TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXI Thường Niên - Năm A

21/08/2023 08:41:39 |   838

Chúa Nhật XXI Thường Niên - Năm A

cn t21 TN A

Mt 16,13-20
 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXI Thường Niên - Năm A

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô, đại diện cho các tông đồ: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống“. Như thế, Chúa Giêsu vừa là Đấng Thiên Sai vừa là Thiên Chúa. Sau lời tuyên xưng ấy, Thánh Phêrô được Chúa Giêsu đặt làm nền tảng của Hội Thánh mà Người sẽ thiết lập, đồng thời ban cho thánh nhân và các đấng kế vị quyền tiếp tục sứ mạng của Người trên trần gian.

Mỗi người chúng ta được mời gọi đóng góp vào đời sống đức tin của Hội Thánh bằng chính những kinh nghiệm sâu sắc về Chúa trong đời sống đạo của chúng ta, đồng thời mời gọi chúng ta hãy vâng theo những lời chỉ dạy của Hội Thánh và giúp đỡ Hội Thánh phát triển.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin ghé tai nghe, xin nhậm lời tôi. Lạy Chúa tôi, xin cứu vớt người bầy tôi đang cậy trông vào Chúa. Lạy Chúa, xin thương tôi, vì tôi ân cần kêu van Chúa suốt ngày.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới làm cho chúng con nên một lòng một ý; xin cho tất cả chúng con biết yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng con vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 22, 19-23

“Ta sẽ để chìa khoá nhà Ðavít trên vai nó”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Chúa phán cùng Sobna, quan cai đền thờ rằng: “Ta sẽ trục xuất ngươi ra khỏi địa vị ngươi, và Ta sẽ cách chức ngươi; trong ngày đó, Ta sẽ gọi đầy tớ Ta là Êliaqim, con trai Helcia. Ta sẽ lấy áo choàng của ngươi mà mặc cho nó, lấy đai lưng của ngươi mà thắt cho nó, sẽ trao quyền ngươi vào tay nó, nó sẽ nên như cha các người cư ngụ ở Giêrusalem và nhà Giuđa. Ta sẽ để chìa khoá nhà Ðavít trên vai nó: nó sẽ mở cửa và không ai đóng lại được; nó đóng cửa lại và không ai mở ra được. Ta sẽ đóng nó vào nơi kiên cố như đóng đinh, và nó sẽ trở nên ngai vinh quang nhà cha nó”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 6 và 8bc

Ðáp: Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa

Xướng: Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa; con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài. 

Xướng: Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. 

Xướng: Quả thực Chúa cao cả và thường nhìn kẻ khiêm cung, còn người kiêu ngạo thì Ngài ngó tự đàng xa. Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời; xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa. 

Bài Ðọc II: Rm 11, 33-36

“Mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa: sự phán quyết của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người làm sao dò được! Vì chưng, nào ai biết được ý Chúa? Hoặc ai đã làm cố vấn cho Người? Hay ai đã cho Người trước để Người sẽ trả lại sau? Vì mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người: nguyện Người được vinh quang đến muôn đời. Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống: không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 16, 13-20

“Con là Ðá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Kitô.

Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! mỗi người chúng ta đều được mời gọi xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô và trở nên người quản lý tốt lành trong chính gia đình mình. Vì thế, chúng ta cùng dâng lời khẩn nguyện, xin Chúa thương trợ giúp và chúc lành cho chúng ta.

1. Chúa Kitô là viên đá góc của Giáo hội. Xin cho Giáo hội can đảm tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu tử nạn và phục sinh.

2. Thánh Phêrô được Chúa Kitô đặt làm thủ lãnh Giáo Hội. Xin cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đấng kế vị thánh Phêrô, trở nên dụng cụ của sự hiệp nhất, đối thoại và hoà giải, để xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô.

3. Chúa Kitô đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Xin cho các Kitô hữu cũng trở nên người phục vụ theo gương Ngài.

4. Trong ngày của Chúa hôm nay, cộng đoàn chúng ta được mời gọi quy tụ để cử hành bí tích Thánh Thể. Xin cho Thánh Lễ chúng ta đang cử hành, không chỉ là nghi thức, nhưng là cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Kitô và với anh chị em, nhờ đó đức tin của chúng ta được nuôi dưỡng và phát triển không ngừng.

Chủ tế: Lạy Cha, xin ban cho Giáo Hội tinh thần phục vụ của Chúa Kitô. Xin cho mỗi người chúng con trở nên men, muối và ánh sáng gian trần, hầu trở nên chứng tá khiêm hạ về Con Cha, Đấng đã trở thành tôi tớ mọi người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa nhân từ, Chúa đã dùng hiến lễ duy nhất của Ðức Kitô để quy tụ một đoàn con đông đảo; xin thương tình ban cho Giáo Hội ơn hiệp nhất và bình an. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, do kết quả việc Chúa làm, địa cầu được no phỉ, để từ trong đất, con người tạo ra cơm bánh, và rượu làm hoan hỷ lòng người.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì sẽ được sống đời đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hưởng trọn vẹn ơn cứu chuộc Chúa đã thương ban, để chúng con ngày thêm mạnh sức và hăng say nhiệt thành. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Ý Chúa

Trong bài Phúc Âm hôm nay, ta thấy Chúa Giêsu khen ngợi thánh Phêrô. Thực vậy, Chúa Giêsu hỏi các tông đồ: Các con bảo Thầy là ai. Thánh Phêrô thưa: Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống. Nghe vậy, Chúa Giêsu liền chính thức xác nhận: Tư tưởng con vừa nói ra, không phải của con, nhưng đúng là của Chúa Cha soi sáng cho con.

Với lời đó, Chúa Giêsu đã đánh giá cao quan điểm của Phêrô. Cũng vì thế Chúa Giêsu trao cho Phêrô một nhiệm vụ hết sức quan trọng đó là nhiệm vụ phải đội trên mình tất cả toà nhà Hội Thánh. Chúa phán: Con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy.

Thánh Phêrô hiểu lời đó. Ngài hiểu là chính bản thân mình, với tâm tình, tư tưởng của mình cùng với cuộc đời mình, sẽ phải là một cái nền, để Chúa xây Hội Thánh lên trên. Đó là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đồng thời cũng là một vinh dự hết sức lớn lao. Vinh dự làm người đứng đầu Hội Thánh. Thánh Phêrô hiểu rõ mình được Chúa Giêsu tín nhiệm, nên ngài cũng tự nhiên nhìn thấy trước mắt một bổn phận được đặt ra cho mình, đó là phải bảo vệ Thầy mình. Bảo vệ Thầy mình có nghĩa là làm sao cho Thầy mình được an toàn, uy tín của Thầy mình được vẻ vang. Ít là thế, ít là phải thế. Chính vì vậy mà mấy ngày sau, khi nghe Chúa Giêsu nói, Chúa sẽ phải nạp mình chịu chết một cách đau đớn khổ nhục, thì Phêrô liền phản ứng ngay lập tức. Phêrô can ngăn: Xin Thầy đừng làm chuyện đó. Xin Chúa Cha đừng để chuyện đó xảy ra cho Thầy. Sở dĩ Phêrô can ngăn chính là để bảo vệ mạng sống và uy tín của Thầy. Ngài nói lên ý nghĩ của mình. Nhân danh của kẻ đã được chọn đứng đầu Hội Thánh. Phải bảo vệ Chúa. Tôi tưởng rằng, khi nghe lời thánh Phêrô nói, Chúa Giêsu sẽ lại khen như lần trước và Chúa sẽ nói: Tư tưởng của con là được Chúa Cha soi sáng cho con. Thế nhưng sự việc đã xảy ra trái ngược. Chúa Giêsu không những không khen, lại còn nặng lời mắng trách: Satan hãy lui xa Ta, vì tư tưởng vừa nói không phải là do Chúa Cha soi sáng cho con đâu. Rõ ràng, ở đây có mâu thuẫn giữa ý Phêrô và ý Chúa.

Sự mâu thuẫn này, lại xảy ra một lần nữa ở vườn Cây Dầu, tối thứ năm tuần thánh. Phêrô liền tuốt gươm chém đứt tai một người trong bọn họ. Phêrô biết việc mình làm là một đụng độ liều mạng, là một thái độ cứng rắn, mục đích chỉ là để bảo vệ Thầy mình. Phêrô đã làm việc đó với tư cách một người đã được Chúa chọn làm nền tảng Hội Thánh. Tôi tưởng rằng việc làm đó của Phêrô được Chúa khen và Chúa sẽ nói: Việc con vừa làm là do Chúa Cha soi sáng. Nhưng không, Chúa Giêsu không khen, trái lại Chúa còn trách Phêrô đã làm một việc ngăn cản thánh ý Chúa Cha.

Khi suy nghĩ mấy sự việc trên đây nơi thánh Phêrô, tôi thấy lo sợ. Tôi thấy thánh Phêrô là người được Chúa chọn đứng đầu Hội Thánh, được ở gần Chúa. Ngài có những ý nghĩ và việc làm tưởng là đẹp lòng Chúa, tưởng là cần thiết để bênh Chúa, bênh đạo, thế mà Chúa lại không chấp nhận. Ý Chúa khác xa ý ngài. Những trường hợp như thế, có thể đã và đang xảy ra nơi nhiều người chúng ta. Chúng ta cũng như thánh Phêrô, thực sự nhằm mục đích làm sáng danh Chúa, bênh đạo. Mục đích như thế là rất tốt. Mục đích đó chẳng có gì phải trách. Nhưng đều có thể bị Chúa trách, đó là cách ta chọn để đạt mục đích đã thiếu khôn ngoan siêu nhiên. Tôi nghĩ là chúng ta phải khôn ngoan dè dặt, tế nhị nhiều lắm. Phải khiêm tốn nhiều lắm mới có thể nhìn rõ ý Chúa. Chúng ta hãy cầu xin cho chúng ta được sự khiêm nhường nhưng đầy can đảm, sự dè dặt tế nhị đầy sáng suốt, để nhận ra đâu là ý Chúa muốn cho chúng ta phải thực hiện.

Nhận ra Đức Kitô

Khi nhìn vào hiện tình của thế giới hôm nay, chúng ta không khỏi đau lòng mà nhận ra rằng: con số những người chưa nhận biết Đức Kitô dường như càng ngày càng gia tăng. Vì thế Giáo Hội cần phải cấp bách đổi mới lòng nhiệt thành và hoạt động truyền giáo của mình. Tuy nhiên, muốn làm chứng về Chúa, muốn rao giảng Ngài một cách hiệu quả, thì chúng ta cần phải nhìn lại chính mình: Đối với tôi, Đức Kitô là ai?

Câu hỏi nòng cốt này dẫn chúng ta vào việc kiểm điểm toàn diện niềm tin và cách sống của mình. Có thật chúng ta tin nhận Ngài là Đức Kitô, là Đấng được Thiên Chúa sai đến để cứu độ và vạch cho chúng ta con đường sống hay không? Nếu tin nhận như thế, thì cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội của chúng ta phải chuyển biến phù hợp và kịp thời chưa? Hay là chúng ta vẫn tin một đàng, sống một nẻo, làm như niềm tin và cuộc sống là hai thực thể tách rời nhau, không ăn nhập gì với nhau.

Đức Giám mục Josef Cordes trong buổi nói chuyện với 17.000 đại biểu của phong trào Canh Tân, đã nói: Trong viễn tượng năm 2000, sẽ có nhiều thách đố mới đặt ra cho Giáo Hội. Trong Giáo Hội nhiều triệu người công giáo vẫn chưa sống mối quan hệ cá vị với Đức Kitô. Nhiều triệu người khác vẫn không sống theo Đức Kitô và không vâng phục Ngài… Cho dù họ vẫn tự xưng mình là người công giáo và vẫn tham dự vào phụng vụ của Giáo Hội.

Có thể nói được rằng, đối với một số không nhỏ trong chúng ta thì Đức Kitô vẫn chỉ là một khái niệm mông lung và mờ nhạt. Vì thế, trả lời được cho câu hỏi: Đức Kitô là ai đối với tôi? Không phải chỉ là chuyện kiến thức, sách vở lặp lại những gì được nghe trong các lớp giáo lý hay trong các bài giảng, mà còn là câu chuyện của chính cuộc sống, của sự chọn lựa cá nhân cũng như của sự dấn thân.

Hơn bao gờ hết xã hội thời mở cửa, đón nhận những trào lưu tư tưởng mới, càng đòi hỏi mỗi người chúng ta phải chuẩn bị cho mình một tư thế sẵn sàng để trả lời cho câu hỏi ngàn đời nêu trên. Bằng việc đem hết khả năng của mình để đóng góp vào việc thăng tiến con người, lành mạnh hoá xã hội và làm cho quê hương thêm giàu mạnh, người công giáo Việt Nam trả lời thoả đáng cho câu hỏi: Đức Kitô là ai?

Niềm tin Kitô giáo mặc dầu bắt nguồn từ một cuộc gặp gỡ cá nhân với Đức Kitô nhưng lại có một âm vang rộng lớn trên toàn bộ đời sống xã hội và văn hoá của những người có lòng tin.

ĐỨC KI-TÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA LOÀI NGƯỜI
“Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16, 13-20)


Suy niệm: Qua hằng ngàn năm, dân Do Thái mong chờ Đấng Cứu Thế xuất hiện để giải thoát, đưa đất nước lên hàng cường quốc. Vậy mà, điều đáng buồn là khi Đức Giê-su, vị Cứu thế đến, họ chỉ nhìn thấy Ngài như là ông Gio-an Tẩy giả, Ê-li-a, Giê-rê-mi-a hay một ngôn sứ nào đó mà thôi! Nghĩa là một con người được Chúa đặc biệt chọn để nói lời của Ngài. Trái lại, Phê-rô, nhờ Chúa Cha mặc khải, đã nói đúng chân tướng của Đấng Cứu thế: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Phê-rô, thay mặt anh em, bày tỏ sự tin tưởng, niềm hy vọng các ông đặt nơi Thầy mình. Ngài là Đấng Ki-tô, Đấng được xức dầu, Đấng đến để chữa lành những vết thương, đổi mới trần thế. Khi quyết định theo Ngài, các ông “đặt cược” cả vận mạng, tương lai đời mình cho Ngài. Thế nhưng, chỉ sau cuộc khổ nạn và phục sinh của Thầy, Phê-rô cũng như các Tông đồ khác mới ‘ngộ’ ra Đấng Ki-tô ấy phải qua đau khổ, thập giá mới khải hoàn phục sinh, đem lại hy vọng tươi sáng cho tất cả nhân loại.

Mời Bạn: Trong Tông huấn “Đức Ki-tô hằng sống”, Đức giáo hoàng Phan-xi-cô nói rằng: Đức Ki-tô là niềm hy vọng của chúng ta, và một cách kỳ diệu Người mang sự tươi trẻ đến cho thế giới chúng ta, và mọi sự được Người chạm đến đều trở nên trẻ trung, mới mẻ, đầy tràn sức sống.” Đặt hy vọng nơi Đức Ki-tô, cuộc đời bạn mới tràn đầy niềm vui, sức sống, dù giữa muôn khổ đau, thách đố. Bạn đã chọn Đức Ki-tô là niềm hy vọng của đời mình chưa?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy thiết tha cầu xin cho mình có được niềm hy vọng ở nơi Chúa.

Cầu nguyện: Đọc kinh Trông Cậy.

 

Chúa nhật 21 thường niên A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 16, 13-20).

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Kitô.

Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.

Suy niệm

Xuất hiện trong thế giới này như một huyền nhiệm, con người chắc chưa một lần đi tìm lý do vì sao mình được hiện hữu trong thế giới này, cũng từ đây, con người có thể khám phá vì sao mình có một gia đình, một cộng đoàn huynh đệ, một thế giới tuyệt vời để sống, để trải nghiệm và để được yêu. Trước những điều kỳ diệu đó, con người cũng cần có những khoảng lặng, để nhìn lại chính mình, trong đó có những bất toàn, những khuyết điểm đầy chất người, rồi để chính mình hoàn thiện, để chính mình sửa đổi và được lớn lên trong tình yêu. Câu chuyện của các học trò Thầy Giêsu trong bài tin mừng Chúa nhật 21 thường niên này, như là một bức tranh nhỏ về cuộc đời mỗi người chúng ta. Được khen đó, rồi lại bị khiển trách đó, biết tuyên tín đó, rồi lại ngăn cản chương trình của Đấng Tình yêu đó, vinh có, nhục có, hạnh phúc có, tủi hổ có. Phận người đầy những dấu ấn tình yêu nhưng cũng không thiếu những lầm lỗi lớn lao.

Dù được ở lại trong đền thờ với trách vụ là người trông coi nhà Thiên Chúa, Sobna không thực hành những gì Thiên Chúa dạy bảo, ông đã bị Ngài cất đi trọng trách cao quý đó, trao cho một người khác. Thái độ thiếu ý thức, thiếu sự trân trọng công việc và ơn gọi của mình, đã đem lại một kết quả không đẹp tí nào cho một người trông coi nhà Thiên Chúa: “Ðây Chúa phán cùng Sobna, quan cai đền thờ rằng: “Ta sẽ trục xuất ngươi ra khỏi địa vị ngươi, và Ta sẽ cách chức ngươi; trong ngày đó, Ta sẽ gọi đầy tớ Ta là Êliaqim, con trai Helcia. Ta sẽ lấy áo choàng của ngươi mà mặc cho nó, lấy đai lưng của ngươi mà thắt cho nó, sẽ trao quyền ngươi vào tay nó, nó sẽ nên như cha các người cư ngụ ở Giêrusalem và nhà Giuđa”. Thiên Chúa không cần những người thông thái, cũng không cần những bằng cấp chuyên môn như thế gian suy nghĩ, Ngài cần một tấm lòng, Ngài cần một trái tim nóng, một niềm tin chân tình và một cái nhìn đúng về chính mình.

Dù được nghe đâu đó âm vang của Thiên Chúa, dù được Thiên Chúa cất nhắc lên tới một tầng cao khi đã là một Tông đồ, nhưng thánh Phaolô đã tâm sự với con cái thành Roma, ngài chưa thể hiểu được thánh ý Thiên Chúa, đặc biệt là kế hoạch của Ngài trên cuộc đời của thánh nhân. Lời tự sự đó được bộc bạch trong lá thư gởi cho con cái ngài mà chúng ta nghe trong bài đọc 2 hôm nay: “Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa: sự phán quyết của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người làm sao dò được! Vì chưng, nào ai biết được ý Chúa? Hoặc ai đã làm cố vấn cho Người? Hay ai đã cho Người trước để Người sẽ trả lại sau? Vì mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người: nguyện Người được vinh quang đến muôn đời”. Làm sao con người hiểu được thánh ý Thiên Chúa, làm sao con người đọc được mọi nẻo đường Thiên Chúa dẫn con người đi trong cuộc đời, cũng chẳng có ai vạch đường chỉ lối cho Ngài. Quả là một Thiên Chúa đầy uy quyền mà tôi được gọi Ngài là Cha.

Hành trình theo Thầy của các học trò không thiếu những lúc ngập tràn hạnh phúc, nhưng bên cạnh cũng luôn có những khoảng lặng của những cái rơi không trọng lượng, vì các ông chưa thể hiểu được những gì Thầy đang dẫn họ đi. Suy nghĩ và hành động theo kiểu của thế gian, đó là lẽ thường tình, nhưng Thầy lại không chấp nhận, giờ biết làm sao. Câu chuyện trong bài tin mừng tuần lễ này, là một trăn trở của các ông: “Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được”. Được thẩm vấn về một khía cạnh nhạy cảm, không ai trong nhóm dám lên tiếng, Phê-rô mạnh miệng trả lời, một lời khen như được nâng lên tận trời xanh, rồi lại bị kéo xuống tận cùng thất vọng. Nhiều cung bậc cảm xúc vậy, sao các ông hiểu Thầy mình là ai, có quyền năng thế nào, vậy mà, đùng một cái, trao luôn quyền cầm buộc và tha tội cho các ông. Những việc Thầy làm sao mà hại não thế. Suy nghĩ không ra, hiểu không được luôn, chẳng lẽ bỏ cuộc chơi.

Đức Giêsu trao cho các môn đệ quyền cầm buộc và tha tội, có phải vì các ông là những người tri thức, học hành đến nơi đến chốn, hay vì các ông là những thiên tài. Chắc không vì thế, nhưng tất cả các ông có một trái tim thật lớn, còn trống rỗng, chưa có những toan tính hơn thiệt, được thua trong ơn gọi Tông đồ của mình. Xuất phát từ những người dân chài, sự thẳng thắn, đơn sơ và chất phát đó, cần cho người môn đệ của Đức Giêsu, bởi họ sẽ không sống cho mình, mà sống cho Thầy, cho lý tưởng, cho ơn gọi của mình. Dẫu hôm nay họ còn tham – sân – si, nhưng ngày mai, Chúa thấy nơi họ là một người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, cần thiết để thu gom những đồng lúa chín vàng của Thiên Chúa.

Được trao quyền cầm buộc và tháo cởi, nhưng các ông vẫn là những học trò không dựa dẫm vào quyền bính, hay địa vị, vẫn là những học trò luôn yêu mến Thầy, luôn bảo vệ Thầy khỏi mọi bất trắc, vì thế, khi nghe Thầy báo trước về chặng đường khổ nạn, các ông can ngăn ngay. Làm sao trong một khoảng khắc đó, các ông hiểu được Thầy nói gì, tiên báo gì, chỉ biết mình là học trò, có trách nhiệm bảo vệ Thầy, can ngăn Thầy. Chất người trong các ông là vậy, nhưng Thầy quở trách các ông vì không hiểu Thầy, không hiểu ý Cha Thầy. Làm sao con hiểu được Thầy ơi, làm sao các học trò lại để cho Thầy rơi vào sự bắt bớ vậy. Sống trong một xã hội đang muốn loại trừ Thiên Chúa, đang phủ nhận con đường mang tên Giêsu, làm sao chúng con dám mạnh dạn can ngăn mọi người đừng làm thế, sao chúng con dám nói như các học trò của Thầy đây. Dù bị Thầy mắng, nhưng các ông vẫn thỏa mãn, còn chúng con hôm nay, muôn áp lực đè nặng trên đôi vai, vì làm chứng cũng không dám, nói càng không dám, chỉ biết im lặng và quay mặt đi.

Đức tin là một món quà Thiên Chúa tặng ban cho con người, để từ đó, con người tìm kiếm và tin nhận vào Ngài. Dẫu biết niềm tin đó cần thiết cho con người, nhưng con người hôm nay cho rằng, còn nhiều nhu cầu khác cần hơn niềm tin. Biết bao lần Mẹ Giáo hội hỏi chúng con có tin vào một Thiên Chúa không? chúng con đều trả lời mạnh dạn là có, nhưng bước vào cuộc sống, mọi việc làm, mọi suy nghĩ và mọi thái độ sống có thể nói là đi ngược lại với những câu trả lời mạnh mẽ của chính mình. Vậy có phải người tín hữu Kitô hôm nay, đang quay trở về niềm tin đa thần giáo hay sao, bởi không thiếu những biến cố, họ tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa theo chương trình của Ngài, nhưng cũng không thiếu những lúc, họ tin vào Thiên Chúa theo kế hoạch của con người, rồi cũng không thiếu những biến cố, họ sống và thực hành niềm tin theo xu hướng đa thần. Thiên Chúa có nhìn thấy và thấu hiểu những nỗi niềm đó của con người không? chắc chắn là có, nhưng Ngài tôn trọng con người, tôn trọng sự tự do Ngài đã cho con người. Ngài đợi chờ trong sự kiên nhẫn cho tới ngày cuối cùng, rồi phân chia cỏ lùng và lúa, chiên và dê, để đưa lúa chắc vào kho và quăng lúa lép vào lửa đời đời.

Lạy Chúa, tuyên xưng niềm tin của mình như các Tông đồ, chúng con làm được, không khó, nhưng để cho niềm tin đó nên sống động và có ý nghĩa với con, thì quả là khó khăn, xin hướng dẫn chúng con trong chương trình yêu thương của Chúa, để chúng con đừng một phút giây xa rời tình Chúa. Chúa cho các môn đệ được thông chia quyền tối cao của Chúa là tha tội và cầm buộc, và rồi chúng con đã lợi dụng tình yêu đó, tha thứ quá nhiều cho anh chị em qua bí tích hòa giải, chúng con đã tranh giành quyền năng của Chúa để làm điều đó, xin Chúa tha thứ cho cái tội tày đình đó của chúng con, xin hướng dẫn chúng con luôn vững tin vào lòng nhân từ và bao dung của người Cha nhân lành, để chúng con biết sống nhân lành như Cha trên trời. Amen.


 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây