TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXV Thường Niên - Năm A

02/06/2021 05:38:51 |   655

Chúa Nhật XXV Thường Niên - Năm A


 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXV Thường Niên - Năm A


Dẫn vào thánh lễ

Anh chị em thân mến! Vì yêu thương, Thiên Chúa đã dựng nên con người bởi Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta bằng chính những giới luật của Ngài, nhờ Ngài qui hướng chúng ta về một mục đích duy nhất là phục vụ cho tình yêu: tình yêu Ngài và tình yêu tha nhân.

Vậy, chúng ta hãy can đảm, chân thành mở rộng lòng mình để đón nhận và trao ban lại cho nhau tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Do đó, mỗi người cần thu dọn rác rưởi trong tâm hồn là những kiêu căng, lỗi lầm, để đón nhận ơn Chúa là Đấng nhân hậu và rất mục từ bi.

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta là phần rỗi của dân Ta. Họ đã kêu cầu Ta trong mọi nỗi gian truân. Ta đã nhậm lời họ, và Ta sẽ là Chúa của họ đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, xin giúp chúng con hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Is 55, 6-9

"Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót; hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ.

Vì tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 2-3. 8-9. 17-18

Ðáp: Chúa ở gần mọi kẻ kêu cầu Người

Xướng: Hằng ngày tôi sẽ chúc tụng Chúa, và tôi sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được.

Xướng: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi người, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.

Xướng: Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người, mọi kẻ kêu cầu Người cách thành tâm.

Bài Ðọc II: Pl 1, 20c-24. 27a

"Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô"

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, dù tôi sống hay tôi chết, Ðức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi. Vì đối với tôi, sống là Ðức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Ðức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em. Anh em hãy sống xứng đáng với Tin Mừng của Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời của Con Chúa

Phúc Âm: Mt 20, 1-16a

"Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: "Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng". Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.

Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: "Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?" Họ thưa rằng: "Vì không có ai thuê chúng tôi". Ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta".

Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: "Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết." Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng.

Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: "Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao"? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: "Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?" Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Lòng nhân hậu của Chúa Cha vượt quá sự mong đợi của chúng ta. Người luôn sẵn sàng đón nhận và quảng đại đáp ứng những lời khẩn cầu của chúng ta. Giờ đây chúng ta hãy tin tưởng dâng lên Người những lời cầu nguyện.

1. Giáo Hội tiếp tục khơi dậy nơi các con cái mình ước muốn ngay lành. Xin cho các tín hữu, tùy theo ơn gọi và khả năng của mình, làm việc trong vườn nho của Chúa cách nhiệt thành và vui tươi.

2. Mọi người đều được Chúa ban dư tràn hồng ân. Xin cho mỗi người biết nhận ra lòng nhân từ và thương xót của Chúa để dâng lời cảm tạ vì muôn ơn lành Ngài đã thương ban. 

3. Mỗi gia đình và mỗi cộng đoàn đều được Chúa trao ban một sứ mạng. Xin cho mỗi người trong chúng ta biết trở thành người phục vụ vô vị lợi và biết cộng tác với chương trình cứu độ của Ngài.

4. Chúng ta thường nhìn người khác một cách chủ quan theo tính tham lam và ích kỉ của mình. Xin Chúa thương mở lòng mỗi người chúng ta để luôn biết giúp đỡ, yêu mến anh em mình cách quảng đại, và vui mừng với niềm vui của họ.

Chủ tế: Lạy Cha, xin hướng dẫn cuộc đời của chúng con, xin cho chúng con nhận ra lòng quảng đại và tình thương của Cha, xin giúp các tín hữu biết biết làm cho Cha hiện diện giữa anh em của họ bằng đời sống chứng tá. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ cộng đoàn chúng con dâng, và nhờ thánh lễ này, xin cho chúng con được hưởng những hồng ân cao cả, mà chúng con hết lòng tin tưởng cậy trông. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Chúa đã ban bố các huấn lệnh, để chúng tôi được tuân giữ hết sức ân cần. Nguyện cho đường nẻo tôi vững chắc, để tuân giữ thánh chỉ của Chúa.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là mục tử tốt lành, ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô nuôi dưỡng chúng con; xin nâng đỡ và giữ gìn chúng con luôn mãi, để chúng con được hưởng nhờ hiệu quả ơn cứu chuộc trong thánh lễ cũng như trong đời sống hàng ngày. Chúng con cầu xin...

 

Suy niệm

HÃY ĐI VÀO VƯỜN NHO!
(Mt 20,1-16a)

“Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho.” (Mt 20,4)

Suy niệm: Thiên Chúa không xử sự theo kiểu loài người. Dù bạn bắt đầu làm vào giờ thứ mấy đi nữa, bạn cũng nhận được một quan tiền “phần của bạn” là hạnh phúc Nước Trời. Vấn đề ở đây là bạn có đáp trả lời mời gọi “đi vào vườn nho” không. Vườn nho của Chúa hôm nay là Hội Thánh hoàn vũ, Hội Thánh địa phương, địa phận hay giáo xứ, Hội Thánh tại gia là gia đình của bạn. Có thể bạn đã nhận lời đi làm vườn nho ngay từ đầu ngày, nhưng sau đó lòng bạn lại ra khỏi vườn nho vì lòng ghen tương với những người đến sau hay với người khác; có thể bạn đã vào vườn nho nhưng không tròn bổn phận của người làm vườn nho vì những so đo, tính toán hơn thiệt. Thiên Chúa mời gọi mọi người đi làm vườn nho của Ngài. Không ai là người phải đứng ngoài khoanh tay chờ đợi. Chỉ có Ngài kiên nhẫn đợi chờ chúng ta đáp trả. Bạn đáp trả lời mời gọi ấy thế nào?

Mời Bạn: Giáo xứ của bạn đang sống động vì có nhiều người góp tay vun đắp, cộng tác, hay đang “xuống cấp” tang thương vì có nhiều người dửng dưng đứng ngoài cuộc? Bạn thuộc nhóm người nào?

Chia sẻ thao thức của bạn khi nhìn về Hội Thánh và nói quyết tâm của bạn cùng nhau xây dựng Hội Thánh.

Sống Lời Chúa: Nhập cuộc vườn nho giáo xứ với tâm hồn quảng đại dấn thân.

Cầu nguyện: Xin Chúa đổ đầy tâm hồn con lửa yêu mến Chúa để con luôn mau mắn đáp trả lời mời gọi của Chúa và đuổi xa con mọi mầm mống của ghét ghen, ganh tỵ. Xin cho con biết làm cho vườn nho Chúa ngày có thêm nhiều hoa trái nhân đức chín mọng, có thêm nhiều người thợ lành nghề xả thân, xứng đáng với phần thưởng Nước Trời Chúa ban.

ÔNG CHỦ TỐT BỤNG (Mt 20,1-16)
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Hữu

Chắc hẳn ai trong chúng ta khi nghe đọc bài Tin mừng hôm nay cũng cảm thấy bị sốc. Trên trần thế này chẳng có ông chủ nào tốt bụng như vậy, nhất là thời buổi kinh tế thị trường, chạy theo lợi nhuận hôm nay. Vì nếu các chủ nhà máy xí nghiệp mà xử sự như ông chủ vườn nho trong Tin Mừng thì chỉ có nước phá sản.

Nhưng điều Chúa Giêsu muốn diễn tả không phải là lãnh vực trần thế mà là lãnh vực Nước Trời, không phải là lãnh vực kinh tế mà là lãnh vực siêu nhiên.

Trần thế không có ông chủ nào như vây, nhưng trên trời thì có. Đó là Thiên Chúa, “Đấng nhân hậu và từ bi, đầy kiên nhẫn và lòng thương xót, Chúa tốt lành với tất cả mọi người và yêu thương mọi kỳ công Người tác tạo” (x. Tv 144,8-9) .

Ngoài đời không có, nhưng trong Giáo Hội là "vườn nho" của Thiên Chúa và là hiện thân của Nước Trời trên trần gian này thì có.

Như ông chủ vườn nho trong Tin Mừng không muốn cho ai bị thất nghiệp. Ai cũng có công ăn việc làm. Và khi làm việc thì ai cũng đủ sống. Thiên Chúa cũng thế, Ngài không muốn cho ai phải đứng ngoài Giáo Hội, Ngài muốn mọi người đều trong Giáo hội. Khi ở trong Giáo hội thì ai cũng được Chúa yêu thương và cứu chuộc, không muốn cho ai phải hư mất. Phút chót, cuối đời Chúa cũng tìm cách cứu.

Như một vài đầy tớ trong dụ ngôn không hiểu ông chủ, nên đã lên án và kết tội ông, thì trong cuộc sống nhiều khi chúng ta không hiểu tình thương của Chúa và đường lối của Giáo Hội, nên chúng ta cũng lên án Chúa và kết tội Giáo Hội.

Chúng ta lên án Chúa và kết tội Giáo Hội theo tiêu chuẩn và đường lối của thế gian, chứ không phải theo tiêu chuẩn và đường lối của Chúa:

Đường lối thế gian – mà một vài tên đầy tớ làm đại diện - là làm nhiều thì phải được trả công nhiều: "trả lương theo sản phẩm".

Đường lối của Thiên Chúa - mà ông chủ vườn nho làm đại diện - trả công vì tình thương (nhưng không hại đức công bình), cho nên người làm ít giờ cũng được trả nhiều bằng kẻ làm suốt ngày, kẻ tin thờ Chúa trong ngày sau hết của đời mình và của thế giới cũng được hưởng hạnh phúc Nước Trời như những người tin thờ Chúa từ thuở sơ khai hay từ thuở mới sinh.

Đường lối và tư tưởng của Thiên Chúa thì siêu vượt hơn đường lối và tư tưởng của người phàm: "Tư tưởng của Ta không giống tư tưởng các ngươi và đường lối Ta không giống đường lối các ngươi. Như trời xanh cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi bấy nhiêu” (Is 55,5-6).

Khi chúng ta dùng đường lối và tư tưởng của thế gian mà lên án Thiên Chúa và kết tội Giáo Hội, là chính chúng ta tự bêu xấu và vạch tội chúng ta, giống như những tên đầy tớ ghen tỵ trước nghĩa cử tốt lành của ông chủ vườn nho, đã phơi trần sự độc ác nhỏ nhen, ích kỷ của chúng. Cho nên trong cuộc sống ta cần phải suy nghĩ thấu đáo đừng vội vàng đưa ra những lời nhận xét, vì: Có những lời nói, việc làm của ta để lại tiếng thơm muôn đời, nhưng cũng có những lời nói việc làm của ta để lại tiếng xấu muôn đời. Có những việc làm như là tấm huy chương khen ngợi ta, nhưng cũng có những việc làm như là văn bia tố cáo tội ác chúng ta như cổ nhân đã từng nói: “Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn bia miệng vẫn còn trơ trơ”.

Lạy Chúa, xin cho con thấm nhuần tình thương và đường lối của Chúa, để con luôn vui mừng phấn khởi, chứ không ghen ăn tức ở trước những ơn lành Chúa đã thương ban cho anh chị em con trong cuộc sống. Amen.
 

Cách Thiên Chúa trả công
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ


Thời nào cũng có: Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”. Có nhiều người chạy đến với Thiên Chúa để được chúc phúc trong công việc làm ăn, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Nhiều người chẳng tin vào Thiên Chúa, họ vẫn được giàu sang. Trong thực tế đó, chúng ta có lý khi chất vấn” Thiên Chúa rằng: Liệu Ngài có công bằng?

Nếu mở Tin Mừng[1] Chúa Nhật 25 hôm nay, chúng ta cũng dễ dàng trách Chúa”. Số là ông chủ (Thiên Chúa) mướn người vào làm Vườn Nho. Sáng sớm, nhiều người đã vào. Buổi trưa, ông chủ tiếp tục nhận công nhân. Thậm chí gần hết giờ làm, ông chủ vẫn chấp nhận người ta vào làm công. Mâu thuẫn đã xảy ra. Ông chủ trả công từ người vào sau hết với mức lương như những người trước hết. Đó là nghịch lý mà chỉ có nơi ông chủ lạ lùng này!

Dĩ nhiên Thánh sử Mátthêu không ghi lại chuyện làm ăn kinh tế, cách trả lương. Trái lại, chúng ta hãy nhìn câu chuyện Tin Mừng này dưới khía cạnh trong sứ mạng của Đức Giêsu. Ngài đến trần gian để kêu gọi hết mọi người. Lịch sử cứu độ ghi nhận số người được chọn trước hết là dân tộc Israel. Đó là dân được Thiên Chúa ưu ái cho hưởng nhiều ân huệ. Tiếc là có nhiều người không trân quý hồng ân ấy. Cao trào là giới lãnh đạo tìm cách giết người con của ông chủ”, là Đức Giêsu. Phải chăng họ là những người đang càm ràm với ông chủ trong câu chuyện này. Họ không biết rằng Tin Mừng cứu độ, lời gọi của Thiên Chúa lúc này cũng dành cho hết thảy mọi người.

Khi vào làm trong Vườn Nho của Chúa, chúng ta thuộc về thành phần của Giáo Hội. Đó là Giáo Hội công giáo. Điều này có nghĩa là tất cả mọi người đều được kêu gọi trở thành dân Chúa và Hội Thánh là phương tiện cứu rỗi cần thiết mà Chúa Giêsu đã thiết lập. Những ai muốn được dự phần vào sự sống đời đời cần phải thuộc về Hội Thánh qua những cách thế khác nhau. (x. LG 14–16). Thật may mắn là Thiên Chúa luôn sẵn lòng kêu gọi hết mọi người trở nên con Chúa. Kẻ trước người sau đều nhận được sự ưu ái này.

Khi đó chúng ta có một Người Cha tốt lành, và chúng ta là anh em với nhau. Dù nên con Chúa sớm hay muộn, mỗi người đều xứng đáng hưởng những phần thưởng Chúa trao. Chỉ những ai yêu mến đủ, họ mới vui với người vui, khóc với người khóc (Rm 12,15). Nếu những người vào làm trước chúc mừng cho những người vào làm sau, trong bối cảnh này, thì thật đẹp biết mấy. Bởi vậy, người con của Chúa hạnh phúc khi thấy ai đó gia nhập vào Giáo Hội. Ước sao chúng ta cùng nhau đón nhận những gì Thiên Chúa ban cho.

Ai cũng nhận được một quan tiền”. Đó là ân sủng của Thiên Chúa luôn đổ xuống trên con người. Ai cũng nhận như nhau. Bạn nghĩ sao khi chúng ta so sánh ơn Chúa lớn hoặc nhỏ. Mọi ơn lành của Chúa đều như nhau! Đừng quên Ngài biết điều gì tốt cho từng người. Trong ý hướng này, có nhà thần học ví von rằng: Công bằng mà không thương xót là không yêu thương, thương xót mà không công bằng là giảm giá cả hai.” (Friedrich Von Bodelschwingh). Trong hoàn cảnh này, tôi và bạn nhận được ân huệ của Chúa như thế là tốt nhất. Trong hoàn cảnh khác, Chúa lại ban cho chúng ta sự trợ giúp cần thiết. Ân huệ để nói lên rằng Thiên Chúa luôn công bằng và Ngài biết” cách để cứu độ con người. Thật đúng như lời Thánh Phaolô chia sẻ với chúng ta: Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu.” (1 Tx 5,18).

Thật lãng phí thời gian nếu ngồi so bì người này may mắn, người kia được yêu mến hơn. Thiên Chúa muốn mỗi người sống như chính mình. Hãy nên thánh theo phong cách của mình. Chúa chọn gọi bạn và tôi vào làm vườn nho của Chúa là một may mắn. Chúa càng vui hơn khi chúng ta có những cách nên thánh, cách riêng để chăm bón cho Vườn Nho của Chúa. Bạn nghĩ sao khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn với người trẻ:

Các con phải khám phá ra các con là ai và phát triển cách sống riêng của mình để nên thánh, bất chấp người khác nói gì hay nghĩ gì. Nên thánh có nghĩa là trở nên chính mình cách đầy đủ hơn, trở thành con người mà Thiên Chúa đã muốn mơ ước và dựng nên, chứ không phải một bản sao.” (Đức Kitô Sống 162).

Trong ý nghĩa đó, Thiên Chúa có cách rất riêng để làm cho mỗi người hạnh phúc trong Vườn Nho. Chúa sẽ trách tôi và bạn, nếu chúng ta có lối nhìn so bì, đòi hỏi và ghen tuông. Nhiều khi chúng mình quên mất: “Thiên Chúa có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của Ngài!” (Mt 20,15). Sẽ bi đát nếu chúng ta cứ đòi Thiên Chúa ban ân sủng cho mình như người khác. Trong khi đó, Chúa đang đối xử, đang ưu ái dành nhiều tình yêu cho bạn và tôi. Lúc này và ở đây.  

Nếu cứ chăm chú vào cách ông chủ trả lương, chúng ta sẽ quên mất khía cạnh tốt lành của Thiên Chúa. Chẳng lẽ Ngài tốt lành lại ưu đãi người này, trù dập người khác. Không! Ông Chủ là Thiên Chúa luôn đối xử với con người bằng tình yêu. Công bằng và tình yêu luôn đi với nhau. Bởi thế từ xa xưa, dân chúa đã cầu nguyện rằng: Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin xử cho con theo lẽ công bình của Chúa.” (Tv 35,24).

Để kết thúc, rõ ràng cách Thiên Chúa đối xử với con người luôn dựa trên tình yêu và lòng thương xót. Ngài chẳng bất công với người được gọi vào trước. “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao?” (Mt 20,13). Chìa khóa cho cách hành xử của ông chủ là tình yêu. Chúa chẳng ghét người vào trước, không ruồng bỏ người vào sau. Trong ánh mắt Chúa, mỗi người đều quý giá và độc nhất. Tuy nhiên, các Chúa ban ân sủng cho mỗi người có khi khác nhau. Lý do là Ngài hiểu thân phận của từng người, biết nhu cầu của mỗi người.

Lạy Chúa Giêsu, được Chúa gọi vào làm trong Vườn Nho của Chúa là một hạnh phúc lớn lao. Nơi ấy chúng con được chung chia hạnh phúc với anh chị em đồng loại. Giả như có ai đó may mắn” hơn con, xin giúp con chia vui với họ. Nếu ai đó bất hạnh” hơn con, xin cho con chia bớt nỗi đau của họ. Được như thế, con thấy lúc nào Chúa cũng dành phần tốt nhất cho con người. Ngài trả công theo cách của tình yêu, của con tim đầy lòng trắc ẩn. Amen.

Chúa Nhật XXV Thường Niên - Năm A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 20, 1-16a).
 
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.
Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”.
Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: “Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết.” Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng.
Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao”? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?” Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.
 
Suy niệm
 
Tình yêu thương vẫn là một động lực rất cần thiết, giúp con người có thêm nghị lực sống, giúp con người có thêm sức mạnh để làm việc, giúp con người có thêm lòng bao dung để tha thứ, để đón nhận và hơn nữa là để hy sinh cho nhau và vì nhau. Tuần lễ 25 thường niên trở về, Lời Chúa mời con cái hãy sống với nhau bằng một tình yêu thương thực sự, một tình yêu thương được phóng chiếu từ Thiên Chúa, qua nguồn suối bí tích của Mẹ Giáo hội, và qua nhịp cầu cuộc đời của mỗi người môn đệ Đức Giêsu, Đấng đã chịu chết vì yêu và đã sống lại, để đưa tất cả mọi người đi vào quỹ đạo tình yêu của Chúa Cha.
Trong cuộc đời ngôn sứ của mình, tiên tri Isaia đã không ít lần băn khoăn về hiện trạng sống đạo của dân chúng, ông trăn trở không biết vì sao Gia-vê không giúp họ vượt thoát khỏi những hố sâu tội lỗi, rồi có những lúc, ông thấy Gia-vê đã dẫn họ đi theo một lối nẻo khác mà ông không bao giờ nghĩ tới. Trước những kế hoạch cứu độ của Gia-vê như thế, tiên tri Isaia đành nhận chịu sự thất bại, trong hành trình đức tin u ám như thế, Gia-vê đã lên tiếng với ông: “Vì tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy”. Làm sao con người hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa, làm sao con người có thể hiểu được ý định của Ngài trong chương trình cứu độ thế giới. Vì là một tạo vật, con người chưa dám chấp nhận sự thật là thế, chỉ biết đòi hỏi sự công bằng, đòi hỏi sự ưu ái đến từ Gia-vê, trong khi họ sống với nhau thiếu sự công bằng chứ chưa nói đến tình yêu thương, thì làm sao hiểu được Thiên Chúa đang thi thố tình yêu của Ngài trên từng bước đi của dân riêng Ngài chọn và giúp họ sống hoàn thiện mỗi ngày. Trước bao sự việc Thiên Chúa đã và đang làm, tiên tri Isaia chỉ biết khuyên bảo dân chúng rằng: “Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót; hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ”.
 
Suốt hành trình truyền giáo của mình, thánh Phaolô đã thiết lập và hướng dẫn rất nhiều cộng đoàn giáo hội, mỗi cộng đoàn, thánh nhân hiểu rõ những khó khăn, những vướng mắc và cả những tật xấu của họ thường mắc phải trong đời sống cộng đoàn, để giúp nhau sống đức tin, do đó, trong lá thư gởi cộng đoàn Philliphê, ngài đã nói lên niềm xác tín của ngài dành cho Thiên Chúa, đặc biệt cho đấng đã chết và sống lại vì ngài, lời bộc bạch đó như được lấy từ trái tim tan nát đã được chữa lành của ngài: “Anh em thân mến, dù tôi sống hay tôi chết, Ðức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi. Vì đối với tôi, sống là Ðức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Ðức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em”. Lời trần tình đó như là niềm xác tín và cũng là sức mạnh giúp thánh nhân phục vụ anh chị em trong tình yêu thương nhau như Thầy Chí Thánh đã dạy, chứ không dừng lại nơi những suy nghĩ và kế hoạch của thế gian. Sự hiện diện của người mục tử giữa đoàn chiên là sự hiện diện của tình thương chứ không là sự hiện diện của hình thức. thánh nhân đã ao ước được chết với Đức Giêsu phục sinh, nhưng tình yêu thương của người mục tử qua việc phục vụ, đòi hỏi nhiều hơn sự hy sinh đó, nên ngài đã cố gắng hiện diện với các cộng đoàn khi có thể, chứ không phải là một sự hiện diện theo chiếu lệ hay theo sự công bằng của thế gian.
 
Phục vụ tha nhân là việc làm đến từ tình yêu thương. Để có thể phục vụ đúng nghĩa, không chỉ dựa trên sự công bằng, bởi tột đỉnh của công bằng là một sự bất công, do đó, tinh thần phục vụ khởi đi từ sự công bằng nhưng tình yêu thương mới là kim chỉ nam cho người sống tinh thần đó. Dụ ngôn ông chủ thuê người làm vườn nho vào những khắc giờ khác nhau trong ngày, để rồi, cuối ngày, ông trả tiền công  cho họ theo như ông đã thỏa thuận ngay từ ban đầu. trong suy nghĩ của những người làm công, ai đến làm trước sẽ được lãnh tiền công nhiều hơn, và ai đến làm sau sẽ được nhận phần ít hơn. Đó là sự công bằng, thế nhưng, khi người quản lý trả tiền công cho họ, ông chủ đã đề nghị anh ta trả tiền theo lòng nhân từ của ông: “Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: “Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết.” Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng.Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao”? suy nghĩ của những người thợ làm công từ giờ thứ nhất không sai, bởi đó là sự công bằng, họ xứng đáng được vậy, nhưng họ đã thỏa thuận với ông chủ trước khi vào làm công, nên khi họ nhận được chừng đó tiền công là điều hiển nhiên, còn những người đến làm việc sau cùng, họ được lãnh bao nhiêu còn tùy thuộc vào lòng nhân từ của ông chủ, ông có quyền cho họ nhiều hay ít là quyền của ông. Ông đã thực hiện việc trả tiền công cho những người giúp việc không chỉ dựa trên sự công bằng nhưng là dựa trên tình thương, chính tình thương đó thể hiện lòng bao dung của người chủ vườn nho: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?” Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?”.
 
Ước mơ được giàu sang, được sung sướng, được đầy đủ tiện nghi trong cuộc sống là những điều ước điều tốt lành đối với con người. Ước mơ được trả công cao hơn những người khác khi làm công cho ông chủ, vẫn là điều bình thường của các công nhân. Những ước mơ và những tính toán của những người công nhân, tất cả đều dừng lại nơi sự công bằng trong cuộc sống. Đức Giêsu muốn dùng câu chuyện này để làm hiển lộ tấm lòng bao dung của Thiên Chúa dành cho con người. Nếu như Thiên Chúa thực hiện sự công bằng cho mỗi người trong cung cách sống đạo, trong đời phục vụ trong mỗi ơn gọi, liệu rằng con người có được lãnh đồng tiền công phúc nào nữa không, khi mà sự tính toán hơn thiệt, lòng ganh tị trổi lên khi thấy đồng tiền trước mặt, thái độ trốn tránh trách nhiệm khi được mời cộng tác. Mỗi ngày, Thiên Chúa vẫn trả tiền công cho con người nhưng Ngài không dựa trên sự công bằng mà tất cả dựa trên tình yêu thương. Thiên Chúa là tình yêu, nguồn suối tình yêu đó không bao giờ cạn kiệt, do đó, khi con người cộng tác với Ngài, để cuộc đời mỗi người như nhịp cầu cho dòng chảy tình yêu đó tuôn tràn tới mọi tâm hồn, mọi con người, thì người làm công cho Ngài sẽ nhận được muôn vàn ân huệ của tình yêu, một tình yêu không tính toán, một tình yêu không cần điều kiện.
 
Mỗi ơn gọi trong gia đình Giáo hội có những đặc sủng riêng biệt và cũng có những nét đặc thù trong đời sống hàng ngày. Bước vào trong mỗi hành trình đó, còn biết bao khó khăn, bao thăng trầm, bao cám dỗ, và bao thất bại. Ước mong lớn nhất của mỗi thành viên trong những ơn gọi ấy là chu toàn trọng trách được giao phó. Bởi thế, đời sống gia đình hôm nay, tính công bằng luôn được đặt làm tiêu chí để thể hiện sự bình đẳng giới. Vì đây là một ơn gọi, chiều kích thiêng liêng luôn là yếu tố cần quan tâm hơn, chứ không chỉ dừng lại tương quan bên ngoài. Để có được một tổ ấm thực sự, để có được một cộng đoàn yêu thương, yếu tố công bằng chưa phải là đủ, mà cần có tình yêu thương lẫn nhau, người cha, người mẹ cần có tình yêu thương gia đình, tình yêu thương con cái, anh chị em cũng vậy, nếu thiếu tình yêu thương, nhiều lúc chỉ sống bằng mặt mà không bằng lòng. Đó đang là vấn nạn ngày càng nhiều nơi các gia đình công giáo. Đời sống dâng hiến cũng vậy, vì giáo hội đang ở giữa lòng thế giới, nên những yếu tố, những xu hướng, những quan niệm thực dụng vẫn len lỏi đi vào các cộng đoàn, các dòng tu. Do đó, tính công bằng luôn được đặt lên bàn cân để phân phát, thiếu đi sự khiêm tốn, thiếu đi tinh thần phục vụ và hy sinh. Sống dâng hiến là sống cho tình yêu, sống với tình yêu và sống vì tình yêu, nếu vậy, đâu cần thiết phải có sự công bằng, nhưng là cần sự khiêm tốn và vâng phục, để xây dựng hội đoàn, xây dựng gia đình hội dòng trở thành một cộng đoàn huynh đệ tình yêu. Có như thế, giá trị của đời sống tu trì luôn được trân trọng, luôn được yêu mến nhiều. Tiếc rằng các thành viên chưa tìm được tiếng nói chung, chưa tìm gặp được Thầy Chí Thánh là Đức Giêsu đang hiện diện nơi mỗi thành viên cộng đoàn mình đang sống và đang giúp nhau tu trì.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã khơi thông dòng chảy tình yêu từ Chúa Cha đến cho con người qua mầu nhiệm thập giá khổ đau, từ đó tình yêu chảy tràn tới mỗi tâm hồn, xin cho chúng con học được nơi Chúa bài học của sự khiêm tốn và phục vụ, để dòng chảy tình yêu đó được chảy mãi tới mọi mảnh đất tâm hồn của tha nhân. Chúa đã tha thứ cho chúng con vô điều kiện để chúng con được giao hòa với Chúa Cha, xin cho chúng con biết học nơi Chúa tâm tình tha thứ khởi đi từ trái tim và tình yêu thương, để chúng con biết tha thứ cho nhau, biết sống với nhau, sống cùng nhau, và sống vì nhau trong gia đình của Chúa là Giáo hội. Amen.

CHÚA CÔNG MINH TRONG MỌI ĐƯỜNG LỐI CHÚA

(Chúa Nhật XXV TN A) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Sao tôi lại làm người trong thân phận này? Vóc dáng không cao, khuôn mặt không dễ nhìn, sắc tộc vào hàng thiểu số, gia cảnh thì nghèo hèn, hoàn cảnh xã hội quá khó khăn… Rất nhiều nỗi băn khoăn, đúng hơn là nỗi bất bình cho số phận mình, số phận bị chiếu bởi ngôi sao xấu nào đó. Chập chững vào tuổi thanh niên, nhiều bạn trẻ không ít lần phiền trách số phận bản thân với hiện trạng đang là của họ. Nhiều giấc mơ xuất hiện như một sự giải tỏa khát mong thầm kín: giá như tôi là thế này, giá như tôi được như kia… Trời xanh có công minh chăng khi có kẻ sinh ra đã là con vua, còn rất nhiều kẻ lại mang kiếp con nhà chùa?

Cùng với những người làm vườn nho từ sáng sớm hay gần cả ngày, chúng ta lắm khi tự hỏi rằng chúng ta cum cúp giữ đạo, chịu nhiều thua thiệt ở đời này so với rất nhiều bà con khác đạo và bà con không tôn giáo để rồi lại cũng sẽ lãnh mỗi người một đồng tiền lương sao? Nói gì đến bà con lương dân hay bà con khác đạo sống ngay lành, người thu thuế Chúa kể chuyện chỉ đấm ngực và xin: Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ có tội, chưa hết, cái anh tử tội năm nào bị treo trên thập giá cạnh Chúa, chỉ với lời cầu xin: “lạy Ngài khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi” thì đều được công chính hóa, được phúc thiên đàng. Thế thì sự công bình ở đâu?

“Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy” (Is 55,8-9).

Tư tưởng của Ta: Mọi người đều là hình ảnh của Ta, đều là con cái của Ta. Tất cả mọi người, ngươi và người khác đạo hay người chưa biết Ta, thậm chí người đang không nhận Ta, hết thảy không phải là cái gì xa lạ nhưng chính là hình ảnh của Ta, hết thảy không phải là là người nô lệ, kẻ làm thuê nhưng là con cái của Ta. Ta là người Cha nhân hậu, thiện toàn, cho mưa rơi đều xuống trên người con lành thánh lẫn đứa con bất lương, cho mặt trời mọc lên soi người con công chính lẫn đứa con tội lỗi. Ta chẳng hề muốn một đứa con nào phải hư mất. Ta kiên nhẫn và tạo dịp thuận lợi để những đứa con hư hỏng biết ăn năn sám hối và được sống. Đã là con cái, thì với Ta, đứa nào cũng là quý giá và không có gì sánh được, thậm chí Ta vui mừng vì tìm được đứa con lạc đường, xa nhà, hơn là chín mươi chín đứa con đang ở trong gia đình.

Vấn đề là ngươi cố tìm hiểu tư tưởng của Ta, tấm lòng của Ta. Hiểu được lòng trí của Ta thì ngươi sẽ nhận ra người đồng loại, dù đó là người tội lỗi, người khác niềm tin, người khác chính kiến… họ thảy đều là anh chị em của ngươi. “Anh em như thể tay chân”. Ước gì ngươi cảm nhận được chân lý này.

Đường lối của Ta: Ta xử với con cái không như những gì chúng đã làm, mà như chúng đang là. Ông chủ vườn nho đã đối xử với với đám nhân công không như họ đã làm được những gì, mà như họ là công nhân của ông ta. Có thế thôi. Vậy, Ta vốn là người Cha giàu lòng thương xót lại không đối xử với đàn con như chúng là con của Ta, những đứa con mà ta đã nhận làm dưỡng tử qua chính Con Một Ta hay sao?

Chính các ngươi là người cha, người mẹ trần gian còn vương nhiều điều gian ác mà còn biết lấy của tốt mà trao cho con cái, còn biết lo lắng cho đứa con trong nôi chưa làm được sự gì, một lẽ tất yếu là vì chúng là con cái các ngươi. Thế thì sao các ngươi lại bực mình khi Ta tỏ lòng nhân hậu với những người hèn kém, những người tội lỗi… vì chúng nó cũng như các ngươi thảy đều là con cái của Ta.

Tư tưởng của các ngươi và đường lối của các ngươi tuy có bị tội lỗi làm sai lệch nhưng tiên vàn vẫn là do Ta đặt để ngay từ đầu buổi tạo dựng. Chính vì thế, tư tưởng của Ta và đường lối của Ta tuy có cao xa hơn tưởng và đường lối các ngươi nhưng vẫn có nét nào đó nơi tư tưởng và đường lối các ngươi, dĩ nhiên là chúng cần phải được chỉnh hướng.

Một vài cách thế chỉnh hướng tư tưởng và đường lối của các ngươi: Hãy mở lòng để lắng nghe lời Con Một của Ta, Giêsu Kitô:

1. Lạy Cha chúng con ở trên trời (Mt 6,9): Lời kinh nguyện duy nhất mà Con Một của Ta chỉ dạy các ngươi khi cầu nguyện, nhắc nhở các ngươi hãy xác định đúng vị thế các ngươi trước mặt Ta và trước tha nhân, bất kể họ là người thế nào. Ta là người Cha duy nhất và tất cả các ngươi đều là anh chị em với nhau cùng với người anh cả là Con Một của Ta nhập thể làm người, Giêsu Kitô. Các người đừng quên rằng sự thường trong các buổi cử hành Phụng vụ, các người đều có cất lên lời kinh nguyện này: Lạy Cha chúng con ở trên trời…

2. Những gì các ngươi muốn người ta làm cho mình thì hãy làm những điều ấy cho người ta (Mt 7,12). Không dừng lại ở thái độ tiêu cực là đừng làm cho tha nhân những gì mình không muốn tha nhân làm cho mình mà cần phải tích cực làm những điều tốt đẹp cho tha nhân. Vì tất cả lề luật và lời Ngôn sứ đều quy về đó. Điều này sẽ thành hiện thực khi các ngươi chân nhận tha nhân là huynh đệ nghĩa thiết của các ngươi. Đã là huynh đệ nghĩa thiết, tình như thủ túc, như chân tay mình, như chính bản thân mình thì chuyện ganh tị, đố kỵ sẽ chẳng còn lý do gì để tồn tại.

Trở lại với sự băn khoăn hay nỗi bất bình về số phận xem ra chẳng may của nhiều người thì thú thật sẽ khó có lời giải thích thỏa lòng. Cùng tốt nghiệp cử nhân hạng ưu như nhau, nhưng một bạn trẻ xuất thân từ gia đình nghèo hèn, thiếu điều kiện, sẽ có niềm vui khác xa một bạn trẻ con nhà giàu có, đủ đầy điều kiện. Một thực tế của cuộc sống, hy vọng có thể giúp nhiều người thoạt sinh ra đã ở trong hoàn cảnh thiếu may mắn, xét dưới nhãn quan nhân loại. Dù Hy Lạp hay Do Thái, dù nô lệ hay tự do thì cái đích đến là được làm con cái Chúa, được hưởng hạnh phúc Nước Trời, thì đều ở trong tầm tay của mọi người. Hơn nữa dưới nhãn quan Tin Mừng thì những người xem ra kém may mắn, lại có nhiều thuận lợi để đạt đến hạnh phúc Nước Trời hơn. Chúa Kitô đã khẳng định chân lý này qua các mối phúc, cũng như các mối họa (x.Lc 6,20-26).

Dù ở trong hoàn cảnh thuận lợi hay không thuận lợi theo nhãn quan nhân loại hay theo nhãn quan Tin Mừng thì mọi sự tốt đẹp đều là có thể, nếu như chúng ta xem nhau như anh chị em. Xin được kết thúc những dòng chia sẻ này bằng câu chuyện sau: Trong một cuộc thi điền kinh môn chạy đường dài (Maraton), có hai anh em ruột cùng tham gia thi chạy với nhiều người khác. Còn khoảng một trăm mét là đến đích, về nhất. Người anh ngoái đằng sau thấy em mình cũng bỏ đoàn chạy phía sau khá xa, nhưng dường như đang bị chấn thương nào đó nên phải khập khiễng trên đoạn đường cuối. Người anh dừng lại chờ người em đến và dìu người em chạy nốt đoạn ngắn còn lại. Đứng trước vạch đích, hai anh em cùng hô một hai ba: chạm đích. Ban tổ chức hôm ấy đã phải trao hai huy chương vàng, dù không thể tiên liệu. Mọi sự đều là có thể trong tình yêu, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


 
 
 

[1] 20 -9-2020: Chúa Nhật 25 mùa TN. Mt 20,1-16

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây