TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thánh Cả Giuse

02/06/2021 03:29:32 |   850

 

 

Nghe MP3: 

 

 

Ca nhập lễ

Đây là đầy tớ trung tín và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên trông coi gia đình Người.

* Hát hoặc đọc Kinh Tin Kính

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã giao phó Ðức Giêsu cho thánh cả Giu-se và thánh nhân đã trung thành gìn giữ trong giai đoạn đầu của công trình cứu độ. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, cho Giáo Hội luôn luôn cộng tác với Ðức Giêsu để hoàn tất công trình Người đã khởi đầu. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở, muôn đời.

Bài Ðọc I: 2 Sm 7, 4-5a. 12-14a. 16

"Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu của Ðavít, tổ phụ Người".

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Nathan rằng: "Hãy đi nói với Ðavít tôi tớ Ta rằng: Khi ngày của ngươi đã viên mãn, ngươi sẽ yên nghỉ với các tổ phụ ngươi; sau đó, Ta sẽ cho miêu duệ ngươi lên kế vị và Ta sẽ làm cho triều đại người được vững bền. Chính người sẽ xây cất một ngôi nhà để kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngôi báu triều đại người được củng cố đến muôn đời. Ta sẽ là Cha của người, và người sẽ là con Ta. Nhà của ngươi và triều đại của ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta, ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 4-5. 27 và 29

Ðáp: Miêu duệ người tồn tại đến muôn đời

Xướng: Tôi sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời; qua mọi thế hệ, miệng tôi loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: "Tình thương của Ta đứng vững muôn đời"; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín.

Xướng: Ta đã ký minh ước cùng người ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Ðavít là tôi tớ của Ta rằng: "Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ".

Xướng: Chính người sẽ thưa cùng Ta: "Chúa là Cha con, và Thiên Chúa là Ðá Tảng cứu độ của con". Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì.

Bài Ðọc II: Rm 4, 13. 16-18. 22

"Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, không phải nhờ lề luật mới có lời hứa ban cho Abraham hay dòng dõi của ông trở nên kẻ thừa kế thế gian, nhưng là nhờ sự công chính của đức tin. Vì thế, do đức tin, được coi như là theo ân sủng, lời hứa cho mọi dòng dõi được vững bền, không phải chỉ cho kẻ sinh bởi lề luật, mà còn cho kẻ sinh bởi đức tin của Abraham, tổ phụ của mọi người chúng ta, (như có lời chép rằng: Ta đã đặt ngươi làm cha nhiều dân tộc) trước mặt Thiên Chúa, Ðấng ông đã tin, Ðấng cho kẻ chết sống lại, và kêu gọi cái không có như có. Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng mình sẽ trở thành cha nhiều dân tộc, như có lời đã phán với ông rằng: "Dòng dõi ngươi sẽ như thế". Vì vậy, ông đã được kể như sự công chính.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Alleluia. Alleluia. Lạy Chúa, phúc cho những ai ngụ nơi nhà Chúa, họ sẽ khen ngợi Chúa đến muôn đời. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 1, 16. 18-21. 24a

"Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Giacóp sinh Giuse là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Ðức Kitô. Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì Thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: "Hỡi Giuse con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh hạ một con trai mà ông đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội". Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền.

Ðó là lời Chúa.

- - - - - - - - - - - - - -

Hoặc: Lc 2, 41-51a

"Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người.

Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con". Người thưa với hai ông bà rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?" Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xưa thánh cả Giu-se đã hết lòng phục vụ Ðức Kitô, Con Một Chúa Ðấng sinh làm con Ðức Trinh Nữ Maria. Nay xin Chúa cũng rộng lòng ban cho chúng con một tâm hồn trong sạch ngay thẳng để cử hành lễ tế tại bàn thờ này. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Hỡi người đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng của Chúa ngươi.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong buổi lễ mừng thánh cả Giu-se, Chúa đã cho cộng đoàn chúng con được no thoả tại bàn tiệc thánh này. Xin bảo vệ chúng con luôn mãi và duy trì nơi chúng con những ân huệ của Chúa. Chúng con cầu xin...

Suy niệm
 

THÁNH GIUSE; NGƯỜI CÔNG CHÍNH

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

 

Người công chính, là  người cần thiết để xây dựng công bằng và  chân lý, tình yêu trên thế giới. Những đức tính của người công chính không những điểm tô nhân cách của mình còn là một bảo đảm cho hậu duệ  và thành trì vững chắc bảo vệ an bình, đồng thời là nền móng cho thế giới không bị lay chuyển. 

Thánh Giuse được giới thiệu là Đấng Công Chính, dựa trên những nét tiêu biểu. Công bằng, vị tha, tình yêu

Công bằng:

Công bằng không chỉ là trả cho mỗi người những gì thuộc về người đó, theo cách hiểu của cụm từ “dare cuique suum” mà còn là thái độ trách nhiệm sống tình yêu với người khác.

Đối với Thánh Giuse, được Thánh Kinh giới thiệu là bác thợ mộc. Thời đó gọi là thợ mộc bao gồm cả những người sửa chữa vặt những đồ dùng trong gia đình bị hư gãy. Thánh Giuse chấp nhận là một người thợ sửa chữa vụn vặt ấy. Vấn đề không thuộc về tay nghề cao thấp, xứng với đồng lương lãnh. Vấn đề nghề nghiệp của Thánh Giuse lựa chọn là phục vụ những con người nghèo trong xã hội, chính họ chứ không ai khác phải sửa chữa những gì vặt vãnh, nếu giàu có họ đã thay thế cái hư thành cái tốt hơn. Xã hội của những người nghèo chỉ đủ trả cho những người thợ chấp nhận nghèo như họ để làm những công việc nhiều hơn đồng lương được lãnh. Sống nghèo với người nghèo là tái lập sự công bằng giữa những người nghèo đang chịu sự bóc lột bởi giới giàu có. Đó là lối sống lên tiếng mời gọi trả lại công bằng cho mọi người được sống, không phải để hưởng những gì mình có mà trả lại đúng nghĩa công bằng cho mọi phẩm giá của con người được tôn trọng. Không giống như những trào lưu của những cao bồi nghĩa hiệp được người ta ca tụng, chiếm lấy của người giàu để chia cho người nghèo. Sống công bằng theo Thánh Giuse là cách lựa chọn sống nghèo để thông chia với người nghèo trong những khả năng đã được nhận lãnh, thể hiện đời sống Tin Mừng một cách trung thành: “Anh em đã nhận một cách nhưng không hãy cho đi một cách nhưng không” (Mt 10, 8).

Thánh Giuse trong cách sống công bằng, chấp nhận cuộc sống đơn nghèo của mình để sẻ chia. Có thể thấy trong đời sống tự nguyện nghèo khó, một tâm hồn đã tôi luyện khỏi những ích kỷ, cái tôi, biện luận cho lối sống gây bất công. Cội rễ của bất công nằm trong tâm khảm của mỗi người khi “muốn ở trên và đối kháng với người khác” (Sứ Điệp Mùa Chay 2010, Benedicto XVI). Đón nhận tự nguyện đời sống nghèo khó để cùng với người nghèo khó xây dựng đời sống bảo vệ cho phẩm giá cao quý của con người, đó là chứng nhân cho công bằng giữa những bất công. 

Vị tha:

Ra khỏi cái tôi để hướng về người khác vì họ là “hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa” (St 1, 27). Trước hết để tách mình ra khỏi cái tôi “ích kỷ”, là hướng về Thiên Chúa, chỉ khi quy hướng về Thiên Chúa mới có thể thắng được cái tôi của mình. Ra khỏi là biến cố xuất hành của từng cá nhân, nghe Lời của Thiên Chúa ra khỏi chính mình và để thực hiện đời mình theo ý Chúa. 

Thánh Giuse cho thấy điểm quan trọng đó trong đời sống ra khỏi chính mình mà Thánh Kinh thuật lại: “Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” (Mt 1, 19 – 21). Quy chiếu cuộc đời của mình với ý muốn của Thiên Chúa, dẹp bỏ những dự định ước mơ của mình để ý muốn Thiên Chúa thực hiện. Ý muốn của Thiên Chúa bao giờ cũng là ý muốn hoàn hảo, không những cho cá nhân mà còn cho toàn thể nhân loại. Được xưng tụng là công chính, bởi vì Thánh Giuse đã thực hiện lời mời gọi “nên hoàn hảo như Cha trên trời là Đâng hoàn hảo” (Mt 5, 48), bằng cách thi hành ý muốn của Thiên Chúa.

Có ra khỏi chính mình quy hướng về Thiên Chúa mới có thể là tác nhân xây dựng công bằng trên trái đất được. Cụ thể ý muốn của Thiên Chúa được mạc khải trong Chúa Giêsu Kitô. Nghe Lời Chúa và đem ra thực hành là ra khỏi chính mình, để có được đặt ở trên người khác thì cũng có cách thi hành: “trở thành người phục vụ” (Mt 23, 11), loại trừ được tính đối kháng mà sống với nhau như anh chị em con một Cha trên trời.

Thánh Giuse, trong đời sống phục vụ chẳng thấy một lời lẽ nào được ghi lại. Phục vụ không phải là để tên tuổi mình được rạng danh mà để Danh Thiên Chúa hiển trị. Đó là mẫu gương đích thực cho đời sống phục vụ trong khiêm tốn và trong tình yêu.

 

 

Tình Yêu:

Đón nhận ý muốn của Thiên Chúa để thực hiện trong cuộc đời mình là thực hiện đời sống trong Tình Yêu. 

Thánh Giuse, đón nhận ý muốn Thiên Chúa nhờ mặc khải về con trẻ sẽ được đặt tên là Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa cứu độ dân Người. Đón nhận nên như khí cụ Thiên Chúa dùng thực thi công trình cứu độ. Thánh Giuse cũng như những người Do Thái mộ mến Thiên Chúa khác đã hiểu cụ thể rằng: Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa giải thoát. Điều đó Chúa đã thực hiện với dân của Người khi đưa họ ra khỏi tình trạng nô lệ tại Ai Cập. Từ minh chứng cụ thể đó, dân Do Thái hiểu thêm, Thiên Chúa yêu thương cũng là Thiên Chúa đã giải thoát nhân loại khỏi hư vô mà tạo dựng nên con người. Giải thoát vượt xa tầm hiểu biết của con người “từ không đến có” và từ “tội lỗi đến chỗ tinh tuyền”. Nhờ vào đời sống kinh nghiệm về lòng yêu thương của Thiên Chúa, Thánh Giuse đã tự nguyện hiến dâng của lể chính cuộc đời của Ngài trở thành công cụ cho Giải Thoát.

Thánh Giuse, người công chính cũng chính trong điểm son này. Sống cuộc đời trở thành của lễ hiến dâng, cho Thiên Chúa và cho nhiều người. Cuộc sống không còn sống cho chính mình nữa mà là sống trong Thiên Chúa. Tình yêu không còn mang tính cá nhân nữa mà mang chiều kích Toàn Thể. Chỉ trong Đấng là cội nguồn mọi sự, cá nhân mỗi người mới được thực hiện trong Chúa Giêsu “trở nên tất cả cho mọi người, để cứu sống nhiều người” (1 Cor 9, 22). 

Sống tình yêu là cách sống đưa nhiều người về với Thiên Chúa, để chính Thiên Chúa giải thoát họ, đó là cách sống công bình trong Tình Yêu. Trả lại lẽ đúng cho con người, mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương. 

Xin Thánh Giuse cầu bầu cho chúng con trong cuộc đời trần thế này, theo gương Ngài sống đáp lại Lời Chúa mời gọi: “Nên hoàn hảo”, thực thi đời sống trong kinh nghiệm giải thoát để ra khỏi chính mình và sống kết hiệp với Tình Yêu Chúa để nên mọi sự cho mọi người. 

 

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Lịch sử ngày lễ: Ngày 19/03: Thánh Giuse - Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria
 

1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Việc tôn sùng thánh Giuse, bạn Đức Trinh Nữ Maria và là cha nuôi Đức Giêsu, được phổ biến bên Phương Đông từ thế kỷ thứ V, lan tràn sang Phương Tây vào thời Trung Cổ. Lễ này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 800, trong Hạnh các thánh tử đạo xứ Gaule, vào ngày 19.03, trùng hợp với ngày lễ một thầy phó tế của Antiochia cũng mang tên Josippe. Sau đó, việc tôn kính lan tràn khắp nơi vào thế kỷ thứ XIV, XV và XVI. Vào năm 1870, Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố thánh Giuse là quan thầy Hội thánh (lễ ngày 19.03) và vào thánh 04 năm 1956, Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập lễ thánh Giuse Thợ (01.05), quan thầy các thợ thuyền. Ngài cũng được tôn kính như thánh quan thầy các thợ mộc và người hấp hối.

Nhiều hình ảnh trình bày thánh Giuse dựa theo Phúc Âm và Ngụy Thư: Phép lạ cây gậy trổ hoa của Giotto, Padoua; Hôn nhân với Đức Trinh Nữ Maria của Raphael, Milan; giấc mơ của thánh Giuse của Georges de La Tour, Nantes; Trốn sang Ai Cập của Duccio, Sienne...

Thánh Giuse (tiếng Hipri: yôsep = xin Thiên Chúa thêm vào), con của Giacóp (Mt 1,16) hay Héli (Lc 3,23), cũng là “Con vua Đa-vít” (Mt 1,20). Tại Nazareth, ngài làm nghề tektôn (Mt 13,55) có nghĩa là: thợ xây nhà, thợ làm gỗ, đá hay kim loại. Ngài đính hôn với Maria vào lúc Thiên thần truyền tin (Mt 1,18; Lc 1,27). Ngài đón nhận Hài Nhi, hôn thê Maria và đóng vai trò quan trọng trong Tin Mừng thời thơ ấu (Mt 1 & Lc 1-2); trong Phúc Âm ngài được gọi là tektôn (thợ mộc), con ngài là Đức Giêsu.

Hình ảnh thánh nhân trong Tin Mừng gợi lên những ơn gọi trong Thánh Kinh. Lời loan báo cho biết về việc Đức Giêsu sinh ra (Mt 1,20-21) nhắc nhớ lại sự loan báo cho Abraham về sự sinh ra của Isaac và việc trốn chạy sang Ai Cập, việc lưu đày của Môisen đến Madian (Xh 4,19-23). Cũng như ông Noe (St 6,9), ngài được gọi là người công chính (Mt 1,19).

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Trong niềm vui, chúng ta cử hành lễ thánh Giuse “người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, Thiên Chúa đặt lên coi sóc gia đình Người”. Kinh Tiền tụng lấy lại đề tài sứ vụ “người công chính” được ban cho Đức Maria như người hôn phu và như “người tôi tớ trung tín và khôn ngoan”, Thiên Chúa gởi gấm gia đình mình. Phúc Âm thời thơ ấu chứng minh sứ vụ tiền định của thánh Giuse: ngài đem vị hôn thê về nhà mình và đặt tên cho hài nhi mà Đức Maria sinh hạ, là Giêsu (Mt 1,24-25). Ngài đem Đức Maria và trẻ Giêsu trốn sang Ai Cập và trở lại Israel khi Hérode qua đời, luôn luôn thực hiện sứ vụ làm cha.

b. Sự trung tín của thánh Giuse trong việc thực hiện sứ vụ được nhắc đến trong Tin Mừng thánh Matthêu: thánh Giuse thực hành điều Thiên thần truyền tin cho mình (1,24)... ngài chỗi dậy, đem con trẻ và mẹ em sang Ai Cập (2,14); Giuse tỉnh dậy, đem con trẻ và mẹ em, trở về đất Israel (2,21). Nhờ vào sự vâng phục tuyệt đối mà các lời tiên tri đều được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu, như có nói trong các Phúc Âm: Tất cả các việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ” (Mt 1,22; 2,23).

c. Thánh Giuse như một cha chăm sóc Con Một Thiên Chúa. Ngài gìn giữ các mầu nhiệm cứu độ, điều này cũng đầy rẩy những khó khăn. Đức Maria nói với Chúa Giêsu: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con” (Lc 2,48). Và Phúc Âm nhấn mạnh: “Nhưng ông Bà không hiểu lời Người vừa nói” (Lc 2,50). Dù vậy, Đức Giêsu luôn vâng phục cha mẹ mình, nhắc tới một Người Cha khác, Đấng là “nguồn của mọi tình phụ tử” (Ep 3,15): “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?” (Lc 2,49).

Cũng như Đức Maria, mẹ Đức Giêsu, trở thành Mẹ Hội thánh, thì thánh Giuse, “người gìn giữ trung thành” của Đức Giêsu, được tôn kính như “Đấng bảo vệ Hội thánh phổ quát”, Nhiệm Thể Chúa Kitô, mà ngài nâng đỡ nhờ lời cầu bầu. Như thánh Bernadin de Sienne kết thúc một bài giảng: “Lạy thánh Giuse, xin nhớ đến chúng con, xin cầu bầu cho chúng con nơi Con Nuôi của ngài; xin làm cho chúng con cũng được phù hộ nơi Đức Trinh Nữ Maria, hôn thê của ngài, cũng là Mẹ Đấng, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, luôn sống và hiển trị muôn đời.”

Enzo Lodi

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây