TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XIX Thường Niên - Năm A

02/06/2021 05:27:17 |   951
  Nghe MP3

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến!

Xin mời anh chị em lắng nghe Lời Chúa của Chúa nhật hôm nay, nhất là bài Tin Mừng, để anh chị em nhận ra được thân phận mỏng dòn, yếu đuối của mình, đồng thời mời gọi anh chị em đặt tin tưởng phó thác vào tình yêu của Thiên Chúa. Hình ảnh chiếc thuyền bập bềnh giữa biển khơi, nỗi lo sợ của các tông đồ, niềm tin chao đảo của thánh Phêrô, chính là hình ảnh thân phận con ngươi giữa biển đời trần gian này. Nếu không có đức tin, con người sẽ chìm sâu trong đau khổ và thất vọng.

Xin Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta, và xin Ngài tha thứ để ta khỏi thất vọng và nghi ngờ về tình yêu của Ngài trong cuộc sống.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin Chúa nhìn lại lời minh ước, và xin đừng nỡ lãng quên đời sống con người cơ khổ. Lạy Chúa, xin Chúa đứng lên xét xử, và xin đừng quên lãng những ai tìm kiếm Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con đã được phúc gọi Chúa là Cha; xin cho chúng con ngày càng thêm lòng hiếu thảo, hầu đáng được hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: 1 V 19, 9a. 11-13a

"Ngươi hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa".

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, khi Êlia đã lên núi Horeb của Thiên Chúa, ông trú ẩn trong một cái hang... Có lời Chúa phán cùng ông rằng: "Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa". Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xé núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa; nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất. Sau cơn động đất thì có lửa; nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa thì có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe thấy, Êlia liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con

Xướng: Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán báo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong Ðất Nước chúng tôi. 

Xướng: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.

Xướng: Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và Ðất Nước chúng con sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Ngài.

Bài Ðọc II: Rm 9, 1-5

"Tôi đã ước ao được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi xin nói thật trong Ðức Kitô, tôi không nói dối: lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần: là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn. Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác. Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phượng tự và lời hứa: các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Ðức Kitô sinh ra phần xác, Người là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời.Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! - Ngôi lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 14, 22-33

"Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.

Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: "Ma kìa!", và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!" Phêrô thưa lại rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Chúa phán: "Hãy đến!" Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: "Lạy Thầy, xin cứu con!" Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: "Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?" Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa".

Ðó là lời Chúa.

Lời ngyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúng ta cùng hiệp ý cầu xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta luôn biết tìm đến với Ngài trong mọi cơn gian nan thử thách, để tìm được nơi Ngài sự bình an và hạnh phúc.

1. “Có lời Chúa phán cùng Êlia rằng, hãy ra đứng trên núi trước nhan Chúa”. - Xin cho các Mục tử trong Hội Thánh luôn kiên trì trong đức tin và xác tín vào quyền năng của Chúa là Đấng thống trị gian trần, để giữa cơn sóng gió làm chao đảo con thuyền Giáo Hội, các ngài vẫn vững tin có Chúa hiện diện với các ngài.

2. “Tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn...vì phần ích anh em của tôi". Xin ánh sáng Chúa chiếu soi, thức tỉnh tâm hồn các Kitô hữu, đừng để tội lỗi đam mê che phủ tâm trí, để họ nhận ra Chúa đang đồng hành ngay bên, như các Tông Đồ, họ luôn được an ủi và bình an.

3. “Hãy an tâm, Thầy đầy đừng sợ”. Xin cho những người đau khổ không cảm thấy thất vọng trước tương lai đen tối của mình, nhưng biết tín thác vào Chúa hằng nâng đỡ và trấn an như các môn đệ xưa trong cơn sợ hãi.

4. “Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con”. Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta được tinh thần khôn ngoan, đức tin kiên vững, lòng phó thác cậy trông vào Chúa, để sống giữa biển trần gian đầy sóng thần tà thuyết ào tới, họ luôn xứng đáng là những anh hùng đức tin trong chiến thuyền Hội Thánh.

Chủ tế: Lạy Chúa, đứng trước phong ba bão táp của thần dữ, chúng con cảm thấy lao đao vất vả, xin Chúa luôn giúp sức và nâng đỡ sự yếu hèn của chúng con, để chúng con vững tâm tiến bước trong niềm tin tưởng. Chúng con cầu xin nhò Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Giáo Hội bánh và rượu này, để Giáo Hội dùng làm của lễ dâng lên Chúa; cúi xin Chúa nhân từ chấp nhận, và dùng quyền năng biến đổi thành bí tích cứu độ chúng con. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy ca tụng Chúa, Đấng đã cho ngươi ăn no tinh hoa lúa mì.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận bí tích nhiệm mầu là Mình và Máu Ðức Kitô; xin cho bí tích này giải thoát chúng con khỏi tội lỗi, và giúp chúng con luôn vững vàng sống theo chân lý của Chúa. Chúng con cầu xin...

 

Suy niệm

Con thuyền Giáo Hội
Sưu tầm

Phải chăng đoạn Tin Mừng sáng hôm nay phản ảnh cho một kinh nghiệm sống đức tin của Giáo Hội thời sơ khai? Thực vậy, như một con thuyền tròng trành giữa biển khơi dậy sóng, Giáo Hội chỉ là một cộng đoàn nhỏ bé và yếu đuối giữa một thế gian đối nghịch và không ngừng áp đảo...

Trong cuốn chuyện Quo vadis, tác giả Sienkievich đã đặt Phêrô, người chài lưới già nua và dốt nát trong thế đối diện với Néron, một hoàng đế hùng mạnh, chủ tể của trần gian. Phêrô đã run rẩy, ngẩng mái đầu bạc trắng của mình lên trời cao mà thầm thĩ kêu xin: Lạy Chúa, con biết làm gì với thành phố mà Chúa sai con tới. Của y nào là biển cả và đất liền. Của y nào là muông thú trên mặt đất cũng như thuỷ tộc dưới lòng đại dương. Của y nào là những vương quốc, thành quách và 30 chiến đoàn đang canh giữ. Còn con, lạy Chúa, con chỉ là một tên ngư phủ, sống quanh quẩn trên các mặt sông hồ. Con biết làm gì đây. Làm sao con thắng được sự dữ mà y đã gieo rắc.

Quả là mong manh, bé bỏng và yếu đuối, thế nhưng Giáo Hội vẫn không ngừng đi tới vì tin rằng Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện như lời Ngài xác quyết: Thầy đây, đừng sợ. Cho dẫu đó chỉ là một sự hiện diện vô hình, tưởng chừng như ảo ảnh. Thế nhưng cộng đoàn nhỏ bé ấy đã làm đảo lộn cả lịch sử. Néron đã biến đi như một cơn mộng dữ đẫm máu. Còn Phêrô, người chài lưới già nua và dốt nát vẫn còn đấy, đã chiếm lĩnh đến muôn thuở cả trần gian.

Cũng chính vì thế mà câu chuyện của 2.000 năm về trước luôn là nguồn suy tư và sức mạnh cho Giáo Hội, đặc biệt trong những giai đoạn phải đối diện với những khó khăn và thử thách, với những phong ba và bão táp, để ở đó, Giáo Hội hâm nóng lại niềm tin của mình và can đảm tiến bước.

Trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Pháp vào năm 1989, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã lấy đoạn Tin Mừng hôm nay làm chủ đề để khai triển suy tư và tăng cường sức mạnh cho một Giáo Hội đã từng có thời kỳ vàng son đáng nhớ, nhưng hôm nay đang phải đối đầu với những vấn đề được xem là bi quan và nan giải.

Đồng thời, nếu hình ảnh Phêrô đi trên sóng biển được nhìn với tư cách người lãnh đạo Giáo Hội, thì Phêrô ấy cũng còn là hình ảnh tượng trưng cho từng người Kitô hữu đang sống trong lòng cuộc đời. Với niềm tin bên cạnh những giây phút nghi nan và ngờ vực. Với những niềm vui mừng xen lẫn những âu lo và sợ hãi. Với quyết tâm giữa những ngả nghiêng và chao đảo. Chính nơi con người Phêrô ấy mà mỗi người chúng ta sẽ nhận ra thân phận mỏng manh và yếu đuối của bản thân. Và nhất là nơi con người Phêrô ấy, chúng ta cần hun nóng lại niềm cậy trông và kêu cầu: Lạy Chúa, xin cứu vớt con.

CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN - NĂM A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 14, 22-33).
 
Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.

Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: “Ma kìa!”, và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!” Phêrô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Chúa phán: “Hãy đến!” Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con!” Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?” Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa”.
 
Suy niệm

Đức tin là một món quà Thiên Chúa tặng ban cho con người cách nhưng không. Đón nhận đức tin là chấp nhận đặt cuộc đời của mình vào một hành trình đầy phiêu lưu, mạo hiểm. Trong hành trình đó, đức tin của bản thân sẽ lớn lên, sẽ trưởng thành trong mọi biến cố, khi dám chấp nhận, dám dấn thân. Đây cũng là lúc xóa đi những quan niệm về một đức tin ủy mị, một đức tin dựa dẫm vào một Thiên Chúa quyền năng. Tuần lễ thứ 19 thường niên mời mỗi người suy xét lại đức tin của mình, liệu rằng đức tin đó đang trưởng thành khi mỗi người dám đối diện với thử thách trong cuộc sống, dám song hành với Thiên Chúa trước những sự thật của thế giới, hay chỉ đi tìm sự an phận, an toàn cho cuộc sống, và chỉ tìm đến Thiên Chúa khi cần thiết, khi thế giới này không thể đáp ứng cho tôi mọi nhu cầu, mọi mong ước.
 
Phụng vụ lời Chúa trong bài đọc 1 được trích từ sách các Vua quyển thứ nhất, tác giả kể lại câu chuyện ngôn sứ Êlia trong biến cố đối diện với tôn giáo được hoàng cung bảo bọc, trong đó có vô cùng đông đảo những người được coi là thầy dạy tôn giáo. Nếu ngôn sứ chọn con đường an phận, an toàn, chấp nhận một niềm tin đa thần, sẵn sàng loại trừ Giavê ra khỏi niềm tin của mình, chắc chắn ông sẽ được bảo bọc, được tôn trọng, được đặt vào chỗ nhất. Ngược lại, nếu ông khước từ tôn giáo đó, một mực trung thành với Giavê, ông sẽ gặp không ít khó khăn, thậm chí nguy hại đến tính mạng. Thế nhưng, ngôn sứ Êlia đã chọn con đường riêng cho mình, là đi theo sự hướng dẫn của Giavê, bởi vậy, ông đã bị truy nã trên từng nẻo đường, phải trốn chạy, ẩn thân trong hốc núi. Tuy là đau khổ, nhưng Giavê vẫn ở bên cạnh ông. Ngài gọi tên ông, trò chuyện với ông và khích lệ ông hãy can đảm, hãy mạnh dạn lên đường, Ngài luôn bên ông: “Trong những ngày ấy, khi Êlia đã lên núi Horeb của Thiên Chúa, ông trú ẩn trong một cái hang... Có lời Chúa phán cùng ông rằng: “Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa”. Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xé núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa; nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất. Sau cơn động đất thì có lửa; nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa thì có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe thấy, Êlia liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang”.
 
Khi Đức Giêsu nhập thể, Ngài đã tái xây dựng tương quan giữa Thiên Chúa và con người, mỗi ngày, trong sứ điệp của Ngài, Ngài mời gọi con người góp phần của mình, để mối tương quan đó ngày càng bền chặt, thăng tiến và đem lại nhiều hoa trái. Đọc được những ưu tư của Thầy Chí Thánh, thánh Phaolô trong lá thư gởi các tín hữu thành Roma, đã lặp lại ưu tư đó và mong sao cộng đoàn giáo hội tại đó cố gắng giữ chặt mối tình muôn thưở giữa Thiên Chúa và con người, cho dù chính thánh nhân có phải lìa xa Thiên Chúa thì ngài cũng an lòng, chỉ làm sao cho cộng đoàn được sống và sống dồi dào trong ân sủng của Thiên Chúa: “Anh em thân mến, tôi xin nói thật trong Ðức Kitô, tôi không nói dối: lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần: là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn. Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác”. Mối bận tâm lớn lao như thế giúp chúng ta hiểu được phần nào những trăn trở của thánh nhân và các tông đồ dành cho các cộng đoàn giáo hội sơ khai. Các ngài chấp nhận tất cả, dù đó là bắt bớ, tù đày, dù đó là đói khát hay thiếu thốn, ngay cả bị loại ra khỏi Đức Kitô, tất cả cho phần rỗi các linh hồn.
 
Sau khi chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều, các môn đệ hòa chung vào niềm vui của đám đông khi họ được ăn no nê. Thấy uy quyền của Đức Giêsu, họ muốn tôn vinh Ngài làm vua, để chăm sóc và hướng dẫn họ. Đó là điều dễ hiểu, chứng kiến niềm vui đó, các tông đồ cũng có ước muốn tương tự, nếu Thầy mình được làm vua, thì bản thân cũng là quan chức, cũng có chút địa vị và quyền bính. Tìm đâu được điều đó trong xã hội, bởi vậy, họ đang nhen nhóm ý định đó thì Thầy biết và tách họ ra khỏi đám đông, yêu cầu họ xuống thuyền sang bờ bên kia: “Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình”. Đức Giêsu không để cho các môn đồ của mình sống trong những suy nghĩ theo đám đông, nhưng Ngài muốn họ bước ra khỏi những suy nghĩ đó, đi vào trong đêm tối cuộc đời như lênh đênh trên biển, để các ông thấy bản thân mình lúc đó có chấp nhận một Thiên Chúa đang hiện diện bên cạnh không? Trong đêm tối lênh đênh đó, mọi thứ đã thay đổi, niềm tin bắt đầu hoang mang, nỗi lo sợ xâm chiếm mọi suy nghĩ, chắc chắn một điều hình ảnh Thiên Chúa, hình ảnh Thầy Chí Thánh của mình chắc không còn trong tâm trí họ nữa vì quá sợ. Thiên Chúa không vứt các ông vào trong đêm đen cuộc đời, lênh đênh trên biển cả trong tình trạng bỏ rơi, nhưng Thiên Chúa vẫn có cách của Ngài là đi xa xa để nâng đỡ họ, bảo vệ họ và hơn nữa giúp họ không đi vào ngõ cụt giữa cuộc đời: “Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: “Ma kìa!”, và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!” Phêrô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Chúa phán: “Hãy đến!” Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu”.
 
Xu hướng chạy theo những trào lưu của xã hội là một trong những khía cạnh con người hôm nay luôn quan tâm. Xã hội nghĩ về tôi thế nào, trong hoàn cảnh đó, tôi sẽ được ở vị trí nào, tôi được ngồi vào chỗ nào trong những dịp quan trọng của xã hội cũng như gia đình? Và bao mối quan tâm khác, hiểu được tham vọng của con người mọi thời, Đức Giêsu huấn luyện cho các môn đệ của mình đừng có những cách suy nghĩ, tính toán và tham vọng như thế gian, Ngài muốn họ buông bỏ tất cả những yếu tố lắm lúc làm cho họ mù quáng dẫn tới coi đó là cứu cánh cuộc đời của mình, từ đó họ sẽ xa dần Thiên Chúa, thậm chí loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời, ra khỏi thế gian. Có thể đó là cách suy nghĩ của con người hôm nay khi họ được khoa học và kỹ thuật phục vụ mọi nhu cầu, mọi khía cạnh cuộc sống. Và khi con người thấy mọi thứ quá đầy đủ, quá tiện nghi, liệu rằng tất cả những yếu tố đó có chiếm hết chỗ đứng của Thiên Chúa trong cuộc đời mỗi người không? Liệu rằng những phương tiện phục vụ cuộc sống con người trong mọi lĩnh vực có đưa con người đến chỗ đẩy Thiên Chúa ra khỏi thế giới hiện tại không? Tất cả những suy nghĩ đó đang dần hiện thực khi con người đang đối diện với chủ nghĩa thực dụng và thiên về vật chất. Lời nhắc của Đức Giêsu qua câu chuyện Ngài đề nghị các môn đệ ra khỏi cuộc vui đó, xuống thuyền để thấy con người mãi mãi là một tạo vật được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc và hướng dẫn sống đúng với giá trị của mình. Ngài yêu cầu họ xuống thuyền vượt biển dù đó là đêm tối. Trong bóng đêm của biển khơi là dấu chỉ về thế gian, các môn đệ còn cảm giác sợ hãi không, còn nhận ra được sự mong manh của con người nếu không có sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, các ông đã đối diện với sự thật cuộc đời. Còn Thiên Chúa, Ngài không vứt con cái của Ngài giữa biển khơi muôn trùng hiểm nguy, Ngài vẫn ở đó với họ cách này cách khác. Ngài còn ở với họ ngay cả những lúc hiểm nguy, đau khổ và thất bại trong cuộc đời nữa. Với các môn đệ, sự hiện diện của Thiên Chúa có phải là một sự thật không hay chỉ là bóng ma của đêm tối, sự hiện diện của Thiên Chúa có giúp gì cho họ trong lúc hoạn nạn không, hay chỉ là một nỗi ám ảnh kinh hoàng như ma quỷ. Từ đây, mỗi tín hữu Kitô, trong ơn gọi của bản thân, ai cũng có những lúc đối diện với sự thật là chìm ngập trong ảo tưởng của thế gian, những ảo tưởng đó đẩy xa dần sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới và trong tâm hồn mỗi người. Sống đời hôn nhân cũng có những đêm tối đức tin, bóng hình Thiên Chúa có vẻ như xa vời vì không giúp gì cho họ để có được một tổ ấm, một gia đình thực sự, sống đời dâng hiến cũng không thiếu những khoảng lặng chênh vênh, những khoảng lặng đó làm xuất hiện những suy nghĩ về ơn gọi của mình là một sai lầm, một quyết định thiếu chính xác. Trong mọi hoàn cảnh đó, người tín hữu Kitô suy nghĩ như thế nào về Thiên Chúa, về sự hiện diện của Ngài, về sự quan phòng của Ngài dành cho mình. Niềm tin sẽ vững mạnh hay sẽ bị lung lay khởi đi từ những biến cố không lớn giữa cuộc đời mỗi người.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa không muốn các môn đệ chìm đắm trong ảo tưởng của quyền bính và tham vọng tương lai, do đó, Chúa đề nghị họ xuống thuyền đi về bên kia, xin Chúa nhắc chúng con biết buông bỏ những gì làm nguy hại niềm tin và lòng mến của chúng con dành cho Thiên Chúa. Chúa đã đồng hành với các môn đệ, dù đó là bình minh cuộc đời hay hoàng hôn của niềm tin, xin Chúa luôn đồng hành với chúng con, bao thử thách và cạm bẩy vẫn ẩn hiện trong hành trình đức tin chúng con, xin Chúa giúp con dám bước xuống mặt biển và lướt qua mọi hiểm nguy, để trung thành với Chúa đến cùng và yêu mến Chúa mỗi ngày trong cuộc đời. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

 


CÓ DỪNG CHÂN NHƯNG KHÔNG ĐỨNG LẠI
(Chúa Nhật XIX TN A) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Là Kitô hữu, chúng ta thường nghe cụm từ “hành trình đức tin”. Tin là một quá trình bước đi không ngừng, tiến mãi về phía trước để gặp Đấng vô hình. Thỉnh thoảng có dừng chân nhưng không bao giờ đứng lại.

Sau khi hỉ hoan về phép lạ cả thể mà Thầy đã thực thi cho gần vạn người no nê, các tông đồ lại phải chưng hửng lần nữa vì lệnh của Thầy: Hãy lên đường! Hãy xuống thuyền mà qua bờ bên kia! Cám dỗ dừng chân đứng lại và nghỉ ngơi trên thành công, trên chiến thắng vẫn luôn có đó với phận người. Sau khi khánh thành một công trình hoành tráng, sau khi hoàn thành một cuộc lễ hay một cuộc tổ chức lớn bé, thì dừng chân, ngồi lại để lượng giá, kiểm thảo để rút kinh nghiệm là điều cần thiết, nhưng để đứng lại chiêm ngắm vinh quang là một cám dỗ triền miên và thật khó lường hậu quả.

Khi xây dựng một công trình nào đó thì chuyện hay đi lui đi tới ngắm nghía công trình là chuyện bình thường như cơm bữa. Ai lại không thích ngắm nghía vinh quang của mình. Ai lại không thích nghe người ta trầm trồ về cái gọi là thành công của mình. Hễ có khách đến thăm thì phải tìm dịp giới thiệu cho được những gì mình đã “ra tay”.

Các tông đồ năm xưa chẳng hơn gì chúng ta hôm nay. Dù chỉ là những người giúp phân phát bánh – cá, nhưng các ngài làm như chính tay mình thực thi kỳ công “phép lạ hóa bánh”. Theo Tin mừng thánh Gioan thì việc người dân muốn tôn Chúa Giêsu làm vua có thể là do dân chúng tự phát nhưng rất có thể là do sự gợi ý có chủ đích của nhóm mười hai, những vị rất tham “ngồi bên hữu, bên tả Thầy trong vinh quang” (x.Mc 10,35-40). Đêm đã về. Dân chúng đã no nê. Chúng mình cũng đáng được hả hê nghe bao lời chúc tụng chứ. Chuyện bất ngờ đã đến, dù không ai thích thú chút nào. Thầy ra lệnh tất cả xuống thuyền ngay. Còn Người thì giải tán dân chúng và lên núi cầu nguyện một mình.

Bỏ vinh quang, bỏ thành công rực rỡ để ra đi là một điều không dễ chút nào. Cảnh đời phía trước mịt mùng khó tiên liệu và sóng gió ba đào là chuyện dường như khó tránh. Các tông đồ hôm ấy đã phải đương đầu với hiện thực ấy. Sóng thì to, gió thì lớn. Thuyền đang chơi vơi nghiêng ngả. Lòng các ngài cũng ngả nghiêng theo gờ cạnh con thuyền. Tâm trạng của tiên tri Êlia năm nào cũng không khác gì. Sau chiến tích oanh liệt hạ gục những 450 sư sãi thần Baal, Êlia đã phải trốn chạy khỏi sự truy đuổi, tìm diệt của hoàng hậu Giêdabel. Sau vinh quang thì tai họa liền kề.

“Ra đi là chết trong lòng một ít”. Chẳng có sự dứt bỏ nào mà chẳng có xót xa hay đau đớn, nhất là phải từ bỏ những thành công huy hoàng hay những hạnh phúc êm ả, cho dù chúng là hữu hạn của đời thường. Hạnh phúc đích thực vẫn ở phía trước. Đó là Thiên Chúa, Đấng không chỉ chờ đợi mà đang tiến tới để đón gặp chúng ta.

Tin là bước đi, là ra đi, tiến về phía trước, về nơi chưa hề biết như Abraham ngày nào. Bỏ quê hương, xứ sở, bỏ cả gia tộc thân yêu để lên đường. Có đó sự xót dạ khi ra đi và nỗi bâng khuâng khi tiến về phía trước. Nào là sóng gió cuộc đời, nào là phong ba tình người, tất thảy như đang chờ đợi để dập vùi, đánh đắm con thuyền đời ta. Một Phaolô hết lòng hết dạ với người đồng hương Do Thái đã khẳng định: “Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và lìa xa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng” (Rm 9,3). Hiểu cho đúng thì Phaolô không quay lưng với tôn giáo tổ tiên mà tiến lên một tầm cao mới trong hành trình đức tin khi đã được diện kiến Đức Kitô phục sinh, Đấng Thiên Sai mà tổ tiên ông hằng mong đợi, thế mà ngài vẫn mãi bị người đồng hương xem là phản đạo, bội giáo, bỏ đạo để rồi luôn tìm cách bắt giết. Một khi đã ra đi, tiến về phía trước thì cái giá cần trả không chỉ là gian nguy, khốn khó mà cả sự lo âu, phiền muộn. Ngài thú nhận: “Thưa anh em, có Đức Kitô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối, và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn cũng làm chứng cho tôi rằng: lòng tôi rất đỗi ưu phiền, và đau khổ mãi không ngơi” (Rm 9,1-2).

Với Êlia, với Phaolô hay với các tông đồ khi ở trên thuyền chòng chành giữa biển đầy sóng gió, Thiên Chúa không bao giờ để các ngài cô đơn một mình. Người hằng ở với họ. Người luôn đồng hành với họ. “Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27). “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12,9). “Thầy sẽ không để các con mồ côi” (Ga 14,18). Dù giữa biển khơi hay giữa đêm tối của cuộc đời, Đấng làm người mãi ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28,20). Chỉ một điều là hãy nhắm đích và tiến thẳng trong niềm tin.

Thỉnh thoảng cũng nên biết dừng chân để tự kiểm để định hướng hay chỉnh hướng, nhưng không được phép đứng lại. Đứng lại là một trong những thái độ tự hài lòng về thành công của chính mình. Từ chỗ hài lòng đến chỗ tự cao tự đại là một khoảng cách không mấy xa. Và hậu quả của sự tự kiêu, tự mãn như đã nhãn tiền. Chưa tính đến chuyện Chúa hạ kẻ tự kiêu và nâng cao người phận nhỏ (x.Lc 1,52), thì chính kẻ cao ngạo, họ đã tự đặt mình vào vị thế cheo leo và sẽ ngã chìm không biết lúc nào như Phêrô trong lần được Thầy ban cho cái ơn đi trên mặt biển (x.Mt 14,22-33).

Đứng lại cũng là một hành vi tỏ dấu sự nghi ngờ. Khi thiếu niềm tin hay khi lòng tin yếu kém thì ta rất dễ bị cám dỗ dừng lại, không can đảm tiến lên. Những cái sợ như sợ khó, ngại khổ, sợ thất bại… nhiều khi nhấn chìm chúng ta trong các trở ngại khách quan vốn dĩ không thể tránh của kiếp người.

Không ai là không một lần gặp chông gai, sóng gió. Không ai là không đã từng nhiều lần ngã quỵ vì gian truân, khốn khó. Chuyện ngã, chuyện té là chuyện bình thường của phận người. Điều quan trọng là biết chỗi dậy và tiến lên. Trong niềm tin vào tình yêu của Đấng đã tự nguyện làm bạn đời của ta là Đức Giêsu, ước gì chúng ta được như thánh tông đồ dân ngoại là “quên đi những gì phía sau để lao mình về phía trước” (Pl 3,13).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây