TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXIV Thường Niên -Năm B

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô”. (Mc 8,29-30)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXXI Thường Niên -Năm A

01/11/2023 07:28:50 |   750

Chúa Nhật XXXI Thường Niên -Năm A

cn t31 TNa

Mt 23,1-12


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXXI Thường Niên -Năm A

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, là Thiên Chúa tôi, xin đừng bỏ rơi tôi, và xin đừng lìa xa tôi. Lạy Chúa là quền lực phần rỗi tôi, xin phù  giúp tôi.

Dẫn nhập Thánh lễ

Không ai có thiện cảm với những người nói mà không làm, lại càng ghét những người giả dối, nói thánh nói tướng, lên mặt đạo đức giảng cho người khác, nhưng đời sống riêng tư của họ lại bê bối không sống theo điều họ rao giảng.

Các bài đọc hôm nay dạy chúng ta phải tránh lối sống giả dối ngôn hành tương phản như thế. Thiên Chúa đã dùng miệng tiên tri Malakia để cảnh cáo các tư tế và dân chúng vì họ đã hủy bỏ giao ước, sống vị nể và đi sai đường lối, làm cho nhiều người vấp phạm. Trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu đã nghiêm khắc phê bình những người biệt phái và luật sĩ giả hình, vì họ đã sống khác xa với lời họ giảng dậy. Họ nói một đàng làm một nẻo. Vì thế, Lời Chúa hôm nay muốn dạy chúng ta phải phục vụ hết mình như chính Đức Kitô đã nêu gương.

Chúng ta hăy xin Chúa thương xót thứ tha mọi lỗi lầm để Thánh Lễ chúng ta dâng giờ đây được Chúa chấp nhận.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ nhờ Chúa ban ơn, các tín hữu Chúa mới có thể thờ Chúa cho phải đạo, xin giúp đỡ chúng con thẳng tiến về cõi trời Chúa hứa và không bị vấp ngã trên đường. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ml 1, 14b – 2, 2b. 8-10

“Các ngươi đã đi sai đường lối, và làm cho nhiều người vấp phạm lề luật”.

Trích sách Tiên tri Malakhi.

Chúa các đạo binh phán rằng: Ta là Vua cao cả, và danh Ta đáng kính sợ trong các dân tộc. [Ta sẽ làm cho các ngươi phải túng thiếu.]

{Và bây giờ, trên các ngươi có án lệnh này, hỡi các tư tế: Nếu các ngươi không nghe, và nếu các ngươi không lưu tâm mà tôn vinh danh Ta, Chúa các đạo binh phán, Ta sẽ phóng (sự) chúc dữ xuống trên các ngươi; và Ta sẽ chúc dữ cho sự chúc lành của các ngươi.}

Các ngươi đã đi sai đường lối, làm cho nhiều người vấp phạm lề luật và huỷ bỏ giao ước Lêvi, Chúa các đạo binh phán như vậy. Bởi thế, Ta để cho các ngươi bị khinh rẻ và đốn mạt trước mọi dân tộc, vì các ngươi đã không tuân giữ đường lối của Ta, và vị nể trong khi thi hành lề luật. Chớ thì mỗi người chúng ta không có một người cha sao? Chớ thì không phải có một Thiên Chúa tạo thành chúng ta sao? Vậy tại sao mỗi người chúng ta lại khinh rẻ anh em mình mà phản bội giao ước của tổ phụ chúng ta?

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 130, 1. 2. 3

Ðáp: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.

Xướng: Lạy Chúa, lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn.

Xướng: Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con. –

Xướng: Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời.

Bài đọc II: 1 Tx 2, 7b-9, 13

“Chúng tôi muốn trao phó cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà còn mạng sống chúng tôi nữa”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chúng tôi đã trở thành như những kẻ bé mọn giữa anh em. Như người vú nuôi nâng niu con cái mình thế nào, thì chúng tôi yêu thương anh em đến nỗi chúng tôi rất vui lòng trao phó cho anh em không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà còn cả mạng sống chúng tôi nữa: vì anh em đã nên thiết nghĩa với chúng tôi. Anh em vẫn còn nhớ đến công lao khó nhọc của chúng tôi: chúng tôi phải làm việc ngày đêm để khỏi trở nên gánh nặng cho một ai trong anh em, khi chúng tôi rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa giữa anh em. Bởi thế chúng tôi không ngừng cảm tạ Thiên Chúa, vì anh em nhận lãnh lời Thiên Chúa do chúng tôi rao giảng, anh em đã nhận lãnh lời ấy không phải như lời của người phàm, mà như lời Thiên Chúa, và thực sự là thế, lời đó hoạt động trong anh em là những kẻ đã tin.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ep 1, 17-18

Alleluia, alleluia! – Xin Chúa Cha của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho mắt tâm hồn chúng ta được sáng suốt, để chúng ta biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi chúng ta. – Alleluia.

Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Anh em chỉ có một cha là Cha trên trời, anh em chỉ có một lãnh đạo là Đức Ki-tô – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 23, 1-12

“Họ nói mà không làm”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “Thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là Thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha: vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi.

“Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Kitô vị chỉ đạo tối cao đã dậy và nêu gương phục vụ chân thành, khiêm tốn. Bởi đó, mọi chức vụ và hoàn cảnh luôn là động lực thúc đẩy chúng ta chu toàn nghĩa vụ làm vinh danh Chúa. Vậy chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:

1. “Ta để cho các ngươi bị khinh rẻ”, – Xin cho các vị Mục tử có một đức tin bén nhậy, một đức ái nồng nàn và một lòng khiêm tôn thẳm sâu, để hân hoan phụng sự Chúa và phục vụ mọi người, sẽ giúp nhiều người yêu mến và phụng sự Chúa.

2. “Như người vú nuôi nâng niu con cái mình thế nào, thì chúng tôi cũng yêu thương anh em như vậy”, – Xin cho các vị lãnh đạo Quốc Gia biết dùng quyền bính mà quan tâm đáp ứng những nhu cầu căn bản của con người, để xã hội loài người được thăng tiến.

3. “Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi”. – Xin Chúa chúc lành và đỡ nâng những người thiện chí đang phục vụ Chúa trong các anh em nghèo khó khổ đau, để gương xả kỷ bác ái của họ biến thành lời mời gọi nhiều người tin theo Chúa.

4. Trước những sai lầm và ngụy thuyết mà kẻ thù đang khéo léo làm lung lạc dân Chúa, – Xin cho mọi thành phần dân Chúa biết khôn ngoan, cảnh giác trước những lý thuyết phàm tục, để lắng nghe giáo huấn của Hội Thánh, hầu giữ vững đức tin tông truyền.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, xin khắc ghi trong tâm trí chúng con mẫu gương phục vụ khiêm tốn của Chúa, để lời nói và hành động của chúng con luôn phù hợp với đường lối Chúa, mà hoàn thành tốt đẹp trách nhiệm đối với Chúa và tha nhân. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho bánh rượu chúng con dâng trở nên của lễ tinh tuyền trước nhan Chúa và đem lại cho chúng con nguồn ơn phúc dồi dào. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin chỉ cho tôi biết đường lối trường sinh, và xin cho tôi no đầy hoan hỉ trước thiên nhan.

Hoặc đọc:

Chúa phán: cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta chính người ấy cũng sống nhờ Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa được Mình và Máu Ðức Kitô bồi dưỡng, xin Chúa tăng cường hoạt động nơi chúng con, để chúng con được sẵn sàng lãnh nhận những ơn lành Chúa hứa cho những ai tham dự bí tích này. Chúng con cầu xin….

Suy niệm
Khiêm nhường

Thầy Pacifique là một trong số những môn đệ đầu tiên của thánh Phanxicô d’Assie, ngày kia thầy được Chúa đưa lên thiên đàng và chiêm ngắm những cảnh sắc huy hoàng. Thầy nhìn thấy một chiếc ngai sáng chói, và Chúa đã nói với Thầy: Chiếc ngai mà con thán phục đó là chiếc ngai của Lucifer, nhưng vì kiêu ngạo, nó đã bị bỏ mất, giờ thì nó thuộc về Phanxicô d’Assie, người tôi tớ khiêm nhường của Ta. Hôm sau trong giờ nghỉ, thầy đã hỏi thánh nhân: Thưa cha, cha nghĩ gì về mình. Thánh nhân trả lời: Tôi chỉ là một kẻ tội lỗi đáng thương nhất. Thầy dòng ngạc nhiên: Làm sao mà cha có thể như vậy được. Thánh nhân trả lời: Nếu Chúa ban cho kẻ khác những ơn hệt như đã ban cho tôi, thì họ đã trở nên tốt lành thánh thiện hơn tôi rất nhiều. Thầy dòng suy nghĩ, và nhớ tới lời Chúa đã phán: Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.

Vậy chúng ta phải hiểu thế nào về lời nói của Chúa Giêsu? Đâu là ý tưởng của Ngài? Dĩ nhiên Chúa không bảo chúng ta tuân giữ một đức khiêm nhường bề ngoài, một sự khiêm nhường giả hiệu, chẳng hạn như khi đi dự tiệc, là phải chọn ngay mâm cuối, để rồi sẽ được chủ nhà mời lên mâm trên. Căn bản của thái độ này chính là kiêu ngạo, sự trá hình. Chúa không bảo chúng ta hãy lợi dụng chỗ thấp để làm cho mình được vinh dự, trái lại, chúng ta phải có tâm tình khiêm nhường, sẵn sàng chấp nhận những công việc khiêm tốn, những địa vị kém cỏi. Chúa là Đấng phân định công nghiệp của chúng ta, chính Ngài sẽ chỉ cho chúng ta đứng vào địa vị xứng hợp.

Chúng ta sống trên trần gian, không phải là để thống trị mà là để phục vụ kẻ khác như lời Ngài đã phán: Con Người đến không để được phục vụ mà để phục vụ và hiến thân vì người khác. Ai muốn làm lớn, hãy trở nên như tôi tớ. Đó chính là bài học mà chúng ta không bao giờ được quên lãng, vì Chúa chống đối kẻ kiêu ngạo và yêu thương người khiêm nhường.

Một nữ tu kia có tiếng hát rất hay. Sơ biết điều đó và thường hãnh diện mỗi khi hát trong nhà nguyện của cộng đoàn. Sau khi sơ ấy chết đi, thánh nữ, Gertrude nhìn thấy linh hồn của sơ ấy quằn quại trong lửa luyện ngục. Trước cảnh tượng kinh hoàng ấy, thánh nữ đã khóc thương, nhưng Chúa hiện ra và phán: Vị nữ tu này đang đền bù, tẩy xoá tính kiêu ngạo. Hãnh diện vì tiếng hát, sơ ấy đã đi tìm những lời khen phù phiếm thay vì phụng sự thánh danh Ta.

Phải chăng chúng ta cũng đã tình cờ trở nên giống vị nữ tu trước những tài năng mà Chúa đã ban? Hãy dùng những khả năng của mình để phụng sự Chúa và anh em, nhờ đó mà chúng ta sẽ sống tâm tình khiêm nhường đích thực, vì ai hạ mình xuống, sẽ được không phải là người đời, mà chính là Chúa nâng lên.

Khiêm nhường

Chúng ta có thể xác quyết: Khiêm nhường là con đường bảo đảm nhất dẫn chúng ta tới quê hương Nước Trời.

Thực vậy, tội của ông bà nguyên tổ là gì, nếu không phải là sự kiêu căng, muốn trở nên bằng Thiên Chúa, từ chối không chịu để cho Ngài hướng dẫn, bằng cách giơ tay ngắt trái cấm mà ăn. Tội của Lucifer, vị thần mang ánh sáng, là gì, nếu không phải là tính kiêu ngạo, không muốn phục tùng Thiên Chúa nữa.

Từ đó, chúng ta thấy mình chỉ có thể gặt hái được những thành quả tốt đẹp, nếu biết trở nên như trẻ nhỏ, phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, người cha đầy yêu thương và giàu lòng thương xót.

Dưới mắt Thiên Chúa, chúng ta thấy dường như có một sự đảo lộn giá trị: Ai tự nâng mình lên cao thì sẽ bị hạ xuống thấp, và trái lại ai hạ mình xuống thấp thì sẽ được nâng lên cao, bởi vì chính Chúa Giêsu đã phán: Ai muốn làm lớn thì phải trở thành kẻ rốt hết và làm đầy tớ phục vụ cho mọi người…Ai trở nên giống trẻ nhỏ, thì sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời…

Để nuôi đám đông dân chúng trong hoang địa, Chúa Giêsu đã không làm cho manna từ trời rơi xuống, nhưng Ngài đã dùng năm chiếc bánh và hai con cá của một em nhỏ.

Và trong cuộc sống, Ngài đã sử dụng những phương tiện tầm thường nhất. Thực vậy, để thiết lập Giáo Hội, Ngài đã không chọn lựa những tiến sĩ luật và những nhà thông thái, trái lại, Ngài đã kêu gọi những con người đơn sơ và dốt nát.

Tại phòng tiệc ly, mặc dù luôn ý thức quyền năng của mình, thế nhưng Ngài đã quì xuống rửa chân cho các môn đệ, để dạy cho các ông bài học khiêm nhường và phục vụ.

Trong công cuộc cứu độ nhân loại, Ngài đã không sử dụng tới uy quyền của một vị Thiên Chúa, nhưng đã cúi đầu chấp nhận thập giá, như lời thánh Phaolô đã diễn tả: Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.

Ngài cũng muốn chúng ta noi gương bắt chước Ngài: các con hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Đoạn Tin Mừng hôm nay đưa ra hai khuôn mặt, đó là khuôn mặt của một bậc thầy, một tiến sĩ luật và khuôn mặt của một người tôi tớ, một người hèn mọn.

Kẻ kiêu căng luôn đặt mình làm trung tâm của vũ trụ, muốn người khác phải trọng kính và coi mình như một vị thủ lãnh. Chính vì thế, kẻ kiêu căng không hề biết vâng lời và yêu thương. Họ sẽ không bao giờ được thỏa mãn, trái lại lúc nào cũng ghen tức vì hấy người khác được thành công. Một kẻ như vậy thì làm sao có thể gặp được Thiên Chúa.

Trong khi đó, người khiêm nhường biết từ bỏ mọi sự, ngay cả bản thân cùng với địa vị và danh dự. Họ biết nhận định đúng về con người của mình, đồng thời họ biết quên mình đi để mưu cầu lợi ích cho những người chung quanh. Chính vì thế, họ được dành cho nhiều tình cảm tốt đẹp và được chính Thiên Chúa đón nhận, vì tâm hồn họ trống rỗng, không có những vướng mắc và níu kéo.

Kytô giáo của chúng ta không thể thiếu vắng sự khiêm nhường, như lời thánh Bernađô đã xác quyết: Lời rao giảng quan trọng nhất của Đức Kitô chính là sự khiêm nhường.

Và thánh Phanxicô Assie cũng nói: Thiên Chúa thấy tôi tội lỗi hơn hết mọi người, nên Ngài đã chọn tôi để làm những công việc trọng đại.

Còn thánh Phanxicô Xaviê thì bảo: Trên dấu chân của Đức Kitô, chúng ta chỉ thực sự được nâng lên, một khi đã thực sự hạ xuống.

Để kết luận, chúng ta cùng nhau ghi nhớ tư tưởng sau dây của ông Gandhi: Nếu chúng ta nghĩ rằng mình là một cái gì đó, thi chúng ta đã đặt một hàng rào để ngăn cách với Thiên Chúa, còn nếu chúng ta nghĩ rằng mình chẳng là gì cả, thì chúng ta sẽ trở nên một với Ngài.

CHỈ CÓ MỘT CHA, CHỈ CÓ MỘT THẦY
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần XXXI Thường Niên, Năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: chỉ nhờ Chúa ban ơn, chúng ta mới có thể thờ phượng Chúa cho phải đạo, xin Chúa giúp chúng ta tiến thẳng về Quê Trời, mà không bị vấp ngã trên đường.

Thiên Chúa là Cha yêu thương, có giận thì cũng chỉ giận trong giây lát, sửa phạt xong, lại cho hòa giải với Người. Ngay lúc sửa dạy, thì chúng ta chẳng vui thú gì, nhưng, nếu chúng ta để cho Người thanh luyện, thì chúng ta sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính. Bài đọc một của giờ Kinh Sách, được trích từ sách Macabê quyển I, cho thấy: Thiên Chúa sửa phạt Dân của Người bằng cách để mặc cho vua Antiôkhô cướp phá Đền Thờ, vơ vét hết bạc, vàng, các vật dụng quý giá, lấy cả các kho tàng đã được cất giấu khiến: Tang tóc bao trùm khắp cõi Ítraen. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Malakhi cũng có cùng tâm tình như thế khi cảnh báo cho Dân Chúa biết: Nếu các ngươi không nghe và không lưu tâm tôn vinh Danh Ta, thì Ta sẽ khiến các ngươi mắc tai họa, Ta sẽ biến phúc lành của các ngươi thành tai họaTất cả chúng ta chẳng có cùng một cha sao? Chẳng phải cùng một Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta sao? Thế mà sao chúng ta lại bội phản nhau mà vi phạm giao ước của cha ông chúng ta?

Dân Chúa thường hay bất trung, phá hủy giao ước, nhưng, Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương, luôn kiên nhẫn chờ đợi con cái quay trở về, cho nên, vịnh gia qua Thánh Vịnh 130 của bài Đáp Ca hôm nay, đã bày tỏ tâm tình đơn sơ phó thác của đứa con thơ tìm nương ẩn nơi Thiên Chúa, bởi vì, ngoài Người ra, không có nơi nào khác để cho chúng ta nương tựa: Hồn con xin Chúa giữ gìn, nép mình bên Chúa an bình thảnh thơi. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui. Cậy vào Chúa, Ítraen ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm.

Bài đọc hai của giờ Kinh Sách, được trích từ Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng Vaticanô II cho thấy: Thiên Chúa là Đấng vĩ đại quyền năng, nắm giữ vương quyền, địa vị tối cao, vượt trên tất cả, vì thế, Hiến Chế khẳng định: Hòa bình trên trần gian chính là hình ảnh và kết quả của sự bình an xuất phát từ Chúa Cha, do Đức Kitô đem đến. Quả thế, chính Con Thiên Chúa nhập thể, Thủ Lãnh hòa bình, đã dùng thập giá mà hòa giải mọi người với Thiên Chúa, Người đã làm cho mọi người lại được hợp nhất trong một dân tộc, một thân thể duy nhất. Do đó, chúng ta không thể cậy dựa vào ai, hay thế lực nào khác, để xây dựng hòa bình, ngoài một mình Người, là Hoàng Tử Bình An.

Câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúng ta chỉ có một Cha là Cha trên trời; chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Kitô. Thật vậy, chúng ta chỉ có một Cha, chỉ có một Thầy. Điều này thánh Phaolô là người hiểu rõ hơn ai hết, cho nên, trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh nhân đã tạ ơn Chúa, vì các tín hữu Thêxalônica đã đón nhận lời các Tông Đồ rao giảng không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Cũng vậy, thánh nhân đã noi theo tình phụ tử của Thiên Chúa mà đối xử với các tín hữu: chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ, sẵn sàng hiến cho các tín hữu, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống mình nữa.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã trách các kinh sư và những người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy, bởi vì, họ nói mà không làm; còn Đức Giêsu thì làm trước khi nói: Ai muốn làm đầu thì hầu thiên hạ. Ngôi Lời Thiên Chúa đã chấp nhận đi vào con đường nhập thể: tự hủy, hóa mình ra không: Thầy ở giữa anh em như một người tôi tớ. Đức Giêsu đã chấp nhận rời khỏi chỗ ngồi vinh dự của một vì Thiên Chúa, cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, như người đầy tớ rửa chân cho chủ mình. Đức Giêsu đến không phải được hầu hạ, nhưng, để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. Do đó, ngoài Đức Kitô, không có vị thầy nào có thể dạy dỗ cho chúng ta, mà vả như có, thì người thầy ấy cũng phải theo sát và phải bắt chước để trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy Chí Thánh trong khó nghèo và vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Tóm lại, chúng ta chỉ có một Cha là Cha trên trời, cho nên, chúng ta phải hiếu thảo với Người, mà muốn thờ phượng Người cho phải đạo, chúng ta phải cậy nhờ ân sủng của Người và tìm nương ẩn nơi Người: như con thơ trong lòng mẹ hiền. Chúng ta chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Kitô, Người là đường, là sự thật, và là sự sống, cho nên, chúng ta phải theo sự hướng dẫn của Người, để chúng ta có thể tiến thẳng tới Quê Trời, mà không bị vấp ngã.

 

CHỈ ĐỂ TÔN VINH THIÊN CHÚA
Chúa Giê-su nói: “Các kinh sư và người Pha-ri-sêu… làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy.” (Mt 23,1-12)

Suy niệm: Chuyện xưa kể rằng có một anh chàng thích khoe mẽ, mặc chiếc áo mới đứng ngoài cửa chờ có người đi qua khen. Đứng từ sáng đến chiều chẳng có ai hỏi một câu. Đến chập tối mới có một anh khoe mẽ khác chạy qua hỏi: “Anh có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không?” Anh kia đáp: “Từ lúc tôi mặc chiếc áo mới này, tôi không thấy con lợn nào chạy qua đây cả.” Về phương diện thiêng liêng, đối với căn bệnh ‘khoe mẽ đạo đức’, Chúa Giê-su không chỉ châm biếm mà còn lên án nặng nề: “Khốn cho các người, những kẻ giả hình” (x. Mt 12,13). Biểu hiện của căn bệnh này là “làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy”, để được khen, được kính trọng. Chúa Giê-su dạy khi làm việc thiện, việc đạo đức điều quan trọng nhất là để chỉ mình Thiên Chúa là Cha thấy và ban thưởng (x. Mt 6,1-6). Còn thiên hạ có thấy những việc tốt đẹp đó cũng là để “tôn vinh Thiên Chúa là Cha, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Bạn có nhận thấy cơn cám dỗ ‘khoe mẽ’ đang đè nặng trong tâm trí mình cách này cách khác? Cám dỗ này có thể mang dáng vẻ của những nỗi sợ: sợ những việc đạo đức, việc phục vụ âm thầm của mình không được ai biết đến, khen ngợi, trả ơn… Bạn cứ yên tâm, vì Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tận đáy lòng, sẽ thấy và ban thưởng cho bạn.

Sống Lời Chúa: Luôn làm việc thiện không sờn lòng nản chí, chỉ để tôn vinh Chúa, dù người ta có thấy hay không.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giữ con khỏi những ham muốn khoe khoang giả hình, để con tin mến Chúa tận đáy lòng và làm mọi việc chỉ để tôn vinh Thiên Chúa là Cha mà thôi. Amen.

Ngày 5 tháng 11: Lạy Chúa! Để giải thoát chúng con khỏi quyền lực Thần chết, Con Chúa, là Đức Kitô đã đến để mang lấy thân phận phải chết của chúng con. Người thực hiện thánh ý của Chúa là muốn cứu độ tất cả mọi người. Người đã chết vì chúng con, đã làm hy tế xá tội cho chúng con. Nhờ cái chết của Người, chúng con được hòa giải với Chúa, hầu có thể lãnh nhận gia nghiệp muôn đời. Người đã chiến thắng tử thần bằng sự phục sinh vinh hiển, nên quyền lực của Thần chết đã bị vô hiệu hóa. Kể từ đó, tương quan của chúng con với sự chết đã thay đổi, vì Đức Kitô chiến thắng: sẽ luôn chiếu soi cho những ai đang ngồi trong bóng tử thần. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 

ĐỀU LÀ ANH EM
Chúa Nhật 31 Thường Niên Năm A: Mt 23, 1-12 - Lm. Thái Nguyên

LmTN 021123a


Suy niệm

Lời Chúa hôm nay nói về trách nhiệm hướng dẫn người khác. Trách nhiệm này nằm trong nhiều môi trường và hoàn cảnh khác nhau, từ đời sống gia đình, hội đoàn, cộng đoàn, đến xã hội, Giáo Hội. Trách nhiệm hướng dẫn rất nặng nề và đòi hỏi rất nhiều, thiếu tình yêu và lòng đạo đức chân thật thì chẳng khác nào “mù dẫn mù, cả hai lăn cù xuống hố”.

 

Bài đọc I (Ml 1,14 - 2,2.8-10), kể cho chúng ta nghe về các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái, thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, lúc Đền thờ đã được xây dựng lại. Họ chỉ quan tâm tổ chức các lễ nghi bề ngoài, không lo hướng dẫn tinh thần dân chúng. Từ đó phát sinh nhiều tệ nạn: các lễ vật dâng tiến cho Chúa là những con vật đui mù què quặt, thậm chí là những con vật ăn cắp; dung túng cho việc li dị, hôn nhân với người ngoại, trốn thuế thập phân; các nhà lãnh đạo đối xử với dân cách quan liêu, chỉ nhằm tư lợi. Thiên Chúa bảo ngôn sứ Malakhi nhắc nhở họ về cung cách lãnh đạo: làm cho dân biết tôn vinh Thiên Chúa, trung thành với giao ước, và đối xử với mọi người trong tình anh em con một Cha.
 

Qua bài đọc II (1 Tx 2,7-9.13), thánh Phaolô cho thấy ngài đã cư xử với các tín hữu thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ. Ngài nói rõ: “Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em…”.
 

Đến bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói về giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái thời của Ngài, tức là các luật sĩ và các người biệt phái: Một mặt, Ngài bảo mọi người phải tôn trọng chức vụ của họ, vì họ “ngồi toà Môsê”, và hãy làm theo những gì họ dạy. Nhưng mặt khác đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm, chất gánh nặng trên vai người ta bằng những luật lệ chi li mà họ không hề tuân giữ. Ngoài ra, họ còn là những kẻ giả hình: làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy mình đạo đức, như đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Tệ hơn nữa, họ còn là những kẻ háo danh: ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi nơi công cộng, và ham được thiên hạ gọi là thầy.

Quả thật, những kẻ háo danh thường tìm đủ mọi cách để đưa mình lên, và hạ kẻ khác xuống… Tiếc thay không có nhiều chỗ nhất trong bàn tiệc cuộc đời, nên người ta phải dùng đủ mọi mánh khoé và thủ đoạn để tranh giành, loại trừ, như bêu xấu, bôi nhọ, chà đạp, hạ nhục kẻ khác. Đó là căn bệnh nan y muôn thuở của loài người, cũng là nguyên nhân chiến tranh và nhiều thảm hoạ trong xã hội xưa nay.

Đừng thấy cái bóng to của mình trên vách mà tưởng mình vĩ đại. “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống”. Người thực sự có tài cao đức trọng bao giờ cũng “vô ngã vị tha”, làm việc để cứu giúp chúng sinh mà không mong cầu danh lợi, là bã vinh hoa dễ biến thành thứ dơ bẩn luôn đeo bám con người ở mọi tầng lớp. Dơ bẩn không thể tránh hết được, có điều ta có muốn tẩy rửa không? Là những người được mời gọi tham gia phục vụ cộng đồng Dân Chúa, chúng ta có dám hạ mình xuống, ngồi ở chỗ cuối như Đức Giêsu đã dạy không? (x. Lc 14,10).

Lời Chúa muốn giải thoát ta khỏi những danh lợi hão huyền và rất đáng hổ thẹn của thế gian. Vì thật là dại dột và lố bịch khi người ta không biết rõ giá trị của mình, mà lại muốn chiếm địa vị cao, ham được những ưu đãi. Những thứ ấy chỉ khiến họ bị lợi dụng và trở nên trò cười cho thiên hạ. Vinh dự thật không khởi đi từ danh vị, nhưng được xác định qua những nỗ lực và khiêm tốn phục vụ. Cái đáng tin, đáng phục không phải ở lời nói, quyền hành, chức vụ, mà là ở cuộc sống phản ảnh sự chân thực, ở khả năng cống hiến và mức độ dấn thân để sống yêu thương.

Khi nhìn khuôn mặt của người Pharisêu với thói giả hình và kiêu căng, mỗi người chúng ta ít nhiều cũng thấy nơi mình thói háo danh, khoa trương, ích kỷ, dám “đốc” chứ không dám làm... Lời Chúa hôm nay kêu mời chúng ta hãy sống thật với mình với người. Đừng cậy dựa vào thế giá, danh giá hay sáng giá của mình mà lên mặt với mọi người. Mọi sự đều do Chúa ban cho, và Chúa có thể lấy lại bất cứ lúc nào. Hãy tận dụng mọi khả năng và ân ban để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

Vinh quang của chúng ta ở nơi Chúa. Chúng ta hãy nhìn lên “tòa thập giá” của Chúa Giêsu để tìm những lời dạy chí lý, đồng thời khám phá ra những phương cách chia sẻ vinh quang đích thực và vững bền.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa phân biệt lời nói và hành động,
Ngài bảo con nghe điều hay lẽ phải,
nhưng không theo những hành động sai trái,
thiếu khôn ngoan sẽ gây nhiều hư hại.


Có những người chỉ nói mà không làm,
như kinh sư hoặc như người biệt phái,
nói một đàng nhưng lại làm một nẻo,
con chớ có dại dột mà sống theo,
nhất là lối sống phô trương,
ham mê danh vọng khinh thường anh em.


Ngoài ra chẳng ai thật sự là cha,
chỉ một Thiên Chúa là Cha trên trời,
cũng chẳng ai xứng đáng gọi là thầy,
chỉ có một Đấng là Thầy Giê-su,
tuy nhiên trong Giáo Hội đây,
Chúa vẫn đặt để cha thầy làm thay.


Biết rằng Chúa lập Giáo Hội nhiệm mầu,
nhưng không bỏ cơ cấu và phẩm trật,
vì là sự thiết yếu của toàn thân,
và Chúa mới là đầu của nhiệm thể,
để cho tất cả quy về,
một Cha một Chúa trọn bề uyên nguyên.


Dù có chức vụ gì trong Hội Thánh,
thì tất cả cũng chỉ nhằm phục vụ,
theo gương mẫu Thầy chí thánh Giê-su,
không phân biệt trên dưới hay cao thấp,
vì rằng chỉ có một Cha,
cho nên tất cả đều là anh em.


Xin cho con biết sống tình huynh đệ,
biết yêu thương và kính trọng mọi người,
đừng làm ra vẻ cha thầy,
nhưng luôn khiêm hạ vui vầy bên nhau. Amen. 

 

 
 

Chúa nhật 31 thường niên -A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 23, 1-12).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “Thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là Thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha: vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. “Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Suy niệm

Con Thiên Chúa đi vào thế giới như là một hành vi cúi xuống của Thiên Chúa, để làm hiển lộ giá trị của con người, một tạo vật mang hình ảnh của Ngài. Thiên Chúa đi vào trong mọi lối nẻo sinh hoạt của nhân loại, để chia sẻ, để cảm thông và để hướng dẫn con người sống với nhau ngày một tử tế hơn, bình an hơn và ấm áp hơn trong tình người. Tâm tình của bài tin mừng Chúa nhật 31 thường niên, là một lời nhắc các Tông đồ, các môn đệ, hãy tôn trọng anh chị em, hãy đón nhận anh chị em và hãy cộng tác với anh chị em với thái độ trân trọng và cảm thông, với tương quan huynh đệ thiêng liêng. Với tinh thần Kitô giáo, thái độ phục vụ anh chị em vẫn mãi là một bài học của Thầy Chí Thánh đã thực hiện, để nêu gương khiêm hạ cho những ai gọi Ngài là Thầy.

Từ một dân tộc bị nô lệ, đọa đày trên đất Ai-cập, người Do-thái kêu cầu Giavê, Ngài đã lắng nghe, đã cúi xuống, đã đưa họ ra khỏi tình trạng khổ đau. Từ đây, Ngài luôn bên cạnh để hướng dẫn họ về thái độ sống trong tương quan với những người ngoại kiều, những người nô lệ. Dù trực tiếp chỉ dạy, hay qua sự hiện diện của các tiên tri, dân chúng vẫn cứng đầu, vẫn cố chấp, vì thế, qua lời của tiên tri Ma-la-khi, Thiên Chúa cảnh tỉnh cho dân về lối nẻo họ đang theo đuổi là sai lệch, là đi ra khỏi quỹ đạo tình yêu của Giavê: “Các ngươi đã đi sai đường lối, làm cho nhiều người vấp phạm lề luật và huỷ bỏ giao ước Lêvi, Chúa các đạo binh phán như vậy. Bởi thế, Ta để cho các ngươi bị khinh rẻ và đốn mạt trước mọi dân tộc, vì các ngươi đã không tuân giữ đường lối của Ta, và vị nể trong khi thi hành lề luật. Chớ thì mỗi người chúng ta không có một người cha sao? Chớ thì không phải có một Thiên Chúa tạo thành chúng ta sao? Vậy tại sao mỗi người chúng ta lại khinh rẻ anh em mình mà phản bội giao ước của tổ phụ chúng ta?”. Luôn tự hào là dân riêng của Thiên Chúa, thế mà họ đã coi thường anh chị em chung quanh như là các người làm công, các dân ngoại, thái độ đó, Thiên Chúa không chấp nhận, bởi họ cũng là nô lệ ở đất khách, họ cũng là dân ngoại trên đất Ai-cập ngày xưa. Họ được nhắc nhở để sửa đổi, kẻo lại bị Thiên Chúa răn phạt vì bất tuân.

Thánh Phaolô đã trình bày hình ảnh một người phục vụ tha nhân theo tinh thần Tin mừng, đó là người sẵn sàng làm việc cho anh chị em, sẵn sàng trao sự sống cho tha nhân. Tâm tình xác tín của thánh nhân được ghi lại trong thư gởi cộng đoàn Thexalonica, trong lá thư đó, thánh nhân coi mình là kẻ phục vụ, là kẻ được sai đến cho mọi người: “Anh em thân mến, chúng tôi đã trở thành như những kẻ bé mọn giữa anh em. Như người vú nuôi nâng niu con cái mình thế nào, thì chúng tôi yêu thương anh em đến nỗi chúng tôi rất vui lòng trao phó cho anh em không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà còn cả mạng sống chúng tôi nữa: vì anh em đã nên thiết nghĩa với chúng tôi”. Các môn đệ, các Tông đồ, đều là những người phục vụ Lời. Sức mạnh của Lời sẽ biến đổi mọi người trở nên mới trong Thánh Thần. Ơn gọi là môn đệ của Thiên Chúa đã và đang được gởi đến cho mỗi Kitô hữu, để tất cả cộng tác với nhau cho Lời được lớn lên trong thế giới.

Trước khi chọn dân Do-thái là dân riêng, Thiên Chúa đã huấn luyện họ, sửa dạy từng điều trong mọi nếp sống, từ đời sống tôn giáo cho đến tương quan với mọi người, ngay cả với kẻ thù. Lề luật được coi là khuôn vàng thước ngọc, giúp họ sống tốt hơn trong tương quan tình người, thế nhưng, con người đã đặt mục đích cuộc đời lệch lạc, coi lề luật là cứu cánh. Đức Giêsu đến sửa lại những gì chưa phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa, Ngài dạy dỗ họ, có lúc nghiêm khắc, có lúc nhẹ nhàng, tất cả như đang đưa họ vào quỹ đạo của tình yêu. Bên cạnh đó, Ngài cũng cảnh tỉnh thái độ vụ hình thức vì luật, đó không phải là điều Thiên Chúa đợi chờ: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “Thầy”. Hai con đường song song không bao giờ gặp nhau và cắt ngang nhau, con đường nên thánh từ lề luật và con đường nên thánh bằng niềm tin, không bao giờ gặp nhau nơi điểm cắt là Thiên Chúa. Ngài đợi chờ nơi con người một tấm lòng, Ngài đợi chờ một sự chân thành đủ lớn, để nâng con người lên một tầm cao mới là nghĩa tử của Thiên Chúa. Quả thực là một niềm vui lớn lao của con người.

Thiên Chúa mở ra một con đường cho con người về trời, cho con người trở về tình trạng thánh thiện nguyên thủy, Ngài dùng nhiều cách thế khác nhau, trong đó có một con đường ngang qua lề luật. Tất cả những lề luật đều nhằm tới một mục đích là giúp cho con người khỏi sai lệch hành trình, giúp con người luôn tỉnh thức trong hành trình và giúp con người lạc quan hơn trong hành trình đó. Tất cả chỉ vì con người, thế nhưng, khi con người bước vào hành trình đó, họ đã dựa trên những lề luật, đặt ra những lề luật khác theo cách suy nghĩ của thế gian. Tất cả nhằm đạt được mục đích của họ. Vô tình, con người biến những lề luật của Thiên Chúa, trở thành công cụ cho con người. Cách suy nghĩ lệch lạc đó không những đem lại sự bế tắc cho bản thân họ, nhưng đã ảnh hưởng rất nhiều đến tha nhân, đến cộng đoàn. Đây là một mối nguy đang ẩn hiện tiềm tàng trong các cộng đoàn tôn giáo, trong các gia đình, gây ra nhiều hệ quả nặng nề. Nếu tất cả đón nhận sự tiến bộ của xã hội và mưu ích của con người, ắt hẳn những lề luật đó sẽ được hiểu linh động hơn và tích cực hơn.

Lề luật trong tôn giáo hay ngoài xã hội, đều hướng về con người. Tất cả giúp con người hoàn thiện ơn gọi làm người và làm Kitô hữu. Vậy mà, trong sinh hoạt hàng ngày, không thiếu những lúc người ta bóp méo lề luật hay bẻ cong nó cho phù hợp với tính toán hơn thua của con người. Cũng không thiếu những sự kiện, con người đã dùng ma lực của đồng tiền, để thay đổi hướng đi của lề luật, thay đổi mục đích của lề luật, biến lề luật như một món hàng mua bán. Cũng không thiếu những biến cố, con người đã dựa vào tính thánh thiêng của tôn giáo, để sửa đổi mục đích của lề luật, làm thay đổi chiều kích thiêng liêng của những khoản luật đó. Cũng không thiếu những lời than trách vì sao phải cứng nhắc vì luật trong khi xu hướng xã hội đang thay đổi, giá trị nhân quyền của con người đang khoác lên mình chiếc áo mới. Nhưng tất cả khi đã là luật thì bất vị thân.

Lề luật trong tôn giáo mang lấy một chiều kích ý nghĩa hơn, đó là giúp con người hạn chế những đau khổ, những phiền muộn, giúp con người thăng tiến trong mọi biến cố cuộc đời. Lề luật trong tôn giáo nhằm mục đích giúp con người tìm thấy điểm đến cuộc đời là Nước Trời. Đó là nơi con người luôn hướng về, luôn thao thức được vào đó và cũng là nơi con người tìm thấy chính mình. Bao nhiêu vấn nạn đang được đặt ra trên mặt bàn trong Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới. Tất cả luôn mong được sửa luật, luôn mong được dẫn dắt Giáo hội đi theo một lối nẻo khác. Rồi một lúc nào đó, đường hướng của Giáo hội là đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, hay đi theo sự lôi kéo của thế gian, của quỷ ma.

Lạy Chúa, mong ước con người ngày càng hoàn thiện, vẫn mãi là sự đợi chờ của Chúa, xin giúp chúng con biết cố gắng sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, bởi Ngài là Thần Chân Lý. Thiên Chúa luôn vui thích ở giữa con người, khi con người biết sống với nhau bằng luật của tình yêu, là phục vụ, là tha thứ, là hy sinh, là chấp nhận lẫn nhau, xin giúp chúng con biết học lấy bài học của lề luật tình yêu, một tình yêu không biên giới, để chúng con xây dựng gia đình của Chúa trở thành một cộng đoàn huynh đệ thiêng liêng như lòng Chúa mong ước. Amen.

 


NGƯỜI LÃNH ĐẠO
(Chúa Nhật XXXI TN A) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Lãnh đạo, chỉ đạo là những hạn từ chúng ta thường xuyên được nghe, nhất là từ những vị đang nắm chức cao quyền lớn. Những con đường của hệ thống giao thông hay những con đường phát triển kinh tế, văn hóa xã hội… thì dĩ nhiên cần có sự lãnh đạo và dẫn đường của nhiều người. Tuy nhiên trong niềm tin Kitô giáo thì con đường về trời, nghĩa là con đường để có hạnh phúc vĩnh cửu thì chỉ có một người lãnh đạo, chỉ đạo duy nhất là Đức Kitô, vì chính Người đã khẳng định: “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6); “anh em chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Kitô” (Mt 23,11). Không ai có thể lên trời và dẫn dắt người khác lên trời nếu không phải là người đã từ trời mà xuống (x.Ga 3,10-13). Hệ luận tất yếu kéo theo đó là mọi xác phàm, dù là bậc hiền giả, bậc thánh nhân hay người sáng lập tôn giáo thảy đều chỉ thấy con đường về trời cách lờ mờ như thấy qua tấm gương đồng (x.1Cor 13,12).

Chúng ta tin rằng Chúa Kitô là Đấng từ trời mà xuống và chỉ mình Người mới có thể chỉ lối dẫn đưa nhân loại chúng ta về trời đến đích. Tuy nhiên khi chọn gọi nhóm Mười Hai Tông Đồ và các môn đệ thì Chúa Kitô muốn có nhiều người cộng tác trong việc dẫn đưa tha nhân đến hạnh phúc đích thực. Dù được vinh dự cộng tác với Đấng đã từ trời mà xuống thì những người được gọi là “lãnh đạo” trong đời sống tâm linh cũng vẫn còn đó nhiều hạn chế và bất cập, thậm chí có thể sai lầm.

Chúa Kitô đã từng vạch rõ những lầm lạc của nhiều vị lãnh đạo Do Thái thời bấy giờ. Sai một li đi một dặm. Một trong những nguyên nhân lớn làm phát sinh sự lầm lạc đó là lòng kiêu hãnh, tính cao ngạo, sự tự tôn. Sự tự tôn, kiêu ngạo thường được khoác lớp áo lộng lẫy bên ngoài hầu che đậy những bất cập, thiếu sót. Người kiêu ngạo, tự tôn khi giữ vị trí cao, vai trò lớn thì hay vẽ vời nhiều sự để “long trọng hóa” bản thân mình chẳng hạn như “nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo...” (x.Mt 23,5). Chúa Kitô đã vạch rõ tình trạng này của nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời của Người bằng những lời xem ra thật gay gắt, có khi thì với đám đông dân chúng và có khi thì trực tiếp với chính họ.

Một hệ quả khó lường của sự tự tôn, tự kiêu đó là dễ phạm sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân và cho tha nhân, nếu người tự kiêu, tự tôn đang giữ vị trí cao, đang nắm vai trò lớn trong xã hội hoặc trong tập thể tôn giáo. Sai lầm là thân phận con người, một chuyện thường tình dễ thứ tha. Thế nhưng việc khắc phục hậu quả là một vấn đề nan giải, nhất là khi hậu quả ấy lại di hại lâu dài cho đám đông dân chúng, đặc biệt những người thấp cổ, bé phận.

Chuyện mù dẫn mù, cả hai lăn cù xuống hố thì dễ nhận biết. Cái tai hại hơn cả đó là cái sự “quáng gà” cộng với sự tự cao của những người đang trong vai vế lãnh đạo. Biết một cách phiếm diện, biết một chiều, biết chưa rõ mà những tưởng rằng mình đã biết đủ đầy, biết rõ toàn diện thì bản thân không dễ nhận ra sai lầm của mình và tha nhân nhiều khi cũng khó phát hiện. Ngôn sứ Malaki đã chuyển tải lời của Thiên Chúa đến với nhiều tư tế thời bấy giờ: “Các ngươi đã đi sai đường lối, và làm cho nhiều vấp phạm lề luật...” (Bài đọc 1).

Một sự hiểu biết bất cập cộng thêm sư tự tôn thì hậu quả thật khó lường. Cần có nhiều Giona mạnh dạn nói lời chân lý không chỉ cho dân chúng mà còn cho cả những người đang nắm quyền cao chức trọng ngoài xã hội cũng như trong các tập thể tôn giáo. Sự thật thì chói tai. Nói lời sự thật thì dễ chuốc lấy hiểm họa khó lường. Chúa Kitô đã tuyên bố với dân chúng xưa rằng Người còn hơn cả Giona và Người khẳng khái trước mặt Philatô rằng Người bỏ trời đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật (x.Ga 18,37).

Sự thật sẽ giải thoát chúng ta (x.Ga 8,32). Sự thật sẽ đưa chúng ta trở về đúng vị thế của mình. Không ai tự tạo nên chính mình và nhân vô thập toàn. Người khiêm nhu thì luôn ở trong sự thật và dù không thể tránh sai lầm ở điều này hay ở mặt kia nhưng chắc chắn sẽ tránh được những sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng cho bản thân và tha nhân.

Lịch sử cho thấy đã có những dòng nước mắt kiểu ăn năn sám hối của nhiều vị lãnh đạo ngoài xã hội, đã có những động thái sám hối và lời xin lỗi của nhiều đấng bậc trong Giáo hội. Dù thực tâm hay chỉ là kế sách mị dân thì chúng xem ra đáng trân trọng. Tuy nhiên vấn đề hệ trọng là khắc phục hậu quả như thế nào đây. Và lịch sử cũng cho thấy việc khắc phục hậu quả thật là gian nan và không thể một sớm một chiều. Chính vì thế việc chọn lựa người lãnh đạo là việc mà mọi người, nhất là các nhân sĩ, những người có chút tâm và chút tài phải dấn thân đi đầu hướng dẫn đám đông quần chúng. “Mạnh ở tướng chứ mạnh gì quân”. Kinh nghiệm của cha ông chúng ta vẫn còn giá trị cách nào đó.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây