Chúa Nhật XXVIII Thường Niên -Năm B
Mc 10,17-30
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXVIII Thường Niên -Năm B
Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến! Bài Tin Mừng hôm nay gồm ba phần được coi là khác nhau, nhưng Thánh Marcô xếp lại gần nhau để làm thành một nội dung duy nhất: Muốn được sống đời đời, cần có hai điều kiện: Một là sống tốt lành về mặt đạo đức hay luân lý, hai là theo Chúa Giêsu. Nhưng để theo Chúa Giêsu thì trước đó phải “bán đi tất cả gia tài, đoạn bố thí cho người nghèo khó”
Người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay đã thực hành rất tốt điều kiện thứ nhất, khiến Chúa Giêsu “chăm chú nhìn anh ta và đem lòng yêu mến’’. Nhưng anh không dám thực hiện điều kiện thứ hai mà Chúa Giêsu dạy.
Lắng nghe Lời Chúa hôm nay chúng ta nhìn lại mình. Chúng ta cần phải có một thái độ siêu thoát hơn đối với tiền bạc, của cải. Vậy, chúng ta hãy hối lỗi về những gì chúng ta đã lỗi phạm, để lời cầu nguyện của chúng ta trong Thánh Lễ được Chúa chấp nhận.
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, lạy Chúa, nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, nào ai chịu nổi được ư? Vì lạy Thiên Chúa Is-ra-el, Chúa thường rộng lượng thứ tha.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy, Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Kn 7, 7-11
“Ðem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không”.
Trích sách Khôn Ngoan.
Tôi đã ước ao được ban sự hiểu biết, tôi cầu khẩn được thần trí khôn ngoan đến cùng tôi. Tôi lấy sự khôn ngoan làm hơn vương quốc và ngai vàng: Ðem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không. Tôi cũng không so sánh nó với kim cương, vì mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như hạt cát nhỏ bé, và bạc đem để trước nó thì kể như đất bùn.
Tôi yêu quý sự khôn ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, tôi lấy nó làm hơn được sự sáng, vì sự sáng của nó không hề tắt. Tất cả mọi sự tốt lành đều đến cùng tôi làm một với nó, và nhờ tay của nó, tôi được đoan chính không kể xiết.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 89, 12-13. 14-15. 16-17
Ðáp: Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan (c. 14).
Xướng: Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chứ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài.
Xướng: Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin ban niềm vui thế cho những ngày Chúa hạ nhục chúng con, thế cho những năm chúng con mục kích nạn tai. – Ðáp.
Xướng: Xin cho các bầy tôi nhìn thấy sự nghiệp của Chúa, và cho con cháu họ được thấy vinh quang Ngài. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố; xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra.
Bài Ðọc II: Dt 4, 12-13
“Lời của Chúa phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn”.
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn. Không một tạo vật nào ẩn khuất được trước mặt Chúa; tất cả mọi sự đều phơi trần và tỏ ra trước mắt của Ðấng mà chúng ta phải trả lẽ.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời! – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 10, 17-27
“Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”.
Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!” Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”. Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.
{Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”.}
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: x. Cv 16, 14b
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời Con của Chúa. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 22, 1-10 {hoặc 1-14}
“Các ngươi gặp bất cứ ai, thì hãy mời vào dự tiệc cưới”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới”. Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.
{Ðoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: “Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?” Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít”.}
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa đã trở nên nghèo khó để chúng ta được giầu sang. Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta đang sống ở trần gian, biết chuyên chăm tìm kiếm những gì thuộc về đời sống vĩnh cửu. Vậy chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:
1. “Đem so sánh sự giầu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giầu sang như không”.– Xin cho các vị lãnh đạo trong Hội Thánh, sống gắn bó với Chúa Kitô khó nghèo, để đời sống thánh thiện và siêu thoát của các ngài, giúp mọi người nhận ra giá trị đích thực của những thực tại vĩnh cửu.
2. ”Không một tạo vật nào ẩn khuất được trước mặt Chúa”.– Xin cho mọi tín hữu biết luôn đặt chính bản thân và số phận trong tình yêu thương của Chúa, vì Ngài hằng thấu suốt tất cả, sẵn sàng quan phòng mọi nhu cầu hồn xác cho mình.
3. “Người thanh niên sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải” .- Xin cho các nhà hảo tâm ý thức của cải chỉ là phương tiện, giúp con người sống hữu ích nơi trần gian, nên đừng để mình sống keo kiệt ích kỷ, mà biết quảng đại chia sẻ giúp đỡ cho người nghèo.
4. “Những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chứa biết bao”.– Xin cho những ngừơi nghèo khó sống an vui trong phận mình, vì tin rằng Chúa là Cha giầu lòng thương xót và đầy quyền năng sẽ nâng đỡ kịp thời, nhất là ơn cứu rỗi.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho chúng con biết yêu mến sự nghèo khó như Chúa, để khỏi bị lôi cuốn bởi những trào lưu thế tục, nhưng biết chấp nhận và yêu thích cuộc sống giản dị siêu thoát, mà nên chứng từ cho cuộc sông mai sau, Chúa hằng sông và hiển trị muôn đời.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin chấp nhận những lời cầu xin và lễ vật chúng con dâng tiến, để làm cho thánh lễ chúng con đang sốt sắng cử hành mở đường dẫn chúng con tới quê trời vinh hiển. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Bọn giàu sang đã sa cơ nghèo đói; nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo.
Hoặc đọc:
Khi Chúa tỏ mình ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng cao cả. Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô làm của ăn nuôi dưỡng chúng con; chúng con nài xin Chúa cho chúng con được chia sẻ chức vị làm con Chúa với Người, Người hằng sống và hiển trị muôn đời…
Suy niệm
“đi đạo” là theo Đức ki-tô
“Hãy đến theo tôi.” (Mc 10,17-30)
Suy niệm: “Đi đạo” Công Giáo hệ tại điều gì? Anh em lương dân nhìn vào các tín hữu Công Giáo đặt ra câu hỏi đó; nhưng chính mỗi người tín hữu cũng phải tự đặt ra cho mình câu hỏi đó. Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng “đi đạo” không hệ tại giữ các điều răn giới luật, làm lành lánh dữ (anh em lương dân cũng giữ những điều ấy); cũng không hệ tại từ bỏ tất cả những gì vốn rất thiết thân với cuộc sống (có những người sẵn sàng bỏ mọi sự để theo đuổi một lý tưởng); mà “đi đạo” thiết yếu là “đi theo Chúa,” đi theo Đấng là “TẤT CẢ” của đời mình. Đi đạo chính là thiết lập mối tương quan gắn bó mật thiết giữa ta với Chúa. Chỉ có Ngài là trên hết và trước hết mọi sự. Nào chúng ta chẳng đọc: “Thứ nhất: thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự” đó sao?
Mời Bạn: Nhiều khi chúng ta cứ lầm tưởng “đi đạo” là để được ơn này, ơn kia, kể cả để được hưởng phúc thiên đàng. Chúng ta đừng để mình bị chi phối bởi quan niệm “đi đạo” để được lợi lộc vật chất đời này đời sau.
Chia sẻ: Xem lại mỗi khi cầu nguyện, ta thường xin gì với Chúa? Đúng hơn, đừng xin điều này điều nọ, ơn này ơn kia..., mà là xin được chính Chúa.
Sống Lời Chúa: Xác tín như thánh Phao-lô: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3,8-9).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, ước gì Chúa luôn là Tất Cả của đời con, Chúa luôn là lời đáp trả đầu tiên và cuối cùng của con trong mọi vấn đề, về mọi sự việc, và với mọi người. Amen.
Ngày 13: Lạy Mẹ Mân Côi! Xin cho chúng con biết cùng Mẹ chiêm ngắm các mầu nhiệm Năm Sự Thương với lòng sốt mến, để chúng con luôn biết quy hướng về điểm hẹn cuối cùng là Thập Giá Đức Kitô, nơi cạnh sườn bị đâm thâu: máu và nước chảy ra khai sinh Hội Thánh. Xin cho chúng con biết cùng với Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá, để cùng với Mẹ tiến vào chiều sâu thẳm của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, để rồi, chúng con cũng có khả năng làm lan tỏa tình yêu của Đấng đã tự nguyện bị treo lên và thí mạng vì chúng con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Được gấp trăm
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Khi đọc bài Tin Mừng trên đây ta nếm được nỗi buồn của Đức Giêsu và của anh nhà giàu. Đức Giêsu buồn vì bị từ chối bởi người mà mình yêu mến. Anh kia buồn vì có sự rạn nứt nơi bản thân. Anh đã phấn khởi gặp Chúa, rồi ra đi đầy muộn phiền.
Thầy Giêsu đòi anh đúng điều anh muốn giữ lại, vì của cải vốn là chỗ dựa của đời anh.
Anh sẵn sàng làm mọi điều Thầy đòi hỏi, trừ việc bỏ chỗ dựa này.
Bây giờ anh thấy rõ hơn mình nô lệ cho điều gì. Tiếc thay anh không có can đảm ra khỏi sự nô lệ này dù anh vẫn khát khao sự sống đời đời.
Bi kịch của anh cũng là của chúng ta.
Ai trong chúng ta cũng từng bị giằng co giữa ước mơ bay cao và sự kéo ghì của vật chất.
Của cải vật chất có sức hấp dẫn mãnh liệt. Tôi làm chủ nó, nhưng sau đó nó lại làm chủ tôi và trở thành thịt xương mà tôi không thể dứt bỏ.
Không chắc người giàu này sẽ bị luận phạt, nhưng chắc chắn anh ta khó hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ đến với người dám sống theo ý Chúa.
Người có của khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!
Vào thời Đức Giêsu, giàu có được coi là một phúc lành. Vậy mà Ngài lại coi đây là một cản trở nguy hiểm.
Của cải dễ làm người ta khép kín trước Thiên Chúa và nỡ tâm chà đạp lên quyền lợi anh em.
Tệ nạn tham nhũng, hối lộ ở Châu Á là một thí dụ về nguy hiểm của tiền bạc.
Đức Giêsu và các môn đệ đã sống nghèo, sống như những người lữ hành, không chỗ cậy dựa, để tín thác vào Cha và dễ dàng đến với anh em.
Theo Đức Giêsu là chấp nhận tay trắng, bấp bênh. Nhưng đừng quên theo Ngài cũng là trở nên giàu có.
Không phải sự giàu có do ích kỷ giữ lại, nhưng là sự giàu có do mở ra trao hiến.
Không phải sự giàu có do tìm kiếm chiếm đoạt, nhưng là sự giàu có đến như một quà tặng biếu không.
Theo Ngài không phải chỉ là bỏ nhà cửa, ruộng vườn, bỏ những người thân yêu, bỏ đến cả mạng sống. Theo Ngài còn là được gấp trăm ngay từ đời này, và nhất là đời sống vĩnh cửu mai hậu.
Khi Phêrô ra khỏi hồ Galilê, với nghề đánh cá, ông được biết những biển khơi mênh mông hơn nhiều. Khi Phêrô bỏ lại cha mẹ, vợ con, ông đứng đầu một cộng đoàn đông đảo là Hội Thánh.
Chắc Têrêxa Hài Đồng không ngờ mình trở nên Thánh Sư.
Chắc Têrêxa Calcutta không ngờ đám táng của mình sẽ có cả triệu người tham dự.
Theo Đức Giêsu, ta sẽ được lại cả những điều đã mất. Cái được quan trọng nhất là được Đức Giêsu (x. Pl 3,8).
Gợi Ý Chia Sẻ
Bạn nghĩ gì về giá trị của tiền bạc, của cải? Đâu là thái độ cần có trước những cạm bẫy của tiện nghi vật chất đang mời mọc chúng ta?
Theo Chúa trong tư cách là một Kitô hữu đòi hỏi ta phải từ bỏ nhiều. Bạn có thấy mình được lại điều gì không? Bạn có khi nào được gấp trăm so với điều đã mất không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, giàu sang, danh vọng, khoái lạc là những điều hấp dẫn chúng con. Chúng trói buộc chúng con và không cho chúng con tự do ngước lên cao để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất, nhờ cảm nghiệm được phần nào sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi bán tất cả những gì chúng con có, để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng trước những lời mời gọi của Chúa, không bao giờ ngoảnh mặt để tránh cái nhìn yêu thương Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
Của cải
Hãy bán tất cả những gì anh có mà cho người nghèo anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến mà theo Ta.
Đó là đòi hỏi Chúa Giêsu đã đưa ra cho chàng thanh niên giàu có, sau khi biết chàng đã tuân giữ những giới luật từ thuở còn nhỏ. Đó là điều anh ta phải làm để được sống đời đời. Và đó cũng là điều anh ta còn thiếu. Đòi hỏi của Chúa Giêsu là một đòi hỏi đặc biệt dành riêng cho cá nhân anh ta. Đòi hỏi ấy đụng tới con người anh ta thật sâu, bởi vì nó đụng tới sự an toàn, chỗ dựa và lòng gắn bó của anh ta đối với của cải.
Dĩ nhiên Chúa Giêsu không đòi hỏi mọi người phải bán tất cả của cải để rồi tay trắng mà bước theo Ngài. Ladarô, bạn thân của Ngài vẫn sống cuộc đời bình thường bên hai bà chị là Martha và Maria. Giakêu đã tự nguyện cho người nghèo phân nửa tài sản, chứ không do đòi hỏi của Chúa Giêsu. Vậy hẳn Ngài phải có lý do khi đưa ra một đòi hỏi quyết liệt như thế đối với chàng thanh niên. Ngài thấy anh có nhiều mặt tốt, nhưng Ngài cũng thấy anh bị trói buộc, bị cản trở, bị mất tự do bởi một điều, đó là sản nghiệp của anh. Ngài thấy rõ kho tàng dưới đất thực sự là một mối nguy hiểm cho anh, khiến anh có thể vuột mất kho tàng trên trời. Tình trạng hiện nay của anh chưa có gì đáng ngại, nhưng đam mê cứ lớn thêm mãi với thời gian.
Đối với trường hợp của anh, Ngài nhận thấy con đường tốt hơn hết để anh được sống đời đời, đó là bán tất cả, làm phúc cho người nghèo, rồi bước theo Ngài. Đề nghị của Chúa Giêsu giúp anh chắp cánh bay cao, không còn bị sợi dây nào ràng buộc. Tuy nhiên anh vẫn còn tự do để đáp lại lời mời gọi đó. Anh có sẵn sàng trả giá để chiếm được kho báu là sự sống đời đời hay không?
Trước lời đề nghị của Chúa Giêsu, anh đã buồn sầu cúi mặt và bỏ đi. Phải chăng sự buồn sầu của anh bắt nguồn từ việc anh thấy mình không đủ quảng đại và liều lĩnh để đáp lại một lời mời gọi tốt đẹp như vậy. Một mặt anh bị hấp dẫn bởi lời đề nghị của Chúa Giêsu mà anh biết đó là con đường tốt nhất để đạt đến ước mơ của anh. Mặt khác anh lại quá gắn bó với của cải trần gian đến nỗi không thể rời bỏ chúng dễ dàng. Có lẽ lòng yêu mến sự sống đời đời nơi anh chưa đủ mạnh để anh dám hy sinh điều cần phải hy sinh. Anh đã chọn điều anh yêu hơn, nhưng chọn lựa đó đưa anh vào nỗi ray rứt buồn phiền. Không phải anh sở hữu của cải, nhưng của cải đã sở hữu anh. Anh không có được niềm vui của Giakêu, niềm vui của người bắt đầu được siêu thoát với tiền của. Anh cũng chẳng có được niềm vui của người thương gia đi tìm ngọc quý. Bởi vì Nước Trời đáng cho chúng ta hy sinh tất cả.
Nếu Chúa Giêsu gặp tôi hôm nay. Nếu tôi hỏi Ngài về con đường dẫn tới sự sống đời đời, chắc hẳn câu trả lời của Ngài cũng khiến tôi chới với, bởi vì ai cũng giàu có về một mặt nào đó: Uy tín, tiếng tăm, quyền lực, kiêu căng, sức khoẻ, chức tước, bè bạn và ngay cả lòng đạo đức. Ai cũng muốn cậy dựa vào sự giàu có của mình và xây dựng đời mình trên đó. Thế nhưng Thiên Chúa chỉ muốn chúng ta cậy dựa vào một mình Ngài. Sống trước nhan Ngài như một người nghèo và chờ đợi tất cả từ tay Ngài. Vì Nước Trời thuộc về những ai có tinh thần nghèo khó.
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVIII Thường Niên -B
Mc 10, 17-27
“Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”.
Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!” Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”. Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.
{Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”.}
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVIII Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm
ĐỨT RUỘT
(Chúa Nhật XXVIII TN B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Đói thì đầu gối phải bò. Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ. Có thực mới vực được đạo. Nhiều câu thơ, nhiều ngạn ngữ dân gian như muốn khẳng định rằng cuộc sống con người như mãi long đong, vất vả vì các nhu cầu căn bản để sinh tồn xét như là một sinh vật. Chuyện cơm áo, gạo tiền nó nhũng nhiễu con người mãi không ngơi. Chưa hết, bên cạnh cái trí khôn ý thức về sự cao quý của phận làm người thì cái ý chí tự do lại thúc bách con người tìm kiếm, thủ đắc các nhu cầu ngày càng cao và đa dạng. Ăn no, mặc ấm vẫn chưa đủ, còn phải ăn ngon và mặc đẹp. Trong cuộc sống, người ta không chỉ trông mặt mà bắt hình dong mà còn thường hành xử theo kiểu đồng tiền đi trước, mực thước theo sau. Cảnh đời tréo ngoe mà không hiếm: “Bần cư náo thị vô nhân vấn. Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”.
Không giới hạn trong tương quan giữa người với người, ngày nay khi có những chuyện bất bình giữa các quốc gia hay tập thể, người ta cũng lại sử dụng đòn chiêu: trừng phạt kinh tế. Đồng tiền dính liền khúc ruột. Để có được sự tự do với tiền của thì dường như không dễ, ngay cả với những người thường lên tiếng trong các lãnh vực đạo đức, tôn giáo. Xin chớ vội trách người thanh niên có nhiều của cải mà Tin Mừng tường thuật. Nếu như giờ này Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Hãy về bán đi tất cả những gì ngươi có mà cho người nghèo, rồi đến mà theo Ta”, thử hỏi có được bao nhiêu người đáp trả dứt khoát và triệt để như thánh Phanxicô Axidi năm nào.
Người ta dễ dàng chấp nhận với nhau rằng tiền của chỉ là cái góp phần xây dựng hạnh phúc chứ không phải chính là sự hạnh phúc. Người ta cũng dễ dàng đồng thuận với nhau rằng tiền bạc chỉ là tên nô lệ chứ không phải là ông chủ. Người ta không chối cãi sự thật là tiền của mang tính “phù hoa” và nhất là nó không thể theo chúng ta đi vào huyệt lạnh. Thế nhưng, nói thì dễ nhưng sống thì không dễ chút nào. Không ai muốn tự chặt đứt khúc ruột của mình cả. Chẳng ai muốn từ bỏ một thứ sức mạnh vốn rất hiệu nghiệm trong rất nhiều trường hợp đó là đồng tiền, được ví như “là tiên là Phật, sức bật của tuổi trẻ, sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, cái lọng che thân…”.
Dù là một kiểu nói ngoa ngữ, phóng đại để muốn nhấn mạnh, nhưng chúng ta không thể không giật mình trước lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Đàng” (x.Mc 10,23-26). Ngay các tông đồ cũng kinh ngạc và nói với nhau: Thế thì ai có thể được cứu rỗi, nghĩa là được hưởng phúc Thiên đàng? Khi giải đáp thắc mắc cho các tông đồ rằng đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được, Chúa Giêsu muốn khẳng định với chúng ta nhận ra sự thật này: hạnh phúc Nước Trời tiên vàn là quà tặng Thiên Chúa trao ban chứ không phải do công sức của loài người chúng ta.
Đã hơn một lần Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta về mối nguy cơ của tiền bạc khi nó được phong làm thần thánh: “Không được làm tôi hai chủ…” (x.Mt 6,24; Lc 16,13). Nếu có tiền mua tiên cũng được, thì có thể mua được cả nước thiên đàng! Khi chiều theo chước cám dỗ đề cao sức mạnh của đồng tiền thì người giàu có bị cám dỗ xem hạnh phúc nước trời là điều mình có thể mua, có thể trao đổi bằng công sức hay tiền bạc.
Ít có ai phủ nhận nội hàm một ngạn ngữ Trung Quốc rằng tiền bạc có thể mua được đồng hồ quý nhưng không mua được thời gian; tiền bạc có thể mua được giường sang, nệm êm, chăn ấm, nhưng không mua được giấc ngủ ngon; tiền bạc có thể mua được cao lương mỹ vị nhưng không mua được sự ngon miệng… Thế nhưng trong thực tế chúng ta lại hành xử theo kiểu như tiền bạc là nền tảng, là nguyên nhân đem lại hạnh phúc. Nếu đã xác tín rằng hạnh phúc đích thật là hạnh phúc nước trời, tiên vàn là ân ban của Thiên Chúa, thì những gì chúng ta thu được mà chủ yếu bằng việc trao đổi, mua bán bằng của cải, tiền bạc chắc chắn không phải là hạnh phúc vĩnh cửu. Với luận lý này, chúng ta mới hiểu lời khẳng định của Đấng Cứu độ: “người giàu có khó vào Nước Trời hơn cả con lạc đà chui qua lỗ kim”. Lời Chúa thật sắc bén hơn cả thanh gươm hai lưỡi! (x.Dt 4,12).
Ngoài ra, chúng ta cũng cần chân nhận hiện thực này: khi đã đủ đầy, sung túc của tiền thì con người rất dễ bị biến tướng, bị tha hóa. Vốn là một trong những thiện hảo tự nhiên Chúa dựng nên và ban tặng, nhưng của cải, tiền bạc rất dễ trở thành miếng mồi nhử của thần dữ, như trái táo trong vườn địa đàng khiến chúng ta đi trệch hay đi ngược với huấn lệnh Chúa truyền. Không chỉ có chuyện “no cơm ấm cật, dậm dật khắp nơi” mà các mối tương quan cũng dễ bị sứt mẻ do bởi của cải tiền bạc. Tình bác cháu như Abraham với Lót, tình anh em ruột thịt như Êsau và Giacóp cũng đã khó bền vì của cải. Thánh Kinh ghi cùng một câu trong cả hai trường hợp: “họ có quá nhiều tài sản nên không thể ở chung với nhau được” (St 13,6; 36,7). Một khi đã không thể “ở chung” với nhau được thì làm sao có thể ở cùng Thiên Chúa, Đấng là Cha của hết mọi người? Và biết bao nhiêu chuyện chẳng hay, làm nứt vỡ tình mẹ cha, nghĩa huynh đệ… vẫn xảy ra trước mắt chúng ta mà nguyên nhân chính là vì tranh chấp của cải. Thánh Tông đồ dân ngoại đã nói với môn đệ Timôtê rằng: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (Tim 6,10).
Trong kiếp lữ thứ này, chúng ta không thể sống như thiên thần, chẳng màng gì đến chuyện vật chất của tiền, vì không chừng sẽ rơi xuống thành loài vật (Pascal). Vấn đề đặt ra đó là phải biết làm chủ vật chất, tiền bạc cũng như phải biết tự do với nó. Một mẫu gương đáng cho chúng ta noi theo mà Tin Mừng hôm nay ghi lại đó là Phêrô. “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Chúa Giêsu không phản bác nghĩa là Người chân nhận điều ấy. Không phải Phêrô đã vất bỏ mọi sự, của cải vật chất. Nhà của ngài còn đó, thuyền của ngài còn đó… nhưng ngài sẵn sàng trao dâng cho Chúa khi Chúa cần dùng vì lợi ích của tha nhân, sẵn sàng gác nó một bên để lên đường đi rao giảng Tin Mừng.
Biết rằng đồng tiền dính liền khúc ruột, tuy nhiên nếu khi khúc ruột ấy là khúc ruột thừa đã bị viêm hay là khúc ruột non dính ung bướu thì không thể không cắt bỏ đi. Nhiều thánh giáo phụ như Hiêrônimô, Âugustinô khẳng định rằng những gì chúng ta đang sở hữu trên mức cần thiết đều là của người nghèo. Ước gì thỉnh thoảng chúng ta biết tập sống anh hùng một chút khi sẵn sàng dâng trao vài trăm ngàn, dăm bảy triệu vì một việc từ thiện nào đó hay vì công cuộc truyền giáo nào đó. Quả là không dễ, nhưng không cái khó nào là không thể vượt qua, nhờ ơn Chúa giúp và quyết tâm của chính chúng ta.
SNTM Chúa nhật 28 thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 10, 17-27)
Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”.
Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!” Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”. Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.
{Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”.}
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXVIII Thường Niên - Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh
Suy niệm
Mỗi sáng mai thức dậy, con người được ngụp lặn trong niềm vui của bình minh ban mai, được hít thở một bầu khí trong lành, được đắm chìm trong hạnh phúc của những công việc mới, niềm vui mới, đó là những món quà Tạo Hóa đã ban cho con người mỗi ngày, hơn nữa, Ngài còn ban cho con người một sự thông minh tuyệt vời, một trái tim nhạy bén với cuộc đời, từ những món quà đó, Tạo Hóa muốn con người sử dụng nó để sống ơn gọi làm người, biết vận dụng sự thông minh, khôn ngoan của mình để biện phân, để loại trừ và để có những quyết định đúng đắn cho cuộc đời, thế mà, không thiếu những lúc con người vẫn thấy bất an, thấy bản thân quá lúng túng trước những chọn lựa cho phút giây hiện tại của mình. Phụng vụ Lời Chúa tuần thứ 28 thường niên năm B gợi nhắc cho con người hãy sử dụng những khả năng Tạo Hóa phú bẩm, để định hướng cuộc đời thật tốt, thật ý nghĩa.
Trí khôn của con người được coi là một cỗ máy vĩ đại, cỗ máy đó cần được khởi động và điều chỉnh cho phù hợp, sự khôn ngoan của con người sẽ được đánh thức khi con người biết khai tâm, rồi khai trí, để có thể hiểu về cuộc đời, phân định rõ ràng và chọn lựa đúng đắn: “Tôi đã ước ao được ban sự hiểu biết, tôi cầu khẩn được thần trí khôn ngoan đến cùng tôi. Tôi lấy sự khôn ngoan làm hơn vương quốc và ngai vàng: Ðem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không. Tôi cũng không so sánh nó với kim cương, vì mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như hạt cát nhỏ bé, và bạc đem để trước nó thì kể như đất bùn”. Tác giả sách Khôn Ngoan đã minh định điều đó cho con người, giúp họ biết chọn lựa và phân định rạch ròi, có được sự khôn ngoan cần thiết, cuộc đời con người sẽ sống tốt, sống có ích và sống có ý nghĩa hơn hôm nay và đem lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho ngày mai.
Khi cuộc sống con người được cung cấp các nhu cầu khá đầy đủ, con người tưởng chừng như được hạnh phúc và bình an, nhưng đối diện với thực tế không là vậy. Câu chuyện của chàng thanh niên nhà giàu đến quỳ trước mặt Đức Giêsu, cầu xin Ngài hướng dẫn cho anh ta cách nào để được sống đời đời: “Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”. Giàu có, thánh thiện là hai tiêu chí mà anh chàng nhà giàu nghĩ rằng đủ để có được một chỗ trong Nước Trời, và đó cũng là suy nghĩ của con người thời đại thực dụng này, lấy tiền của mua Nước Trời, lấy sự thánh thiện là chiếc áo quyền lực để được xem xét vào chốn bình yên. Một sai lầm của con người ngày nay, kể cả những tín hữu không cùng tôn giáo.
Tác giả lá thư gởi cộng đoàn Do-thái đã trả lời cho vấn nạn xem ra thực dụng của con người hôm nay, đó là chỉ có sự hướng dẫn của Thiên Chúa qua ánh sáng của Lời, con người mới có thể phân định và có những chọn lựa đúng đắn cho tương lai: “Anh em thân mến, lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn. Không một tạo vật nào ẩn khuất được trước mặt Chúa; tất cả mọi sự đều phơi trần và tỏ ra trước mắt của Ðấng mà chúng ta phải trả lẽ”. Lời Chúa nhắc cho con người rằng, sự hiện diện của mỗi cá thể không mang tính đơn độc, nhưng còn có sự liên đới cộng đoàn, nếu con người từ chối tính liên đới đó, họ chưa thể đặt một tấm vé cho mình vào Nước Trời mai sau.
Suy nghĩ của anh chàng thanh niên nhà giàu về những tiêu chuẩn vào Nước Trời vẫn có lý khi cố gắng giữ luật nghiêm nhặt, cố gắng sống thánh thiện và làm ăn chân chính, không tham lam, điều đó đủ vào Nước Trời rồi, con người hôm nay cũng có những suy nghĩ tương tự vì sống thánh thiện và liêm chính, không làm phiền ai, không mất lòng ai thì còn gì hơn nữa, nhưng chương trình cứu độ của Thiên Chúa không là như thế, Ngài đề nghị anh ta hãy cảm thông với người nghèo, chia sẻ với những người túng thiếu và đồng hành với những người bất hạnh. Thân tôi lo chưa xong, giờ đâu tôi lo việc bao đồng, Thiên Chúa có đòi hỏi quá nhiều nơi những cố gắng của con người không, Ngài có thiên vị người nghèo không. Chắc chắn Thiên Chúa không có những tính toán như thế, ơn cứu độ dành cho mọi người, Nước Trời là ngôi nhà chung của mọi người và Thiên Chúa là Cha của tất cả anh chị em dưới bầu trời này.
Câu chuyện trong bài Tin mừng hôm nay vẫn là một chủ đề khá nóng bỏng trong đời sống tôn giáo hôm nay, trước hết, tôi cần phải giữ luật, không bỏ lễ Chúa nhật, không trộm cắp, dâm ô, không gian manh ích kỷ, luôn giữ chay và kiêng thịt đầy đủ, ăn ngay ở lành không xúc phạm đến ai, thế là quá tốt rồi, thứ đến, nếu có chút của cải, tôi dâng cúng cho Giáo hội, cho nhà thờ, được rao tên giữa cộng đoàn, được đưa vào số những ân nhân của Giáo hội, thế là có thêm tấm vé ưu tiên để vào Nước Trời. Những tiêu chí đó có thực sự là sức ép để Thiên Chúa trao cho tấm vé vào Thiên Đàng không. Chắc chắn là chưa đủ, thậm chí còn là cớ vấp phạm nữa, không thiếu những người đã dùng của cải để thao túng tôn giáo, dùng sức mạnh của đồng tiền để điều khiển những kế hoạch của Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu đã phân định rõ ràng từ lâu, tất cả những suy nghĩ và tính toán đó đến từ thế gian chứ không đến từ Thiên Chúa, Ngài chỉ muốn con người tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa và dùng tất cả như những phương tiện để nối kết con người, cộng tác với Thiên Chúa xây dựng ngôi nhà chung là thế giới này và Nước Trời mai sau, đừng dùng chúng để sai khiến người này, áp đặt người kia và thống trị người nọ.
Lạy Chúa, là con người, chúng con được Chúa cho một khối óc để suy nghĩ, để tính toán xây dựng cuộc sống ngày một hoàn thiện hơn, nhưng thay vào đó chúng con đã có những suy nghĩ và tính toán lệch lạc, xin Chúa sửa lại cách suy nghĩ của con người ngày nay, giúp họ đừng quá lệ thuộc vào những gì là phù vân, xin giúp chúng con biết phân định về những giá trị trong cuộc sống, để chúng con biết chọn lựa đúng đắn hơn. Chúa đã hướng dẫn cho anh chàng thanh niên nhà giàu kia hãy đi tìm sự khôn ngoan của Thiên Chúa, đừng kiếm tìm sự khôn ngoan của thế gian, để biết được những giá trị của đời sống mai sau mà mỗi người cần tìm kiếm hôm nay trong hoàn cảnh hiện tại của bản thân. Amen.
Bài giảng lễ Chúa Nhật XXVIII Thường Niên -Năm B
Lm. Stephanô Nguyễn Văn Đậu