TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXI Thường Niên - Năm A

02/06/2021 05:30:30 |   967

Chúa Nhật XXI Thường Niên - Năm A


 

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô, đại diện cho các tông đồ: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Như thế, Chúa Giêsu vừa là Đấng Thiên Sai vừa là Thiên Chúa. Sau lời tuyên xưng ấy, Thánh Phêrô được Chúa Giêsu đặt làm nền tảng của Hội Thánh mà Người sẽ thiết lập, đồng thời ban cho thánh nhân và các đấng kế vị quyền tiếp tục sứ mạng của Người trên trần gian.

Mỗi người chúng ta được mời gọi đóng góp vào đời sống đức tin của Hội Thánh bằng chính những kinh nghiệm sâu sắc về Chúa trong đời sống đạo của chúng ta, đồng thời mời gọi chúng ta hãy vâng theo những lời chỉ dạy của Hội Thánh và giúp đỡ Hội Thánh phát triển.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin ghé tai nghe, xin nhậm lời tôi. Lạy Chúa tôi, xin cứu vớt người bầy tôi đang cậy trông vào Chúa. Lạy Chúa, xin thương tôi, vì tôi ân cần kêu van Chúa suốt ngày.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới làm cho chúng con nên một lòng một ý; xin cho tất cả chúng con biết yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng con vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Is 22, 19-23

"Ta sẽ để chìa khoá nhà Ðavít trên vai nó".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Chúa phán cùng Sobna, quan cai đền thờ rằng: "Ta sẽ trục xuất ngươi ra khỏi địa vị ngươi, và Ta sẽ cách chức ngươi; trong ngày đó, Ta sẽ gọi đầy tớ Ta là Êliaqim, con trai Helcia. Ta sẽ lấy áo choàng của ngươi mà mặc cho nó, lấy đai lưng của ngươi mà thắt cho nó, sẽ trao quyền ngươi vào tay nó, nó sẽ nên như cha các người cư ngụ ở Giêrusalem và nhà Giuđa. Ta sẽ để chìa khoá nhà Ðavít trên vai nó: nó sẽ mở cửa và không ai đóng lại được; nó đóng cửa lại và không ai mở ra được. Ta sẽ đóng nó vào nơi kiên cố như đóng đinh, và nó sẽ trở nên ngai vinh quang nhà cha nó".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 6 và 8bc

Ðáp: Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa

Xướng: Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa; con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài. 

Xướng: Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. 

Xướng: Quả thực Chúa cao cả và thường nhìn kẻ khiêm cung, còn người kiêu ngạo thì Ngài ngó tự đàng xa. Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời; xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa. 

Bài Ðọc II: Rm 11, 33-36

"Mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa: sự phán quyết của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người làm sao dò được! Vì chưng, nào ai biết được ý Chúa? Hoặc ai đã làm cố vấn cho Người? Hay ai đã cho Người trước để Người sẽ trả lại sau? Vì mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người: nguyện Người được vinh quang đến muôn đời. Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống: không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 16, 13-20

"Con là Ðá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở". Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Kitô.

Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu". Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! mỗi người chúng ta đều được mời gọi xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô và trở nên người quản lý tốt lành trong chính gia đình mình. Vì thế, chúng ta cùng dâng lời khẩn nguyện, xin Chúa thương trợ giúp và chúc lành cho chúng ta.

1. Chúa Kitô là viên đá góc của Giáo hội. Xin cho Giáo hội can đảm tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu tử nạn và phục sinh.

2. Thánh Phêrô được Chúa Kitô đặt làm thủ lãnh Giáo Hội. Xin cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đấng kế vị thánh Phêrô, trở nên dụng cụ của sự hiệp nhất, đối thoại và hoà giải, để xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô.

3. Chúa Kitô đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Xin cho các Kitô hữu cũng trở nên người phục vụ theo gương Ngài.

4. Trong ngày của Chúa hôm nay, cộng đoàn chúng ta được mời gọi quy tụ để cử hành bí tích Thánh Thể. Xin cho Thánh Lễ chúng ta đang cử hành, không chỉ là nghi thức, nhưng là cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Kitô và với anh chị em, nhờ đó đức tin của chúng ta được nuôi dưỡng và phát triển không ngừng.

Chủ tế: Lạy Cha, xin ban cho Giáo Hội tinh thần phục vụ của Chúa Kitô. Xin cho mỗi người chúng con trở nên men, muối và ánh sáng gian trần, hầu trở nên chứng tá khiêm hạ về Con Cha, Đấng đã trở thành tôi tớ mọi người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa nhân từ, Chúa đã dùng hiến lễ duy nhất của Ðức Kitô để quy tụ một đoàn con đông đảo; xin thương tình ban cho Giáo Hội ơn hiệp nhất và bình an. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, do kết quả việc Chúa làm, địa cầu được no phỉ, để từ trong đất, con người tạo ra cơm bánh, và rượu làm hoan hỷ lòng người.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì sẽ được sống đời đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hưởng trọn vẹn ơn cứu chuộc Chúa đã thương ban, để chúng con ngày thêm mạnh sức và hăng say nhiệt thành. Chúng con cầu xin...

 

Suy niệm

Thầy là Đức Kitô
Sưu tầm

Hiệp nhau trong Thánh lễ này, chúng ta xin Chúa ban mọi ơn lành cho cuộc sống của chúng ta, nhưng đồng thời chúng ta cũng xin Chúa tha thứ những lỗi tầm vì đã nhiều lần chúng ta không cộng tác với ơn Chúa, đã không dùng ơn Chúa cho nên. Xin Chúa tiếp tục thương đổ muôn ơn lành xuống trên cuộc đời của chúng ta, giúp chúng ta canh tân đời sống để mỗi ngày được trở nên giống Chúa hơn.

Đoạn Tin Mừng hôm nay được suy niệm hai lần: một vào dịp lễ kính thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, và một trong Chúa Nhật 21 Thường niên hôm nay. Biến cố được nhắc đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay làm nổi bật hai đặc điểm về hai con người nơi thánh Phêrô: Đó là một con người của ân sủng, biết cộng tác với ơn soi sáng của Chúa để tuyên xưng đức tin chân thật: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Và một là con người yếu đuối trần tục suy tưởng theo cách thức trần gian, bị giới hạn trong cái nhìn vụ lợi không chấp nhận, không hiểu chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa thực hiện qua mầu nhiệm Thập giá, qua cái chết và sống lại của Chúa Kitô, đến độ thánh nhân đã bị Chúa quở trách: "Hỡi Sa tan, hãy lui ra khỏi Ta, vì con suy tưởng theo lý luận của con người, chứ không theo tư tưởng của Thiên Chúa. Vì con biết những sự thuộc về loài người, mà chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa".

Nơi mỗi người chúng ta, những đồ đệ của Chúa, dù ở bậc nào đi nữa, chắc chắn chúng ta cũng có hai con người này: một con người được ân sủng thánh luyện, thánh hoá, soi sáng và hướng dẫn. Đây là con người mới theo cách nói của thánh Phaolô tông đồ. Và một con người cũ có thói quen tật xấu, suy tư theo những lý luận trần tục xa rời chương trình của Thiên Chúa.

Hơn ai hết, thánh Phaolô tông đồ đã cảm nghiệm được kinh nghiệm sống này nơi chính bản thân, nên có lần ngài đã thốt lên: "Tôi không làm điều tốt mà tôi ưa thích, tôi lại làm điều xấu mà tôi không muốn". Cuộc giằng co giữa ân sủng và tội lỗi này đã làm cho ngài đôi khi mệt mỏi, nên đã phải xin Chúa can thiệp để cất đi điều ngài không muốn. Nhưng Chúa Giêsu đã nâng đỡ thánh Phaolô: "Ơn Ta đủ cho con. Đừng sợ!". Chính vì thế mà hơn ai hết, thánh Phaolô tông đồ đã trình bày cuộc sống với Chúa Kitô, cuộc sống trong ơn nghĩa Chúa như là một cuộc chiến đấu, một cuộc chạy đua, một cố gắng không ngừng để cộng tác với ân sủng của Chúa, để mặc lấy con người mới và từ bỏ con người cũ của mình.

Trở lại bài Phúc âm hôm nay, chúng ta có thể nhận thấy thêm một điểm nữa là mặc dù Phêrô đã nhiều lần, chứ không phải chỉ một lần mà thôi, là ngài đã nhiều lần sống theo con người cũ, con người trần tục. Nhưng Chúa Giêsu, Ngài đã không thay đổi chương trình Ngài đã chọn, đã sắp xếp cho Phêrô: "Ơn Ta đủ cho con". Chúa đã muốn xây dựng Giáo Hội của Ngài trên con người của Phêrô, trên con người được ơn Thiên Chúa soi sáng: "Phêrô con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy và cửa hỏa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời". Ơn Chúa luôn ban xuống tràn đầy, Ngài không muốn bỏ chương trình Ngài đã thực hiện qua mỗi người chúng ta, mặc dù đôi khi chúng ta không đáp lại hết lòng mình về ân sủng của Chúa, Chúa Giêsu đã nhắn nhủ Phêrô: "Khi nào con trở lại, hãy nâng đỡ và củng cố anh em con". Lời nhắn nhủ của Chúa cho Phêrô là hãy biết thông cảm nâng đỡ anh em, vì chính ông cũng đã được Chúa thương tha thứ, nâng đỡ thông cảm khi ông lỗi lầm.

Thêm một bài học nữa cho mỗi người và cho cộng đoàn chúng ta đang sống cũng như cộng đoàn các tông đồ sống quanh Chúa Giêsu ngày xưa, tất cả các cộng đoàn ấy cũng gồm những con người vừa tốt, vừa xấu, vừa thánh thiện vừa tội lỗi, vừa muốn làm điều tốt mà mình không làm được, nhưng lại làm điều xấu mà mình không muốn, vừa cộng tác với ơn Chúa, nhưng đôi khi cũng chối bỏ Ngài.

Chúng ta hãy cố gắng phát triển con người mới, con người được ân sủng Chúa thánh hoá để luôn giữ vững đức tin của mình mà tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và chấp nhận đi trên con đường mà Chúa đã đi qua, con đường cứu rỗi nhân loại qua cái chết và sống lại của Ngài trên Thập giá: "Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác Thập giá mình hằng ngày mà theo Ta".

Chúng ta hãy cố gắng phát triển con người mới nơi cuộc sống của mình và đồng thời biết thông cảm nâng đỡ với những bất toàn tội lỗi của anh em xung quanh. Dù sao đi nữa, chương trình của Thiên Chúa không bị hư đi vì những tội lỗi của con người hay vì những lầm lỗi sai trái của Phêrô, nhưng chỉ vì yêu mà Thiên Chúa luôn thực hiện chương trình cứu rỗi nhân loại. Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta được vững mạnh trong đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh Tin Kính.

Chúa nhật thứ 21 thường niên, năm A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 16, 13-20).
 
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Kitô.
 
Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.
 
Suy niệm
 
Sống trong mái ấm gia đình Giáo hội Công Giáo, mỗi người con vẫn thấy ấm cúng, hạnh phúc và bình an, bởi nơi mái ấm đó, người Cha gia đình là Thiên Chúa, người Mẹ gia đình là Giáo hội. Cả hai luôn yêu thương và chăm sóc con cái, hướng dẫn con cái ngày một nên thánh. Chúa nhật thứ 21 thường niên, phụng vụ Lời Chúa mời chúng ta hướng về gia đình Giáo hội, để biết nguồn cội, để biết ai là Cha mình, ai là Mẹ mình, ai là anh chị em của mình, để yêu mến, để xây dựng và để bảo vệ gia đình thiêng liêng đó.
 
Khi đưa dân riêng của Ngài vào đất hứa, Giavê đã chuẩn bị cho họ đầy đủ mọi thứ, từ đời sống thể lý hàng ngày, cho đến đất đai, bờ cõi, Ngài còn chuẩn bị cho họ một đời sống phụng tự thật ý nghĩa, thiêng thánh, để họ luôn gắn bó với Giavê trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Như bao dân tộc khác, Ngài cũng cho họ những vị vua tài giỏi, những tướng lãnh oai hùng, để bảo vệ, để hướng dẫn họ đi trong đường lối của Ngài. Câu chuyện ngôn sứ Isaia tường thuật lại trong bài đọc 1 cho chúng ta hiểu được phần nào, tình yêu thương và sự chăm sóc của Giavê dành cho dân riêng của Ngài: “Ta sẽ để chìa khoá nhà Ðavít trên vai nó: nó sẽ mở cửa và không ai đóng lại được; nó đóng cửa lại và không ai mở ra được. Ta sẽ đóng nó vào nơi kiên cố như đóng đinh, và nó sẽ trở nên ngai vinh quang nhà cha nó”. Dù đó là dân riêng của Giavê, nhưng Ngài tôn trọng sự tự do của con người khi chọn những tướng tài để dẫn dắt dân. Vua Đavid là một điển hình. Ngài đặt ông làm vua và đặt trên đôi vai ông quyền lực lớn lao, để ông giúp họ sống tử tế mỗi ngày với Giavê qua đời sống phượng tự và lề luật. Dầu vậy, mỗi ngày Giavê vẫn luôn đồng hành với họ, với Đavid và chăm sóc họ như người mục tử chăm sóc đoàn chiên của mình. Thiên Chúa đã cúi xuống, ôm lấy con người, chăm sóc và bảo vệ họ như người mẹ chăm sóc con cái mình. Một hình ảnh thật gần gũi và ấm áp.
 
Những mảnh ghép của tình yêu Thiên Chúa khi được đặt cận kề nhau, con người thấy bức tranh tình yêu đó thật nhiệm mầu. Từng bước chân của Ngài, từng cử chỉ gần gũi của Ngài, từ những lo lắng cho dân trong đời sống thể lý, đời sống tâm linh, đến tương lai của họ là gia đình, là dân tộc, con người chỉ biết im lặng và tri ân. Đó cũng là tâm tình của thánh Phaolô đã bộc bạch trong lá thư ngài gởi cho cộng đoàn giáo hội tại Roma: “Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa: sự phán quyết của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người làm sao dò được! Vì chưng, nào ai biết được ý Chúa? Hoặc ai đã làm cố vấn cho Người? Hay ai đã cho Người trước để Người sẽ trả lại sau? Vì mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người”. Làm sao con người hiểu được thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, làm sao con người có thể biết được Ngài muốn gì trên cuộc đời tôi, làm sao con người có thể hiểu được tại sao từ trời cao, Thiên Chúa đã cúi xuống và đồng hành với một tội nhân, hơn nữa là trở nên giống như họ? Ngài còn cho họ được thông chia quyền bính của Ngài, để hướng dẫn tha nhân tìm thấy những lối nẻo trở về với Ngài.
 
Là con người, ai cũng mang trong tâm thức của mình một khái niệm về tín ngưỡng, đó là sự lệ thuộc của con người vào thế giới thần linh. Tâm tình đó lớn dần theo hoàn cảnh xã hội và sự phát triển của con người. Dần dần, nó là tâm tình tôn giáo trong mọi sinh hoạt của bản thân. Chính tâm tình này thôi thúc con người đi tìm cho mình một tôn giáo để gắn bó cuộc đời và tìm kiếm sự che chở. Trên mảnh đất châu Á, bao nhiêu tôn giáo lớn đã hình thành và ngày càng  phát triển, trong đó có Do thái giáo, có Kitô giáo và Công giáo. Dù có mặt chỉ hơn 2000 năm, nhưng tính ưu việt nơi Kitô giáo, nơi Công giáo luôn được trân trọng, bởi đó là một tôn giáo do chính người Con của Thượng đế thiết lập khi Ngài cho con người thông chia chương trình cứu độ của Ngài. Đức Giêsu đã thiết lập Giáo hội Công giáo với đặc tính phổ quát, để đón mời tất cả mọi anh chị em dưới bầu trời này về cùng một mái ấm gia đình của Thiên Chúa. Câu hỏi Đức Giêsu dành cho các môn đệ: “Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó” còn mang một ý nghĩa khác là Ngài muốn hỏi chúng ta hôm nay: tôn giáo nào, đạo nào tốt hơn, tôn giáo nào đem lại hạnh phúc cho con người? Từ câu hỏi trên, Đức Giêsu muốn hướng các môn đệ đến con đường các ông đã và đang đi, sâu xa hơn Ngài còn muốn biết suy nghĩ của các ông về Đức Giêsu, Ngài là ai? Lời tuyên xưng của thánh Pherô cũng là của mỗi người: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời”. Đức Giêsu muốn các môn đệ có một xác định rõ ràng niềm tin của mình. Nếu không có câu hỏi này, nhiều lúc các môn đệ và chúng ta hôm nay sẽ đánh đồng các tôn giáo, tạo nên nhiều hiểu lầm và xung đột giữa các tôn giáo nữa.
 
Tôn giáo không chỉ quan tâm đến đời sống luân lý của con người, nhưng tôn giáo còn quan tâm đến giá trị con người, đến cuộc sống hàng ngày và cả nhận thức của con người về thế giới, về xã hội và những giá trị của cuộc sống. Tôn giáo do Đức Giêsu thiết lập đưa con người đi ra khỏi hạn hẹp của con người, bởi các đấng sáng lập các tôn giáo trên thế giới, họ cũng chỉ là con người, chỉ có một Đức Giêsu là Thiên Chúa, là Chân lý là Sự sống, là Tình yêu, chỉ một mình Ngài đưa được con người ra khỏi vòng luẩn quẩn của cuộc sống, đồng thời giúp họ sống đúng với phẩm giá của một con người. Ước muốn của Thầy Chí Thánh khi tra vấn các môn đệ là vậy, nhưng các ông chưa thể lãnh hội được, chỉ khi Ngài phục sinh, tất cả như được mở ra trọn vẹn, cùng với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã hiểu được, chỉ một mình Đức Giêsu là Đấng trung gian duy nhất, đem lại ơn cứu độ cho con người, và chỉ một mình Ngài mới đưa con người về trời với Ngài trong vinh quang của Thiên Chúa.
 
Người ta bảo Thầy là ai? Câu hỏi được nêu lên không chỉ cho các môn đệ ngày xưa mà còn cho tất cả mọi tín hữu Kitô hôm nay. Đức Giêsu là ai đối với tôi? Đạo Công Giáo có liên hệ gì với cuộc đời của tôi, của bạn và của mọi người. Tôn giáo là con đường, đạo nào cũng tốt, cũng hướng thiện, cũng đi tìm điều tốt lành cho con người. Nếu quan niệm là thế, thì người Công giáo đâu cần phải thực hiện lời mời của Thầy Chí Thánh là loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo trên mặt đất. Công giáo đâu còn là một tôn giáo lên án việc phá thai, chống lại những điều trái luân thường đạo lý như hôn nhân đồng tính, như ly dị, Công giáo đâu còn là một tôn giáo quan tâm đến giá trị con người trong mỗi xã hội, đâu còn quan tâm đến vấn đề giàu nghèo trong cuộc sống, đâu còn quan tâm đến việc bóc lột và chủ nô trong kinh doanh nữa, và Công giáo chỉ còn là một dịch vụ để đáp ứng mọi nhu cầu cuộc sống của con người thôi sao.
 
Trong đạo Công giáo, ơn gọi nào cũng được mời truyền giáo, ơn gọi nào cũng được mời làm chứng cho những giá trị của Tin Mừng. Nếu trong các gia đình Công giáo, các thành viên đều tuyên tín rằng: chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, chỉ có Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ trung gian duy nhất, thì đâu còn những nỗi lo cho các bậc Cha Mẹ khi con cái lớn lên trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ này. Nếu các gia đình luôn giữ vững nền tảng gia đình dựa trên những giá trị tin mừng, đâu còn những vấn đề luân lý xảy ra hàng ngày như ly dị, như phá thai, như đồng tính. Và còn bao nhiêu vấn nạn liên quan đến giá trị gia đình, giá trị hôn nhân, nếu tất cả đều tin rằng có Thiên Chúa hiện diện giữa gia đình mỗi người. Quả là một thách đố cho đời sống của các chứng nhân hôm nay. Bên cạnh đó là ơn gọi dâng hiến. Nếu mỗi tu sĩ chân nhận Thiên Chúa là Cha, là Đấng Chân – Thiện – Mỹ, là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống của con người, thì họ đâu còn phải tìm kiếm những thần linh khác trong đời dâng hiến. Nếu mỗi ơn gọi luôn xác tín Thiên Chúa là Đấng Thánh Thiện, thì họ đâu còn đi tìm những niềm vui khác trong tài năng và địa vị ngay chính cộng đoàn và linh đạo đang sống. Thiên Chúa vẫn mãi là Đấng Thánh, nhưng con người tự bản chất là khiếm khuyết, nếu không có sự cố gắng và sự nâng đỡ nhau trong tình huynh đệ, làm sao có thể tìm thấy hạnh phúc đích thực trong đời tận hiến, làm sao dám nhìn nhận các thành viên trong cộng đoàn là anh chị em cùng một Cha chung trên trời. Tiếc thay, những khái niệm đó đang xa dần với đời sống dâng hiến cũng như ơn gọi hôn nhân, bởi người tín hữu, người tu sĩ hôm nay thiếu định hướng cho bản thân về niềm tin cũng như ơn gọi của mình, nhiều lúc sống trong gia đình chỉ là bổn phận, nhiều lúc cộng đoàn chỉ là sân ga để tìm những chuyến tàu tương lai sáng sủa và có được địa vị nào đó trong ơn gọi. Thầy là ai, hỡi những người con bé nhỏ của Thầy?
 
Lạy Chúa, Ngài là Đấng cứu độ duy nhất của con người trong đó có chúng con, xin cho mỗi người luôn chân nhận Ngài là Đấng đưa chúng con về trời, đưa chúng con vào gia đình Thiên Chúa và đưa chúng con vào thân thể nhiệm mầu của Thiên Chúa. Chúa đã thiết lập Giáo hội như là một gia đình, để đưa tất cả mọi người về trong vòng tay yêu thương của Chúa, xin cho chúng con được cộng tác với Chúa, để ơn cứu độ được loan báo đến mọi nhà, mọi người dưới bầu trời này. Giáo hội là của Chúa, xin cho chúng con luôn biết yêu mến, biết cầu nguyện cho Giáo hội, đặc biệt là biết bảo vệ và xây dựng Giáo hội trong sự hiệp nhất  và yêu thương, tất cả như lòng Chúa mong ước. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây