TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XX Thường Niên - Năm A

02/06/2021 05:28:54 |   982

Chúa Nhật XX Thường Niên - Năm A


Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! “Lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được như vậy”. Đó là lời Chúa Giêsu khen người đàn bà Canaan trong bài Phúc âm hôm nay, đồng thời là lời tra vấn những người Do thái đang hiện diện. Cũng vậy, cuộc sống tốt đẹp của những người ngoài Hội Thánh đã trở thành lời cật vấn cho mỗi người Kitô hữu chúng ta: Niềm tin vào Chúa Kitô có giúp chúng ta vượt qua những trở ngại trong cuộc sống không? Niềm tin ấy có giúp chúng ta ngày càng gắn bó hơn với Đức Kitô và phó thác tất cả cho Ngài không? Xin Chúa giúp chúng ta mạnh tin như người đàn bà ngoại giáo trong bài Tin Mừng hôm nay.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa là khiên thuẫn của chúng tôi, xin hãy trông xem, hãy nhìn tới dung mạo người được Chúa tấn phong. Thực một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quí hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa dành muôn ân huệ thiêng liêng cho những người mến Chúa xin đổ tràn tình yêu nồng nhiệt xuống tâm hồn chúng con, giúp chúng con một niềm mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, hầu được hưởng gia nghiệp Chúa hứa, là gia nghiệp cao quý hơn những gì lòng người dám ước mong. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Is 56, 1. 6-7

"Ta sẽ dẫn con cái Ta lên núi thánh".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Thiên Chúa phán: "Hãy giữ luật và thực thi công bình, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và sự công chính của Ta sẽ tỏ hiện.

"Người ngoại bang theo Chúa để phụng sự Chúa và mến yêu danh Người, để trở nên tôi tớ Chúa, tất cả những ai giữ ngày Sabbat, không hề sai lỗi, và trung thành với giao ước của Ta, Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh, và Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện. Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8

Ðáp: Chư dân hãy ca tụng Ngài! Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài 

Xướng: Xin Thiên Chúa xót thương và chúc phúc lành cho chúng con, xin tỏ ra cho chúng con thấy long nhan Ngài tươi sáng, để trên địa cầu, thiên hạ nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân người ta được rõ ơn Ngài cứu độ.

Xướng: Các dân tộc hãy mừng vui và khoái trá, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu. 

Xướng: Chư dân hãy ca tụng Ngài. Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng con, để cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài. 

Bài Ðọc II: Rm 11, 13-15. 29-32

"Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi Israel, thì Người không hề hối tiếc".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi nói với anh em là những người gốc Dân Ngoại rằng: Bao lâu tôi là Tông đồ các Dân Ngoại, tôi sẽ tôn trọng chức vụ của tôi, nếu có cách nào làm cho đồng bào tôi phân bì, mà tôi cứu rỗi được ít người trong họ. Vì nếu do việc họ bị loại ra, mà thiên hạ được giao hoà, thì sự họ được thâu nhận sẽ thế nào, nếu không phải là một sự sống lại từ cõi chết?

Vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc. Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót; cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót. Thiên Chúa đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 15, 21-28

"Này bà, bà có lòng mạnh tin".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: "Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm". Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: "Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi". Người trả lời: "Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel". Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi". Người đáp: "Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó". Bà ấy đáp lại: "Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống". Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: "Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy". Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Lời Chúa có sức đánh động tâm hồn và phá vỡ ngục tối trong lòng mỗi người, vì thế, chúng ta cùng hợp lời, nguyện xin Chúa ban ơn và biến đổi tâm hồn mỗi người chúng ta.

1. Xin Chúa thương ban ơn trợ lực, giúp Giáo Hội được đổi mới, để có thể loan báo Chúa cho mọi người, nhờ đó muôn dân biết tìm kiếm Chúa với cả tấm lòng thành.

2. Xin ban ơn nâng đỡ các nhà truyền giáo, để họ biết tôn trọng truyền thống và văn hóa của các dân tộc trong công cuộc loan báo Tin Mừng.

3. Các Kitô hữu được mời gọi liên kết với mọi người để làm nên một đại gia đình duy nhất của Thiên Chúa. Xin cho họ biết vượt qua những khác biệt về chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và văn hóa để trở thành các chi thể trong nhiệm thể duy nhất của Chúa Kitô.  

4. Chúa Giêsu đã nhận lời cầu xin của thiếu phụ xứ Ca-na-an. Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta biết nhận ra những yếu đuối, nghèo khó của mình, nhờ đó luôn tin tưởng và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa.

Chủ tế: Lạy Cha, xin biến đổi tâm hồn mỗi người chúng con. Như xưa, Chúa Giêsu, Con Cha đã nhận lời cầu khấn của thiếu phụ xứ Ca-na-an, xin Cha cũng thương đoái nhận những ước nguyện chúng con vừa dâng tiến. Xin giúp mỗi người chúng con nhận biết mọi người đều là con Cha, để luôn mau mắn và quảng đại giúp đỡ họ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận lễ vật của chúng con và thực hiện cuộc trao đổi kỳ diệu trong thánh lễ này: là cho chúng con được đón nhận chính Chúa khi chúng con dâng tiến của lễ do Chúa tặng ban. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban bí tích Thánh Thể cho chúng con được tham dự vào sự sống của Ðức Kitô; xin cho chúng con được trở nên giống như Người, để mai sau được vào thiên quốc cùng Người chung hưởng phúc vinh quang. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

 

Suy niệm

CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN, NĂM A

ĐỨC TIN CẦN ĐƯỢC TÔI LUYỆN QUA THỬ THÁCH

(Is 56,1.6- 7; Rm 11,13- 15.29- 32; Mt 15,21- 28)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Lời tiên báo của tiên tri Giêrêmia thời Cựu Ước: “Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1,5) và niềm hy vọng mà muôn dân đặt nơi danh Người  (x. Mt 12, 21), hôm nay đã được ứng nghiệm qua sự hiện diện của Đức Giêsu.

Bài Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến ý định cứu độ phổ quát của Đức Giêsu, tức là ơn cứu độ của Ngài không chỉ dành riêng cho dân Israel, mà là cho cả dân ngoại qua hình ảnh người đàn bà góa thành Canaan. Mặt khác, qua sự xuất hiện của bà và niềm tin mà bà đặt nơi Đức Giêsu, Ngài đã khen ngợi đức tin của bà, đồng thời mời gọi chúng ta noi gương bà, vượt qua mọi thử thách để tiến bước trên hành trình theo Chúa.

Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu về ơn cứu độ phổ quát và đức tin qua hình ảnh người phụ nữ thành Canaan.

1. Ơn cứu độ phổ quát của Đức Giêsu và niềm tin nơi người đàn bà dân ngoại

Khi nói về sứ mạng truyền giáo, chúng ta sẽ khởi đi từ lệnh truyền của Đức Giêsu trước khi về trời: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 18-19); và khi đề cập đến tính phổ quát của ơn cứu độ, chúng ta thấy Đức Giêsu nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16, 15). Rồi trong hành trình loan báo Tin Mừng của chính Đức Giêsu, Ngài đã nhiều lần đích thân đến với dân ngoại như: câu chuyện người đàn bà Samaria bên bờ giếng Giacóp; hay như hôm nay, Ngài tiếp xúc với người đàn bà thành Canaan.

Như vậy, chúng ta hiểu: Thiên Chúa không muốn dành riêng ơn cứu độ cho một dân tộc, một thế hệ, hay một thành phần nào, mà là dành cho hết mọi người. Vì thế, ơn cứu độ được lan tỏa khắp nơi không phân biệt màu da, ngôn ngữ, hay chức vị...

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho thấy, Đức Giêsu rời khỏi nơi mà các Pharisêu và mấy kinh sư chất vấn Ngài về việc các môn đệ không giữ truyền thống của tiền nhân khi ăn uống. Nhưng họ đã bị Đức Giêsu khiểm trách vì sự giả hình của họ. Sau đó, Ngài và các môn đệ đi sang thành Tia và Xiđôn.

Dân ở hai vùng này bị coi là dân ngoại. Vào thời điểm đó, dân ngoại bị coi là một lớp người bị Thiên Chúa nguyền rủa và không được cứu độ. Họ bị khinh miệt đến nỗi trong lối suy nghĩ của người Dothái, họ là “lũ chó”. Đây là ngôn ngữ mang tính miệt thị.

Tại sao vậy? Thưa, vì từ xa xưa, người ta vẫn hiểu dân Dothái là dân riêng, được Thiên Chúa ưu tuyển. Các vùng phụ cận khác không thuộc về lãnh thổ Dothái thì đều bị khinh miệt, coi thường và nguyền rủa.

Khi Đức Giêsu dùng từ “chó con” để ám chỉ về người đàn bà, Ngài không có ý miệt thị, nhưng mục đích của Ngài là xem lòng tin của bà như thế nào! Ngài đã thử thách bà tận căn khi nói: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con" (Mt 15, 26). Đây là thử thách mang tính quyết định về lòng khiêm nhường.

Nhưng người đàn bà đã không xấu hổ và tủi nhục, ngược lại, bà đã can đảm, mạnh dạn để tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa qua trung gian Đức Giêsu. Vì thế, bà đã thưa: "Lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống" (Mt 15, 27)

Dù là bị khước từ, miệt thị, nhưng với tình yêu và lòng tin vào quyền năng của Thiên Chúa qua Đức Giêsu, bà đã hoàn toàn khiêm tốn chấp nhận tất cả, kể cả sự ưu tiên cho dân Do Thái và sự miệt thị của dân Do Thái với bà. Chính vì vậy, bà đã được Đức Giêsu khen ngợi và ra tay cứu giúp: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật" và hẳn nhiên là Chúa phán: "Bà muốn sao thì sẽ được vậy" (x. Mt 15, 28).

Qua biến cố này, chúng ta thấy: trật tự cứu rỗi được tôn trọng, nhưng  khi Đức Giêsu đến, Ngài cũng sẽ gây dựng một Israel mới từ những kẻ có lòng tin như vậy. Vì ơn cứu rỗi phải đến với mọi dân trên toàn cõi trái đất.

2. Khám phá sứ điệp Lời Chúa

Sứ Điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta bài học về sự kiên trì khi gặp thử thách, đồng thời trung thành trong đức tin thì sẽ được Thiên Chúa ân thưởng.

Thật vậy, trong cuộc sống, rất nhiều khi ta bị thất bại. Sự thất bại này có thể đến từ sự thiếu hiểu biết của chúng ta, khiến công việc trở nên thất bại. Nhưng nhiều khi lại đến từ chính Thiên Chúa. Tức là Thiên Chúa để cho chúng ta thất bại và rơi vào tình trạng cùng khốn. Đôi khi những thử thách đó lên đến mức khủng khiếp. Câu chuyện của ông Gióp, tiên tri Hôsê hay của người đàn bà Canaan là một thí dụ.

Tuy nhiên, như người đàn bà trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, dù bị thử thách, bà vẫn nhận ra tình thương của Thiên Chúa với mình, mặc dù bà không xứng.

Thật vậy, Thiên Chúa như người cha, Ngài không bao giờ nỡ để con cái của mình phải đi vào ngõ cụt. Nhưng Ngài muốn chúng ta được sống và sống dồi dào. Tuy nhiên, để được hưởng trọn niềm sung mãn, hạnh phúc... thì đôi khi cần phải có thử thách từ phía người ban ơn và sự cảm nghiệm của người lãnh nhận. Có thế thì món quà của người trao ban mới trở nên cao trọng và người nhận mới trân quý.

Trong đời sống đức tin cũng vậy. Nếu không có thử thách, thì đức tin ấy vẫn chỉ là đức tin trong “giấy khai sinh”, hay nơi “sổ Rửa tội” mà thôi! Nếu quả như vậy, thử hỏi, chúng ta đang sống trong một xã hội với những tiến bộ vượt trội và rất nhiều cạm bẫy, thì liệu đức tin non nớt kia có đủ vững để đối diện với những thực tại của cuộc sống không? Thưa, hẳn là không.

Vì thế, trong đời sống siêu nhiên, đôi khi Chúa phải thử thách để đức tin của chúng ta được lớn lên ngay trong đau khổ, hầu chúng ta mới can đảm, trung thành với niềm tin của mình ngay trong một thế giới đang tìm mọi cách lôi kéo chúng ta xa dần Thiên Chúa và niềm hy vọng của chúng ta đặt để nơi Ngài.

3. Sống sứ điệp Lời Chúa

Sống sứ điệp Lời Chúa là chúng ta sống định luật: vĩnh biệt, chia ly:

Vĩnh biệt – chia ly sự nghi ngờ, kiêu ngạo, tự phụ để kết duyên với lòng mến, cậy trông, trung thành, kiên trì, tín thác nơi Chúa.

Vĩnh biệt – chia ly sự hiếu tri thuần túy, tức là chỉ dùng lý trí để suy luận những chân lý đức tin, thay cho lòng khiêm tốn trong tâm tình của người biết lắng nghe và mau mắn thi hành.

Vĩnh biệt – chia ly sự tự tin quá đáng vào bản thân, đến nỗi ân sủng của Thiên Chúa đến với ta không thể thẩm thấu vào trong tâm hồn được vì chúng ta đã dùng cái “tôi” ích kỷ đậy lại.

Vĩnh biệt – chia ly lối sống đạo hình thức bên ngoài, vụ luật, cứng ngắc để thay vào đó là sống đạo của niềm tin, yêu thương và cảm thông.

Vĩnh biệt – chia ly cung cách coi thường, miệt thị những người kém may mắn, không cùng niềm tin, để thay vào đó là lời cám ơn Thiên Chúa, vì Ngài yêu thương chúng ta vô bờ, đến lượt mình cũng phải sống sự yêu thương như Chúa.

Vĩnh biệt – chia ly thái độ “đèn nhà ai nấy rạng”, chỉ biết sống cho riêng mình, để thay vào đó là tinh thần liên đới và khao khát cho mọi người cũng được hạnh phúc như mình.

Cuối cùng, vĩnh biệt – chia ly sự hờ hững, nông nổi, thiếu sự kiên trì, và thất trung, thành một con người kiên tâm, vượt lên trên những thử thách để đạt được mục đích cuối cùng là Nước Trời.

Như vậy, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta luôn đặt niềm tin tưởng vào Chúa, vì: trong mọi gian nan thử thách, chúng ta luôn tin tưởng rằng Chúa luôn ở bên chúng ta để nâng đỡ, khích lệ mặc dầu chúng ta không trông thấy.  Đồng thời, khi đã được Thiên Chúa yêu thương, hẳn chúng ta cũng phải yêu thương mọi người như Chúa đã yêu thương mình.

Mong sao, trong mọi cảnh huống của cuộc đời, chúng ta luôn hướng về Chúa như người mẹ hiền ấp ủ con thơ. Nếu thử thách có đến thì cũng như là người mẹ hiền đang tập cho con bước đi để vững bước tiến vào đời trong tương lai.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con có thể kiên trung trong mọi thử thách. Amen.

Chúa nhật thứ 20 thường niên – năm A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 15, 21-28).
 
Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”. Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”. Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”. Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.
 
Suy niệm
 
Bước vào thế giới của tình yêu, con người như lạc vào cõi thiên thai, bởi trong thế giới đó, có rất nhiều câu chuyện con người không thể dùng lý trí và tri thức của mình để giải thích, hay để tìm câu trả lời cho vấn nạn. Khung trời tình yêu của Thiên Chúa còn bao la, còn huyền diệu và còn bao nhiêu câu chuyện, mà con người chỉ còn đứng ngắm, chỉ còn im lặng để nghe nhịp thở của tình yêu đó. Câu chuyện thập giá của Đức Giêsu Kitô là một câu chuyện tình yêu con người không thể lý giải và bao nhiêu người đã chọn con đường đó, để đi vào trong thế giới tình yêu của Thiên Chúa nhưng mấy ai đã giải thích được câu chuyện tình thập giá của Đức Giêsu. Chúa nhật thứ 20 thường niên trở về, chủ đề Mẹ Giáo hội mời con cái cùng suy niệm và sống đó là con đường tình yêu của Thiên Chúa, đường đưa Thiên Chúa đến với con người và đó cũng là đường dẫn con người đến với Thiên Chúa và tha nhân.
 
Niềm hy vọng luôn là một động lực giúp con người sống lạc quan, mạnh dạn và tự tin trước mọi biến cố. Dân Do-thái đang đối diện với những khó khăn trong đời sống tôn giáo, đặc biệt trong tương quan với các dân tộc chung quanh, hiểu được nỗi trăn trở đó, ngôn sứ Isaia đã lên tiếng với niềm vui trong sứ điệp, mọi người, mọi dân tộc là con cái của Giavê nếu như họ tuân giữ các lề luật, nếu như họ thực hiện đời sống phụng tự theo tiền nhân hướng dẫn, họ sẽ được gọi là dân của Giavê: “Người ngoại bang theo Chúa để phụng sự Chúa và mến yêu danh Người, để trở nên tôi tớ Chúa, tất cả những ai giữ ngày Sabbat, không hề sai lỗi, và trung thành với giao ước của Ta, Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh, và Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện. Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”. Giavê Thiên Chúa không phân biệt đâu là dân ngoại, đâu là dân riêng, Ngài cần một tấm lòng hơn là những lễ vật, Ngài không khép kín ngôi nhà của Ngài, bởi Ngài đã khẳng định với mọi dân tộc, nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện cho mọi người. Có vị thần linh nào khác có một tình yêu bao la, rộng lượng như Giavê Thiên Chúa không, có một thần linh nào dám mở rộng vòng tay, ôm hết mọi con cái dưới trần này, đưa về cùng một nhà, sống cùng một mái ấm, ăn cùng một bàn và sống cùng một sự sống của Thiên Chúa. Chắc sẽ không bao giờ có vị thần linh nào như thế. Thiên Chúa chúng ta tin thờ là vậy, tình yêu của Ngài không giới hạn, không biên giới, không tính toán, không vụ lợi và cũng không cần đáp đền.
 
Cuộc đời của thánh Phaolô có thể nói như là một câu chuyện tình, chuyện tình giữa Thiên Chúa với chàng thanh niên có tên là Saolê. Khi Đức Giêsu viết lên câu chuyện tình trên đồi Canvê, chàng thanh niên đó chưa biết gì về người yêu của mình, chỉ khi chàng ta được gọi tên trên đường Đa-mát, chàng thanh niên đó mới bước vào một cuộc tình giữa chàng với Đấng chàng đang bắt bớ. Trong lá thư của chàng thanh niên đã được đổi tên là Phaolô, gởi cho giáo đoàn Roma, chàng đã kể lại câu chuyện tình đó. Chàng đã được Thiên Chúa yêu thương, chọn gọi làm tông đồ, và dành riêng cho một công việc đặc biệt, là đem Tin Mừng cứu độ đến cho dân ngoại. Chàng đã sống hết tình, hết mình và hết bổn phận với tình yêu Thiên Chúa dành cho chàng: “Anh em thân mến, tôi nói với anh em là những người gốc Dân Ngoại rằng: Bao lâu tôi là Tông đồ các Dân Ngoại, tôi sẽ tôn trọng chức vụ của tôi, nếu có cách nào làm cho đồng bào tôi phân bì, mà tôi cứu rỗi được ít người trong họ. Vì nếu do việc họ bị loại ra, mà thiên hạ được giao hoà, thì sự họ được thâu nhận sẽ thế nào, nếu không phải là một sự sống lại từ cõi chết?”. Thiên Chúa là vậy, yêu thương hết mọi người, không đợi chờ đền đáp, không mong được yêu lại, chỉ mong sao người mình yêu được hạnh phúc: “Vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc. Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót; cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót”.
 
Niềm tin sẽ làm cho tình yêu thăng hoa, niềm tin là yếu tố cần thiết để tình yêu lên ngôi, để tình yêu đơm bông kết trái. Niềm tin của người phụ nữ Canaan đã đưa bà đi vào quỹ đạo của tình yêu Thiên Chúa, đưa cả gia đình bà đi vào trong mái ấm tình yêu Thiên Chúa. Sự hiện diện của Con Thiên Chúa trong dân tộc Israel chỉ là một sự hiện diện tầm thường, nhưng khi Ngài vượt ra khỏi biên giới đất nước đó, đến miền đất dân ngoại, Ngài cho các môn đệ và thế giới thấy rằng, sự hiện diện của Ngài không đóng khung lại trong một phạm vi nhỏ hẹp, nhưng là sự hiện diện cho mọi người, mọi dân tộc, qua mọi thế hệ. Lời cầu xin của người phụ nữ Canaan khi con gái bị đau nặng, đến từ niềm tin, dù niềm tin đó còn mong manh, còn nhiều khiếm khuyết, nhưng đó là một niềm tin chân thành, một niềm tin đã thức tỉnh tình yêu trong Đấng được mệnh danh là Vua Tình Yêu. Dù chỉ được sai đến cho dân tộc Israel, nhưng Đức Giêsu đã chứng kiến bao nỗi đau của con người, chứng kiến bao niềm tin của những người không ở trong gia đình Do-thái, như viên đại đội trưởng, như người phụ nữ trong bài Tin Mừng, Ngài đã bắt đầu vẽ lên một quỹ đạo mới của tình yêu, quỹ đạo đó không còn giới hạn nơi một dân tộc nhỏ bé nữa, nhưng quỹ đạo đó đã bao trùm lên tất cả mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ, mọi tâm hồn, tình yêu đó dành cho những ai có niềm tin, dành cho những ai yêu mến Thiên Chúa và tuân giữ các giới răn của Ngài: “Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành”. Tình yêu có một sức mạnh vô hình không thể lý giải, sức mạnh đó đã giúp người Con yêu dấu của Chúa Cha bước lên đỉnh đồi Canvê trong chiều buồn, đón lấy cái chết trong sự phó thác cho Chúa Cha, để cứu độ con người. Sức mạnh đó còn đưa bao con người như các tông đồ, vượt ra khỏi phạm vi hẹp hòi của một người dân chài, để lên đường trở thành những chứng nhân của Tin Mừng tình yêu và cứu độ, sức mạnh của tình yêu đã dẫn lối người mẹ yêu dấu chấp nhận mọi thử thách, mọi chia rẽ, mọi nỗi đau tinh thần, để quỳ xuống cầu xin cho con cái được lành bệnh, được tự do, không bị ràng buộc hay không bị khống chế bởi tội lỗi và sự chết nữa. Chỉ có tình yêu mới có đủ sức mạnh để thực hiện những công việc phi thường.
 
Trong mỗi gia đình hôm nay, tình yêu vợ chồng, tình yêu Cha Mẹ - con cái có thể nói chưa đủ lớn, chưa đủ chín muồi, để có thể xây dựng một tổ ấm, để có thể giúp nhau sống tình gia đình ấm áp hơn, hạnh phúc hơn và trưởng thành hơn. Có phải trong mỗi lãnh vực tình yêu chưa có sự chân thành, chưa có chiều sâu nội tâm, chưa có sự quý mến và trân trọng nhau đủ, nên tình yêu đó chỉ dừng lại nơi những giới hạn theo kiểu thế gian. Và nếu tình yêu đó chưa đủ chín, chưa đủ sâu, thì làm sao nảy sinh sức mạnh của tình yêu để giúp nhau vượt qua những thăng trầm trong ơn gọi hôn nhân, trong việc xây dựng tổ ấm và giáo dục con cái nên người được? Thách đố đó cần có sự dấn thân của mỗi người, mỗi thành viên trong gia đình, khi tất cả đang là những thành viên trong một xã hội đề cao vật chất và cá nhân chủ nghĩa.
 
Còn đời sống dâng hiến thì sao nếu như tình yêu chưa đủ lớn, chưa đủ sâu và chưa đủ chín. Trong đời sống đó, tình yêu đến từ lời mời của Thiên Chúa. Ngài gởi lời mời tới con người, ai nhận được lời mời sẽ đáp trả lại với một tình yêu phục vụ và dâng hiến. Khi một ai đó sống đời dâng hiến, tình yêu của họ không giới hạn như đời sống gia đình, nhưng tình yêu đó chạm tới giá trị của mỗi con người. Chính vì tình yêu này là phục vụ và dâng hiến, nên sức mạnh của tình yêu này sẽ giúp bản thân gặp gỡ tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, khác biệt văn hóa, giới hạn ngôn ngữ và không cùng tôn giáo. Sức mạnh của tình yêu đó đưa con người xích lại gần nhau trong sự trân trọng, cảm thông và chia sẻ, tất cả như một gia đình. Nếu như tình yêu trong đời sống dâng hiến chưa đủ chín, chưa đủ lớn, chưa đủ sâu, sẽ là một khó khăn cho ai sống đời sống đó, sẽ là rào cản để sống tinh thần phục vụ đúng nghĩa, sẽ là gánh nặng cho cộng đoàn khi sự phân bì, ganh tị trở thành một đề tài tranh luận hàng ngày, sẽ là cạm bẫy cho giới trẻ hôm nay khi nhìn về đời sống dâng hiến.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã làm hiển lộ khuôn mặt của tình yêu Chúa Cha bằng chính cuộc đời, bằng những chọn lựa, bằng cả sự sống của Chúa, xin cho chúng con thấy được sức mạnh từ tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng con, để chúng con từng ngày họa lại khuôn mặt đó trong mỗi ơn gọi, trong mọi tương quan cuộc sống. Chúa đã chúc phúc cho những ai có một niềm tin chân thành đến từ tình yêu, xin chúc phúc cho chúng con, khi từng ngày chúng con đang sử dụng sức mạnh của tình yêu Chúa, vượt qua những yếu đuối của bản thân, sống quảng đại hơn, bao dung hơn với mọi người, khởi đi từ những người bên cạnh chúng con, những người thân cận và những người chúng con đang phục vụ. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh


 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây