TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

07/06/2021 10:28:18 |   1691

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Bổn mạng Giáo phận Ban Mê Thuột

Ca nhập lễ

Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.


Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin...

Bài đọc I: 2 Mcb 7, 1.20-23.27b-29

Hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm.

Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa. Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi; bà nói với các con: "Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình."

Bà nói với người con út: "Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ."

Hoặc đọc: Kn 3, 1-9

"Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu".

Trích sách Khôn Ngoan.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như Người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: "Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng". Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về hân hoan, vai mang những bó lúa.

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 17-25

"Vì tiếng nói của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Ðức Kitô ra hư không.

Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: "Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu?" Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao? Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 5,10

Alleluia, alleluia! Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Alleluia

Phúc Âm: Lc 9, 23-26

Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Chúa Kitô, vị chứng nhân trung thành của Chúa Cha đã ban cho các thánh tử đạo Việt Nam ơn can đảm làm chứng cho Tin Mừng. Giờ đây, chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa và cầu xin.

1. Giáo Hội có sứ mạng làm chứng cho Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội luôn là chứng nhân cho Chúa ở giữa trần gian bằng lời rao giảng và bằng chứng tá đời sống.

2. Máu các thánh tử đạo là hạt giống làm nảy sinh các tín hữu. Chúng ta hãy cầu nguyện cho đồng bào Việt Nam nhận biết Chúa là Thiên Chúa duy nhất phải tôn thờ.

3. Các thánh tử đạo Việt Nam đã can đảm vác Thánh Giá Chúa mỗi ngày. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Kitô hữu biết kết hiệp những nỗi vất vả, lầm than trong cuộc sống hằng ngày với cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

4. Các thánh tử đạo Việt Nam đã dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta trở thành chứng nhân cho Chúa bằng đời sống bác ái, yêu thương.

Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con là con cháu các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cho chúng con biết noi theo mẫu gương các ngài đã để lại, ngõ hầu làm chứng cho Chúa ở đời này, và mai sau được hưởng hạnh phúc vô biên trong nhà Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa đã vui lòng chấp nhận lễ hy sinh của cha ông chúng con, xin cũng thương chấp nhận của lễ tiến dâng đây và làm cho chúng con trở nên của lễ đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin...

Lời tiền tụng

Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.

Cha đã kêu gọi các bậc tiền bối của chúng con bước theo Chúa Kitô trên con đường thập giá để làm chứng cho Cha ngay từ lúc Tin Mừng mới được loan báo trên quê hương đất nước chúng con. Nhờ Cha ban ơn trợ giúp, những con người vốn mỏng dòn yếu đuối đã trở nên can đảm phi thường. Chính khi các ngài chịu trăm bề đau khổ, Cha biểu lộ cho mọi người thấy sức mạnh của tình thương.

Vì thế, cùng với triều thần thiên quốc, chúng con ở dưới trần gian luôn ca tụng Cha uy linh cao cả và không ngừng tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!...

Ca hiệp lễ

Dầu là sự sống hay sự chết, hoặc bất cứ một thọ sinh nào: không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Ðức Kitô Con Chúa để mừng các thánh tử đạo tại Việt Nam. Xin cho chúng con vẫn một lòng tin tưởng giữa bao thử thách của cuộc đời, để mai sau cùng với các ngài chung hưởng phúc vinh quang. Chúng con cầu xin...

 

Suy niệm

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta tìm thấy nơi các ngài những mẫu gương nào?

Trước hết các ngài là những đấng đã làm chứng cho niềm tin của mình. Thực vậy, trải qua hơn 300 năm Tin Mừng được rao giảng trên quê hương yêu dấu, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, từ thời hậu Lê đến thời nhà Nguyễn, Giáo Hội Việt Nam đã phải trải qua biết bao nhiêu cơn phong ba bão táp, đã phải cam chịu biết bao cuộc bắt bớ cấm cách. Biết bao nhiêu người đã phải rời bỏ gia đình và sản nghiệp tổ tiên, trốn vào những nơi rừng thiêng nước độc như giáo dân vùng Quảng Trị Lavang để bảo toàn đức tin của mình. Hàng trăm ngàn người đã bị bắt bớ, tra tấn, tù ngục và đã chết dưới những cực hình độc ác để tuyên xưng danh Chúa, trong đó 117 vị đã được tông phong lên hàng chân phước. Qua đó chúng ta thấy các ngài đã ý thức và dành cho Chúa một địa vị tuyệt đối, cũng như đã ý thức và dành cho đức tin một sự ưu tiên các ngài có thể nói lên rằng: Phải vâng lời Chúa hơn vâng lời thế gian, thà chết chứ chẳng thà phản bội Chúa. Bằng một lời nói, bằng một thái độ các ngài có thể giải thoát mình khỏi những cực hình dã man, nhưng các ngài không làm thế vì các ngài đã xác tín vào lời Chúa: Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích chi.

Cùng với việc làm chứng niềm tin các ngài còn là những người làm chứng cho tình thương. Tiên vàn là tình thương đối với Chúa. Các ngài đã lấy chính cái chết để nói lên sự gắn bó mật thiết với Chúa. Qua cái chết của các ngài, chúng ta thấy được một tình yêu mặn nồng như lời Chúa đã phán: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống vì bạn hữu. Qua cái chết của các ngài, chúng ta thấy được một tình yêu thực mạnh mẽ, còn mạnh mẽ hơn cả tử thần nữa. Tiếp đến là tình thương đối với anh em, đặc biệt là những người đã gây nên đau khổ. Chúa Giêsu trên thập giá đã tha thứ: Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng làm chẳng hiểu việc chúng làm. Với các thánh tử đạo Việt Nam cũng vậy, mặc dù phải chịu nhiều đắng cay nhưng các ngài vẫn an ủi khích lệ lẫn nhau kiên vững trong đức tin và tha thứ cho những người đã làm cho mình phải đau khổ và chết chóc.

Sau cùng các thánh tử đạo Việt Nam là những người làm chứng cho niềm hân hoan Nước Trời. Chúa Giêsu đã phán: Ai xưng tụng Ta trước mặt người đời thì Ta sẽ xưng tụng nó trước mặt Cha Ta ở trên trời. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu cũng bảo: Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính vì Nước Trời là của họ. Và lời Chúa đã như là một động cơ thúc đẩy các ngài cam chịu mọi đắng cay và lướt thắng mọi khó khăn, vì những đau khổ hiện thời không thể nào so sánh được với niềm hạnh phúc bất diệt mà Chúa sắm sẵn cho những kẻ yêu mến và trung thành với Ngài. Các ngài đã đau khổ một thời để rồi được hạnh phúc đời đời. Thân xác của các ngài tuy đã chết, nhưng linh hồn của các ngài lại được vui mừng trong vinh quang thiên quốc và nhất là tinh thần của các ngài luôn bừng cháy trong tâm hồn mọi người để rồi chúng ta cũng đi theo dấu chân của các ngài. Đúng thế, hãy làm chứng cho niềm tin và tình thương của mình để rồi chúng ta cũng sẽ được hưởng niềm hạnh phúc vĩnh cửu như các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những bậc cha ông của chúng ta.

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM (Mt. 10:17-22)
Lm Lã Mộng Thường

Nếu để tâm nhận xét nơi lòng mình, kinh nghiệm sống đạo nơi mỗi người chúng ta minh chứng một thực thể hơi lạ lùng. Chúng ta theo đạo, chịu khó tham dự những công việc và nghi thức thờ phượng, nghe giảng giải, đọc kinh sách, nhưng hình như nỗi khát khao nào đó về Thiên Chúa hay về một viễn tượng mơ hồ, như gần, như xa, đôi lúc cảm thấy quay quắt, tha thiết, thúc dục chúng ta cần phải thực hiện điều gì đó để thăng tiến tâm linh nhưng rất khó tìm được đầu mối để bắt đầu; đôi lúc chúng ta lại cảm thấy lạc lõng, bơ vơ, tự hỏi tại sao mình hiện hữu và sự hiện hữu nơi cõi dương gian này sẽ dẫn dắt chúng ta về đâu, hoặc chẳng lẽ bao công lao gầy dựng cuộc sống, làm lụng vất vả chỉ là phương tiện nối tiếp kéo dài sự hiện hữu của mình nơi mặt đất được thêm ngày nào hay ngày ấy để rồi tất cả sẽ chìm vào lãng quên khi xuôi tay nhắm mắt? Đã bao nhiêu lần nhìn đến những người chung quanh nhất là những bạn trẻ, sao họ vui tươi thoải mái trong khi lòng mình chất chồng muôn nỗi ưu tư bởi chẳng những gánh nặng sống còn nơi cuộc đời mà nỗi ước mơ thầm kín nào đó vẫn dai dẳng níu kéo và hối thúc.

Nhiều khi kiếm tìm nơi sách vở, kinh nọ, truyện kia, người ta chỉ viết về những vấn đề nào đó chứ điều mình thực sự mong mỏi sao chẳng bao giờ thấy được bất cứ tác giả nào đó nhắc đến. Những chủ thuyết, lý thuyết kiến tạo cuộc đời thoải mái hơn hoặc những kết quả thực nghiệm của phát minh khoa học cũng không giải đáp được dẫu chỉ một phần nhỏ nỗi khát khao nơi nội tâm mình đang dằn vặt. Thế nên, nhiều khi con người càng cố gắng tìm kiếm phương cách kiện toàn nỗi khát khao qua nhận thức từ các sách vở thì lại chỉ càng cảm thấy khoảng trống tâm tư thêm diệu vợi. Nói cho đúng, không sách vở nào, không sự khôn ngoan nào có thể giải đáp cho con người những nỗi thắc mắc đơn sơ nhất, chẳng hạn tại sao mình có cuộc đời, và cuối cùng mình sẽ đi về đâu! Bao nhiêu lý thuyết, bao nhiên giải đáp được trình bày cũng chẳng khác gì lời quảng cáo thuốc lào, chồng hút, vợ say, và thằng bé lăn quay! Chúng chỉ như những lời hoa mỹ nhai đi nhai lại, giải thích về nước trong khi mình đang khát bỏng cổ, không thể nào giúp cho hết khát. Nỗi thao thức, khát vọng thâm sâu ẩn hiện nơi tâm hồn mỗi người không thể giải quyết được bằng bất cứ phương tiện ngoại tại nào mà cần được suy tư, nghiệm chứng bởi chính con người mang nỗi thao thức.

Bài Phúc Âm vừa được công bố đặt nơi miệng Đức Giêsu lời nhắn nhủ đối với những ai theo lời dạy dỗ của Ngài kiếm tìm về thực thể nội tại của mình. Bất cứ ai suy nghiệm Phúc Âm để sống theo những lời Ngài dạy sẽ bị chống đối không những bởi người chung quanh mà ngay cả những người thân thiết nhất nơi gia đình của mình, “Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.” Chúng ta sẽ không kiếm đâu ra được những lời chân thành và hiện thực đến độ mới nghe hay đọc đã cảm thấy đáng ngại ngùng như những lời ghi chép nơi Phúc Âm. Có lẽ chính vì thế, cho dù bỏ công sức, hao tiền tổn của để lục lọi, tìm kiếm sự khôn ngoan thực thiễn hầu có giải đáp cho nỗi khát khao nội tâm nơi kho tàng kinh sách, và cho dù đã nhiều lần vô tình hay hữu ý đọc Phúc Âm, chúng ta cũng không dám để ý nghiệm xét những lời có vẻ không êm tai và nghịch thường này. Lý do thật đơn giản, ai không muốn sẵn cỗ ngồi vào; ai chẳng thích ngồi mát ăn bát vàng! Chính vì thế chúng ta đã vội để cho những lý thuyết dễ dãi lừa dụ và ám ảnh, bịt kín tâm trí, theo năm tháng giết lần mòn hoặc che mờ nỗi thao thức thánh thiện đã được đặt nơi lòng trí tự thuở đời đời, nỗi khát khao nhận biết chính mình, nhận biết mình là ai, và mình liên hệ với Thiên Chúa ra sao!

Mượn giây phút này, tôi mời gọi quý ông bà anh chị em để tâm suy nghiệm câu Phúc Âm, “Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết. Nhưng khi người ta bắt nộp chúng con thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì, vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì. Vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con.” Chúng ta đã quá dễ dãi chấp nhận những lý thuyết hoặc nhận thức đầy thị dục của loài người tưởng tượng theo nhãn quan thế tục rằng Thiên Chúa chẳng khác gì ông vua nơi gian trần, nhưng linh thiêng, ngự trên chín tầng trời! mặc dầu con người văn minh ngày nay đã gửi vệ tinh ra ngoài không gian mà mãi chưa nghe nói gì về dẫu chỉ tầng trời thứ nhất. Rồi cũng một Thiên Chúa tưởng tượng ấy, chúng ta gán ép cho ngài đầy đủ tính chất tham sân si giống như mình để rồi cố gắng đày đọa cuộc đời mình với ước vọng thỏa mãn hoặc mua chuộc vị thiên chúa tưởng tượng ấy. Đồng thời cũng từ sự tưởng tượng, chúng ta tạo thêm một thiên đàng theo thị dục và rồi lại cũng tạo thêm mối hy vọng to lớn hầu được thiên chúa tưởng tượng của chúng ta sẽ ban cho phần thưởng sau khi chết là chính cái thiên đàng con đẻ từ tưởng tượng của chúng ta. Tất cả chỉ là bánh vẽ! Tất cả chỉ là sản phẩm đầy thị dục nơi lối nhìn thế tục về Thiên Chúa. Thật là đau thương cho kiếp người, quá uổng phí những ngày tháng đã qua! cũng chỉ vì coi thường lời dạy của Đức Giêsu nơi Phúc Âm, chúng ta đã tự đày đọa, dằn vặt mình, và dùng tưởng tượng để biến mình thành mù tối.

Đức Giêsu rõ ràng công bố đã hai ngàn năm qua, “Vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con.” Thánh Thần của Thiên Chúa là chính Thiên Chúa. Thánh Thần của Thiên Chúa nói trong chúng ta tất nhiên Thiên Chúa ở trong chúng ta. Nơi câu Phúc Âm khác, Đức Giêsu đã trả lời khi có người hỏi về ngày giờ xuất hiện của Nước Thiên Chúa, “Người ta sẽ không nói được: 'Này ở đây' hay 'ở đó,' vì này Nước Thiên Chúa ở trong các ông.” Nước Thiên Chúa là chính Ngài. Nước Thiên Chúa ở trong các ông có nghĩa Thiên Chúa ở cùng chúng ta; Thiên Chúa ngự trị nơi mỗi người chúng ta. Đây chính là Tin Mừng Nước Trời (Mt.
1:23). Thêm vào đó, vì Thiên Chúa ở nơi mỗi người nên đức tin chính là quyền lực của Thiên Chúa nơi con người. Đây là lý do, căn nguyên giải thích tại sao nơi những câu chuyện Phúc Âm mà chúng ta gọi là phép lạ, Đức Giêsu đều tuyên bố, đức tin con chữa con, đức tin con cứu con, đức tin con là ơn cứu độ của con.

Nhận thức như thế, suy tư để nghiệm chứng thực thể quyền lực tối thượng là chính Thiên Chúa đang ngự trị nơi mỗi người, chúng ta phải và chúng ta có bổn phận tuyên dương cho mọi tạo vật nhận biết chúng ta đã được xuất phát từ gốc thánh thiện là chính Thiên Chúa và Ngài đang ngự trị nơi mình. Bởi thế, bất cứ ai sống trong ơn nghĩa của Chúa phải được gọi là thánh. Chúng ta là thánh vì Thiên Chúa, Đấng vô cùng thánh thiện đang ngự trị nơi mình. Tuy nhiên, điều đáng buồn đó là chúng ta đã vô tình vì tôn phục và tin kính Chúa nên rộng mở lòng tự biến mình thành thùng rác để chứa đựng những điều không nên, những tưởng tượng thế tục về Chúa, che lấp sự cả sáng thánh thiện của Chúa đang chiếu soi nơi mình. Thay vì nhận ra quyền lực tối thượng của Chúa đang hoạt động nơi mình, chúng ta đã nhắm mắt, bịt tai, che mờ tâm trí để tin tưởng rằng, cho rằng mình không xứng đáng.

Hôm nay, nhân ngày lễ kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, tôi mời gọi mọi người, từ nay về sau, để tâm nhận chân sự thánh thiện nơi mình. Mừng kính các thánh Tử Đạo, chúng ta tuyên dương sự tử đạo nơi chính mình. Thử đặt câu hỏi, còn gì đau thương hơn, còn gì khốn khổ hơn trạng thái vô tình bởi không để ý suy nghiệm, chúng ta đã không nhận biết quyền lực cả thể của Thiên Chúa nơi mình để sử dụng mà đày đọa tấm thân thánh thiện hòa nhập với những nỗi cơ cực hàng ngày? Không có tội lỗi nào lớn lao và tệ hại hơn sự dồn ép do thiếu hiểu biết, nói cách khác, bắt Thiên Chúa nơi mình qui phục sự vô minh. Tôi nghĩ, tội tổ tông chính là trạng thái vô minh của con người, không nhận biết chính Thiên Chúa đang ngự trị nơi mình.

Tóm lại, chúng ta đang bắt Chúa tử đạo nơi cuộc đời cũng chỉ vì không suy nghiệm sự hiện hữu quyền lực thánh thiện là chính Thiên Chúa nơi mình. Sự tử đạo của các thánh tử đạo Việt
Nam do chính Chúa hiện thân nơi các ngài thực hiện. Vì Thiên Chúa ngự trị nơi mình do đó sống trong ân nghĩa của Chúa, chúng ta là thánh. Nhận thức như thế, xin quý ông bà anh chị em từ nay để ý, đừng làm phiền Thiên Chúa nơi mình mà sống tuyên dương quyền lực thánh thiện của Thiên Chúa đang hoạt động nơi mình. Amen.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 10, 17-22).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”. 

Suy niệm

Hiệp thông cùng với Giáo hội hoàn vũ nói chung và Giáo hội Việt Nam nói riêng, chúng ta long trọng mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, ngày các Ngài được Thiên Chúa trao cho vòng nguyệt quế của người chiến thắng trong ơn gọi Kitô hữu, đặc biệt trong hành trình làm chứng cho đức tin. Phúc tử đạo là niềm vinh dự cho người tín hữu biết dành cuộc đời cho Thiên Chúa, biết trao trái tim và lòng mến của mình cho Ngài sử dụng, biết chọn cho mình con đường mang tên Giêsu, dù đó là con đường hẹp, con đường của khổ giá, con đường của từ bỏ và là con đường của hy sinh. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, mời gọi chúng ta hướng tới ơn gọi của mình trong hiện tại, ơn gọi đó khởi đi từ sự cố gắng của bản thân, cộng với ơn Chúa đủ cho mỗi người trong từng ơn gọi, người tín hữu sẽ nên hoàn thiện như Cha trên trời, sẽ là người công dân Nước Trời ngay từ hôm nay, sẽ là lời chứng cho sự hiện diện của một Thiên Chúa tình yêu trong thế giới này.

Sự cố gắng của bản thân luôn được Thiên Chúa trân trọng, tác giả sách Khôn ngoan trình bày khuôn mẫu của một người tôi tớ biết ý chủ, biết thực hành ý của chủ trong từng ngày sống, đồng thời biết phận mình là người tôi tớ, luôn thực hiện ý của chủ nhân. Hình ảnh người công chính trong bài đọc 1 cho chúng ta thấy chân dung của người công chính theo khuôn mẫu của Kinh thánh như thế nào: “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Đối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”. Đau khổ, thiệt thòi, bị hiểu lầm hay bị bắt bớ là điều không tránh khỏi trong cuộc đời của một người nghèo Giavê, họ đón nhận trong niềm tin, đón nhận trong sự vâng phục và đón nhận trong sự phó thác. Mất mát về sự sống không phải là một sự hụt hẫng trống vắng trong cuộc đời họ, nhưng đó là niềm vinh dự khi được xét đáng đi vào hưởng sự sống đời đời với đấng là chủ sự sống và cuộc đời con người.

Người tín hữu được nghe tin mừng sự sống, được mời gọi bước vào sự sống, đó là sự sống đời đời, sự sống đến từ Thiên Chúa. Thánh tông đồ Phaolô đã nhắc cho các tín hữu thành Corintho hiểu rằng, phép rửa chỉ dành cho những ai quyết định chọn cho mình con đường nên giống Đức Kitô, con đường thập giá, con đường dẫn đến sự sống đời đời, chứ phép rửa chưa thực sự là tấm vé bảo đảm cho con người được tham dự vào sự sống đời đời. Chính thập giá của Đức Giêsu, chính mầu nhiệm vâng phục đến tự hủy của Ngài, là con đường dẫn đến sự cứu độ, là con đường các tín hữu có thể hiệp thông với Giáo hội, hiệp thông với Thiên Chúa, để tham sự vào sự sống của Ngài: “Anh em thân mến, Đức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Đức Kitô ra hư không. Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: “Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng”. Sự khôn ngoan của con người, của thế gian, không thể dẫn tới sự sống đời đời được, đó chỉ là chút hư danh tạm thời, chỉ có một con đường dẫn tới sự sống đời đời, đó là con đường Đức Giêsu giới thiệu cho nhân loại, con đường đó mang tên của Ngài, con đường Giêsu.

Sống giữa đầm lầy nhưng không để hôi tanh mùi bùn, đó là giá trị và là sự tinh tuyền của bông sen trong văn hóa Việt Nam. Hình ảnh các thánh Tử đạo Việt Nam phần nào cũng đẹp tựa bông sen vậy: sống giữa đầm lầy nhưng không để hôi tanh mùi bùn. Các thánh Tử đạo đã hiến trọn đời mình cho Thiên Chúa, tất cả dành cho Thiên Chúa, dù có bị bắt bớ, dù có bị tù đày trong gông cùm, dù có bị kết án tử, các ngài vẫn một mực trung tín, bởi các ngài đã để cho ánh sáng Lời Chúa thẩm thấu vào trong con người và ơn gọi của mình: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con”. Có thể nói cuộc đời của các thánh Tử đạo Việt Nam như một chiếc loa để cho tiếng của Thiên Chúa phát ra, vang đi xa đi xa. Lời chứng của các ngài trước các tòa án thế gian, là một lời chứng cho mọi người biết, Thiên Chúa vẫn luôn ở bên cạnh những người con yêu dấu của Ngài, đặc biệt, Ngài luôn có mặt trong thế giới này.

Ý thức mình chỉ là tạo vật, các thánh Tử đạo Việt Nam luôn trung thành với Thiên Chúa, các ngài tin rằng Thiên Chúa luôn trung tín trong lời Ngài phán, luôn bênh vực những ai tin tưởng vào Ngài, luôn yêu thương những ai dành chỗ nhất trong trái tim cho Ngài. Vì thế, đối diện với những mối đe dọa của nhà cầm quyền, các ngài vẫn lạc quan và tin tưởng vào một Thiên Chúa tình yêu. Khi bị bắt và đưa ra trước các tòa án, các thánh Tử đạo luôn tuân phục những gì nhà cầm quyền đòi hỏi, nhưng không bao giờ các ngài chấp nhận bước qua hình ảnh hay một cây thập giá, bởi đó là dấu hiệu của ơn cứu độ từ Đức Giêsu. Yêu mến và cầu nguyện cho nhà cầm quyền dù họ có hành hạ đau đớn chừng nào, nhưng chối bỏ lề luật và bước qua thập giá trước mặt mọi người, thì không bao giờ các ngài thực hiện. Bổn phận của người con Thiên Chúa, các ngài đã làm tròn, bổn phận với nhà cầm quyền, các ngài vẫn vẹn toàn.
Là con người, các thánh Tử đạo cũng có một gia đình, có thể đó là một người cha, có thể là một người mẹ, có thể đó là người con, có thể đó là người anh hay người em trong các gia đình, nhưng tựu trung lại, các ngài luôn giữ vẹn toàn đạo làm con trong gia đình, nâng niu tình nghĩa vợ chồng trong các tổ ấm và giữ trọn đạo hiếu với tổ tiên. Có thể nói cuộc đời các thánh Tử đạo Việt Nam là một nhịp cầu kết nối giữa Thiên Chúa với con người, đưa Thiên Chúa đi vào giữa lòng thế giới, là con đường cho Thiên Chúa đi vào trong bàn ăn gia đình mỗi ngày trong tình người ấm áp. Cho dù có bị ngăn cấm, bị bắt bớ, nhưng cuộc đời của các ngài không rơi vào ngõ cụt, không mất đi tính hiệp thông với Thiên Chúa và con người. Niềm vui tin mừng và hạnh phúc khi có Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn, là động lực giúp các ngài luôn bình an trong cuộc sống, luôn mạnh mẽ trước những cạm bẫy của ma quỷ, luôn kiên định trong niềm tin nhỏ bé của mình.

Sống trong một xã hội đề cao chủ nghĩa hưởng thụ và tiêu thụ, người tín hữu Kitô luôn đối diện với những lời mời hấp dẫn, lời mời đó dẫn họ đi xa dần với Thiên Chúa, bởi Ngài không còn hiện diện trong tâm hồn họ, trong suy nghĩ và nhận thức của họ nữa. Tất cả đã được thay thế. Có thể cuộc đời họ sung sướng, nhưng sung sướng trong phút chốc, sung sướng trong hiện tại, còn tương lai là một quãng đường đen tối, lắm cạm bẫy và thất bại, sung sướng không bao hàm những giá trị tinh thần, tất cả chỉ là những gì phù phiếm và chóng qua. Có thể nói cuộc đời các thánh Tử đạo là một niềm vui kéo dài, niềm vui được làm con Thiên Chúa, niềm vui được sai đi, niềm vui được làm chứng cho Tin mừng, niềm vui được hy sinh anh dũng vì Tin mừng và cho Tin mừng. Niềm vui đó bao gồm cả hy sinh và mất mát, nhưng là một niềm vui thực sự trong tương lai, bởi các ngài đã được nhận triều thiên của người chiến thắng, được nhận vòng nguyệt quế của một chiến binh Nước Trời.

Lạy Chúa, là con cháu của các thánh Tử đạo Việt Nam, chúng con nài xin Chúa cho mỗi người tín hữu Việt Nam luôn ý thức và trân trọng món quà Thiên Chúa trao cho Giáo hội Việt Nam, để chúng con cố gắng hơn, đừng để mình trở thành nô lệ của chủ nghĩa hưởng thụ và tiêu thụ, đừng để mình trở thành những tín đồ chỉ đi tìm sự sung sướng khoái lạc của hiện tại, nhưng biết cố gắng tìm kiếm niềm vui tin mừng trong đời sống của mỗi ơn gọi. Chúa cho các thánh Tử đạo Việt Nam một trái tim rộng mở, một tình yêu đủ lớn để yêu thương tất cả, để tha thứ tất cả dù đó là kẻ thù, xin giúp chúng con cố gắng biến đổi trái tim mình trở thành một trái tim bằng thịt, biết rộng mở, biết yêu thương, biết tha thứ cho mọi người, dù đó là những người làm hại chúng con. Amen.


HIỆP SỐNG TIN MỪNG
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Mt 10, 17-26
LM ĐAN VINH - HHTM

TÌNH YÊU MẠNH HƠN SỰ CHẾT
I. HỌC LỜI CHÚA


1. TIN MỪNG: Mt 10,17-26

(17) Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các Hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. (18) Và anh em sẽ bi điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. (19) Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì. (20) Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. (21) Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết. Cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. (22) Vì Danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. (23) Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến. (24) Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. (25) Trò được như thầy, tớ được như chủ đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà. (26) Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ. Không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. (27) Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày. Và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

2. Ý CHÍNH: Khi sai mười hai Tông đồ đi giảng, Đức Giê-su tiên báo cho các ông biết những sự bách hại vì Danh Người đang chờ đón các ông. Tuy nhiên chính khi bị bách hại lại là cơ hội tốt để các ông làm chứng trước tòa án Do thái và các chính quyền ngoại đạo. Các ông sẽ gặp những sự bất hòa ngay trong gia đình và sự thù ghét nơi người đời. Nhưng ai giữ vững đức tin và trung thành với Chúa đến cùng thì sẽ được cứu độ. Các ông cũng cần phải khôn ngoan để tránh bị bắt bớ. Dù gặp hoàn cảnh bất lợi nào đi nữa, cũng đừng sợ hãi, nhưng hãy can đảm làm chứng cho Chúa. Hãy vững lòng trông cậy vì các ông đang nắm giữ chân lý là điều luôn có sức chinh phục lòng người.


II. SỐNG LỜI CHÚA


1. LỜI CHÚA: “Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt Vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10,18).

2. CÂU CHUYỆN: THÁNH NỮ I-NÊ ĐÊ.

Trong số 117 vị thánh Tử đạo tại Việt nam, chỉ có một phụ nữ là thánh nữ I-NÊ LÊ THỊ THÀNH (hay cũng gọi là bà thánh I-NÊ ĐÊ). Bà là mẹ của 8 người con. Trước khi trở thành thánh tử đạo, bà đã là một người mẹ hiền gương mẫu. Cô con gái út của bà đã khai về mẹ mình trước tòa phong thánh rằng: “Thân mẫu chúng tôi rất quan tâm giáo dục con cái. Người dạy chúng tôi học chữ và học giáo lý. Về sau còn dạy chúng tôi cách thức dự lễ và xưng tội rước lễ”.

Bà Đê đã dùng căn nhà của mình làm nơi trú ẩn cho các linh mục thừa sai, để tránh sự ruồng bắt của vua quan. Vào buổi sáng lễ Phục Sinh năm 1861, tổng đốc Nam Định đã sai quân đến nhà bắt giữ bà. Bấy giờ bà đang trong tuổi lục tuần. Bà đã bị tra khảo tàn nhẫn để buộc phải khai báo nơi trú ẩn của các linh mục thừa sai. Nhưng bà tỏ ra kiên cường, không hề hé môi nói nửa lời. Sau đó bà lại bị bắt ép khiêng qua cây Thánh giá, bị bỏ rắn độc vào người. Khi con gái bà đến thăm và tỏ vẻ đau lòng thấy quần áo của mẹ mặc bị loang lổ những vết máu đỏ tươi, thì bà đã an ủi con rằng: “Con ơi, đừng khóc nữa. Mẹ mặc áo hoa hồng đấy. Mẹ chịu khổ vì Danh Chúa Giê-su thì sao con lại phải khóc?” Sau ba tháng chịu đủ mọi cực hình, người đàn bà kiên cường ấy đã từ giã cuộc đời, để lại cho hậu thế một tấm gương anh dũng trung thành với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng.

3. SUY NIỆM:

1) Các Thánh Tử Đạo Việt
Nam là những ai?

+ Các ngài là hằng trăm ngàn giáo dân Việt Nam không rõ danh tánh, đã sẵn lòng chịu chết để làm chứng cho Chúa. Các Ngài đã bị giết hại dưới thời chế độ phong kiến, do các phong trào Cần Vương và Văn Thân thực hiện. Câu chuyện sau đây cho thấy điều đó: Một người đàn ông nọ bị quân lính bắt giải đến cho quan tòa xét xử. Quan tòa truyền lấy một chiếc dùi nung đỏ khắc lên đôi gò má của ông bốn chữ: “Gia-Tô Tả Đạo” rồi tống giam vào ngục. Ngồi trong tù suy nghĩ lại, ông cảm thấy áy náy vì lúc bị khắc dấu đã không dám can đảm nói lên quan điểm của mình, vì “Gia-Tô” đâu phải là “tả đạo”. Ngay trong đêm hôm ấy, ông đã yêu cầu bạn tù dùng dao rạch bỏ hai chữ “tả đạo” trên má, chỉ để lại hai chữ “Gia-tô” là thánh Danh Chúa Giê-su. Sáng hôm sau, ông lại bị điệu ra trước tòa án với khuôn mặt còn loang lổ máu, ông đã can đảm bênh vực đức tin và sau đó đã bị khép tội phản nghịch và được chết vì đạo.

+ Các ngài cũng là phụ nữ: Có một bà nọ bị bắt vì đã theo đạo và bị tòa kết án bị “voi giày”. Hai ngày trước khi ra pháp trường, bà viết thư cho người nhà yêu cầu gửi cho bà bộ quần áo cưới mà bà đã mặc khi trước, vì bà nghĩ rằng: “Ngày tôi bị chết vì đức tin chính là ngày tôi được gặp gỡ vị Tân Lang là Chúa Giê-su”. Hôm bị xử tử, khi ba hồi chiêng trống vang lên, người ta thấy quân lính dẫn ra một thiếu phụ mặc áo như cô dâu trong ngày cưới. Sau đó bà đã bị voi dùng vòi quấn ngang thắt lưng tung lên cao, rồi khi bà rơi xuống đất thì nó dẫm đạp lên người cách tàn bạo.

+ Các ngài thuộc mọi lứa tuổi: Có một cụ ông 80 tuổi như linh mục Lê Bảo Tịnh, có một bà lão 60 như bà thánh I-nê Đê, một thiếu niên 14 tuổi như Phao-lô Bột, một trẻ nữ 12 tuổi như Lu-xi-a Liễu, một cậu bé lên 10 như Phao-lô Đạm, một em bé mới 9 tuổi như Gio-an Túc...

+ Các ngài đủ mọi ngành nghề trong xã hội: Có người làm linh mục như cha Phi-líp-phê Minh, làm thầy giảng như thày An-rê Phú Yên, làm nữ tu như 270 dì phước dòng Mến Thánh Giá, làm chủng sinh như chú Tô-ma Thiện, làm quan chức triều đình như Hồ Đình Hy, làm quân lính như Trần Văn Trông, làm trùm họ như Nguyễn Đích, làm công chức như Nguyễn Huy Mỹ, làm lái buôn như Lê Văn Gẫm, làm nông dân như Đa-minh Ninh... Hầu như mọi thành phần, lứa tuổi hay nghề nghiệp đều có đại diện. Người ta đã thống kê được 58 các vị giám mục va linh mục thừa sai, 25 linh mục Việt Nam, 340 thầy giảng, 270 nữ tu và khỏang trên 100 ngàn giáo dân đã chết vì đạo. Trong số đó, vào ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn phong lên bậc hiển thánh 117 vị và sau đó tới lượt thày giảng An-rê Phú Yên được phong lên bậc Chân Phước hay Á thánh. Đây là những vị có đầy đủ hồ sơ chứng minh đã anh dũng chịu chết vì đức tin. Còn hằng hà sa số các tín hữu đã bị giết chết với nhiều cách khác nhau, nhưng do thiếu hồ sơ cụ thể để xin phong thánh, nên vẫn còn chờ sẽ được tôn phong sau này.

2) Phương cách hữu hiệu nhất để làm chứng cho Chúa hôm nay là gì?

+ Về sự bách hại đức Tin thời nay: Ngày nay ma quỷ không dùng cực hình đau khổ thể xác để bắt buộc người tín hữu bỏ đạo như vua chúa xưa, nhưng chúng dùng tiền bạc và đầu độc người tín hữu nhất là giới trẻ bằng những băng đĩa phim ảnh đồi trụy, các video games bạo lực dâm đãng, hút chích ma túy, rượu chè bài bạc… khiến các thanh thiếu niên chán ngại đọc kinh lần hạt, bỏ dự lễ Chúa Nhật... Rồi do không được nghe giảng Lời Chúa và thiếu ơn Chúa nên họ chỉ còn biết tìm kiếm tiền bạc và lao đầu vào việc hưởng thụ mà không nghĩ đến đời sau… và cuối cùng sẽ mất đức tin lúc nào không hay.
+ Ý nghĩa của tử đạo trong cuộc sống hôm nay: Tử đạo trước hết là sống Đức Tin bằng sự hy sinh quên mình phục vụ, sẵn sàng chấp nhận thua thiệt, kể cả hy sinh mạng sống của mình noi gương các thánh Tử Đạo. Sứ mệnh của người tín hữu là phải trở thành muối mặn ướp cho người đời khỏi hư hỏng, thành nắm men tin yêu làm cho thúng bột xã hội dậy lên men tình yêu của Chúa (x. Mt 5,13), nên đuốc sáng chiếu soi cho u tối trần gian như lời Chúa dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
+ Tử đạo chính là làm chứng cho Chúa: Đức Giê-su đã sai các Tông đồ đi rao giảng Tin mừng và tiên báo các khó khăn sẽ gặp phải như sau: “Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10,18). Người cũng truyền cho các Tông đồ phải làm chứng nhân cho Người: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Các thánh Tử đạo Việt Nam đã chu toàn sứ mệnh làm chứng cho Chúa bằng việc chấp nhận chịu chết vì đức Tin. Con chúng ta hôm nay tuy không có cơ hội chịu chết vì Danh Chúa như xưa, nhưng chúng ta vẫn có thể làm chứng cho Chúa bằng một lối sống hy sinh quên mình, khiêm nhường vị tha và luôn yêu thương phục vụ tha nhân vô vụ lợi.

+ Phải làm chứng cho Chúa như thế nào? Hôm nay nếu ta chọn làm theo ý riêng ích kỷ là chúng ta đã gián tiếp chối bỏ đức tin; Khi ta chọn làm những việc xấu xa, lỗi phép công bằng và đức bác ái, là ta đang chối Chúa cách gián tiếp và bước qua Thánh giá Chúa bằng chính cuộc sống không tốt của mình. Trái lai, nếu ta năng cầu nguyện dự lễ, kèm theo lối sống công minh chính trực, sẵn sàng dấn thân quên mình và khiêm tốn phục vụ tha nhân vô vụ lợi là ta đang làm chứng cho Chúa noi gương các thánh Tử Đạo Việt Nam.

4. THẢO LUẬN: Người ta thường nói: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Bạn quyết tâm sẽ làm gì để làm chứng cho Chúa tại nhà trường, công sở, nhà máy, các tụ điểm giải trí vui chơi... để xứng đáng là con cháu các thánh Tử đạo Việt Nam?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay chúng con mừng kính các thánh Tử đạo Việt nam, là tổ tiên chúng con. Xin cho chúng con biết luôn sống đức tin noi gương các thánh Tử Đạo Việt Nam. Xin cho chúng con biết nhiệt thành làm chứng cho Chúa, bằng một lối sống hy sinh quên mình và khiêm nhường phục vụ. Ước gì ngọn lửa đức tin mà các thánh Tử đạo đã thắp lên sẽ được chúng con tiếp tục làm bùng sáng trên quê hương Việt nam thân yêu. Ước gì máu các ngài đổ ra sẽ làm phát sinh thêm nhiều Ki-tô hữu vừa có lòng nhiệt thành mến Chúa lại vừa yêu mến xây dựng quê hương Việt Nam ngày càng tăng tiến tốt đẹp.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.



CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM DẠY TA NHỮNG GÌ?
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng ta. Nhờ lời chuyển cầu của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cho chúng ta biết luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng như gương của ngài để lại.

Trước mặt Chúa thật là quý giá, cái chết của những ai trung hiếu với Người. Quý giá là bởi vì hạt “Lúa Mì Giêsu” đã chấp nhận chịu mục nát, để sinh nhiều bông hạt khác. Trên Thánh Giá, Người đã thực hiện một cuộc trao đổi lớn lao: kho tàng chứa đựng giá cứu chuộc đã tuôn trào ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người.

Chúng ta đã được cứu chuộc, nhưng, đức tin của chúng ta phải chịu thử thách. Các Thánh Tử Đạo đã đổ máu mình ra để làm chứng cho điều đó. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trước, để chúng ta có cái gì đó, mà dâng lại cho Người.

Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta nhận thấy biết bao ơn lành Chúa đã ban cho chúng ta: Chúa đã sáng tạo nên chúng ta, đã tìm kiếm chúng ta khi chúng ta lầm lạc, tìm thấy rồi, Chúa lại ban ơn tha thứ; Chúa trợ lực cho chúng ta khi chúng ta chiến đấu với Ba Thù; Chúa không bỏ mặc chúng ta, khi chúng ta lâm nguy; Khi chúng ta chiến thắng, Chúa đã đội mũ triều thiên, và tặng ban chính mình làm phần thưởng cho chúng ta.

Khi nhận thấy tất cả những điều ấy, chúng ta hãy kêu lên: Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho, tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ. Chén cứu độ Chúa đã uống cạn, các thánh ngôn sứ, các thánh Tông Đồ, các thánh tử đạo cũng đã nâng chén, và đến lượt chúng ta, Chúa cũng mời gọi chúng ta: Can đảm lên, vì Thầy đã thắng thế gian. Ước gì chúng ta cũng biết can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng, như các bậc cha anh của chúng ta. Ước gì được như thế!

 

LÀM CHỨNG
Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Mt 10, 17-22 - Lm. Thái Nguyên

LmTN 151123a


Suy niệm

Chúa Giêsu không ngần ngại cảnh báo cho các môn đệ biết một thực tế rất phũ phàng và cay đắng,họ sẽ bị bách hại, và có thể kết thúc một cách bi thảm, để những ai muốn theo Ngài phải cân nhắc. Một khi đã quyết định chọn lựa thì phải dấn thân đến cùng, và “kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”. Chúa Giêsu đã đi bước trước, Ngài là vị tử đạo đầu tiên vì Tin Mừng mà Ngài rao giảng. Ngài là con đường dẫn đến sự sống đích thực, nhưng thế gian lại yêu sự tối tăm hơn ánh sáng. Các môn đệ cũng đồng số phận với Thầy, bị khinh khi, bị lăng nhục và thù ghét vì danh Thầy”; cuối cùng cũng là sự hiến mạng vì Thầy để trở thành lời nhân chứng cho sự thật.

Không một tôn giáo nào bị bách hại nặng nề, lâu dài và thảm thương như Kitô giáo. Cho dù có những thế lực thù địch quyết loại trừ Kitô giáo bằng mọi cách, nhưng đạo thánh Chúa vẫn không bị tiêu diệt, mà trái lại còn tăng trưởng mạnh mẽ cả về phẩm chất lẫn số lượng. Đó là những bí ẩn của lịch sử không thể lý giải bằng lý lẽ tự nhiên, nhưng chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng đức tin. Ngay từ những năm tháng đầu tiên loan báo Tin Mừng, Hội Thánh đã trải qua gần 300 năm bị bách hại dưới thời các hoàng đế La-Mã. Rồi từ đó, Phúc Âm được rao giảng ở đâu, thì ở đó sớm muộn gì các Kitô hữu cũng bị bách hại.

Lịch sử Hội Thánh là một lịch sử đầy những cuộc tử đạo, ở khắp mọi miền trên thế giới, vào hết mọi thời kỳ trong lịch sử. Ngay trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này, 118 vị thánh đã được phúc tử đạo. Dĩ nhiên đây chỉ là con số tiêu biểu cho khoảng 130.000 các tín hữu đã phải chết vì đạo. Đó là chưa kể bao nhiêu tín hữu phải sống cảnh màn trời chiếu đất, vì cuộc bách hại trải qua 7 thời kỳ cấm đạo, từ năm 1625-1885, nghĩa là kéo dài đến 261 năm. Điều này vừa cho thấy sự ác liệt và thảm khốc của những cuộc bắt đạo, vừa cho thấy sức chịu đựng kiên cường và lòng trung thành đối với đức tin của cha ông chúng ta, những vị tiên phong hào hùng nêu gương cho con cháu.

Thật khó hiểu đối với những người không có đức tin. Vui mừng trước những may lành và thành công thì ai cũng muốn làm; hãnh diện giàu sang sung sướng thì ai cũng muốn được, nhưng vui tươi và sẵn sàng lãnh nhận gian nan, thử thách, đau khổ và cả cái chết thì không ai muốn nhận, vì đây là một điều hết sức kỳ lạ, ngược đời, khác thường, không thể hiểu được. Nhưng những điều này lại rất dễ hiểu đối người Kitô hữu có lòng đạo đức, vì nó phát xuất từ một đức tin mãnh liệt với tình yêu mến sâu xa đối với Thiên Chúa và con người. Thật ra, cuộc sống trong mọi chiều kích nhân sinh, vẫn luôn là một cuộc chiến ác liệt giữa sự thiện và sự ác, giữa ánh sáng và bóng tối.

Chết vì đạo chính là chết vì tình yêu, vì sự thật, vì sự thiện, nên phải có một sức mạnh của ơn thánh Chúa chứ không do sức riêng của con người. Chết mà không hận thù oán ghét, không than trách buồn phiền hay bất mãn. Trái lại, vẫn hân hoan vui sướng vì Chúa, vẫn đầy tình thương và tha thứ đối với những kẻ hành hình mình. Tử đạo như thế khác xa với mọi thứ tử đạo khác: do sự cuồng tín tôn giáo; do sự cuồng ngạo văn hóa; hoàn toàn khác với những thứ anh hùng liệt sĩ phát xuất từ các phe nhóm chính trị, xã hội hoặc đảng phái.

Ngày nay, tuy không còn phải chịu những bách hại như trong quá khứ, nhưng chúng ta đang phải đối diện với một cuộc tấn công khác còn nguy hiểm gấp bội, đó là sức mạnh của tiền bạc, địa vị, khoái lạc, tự do buông thả, nhất là trong những xã hội mà người ta muốn loại trừ Thiên Chúa khỏi đời sống con người. Những sức mạnh này đã làm cho nhiều tín hữu gục ngã, mất đức tin và xa rời Hội Thánh. Không nói chi bên ngoài mà ngay trong lòng Giáo Hội, ngày càng có nhiều giáo phái, nhiều chia rẽ và bất đồng, khiến mất đi sự hiệp nhất dần dần. Tuy nhiên, cũng là những cuộc thanh lọc đức tin cần thiết để thấy được mức độ chín chắn và trưởng thành của đời Kitô hữu, nhưng xem ra, đó lại là hậu quả của những cuộc bách hại tinh thần không thể tránh khỏi.

Các vị tử đạo đã làm chứng bằng cái chết. Chúng ta được mời gọi làm chứng bằng cuộc sống. Trong một xã hội còn nhiều bóng tối và mây mù giăng mắc, những khuynh hướng và những trào lưu đi ngược với đời sống đức tin, nên việc làm chứng nào cũng đòi phải hy sinh, mất mát, thiệt thòi, vì đòi ta lội ngược dòng với thế gian tội lụy. Làm sao cho tất cả mọi hành vi, thái độ và ứng xử của chúng ta luôn tỏa chiếu ánh sáng và sức mạnh của Tin Mừng, tạo nên một sức hấp dẫn đối với những người chung quanh, để Chúa ngày càng được nhận biết và yêu mến.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Bao người công chính đã bị bách hại,
bao người chân thật đã phải tù đày,
chỉ vì dám đấu tranh cho công lý,
dám liên đới và thực thi trách nhiệm.


Sống công chính đòi con dám xả thân,
dám hành động vì ích lợi của tha nhân,
dám coi thường quyền lợi của bản thân,
và luôn biết hành động trong sự thật.


Trông nhìn lại thời Giáo Hội sơ khai,
các tín hữu phải chịu những họa tai,
vì theo Chúa trên con đường làm chứng,
là yêu thương và tha thứ không ngừng.


Bách hại đâu phải chuyện của quá khứ,
mà nay vẫn tiếp diễn bằng nhiều thứ,
như vu khống, chế giễu và phỉ báng,
biến tín hữu thành hạng người lố bịch.


Không hẳn chúng con chết vì đức tin,
nhưng sẽ bị chế giễu vì danh Chúa,
bị coi là mê muội và yếu đuối,
nên Chúa cần con sống hơn là chết,
để người ta thấy tình yêu là trên hết,
và cũng chính là sự thật luôn vững bền.


Xin cho con dám vượt lên chính mình,
để con sống một niềm tin chân chính,
theo gương cha ông anh hùng tử đạo,
dám hiến thân vì Chúa đổ máu đào.


Xin cầu cho chúng con là con cháu,
biết can trường trong thử thách đau thương,
biết làm chứng cho Chúa giữa đời thường,
để mọi người đón nhận Chúa tình thương. Amen.


 

 
 

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 10, 17-22).        

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.

Suy niệm

Hàng năm, Giáo hội Việt Nam cùng nhau mừng kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam, để cùng nhau chung lời ca tụng và tri ân Thiên Chúa, đã cho giáo hội Việt Nam những bông hoa đẹp trên cánh đồng truyền giáo, đồng thời, đó cũng là những hạt giống tốt, gieo xuống trên mảnh đất mầu mỡ của quê hương. Từ đây, những hạt giống đâm rễ xuống, mục nát mình đi, tạo nên những cây lúa mới, trổ sinh bông hạt trĩu nặng và chín vàng trên quê hương yêu dấu. Chúa nhật 33 thường niên năm nay, chúng ta được mừng kính trọng thể lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, những con người tầm thường đã trở nên phi thường trước mặt Chúa, không do tài lực hay khả năng, nhưng tất cả đến từ ơn Chúa và thái độ sống đức tin của các ngài. Máu các ngài đã đổ xuống làm nảy sinh những Kitô hữu hôm nay.

Đọc lại những lời khôn ngoan trong cuốn sách có cùng tên gọi qua bài đọc 1, chúng ta nghe tác giả gợi lại hình ảnh người khôn ngoan trước mặt Chúa, họ dành cuộc đời cho Thiên Chúa, những hành động và cả cuộc đời là lời chứng sống động về một Thiên Chúa yêu thương, một Thiên Chúa cúi xuống để cứu độ con người, cảm thông với con người: “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Đối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”. Với một niềm tin rất trọn vẹn, với một lòng mến rất vẹn toàn, người công chính đón nhận mọi biến cố trong cuộc đời, ngay cả cái chết với một tâm thái nhẹ nhàng, thanh thản, không một chút sợ hãi hay âu lo. Thập giá cuộc đời luôn có những đòi hỏi, những thách đố, đón nhận thập giá giữa một xã hội vô thần, luôn là một thách đố lớn.

Trước những khó khăn trong quan niệm về việc rao giảng tin mừng, thánh Phaolô đã quả quyết trong lá thư gởi cộng đoàn Corinto, một cộng đoàn có nhiều lầm lẫn trong đời sống chứng nhân: “Anh em thân mến, Đức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Đức Kitô ra hư không. Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: “Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu?” Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao?”. Việc rao giảng tin mừng là nhiệm vụ của người môn đệ Đức Giêsu chứ không phải là việc rửa tội, nhưng rao giảng như thế nào còn tùy thuộc vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần nữa, bởi đường lối của Thiên Chúa khác xa đường lối của con người. Hãy là người thực hiện chương trình của Thiên Chúa, theo kế hoạch của Ngài chứ đừng theo kế hoạch của con người.

Sự hiện diện của Thiên Chúa lắm lúc trở thành chướng ngại vật cho con người, vì thế, người ta không ngại loại trừ Ngài ra khỏi ngôi nhà thế giới này. Tồn tại giữa thế giới hai nhóm người đối nghịch nhau, một bên là môn đệ của xã hội nhân bản vô thần, một bên là môn đệ của thế giới hữu thần, đặc biệt là Thiên Chúa, vì thế cảnh bắt bớ, tù đày, đàn áp và thậm chí bị loại trừ sẽ là điều hiển nhiên sẽ đến: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết”. Làm chứng cho một giáo lý đi ngược với những lợi ích trần thế, ngược với những xu hướng của xã hội, quả thực là một thách đố lớn, một sự dấn thân mạnh mẽ. Dẫu biết rằng giáo lý đó nhằm giúp con người biết sống đúng với những giá trị Chân – Thiện – Mỹ, nhưng xã hội thực dụng và chủ nghĩa cá nhân, luôn là áp lực cho người môn đệ sống và làm chứng cho tin mừng tình yêu.

Mừng kính các Thánh Tử đạo là lúc cháu con như muốn nhìn lại đời sống đức tin của các ngài, học lại bài học về gương chứng nhân của các ngài, để rồi cùng với lời cầu nguyện thánh thiện trên thiên quốc của các ngài, con cháu dân Việt biết đem Chúa vào đời, biết giới thiệu Tin mừng cứu độ cho mọi người, mọi dân tộc, biết thay đổi nhận thức niềm tin của bản thân, tất cả để cho Thiên Chúa lớn lên, để cho tin mừng trở nên sống động và năng động hơn giữa lòng thế giới. Theo từng giai đoạn của lịch sử xã hội, sự phát triển của con người, tin mừng cần được thích nghi và trở nên năng động hơn. Tất cả tùy thuộc vào niềm tin, tinh thần truyền giáo của người tín hữu Kitô. Có đạo là một câu chuyện, sống đạo lại là một câu chuyện khác, làm chứng cho niềm tin của người có đạo, đòi hỏi sự dấn thân tích cực và khiêm tốn đủ. Dám để cho Chúa lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại, mới có thể đi vào giữa lòng thế giới, để giới thiệu Ngài cho mọi người cách tích cực và hiệu quả hơn.

Bổn phận là thế, trách nhiệm là vậy, nhưng mọi khó khăn trong xã hội luôn làm chùn chân mỏi gối người môn đệ. Với những xu hướng mới của một xã hội thiên về cá nhân chủ nghĩa. Người ta chỉ tập trung cho gia đình, lo cho mọi người có công ăn việc làm, lo cho con cái học hành tốt hơn, lo cho gia đình có thật nhiều tiền, đầy đủ phương tiện, vì thế, đề cập đến việc lo cho người nghèo, giúp đỡ người cơ nhỡ, đồng hành với người mồ côi, chia sẻ với người thiếu thốn, bệnh tật, là những khái niệm đang biến mất trong đời sống con người. Ngồi bên cạnh người đau ốm, thiếu thốn, chỉ có lời nói chưa làm được điều gì, ngồi bên cạnh người bị bỏ rơi, mồ côi, chỉ an ủi thì không thể giúp họ tìm được chút hơi ấm tình người, nhưng cần có một mái ấm, một chỗ tựa lưng qua ngày, một chỗ để chia sẻ tình người. Quả thực là những khó khăn cho người môn đệ trong việc loan báo tin mừng tình yêu.

Bên cạnh những thách đố về chủ nghĩa cá nhân, còn có những khó khăn khác như là sức mạnh của vật chất, tiền bạc. Người ta đang dùng giá trị của đồng tiền để làm thước đo lòng người. Đồng tiền trở nên một sức mạnh, mang theo những quyền lực lớn, do đó, ai cũng muốn có nhiều tiền, muốn tìm công việc thật nhiều tiền, và muốn dùng tiền bạc để mua mọi thứ, thậm chí còn muốn mua cả những giá trị của tôn giáo. Đồng tiền vô tình trở nên ông chủ điều khiển mọi sinh hoạt của con người, sai khiến con người làm mọi thứ trên đời, thậm chí dùng đồng tiền bẻ cong những giá trị chân lý. Thế thì làm sao để người môn đệ giới thiệu một giáo lý lành mạnh cho một xã hội như thế được. Sức mạnh đồng tiền như thế đòi hỏi người Công giáo có những chọn lựa, dựa vào tin mừng để sống hay theo tiền bạc để được an phận, có địa vị và quyền bính. Chọn bên nào và loại trừ bên nào. Giá trị của tin mừng luôn bất biến và đem lại nhiều lợi ích cho con người hôm nay và ngày mai, nhưng con người có đủ can đảm để chọn lựa, để sống và loan báo cho thế giới không, và đó có phải là một hình thức tử đạo không?

Lạy Chúa, noi gương các an hùng tử đạo đất Việt, chúng con vẫn mong được xứng đáng là con cháu, xin Chúa giúp con biết đem những giá trị của tin mừng vào cuộc sống, từ gia đình cho đến xứ đạo, để nâng đỡ anh chị em, đặc biệt những người khó khăn, bởi chỉ có những giá trị của tin mừng, mới có thể xoa dịu những nỗi đau của tha nhân, giúp họ đứng lên, tìm lại chính mình và sống tử tế với nhau. Chúa mời chúng con cùng nhau giới thiệu tin mừng sự sống bằng chính cuộc đời mỗi người, xin giúp chúng con dám chết đi cho chủ nghĩa cá nhân, chết đi trong sức mạnh của tiền bạc, để được sống trong vương quốc của tình yêu đến từ Thiên Chúa. Chết cho tin mừng, cho tình yêu trời cao, đòi hỏi chúng con phải cố gắng từng ngày trong mỗi hoàn cảnh, xin Chúa ban cho chúng con đủ ơn của Ngài, để chúng con cố gắng bắt đầu trở lại. Amen.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây