TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa nhật XVIII Thường Niên - Năm A

01/08/2023 09:59:23 |   709

Chúa nhật XVIII Thường Niên - Năm A
Chúa Hiển Dung

Chúa hiển dung

Mt 17,1-9


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Hiển Dung

Ca nhập lễ

Trong một đám mây sáng chói, Thánh Thần xuất hiện và có tiếng Chúa Cha phán rằng: Này là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Con Một Chúa biểu lộ dung nhan hiển vinh người, Chúa đã dùng hai chứng nhân Cựu Ước là ông Môsê và ông Êlia để củng cố niềm tin của các tông đồ vào mầu nhiệm cứu độ và báo trước hồng ân lạ lùng Chúa sẽ ban là nhận chúng con làm nghĩa tử. Xin cho chúng con nghe lời Con Một Chúa để mai sau được chung hưởng gia nghiệp với người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Ðn 7, 9-10. 13-14

“Áo Người trắng như tuyết”.

Trích sách Tiên tri Ðaniel.

Tôi ngắm nhìn cho đến khi đặt ngai toà xong, và một vị Bô Lão ngự trên ngai: áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người như những ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Một con sông lửa chảy lan tràn trước mặt Người. Hằng ngàn kẻ phụng sự Người, và muôn vàn kẻ chầu chực Người. Người ngự toà xét xử, và các quyển sách đều mở ra.

Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời. Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất: vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 96, 1-2. 5-6. 9

Ðáp: Chúa hiển trị, Chúa là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất (c. 1a và 9a).

Xướng: Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan; hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh; công minh chính trực là nền kê ngai báu.

Xướng: Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi trái đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người.

Xướng: Lạy Chúa, vì Ngài là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất, Ngài rất đỗi siêu phàm giữa muôn chúa tể.

Bài Ðọc II: 2 Pr 1, 16-19

“Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, chúng tôi không theo những truyện bày đặt khôn khéo, để tỏ ra cho anh em biết quyền năng và sự hiện diện của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; nhưng chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Người. Người đã được Chúa Cha ban cho vinh dự và vinh quang, khi có lời từ sự vinh quang cao cả xuống phán về Người rằng: “Này là Con Ta yêu dấu, Người đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống, lúc chúng tôi ở với Người trên núi thánh. Và chúng tôi có lời nói chắc chắn hơn nữa là lời nói tiên tri: anh em nên nghe theo lời đó, nó như ngọn đèn sáng soi trong nơi u tối, cho đến khi rạng đông và sao mai mọc lên trong lòng anh em.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 17, 5c

Alleluia, alleluia! – Này là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 17, 1-9

“Mặt Người chiếu sáng như mặt trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây ông Môsê và Êlia hiện ra và đàm đạo với Người.

Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu.

Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, nhân ngày lễ kính nhớ Ðức Kitô hiển dung, xin Chúa thương thánh hoá của lễ chúng con dâng tiến Chúa đây, và chiếu giãi hào quang của người để thanh tẩy chúng con sạch vết nhơ tội lỗi. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con. Người đã tỏ bày vinh quang cho các chứng nhân được tuyển chọn khi làm cho thân thể Người, vốn giống như xác phàm chúng con, được tràn ngập ánh sáng huy hoàng. Như vậy, người chuẩn bị tâm hồn các môn đệ khỏi vấp phạm vì khổ hình thập giá, và làm cho ánh sáng diệu kỳ chiếu tỏ nơi Người là Ðầu của Hội Thánh , cũng sẽ rạng ngời trên toàn thân thể nhiệm mầu. Vì thế, cùng với triều thần thiên quốc, chúng con ở dưới trần gian luôn ca tụng Chúa uy linh cao cả và không ngừng tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Khi Chúa Kitô tỏ mình ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong mầu nhiệm hiển dung, Chúa đã tỏ cho các tông đồ thấy vẻ huy hoàng của Ðức Kitô, chính Người cũng là của ăn chúng con vừa lãnh nhận. Xin cho chúng con nhờ của ăn này được nên giống Người hơn nữa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

BIẾN ĐỔI HÌNH DẠNG

Ngày 6/8 - Chúa Hiển Dung: Mt 17, 1-9 - Lm. Thái Nguyên
 

LmTN 010823b


Suy niệm

Trong Bài Đọc I, tiên tri Đanien (khoảng 200 BC) được Thiên Chúa tỏ cho thấy qua các thị kiến, về sự xuất hiện của Con Người sau triều đại của bốn đế quốc Assyria, Media, Persia, và Hylạp. Ngài có dáng vẻ con người, nhưng lại có nguồn gốc từ trời. Ngài lãnh nhận vương quyền từ Chúa Cha, và sẽ thống trị mọi dân nước, vương quốc của Ngài sẽ tồn tại đến muôn đời, và ánh vinh quang Ngài sẽ rạng ngời muôn thuở.

Thị kiến trên ứng nghiệm trong bài Tin Mừng hôm nay qua việc Đức Giêsu tỏ mình trên núi cao. Mặc dù Phêrô đã tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, cũng như Đức Giêsu đã báo cho biết về cuộc thương khó, nhưng Phêrô và các môn đệ cho tới lúc này vẫn chưa hiểu được sứ vụ Mêsia của Thầy. Như hầu hết người Do Thái đương thời, các ông tin vào một Đấng Thiên Sai uy quyền sẽ dùng quyền năng để chinh phục và thống trị nhân loại. Các ông vẫn mong Nước Chúa sớm hiển trị để được chia chác quyền lợi cũng như địa vị trong vương quốc đó. Các ông không thể chấp nhận một Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ và chết trên thập giá. Vì thế mà sáu ngày sau, Chúa Giêsu đưa ba Tông đồ lên núi để họ hiểu rằng, con đường khổ nạn Ngài sắp phải đi qua là theo Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, đồng thời cho các ông nhìn thấy vinh quang trước khi phải đương đầu với cuộc khổ nạn.

Trong quang cảnh hiển dung, có sự xuất hiện của Môsê và Êlia: Môsê tượng trưng cho các Sách Lề Luật vì Thiên Chúa ban Thập Giới và các thánh chỉ qua ông. Biến cố hôm nay chứng tỏ Lề Luật phải hướng về Đức Kitô để được nên trọn hảo. Còn Êlia tượng trưng cho các Sách Ngôn Sứ, ông được coi là ngôn sứ cao trọng nhất, nên biến cố hôm nay chứng tỏ Sách Ngôn Sứ cũng phải hướng về Đức Kitô, để tìm thấy sự ứng nghiệm trọn vẹn về Đấng Thiên Sai. Như vậy, Lề Luật và Ngôn Sứ đều làm chứng và tìm thấy sự hoàn hảo của mình nơi Đức Kitô, nhất là trong Cuộc Thương Khó và Phục Sinh sắp tới của Ngài.

Phêrô choáng ngợp trước ánh quang rực rỡ khi Đức Giêsu biến hình, ông xin dựng ba lều cho ba vị, để cùng với họ vui hưởng cảnh huy hoàng này. Bỗng có tiếng từ đám mây phán ra. Đây là lời tuyên phán lần thứ hai của Chúa Cha để làm chứng cho Đức Kitô là Con Một yêu dấu, và truyền“Hãy vâng nghe lời Người”. Đó là một lời truyền tối quan trọng cho đời sống và sứ vụ các môn đệ. Các ông phải vâng nghe những gì Chúa Con đang mặc khải, dù những điều này không phù hợp với mong đợi của các ông về Đấng Thiên Sai, nhưng là kế hoạch của Thiên Chúa.

Chắc chắn quang cảnh hiển dung đã làm các môn đệ vô cùng phấn khởi. Họ đã thấy vinh quang bên kia cảnh nhục nhã; khải hoàn bên kia cảnh khổ đau; vương miện bên kia thập giá. Lúc ấy họ chưa thể hiểu trọn vẹn, nhưng phần nào đã ý thức được rằng, thập giá trước mắt tuy hoàn toàn khổ nhục, nhưng nó đi liền với vinh quang là nét chính của cuộc xuất hành đến Giêrusalem và sau cái chết. Phêrô không bao giờ quên được kỷ niệm lạ lùng này như ông đã viết:“Chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Chúng tôi đã nghe thấy tiếng từ trời phán ra khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người” (2Pr 1,16-18).

Chúa Giêsu hiển dung không chỉ cho ba môn đồ thân tín, nhưng Ngài còn tiếp tục hiển dung cho những ai sống gắn bó với Ngài, để họ vững vàng bước đi trên con đường thập giá. Chúng ta cũng sẽ được biến hình, được bừng sáng cách nào đó, khi chúng ta dám sống hồn nhiên chân thật, dám yêu hết mình. Khi cái tôi ích kỷ của mình bị xóa mờ thì cái tôi đích thực được lộ ra trong ngần. Đời Kitô hữu phải là một hành trình lên núi và xuống núi cùng với Chúa, là điểm nhấn của từng ngày sống, từng giai đoạn, cũng là nhịp điệu của trái tim để làm triển nở sức sống và tình yêu.  Chính trong sự tĩnh lặng và kết hiệp với Chúa ngay trong đời thường mà chúng ta được chứng kiến vinh quang của Chúa, tuy thoáng chốc nhưng đủ để ta làm mới lại đời sống mình.

Trong ý nghĩa đó, Susanna Wesley đã dâng lên lời nguyện: “Lạy Chúa, xin hãy giúp con nhớ rằng, tôn giáo không bị giới hạn trong nhà thờ hay nguyện đường, cũng không chỉ thực hành bằng cầu nguyện hay suy gẫm, mà là ở bất cứ nơi nào con được ở trong sự hiện diện của Chúa”. Thật vậy, bất cứ khi nào ta đặt mình trong sự hiện diện của Chúa, ta đều cảm nhận được sự phấn khởi cho tâm hồn mình, giúp ta mạnh mẽ vượt qua những nghịch cảnh để sống sứ mạng của mình. Người ta không thấy Chúa biến hình sáng láng, nhưng họ có thể cảm nhận sự hiện diện của Ngài nơi khuôn mặt vui tươi, chan chứa niềm tin và đầy tình thương mến của người Kitô hữu trong thế giới hôm nay. 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Qua sự kiện biến hình trên núi cao,
Chúa hé mở chút vinh quang rực rỡ,
cho thấy vinh quang Chúa thật vô bờ,
khiến các môn đệ vui mừng hớn hở.


Chúa biến hình trong ánh sáng chói chang,
báo trước ngày phục sinh sẽ huy hoàng,
sau khi trải qua nhục hình và tử nạn,
để cho đời sự sống mới bình an.


Tuổi trẻ con cũng thích được chói sáng,
nên tô vẽ cho mình ánh hào quang,
bằng hành động và kiểu cách vênh vang,
có khi theo những lối sống nghênh ngang,
hoặc theo đời theo “mốt” theo thời trang.


Chúng con thường ảo tưởng nên không biết,
chói sáng đích thực là mình nên giống Chúa,
Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng,
Đấng chân thật và thánh thiện vô song.


Chúa mới làm cho đời con chói sáng,
bằng đức tin và tình mến rỡ ràng,
chứ không phải những kiểu sống lan man,
tìm mọi cách để nổi nang trên “mạng”.


Cho con trở lại với cái tôi sâu thẳm,
cái tôi hiền lành và chân thật dễ thương,
cái tôi bình thường và nhân ái khiêm nhường,
cái tôi đơn sơ và không chút lụy vương,
cái tôi hòa đồng và lan tỏa hiệp thông,
để trao ban cho mọi người niềm vui sống.


Như vậy con mới mong ngày chói sáng,
vì sẽ được gặp gỡ Chúa vinh quang,
trong ánh sáng huy hoàng và vô tận,
với tình yêu và hạnh phúc vô ngần. Amen.

 

 

BIẾN ĐỔI ĐỜI CON, CHÚA ƠI!
Rồi người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. (Mt 17,2)

Suy niệm: Đức Giê-su hiển dung “biến đổi hình dạng” trước mặt ba môn đệ thân tín không phải để ‘khoe’ vinh quang của Ngài mà để tỏ cho họ biết Ngài thật là Con Thiên Chúa như lời Chúa Cha xác nhận: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Nhờ biết căn tính thần linh của Ngài, các môn đệ được củng cố niềm tin để cùng Ngài bước vào cuộc thương khó khốc liệt, khi Ngài sẽ phải chịu đau khổ chịu chết trước khi phục sinh vinh hiển. Thật diễm phúc khi được thấy Chúa Giê-su tỏ mình ra như thế. Gio-an, một trong ba vị tông đồ chứng kiến cuộc hiển dung, đã bày tỏ trong thư của ngài rằng: Đức Ki-tô thế nào thì Ngài sẽ tỏ cho ta thấy như thế, và chúng ta được thấy Ngài thế nào, thì cũng được biến đổi giống Ngài như vậy (x. 1Ga 3, 2).

Mời Bạn: Mỗi khi suy niệm Lời Chúa, bạn được soi sáng để ‘thấy’ Chúa nhiều hơn và được thanh luyện để trở nên giống Ngài hơn. Và nếu bạn lại được diễm phúc rước Thánh Thể vào lòng, bạn càng có cơ hội ‘biết’ Ngài nhiều hơn nữa và càng được biến đổi nên “đồng hình đồng dạng” được “nên một với Ngài” (x. Pl 3, 10; Ga 17,11tt). Mời bạn nỗ lực cộng tác với ơn Chúa để thanh luyện mình để ngày càng trở nên “hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (x. Mt 5,48)

Sống Lời Chúa: Thường xuyên suy niệm nhìn ngắm Chúa Ki-tô chịu đóng đinh và xin ơn bắt chước Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biến đổi đời con Chúa ơi, để con ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa. Xin dạy con nhớ rằng phải cùng vác thập giá mình đi theo Chúa mới được cùng Chúa phục sinh vinh quang. Amen.

Chúa nhật thứ 18 thường niên - Chúa Hiển Dung
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 17, 1-9).

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây ông Môsê và Êlia hiện ra và đàm đạo với Người.

Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu.

Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”.

Suy niệm

Mỗi người, dù sống trong hoàn cảnh nào, luôn mong muốn tương lai của mình đầy những thành công, đầy những niềm vui và hạnh phúc. Vì thế, định hướng cuộc đời cho bản thân, luôn là một việc làm cần quan tâm, bởi khi định hướng cho mình, sự cố gắng luôn là động lực để sống và làm việc. Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật thứ 18 thường niên, mời mỗi người tín hữu hướng về tương lai của mình trong tâm tình tôn giáo, để có thể định hướng cho đời sống tôn giáo hiện tại của bản thân. Câu chuyện Chúa Giêsu hiển dung trước mặt các Tông đồ đại diện, như là điểm đến cuối cùng của mỗi tín hữu hôm nay. Ngài giới thiệu Nước Trời và vinh quang của Thiên Chúa cho con người, giúp con người không bị lầm tưởng về niềm tin của mình hôm nay.

Trở lại với bài đọc 1 trong thánh lễ Chúa nhật lễ Hiển dung, chúng ta nghe tiên tri Đa-ni-en tường thuật về một viễn cảnh ngày cánh chung. Viễn cảnh đó sẽ dành cho ai hôm nay biết sống tâm tình tôn giáo cách đích thực, đúng nghĩa và chân thành: “Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời. Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất: vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ”. Khung cảnh câu chuyện trong bài đọc, như là một cảnh vật thần tiên, chỉ có màu trắng hạnh phúc và bình an, chỉ có sự nhẹ nhàng của tình yêu và niềm vui. Viễn cảnh đó mời người đọc và người nghe, hướng đến một Nước Trời trong ngày cánh chung. Được gặp Bô Lão và Con Người, chắc ai phần nào cũng hình dung ra đó là Thiên Chúa Cha và Người Con của Ngài. Và đó cũng là Đấng chúng ta tin hôm nay và chọn con đường mang tên Ngài để cùng đi với nhau trong kiếp sống nhân sinh này.

Trước những biến động về niềm tin của các tín hữu, thánh Phê-rô đã gởi đến mỗi người những kinh nghiệm của ngài trong thời gian được ở bên Thầy Chí Thánh. Lời chứng đó phần nào minh định cho biến cố hiển dung mà ngài được chứng kiến, phần nào minh định cho niềm tin của các tín hữu hôm nay không phải là ảo tưởng, không là vô vọng, đó là một niềm tin có điểm đến là hạnh phúc Nước Trời: “Anh em thân mến, chúng tôi không theo những truyện bày đặt khôn khéo, để tỏ ra cho anh em biết quyền năng và sự hiện diện của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; nhưng chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Người. Người đã được Chúa Cha ban cho vinh dự và vinh quang, khi có lời từ sự vinh quang cao cả xuống phán về Người rằng: “Này là Con Ta yêu dấu, Người đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống, lúc chúng tôi ở với Người trên núi thánh”. Lời chứng của các Tông đồ về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, không phải là những lời chứng do bịa đặt, nhưng tất cả do Thiên Chúa tỏ lộ và các ông là những chứng nhân sống động cho các biến cố đó. Biến cố hiển dung như là một lời khích lệ các Tông đồ, để các ngài cùng Thầy bước vào mầu nhiệm thập giá tự tin và xác tín, thế mà, khi đối diện với thực tế, các ngài đã bỏ chạy thoát thân, chỉ vì chưa thể chấp nhận một sự thật đau đớn thế.

Để chuẩn bị cho các học trò đồng hành với mình trên đường vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu đã cho các ông chứng kiến vinh quang của mầu nhiệm phục sinh của Con Thiên Chúa, Ngài đưa các ông lên núi, nơi đó, các ông chứng kiến sự sáng láng và vinh quang của Thiên Chúa trước sức tàn phá của tội lỗi hàng ngày: Khi ấy, Chúa Giêsu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây ông Môsê và Êlia hiện ra và đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Chứng kiến vinh quang của mầu nhiệm phục sinh, các Tông đồ như ngụp lặn trong niềm hạnh phúc, một niềm hạnh phúc đích thực, các ông không muốn rời khỏi đó, nhưng sứ vụ phía trước đang đợi chờ, đó là trở nên chứng nhân của mầu nhiệm phục sinh ngang qua sự đau khổ của thập giá.

Không có thành công nào mà không đi ngang qua sự thất bại, không có niềm vui nào mà không nếm trải những khổ đau, hành trình đức tin của các Tông đồ cũng thế, để trở nên người học trò của Thầy Chí Thánh, không chỉ đi theo Thầy, còn phải học cách sống của Thầy, còn phải thực hành những gì Thầy chỉ dạy, những bài học đó không có trong gia đình, không có ngoài xã hội và càng không có trong kho tàng kiến thức nhân loại, bởi ngoài xã hội, ai muốn làm lớn phải tìm cách luồn cúi, chạy chọt hay mua bán chức tước, còn Thầy dạy các ông, ai muốn làm lớn, hãy trở nên người nhỏ bé nhất và phục vụ anh em mình. Ai muốn theo Ta, phải bỏ mình, vác thập giá mình mà theo, quả là những đòi hỏi khác thường và đầy thách đố. Chấp nhận được như thế, các ông mới thực sự là những chứng nhân sống động của mầu nhiệm phục sinh, bởi Thầy đã chấp nhận thất bại trong mầu nhiệm tử nạn, để rồi có được niềm vui của mầu nhiệm phục sinh.

Hành trình đức tin của người môn đệ Đức Giêsu hôm nay cũng không ngoại lệ, sống giữa thế gian nhưng không được thuộc về thế gian, sống trong thế giới tục hóa, nhưng không được tục hóa chính mình, hơn nữa, người tín hữu còn phải làm chứng cho một Thiên Chúa hiện diện giữa thế giới bằng chính gương sống của bản thân. Không thiếu những lần thất bại ê chề vì không thể hòa nhập vào thế giới nghiêng chiều về vật chất, không thiếu những lần đau khổ tột độ vì hiểu lầm, vì sống khác người, người tín hữu có can đảm để nắm lấy bàn tay Thiên Chúa trước những dè bỉu của thế gian về những khác người trong lối sống. Đó là những thách đố hiện tại, để mai sau có được phần thưởng xứng đáng là sống trong niềm vinh quang của mầu nhiệm phục sinh, là niềm ngụp lặn trong niềm hạnh phúc Nước Trời.

Dẫu cho tội con có đỏ như son, Ta cũng sẽ làm cho trắng như tuyết. Đó là khát mong của Thiên Chúa muốn thanh tẩy con người, để họ nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Thế giới tục hóa và nghiêng chiều về vật chất đang biến con người thành cỗ máy, thành công cụ của xã hội, chứ không giúp họ tìm thấy hạnh phúc và tìm thấy giá trị đích thực của con người. Sự vong thân đang dần xóa nhòa tâm tình tôn giáo trong sâu thẳm của con người, vì thế, khát vọng đi tìm Thượng Đế, đi tìm Thiên Chúa, hầu như vắng bóng trong lý trí và ý chí của con người. Họ chỉ tìm hư danh hiện tại với những quyền bính, danh vọng và tiền bạc. Tất cả những nhu cầu đó, đưa họ tới niềm hạnh phúc giả tạo hôm nay, còn mai sau thế nào thì đó là chuyện của tương lai. Với một ý thức hệ như thế, người tín hữu còn mong muốn đi tìm cho mình một con đường để về trời nữa không? Hơn nữa, con đường đó còn đi ngang qua đau khổ, thất bại và chết chóc nữa. Chắc sẽ là một bài toán khó chưa có câu trả lời, nếu không có một niềm tin thực sự và xác tín.

Lạy Chúa, chứng kiến mầu nhiệm vinh quang của Thiên Chúa trên đỉnh Tabor, các Tông đồ không muốn rời xa, xin cho chúng con cảm nghiệm được niềm hạnh phúc đó, để từng ngày sống hiện tại, chúng con cố gắng không để rời xa khỏi con đường mang tên Giêsu. Chúa cho các ông thấy được niềm vui Nước Trời trước khi cùng Thầy bước vào cuộc khổ nạn với mầu nhiệm thập giá, xin cho chúng con nhận ra niềm vui được cùng Thầy ngang qua mầu nhiệm thập giá, để được Thầy dẫn vào niềm vui của mầu nhiệm phục sinh vinh quang. Đau khổ và vinh quang luôn đồng hành cùng nhau trong cuộc sống chúng con, xin cho chúng con đủ ơn của Chúa, để mỗi người đừng tháo lui, đừng rẽ ngang hoặc quay lưng lại với hành trình đức tin của mình. Amen.

 

ĐỂ ĐƯỢC VINH QUANG
(LỄ CHÚA HIỂN DUNG) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Qua hình thức hỏi đáp, xin cùng nhau suy niệm về mầu nhiệm Chúa Hiển Dung.

Hỏi: Chúa Giêsu Hiển Dung nghĩa là gì?

Không quá khó để trả lời câu hỏi này. Dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo, chúng ta nhìn nhận Chúa Hiển Dung là việc Chúa Giêsu bày tỏ chân dung của mình là Thiên Chúa thật, đồng vinh quang, danh dự vả uy quyền như hai Ngôi cực thánh là Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Chân dung Thiên Chúa nơi Đấng làm người, Giêsu Kitô được tỏ bày mà Tin Mừng tường thuật qua hình ảnh: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng như ánh sáng” (Mt 17,2).

Hỏi: Chúa Giêsu Hiển Dung để làm gì?

Đã từng một thời gian lâu dài, theo diễn suy của nhiều thánh Giáo phụ chúng ta nghĩ rằng Chúa Giêsu tỏ vinh quang cho ba môn đệ thân tín trên núi cao là để củng cố đức tin, nâng đỡ đức cậy cho các vị trước cuộc khổ nạn thập giá mà Người sắp chịu tại Giêrusalem. Đọc kỹ các bản văn Tin Mừng Nhất lãm tường thuật cuộc biến hình của Chúa Giêsu thì lối diễn suy này xem ra chưa thật thuyết phục.

Nếu Chúa Hiển Dung là để củng cố đức tin cho các môn đệ thì sao Người lại cấm ba môn đệ thân tín không được nói với ai về chuyện các ngài đã chứng kiến? Không lẽ Chúa Giêsu quá thiên vị ba môn đệ thân tín hơn chín vị còn lại sao? Nếu để nâng đỡ lòng cậy trông cho ba môn đệ trước cuộc khổ nạn mình sắp chịu tại Giêrusalem thì giải thích thế nào dữ kiện mà Tin mừng ghi rõ là chính ba vị và các bạn đồng môn đều không hiểu chuyện từ cõi chết sống lại nghĩa là gì khi Người tiên báo cuộc khổ nạn lần thứ hai (x.Mc 9,32).

Một cái nhìn về mầu nhiệm Chúa Hiển Dung:

Dưới cái nhìn Kitô học, Chúa Kitô khi vào trần gian mặc lấy xác phàm nhân loại thì Người đã trở nên giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Để có thể xác tín căn tính Thiên Chúa của mình thì Đấng làm người cần có một thời gian và một số điều kiện nào đó. Qua câu chuyện khi đến tuổi thiếu niên, vào năm mười hai tuổi theo cha mẹ lên Giêrusalem dự lễ và sau đó Chúa Giêsu ở lại Đền Thờ ba ngày mà Tin Mừng Luca tường thuật thì chúng ta có thể xác quyết rằng thiếu niên Giêsu đã nhận ra căn tính Thiên Chúa của mình là “Con của Cha trên trời” (x.Lc 2,49).

Tuy nhiên để hiểu rõ sứ mạng của mình khi vào trần gian thì Chúa Giêsu cũng cần thêm thời gian và nhiều điều kiện khác nữa, đặc biệt là việc tiếp xúc với Cha trên trời bằng sự cầu nguyện. Trên dưới ba mươi năm sống ẩn dật tại Nagiarét là một minh chứng. Khi đi rao giảng Chúa Giêsu thường chọn thời gian và không gian thuận tiện để cầu nguyện sâu lắng hơn. Người thường ra nơi vắng vẻ hay lên núi cao để cầu nguyện mỗi sáng tinh sương hay khi đêm về để gặp gỡ Chúa Cha. Dĩ nhiên Chúa Giêsu gặp gỡ không chỉ để gắn bó trong tình yêu và sự thông hiệp mà còn để nhận biết thánh ý Cha trên trời hầu vuông tròn sứ mạng khi vào trần gian: “Này Con xin đến để thực thi ý Người” (Dt 10,7).

Khi đi rao giảng Tin Mừng, trước sự chống đối của nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ, Chúa Giêsu thoáng thấy mầu nhiệm khổ giá mà Người sẽ phải vượt qua (tiên báo khổ hình thập giá lần thứ nhất). Lần này trên núi cao, chính Chúa Cha xác nhận điều này khi để cho hai vị đại diện thời Cựu Ước là Môsê và ngôn sứ Êlia hiện ra đàm đạo với Chúa Giêsu về chính cuộc khổ hình. Khi đón nhận chén đắng này thì Chúa Giêsu đã làm hài lòng Chúa Cha. “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta Hài lòng về Người” (Mt 17,5).

Vinh quang của Thiên Chúa rực sáng không chỉ trong kỳ công tạo dựng của Người mà còn đặc biệt trong lòng thương xót vô hạn mà Người tuôn ban cho nhân trần. Chính Đêm Tiệc ly khi Giuđa ra đi thực hiện ý định nộp Thầy thì Chúa Giêsu khẳng định: “Bây giờ Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13,31). Vậy chúng ta có thể nói rằng việc Chúa Giêsu hiển dung là hệ quả của tình yêu xót thương, dâng hiến trọn hảo. “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình của người hiến dâng mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).

Ai trong chúng ta cũng ít nhiều muốn mình được vinh quang. Là con cái Giáo hội chúng ta đều mong khuôn mặt Giáo hội được rực sáng. Tuy nhiên cần nhìn nhận rằng không phải qua các đền đài uy nghi, qua các nhà thờ lộng lẫy hay các cuộc “Lễ hội” với trống kèn, rước xách hoành tráng mà khuôn mặt Giáo rạng rỡ mà chính qua sự phục vụ tận tâm với lòng thương xót thực sự thì diện mạo của Giáo hội mới sáng toả trong vinh quang. Để được vậy thì không gì hơn hãy biết lắng nghe lời Chúa Cha tuyên phán năm xưa trên núi cao: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người (Chúa Giêsu)” (Mt 17,5). Một lời truyền của Chúa Giêsu đêm Tiệc ly: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12). Khi vâng nghe, sống lệnh truyền này, nghĩa là cúi xuống phục vụ tha nhân trong tình yêu và sự khiêm hạ thì chắc chắn chúng ta, Giáo hội chúng ta sẽ HIỂN DUNG.


 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa nhật XVIII Thường Niên - Năm A

Ca nhập lễ

Ôi Thiên Chúa, xin Chúa vui lòng giải thoát tôi, Lạy Chúa, xin Ngài hãy mau mau giúp đỡ tôi. Chúa là Đấng giúp đỡ và giải thoát tôi; Ôi lạy Chúa, xin Ngài chớ nên chậm trễ.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến!  “Các con hãy cho họ ăn đi”. Chúa Giêsu nói với các môn đệ trước đám đông đang đói khát. Chúa muốn mời gọi các môn đệ cộng tác vào sứ vụ của Người: Người trao bánh hóa nhiều cho các môn đệ để họ phân phát cho dân chúng. Chúng ta cũng được mời gọi cộng tác với Hội Thánh trao ban Chân lý, ân sủng và ơn cứu độ cho thế giới đang đói khát bánh sự thật, bánh công bằng, bánh bác ái, bánh yêu thương. Nhưng nhiều khi, chúng ta đã không đáp lại lời mời gọi ấy, chúng ta đã không dám góp phần của mình để đem tấm bánh từ tay Chúa đến cho mọi người. Vậy giờ đây, chúng ta hãy cúi đầu xin Chúa thứ tha những thiếu xót ấy của chúng ta, để sốt sắng dâng Thánh lễ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chúng con tự hào vì được Chúa dựng nên và hướng dẫn; xin Chúa hằng dủ thương nâng đỡ chúng con, cùng ban ơn đổi mới và gìn giữ mọi loài Chúa dựng nên cho chúng con được hưởng nhờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 55, 1-3

“Hãy đến mua lúa mà ăn”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Chúa phán: “Hỡi tất cả những ai khát nước, hãy đến uống nước; hỡi kẻ không tiền bạc, hãy đến mua lúa mà ăn; hãy đến mà mua rượu và sữa, không cần trả tiền, không cần đổi chác gì. Tại sao các ngươi không dùng tiền mà mua bánh, sao không dùng tiền lương mà mua đồ nuôi thân? Vậy hãy lắng tai nghe, hãy đến ăn đồ bổ, và các ngươi sẽ được thưởng thức món ăn mỹ vị. Hãy lắng tai và đến cùng Ta, hãy nghe, thì các ngươi sẽ được sống; Ta sẽ ký kết với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, đó là những hồng ân đã hứa cho Ðavít”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 8-9. 15-16. 17-18

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho chúng con được no nê (x. c. 16).

Xướng: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. 

Xướng: Muôn loài để mắt cậy trông vào Chúa, và Ngài ban lương thực cho chúng đúng theo giờ. Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho mọi sinh vật được no nê.

Xướng: Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi kẻ kêu cầu Ngài, mọi kẻ kêu cầu Ngài cách thành tâm.

Bài Ðọc II: Rm 8, 35. 37-39

“Không một tạo vật nào có thể tách biệt chúng ta khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Ðức Kitô, Chúa chúng ta”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, ai sẽ tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Ðức Kitô được? Hay là gian truân, buồn sầu, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo sao?

Nhưng chúng ta vượt thắng được trong tất cả những sự ấy, vì Ðấng đã yêu thương chúng ta. Tôi chắc chắn rằng dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay các bậc quyền quý, tài sức, dù những sự hiện tại hay tương lai, hoặc sức mạnh, dù cao hay sâu, dù tạo vật nào khác, cũng không có thể tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: x. Ep 1, 17-18

Alleluia, alleluia! – Cha của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã soi lòng trí để chúng ta biết thế nào là sự cậy trông Chúa kêu gọi chúng ta. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 14, 13-21

“Mọi người đều ăn no”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó, xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ. Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người. Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ, và chữa những người bệnh tật trong họ.

Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Ðây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi, xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”. Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn”. Các ông thưa lại rằng: “Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. Người bảo các ông rằng: “Hãy đem lại cho Thầy”.

Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng. Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn. Số người ăn là năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót và nhân ái. Ngài đã tạo dựng muôn loài muôn vật và không ngừng quan tâm chăm sóc nuôi dưỡng bằng quyền năng của Ngài. Tin tưởng vào tình yêu thương của Chúa, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:

1. “Hỡi những ai khát hãy đến mà uống nước”.- Xin cho các vị Mục tử trong Hội Thánh luôn có một tấm lòng rộng rãi, cảm thông sâu xa trước sự nghèo túng, nỗi cơ cực của đoàn chiên, để lo lắng đem họ về hưởng nguồn suối mát của Chúa.

2. “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô, Chúa chúng ta”.— Xin cho các Kitô hữu biết thánh hóa những yếu đuối, những bất toàn, những khả năng non yếu của mình và kết hợp với của lễ hiến tế Đức Kitô để trở nên tấm bánh cho muôn người.

3. “Mọi người đều ăn no”.- Xin thương đến mảnh đất khô cằn trên quê hương Việt Nam, để những giọt mồ hôi của mỗi người không trở thành vô hiệu nhưng đem lại ấm no hạnh phúc, nhờ đó họ có thể an tâm phụng sự Chúa.

4. “Người thấy dân chúng đông đảo thì thương xót họ”.- Xin Chúa cũng thương đến cộng đoàn giáo xứ chúng ta đang đói khát điều thiện hảo, có được những tâm hồn thánh thiện, quảng đại, can đảm, dấn thân phục vụ việc rao giảng Tin Mừng.

Chủ tếLạy Chúa, lời kêu gọi khẩn thiết “các con hãy cho họ ăn” vẫn còn vang vọng và thúc bách đối với Hội Thánh, khi đứng trước nhân loại đang đói ơn cứu độ. Xin cho chúng con được tràn đầy sức sống của Chúa, để có thể ban phát cho muôn tâm hồn lương thực thiêng liêng, giúp họ thoát cảnh đói khát phần rỗi. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thánh hóa và chấp nhận của lễ này là biểu hiện lễ tế thiêng liêng của Giáo Hội; xin Chúa cũng thương tình biến đổi chúng con thành của lễ muôn đời đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin ban cho chúng tôi bánh bởi trời, có đủ mọi mùi thơm ngon và mọi hương vị ngọt ngào.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không  hề khát bao giờ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúa không ngừng ban ơn phù trợ và lấy bánh bởi trời bồi dưỡng chúng con; xin tiếp tục chở che nâng đỡ để chúng con xứng đáng hưởng nhờ ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

QUYỀN NĂNG CỦA THIÊN CHÚA VÀ LÒNG QUẢNG ĐẠI CỦA CON NGƯỜI

+ ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên

Trong thời gian mọi người phải cách ly vì đại dịch viêm phổi Vũ Hán vừa qua, chúng ta được chứng kiến lòng quảng đại của người dân Việt. Câu ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” được thể hiện rõ, qua những nghĩa cử chia sẻ đầy tình người. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, những ATM phát gạo, những bữa cơm miễn phí, những chiếc khẩu trang chống dịch… tất cả làm nên vẻ đẹp truyền thống của lòng nhân ái nơi người Việt Nam chúng ta.

Lời Chúa trong Chúa nhật XVIII thường niên này nói về lòng quảng đại và hào phóng của Thiên Chúa đối với con người. Ngài cũng đang qua các tín hữu để thể hiện quyền năng và lòng quảng đại cứu giúp những người thiếu thốn. Thánh Máthêu nói với chúng ta về tâm trạng của Chúa Giêsu: Người chạnh lòng thương khi thấy đám đông theo Người vào sa mạc, vào lúc cuối ngày, họ đang đói và cần có lương thực. Xin lưu ý: khi Chúa Giêsu ăn chay trong sa mạc, ma quỷ đã cám dỗ Chúa về nhu cầu ăn uống. Nó nói với Chúa: Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy biến những tảng đá này thành bánh mà ăn”. Nhưng Chúa không làm theo lời dụ dỗ của ma quỷ. Người tuyên bố: “Người ta sống không chỉ bằng cơm bánh, mà còn bằng lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Nếu trong sa mạc, lúc chay tịnh, Chúa Giêsu không hoá đá thành bánh theo cám dỗ của ma quỷ, thì bây giờ, cũng trong sa mạc, trước đám đông dân chúng đang đói khát, Chúa lại chạnh lòng thương, và Người làm phép lạ cho bánh hoá ra nhiều để nuôi dưỡng họ. Người Do Thái am hiểu lịch sử đều dễ dàng nhận ra Chúa Giêsu như một Môisen mới. Trong hành trình sa mạc về Đất Hứa, qua trung gian ông Môisen, Chúa đã ban mana và chim cút để nuôi dưỡng dân lữ hành, nhờ vậy mà suốt thời gian 40 năm, họ không trồng cấy, không chăn nuôi, mà vẫn có  lương thực để đi về Đất Hứa. Như thế, chúng ta có thể nói: nếu Chúa làm phép lạ cho bánh hoá ra nhiều là vì thương dân chúng. Người cũng muốn qua phép lạ này chứng minh quyền năng thiên linh của Người, như chính Chúa nói với người Do Thái trong Tin Mừng Thánh Gioan: “Chính Cha tôi cho người Do Thái ăn Manna trong sa mạc là bánh bởi trời”.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa quyền năng. Người có thể phán một lời là có bánh ăn cho mọi người. Nhưng Người không làm thế mà lại chọn cách hoá bánh ra nhiều khởi đi từ đồ ăn dự trữ có người mang theo. Các tác giả Tin Mừng đều kể lại phép lạ nhân bánh khởi đi từ những chiếc bánh và những con cá từ những người có mặt. Cụ thể, trong trình thuật của Thánh Mátthêu hôm nay, trước câu hỏi của Chúa, các môn đệ đã trả lời: “Ở đây chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá”. Dựa theo câu trả lời này, thì có lẽ đó là bánh và cá các môn đệ đã chuẩn bị cho Thày và trò. Số bánh này quá ít ỏi so với nhu cầu của đám đông. Vì chỉ có chút ít như thế, các ông đã tìm một phương pháp đơn giản để thoái thác trách nhiệm, như lời các ông thưa với Chúa: “Xin Thầy cho họ về, vì nơi đây hoang vắng và cũng đã muộn”. Vâng, đó là cách giải quyết dễ dàng hơn cả mà các môn đệ cũng như chúng ta thường lựa chọn. Cách giải quyết này vừa nhanh gọn vừa không gây bận rộn cho các môn đệ. Đức Giêsu không chấp nhận giải quyết kiểu đó. Người nghĩ đến những người già cả, những người đến từ xa. Họ đang rất đói và có thể gục ngã trên đường trở về. Lòng thương xót của Chúa muốn mang lại sức sống và niềm vui cho con người. Đức Giêsu muốn khẳng định cho mọi người thấy những ai kiên tâm theo Người sẽ không phải thất vọng. Họ sẽ không về tay không.

Khởi đi từ năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu đã nhân lên nhiều đến nỗi năm ngàn người ăn no mà vẫn còn dư đến mười hai thúng. Một khi quyền năng của Thiên Chúa gặp gỡ lòng quảng đại của con người, phép lạ sẽ xảy ra, những điều kỳ diệu sẽ xuất hiện ngoài sức tưởng tượng của con người. Thánh Mátthêu còn nhấn mạnh thêm con số năm ngàn chỉ tính đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ. Kết quả kỳ diệu đó đến từ tình thương của Thiên Chúa và sự cộng tác của con người. Từ năm cái bánh và hai con cá, những gì được chia sẻ không mất đi, trái lại được nhân lên gấp bội. Có người sánh ví đức ái như ngọn lửa tài tình, càng được chia sẻ thì càng được bùng lên, lan rộng khắp nơi mà không hề bị tiêu hao mất mát.

Ngày hôm nay, đây đó có những người giàu có tới mức dư thừa, đồng thời cũng còn những người bất hạnh, thiếu thốn kể cả những gì tối thiểu cho cuộc sống hằng ngày. Làm ra cơm bánh và tăng trưởng kinh tế là một thách đố lớn đối với con người của mọi thời đại. Người ta đã trách Chúa sao không phân phối tài sản đồng đều  giữa các nước bắc bán cầu và nam bán cầu, giữa những người giàu “nứt đố đổ vách” và những nghèo “rớt mồng tơi”. Nhưng thực ra, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ cho mọi người và cho mỗi người. Ngài cũng luôn mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài bằng việc giang rộng cánh tay để xoá đi chênh lệch, xóa đi bất hạnh nghèo đói. Vì mọi người đều là anh chị em với nhau và cùng được hưởng những tài nguyên mà Thiên Chúa ban tặng. Những người giàu có chỉ là người quản lý của cải Chúa ban để phân phát cho những anh chị em mình. Họ không thể dựa trên lý lẽ “là của mình” để tùy tiện phung phí hoặc dửng dưng trước sự nghèo đói của những người xung quanh. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố một cách dứt khoát: “Của cải để lãng phí là của cải ăn cắp của người nghèo”. Gần đây, có những nhóm thiện nguyện, gom góp những đồ đạc đã sử dụng để tặng cho những người có nhu cầu. Họ trưng dẫn một câu thơ rất có ý nghĩa: “Mọi thứ đều là của chung, khác nhau ở chỗ ai dùng mà thôi”. Đúng thế, những gì chúng ta thấy trong cuộc sống hàng ngày đều là của Chúa ban. Một số người may mắn được Chúa trao làm người sở hữu. Người quảng đại biết chia sẻ với tha nhân; người ích kỷ chỉ ôm lấy cho riêng mình. Ca dao Việt Nam đã nói: “Xởi lởi trời cho, so đo trời lấy”. Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Đong đấu nào thì sẽ nhận đấu ấy”. Sống rộng rãi với tha nhân, Chúa sẽ bù đắp cho chúng ta.

Kính thưa anh chị em,

Chính trong lúc này, chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể. Nơi đây Đức Giêsu tiếp tục hóa bánh ra nhiều để nuôi dưỡng chúng ta. Nơi đây chúng ta lãnh nhận lương thực thiêng liêng, lương thực nuôi sống chúng ta và là bảo chứng cho chúng ta được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Đức Giêsu Thánh Thể là tấm bánh bẻ ra cho toàn thế giới, đồng thời là lời mời gọi mọi người hãy yêu thương và chia sẻ cho nhau, như Người đã yêu thương và hiến chính mình cho chúng ta. Lời ngôn sứ Isaia năm xưa (trong Bài đọc I) nay đang được thực hiện: “Đến cả đi hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây. Dù không tiền bạc, cứ đến mua mà dùng, đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào… Hãy lắng tai nghe Ta thì các ngươi sẽ được sống…”., Thật là kỳ diệu, Thiên Chúa như người mẹ, luôn luôn quan tâm chăm sóc chúng ta. Bí tích Thánh Thể là nguồn suối vô tận của tình thương. Hãy đến kín múc nơi Bí tích này những ân sủng thiêng liêng, giúp ta bước đi, kể cả những lúc đi trong sa mạc hoang vắng và những lúc cô đơn trong dòng chảy cuộc đời. Nhờ ơn Chúa, chúng ta có thể luôn tự tin và trung thành gắn bó với Chúa, như Thánh Phaolô diễn tả (Bài đọc II): Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô, kể cả gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo. Nhờ Đấng yêu mến chúng ta mà chúng ta sẽ toàn thắng. Trong những ngày này, qua các thông tin xã hội, chúng ta đau lòng thấy bên Trung Quốc, chính quyền một số địa phương không ngừng đập phá các nhà thờ, tượng ảnh và thánh giá, thiêu huỷ sách Đạo và các ấn phẩm Công giáo. Không chỉ có các cộng đoàn Kitô hữu là nạn nhân của chế độ, mà cả các tôn giáo khác cũng chịu chung số phận: chùa chiền bị phá, kinh Phật bị đốt cháy. Biết bao anh chị em Kitô hữu của chúng ta trong quốc gia này đang bị bách hại. Chúng ta cầu nguyện cho họ, để giữa gian truân khốn khó, những Kitô hữu này vẫn nhận thấy tình thương của Chúa, gắn bó với Người để Người ban sức mạnh và lòng trung thành. Xin cho những kẻ báng bổ thân linh tỉnh ngộ và ngừng ngay những hành động điên rồ của họ, để thoát khỏi những hậu quả khủng khiếp cho quốc gia và dân tộc.

Đối với chúng ta, thông điệp Giáo Hội muốn gửi đến cho chúng ta Chúa nhật này là lòng liên đới với anh chị em. Xung quanh chúng ta, vẫn còn đó biết bao người cần được giúp đỡ tinh thần và vật chất. Sống trong cuộc đời, ai cũng có phải có trách nhiệm đối với anh chị em mình. Một tác giả đã viết: “Không ai giàu đến độ không có gì cần phải nhận. Không ai nghèo đến mức không có cái gì để cho” (Helder Camara). Nếu không có tiền bạc, ít nhất chúng ta có thể chia sẻ cho anh chị em nụ cười, sự quan tâm, lời khích lệ và sự cảm thông. Tất cả những điều này, được thực hiện đúng lúc, đúng nơi và với tâm tình trân trọng quý mến, sẽ có giá trị tuyệt vời.

Chúa Nhật tuần lễ thứ 18 thường niên
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 14, 13-21).

Khi ấy Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó, xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ. Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người. Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ, và chữa những người bệnh tật trong họ.

Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Ðây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi, xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”. Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn”. Các ông thưa lại rằng: “Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. Người bảo các ông rằng: “Hãy đem lại cho Thầy”.

Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng. Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn. Số người ăn là năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.

Suy niệm

Những ai hiện diện trong buổi trưa được ăn bánh và cá từ phép lạ Con Thiên Chúa thực hiện, chắc chắn là hạnh phúc và đầy những ngạc nhiên, bởi họ tận mắt chứng kiến một dấu lạ khởi đi từ tình thương và lòng trắc ẩn của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ trần gian. Cũng từ câu chuyện lạ này, Đức Giêsu còn hướng đám đông đến thứ lương thực quan trọng hơn họ đang cần để nuôi linh hồn, đó là Thịt và Máu Con Thiên Chúa. Đó mới là thứ lương thực họ cần phải tìm kiếm và sở hữu mỗi ngày, để nuôi lấy đời sống tâm linh và giúp họ hoàn thiện ơn gọi làm người, làm con Thiên Chúa. Cũng từ câu chuyện đó, Thiên Chúa gởi lời mời đến các môn đệ và chúng ta hãy mở lòng quảng đại để chia sẻ và giúp đỡ anh chị em trong đại gia đình của Thiên Chúa. Một hạt lúa cho đi trong tình người, sẽ trổ sinh nhiều bông lúa trĩu nặng của tình yêu thương và ân sủng cho cuộc sống chính mình.

Đã hơn một lần, dân riêng của Giavê đã phản bội Ngài, họ chạy theo những thần linh ngoại bang, thờ cúng và tuân giữ những lề luật của các thần linh đó, thế mà Giavê vẫn tha thứ, vẫn yêu thương, mỗi khi họ thấy rằng đó là một hành động lầm lẫn, sai trái và phản bội Giavê. Họ đã sám hối, được các ngôn sứ dạy dỗ, chăm sóc và nuôi dưỡng qua những lời giáo huấn, những lời khích lệ và nâng đỡ. Hơn nữa, họ còn được mời hướng về tương lai đầy hy vọng với những niềm vui ngập tràn của người biết thực thi lệnh truyền của Giavê: “Ðây Chúa phán: “Hỡi tất cả những ai khát nước, hãy đến uống nước; hỡi kẻ không tiền bạc, hãy đến mua lúa mà ăn; hãy đến mà mua rượu và sữa, không cần trả tiền, không cần đổi chác gì. Tại sao các ngươi không dùng tiền mà mua bánh, sao không dùng tiền lương mà mua đồ nuôi thân? Vậy hãy lắng tai nghe, hãy đến ăn đồ bổ, và các ngươi sẽ được thưởng thức món ăn mỹ vị”. Họ được mời đến thưởng thức những món ăn cao lương mỹ vị từ bàn tiệc của Giavê, nếu họ biết thay đổi cuộc đời, đặc biệt thay đổi nhận thức trong tương quan giữa Giavê với họ, giữa con người với con người, để xứng đáng với tình thương của Giavê. Giavê đã ký kết với tổ phụ, với các vua chúa của họ một giao ước khởi đi từ tình thương của Ngài, chính tình thương đó đã làm nguôi cơn giận của Giavê khi họ phản bội, và nay, Ngài còn mời họ hãy đến tham dự bàn tiệc tình thương đó bằng thái độ sống khiêm tốn, bằng sự cố gắng từ bỏ những tham vọng bản thân. Và xa hơn là từ bỏ những thần linh khác như vật chất, địa vị, tham lam và bội phản: “Hãy lắng tai và đến cùng Ta, hãy nghe, thì các ngươi sẽ được sống; Ta sẽ ký kết với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, đó là những hồng ân đã hứa cho Ðavít”.

Trước những cám dỗ từ cuộc sống, người tín hữu thành Roma có những lúc đã sa ngã, bao cám dỗ cứ đeo đuổi họ trong cuộc sống. Hiểu được nỗi lắng lo của họ, thánh Phaolô đã khuyến khích họ hãy nhớ lại những gì Đức Giêsu Kitô phục sinh đã đưa họ ra khỏi vùng tối tăm của tội lỗi, giúp họ không còn bị lệ thuộc vào những gì thuộc về thế gian: “Anh em thân mến, ai sẽ tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Ðức Kitô được? Hay là gian truân, buồn sầu, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo sao? Nhưng chúng ta vượt thắng được trong tất cả những sự ấy, vì Ðấng đã yêu thương chúng ta”. Từ nay, họ thuộc về Thiên Chúa, là con của Chúa Cha, là anh em với Đức Giêsu Kitô phục sinh, họ còn được mời tới tham dự vào sự sống huyền nhiệm của Thiên Chúa mà không có bất cứ một thế lực nào ở trần gian này có thể chia tách ra được, dù đó là cái chết: “tôi chắc chắn rằng dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay các bậc quyền quý, tài sức, dù những sự hiện tại hay tương lai, hoặc sức mạnh, dù cao hay sâu, dù tạo vật nào khác, cũng không có thể tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.

Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc con người bằng nhiều cách thế nhiều lúc con người chưa thể nhận ra ngay lúc đó, Ngài dọn tiệc cho con người bằng những món ăn tinh thần trên cả tuyệt vời, Ngài dẫn con người tới những dòng suối nước mát trong qua những ân sủng của bí tích và tình huynh đệ cộng đoàn, giúp con người được sống và sống dồi dào. Câu chuyện trong bài Tin Mừng tuần lễ thứ 18 thường niên này là một minh chứng về sự quan tâm của Thiên Chúa làm người: “Khi ấy Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó, xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ. Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người. Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ, và chữa những người bệnh tật trong họ”. Lòng thương xót của Thiên Chúa thật bao la, trước sự bơ vơ thiếu định hướng cho ngày mai của con người, Ngài đã cúi xuống, chăm sóc họ, cho họ ăn no nê, cả thức ăn thể lý lẫn thức ăn tinh thần: “Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Ðây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi, xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”. Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn”. Các ông thưa lại rằng: “Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. Người bảo các ông rằng: “Hãy đem lại cho Thầy”. Trước khi Ngài cho họ ăn, Ngài hỏi các môn đệ có thể làm được gì giúp họ không, các ông đã bất lực trước một đám đông như thế. Ngài không thất vọng trước giới hạn của các môn đệ, các ông chỉ có vỏn vẹn có 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ. Dù một chút nhỏ bé, Đức Giêsu vẫn muốn họ cộng tác với Ngài. Ngài chấp nhận sự đóng góp khiêm tốn của con người trong mọi hoàn cảnh, Ngài chấp nhận những thiếu thốn của con người trong việc chia sẻ với tha nhân, đặc biệt với những người thiếu may mắn. Ngài đã cho họ ăn no nê. Thiên Chúa không mong đợi nơi con người những đóng góp lớn lao, những chia sẻ tất cả, Ngài mong đợi nơi con người lòng quảng đại thực sự, lòng quảng đại đến từ trái tim, từ sự đồng cảm với tha nhân, lòng quảng đại đó phát xuất từ tình liên đới gia đình thiêng liêng nữa. Phần con người, trong những hoàn cảnh và ơn gọi khác nhau, chúng ta có quảng đại chia sẻ và góp một chút nhỏ là của mình, để cùng với Thiên Chúa giúp đỡ tha nhân không?

Để có thể gặp gỡ được Thiên Chúa, phải bắt đầu từ tình người, tình huynh đệ. Đức Giêsu muốn các môn đệ hãy thực tập bài học đó đầu tiên, nên Ngài đề nghị họ: Chính anh em hãy cho họ ăn đi. Trong những hoàn cảnh sống hôm nay, đám đông dân chúng đến từ những nạn đói tình người, đói từ những sự sống bé bỏng của các sinh linh thiếu sự bảo vệ, thiếu sự chăm sóc, đám đông đó còn đến từ những dịch bệnh hiểm nghèo, đến từ những thiên tai, nhân tai, đang hoành hành nhân loại, giết chết bao dân nghèo, vùi lấp bao người cùng khổ, thiếu thốn, họ đang đói tình người, khát tình huynh đệ, đang bơ vơ khi thiếu sự chăm sóc và quan tâm lẫn nhau giữa dòng đời. Dù biết thế, Đức Giêsu vẫn đề nghị các môn đệ cho họ ăn đi. Ngài muốn họ góp một phần nhỏ như 5 chiếc bánh và 2 con cá để chia sẻ với anh chị em của mình. Các môn đệ quên đi một điều quan trọng là có Thiên Chúa ở bên cạnh họ, họ cứ đóng góp phần nào đó của họ đi, rồi Thiên Chúa sẽ làm tất cả những gì còn lại, bởi có Thiên Chúa, con người đâu còn phải lo lắng gì nữa.

Sống trong một gia đình nhân loại, con người có trách nhiệm chia sẻ và giúp đỡ nhau trong mọi khía cạnh. Thế nhưng, họ đã quên đi điều đó, thay vì đóng góp một chút là phần của mình, họ còn muốn thu gom về cho mình mọi thứ và đóng cánh cửa tâm hồn mình lại trước mọi thiếu thốn, mọi đau khổ và mọi nỗi bất hạnh của tha nhân. Thiên Chúa đợi chờ sự quảng đại từ con người, để rồi Ngài thi thố tình yêu trong mọi biến cố, mọi câu chuyện cuộc đời của con người. mỗi ơn gọi có những linh đạo khác nhau và những định hướng khác nhau để vun xới cho vườn nho của Thiên Chúa phong phú hơn, mẫu số chung của mọi ơn gọi là lời mời của Thiên Chúa: Chính anh em hãy cho họ ăn đi. Thế nhưng, trong hoàn cảnh mà mỗi ơn gọi được gởi tới, thay vì chia sẻ và quảng đại giúp đỡ, con người lại hành động ngược lại những gì Thiên Chúa mong muốn, đợi chờ và mời gọi. Chắc Ngài còn chứng kiến bao việc khi con người từng ngày vẫn còn lạm dụng tình thương, lòng trắc ẩn của tha nhân để vun vén cho mình, cho gia đình, cho người thân và cho tương lai của bản thân.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trao ban cho con người tình thương khi cúi xuống chia sẻ cuộc sống và những khó khăn của kiếp người, nơi đó, con người thiếu thốn nhiều điều, ngay cả thiếu sự định hướng cho ngày mai, xin giúp chúng con học lấy tấm lòng quảng đại của Thiên Chúa, sẵn sàng chia sẻ cho tha nhân dù chỉ vỏn vẹn 5 chiếc bánh nhỏ và 2 con cá, có chia sẻ vậy, chúng con mới xứng đáng nhận lãnh tình yêu và sự chăm sóc của Thiên Chúa. Chúa đã hướng dẫn các môn đệ đừng sống ích kỷ và hẹp hòi, nhưng hãy biết cho đi để được Thiên Chúa cho lại, xin Chúa cũng hướng dẫn chúng con bài học đó, đừng để chúng con sống ích kỷ và hẹp hòi, nhưng biết cho đi mà không tính toán, biết làm việc không tìm nghỉ ngơi, biết hiến thân mà không mong chờ gì hơn trong bổn phận của người đầy tớ. Amen.

 

CHÍNH ANH EM HÃY CHO HỌ ĂN
(Chúa Nhật XVIII TN A) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

“Thưa Thầy, nơi đây hoang vắng, và đã quá chiều rồi, xin Thầy giải tán dân chúng để họ vào các làng mạc mà mua lấy thức ăn” (Mt 14,15). Biện pháp thật đơn giản. Giải tán – Khỏe. Luận lý có vẻ khoa học và hợp lý: Đừng có bao cấp. Hãy thực thi tiến trình xã hội hóa. Việc ai nấy lo. Thân ai nấy giữ. Mỗi người một tay thì việc gì cũng chạy thông suốt. Tuy nhiên, đằng sau cái lý luận mang tính thực tiễn ấy thì có ẩn giấu sự chút gì vị kỷ không thể chối cãi.

Tưởng rằng sáng kiến hữu lý của mình sẽ được chấp nhận, thế nhưng các tông đồ đã phải chưng hửng trước mệnh lệnh của Thầy chí thánh: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy liệu cho họ ăn” (Mt 14,16). Lo liệu cho đám đông gần cả vạn người này ăn ư? Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá. Mười hai thanh niên trai tráng chúng con, cộng với Thầy thì chắc gì đủ lót dạ qua đêm. Vẫn biết Thầy thường dạy chúng con sống yêu thương. Nhưng nhiều lúc đành phải chấp nhận cảnh tình “lực bất tòng tâm”.

Lực bất tòng tâm. Một chiêu thức, đúng hơn, đó là một kiểu cách biện luận để thoái thác trách nhiệm sống yêu thương. Chúa ơi, lòng con cũng muốn sống quảng đại, nhưng điều kiện vật chất còn quá hạn chế. Chúng con rất muốn nhiệt thành dấn thân phục vụ, nhưng hoàn cảnh kinh tế lại đầy khó khăn. Xin Chúa thông cảm. Những luận điệu không khác gì các tông đồ xưa vẫn có đó giữa chúng ta đó là những luận điệu của những con tim cằn khô, không vắt được một giọt ân tình nhân ái, xót thương.

May mắn thay, dù cho đầy sự hẹp hòi và vị kỷ, thì lòng các môn đệ năm xưa vẫn còn chút nể vì, vâng phục Thầy chí thánh. Khi được lệnh mang bánh và cá đến, các ngài đã vâng lệnh. Hôm ấy các tông đồ hẳn bất ngờ trước một dấu lạ vĩ đại đã xảy ra. Với cử chỉ chiếu lệ, nể vì cho qua chuyện khi đem bánh, cá đến cho Thầy thì Thầy đã hết tình đón nhận, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông đem phân phát cho dân chúng. Quyền năng từ trái tim đầy tràn tình yêu đã tỏ hiện. Tình yêu quyền năng của Thiên Chúa đã biến đổi hành vi bình thường, nhỏ bé của con người nên điều diệu kỳ. Với Thiên Chúa, không có sự gì là không thể. Tất cả đều ăn no và còn dư những mười hai thúng đầy bánh vụn.

Thiên Chúa là thế. Người chẳng hề câu nệ chuyện lớn bé. Miễn có cơ hội là Người chộp lấy để rộng tay ban phát ân tình, một sự thi ân không hề tính toán. “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn sàng. Dù không có tiền bạc, cứ đến mà mua mà dùng, đến mua rượu và sữa, không phải trả đồng nào… Hãy chăm chú nghe Ta, rồi các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị. Hãy lắng tai, và đến với Ta thì các ngươi sẽ được sống” (Is 55,1-3). Những lời Tiên tri Isaia nói thay Thiên Chúa thật đáng phấn khởi và tràn trề hy vọng cho chúng ta.

Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Người rộng tay ban phát ân huệ cho muôn người thỏa thuê. Một chân lý xem ra khá dễ tin nhận. Tuy nhiên, bên cạnh hồng ân luôn kèm theo sứ mệnh. “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Mệnh lệnh này ban ra cho hàng giáo sĩ hay cho hàng tín hữu giáo dân? Chắc hẳn là cho tất cả những ai đã đón nhận hồng ân. “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy trao ban nhưng không” (Mt 10,8). Vấn đề đặt ra là chúng ta cần cho tha nhân ăn những gì?

Có thể có người viện cớ là tôi chỉ lo mặt tinh thần nên chỉ có bổn phận lo cho người ta ăn Lời Chúa. Lại có người chủ trương là cần phải lo cho tha nhân đủ đầy lương thực đời này trước đã vì “có thực mới vực được đạo” (chữ “thực” ở đây nguyên vốn là “thật”, nghĩa chỉ có chân lý, sự trung thực mới vực được đạo, nhưng người ta dần hiểu thêm là “ăn”). Đã có chút lương tri và niềm tin, hẳn không một ai cạn tình, vô tâm, hành xử kiểu “giải tán – khỏe”. Tuy nhiên vẫn có đó sự né tránh hoặc thoái thác trách nhiệm khi ta chưa chu toàn mệnh lệnh của Thầy năm xưa. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Và ta cũng có thể nói ngược lại rằng người ta sống không nguyên bởi các món ăn tinh thần mà còn cần đến cả cơm bánh.

Cần phải biết chuyên biệt hóa, cần có sự phân công, phân nhiệm. Kẻ lo tinh thần, người lo vật chất. Một kiểu lý luận rất khoa học, nhưng dường như vẫn thiếu tình người cách nào đó. Khi sai các tông đồ, các môn đệ đi thực tập truyền giáo, Chúa Giêsu thường truyền dạy các ngài thực hiện các công việc là rao giảng tin mừng, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ (x.Mt 10,1; Mc 6,13; Lc 10,1-11).

Hết lý do bào chữa thì ta cũng có thể nại đến sự hạn chế của khả năng. Nếu lo cho người ta ăn cả lương thực tinh thần lẫn vật chất thì làm sao lo cho xuể. Và vấn đề lại trở về với tâm trạng các tông đồ năm xưa. Vấn đề ấy không hệ tại ở khả năng nhưng là ở tấm lòng của ta. Lòng ta có băn khoăn, có thao thức trước cảnh tình đói khổ, nghèo túng, bị áp bức, bị lầm lạc hay đang đói khát chân lý không? Con tim của ta có cùng nhịp đập với các Nghị Phụ Công đồng Vatican II chăng? Đó là: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (MV số 1). Hơn nữa, lòng chúng ta có được chút niềm tin nào vào quyền năng của Đấng đầy lòng thương xót?

Chúa nhật thứ 18 thường niên
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 14, 13-21).

Khi ấy Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó, xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ. Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người. Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ, và chữa những người bệnh tật trong họ.

Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Ðây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi, xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”. Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn”. Các ông thưa lại rằng: “Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. Người bảo các ông rằng: “Hãy đem lại cho Thầy”.

Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng. Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn. Số người ăn là năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.

Suy niệm

Để có thể tồn tại, lớn lên và phát triển, bất cứ sinh vật gì cũng cần có lương thực, cần có nguồn nước để đời sống thể lý có thể duy trì, và hoàn thiện từng ngày. Con người cũng là một sinh vật tồn tại trong thế giới này, đó là một sinh vật khá đặc biệt, họ không chỉ có sự sống thể lý, nhưng họ còn có sự sống tinh thần, cả hai tồn tại trong một thân thể. Thiên Chúa tạo dựng nên họ và nuôi dưỡng họ bằng nhiều thứ lương thực, không chỉ để duy trì sự sống thể lý, nhưng còn duy trì sự sống tinh thần nữa. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 18 thường niên, mở ra những cánh cửa cho con người thấy, nhu cầu cuộc sống của con người khác xa mọi sinh vật khác. Không những khác về nguồn lương thực, nhưng còn khác xa về nơi cung cấp các nhu cầu đó. Tất cả cho thấy tính quan trọng của con người trong thế giới, đặc biệt là trong ánh mắt của Thiên Chúa.

Sau khi đưa dân riêng của Ngài ra khỏi mảnh đất đầy nước mắt, mồ hôi và cả máu, Thiên Chúa đã nuôi dưỡng họ trong hành trình về đất hứa, bằng một thứ lương thực đặc biệt là Mana và những nghi lễ phụng tự, giúp họ thấy được tầm giá trị của mình trong mắt Thiên Chúa. Sau đó, qua sự hiện diện của các tiên tri, với những lời răn dạy, các ngài còn nâng đỡ họ với những món ăn tinh thần, giúp họ ngày càng hoàn thiện hơn ơn gọi là dân riêng của Thiên Chúa: Ðây Chúa phán: “Vậy hãy lắng tai nghe, hãy đến ăn đồ bổ, và các ngươi sẽ được thưởng thức món ăn mỹ vị. Hãy lắng tai và đến cùng Ta, hãy nghe, thì các ngươi sẽ được sống; Ta sẽ ký kết với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, đó là những hồng ân đã hứa cho Ðavít”. Những món ăn cao lương mỹ vị Thiên Chúa thiết đãi họ, là luật pháp của Ngài, là những nghi thức phụng tự, tất cả giúp họ bày tỏ lòng tin và lòng mến, cùng với sự trung thành với Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Nếu họ làm được như thế, Thiên Chúa sẽ bảo vệ và giữ gìn họ trên mọi nẻo đường cuộc đời.

Trước những trào lưu tục hóa từ các dân ngoại, thánh Phaolô khuyên bảo con cái thành Roma hãy thâm tín rằng, Thiên Chúa không bao giờ phản bội, không bao giờ gây ra đau khổ cho con cái Ngài, còn phía con người, phận mong manh, dễ vấp ngã, nên Thiên Chúa mới là điểm tựa cho cuộc đời, mới là nguồn hạnh phúc viên mãn: “Tôi chắc chắn rằng dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay các bậc quyền quý, tài sức, dù những sự hiện tại hay tương lai, hoặc sức mạnh, dù cao hay sâu, dù tạo vật nào khác, cũng không có thể tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. Đức Giêsu Kitô, Đấng đã nối kết con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau, sẽ là nhịp cầu để con người tiến lại gần Thiên Chúa, phó thác cuộc đời cho Ngài cũng như gắn bó với Ngài trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.

Đám đông đến với Đức Giêsu chắc không phải để được ăn bánh no nê, nhưng họ đến với Ngài vì thấy Ngài có thể làm nhiều dấu lạ khác, giúp họ vững tin hơn trước những khó khăn trong cuộc sống. Khởi đi từ lương thực thể lý, Ngài muốn hướng tới thứ lương thực tinh thần là niềm tin, là tâm tình tôn giáo, là những giá trị nhân bản. Đó mới là mục đích Con Thiên Chúa nhắm đến, để giúp họ nhận ra giá trị thực của mình: “Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Ðây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi, xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”. Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn”. Các ông thưa lại rằng: “Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. Người bảo các ông rằng: “Hãy đem lại cho Thầy”. Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng”. Sự quan tâm về những nhu cầu cuộc sống của Đức Giêsu, phần nào cho con người thấy tầm quan trọng của con người trước mặt Thiên Chúa. Không những thế, Ngài còn cho họ thấy sự cộng tác của con người với Thiên Chúa trong cuộc sống, có thể đem lại những giá trị tinh thần rất lớn.

Các con hãy cho họ ăn đi. Đó là lời mời của Đức Giêsu dành cho các Tông đồ, dẫu biết rằng các ông sẽ không làm được điều đó, nhưng Ngài vẫn trân trọng sự hiện diện của các ông bên cạnh, Ngài muốn họ hiểu rằng, Thiên Chúa không chê bai sự yếu kém của con người, Ngài cũng không coi nhẹ khả năng hữu hạn của mỗi người, Ngài chỉ đợi chờ sự quảng đại và tinh thần hy sinh từ mỗi người. Ta chỉ cần lòng nhân chứ không cần lễ vật. Ngài mong con người hiểu được sự hiện diện của con người trong thế giới là để làm hiển hộ tình yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thái độ sống biết thông cảm, chia sẻ và hy sinh cho nhau là bản chất của tình yêu không vụ lợi đến từ Thiên Chúa. Lòng nhân ái và tinh thần bao dung, luôn là nền tảng để xây dựng một xã hội hướng thiện và đầy tính nhân văn. Nếu Thiên Chúa không khơi gợi tinh thần đó trong mỗi cá thể, liệu thế giới này còn đủ hơi ấm tình người nữa không hay chỉ còn là một tảng băng lạnh giá của sự vô tâm.

Để có một thân thể khỏe mạnh, con người cần đưa vào một lượng thức ăn cần thiết. Đó là điều tất yếu. Vì thế, động từ ‘ĂN’ được coi khởi đầu cho quá trình đó. Thức ăn được đưa vào miệng, cần được nhai nhuyễn, giúp hệ tiêu hóa dễ dàng chuyển đổi thành nguồn năng lượng cho cơ thể, nhai kỹ rồi cần đưa thức ăn xuống hệ tiêu hóa, từ đây thức ăn sẽ trở thành những vi chất cần thiết để tạo nên dòng máu, tạo nên nguồn năng lượng thích nghi cho các tế bào. Đó là quá trình của thức ăn được đưa vào cơ thể. Để có một niềm tin vững chắc, để có được những kỹ năng cơ bản của Kitô giáo, để có được lòng nhân ái bao dung, mỗi người tín hữu cần đưa vào cơ thể một nguồn thức ăn cần thiết, đó là Lời Chúa, là Bí tích Thánh Thể, là ân sủng từ các bí tích khác. Tất cả được mỗi người cần phải ‘ĂN’ tức là đón nhận, nhai kỹ bằng ý chí và lý trí, nuốt vào bằng sự khiêm tốn đem ra thực hành. Tất cả những thức ăn thiêng liêng đó, sẽ chuyển hóa thành nguồn năng lượng siêu việt, giúp người tín hữu trưởng thành trong niềm tin, lớn lên trong đức ái và biết cúi xuống trong lòng mến. Đó cũng là lúc người tín hữu họa lại bức chân dung sống động của Thầy Chí Thánh là Đức Giêsu Kitô.

Sống giữa một thế giới đầy sôi động với những nhu cầu của con người, thử hỏi nhu cầu tôn giáo có thực sự cần thiết cho mỗi tín hữu nói riêng và mỗi người nói chung nữa không. Sự ồn ào của xã hội thực dụng, sự ảo tưởng của thế giới vật chất, đang tác động rất nhiều vào tâm tình tôn giáo, người tín hữu có đủ bản lãnh để đối diện với những thách đố đó, nhằm bảo vệ niềm tin và những giá trị khác của tôn giáo. Ơn Ta đủ cho các con. Đó là lời động viên từ thánh Phaolô gởi đến cho mỗi người. Tính hiệp thông và tình liên đới cộng đoàn, luôn là sức mạnh giúp mỗi người và mọi tín hữu giữ vững những giá trị tôn giáo. Sự cố gắng của con người cộng với ơn Chúa, sẽ giúp vượt thắng những gì thuộc về thế gian.

Lạy Chúa, sống giữa thế gian nhưng người tín hữu Kitô không thuộc về thế gian, xin giúp chúng con ý thức giá trị làm con Thiên Chúa của mình, để cố gắng từng ngày gắn bó với Chúa. Đối diện với một thế giới đầy tính tục hóa, giá trị của con người còn thua kém vật chất, giá trị tinh thần bị lạm dụng và đang dần bị mai một, xin Chúa hướng dẫn chúng con biết nối kết với nhau bằng tình người, để giúp nhau xây dựng gia đình, con cái và bản thân, dựa trên những giá trị nhân bản Công giáo, đó là nền tảng để chúng con làm chứng cho sự hiện diện của một Thiên Chúa tình yêu đã và đang cúi xuống với con người mỗi ngày và mọi ngày. Amen.



 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây