TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên -Năm A

09/10/2023 09:23:14 |   899

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên -Năm A

cn28 TNa

Mt 22,1-14


Ngày 15 tháng 10: Lạy Mẹ Mân Côi! Mẹ được gọi là Đấng Hiệp Công Cứu Chuộc cùng với Đức Giêsu, Con của Mẹ. Mẹ đã làm gì để được Hội Thánh ca khen với danh hiệu cao trọng như thế? Việc mà Mẹ làm, là chẳng làm gì cả, ngoài việc thưa tiếng: “Xin Vâng”. Mẹ chẳng làm gì, nên Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả. Mẹ hoàn toàn buông mình theo ân sủng, nên Mẹ là Đấng Toàn Phúc, còn chúng con cứ giành làm với Chúa, nên chúng con thì toàn là họa. Mẹ như chiếc lá khô hoàn toàn buông mình theo làn gió Thánh Thần, nên Mẹ là Đấng Đầy Ân Sủng, còn chúng con không để Chúa làm, nên chúng con thì đầy hoạn nạn, khổ đau. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXVIII Thường Niên -Năm A

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta nghe dụ ngôn bữa tiệc cưới. Mỗi người chúng ta đều được mời đến dự bữa tiệc này, nghĩa là đến với vương quốc mà Chúa Kitô đã đến thiết lập trên trần gian. Chúa mời loài người đến dự tiệc cưới Con Chiên. Thế nhưng biết bao người đã từ chối lời mời đó, thích làm việc riêng của mình, sinh nhai hoặc đeo đuổi lạc thú riêng. Nếu chúng ta biết đáp lại lời kêu gọi của Chúa mà mặc áo cưới để xứng đáng ngồi vào Bàn Tiệc Thánh, thì cuộc sống của chúng ta sẽ sáng ngời với niềm vui mỗi ngày. Cuộc đời chúng ta sẽ là một ngày lễ, mặc dù thử thách và lo âu thế nào. Chúng ta cùng nhau xin Chúa thứ tha để xứng đáng cử hành Thánh Lễ.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, lạy Chúa, nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, nào ai chịu nổi được ư? Vì lạy Thiên Chúa Is-ra-el, Chúa thường rộng lượng thứ tha.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy, Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 25, 6-10a

“Chúa mời đến dự tiệc của Người và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người, vì Người đã phán. Ngày đó, người ta sẽ nói: Này đây Chúa chúng ta. Ðây là Chúa, nơi Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu độ, vì Chúa sẽ đặt tay của Người trên núi này.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài

Xướng: Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.

Xướng: Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. – (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con.

Xướng: Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.

Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo con hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, con sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

Bài Ðọc II: Pl 4, 12-14. 19-20

“Tôi có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, tôi biết chịu thiếu thốn và biết hưởng sung túc. Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn. Tôi có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi. Nhưng anh em đã hành động chí lý khi san sẻ nỗi quẫn bách của tôi. Xin Thiên Chúa cung cấp dư dật những nhu cầu của anh em, theo sự phú túc vinh sang của Người trong Ðức Giêsu Kitô. Vinh danh Thiên Chúa là Cha chúng ta muôn đời. Amen!

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: x. Cv 16, 14b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời Con của Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 22, 1-10 {hoặc 1-14}

“Các ngươi gặp bất cứ ai, thì hãy mời vào dự tiệc cưới”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới”. Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.

{Ðoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: “Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?” Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít”.}

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Chúa Cha làm cho chúng ta gia nhập gia đình của Ngài. Ngài còn mời gọi chúng ta đón nhận lời Ngài. Giờ đây chúng ta dâng lên Chúa những lời khẩn nguyện.

1. Chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội, thành đô của Chúa được xây dựng trên núi, luôn là muối và ánh sáng cho trần gian, ngõ hầu Giáo Hội mang lại hương vị cho cuộc sống nhân loại.

2. Chúng ta cầu nguyện, xin Thiên Chúa là niềm hy vọng của các dân tộc. Xin cho các nhà lãnh đạo các quốc gia trở thành khí cụ bình an, và nỗ lực loại trừ chiến tranh ra khỏi mặt đất này.

3. Chúng ta cầu nguyện, xin Chúa nhớ đến giao ước mà Ngài đã thiết lập trong thời Cựu Ước và Tân Ước. Xin cho các dân tộc đón nhận lời mời gọi của Chúa mà bước vào sống hiệp thông với Ngài.

4. Chúng ta cầu nguyện, xin Chúa nhìn đến nỗi yếu hèn của mỗi người trong cộng đoàn chúng ta, mà ban cho chúng ta trở thành chứng nhân niềm vui ơn cứu độ của Chúa cho mọi người.

Chủ tế: Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha. Hôm nay, cùng với Giáo Hội, Cha mời gọi chúng con cử hành tiệc Thánh Thể với Chúa Giêsu, Con Cha. Xin cho mọi người trên khắp cùng thế giới thành tâm đón nhận lời mời gọi của Cha, để trong tiệc Thánh Thể họ trở thành một thân thể duy nhất. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận những lời cầu xin và lễ vật chúng con dâng tiến, để làm cho thánh lễ chúng con đang sốt sắng cử hành mở đường dẫn chúng con tới quê trời vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Bọn giàu sang đã sa cơ nghèo đói; nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo.

Hoặc đọc:

Khi Chúa tỏ mình ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng cao cả. Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô làm của ăn nuôi dưỡng chúng con; chúng con nài xin Chúa cho chúng con được chia sẻ chức vị làm con Chúa với Người, Người hằng sống và hiển trị muôn đời…

Suy niệm

Lời mời gọi

Tại một xứ đạo ở một thành phố lớn, trong lớp giáo lý cha sở để ý thấy một em nhỏ xanh xao khoảng 13 tuổi. Ngày kia em đến với cha và cặp mắt đỏ hoe, em nói: Con không thể xưng tội rước lễ lần đầu. Tại sao? Vì cha mẹ con ngăn cấm. Cha sở bảo: Con thử về xin phép cha mẹ con một lần nữa xem thế nào? Mấy ngày sau, em lại đến với một điệu bộ thất vọng: Không được đâu cha ạ, bố mẹ con đã nổi nóng và đã đánh con. Cha sở an ủi: Con hãy cầu nguyện và Chúa sẽ giúp đỡ con. Ngày trọng đại đã đến nhưng vẫn không có em nhỏ trong số những em được xưng tội rước lễ lần đầu. Rồi một tuần sau, vào một buổi sáng, em chạy đến nhà xứ, hổn hển thưa: Xin cha giải tội cho con, kẻo mẹ con hay biết. Cha sở giải tội cho em rồi nói: Bây giờ con hãy về kẻo má con biết được. Em do dự một lát rồi nói với một giọng van xin: Cha có thể cho con rước lễ được chứ? Dĩ nhiên cha sở chấp thuận và ngài đã phát biểu: Tôi đã tổ chức nhiều cuộc xưng tội rước lễ lần đầu một cách trọng thể nhưng không lần nào làm tôi cảm động cho bằng lần này.

Chúng ta cũng vậy, có lẽ chúng ta cảm phục em bé đói khát Mình Máu Thánh Chúa. Trong khi đó những người khách trong đoạn Tin Mừng sáng hôm nay lại có một thái độ lãnh đạm. Họ đã được mời nhưng lại không đến. Nhưng đâu là ý nghĩa của dụ ngôn?

Vào thời Chúa Giêsu những kẻ được mời là những người Do Thái. Còn bây giờ những kẻ được mời lại là những Kitô hữu. Mọi sự đã sẵn ngay từ lúc chúng ta còn nhỏ bé: Các bí tích và những ơn lành của Chúa. Hằng tuần bàn tiệc Thánh Thể và bàn tiệc Lời Chúa cũng đã được dọn sẵn. Chúa vẫn kêu mời: Hãy đến vì tất cả đã sẵn. Nhưng người ta đã đưa ra những lý do: tậu bò, cưới vợ, mua đất để từ chối. Nếu chúng ta coi bí tích Thánh Thể là một quà tặng quý giá và chúng ta là những kẻ túng thiếu thì lẽ nào chúng ta lại từ chối.

Không phải chúng ta chỉ là những khách dự tiệc, mà hơn thế nữa, chúng ta còn là những gia nhân của Chúa, chúng ta có bổn phận tiếp tay với Chúa và kêu mời những người khác còn ở ngoài đường trở về bàn tiệc của Chúa qua những hoạt động tông đồ và truyền giáo. Thiên Chúa muốn rằng mọi người đều được dự tiệc vì phòng tiệc thì lúc nào cũng còn chỗ. Những kẻ còn ở ngoài đường, còn ở ngoài Giáo Hội, đó là những anh em lương dân chưa nhận biết Chúa, nhất là những người khổ đau và túng thiếu, chúng ta không được phép bỏ rơi họ.

Phương thế hiệu nghiệm hơn cả để cảm hoá họ, đó chính là tình thương, đó chính là bác ái được biểu lộ qua việc thăm viếng và giúp đỡ. Nhờ tình thương và bác ái, chúng ta sẽ gây được những cảm tình tốt đẹp và tạo được những điều kiện cần thiết, để rồi một ngày kia họ quay trở về với Chúa và nhất là họ sẽ hưởng được sự dịu ngọt tình thương của Chúa và tiệc cưới chính là niềm hạnh phúc Nước Trời mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho họ.

Tiệc cưới

Đâu là ý nghĩa của dụ ngôn chúng ta vừa nghe?

Nhà vua là Thiên Chúa, hoàng tử là Đức Kitô, tiệc cưới là hình ảnh tượng trưng cho sự kết hợp giữa Đức Kitô và Giáo Hội. Những kẻ được mời trước là dân Do Thái, và họ đã từ khước. Những đầy tớ được sai đến là các tiên tri, mà những lời giảng dạy chỉ là những tiếng kêu trong sa mạc và bản thân thì bị ngược đãi…Những đầy tớ được sai tiếp theo là các tông đồ, có nhiệm vụ chiếu tỏa ánh sáng Tin mừng để dẫn đưa mọi người tới niềm hạnh phúc nước trời. Thế nhưng nhiều kẻ cũng đã từ chối sứ điệp Tin mừng, bắt bớ và hành hạ những người được Chúa sai đến. Phải chăng Giêrusalem đã bị phá hủy tan hoang cũng chỉ vì họ đã không biết đến ngày giờ Chúa viếng thăm.

Tiệc cưới nói lên niềm hạnh phúc nước trời, cũng như niềm vui của Bí tích Thánh Thể. Vì dân Do Thái đã từ chối, nên Thiên Chúa đã mời gọi những người khác, thuộc mọi quốc gia, thuộc mọi màu da, thuộc mọi tiếng nói, làm nên một dân riêng mới trong đó có mỗi người chúng ta.

Thế nhưng chúng ta hãy lưu ý: Đừng hành động như những người Do Thái, đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ trước tiếng gọi ân tình của Thiên Chúa.

Ngày xưa họ đã đưa ra những lý do, nào là tôi mới mua đất, mới tậu bò, mới cưới vợ… thì ngày nay chúng ta cũng có thể đưa ra những lý do như thế từ từ khước lời mời gọi của Thiên Chúa.

Và như chúng ta đã biết, Thiên Chúa là Đấng nhân từ, Ngài luôn tôn trọng sự tự do của chúng ta, nên Ngài không muốn cưỡng bức chúng ta phải đáp trả tình thương của Ngài. Tự bản thân chúng ta phải ý thức, để rồi có những thái độ đáp trả cho đúng mức.

Nước trời phải là viên ngọc quí để chúng ta dám hy sinh cả gia tài cho viên ngọc ấy. Nước trời phải là một kho tàng để chúng ta dám bán tất cả mà mua cho được thửa ruộng có kho tàng ấy. Nước trời phải là miền đất hứa, ở đó chảy sữa và mật để chúng ta bước tới, phải là bữa tiệc cho chúng ta tham dự.

Thế nhưng chúng ta không được phép đến tham dự bữa tiệc ấy với bộ quần áo lem luốc và bẩn thỉu. Không cần phải bỏ tiền ra mua sắm những thứ vải ngoại quốc đắt giá… Không cần phải là ông hoàng bà chúa mới có được tấm áo cưới.

Bộ áo cưới ở đây, ai trong chúng ta cũng có thể mua sắm mà không phải tốn kém chi hết, đó chính là tâm hồn trong sạch của chúng ta. Càng nghèo vật chất chúng ta càng dễ làm cho tâm hồn mình trở nên xinh đẹp. Bởi vì như một lời nói của Léon Bloy đáng cho chúng ta suy nghĩ:

– Không phải là ngày mai hay ngày mốt nhưng là chính ngày hôm nay chúng ta có thể bước vào thiên đàng, khi chúng ta sống nghèo khó và chịu đóng đinh.

Nghèo khó và chịu đóng đinh, phải chăng đó là điều mà con người thời nay không thể nào chịu đựng nổi. Chính vì thế, kẻ gọi thì nhiều còn người được chọn thì ít. Không phải ai cũng có thể vào được nước trời. Chúa Giêsu muốn tất cả chúng ta được cứu rỗi, chính vì thế mà Ngài đã phải chết trên thập giá. Nhưng Ngài không cưỡng bức chúng ta, Ngài đòi chúng ta phải cộng tác với Ngài, bởi vì chúng ta có thể từ chối ơn Ngài. Chúng ta hãy khắc ghi lời cảnh cáo sau đây của thánh Phaolô:

– Gieo gì thì gặt nấy. Gieo trong xác thịt thì sẽ gặt sự hư nát, gieo trong thần khí thì sẽ gặt cuộc sống vĩnh cửu.

Mặc áo cưới
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Với tình thương yêu, Thiên Chúa dọn tiệc mời.

Đọc dụ ngôn tiệc cưới, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước tình yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa mời con người đến dự tiệc cưới Con của Người. Điều đó chứng tỏ Thiên Chúa yêu thương con người.

Đó là một tình yêu nhưng không.

Thiên Chúa là vị vua cao sang. Ta chỉ là đám tiện dân hèn hạ. Sao Chúa lại mời ta. Theo lẽ thường ở đời người ta chỉ mời những người ngang vai bằng vế. Một bữa tiệc thường có mục đích củng cố uy tín của chủ nhân và ràng buộc khách mời vị vọng để khi hữu sự cần nhờ. Vua Trời mời tiện dân hèn hạ thì có lợi gì. Không những hèn hạ mà còn đui, què, mẻ, sứt nữa. Ta là những hạng rác rưởi của xã hội, chẳng có gì đền đáp cho chủ nhân. Chẳng đem lại một chút vinh dự nào cho chủ nhân. Thế mà Người vẫn mời ta. Rõ ràng là do tình thương của Người. Đó là tình yêu nhưng không. Người không mong ta có gì đền đáp. Người mời ta chỉ vì yêu thương ta mà thôi.

Đó là tình yêu chia sẻ.

Thiên Chúa tràn đầy vinh quang không còn thiếu thốn gì. Tại sao Người còn mời những con người hèn hạ vào Nước Trời làm gì cho thêm bận. Thưa vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Người vô biên nên Người khao khát chia sẻ. Người vô cùng tốt lành nên Người muốn thông ban hạnh phúc cho loài người. Tình yêu mãnh liệt khiến người nảy sinh những sáng kiến kỳ diệu. Cho Con Một mặc lấy bản tình loài người để nâng loài người lên. Mời gọi loài người vào hưởng hạnh phúc với Người. Nâng loài người hèn hạ lên bậc thượng khách trong tiệc cưới. Nâng loài người tôi tớ lên hàng con cái trong Nước Trời. Đưa nhân loại bơ vơ đầu đường xó chợ vào ngồi đồng bàn với hàng thần thánh trên trời.

Chẳng có gì có thể giải thích được thái độ của Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu. Đó là một tình yêu vô cùng mãnh liệt và hoàn toàn vô vị lợi. Tình yêu muốn chia sẻ hết những gì mình có. Tình yêu hoàn toàn vì người mình yêu. Mong muốn mọi sự tốt đẹp cho người mình yêu.

Tôi phải mặc áo cưới tới dự.

Tình yêu Thiên Chúa tha thiết nhưng vẫn tôn trọng tự do. Trước lời mời gọi của Thiên Chúa, tôi có thể nhận lời hoặc chối từ. Khi dọn tiệc, Chúa mong tôi tới dự. Khi mở rộng cửa trời, Chúa mong tôi bước vào. Khi mời gọi, Chúa mong tôi trả lời. Khi bày tỏ tình yêu, Chúa mong tôi đền đáp. Tuy nhiên, nhận lời đền đáp đòi phải có điều kiện. Đến dự tiệc cưới phải mặc áo cưới.

Mặc áo cưới là mặc lấy nhân phẩm. Được mời vào dự tiệc cưới Con Vua, tôi không còn là phường rác rưởi của xã hội nữa. Tôi đã được Chúa trân trọng. Nâng lên hàng thượng khách, là khách mời của Vua. Mặc áo cưới ở đây là tự trọng, cư xử như người tự do. Chúa đã phục hồi nhân phẩm cho tôi, tôi phải trân trọng giữ gìn.

Mặc áo cưới là mặc lấy tình yêu. Vì yêu thương Chúa đã mời tôi vào chung hưởng hạnh phúc với Người trong tiệc cưới. Đáp lại, tôi phải có tình yêu mến đối với Người. Tình yêu đáp đền tình yêu. Mặc áo cưới là trân trọng tình yêu của Chúa, là muốn đáp lại tình yêu của Chúa.

Mặc áo cưới là mặc lấy Chúa Kitô (x. Gl 3,27). Được ơn cứu độ, ta trở thành em Chúa Kitô, vì thế ta phải noi gương Người mặc lấy tâm tình người con được Cha yêu thương và biết lấy tâm tình hiếu thảo đáp lại tình Cha. Mặc lấy Chúa Kitô cũng là mặc lấy con người mới là hình ảnh của Thiên Chúa công chính và thánh thiện (x. Ep 4,24).

Thiên Chúa yêu thương mời gọi ta vào hưởng hạnh phúc Nước Trời. Đáp lại, ta phải đổi mới đời sống cho phù hợp với Nước Chúa, với tình yêu của Chúa và với địa vị mới của ta.

Lạy Chúa, xin cho con biết mạnh dạn đáp lại lời Chúa mời gọi.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Hằng ngày Chúa vẫn mời gọi tôi đến dự tiệc Thánh Thể, tôi có mau mắn đáp lời hay tôi thường từ chối?

2) Mặc áo cưới là theo Chúa quyết liệt, không nửa vời tôi theo đạo nhưng tôi có thực hành Lời Chúa không?

3) Bạn phải làm những gì để được coi là “mặc áo cưới”?

 

VÌ ĐƯỢC TRỞ NÊN XỨNG ĐÁNG
Nhà vua bảo đầy tớ: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.”
(Mt 22,1-14)

Suy niệm: Chúa Giê-su dùng dụ ngôn để sánh ví Nước Trời như một tiệc cưới linh đình. Nhưng những khách mời ưu tiên, là dân Ít-ra-en, dân được tuyển chọn của Thiên Chúa, và thành phần ‘chóp của đỉnh’ trong số đó là các thượng tế và kỳ mục, tưởng rằng mình ‘ngon ăn’ nhưng lại bị coi là “không xứng đáng”, lại ‘bắt hụt’ bữa tiệc cưới của Nước Trời. Ngược lại, những kẻ vô danh đang xuôi ngược ở “khắp các ngả đường” lại được mời vào thành thực khách ngồi đầy phòng tiệc. Những vị khách VIP kia bị loại ra ngoài chỉ vì “không đếm xỉa” tới vinh dự mình được hưởng, vì đã không coi trọng bữa tiệc cao quý mình được mời, mà chạy theo những mối bận tâm tầm thường của họ. Họ đã coi khinh chính Vị Vua Cao cả đã coi trọng họ khi mời gọi họ đến dự tiệc cưới con của ngài.

Bạn thân mến, không ai trong chúng ta xứng đáng trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta ‘được coi là xứng đáng’, đúng hơn, ‘được trở nên xứng đáng’ hưởng Tiệc Cưới Con Chiên trên Nước Trời (x. Kh 19,6-9) không phải vì công trạng của chúng ta mà là nhờ tình yêu bao dung của Thiên Chúa. Khi biết mình thật diễm phúc và vinh dự được Chúa mời gọi dự phần với Ngài, bạn sẵn sàng ưu tiên chọn Chúa làm gia nghiệp trên mọi sự chóng qua đời này chứ?

Sống Lời Chúa: Bạn dành cho việc thờ phượng Chúa, cầu nguyện,… chỗ ưu tiên nhất trước mọi việc khác trong ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa chọn con không phải vì con xứng đáng. Xin cho con biết chọn chính Chúa là điều tốt nhất mà Chúa ưu ái dành cho. A-men.

 

TÌNH YÊU BỊ TỪ CHỐI
Chúa Nhật 28 Thường Niên năm A: Mt 22, 1-14 - Lm. Thái Nguyên

LmTN 111023a

 

Suy niệm

Một ông vua mở tiệc cưới cho con mình và sai các đầy tớ đi mời các quan khách đến dự tiệc. Các đầy tớ đến mời lần thứ nhất, họ không đến. Chủ lại cho nhóm đầy tớ khác đến mời lần thứ hai, nhưng họ không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đây tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. Ta có thể gọi tên của dụ ngôn này là “Tình yêu bị từ chối”: Thiên Chúa bị từ chối khi mời gọi con người đến tham dự niềm vui Nước Trời.

Chúng ta dễ có một hình ảnh về Thiên Chúa thật nghiêm khắc, cấm đoán, hay trừng phạt. Ở đây ta bắt gặp một Thiên Chúa tha thiết muốn chia sẻ niềm vui và hạnh phúc cho con người. Ngài cần con người đáp lại lời mời đó để tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn. Qua dụ ngôn ta có cảm thấy được nỗi chờ mong của Thiên Chúa khi khách được mời không đến? Ta có cảm được nỗi đau của Thiên Chúa khi con người hờ hững trước bữa tiệc mà Ngài đã đặt vào đó cả tấm lòng?

Dân Do Thái được Thiên Chúa chính thức mời dự tiệc, nhưng họ đã khước từ và giết cả các ngôn sứ được sai đến. Họ không cảm thấy được vinh hạnh mà còn khinh thường và xúc phạm nặng nề, một sự phụ bạc trắng trợn trước tình yêu mà Thiên Chúa dành cho họ. Cũng giống như người Do Thái, chúng ta dễ đưa ra nhiều lý do để thoái thác không muốn đến với Chúa, không muốn đáp lại lời mời gọi tình yêu của Chúa. Các lý do từ chối có thể gom lại 2 loại lo làm ăn và lo hưởng thụ. Vì mê làm ăn nên ta không còn quan tâm gì đến lời mời gọi của Chúa, vì quá lo hưởng thụ đời này nên ta chẳng còn ham chuộng hạnh phúc đời sau.

Con người thời nào cũng thế, dễ chạy theo lối sống thực dụng, đánh mất tính cách cao quí và khả năng vươn cao tỏa sáng của đời mình. Những lợi lộc trước mắt khiến người ta mờ mắt, không còn thấy được những điều cao trọng Chúa dành cho mình. Thế là bữa tiệc linh thánh vốn dành cho khách quý là những người được tuyển chọn, nay trở thành bữa tiệc dành cho tất cả mọi người không trừ ai, bất luận người tốt hay kẻ xấu, trong đó có chúng ta hôm nay, được mời gọi và gia nhập Hội Thánh Chúa qua Bí tích Rửa tội. Ðược làm con cái Chúa, được sống trong Hội Thánh là một ân huệ trên hết mọi ân huệ, nên trước hết ta phải tận dụng mọi cơ hội để sống thuộc về Chúa.

Tuy nhiên, trên đời sống đạo thực tế, chúng ta cũng dễ thoái thác trước lời mời của Chúa, không muốn đáp lại tình yêu của Ngài, mà chỉ lo được những điều mình muốn được; chỉ lo sống những điều mình muốn sống, mà không biết rằng mình đang chạy theo những cái bóng, chứ không phải thực tại của một khát vọng thâm sâu. Bên ngoài ta thờ phượng Chúa nhưng bên trong vẫn mơ mộng hão huyền. Ta có nhiều thứ ưu tiên nên việc đến gặp Chúa bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Lý do cũng vẫn là danh, lợi, thú. Chúng ta dễ sống với những cái trước mắt và mau qua, mà quên mất tương lai sẽ đến. Nhưng Chúa vẫn kiên trì và tiếp tục gọi mời, để một lúc nào đó ta chợt nhận ra lẽ sống đích thật của đời mình.

Dù Chúa vẫn sẵn lòng chờ đợi ta, nhưng hãy nhớ, thời gian không chờ đợi ai, kẻo một phút sa chân là ngàn đời ân hận. Thật ra, Chúa không trách ta lo làm ăn và phát triển cuộc sống, nhưng lo đời này đến nỗi quên bẵng đời sau; lo những cái phụ thuộc đến nỗi quên điều chính yếu; lo đủ thứ những cái bên ngoài mà quên mất lòng tin mến bên trong, khác nào như năm cô khờ dại đi đón chàng rể lo mang đèn mà không mang dầu, làm trễ mất chuyến xe định mệnh. Ta dễ quên: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 33).

Cuối cùng, có điều quan trọng ở cuối bài Phúc Âm mà ta cần hết sức cảnh giác về chính mình. Đó là “y phục lễ cưới”, nghĩa là phải đổi đời như điều kiện phải có để tham dự niềm vui Nước Trời. Có người đã đi vào sự hiệp thông trong Hội Thánh nhưng vẫn không được vào Nước Trời, vì họ đánh mất tấm áo trắng ngày Rửa tội, mất sự sống linh thiêng là Đức Kitô trong lòng mình. Bởi vậy thánh Phaolô căn dặn chúng ta: “Anh em hãy mặc lấy con người mới” (Ep 4,24); “Hãy mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3,27), nghĩa là để cho Ngài làm chủ toàn thể cuộc đời mình.

Hãy để Đức Kitô chiếm trọn lấy toàn thể đời sống ta, để ta luôn được sống và hành động trong Ngài. Siêng năng kết hợp mật thiết với Chúa trong cầu nguyện, trong thánh lễ, đem lại cho ta sức mạnh linh thiêng để đạt tới chính Chúa, là nguồn hạnh phúc hôm nay và mãi mãi.

Lời nguyện

Lạy Chúa!
Con nào hiểu được lòng Chúa mong,
muốn được cùng con sống hiệp thông,
muốn dành cho con điều cao trọng,
nhưng con chểnh mảng coi như không.


Chúa muốn yêu thương con cả tấm lòng,
muốn cho con niềm vui trọn cuộc sống,
nhưng xem ra con vẫn cứ viễn vông,
vì còn luôn ôm ấp nhiều giấc mộng.


Có ai hiểu được lòng Chúa rất đau,
khi yêu thương mà lại bị từ khước,
khi hiến trao mà lại bị chối từ,
nhưng lòng Chúa vẫn bao dung tha thứ.


Chúa đã mời gọi con dự tiệc thánh,
nhưng con thường lỡ hẹn và né tránh,
vì lòng con còn những nỗi phân tranh,
nên ước mơ của chúa đã không thành.


Con thấy mình là kẻ quá hững hờ,
tâm trí có nhiều lúc quá ngu ngơ,
để bao lần tim Chúa phải trông chờ,
mà đời con thì cứ mãi bơ vơ.


Xin cho con dừng lại những đam mê,
dám buông bỏ những xa hoa phù thế,
dám buông rơi những toan tính lê thê,
dám buông xuống những ham muốn nặng nề,
dám buông xả để trở về bên Chúa,
không màng danh lợi với hơn thua.


Xin cho con hân hoan dự tiệc thánh,
tiệc Ngài ban là sự sống muôn đời,
là điều con khao khát mãi không ngơi,
con quyết tâm đi vào đời sống mới,
để xứng với ân ban được gọi mời,
hưởng Nước Trời niềm hạnh phúc khôn vơi. Amen.

 

 
 

Chúa nhật tuần 28 thường niên -A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 22, 1-14).

Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới”. Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.

{Ðoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: “Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?” Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít”.}

Suy niệm

Nhận được một cánh thiệp mời của bất cứ ai, người nhận luôn có cảm giác hạnh phúc, bởi cánh thiệp đó như là lời nhìn nhận của người gởi thiệp về bản thân mình, đồng thời cũng khẳng định sự hiện hữu của mình trong trái tim và tâm hồn của họ. Người tín hữu nhận được một cánh thiệp từ Thiên Chúa gởi đến qua Mẹ Giáo hội, chắc chắn một điều là họ sẽ hạnh phúc và hân hoan, bởi Thiên Chúa đã và đang nhìn nhận sự hiện hữu của họ rất đặc biệt, đồng thời, Ngài còn để hình ảnh người đó trong trái tim và trong chương trình yêu thương của Ngài. Phụng vụ Lời Chúa tuần 28 thường niên, gởi đến cho người tín hữu một sứ điệp thật ý nghĩa, đó là Thiên Chúa luôn yêu thương, chăm sóc và bảo vệ họ, hơn nữa, Ngài còn đặt hình ảnh và con người của họ trong trái tim của Ngài, trong chương trình cứu độ và yêu thương của Ngài. Từ đây, người tín hữu có nên mặc y phục thật xứng đáng để chuẩn bị tham dự bàn tiệc sự sống của Thiên Chúa trong Nước Trời hay không?

Tiên tri Isaia đã phác họa trên nền tảng bức tranh sự sống một bàn tiệc lớn, nơi đó, mọi người đều được mời tới tham dự, thịt thì béo, rượu thì ngon, ai cũng được mời, được tham dự và được ăn uống no say: “Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người, vì Người đã phán”. Trước hết, Ngài cất tấm khăm liệm là sự chết chóc do tội lỗi trên mọi dân tộc, thứ đến, Ngài thết đãi họ một bàn tiệc lớn, với đầy đủ chất dinh dưỡng cho tinh thần, cho tâm hồn, đủ năng lượng tích cực cho sự sống đời đời. Quả thực, một món quà ông chủ dành cho các đầy tớ, khi họ biết sống đúng với ơn gọi của mình trong tinh thần phục vụ và khiêm tốn.

Một người đầy tớ trung tín và khôn ngoan là người biết ý chủ để làm việc, hơn nữa, là người biết ông chủ luôn yêu thương, chuẩn bị những gì cần thiết cho các đầy tớ, để họ làm việc tốt hơn, hữu ích hơn. Đó là tâm tình thánh Phaolô cảm nghiệm được trong cuộc đời của ngài, vì thế, ngài đã chia sẻ với con cái thành Philipphê, chúng sẽ nghe trong bài đọc 2 hôm nay: “Anh em thân mến, tôi biết chịu thiếu thốn và biết hưởng sung túc. Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn. Tôi có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi”. Sức mạnh của Đấng ban cho thánh nhân là sức mạnh của tình thương. Ngài chăm sóc, bảo vệ và hướng dẫn thánh nhân trên mọi nẻo đường, đó cũng là sức mạnh giúp thánh nhân đón nhận cả những khó khăn, những đau khổ và thất bại trong hành trình đức tin, đáp lại ân tình đó, thánh nhân đã làm tròn bổn phận của người đầy tớ trung tín và khôn ngoan trước mặt ông chủ của mình.

Hai dụ ngôn được thánh Matthêu kể lại trong bài tin mừng Chúa nhật 28 thường niên, để lại cho người nghe nhiều cảm xúc sâu sắc. Khách mời dự tiệc được đón vào cách bất đắc dĩ, được mời từ các ngả đường cách bất ngờ, làm sao có thể chuẩn bị y phục thật xứng đáng được, thế là bị tống vào ngục. Tất cả những vấn nạn đó, xem ra hợp lý nhưng đây là dụ ngôn với những sứ điệp sâu xa hơn, ý nghĩa hơn. Tất cả gợi lên niềm vui của người đầy tớ được mời dự tiệc cưới, thế mà họ không biết trân trọng, đã được mời dự tiệc cưới, ắt phải chuẩn bị y phục cho xứng đáng: “Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử... Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi ...  Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?” Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít. Câu chuyện hướng về dân riêng của Thiên Chúa được mời dự tiệc Nước Trời, thế mà họ đã khước từ, đã viện ra muôn vàn lý do để làm việc theo ý riêng, thiếu tôn trọng ông chủ. Ông đã quan tâm, đã sai những sứ giả của ông chủ tới, nhằm giúp họ hiểu được ý nghĩa của tiệc cưới đó. Đã được mời từ trước, ắt phải chuẩn bị y phục để dự tiệc, tiếc thay, họ đã dửng dưng với tất cả, để rồi ơn cứu độ được trao cho các dân tộc khác.

Nước Trời vẫn mãi là một mái nhà hạnh phúc vĩnh cửu và bình an, đó cũng là điểm đến của mọi người, nếu như mỗi người tin nhận và hiểu được những giá trị thánh thiêng đó. Có được Nước Trời, con người đâu cần phải lo lắng, đâu cần phải lặn lội bôn ba giữa chợ đời. Bàn tiệc Nước Trời được ví von như là nơi quy tụ của mọi dân tộc dưới bầu trời này, như là điểm đến cho những ai mang trong mình khát vọng đi tìm hạnh phúc đích thực. Nhận được lời mời từ nhà vua khi tổ chức đám cưới cho hoàng tử, khách mời cảm thấy mình được nhà vua nhìn nhận là công dân trong vương quốc của ông, được ông quan tâm và đặt vào đúng vị thế của một công dân trong vương quốc tình yêu. Đây mới thực sự là niềm vui và hạnh phúc của một con người sống trong một vương quốc có chủ nhân là một vị vua sống cho, sống cùng và sống với mọi người. Hiểu được tình yêu thương nhà vua dành cho mình, người công dân có nên khước từ lời mời dự tiệc không, hay sẽ chuẩn bị cho mình thật xứng đáng với lời mời, với sự trân quý của nhà vua.

Tính thực dụng của xã hội đang làm phai mờ hình ảnh Nước Trời trong nhận thức của người tín hữu hôm nay. Công ăn việc làm, sự nghiệp ngày mai, uy tín bản thân và gia đình, tất cả những yếu tố đó như một tấm màn đen, che kín những giá trị cần thiết nhất của cuộc đời con người. Biết mình tội lỗi, yếu đuối, nhưng lại khước từ những cơ hội để được tự do, được giải thoát khỏi những gọng kìm của thế gian, biết mình được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc và bảo vệ, con người thay vì chuẩn bị cho người dự đám tiệc lớn, họ lại chạy theo những ảo giác của danh vọng và địa vị, tệ bạc hơn nữa là biến mình trở thành đồ đệ của một xã hội đa thần. Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn, sai hết người này người kia tới để nhắc nhở, hơn nữa còn sai chính người Con duy nhất tới, thế mà họ vẫn dửng dưng trong sự lo lắng của Thiên Chúa. Còn nỗi đau nào của người Cha khi thấy con mình đang cúi mình thờ lạy các thần linh khác, đang ngày càng đi xa dần mái ấm gia đình của chính mình.

Cũng không thiếu những người thành tâm thiện chí đã nhận ra được những giá trị của bàn tiệc Nước Trời, nhưng họ không lo chuẩn bị y phục cho ngày mai, chỉ biết sống thực dụng, chỉ biết đi tìm hạnh phúc thực dụng cho hôm nay. Thiên Chúa đã gởi tới một lời cảnh tỉnh, hãy chuẩn bị cho mình những gì cần thiết, để khi tới bàn tiệc Nước Trời, sẽ không bị loại ra ngoài. Chuẩn bị y phục xứng hợp là một gợi nhắc về bổn phận của mỗi người. Hãy là người đầy tớ biết ý chủ để thực hiện, đừng đứng núi này trông núi nọ, đừng đặt những giá trị Nước Trời lên bàn cân với những hạnh phúc thế gian, đó là một sự so sánh vô cùng khập khiễng. Sự khôn ngoan của con cái Thiên Chúa luôn tỏa sáng khi cuộc sống của họ không dừng lại nơi những lợi ích hiện tại, nhưng biết chuẩn bị cho niềm hạnh phúc trong tương lai. Chính vì lòng tham của con người vô đáy, nên họ muốn sở hữu tất cả, nhưng cuộc sống không là thế, có chọn lựa, có quyết định sống còn. Vì thế, lời mời từ các câu chuyện trong bài tin mừng, là những lời nhắc cho con người trước những chọn lựa cho chính mình trong tương lai.

Lạy Chúa, lòng tham của chúng con không có đáy, vì thế, chúng con luôn mong được sung sướng và hạnh phúc hôm nay, đồng thời cũng mong được dự tiệc Nước Trời mai sau, xin giúp chúng con biết phân định lại những giá trị của cuộc sống, của mỗi ơn gọi, để chúng con thấy được những giá trị thánh thiêng của bàn tiệc Nước Trời, hầu có thể chuẩn bị cho mình xứng đáng hơn khi được mời tham dự. Nhiều lúc chúng con lầm tưởng những giá trị của các bàn tiệc hiện tại ý nghĩa hơn giá trị của bàn tiệc Nước Trời, vì thế, chúng con đã quên chuẩn bị y phục cho bàn tiệc đời đời, xin Chúa đưa chúng con ra khỏi sự u mê thế gian, để mai sau chúng con không bị loại ra ngoài trong ngày cuối cùng. Amen.

CẦN MỘT TẤM LÒNG
(Chúa Nhật XXVIII TN A) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột

Một trong những cung cách giảng dạy của các danh sư là dùng các câu chuyện kể. Khi sinh thời, Chúa Giêsu cũng đã từng làm người kể chuyện. Cách kể chuyện của Chúa hẳn rất có duyên khiến cho đám đông thính giả say sưa nuốt từng lời, từng câu nói. Chúa Nhật XXVIII TN A này, Mẹ Hội Thánh cho chúng ta nghe lại câu chuyện Chúa Giêsu kể năm nào: “Nước Trời giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho hoàng tử. Đến hẹn, vua sai gia nhân đi mời quan khách...”.  

Ngày xưa, đi dự tiệc cưới của hoàng cung có phải mang theo quà cáp hay phong bì gì chăng? Ngày nay rất nhiều người cứ đến mùa cưới là như trong tư thế sẵn sàng đi trả nợ đời. Cứ mỗi tấm thiệp mời ăn cưới là một tờ giấy báo nợ không hơn cũng chẳng kém. Tìm được lý do hợp lý để thoái thác tham dự một tiệc cưới là kể như lập một chiến công, dù không trọn vẹn, vì cũng phải nhờ người gửi quà biếu, nhưng chí ít cũng tiết kiệm được một buổi công làm. Tuy nhiên hầu hết đây là những trường hợp “được hoặc bị mời”, kiểu phải đáp lễ, ít có liên hệ họ hàng hay thân thuộc.

Trở lại với câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể. Được đức vua mời dự tiệc cưới của hoàng tử quả là một vinh dự to lớn mà nhiều người thời phong kiến hằng ước ao. Không chỉ vì được nhà vua sủng ái mà người được mời còn có nhiều vận hội lớn, mỗi khi được dịp vào hoàng cung. Hơn nữa, ngôn sứ Isaia đã minh nhiên nói rõ sự hào phóng của đức vua: Thịt thì béo, rượu thì ngon mà khỏi phải trả đồng nào (x.Is 25,6; 55,1). Thế mà những người được mời lại hờ hững và từ chối với những lý do không chút gì tương xứng: đi thăm nông trại, đi buôn bán. Có kẻ lại bắt đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết! Đây là chuyện như không tưởng vì là loại trọng tội đáng bị tru di cửu tộc.

Chuyện hình như không thể xảy ra trong đời thường thì lại rất có thể có trong đời sống đức tin, và thực sự đã hiển nhiên với lịch sử đoàn dân được tuyển chọn ngày xưa. Israel được Thiên Chúa ưu ái mời gọi đến hưởng nhận bao ân phúc của Người, dù họ chỉ là một dân nhỏ bé giữa các dân, chẳng có gì xứng đáng. Tất thảy chỉ vì tình Chúa bao la. Chúa sủng ái họ cách đặc biệt hơn các dân. Thế mà khi sai các đầy tớ là các sứ ngôn đến mời gọi thì họ lại chối từ và còn nhẫn tâm hãm hại các ngài. Chính sự vô tình và sự nhẫn tâm của họ đã kết án họ, đã loại họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Và rồi muôn dân khắp thiên hạ đã được mời vào dự tiệc của Thiên Chúa. Thiên hạ sẽ từ Đông chí Tây, từ Bắc chí Nam đến dự tiệc Nước Thiên Chúa, còn con cái trong nhà sẽ bị loại ra ngoài (x.Lc 13,28-29. Người ta bị loại ra chỉ vì thiếu một tấm lòng.

Chúa Giêsu kể thêm một câu chuyện khác cũng về tiệc cưới của hoàng tử. Khi đức vua vào phòng tiệc thì thấy một người không mặc y phục lễ cưới. Đi dự một đám cưới mà trên người chỉ có chiếc “may – ô” và cái quần cộc hay với bộ đồ đen của “đám tang” thì quả là xấc xược với đôi tân hôn, với chủ tiệc và với cả quan khách. Lại còn ương ngạnh, không thèm trả lời khi được chất vấn, thì quả là người chẳng coi ai ra gì. Đi dự một lễ hội, tiệc tùng hay đình đám thì chuyện mặc y phục gì, kiểu dáng ra sao, màu sắc thế nào… không nguyên là để làm đẹp bản thân mà tiên vàn là để tôn trọng chủ nhà, tôn trọng nội dung, bầu khí buổi lễ, buổi tiệc… Đã là người biết nghĩ, thì không ai ăn mặc hở hang, lòe loẹt đi dự đám tang và cũng chẳng có ai mặc toàn màu đen đi dự đám cưới.

Người không biết nghĩ đến kẻ khác thì không xứng đáng dự tiệc nước trời, vương quốc của tình yêu. Vào đạo, gia nhập Hội Thánh… mà chỉ biết lo cho bản thân mà thôi, cho dù là phần rỗi linh hồn mình, thì không xứng đáng lãnh nhận ân tình của Chúa. Chốn khóc lóc và nghiến răng là nơi dành cho những kẻ chỉ biết sống cho riêng mình.

Trước tình cảnh đất nước nhiễu nhương vì nạn tham nhũng, gian dối, bạo lực, bất công…  là đồng bào, là người con cùng một dạ mẹ tổ quốc, chúng ta có dừng lại ở một vài xuýt xoa, than thở, tán gẫu vỉa hè… để rồi phủi tay xem như chuyện của người khác phải lo, phải liệu, chứ không phải của tôi? Hiện nay khỏi lữa chiến tranh vẫn còn phủ đầy nhiều quốc gia trên thế giới như ở Nga và Ukraina, Israel và Palestin. Sóng gió vẫn còn bủa vây con thuyền Giáo hội ngay khi Thượng Hội Đồng “hiệp hành” đang diễn ra. Hy vọng rằng sẽ chẳng có ai đóng khung các mối lo toan bằng vòng tay “an phận” của bản thân hay các cánh cửa của mái nhà riêng mình.

Được làm con cái Chúa thì phải lấy danh Chúa làm trọng. Nguyện xin cho danh Cha cả sáng. Được làm tín hữu trong Hội Thánh thì phải mến yêu người mẹ sinh ta trong đức tin. Xin gìn giữ Hội Thánh Chúa trong chân lý và bình an. Được làm con dân nước Việt thì phải đồng hành với dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Xin cho quê hương được thái bình thịnh vượng trong công lý. Những lời cầu xin cũng là những ý chỉ giúp định hướng cuộc đời chúng ta, hành vi của chúng ta. Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng sau mỗi lần cầu nguyện thì Chúa Giêsu không “khoanh tay ngồi chờ” nhưng Người “săn tay áo” lên để nỗ lực thực thi thánh ý Cha trên trời. Sau khi hiểu được cái giá phải trả để thực thi công trình cứu độ thì Chúa Giêsu đã “cương quyết lên Giêrusalem (x.Lc 9,51).

Lạy Chúa xin cho chúng con có một tấm lòng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây