TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XVII Thường Niên -Năm B

22/07/2024 07:29:23 |   1858

Chúa Nhật XVII Thường Niên -Năm B
 

cn t16 TNb

Ga 6,1-15


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XVII Thường Niên -Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu thương dân chúng, vì đã theo Người vào trong hoang địa. Người chủ động lo cho họ ăn, bằng việc dùng năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá của một bé trai, để làm phép lạ nhân ra nhiều và phân phát cho dân được ăn no nê. Qua phép lạ này, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ Người là Môisê mới của Tân Ước. Người ban Manna mới là bánh và cá được nhân ra nhiều, như hình bóng của Bánh Hằng Sống là thân mình Người trong Bí tích Thánh Thể Người sẽ thiết lập. Ngày nay vẫn còn có biết bao nhiêu người không cơm ăn, áo mặc, thuốc men và không có cả tình thương nữa….họ cũng cần được quan tâm giúp đỡ. Vậy chúng ta phải làm gì để giúp đỡ những người đang đói khát của ăn vật chất và lương thực thiêng liêng là Lời Chúa và Thánh Thể? Xin Chúa cho chúng ta biết thống hối để đủ sáng suốt mà nhìn thấy đám đông đói khát này, và sốt sáng dâng Thánh Lễ cầu cho họ.

Ca nhập lễ

Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người; Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những kẻ bị bỏ rơi. Chính Người ban cho dân Người được quyền năng và mãnh lực.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng con không có Chúa chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện; xin mở lòng nhân hậu hướng dẫn chúng con để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng con đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 2 V 4, 42-44

“Họ ăn xong mà hãy còn dư”.

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, có một người từ Baal-salisa mang đến dâng cho Êlisê, người của Thiên Chúa, bánh đầu mùa, hai mươi chiếc bánh mạch nha và lúa mì đầu mùa. Người của Thiên Chúa liền nói: “Xin dọn cho dân chúng ăn”. Ðầy tớ của người trả lời: “Tôi dọn bấy nhiêu cho một trăm người ăn sao?” Nhưng người ra lệnh: “Cứ dọn cho dân chúng ăn, vì Chúa phán như sau: ‘Người ta ăn rồi mà sẽ còn dư'”. Ðoạn người dọn cho họ ăn mà còn dư đúng như lời Chúa phán.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 10-11. 15-16. 17-18

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho chúng con được no nê (c. 16).

Xướng: Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. 

Xướng: Muôn loài để mắt cậy trông vào Chúa, và Ngài ban lương thực cho chúng đúng theo giờ. Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho mọi sinh vật được no nê. 

Xướng: Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. Chúa gần gũi những kẻ kêu cầu Ngài, mọi kẻ kêu cầu Ngài cách thành tâm.

Bài Ðọc II: Ep 4, 1-6

“Chỉ có một thân thể, một Chúa, một đức tin và một phép rửa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, tôi là tù nhân trong Chúa, tôi khuyên anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận. Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc.

Chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Ðấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 1-15

“Người phân phát cho họ ăn, ai muốn bao nhiêu tùy thích”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới.

Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn.

Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã ăn no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.

Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Ðấng tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu đủ quyền năng làm được mọi sự mà không cần ai giúp sức. Nhưng Chúa vẫn mời gọi chúng ta đóng góp, dù chỉ là một đóng góp nhỏ và tầm thường như bé trai có năm cái bánh và hai con cá. Hiểu như thế, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :

1. “Người của Thiên Chúa liền nói: Xin dọn cho dân chúng ăn” – Xin cho các vị Mục tử, biết quan tâm đến nhu cầu phần rỗi các linh hồn, để các ngài nỗ lực tìm ra những phương thế thích hợp và hữu hiệu, giúp cho nhiều người tin nhận Chúa.

2. “Anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận” – Xin cho các tín hữu ý thức rằng khi họ được lãnh nhận ơn Chúa, thì họ cũng được mời gọi bước theo Chúa, để mọi công việc làm đều minh chứng rằng Chúa đang hiện diện trong họ.

3. “Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế” – Xin cho có nhiều tâm hồn thánh thiện và quảng đại cộng tác vào công cuộc bác ái từ thiện, để nhân loại bớt phần nào cơ cực thể xác, hầu giúp cho tâm hồn được thanh thản sống niềm tin của mình.

4. Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể – Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta, luôn biết sống thân mật với Chúa Giêsu Thánh Thể, năng chiêm ngắm, tâm sự và phó thác mọi sự cho Chúa, hầu được Chúa nâng đỡ và bổ sức cho.

Chủ tế: Lạy Chúa, mỗi ngày sống của chúng con là hồng ân Chúa ban. Xin giúp chúng con biết thu góp từng mảnh thời gian để sống khiêm nhường, hiền hậu, nhẫn nại và yêu thương chân thành, hầu tình yêu Chúa được triển nở nơi chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng lên những của lễ Chúa đã rộng ban cho chúng con; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và cho lễ tế này đem lại ân sủng dồi dào để chúng con được thánh hóa trong cuộc đời hiện tại và đạt tới hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con tham dự vào bí tích Thánh Thể, để chúng con đời đời tưởng nhớ Ðức Giêsu Con Một Chúa, đã chịu khổ hình và sống lại hiển vinh; xin cho bí tích tình yêu Người trối lại dẫn chúng con tới hưởng ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

MÓN QUÀ NHỎ – PHÉP LẠ LỚN
Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. (Ga 6,1-15)

Suy niệm: Các tông đồ, cụ thể là Phi-líp-phê, cảm thấy lực bất tòng tâm trước gợi ý của Thầy mình: mua bánh cho họ ăn. Mà ‘họ’ đâu phải vài chục, vài trăm người, nhưng là năm ngàn người đàn ông, chưa kể đoàn tùy tùng đàn bà con nít cùng đi theo, say sưa nghe Thầy Giê-su rao giảng Tin Mừng Nước Trời. May mắn, An-rê để mắt đến năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ của một em bé, nhưng bấy nhiêu thì “có thấm vào đâu”. Thế rồi, từ sự đóng góp nhỏ nhoi đó, Thầy Giê-su, với quyền năng của Ngài, đã khiến cho điều kỳ diệu xảy ra.

Bạn thân mến: Lắm khi chúng ta cũng choáng ngợp, bối rối khi nghĩ đến khối đông dân chúng cần phải được nghe biết, đón nhận Tin Mừng Nước Trời ngay trong địa bàn giáo xứ, giáo phận của mình. Ta nhận ra ngay cả một mê cung thách đố: tinh thần thế tục, não trạng hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân ích kỷ; đã thế, các môn đệ Chúa Ki-tô lại còn thờ ơ, lơ là, chểnh mảng… Bạn đừng lo lắng, nghi ngờ vì những cố gắng, những nghĩa cử nhỏ bé của mình không đem lại lợi ích gì. Bạn cứ quảng đại cho đi, vui tươi khi gặp gỡ, thành tâm khi chia sẻ, lúc đó dù việc tham gia góp phần của bạn có nhỏ bé, một khi đặt vào tay Chúa, phép lạ sẽ xảy ra.

Sống Lời Chúa: Tôi làm với hết lòng trân trọng những việc tốt nhỏ dâng lên Chúa mỗi ngày, như nói một lời tích cực, bày tỏ một cử chỉ thân ái, làm một việc giúp đỡ tận tình, Chúa sẽ biến đổi thành những điều vĩ đại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa hài lòng về món quà của em bé ngày nào. Con cũng muốn đem lại niềm vui cho Chúa với các món quà nhỏ như vậy.

Ngày 28: Lạy Chúa! Việc hoàn thành cùng đích của đời sống chúng con, chủ yếu là đặt cơ sở cho một thực tại mới, một cõi trời mới. Một khi chúng con đã có cơ sở đúng đắn ở bên trong rồi, thì mục tiêu bên ngoài, như được tạo thêm sức mạnh, khiến cho mục đích bên ngoài, và những điều chúng con mong muốn thực hiện, sẽ hợp nhất cách tự nhiên với sự tiến triển mà Chúa đã an bài. Xin cho chúng con thoát ra khỏi những suy nghĩ miên man bất tận, để có được một nhận thức mới, và để chúng con có thể gặp được Chúa vào chính lúc này và ngay tại ở đây, chứ không phải một tương lai xa xôi nào đó. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Tinh thần mục tử

Như chúng ta đã biết dân Do Thái, một phần sống bằng nghề chăn nuôi, nên hình ảnh mục tử, người chăn dắt đoàn chiên, là một hình ảnh thật quen thuộc và gần gũi. Đavít ngày xưa, khi còn là một em bé chăn chiên, đã được Samuel xức dầu đặt làm vua. Sau này, trên ngai vàng, Đavít đã hướng dẫn dân Chúa tới một thời đại hoàng kim. Các ngôn sứ đã dùng hình ảnh mục tử, không phải để chỉ các vua mà còn ám chỉ chính Thiên Chúa, Ngài sẽ đích thân chăn dắt dân Ngài.

Lời tiên báo của các tiên tri đã được Chúa Giêsu thực hiện trong cuộc sống của Ngài, bởi vì Ngài chính là vị mục tử nhân lành. Thái độ nhân lành ấy đã được biểu lộ qua việc ân cần chăm sóc mà đoạn Tin Mừng ngắn ngủi sáng nay đã ghi lại.

Trước hết là đối với các môn đệ đang mệt mỏi vì những cuộc hành trình truyền bá Phúc Âm, Ngài đã khuyên các ông hãy tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi một chút. Tiếp đến là đối với đám đông đang đói lời giảng dạy cũng như đang khát sự dẫn dắt, Phúc Âm đã ghi lại: Nhìn thấy họ, Chúa Giêsu đã động lòng thương xót và Ngài đã làm phép lạ để họ được ăn no giữa chốn hoang vắng. Không một trang Phuc Âm nào, mà chúng ta không thấy được những hành động bác ái yêu thương Chúa Giêsu đã thực hiện, nào là chữa lành các bệnh tật, cho kẻ chết được sống lại, tất cả những hành động này chỉ nhằm một mục đích duy nhất là xoa dịu mọi nỗi đớn đau của con người. Hơn thế nữa, Ngài còn dành một tình cảm đặc biệt cho những kẻ tội lỗi. Ngài đối xứ với họ như mục tử đối xử với những con chiên lạc. Ngài đã lên đường tìm kiếm họ, và nhất là Ngài đã tha thứ cho họ. Cái ước vọng duy nhất của Ngài, đó là cuối cùng chỉ còn lại một đoàn chiên và một chủ chiên. Cũng trong ước vọng duy nhất này mà Ngài đã chấp nhận chịu chết để đoàn chiên, là tất cả chúng ta được sống.

Từ hình ảnh người mục tử chúng ta phải làm gì? Dĩ nhiên chúng ta chưa phải là những mục tử của Chúa, nhưng ít nhất chúng ta cũng có thể tham dự chúc vụ mục tử này nhờ bí tích Rửa Tội, hay nói một cách khác, cái tinh thần mục tử chính là cái tinh thần mà mỗi người chúng ta phải sống, phải thực hiện trong cuộc đời của mình. Vậy tinh thần mục tử là gì?

Xin thưa đó là tinh thần phục vụ. Đúng thế, người làm vua hay người làm mục tử theo tinh thần của Chúa, không phải là để cai trị dân hay đánh đập những con chiên của mình, nhưng là để an ủi khích lệ, giúp đỡ và phục vụ họ như lời Ngài đã phán: Ai muốn làm lớn thì hãy trở nên tôi tớ phục vụ cho mọi người. Chính Ngài cũng đã từng làm gương cho chúng ta: Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho mọi người.

Từ đó chúng ta đi đến một kết luận đó là: Sống tinh thần mục tử đó là sống tinh thần phục vụ, dấn thân để giúp đỡ anh em theo mẫu gương của Chúa Giêsu.

Vị mục tử

Hẳn chúng ta đã biết một người nổi tiếng trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền vào khoảng thập niên 50, đó là mục sư Martin Luther King. Ông là nhà lãnh đạo hàng đầu được cả triệu dân Mỹ Châu da đen ủng hộ. Họ coi ông như một vị anh hùng. Mà quả thật, nếu không có ông, thì họ sẽ bơ vơ như đàn chiên không ai chăn dắt.

Một đêm nọ vào lúc một giờ sáng, ông bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại. Khi ông cầm máy lắng nghe, thì một giọng nói giận dữ vang lên: Này anh chàng da đen, hãy nghe đây, chúng tôi không cần đến anh. Anh đừng bén mảng đến phần đất của chúng tôi nữa. Nghe giọng nói đầy đe dọa này, ông đã thực sự hoảng sợ, và với chút can đảm còn sót lại, ông đã gục đầu kêu xin Chúa: Lạy Chúa, con đang đảm nhận một sứ vụ rất chính đáng, thế nhưng giờ đây, con vô cùng sợ hãi. Con không biết phải làm thế nào nữa. Một mình con không thể đương đầu nổi với trách nhiệm nặng nề này.

Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta cũng cảm thấy sợ hãi trước trách nhiệm đã lãnh nhận. Chúng ta dường như không thể vác nổi gánh nặng đè xuống trên chúng ta. Có nhiều lúc chúng ta cảm thấy như muốn kêu lên giống Chúa Giêsu trong vườn Cây dầu: Lạy Cha, nếu có thể, xin cất chén đắng này xa con. Noi gương Chúa Giêsu cũng như noi gương mục sư Martin Luther King, trong những lúc gặp khó khăn, trong những khi thất vọng nản chí, chúng ta hãy chạy đến với Chúa qua những tâm tình cầu nguyện. Chắc chắn Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Phúc âm kể lại, sau khi Đức Kitô cầu nguyện cùng Chúa Cha trong vườn Cây dầu, thì một thiên thần từ trời hiện đến an ủi và nâng đỡ Ngài. Còn mục sư Luther King cũng vậy, sau khi cầu khẩn cùng Chúa trong cái đêm đáng ghi nhớ ấy, ông đã ghi nhận được sự nâng đỡ của Chúa mà trước đó, ông chưa hề thấy.

Tóm lại, mỗi khi chúng ta cảm thấy gánh nặng của bổn phận, của trách nhiệm đè xuống trên mình, chúng ta hãy biết cầu nguyện, hãy biết tìm về với Chúa, và Ngài sẽ ban cho chúng ta nguồn sức mạnh, nâng đỡ chúng ta trên vạn nẻo đường đời, như lời Thánh vịnh đã viết: Chúa là mục tử, tôi chẳng còn thiếu thốn chi, Ngài dẫn tôi qua đường ngay nẻo chính. Dù bước đi trong thung lũng tối tăm, tôi chẳng hề lo sợ. Dù bị đè bẹp dưới muôn vàn gánh nặng, tôi cũng không nao núng.

Hay như lời Chúa đã kêu gọi: Hỡi những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta và Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Bởi vì, có Chúa thì màng nhện cũng sẽ trở nên tường thành, còn không có Chúa, thì tường thành cũng chỉ là màng nhện mà thôi.

Nhịp sống Kitô hữu
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Trời có lúc mưa lúc nắng. Mưa để tưới cho cây lúa mọc nhanh. Nắng để cho hạt lúa vào mẩy chín vàng. Thời gian có ngày có đêm. Ngày để con người làm việc. Đêm để con người nghỉ ngơi phục hồi sức lực. Con người có đời sống riêng tư những cũng có đời sống xã hội. Có lúc phải ra ngoài góp mặt với đời. Có lúc phải rút lui vào chốn riêng tư để sống cho mình. Nhịp hai chi phối đời sống con người ấy cũng chi phối những hoạt động thiêng liêng của người môn đệ Chúa. Trong bài Tin Mừng Chủ nhật tuần trước, ta đã thấy Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, hoạt động cứu độ con người. Hôm nay, khi các ông về tường trình lại những việc đã làm. Người bảo các ông tìm chỗ vắng vẻ mà nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi trong cầu nguyện. Sống riêng tư thân mật với Chúa. Hoạt động và cầu nguyện, đó là nhịp sống của người môn đệ Chúa.

Hoạt động và cầu nguyện đó là hai nhu cầu của con người. Vì con người có thể xác nhưng cũng có linh hồn. Vì đời sống trong xã hội, con người có bổn phận đối với làng xóm, với đất nước. Để thăng tiến bản thân, gia đình và đất nước, ta phải học hành, lao động hết sức vất vả. Đó là nhiệm vụ bắt buộc. Một người có tinh thần trách nhiệm không thể nào xao lãng những nhiệm vụ đó. Tuy nhiên sẽ là thiếu sót rất lớn nếu con người chỉ biết có đời sống thể xác mà quên đi đời sống tâm linh. Thật vậy, con người không chỉ có thể xác mà còn có linh hồn. Đời sống tâm linh cũng cần phải được nuôi dưỡng bồi bổ để phát triển. Sẽ là khập khiễng, lệch lạc, què quặt nếu chỉ lo phát triển đời sống vật lý mà quên đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh được nuôi dưỡng bồi bổ ở bên Chúa. Chính Chúa là nguồn mạch đời sống thiêng liêng. Vì thế những giờ phút riêng tư thân mật bên Chúa sẽ giúp cho đời sống tâm linh phát triển. Chính nhờ những giờ phút cầu nguyện mà con người được phát triển quân bình, song song cả hồn lẫn xác.

Hơn thế nữa việc cầu nguyện sẽ hỗ trợ hoạt động bên ngoài. Nếu chỉ hoạt động bên ngoài, con người sẽ không khác gì máy móc. Nếu chỉ biết phát triển đời sống thân xác, con người sẽ trở thành nô lệ cho vật chất. Nếu chỉ quan tâm tới những nhu cầu vật chất, con người sẽ dễ bị tha hoá, đuổi theo tiền bạc, chức quyền. Một xã hội chỉ phát triển về vật chất mà không phát triển về đạo đức sẽ khó tồn tại. Cầu nguyện giúp nâng tâm hồn lên khỏi nô lệ vật chất. Những giây phút yên lặng bên Chúa giúp ta định hướng cuộc đời, ánh sáng Lời Chúa giúp ta nhìn rõ tâm hồn mình, biết rõ những sai sót của mình mà sửa lỗi. Những lời chỉ dạy của Chúa là những chuẩn mực đạo đức giúp ta sống ngay thẳng thật thà, lương thiện. Ơn Chúa ban sẽ cho ta sức mạnh để hoạt động tích cực hữu hiệu hơn, để hăng hái dấn thân hơn nữa trên đường phục vụ anh em.

Riêng trong lãnh vực tông đồ, cầu nguyện tuyệt đối cần thiết. Thật vậy, việc tông đồ bắt nguồn từ nơi Chúa. Làm việc tông đồ là làm việc của Chúa. Làm việc của Chúa mà không kết hiệp mật thiết với Chúa thì không những không thể có kết quả tốt đẹp mà còn có nguy cơ đi sai đường, làm hỏng công việc của Chúa. Không cầu nguyện ta sẽ dễ chú ý tới những hoạt động thuần tuý phô trương bề ngoài. Không cầu nguyện ta sẽ dễ biến việc của Chúa thành của riêng ta và vì thế sinh ra tự phụ, kiêu hãnh. Không cầu nguyện, việc tông đồ sẽ chỉ là một hoạt động xã hội từ thiện không hơn không kém. Vì thế, cầu nguyện rất cần thiết. Cần cầu nguyện đế biết rõ ý Chúa, biết việc phải làm. Cần cầu nguyện để múc lấy sức mạnh của Chúa giúp chu toàn công việc. Cần cầu nguyện để biết khiêm nhường luôn coi mình là dụng cụ trong bàn tay Thiên Chúa. Chỉ khi làm việc trong Chúa, với Chúa và vì Chúa, việc tông đồ mới có kết quả tốt đẹp theo ý Chúa muốn.

Hoạt động và cầu nguyện. Đó là hai nhịp trong đời sống Kitô hữu. Nhưng có lẽ ta thường chú trọng tới hoạt động mà quên cầu nguyện. Hôm nay, Chúa dạy ta phải biết giữ quân bình giữa hai nhịp của đời sống. Có hoạt động nhưng cũng phải có cầu nguyện. Hoạt động phải là kết quả của những giờ suy nghĩ và cầu nguyện. Cầu nguyện để tổng kết lượng giá những hoạt động cũ và định hướng những hoạt động mới. Hoạt động là bề mặt. Cầu nguyện là bề sâu. Giữ được quân bình giữa hai nhịp sống, con người mới phát triển toàn diện. Duy trì sự ổn định của hai nhịp sống mọi hoạt động của con người mới có nền tảng và bền vững.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Một ngày kết thúc mà bạn chưa cầu nguyện, bạn có cảm thấy như thế là thiếu sót như thể bạn chưa ăn gì trong ngày hôm ấy không?

2- Trước khi đi làm việc tông đồ, bạn có cầu nguyện không?

3- Hai nhịp trong đời sống bạn đã hài hoà chưa? Bạn sẽ làm gì để chỉnh đốn lại những lệch lạc trong nhịp sống?

4- Gia đình bạn có cầu nguyện chung với nhau trước khi đi ngủ không?

GẮN BÓ VỚI CỦA CẢI MUÔN ĐỜI TỒN TẠI
(CHÚA NHẬT TUẦN 17 TN NĂM B)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 17 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng ta, không có Chúa, chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện. Xin Chúa mở lòng nhân hậu mà hướng dẫn chúng ta, để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng ta đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại.

Đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại, ngay cả khi, gặp ưu phiền theo ý Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô cho thấy: Ngài vui mừng khi hay tin người Côrintô đã hối cải. Nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa làm cho chúng ta hối cải để được cứu độ; còn nỗi ưu phiền theo kiểu thế gian thì gây ra sự chết. Chúng ta đã phải ưu phiền theo ý Thiên Chúa, nên chúng ta không bị thiệt hại gì.

Đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại, khi tâm hồn tràn ngập niềm vui, cho dẫu, đang phải chịu mọi cơn gian nan khốn khó, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Gioan Kim Khẩu đã diễn tả niềm vui của thánh Phaolô: Niềm vui lớn lao tràn trề đó xua tan những phiền muộn trước đây đã xâm chiếm chúng tôi, và không để chúng tôi còn cảm thấy ưu phiền nữa... Anh em đã thấy thực hiện nơi anh em những dấu chỉ của sứ vụ tông đồ: Nào là đức kiên nhẫn hoàn hảo, nào là những dấu lạ điềm thiêng, nào là các phép lạ. Phần tôi, tôi rất vui lòng tiêu phí tiền của, và tiêu phí cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em.

Đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại, khi đặt niềm hết niềm tin tưởng, phó thác vào sự quan phòng của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách các Vua quyển II tường thuật lại việc ngôn sứ Êlisa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều từ hai chiếc bánh lúa mạch: Họ đã ăn, mà vẫn còn dư, như lời Đức Chúa phán. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 144, vịnh gia đã cho thấy: Chúa thương rộng mở tay ban, đoàn con hết thảy muôn vàn thỏa thuê. Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Ngài đúng bữa cho ăn. Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thỏa thuê. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Có thực mới vực được đạo, chúng ta không thể tồn tại mà không ăn, Thiên Chúa luôn quan phòng chăm sóc chúng ta, Người luôn ban cho chúng ta những thứ cần thiết để sống và tồn tại trong trời đất này. Chim sẻ, bông huệ, còn được Người để ý tới, huống chi là chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta thường ỷ vào sức mình, muốn giải quyết mọi sự theo cách của mình, chứ không trông cậy, nương nhờ vào sức mạnh của Chúa, chính vì thế, chúng ta thường gặp bế tắc trong các vấn đề của mình. Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng ta, không có Chúa, chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện. Ước gì chúng ta tin tưởng vững vàng vào lòng nhân hậu của Chúa, để chúng ta biết hoàn toàn phó thác nơi Chúa, bám chặt vào Chúa, chứ không bám víu vào những lời mời gọi phù phiếm của thế gian. Ước gì khi dùng những của cải chóng qua đời này, chúng ta đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại. Ước gì được như thế!

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVII Thường niên -Năm B

CN17TNb 2

Ga 6, 1-15
“Người phân phát cho họ ăn, ai muốn bao nhiêu tùy thích”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
        
Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới.
        
Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn.
        
Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tùy thích. Khi họ đã ăn no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.
        
Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Ðấng tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.
        
Ðó là lời Chúa.

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVII Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm

 

 

TÍNH TOÁN!
(Chúa Nhật XVII TN B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


Tình cảnh nhân loại từ xưa đến nay nhìn chung thật hiếm có thời kỳ lâu dài được sống trong an bình hạnh phúc. Con người càng phát triển thì nhu cầu càng cao và càng thêm nhiều. Kiếm được một lúc nào đó nhân loại trên trái đất này thoả mãn được nguyên chỉ các nhu cầu sinh tồn căn bản như ăn uống mà thôi thì cũng là khó thấy. Ngay cả đến hôm nay khi mà nền khoa học công nghệ phát triển phải nói là rất cao thì vẫn còn đó hằng trăm triệu người ở Á châu, đặc biệt ở Châu lục đen đang phải chịu cảnh thiếu thốn lương thực. Có thể nói ngày nay, người ta chết vì đói thì ít, nhưng chết vì thiếu ăn hay thiếu dinh dưỡng thì dường như không thống kê được. Bên cạnh những thiên tai, thì nhân họa vẫn đang rình rập con người mọi lúc mọi nơi. Nào là lũ lụt, sóng thần, nào là động đất, hạn hán, nào là khủng bố, chiến tranh… Khói lửa súng đạn đang lan tràn đó đây là một minh chứng. Chuyện khích bác, dọa dẫm nhau bằng vũ khí hạt nhân hay trừng phạt kinh tế nhau cũng vẫn chưa ngừng. Tai ương, hoạn nạn như đang rình rập chúng ta từng ngày. Người nghèo khổ luôn có đó quanh ta. Cảnh khổ đau như là chuyện cơm bữa của các chương trình thời sự trên truyền hình.
        
Bài đọc thứ nhất trích sách các Vua tường thuật một nạn đói đang xảy ra tại xứ Ghingan. Đã là nạn đói thì số người khốn khổ là con số không nhỏ. Quý ông bà lớn tuổi dân Việt hẳn có kinh nghiệm nào đó về nạn đói  năm 1945 (Ất Dậu) trên quên hương đất nước chúng ta. Dù sinh sau đẻ muộn nhưng qua các tài liệu ghi chép, kẻ hậu sinh cũng hình dung được phần nào cái cảnh người chết dọc đường như rạ, đến nỗi ngay cái chuyện đào hố để chôn cũng lắm vất vả. Rồi đến chuyện phải ăn thịt đồng loại để sống cũng khiến thế hệ hôm nay dù khó tưởng tượng nhưng vẫn là chuyện đã từng xảy ra.

        
Trước bao cảnh khổ ấy của đồng loại, chúng ta, Kitô hữu, những người theo đạo của tình yêu, của bác ái, ai ai cũng động lòng xót thương. Thế nhưng, chúng ta cũng rất có thể có thái độ như người hầu của tiên tri Êlisêu “Có được chỉ hai mươi chiếc bánh lúa mạch làm sao có thể phát cho cả trăm người ăn đây”, hay như Philipphê: “Có mua hai trăm bạc bánh (khoảng trên dưới bốn mươi triệu đồng Việt Nam) cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”. Ngài Philipphê tính toán quả không sai. Với năm ngàn người đàn ông chưa kể đàn bà và con trẻ thì bốn mươi triệu tiền bánh cũng chẳng thấm vào đâu. Các Tin Mừng nhất lãm còn cho ta hay rằng có tông đồ lại hiến kế kiểu phủi tay: Thôi, ta giải tán để họ vào làng mà mua thức ăn (x.Mt 14,15; Mc 6,36; Lc 9,12). Một diệu kế rất mang tính kinh tế. Tuy nhiên, đằng sau nó vẫn là một tấm lòng đầy tính toán và dĩ nhiên nó bộc lộ sự hẹp hòi của con tim.

        
“Phát cho họ ăn đi”. Elisêu khẳng khái với người hầu cách không do dự. Còn Chúa Giêsu thì dứt khoát: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Đã yêu thì đừng tính toán. Đã yêu thì hãy làm ngay những gì trong tầm tay của mình. Tình yêu không hệ tại ở số lượng. Chúng ta vốn quen với câu chuyện bà góa nghèo trong Tin Mừng. Dù với hai xu nhỏ nhưng hơn cả trăm triệu đồng của những người giàu có, khi họ chỉ trao dâng cái phần thừa thãi của mình, còn bà thì thực hiện nghĩa cử yêu thương bằng cả sự sống còn của mình (x. Lc 21,1-4; Mc 12,41-44).

        
Quả thật, rất nhiều lần trước cảnh tình khốn khổ của tha nhân, chúng ta viện cớ là làm không xuể, làm như muối bỏ biển, nên đã thoái thác nghĩa vụ yêu thương như lời Chúa chỉ dạy. Ma quỷ có thừa xảo kế tinh ranh. Chúng đâu có cám dỗ chúng ta không thương yêu tha nhân, nhưng lại gieo vào tâm trí chúng ta sự tính toán về kết quả. Ai lại không mong việc làm của mình có kết quả, nhất là những việc tốt, những nghĩa cử yêu thương? Khi cám dỗ ta về viễn cảnh không như ý, đó là dù ta có cố sức đến bao nhiêu cũng chẳng giải quyết được sự gì, thì ma quỷ đã thành công nhiều lần, khi khiến chúng ta chần chừ, ngần ngại dấn thân. Và từ sự ngần ngại, lần lữa chúng ta đã nhiều lần bỏ qua nhiều dịp để sống yêu thương.

        
Là Thiên Chúa, với quyền năng cao cả, Chúa Giêsu có thể làm từ không ra có. Ngài có thể cho bánh từ trời xuống nuôi dân, hoặc biến sỏi đá thành cơm bánh. Thế nhưng, Chúa lại muốn cần đến năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ của một em bé lúc bấy giờ để rồi giáng phúc thi ân cho cả gần mười ngàn người hôm ấy. Khi nhận lấy phần cá, bánh nhỏ bé ấy không phải Chúa cần bao nhiêu phần trăm phần góp của chúng ta cho bằng sự dấn thân của ta trong tình yêu. Khi nhận lấy năm chiếc bánh và hai con cá từ tay em bé, Chúa Giêsu minh định với chúng rằng đã yêu thì đừng quá tính toán.

        
“Ăn - cho, buôn - so”. Đã có tính toán, so đo thì thật khó sống yêu thương. Đợi cho đầy đủ các tiện nghi rồi mới phục vụ thì không còn là phục vụ. Đợi cho đầy đủ tiền, có cơ sở vật chất hay đủ phương tiện rồi mới sống quảng đại với đàn chiên thì chưa phải là mục tử. Đợi cho dư dã rồi mới làm việc bác ái yêu thương thì còn gì là yêu thương bác ái. Dù rằng cần biết sống khôn ngoan và thận trọng, nhưng đã yêu thì phải chấp nhận “liều” một cách nào đó. “Một con én không làm nên mùa xuân”. Đây là một lời nhận định thiết thực, cũng có thể là một lời khuyên khôn ngoan, nhưng rất có thể là một chước cám dỗ tinh tế của thần dữ. Xin đừng quên rằng sẽ chẳng bao giờ có mùa xuân nếu không có từng con chim én nhỏ.

        
Người nghèo luôn ở bên ta. Cảnh khốn khổ của đồng loại vẫn nhan nhản trước mắt chúng ta. Nguyên nhân của sự nghèo đói, cảnh khốn cùng hiện nay chủ yếu là do bạo quyền, nạn bất công, sự gian dối. Lời mời gọi yêu thương, dấn thân chia sẻ đang cấp thiết ngỏ với chúng ta: “Chúng tôi rất cần tình yêu của bạn, của ông bà, anh chị…”. Đã yêu, xin đừng quá tính toán. Hãy làm những gì có thể trong tầm tay, ngay hôm nay. Với cả con tim, với sự dấn thân hết mình thì một nghĩa cử yêu thương dù nhỏ bé, bình thường cũng có thể gặt hái kết quả phi thường và to lớn. Một chân lý ngàn đời: Đấng là Tình Yêu và cũng là Đấng mà không có sự gì là không thể, luôn đồng hành với người biết yêu thương cách không tính toán.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây