thì ra đi. Nhưng khi ra đi họ không quên rao truyền chân lý là “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”.
          
Sự bình an đích thực cũng không hệ tại ở những thành công, thành quả gặt hái được, cho dù đó là sự khuất phục của Satan. Các hiền nhân xưa đã từng chỉ dạy rằng điều quan trọng không phải ở chỗ thành công mà là thành nhân. Người có được ơn an bình là người xác tín mình được Thiên Chúa đoái thương nhận làm nghĩa tử. “Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20).
          
Không ai có thể trao ban điều mình không có. Để trao ban sự an bình cho tha nhân, để xây dựng hòa bình cho thế gian, chúng ta cần phải có sự bình an đích thực tận đáy tâm hồn. Để được điều này, thiết tưởng chúng ta cần noi gương thánh Tông Đồ dân ngoại, ngước nhìn, chiêm ngắm thập  giá Chúa Kitô. “Thưa anh em, ước gì tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6,14). Chiêm ngắm thập giá Chúa Kitô để luôn xác tín rằng: “Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).
          
Khi đã có sự an bình đích thực thì chúng ta sẽ được thôi thúc trao ban nó cho tha nhân. Trong tình yêu chính khi trao ban là lúc lãnh nhận, càng trao ban thì càng được đón nhận lại nhiều lần hơn. “Phúc cho ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được goi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9).

 

Tin Mừng Chúa Nhật thứ 14 thường niên -C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN14TNc 3


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 1-12. 17-20)

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: ‘Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi’.

Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: ‘Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần’. Ta bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này”.

Bảy mươi hai ông trở về rất vui mừng và nói rằng: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con”. Người bảo: “Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rít, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con, nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”.

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIV Thường Niên -Năm C 
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

 

 

Suy niệm

Giới thiệu Nước Trời và niềm vui Tin mừng là một lời mời, một trọng trách lớn lao Đức Giêsu đã trao lại cho các Tông đồ và Giáo hội. Hôm nay, Giáo hội tiếp nối sứ vụ của các Tông đồ, sứ vụ của mình bằng nhiều phương thức khác nhau, tất cả đều hướng về mục đích đó, nhưng phải làm việc dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật thứ 14 thường niên giới thiệu cho mỗi tín hữu Kitô trách vụ lớn lao đó, đồng thời đó cũng là một công việc lớn lao con người được cộng tác với Chúa Thánh Thần, đem các linh hồn về cho Thiên Chúa và xây dựng thế giới này trên nền tảng nhân bản Kitô giáo. Đó là một thách đố của hiện tại và cũng là một nhiệm vụ lớn lao khi những giá trị của Tin mừng đang bị lu mờ, đang bị thay thế và chính Thiên Chúa cũng đang bị loại trừ.

Trong bài đọc 1, Mẹ Giáo hội giới thiệu cho con cái niềm vui được ghé thăm thành thánh Giêrusalem. Đây là một biểu tượng của quê hương đích thực là Thiên quốc, nơi đó, tất cả sẽ được đón tiếp, được ăn uống no nê và chìm ngập trong niềm hạnh phúc đích thực, nếu mỗi người ý thức để chu toàn sứ vụ của mình hiện tại: “Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem, và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó”. Một nơi bình an, một chốn đích thực để trở về, ai cũng mong, ai cũng đợi, mỗi ngày sống trong ơn gọi và sứ vụ của mình, hãy cố gắng trong bổn phận của người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, không chỉ bản thân mà nhiều anh chị em khác cũng được tận hưởng niềm vui khi được đón tiếp trọng thị.

Sau khi được chọn gọi, thánh Phaolô luôn ý thức về sứ vụ đặc biệt của mình, là một người giới thiệu Tin mừng cho dân ngoại, ngài đã rảo bước qua mọi miền đất, đặt chân tới mọi cộng đoàn để giới thiệu về một giáo lý mới của Nước Trời, Tin mừng cứu độ, nhiều người đã hân hoan đón nhận, lãnh phép rửa và được gọi là Kitô hữu. Trong lá thư gởi cho con cái tại thành Galata, thánh nhân đã giới thiệu về ơn gọi làm Kitô hữu của mỗi người, tất cả cho Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn, không được đề cao cái tôi của mình: “Anh em thân mến, phần tôi, ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ cây thập giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian. Vì chưng trong Ðức Kitô, có cắt bì hay không cũng chẳng có giá trị gì, điều quan trọng là trở nên một tạo vật mới”. Tâm tình tôn giáo phải xuất phát từ trái tim, từ lòng mến chứ không đến từ những hình thức bên ngoài hay những nghi lễ, đừng vì một yếu tố phụ tùy mang màu sắc tôn giáo mà đánh mất niềm tin và ơn cứu độ của bản thân và nhiều người.

Sau những ngày ở bên cạnh Thầy để học hỏi, để được chỉ giáo, các môn đệ được sai đi thực tập sứ vụ là truyền giáo. Được dặn dò kỹ lưỡng, được chỉ dạy tường tận với tinh thần trách nhiệm, các ông đã lên đường: “Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người”. Các Tông đồ đã được sai đi, Đức Giêsu thấy nhu cầu quá khẩn thiết nên đã sai tiếp các môn đệ lên đường. Lúa đã chín, thợ gặt không đủ, thôi các con lên đường. Để làm tốt công việc cần phải xin phép chủ ruộng, đó là cầu nguyện với Chúa Cha để ý Ngài được thành toàn nơi mỗi người. Lời nhắc rất tinh tế nhưng cần thiết đối với mỗi chứng nhân tin mừng. Hành trang các ngài mang theo không phải là những thiết bị, những gì cần cho nhu cầu thể lý, nhưng là những gì cần và đủ để hạt giống tin mừng được đón nhận và đâm chồi nẩy lộc: “Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ. “Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: ‘Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi”. Để tâm hồn có thể đón nhận tin mừng, cần có sự bình an đích thực, sự bình an phải đến từ Thiên Chúa, hạt giống mới sẽ gặp mảnh đất tốt và nẩy mầm, mọc lên, thứ đến là chữa lành tâm hồn. Nhiều mảnh đất tâm hồn đang bị tổn thương, đang bị xói mòn về tính kiêu căng và ích kỷ, cần phải chữa lành kẻo di căn, rồi cũng có những tâm hồn đang bị cỏ dại xâm lấn, làm cạn kiệt nguồn dưỡng chất nên cần phải chữa trị, loại trừ cỏ dại, và cuối cùng là giới thiệu sự hiện diện của Nước Thiên Chúa đang ngay bên cạnh bạn đó, chỉ có Nước của Thiên Chúa mới giúp con người được bình an, tâm hồn không bị tổn thương hay rỉ máu, cuộc đời có ý nghĩa và giá trị, bạn hãy quảng đại đón nhận để được hạnh phúc, được bình an và được cứu độ.

Những hành trang của người chứng nhân cần đem theo bên mình là sự bình an, những phương thuốc hữu hiệu và cần thiết nhất là Nước Thiên Chúa. Sống giữa một thế giới tất tả chạy theo địa vị, danh vọng và vật chất thì tìm đâu ra được sự bình an đích thực, ngay cả sự bình an của thế gian cũng khó kiếm tìm vì nó chợt đến rồi chợt đi, chỉ có sự bình an đến từ Thiên Chúa, hay nói cách khác là khi con người tìm đến với Ngài, nép mình vào trong lòng Ngài, họ sẽ thấy nhẹ nhàng, thanh thản và mọi lo âu được chia sẻ, được trợ lực, bên cạnh đó, có nhiều người đang ở trong vòng kìm tỏa của sự bất an, bất an vì tương lai u ám, bất an vì hạnh phúc gia đình đổ vỡ, bất an vì thất bại trong công việc và bất an vì mọi dự tính cho tương lai bị tan vỡ. Những tâm hồn đó đang rỉ máu vì vết thương quá sâu và quá đau, chưa có loại biệt dược nào có thể chữa lành, chỉ có tình thương và sự ấm áp của vòng tay Thiên Chúa mới xoa dịu được tất cả những vết thương cuộc đời của họ.

Khi họ dám mạnh dạn đón nhận sự bình an của Thiên Chúa là khi dám bước ra khỏi sự an phận của thế gian, để ở lại trong vòng tay và sự chăm sóc của Mẹ Giáo hội, đó là một chọn lựa khôn ngoan khi xây ngôi nhà cuộc đời mình trên đá. Chính lúc người bệnh dám để cho Thiên Chúa chữa lành cuộc đời, chữa lành những vết thương lòng, họ tự tin hơn, an tâm hơn khi đó làm một thầy thuốc tuyệt vời đang chữa lành cho mình, khi có sự bình an, có được niềm tin vào một Thiên Chúa tình yêu thì họ đã được ở lại trong Nước Thiên Chúa, trong vòng tay của người Cha nhân lành rồi. Còn hạnh phúc nào lớn cho bằng và có tình yêu nào sâu đậm và ấm áp cho bằng tình yêu đó.

Lạy Chúa, thao thức của Đức Giêsu trước khi về trời là còn rất nhiều chiên chưa đưa về chung một đàn và một chủ chăn, xin Chúa cho chúng con cộng tác với Chúa Thánh Thần, để tạo nên nhịp cầu yêu thương giúp anh chị em tìm về với Chúa, với đàn chiên của Chúa trong lòng Giáo hội. Chúa mời chúng con cộng tác với Chúa trong việc loan tin vui cứu độ cho mọi người, xin giúp chúng con đáp lại lời mời đó bằng một trái tim rộng mở, một tấm lòng nhân ái và một tinh thần luôn hướng về tha nhân, để tin mừng tình yêu được lan tỏa đến mọi nhà và mọi người. Amen.


Tải về: PowerPoint-CN14TN-C

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây