TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm B

“Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”. (Ga 10, 11-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật IV Phục Sinh – Năm C

30/04/2022 08:30:57 |   1707

Chúa Nhật IV Phục Sinh – Năm C
Chúa Chiên Lành. Cầu cho Ơn Thiên Triệu

 

cn 4PS C

Ga 10, 27-30

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật IV Phục Sinh – Năm C

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến,

Hôm nay Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Phụng vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt nhân từ của Đức Kitô, vị mục tử tối cao và đầy lòng nhân hậu của chúng ta. Ngài là vị mục tử đã sẵn sàng hiến thân mình để cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào. Đồng thời cũng nhân dịp này, mẹ Hội Thánh cũng muôn mỗi người chúng ta thêm lời cầu nguyện, để Giáo Hội càng ngày càng có thêm nhiều mục tử biết sống theo mẫu gương người mục tử Giêsu.

Chúa Giêsu luôn là mẫu gương tuyệt hảo của mọi ơn gọi. Ngài đến để chiên được sống và sông dồi dào, những người tận hiến đi theo chân Chúa để sống ơn gọi, hiến mình cho ơn cứu chuộc chứa chan của Chúa Giêsu, luôn phải noi gương vị Thầy tốt lành, để sông tất cả cho việc phục vụ mọi người.

Ca nhập lễ

Địa cầu đầy ân sủng Chúa, do Lời Chúa mà trời xanh được tạo thành – Allêluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Ðức Kitô, vị Mục Tử oai hùng của chúng con, đã khải hoàn tiến vào thiên quốc; xin cho chúng con là đoàn chiên hèn mọn cũng được theo gót Người vào chung hưởng hạnh phúc vô biên. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Cv 13, 14. 43-52

“Ðây chúng tôi quay về phía các dân ngoại”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ngài vào ngồi trong hội đường. Có nhiều người Do-thái và tòng giáo theo các ngài, được các ngài khuyên bảo bền đỗ trong ơn nghĩa Chúa.

Ðến ngày Sabbat sau, hầu hết cả thành đều đến nghe lời Thiên Chúa. Các người Do-thái thấy đám đông dân chúng, thì đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy. Phaolô và Barnaba can đảm nói rằng: “Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại; vả lại Chúa đã truyền lệnh cho chúng tôi rằng: “Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất”. Nghe vậy các dân ngoại hân hoan ca tụng lời Chúa; những ai được Chúa tiền định hưởng sự sống đời đời, thì tin theo, nên lời Chúa được rao giảng khắp cả vùng.

Những người Do-thái xúi giục các phụ nữ khá giả đã tòng giáo và các thân hào trong thành bắt bớ Phaolô và Barnaba, rồi trục xuất hai ngài ra khỏi ranh giới xứ họ. Còn hai ngài, sau khi phủi bụi chân lại cho họ, hai ngài đi đến Icôniô. Còn các môn đồ thì đầy hân hoan và Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 5

Ðáp: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi (c. 3c).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy phụng sự Chúa với niềm vui vẻ; hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá.

Xướng: Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người, ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. 

Xướng: Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ. 

Bài Ðọc II: Kh 7, 9. 14b-17

“Chiên Con sẽ thống trị họ, và dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan, đã xem thấy một đám đông không thể đếm được, họ thuộc mọi nòi giống, dòng họ, dân tộc và tiếng nói, đứng trước ngai vàng và trước Con Chiên; họ mặc áo trắng dài, tay cầm lá vạn tuế.

Và một bô lão đã nói với tôi: “Ðây là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy nó trắng trong máu Con Chiên. Vì thế, họ ở trước ngai vàng Thiên Chúa, và ngày đêm phụng sự Người trong đền thánh Chúa, Ðấng ngự trên ngai vàng đặt ở giữa họ. Họ sẽ không còn đói khát; mặt trời và nóng bức sẽ không làm khổ họ, vì Con Chiên đứng trước ngai vàng sẽ thống trị họ, sẽ dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống, và Thiên Chúa sẽ lau hết mọi giọt lệ nơi mắt họ.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 14

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 10, 27-30

“Ta ban cho các chiên Ta được sống đời đời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Ðiều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa là mục tử đời đời của chúng ta, chúng ta phải luôn bước theo Ngài, lắng nghe và làm theo ý Ngài trong mọi sự. Với niềm xác tín đó, chúng ta phấn khởi dâng những lời nguyện xin:

1. “Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân” – Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa, luôn là hiện thân đích thực của Chúa Giêsu mục tử, quan tâm chăm sóc, yêu thương và gìn giữ đàn chiên khỏi những cạm bẫy của kẻ thù.

2. “Con Chiên đứng trước ngai vàng sẽ thống trị họ” – Xin cho các xứ đạo trở nên những cộng đồng đời sống đức tin sống động, biết cầu nguyện và là lời mời gọi nhiều người tin nhận Chúa. Nhờ đó, các xứ đạo sẽ là vườn ươm thuận tiện cho ơn gọi thiên triệu Linh mục và tu sĩ cho Hội Thánh.

3. “Chiên tôi thì nghe tiếng tôi” – Xin Chúa ban phát và làm triển nở muôn ơn gọi, Chúa đã gieo trồng trong tâm hồn giới trẻ công giáo, xin tình mến Chúa là động lực giúp họ khắc phục mọi khó khăn, để tự củng cố ơn gọi trong đời sống chứng nhân giữa lòng đời.

4. “Không ai có thể cướp được chúng khỏi tay tôi” – Xin cho các bậc cha mẹ trong giáo xứ chúng ta, biết noi gương vị mục tử, biết rõ từng con cái, để ân cần yêu thương chăm sóc hướng dẫn và tạo điều kiện để chúng có cơ hội tiến đến ơn gọi Linh mục và tu sĩ.

Chủ tế: Lạy Chúa, như con chiên bé nhỏ được Chúa thương yêu giữ gìn, xin cho chúng con biết cảm tạ và trung thành đền đáp ân tình đó bằng sự dễ dạy trước tác động của Chúa Thánh Thần, biết lắng nghe và thực thi ý Chúa, để có thể sống trọn vẹn ơn gọi theo Chúa cách chân thành, mến yêu và quảng đại. Chúng con cầu xin

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng vui sướng trong suốt thời gian mừng mầu nhiệm Vượt Qua; để mầu nhiệm thánh này không ngừng đem lại ơn cứu độ và trở nên nguồn vui bất tận cho mọi người tín hữu. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Đấng chăn chiên nhân lành đã phục sinh, Người đã phó mạng sống mình vì con chiên, và đã đoái thương chịu chết vì đoàn chiên – Allêluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa là mục tử nhân lành, chúng con là đoàn chiên đã được Chúa cứu chuộc bằng máu châu báu của Ðức Giêsu Kitô. Cúi xin Chúa giờ đây thương đoái, dẫn đưa chúng con vào đồng cỏ Nước Trời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm
Chúa Chiên Lành

Vào năm 1943, xảy ra vụ năm người lính Đức bị phục kích và bị sát hại gần thành phố Chani, miền bắc nước Ý. Và thế là viên chỉ huy Đức Quốc Xã liền ra lệnh bắt 50 người thế giá nhất của thành phố đem đi xử bắn để dạy cho dân thành một bài học.

Đức Cha chánh và Đức Cha phó đã cố gắng can thiệp nhưng không hiệu quả gì. Tất cả 50 người đều bị trói, bị bịt mắt và xếp thành hàng dài. Thế rồi giây phút đen tối nhất đã đến. Tiếng còi hụ vang lên báo hiệu nhắm súng. Đức Cha chánh xin viên chỉ huy một đặc ân cuối cùng là được ôm hôn từng người sắp bị hành quyết. Ngài tìm cơ hội cho các nạn nhân được xưng tội để giao hoà với Chúa. May mắn thay, lời thỉnh cầu này được chấp nhận.

Nhưng cũng thật lạ lùng, bởi vì sau đó hai vị giám mục đã không trở về chỗ cũ, trái lại các ngài đã đứng vào hàng ngũ những người bị xử bắn. Đức Cha chánh đã lên tiếng nói với viên chỉ huy: Không phải chỉ có 50 người, nhưng tất cả là 52 người chúng tôi. Ông còn quyết định bắn chúng tôi, thì xin hãy ra lệnh. Xin Thiên Chúa tha thứ cho ông.

Vừa dứt lời, bỗng từ bầu khí nặng nề của chết chóc vang lên tiếng reo hò, bởi vì các khẩu súng đang nhắm bắn đều hạ xuống. Thế là cả chủ chăn lẫn đoàn chiên đều thoát khỏi những viên đạn của tử thần. Hôm đó từ pháp trường ra về, mục tử cũng như đoàn chiên đều sung sướng hát lời thánh vịnh: Khi Chúa dẫn từ nhân Sion trở về, ta tưởng như giấc mơ…

Hình ảnh hai vị giám mục đứng giữa những người bị xử bắn làm cho chúng ta nhớ tới Đức Kitô, vị mục tử nhân lành của chúng ta. Thực vậy, Ngài là Đấng thánh thiện và quyền năng, Ngài đã xuống thế làm người để trở thành một Emmanuel, nghĩa là một Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Hơn htế nữa, Ngài còn đồng hoá mình với chúng ta, là những kẻ tội lỗi. Không những thế, Ngài còn hy sinh mạng sống mình để cứu chuộc chúng ta khỏi án phạt của tội lỗi, như lời thánh Phaolô viết: Chúa đã yêu thương tôi và đã nộp mình chịu chết vì tôi. Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành hiến mạng sống mình vì đoàn chiên. Còn chúng ta thì sao?

Là những con chiên trong đoàn chiên của Chúa, chúng ta cần phải lắng nghe và bước theo sự dẫn dắt của vị mục tử như lời Ngài đã phán: Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta.

Hãy thực thi những điều Chúa truyền dạy, để nhờ đó chúng ta thực sự là những con chiên trong đoàn chiên của vị mục tử nhân lành là chính Đức Kitô.

Chúa Nhật IV Phục Sinh – Năm C
Lm Lã Mộng Thường

Trong tất cả các bài Phúc Âm được trích dành cho ngày chủ nhật, không có bài Phúc Âm nào ngắn gọn mà mang nhiều chủ đề tâm linh như bài Phúc Âm vừa được công bố. Dẫu bài Phúc Âm được phân định không đúng văn cách nhưng vẫn rõ ràng bao gồm 7 chủ đề. Chiên Ta thì nghe tiếng Ta. Ta biết chúng và chúng theo Ta. Chúng sẽ không bao giờ hư mất. Không ai có thể cướp chúng khỏi tay Ta. Câu “Điều mà Cha Ta ban cho Ta thì cao trọng hơn tất cả” nơi bài Phúc Âm hình như bị dịch sai bởi nơi hai cuốn Phúc Âm của Nguyễn Thế Thuấn và bản dịch từ TP.HCM cũng như 6 bộ Kinh Thánh và sách bài đọc tiếng Mỹ đều dịch thành “Cha, Đấng đã ban chúng cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả”.

Theo bản dịch chúng ta vừa nghe có lẽ không hợp lý vì sự việc, sự kiện không thể nào cao trọng hơn chính chủ thể sự kiện hay sự việc. Hai chủ đề còn lại của bài Phúc Âm đó là: Không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Cha Ta và Ta là một. Chúng ta ai cũng biết, Kinh Thánh dùng hình ảnh cũng như ngôn từ “chiên” để chỉ con người và Thiên Chúa là chủ chăn. Phúc Âm đặt nơi miệng Đức Giêsu, “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta”.

Câu này có nghĩa những ai thực sự muốn thăng tiến nơi hành trình đức tin một cách mau chóng thì nên suy nghiệm những lời giảng dạy của Đức Giêsu. Những lời giảng dạy này ở đâu? Xin thưa đó là bốn cuốn Phúc Âm. Ai muốn nhận biết Tin Mừng Nước Trời; ai muốn nghiệm chứng về Thiên Chúa, muốn nhận ra thực thể con người của mình, muốn khỏi bị sai đường lạc lối nơi hành trình đức tin, muốn khỏi bị lừa đảo, hoặc muốn kiếm tìm căn bản phát triển tâm linh, bốn cuốn Phúc Âm Matthêu, Marcô, Luca, và Gioan chính là kho tàng thu gọn những sự khôn ngoan để cho họ học hỏi và chiêm nghiệm.

Chúng ta thường cho rằng chỉ cần hiểu về vấn đề nào đó thì đã được coi là biết và thế rồi tưởng rằng mình đã biết, không cần gì phải tìm hiểu thêm. Chẳng hạn, chúng ta hay dùng câu nói “Các cha giảng dạy”. Riêng về sự dạy chính tôi chưa bao giờ dám có ý nghĩ dạy ai mà chỉ lo học hỏi khờ người cũng vẫn cảm thấy còn nhiều vấn đề cần được dạy. Không nói đâu xa, bất cứ ai đang hiện diện nơi nhà thờ lúc này cũng có nhiều điều mà tôi chẳng những đã không hiểu mà còn không biết, thế nên tôi cần phải học. Nói đến vấn đề giảng giải, giải thích, hay giải nghĩa thì lại quả là một sự nghịch thường. Thay vì đưa ly nước cho người đang khát uống mà cứ nhì nhằng giảng nghĩa nước thế này, thế nọ và còn tệ hơn nữa dạy cách đào giếng lấy nước thì người nghe chưa kịp đào giếng có lẽ đã chết vì khát. Giải thích hay giảng nghĩa cần điều kiện nhận thức tương đương… và ngôn từ hán học được gọi là ấn hay chứng. Người nghe nghiệm xem những lời chia sẻ, phân trần có đúng hoặc tương đồng với kinh nghiệm nơi bản thân mình không. Lẽ tất nhiên, người nào chưa bao giờ ăn hoặc được ngửi mùi trái sầu riêng thì có giải thích đến mấy cũng vô ích. Thêm vào đó, sự giải thích lại lệ thuộc chính người giải thích. Kinh nghiệm minh chứng, giải sử có một trăm người giải thích về cũng chỉ một trái sầu riêng hoặc trái ớt tất nhiên sẽ có ít nhất hai phe không đồng quan điểm. Hơn nữa tôi e rằng còn rơi vào tình trạng câu nói, “Nếu có hai người bàn luận về Thiên Chúa thì sẽ có ít nhất ba Thiên Chúa”.

Nghe giảng nghĩa hoặc giải thích Phúc Âm mà không tự nghiệm nơi chính mình thì quả là vô ích… chỉ biến sự thể thánh thiện tham dự thánh lễ trở thành nỗi khổ trói buộc phải thực hiện do sự e sợ một cách thiếu hiểu biết. Thế nên, sự giảng giải chỉ là phương tiện cho người khác chứng nghiệm. Lẽ đương nhiên, sự giải thích về Chúa chắc chắn không phải là Chúa. Bởi vậy, những ai nghe tiếng Đức Giêsu hoặc nói rằng theo Ngài hay tin nơi Ngài, tin vào Thiên Chúa mà không suy nghiệm Phúc Âm, chỉ là kẻ nói láo, chẳng những tự lừa đảo, lừa cả Chúa, mà còn muốn đánh lừa những người khác.

Không nghiệm chứng Phúc Âm chắc chắn sẽ không biết đức tin là gì, Thiên Chúa thế nào, Nước Trời là gì? Và hơn nữa lại càng u tối về Tin Mừng Nước Trời. Tất cả những sự giải thích, tất cả mọi sách vở đều chỉ là phương tiện giúp con người nghiệm chứng, thăng tiến nơi hành trình đức tin chứ không phải là đức tin cũng như không giúp ích gì cho đức tin của bất cứ ai bởi sự giải thích không thể nào nói lên được cảm nghiệm thực sự nơi tâm hồn con người. Tôi đưa lên một thí dụ điển hình để quý ông bà anh chị em cảm nhận. Chẳng hạn sự giải thích về trái chanh… có chăng chỉ làm người nghe rệu nước miếng chứ không ai có thể cảm thấy chua như chúng ta đã có lần nhai một múi chanh. Như vậy, chúng ta cần đọc Phúc Âm và để ý suy tư để nghiệm ra Lời Chúa được áp dụng nơi tâm hồn mình, nơi cuộc đời mình như thế nào.

Lời Chúa, lời Phúc Âm nói lên sự thể, thực thể tâm linh nơi chính mình. Chẳng hạn để tâm suy tư câu, “Kẻ nào yêu cha mẹ, con cái hơn Ta không đáng làm môn đệ Ta” có nghĩa gì. Phỏng chúng ta có thể yêu Chúa hơn vợ chồng, con cái, hoặc cha mẹ không? Vậy cha mẹ, con cái có ý nghĩa gì mà Phúc Âm muốn đề cập tới. Chúa có cần chúng ta yêu không? Yêu Chúa là gì? Yêu như thế nào? Mình đã thực hiện trong cuộc đời ra sao? Tại sao lời Chúa lại nhắc đến sự so sánh giữa hai phương diện thế tục và tâm linh như vậy? Tóm lại, chủ đề đầu tiên của bài Phúc Âm nhắc nhở và khuyến khích chúng ta nên để tâm đọc và suy gẫm Lời Chúa, biến Lời Chúa trở thành sống động nơi cuộc đời mình. Amen.

Chúa Nhật IV Phục Sinh – Năm C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.  (Ga 10, 27-30)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Ðiều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một”.

Suy niệm

Giữa một đoàn chiên đông đúc, người ta cần một người mục tử tốt bụng để chăm sóc và bảo vệ. Giữa một cánh đồng lúa chín vàng, ông chủ cần những tay thợ gặt lành nghề, để thu gom lúa vào kho lẫm, giữa một thế giới bao la, rất nhiều người chưa biết Thiên Chúa là ai, chưa biết Ngài đã đến ngôi nhà nhân loại và đến để làm gì? Chúa nhật thứ bốn phục sinh được dành riêng để cầu nguyện cho ơn thiên triệu, một ơn gọi đến từ Thiên Chúa. Ngài mời con người cộng tác với Ngài trong việc chăm sóc và bảo vệ đoàn chiên của Ngài, Ngài còn mời con người hãy là những thợ gặt lành nghề, thu lượm những bông lúa vàng trên cánh đồng truyền giáo, để đưa vào kho lẫm của ông chủ là Nước Trời. Lời mời gọi đó được Thiên Chúa gởi đến cho con người, Ngài mong con người quảng đại đáp lại, cộng tác với Ngài trong việc truyền giáo, trong việc chăm sóc và bảo vệ đoàn chiên, đặc biệt là những con chiên bị lạc lối, những con chiên bệnh tật và những con chiên bị loại trừ.

Sau khi được kêu gọi trên đường đến Đa-mat, thánh Phaolô đã tự biến đổi mình cho phù hợp với ơn gọi cao quý của mình đến từ Thiên Chúa. Thánh nhân đã mạnh dạn lên đường, đến với các cộng đoàn giáo hội sơ khai, làm chứng về mầu nhiệm phục sinh, kêu gọi mọi người trở về một mái nhà chung là ngôi nhà Thiên Chúa, cùng giúp nhau sống tình huynh đệ cộng đoàn. Rất nhiều người đã lắng nghe, đón nhận và trở về, nhưng cũng không ít người đã từ chối, không muốn đưa mình vào một gia đình, bởi mất tự do và không còn được tự do vùng vẫy theo ý riêng: “Ðến ngày Sabbat sau, hầu hết cả thành đều đến nghe lời Thiên Chúa. Các người Do-thái thấy đám đông dân chúng, thì đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy. Phaolô và Barnaba can đảm nói rằng: “Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại; vả lại Chúa đã truyền lệnh cho chúng tôi rằng: “Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất”. Ơn cứu độ của Thiên Chúa không dành riêng cho một ai hay bất cứ một dân tộc nào, Thiên Chúa cứu độ toàn thể nhân loại bằng giá máu người Con duy nhất của Ngài là Đức Giesu Kito, thế nhưng, không ít người đã từ chối, không ít người dửng dưng với ơn cứu độ đó, vì thế, Thiên Chúa không thua sự ích kỷ của con người, Ngài có nhiều con đường để cứu độ, khởi đầu Ngài mời các Tông đồ, rồi đến chúng ta hôm nay, cộng tác với Ngài để cảm hóa những tâm hồn chai đá, làm tan chảy những tâm hồn băng giá, bằng lời chứng sống động là sự hiện hữu của Đức Giesu phục sinh trong cuộc đời người tín hữu. Niềm vinh dự lớn lao đó không có những điều kiện gì đi kèm, chỉ cần lòng quảng đại và tình yêu thương, con người sẽ được góp phần vào chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa Cha.

Con đường phía trước của những người quảng đại dấn thân cho ơn gọi thiên triệu, không phải là con đường màu hồng, nhưng là đầy những cung bậc cảm xúc. Đau khổ, thất bại, bị hiểu lầm, tù tội và bị loại trừ khỏi xã hội, tất cả những đau khổ đó luôn có mặt trong hành trình phục vụ. Lời thánh Gioan trong sách Khải huyền khi kể lại thị kiến ngài thấy, đó là một đoàn người đông đảo, mặc áo trắng tinh, đang tiến về ngai Chiên Con, thánh nhân muốn biết họ từ đâu đến, và ngài đã có câu trả lời: “Ðây là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy nó trắng trong máu Con Chiên. Vì thế, họ ở trước ngai vàng Thiên Chúa, và ngày đêm phụng sự Người trong đền thánh Chúa, Ðấng ngự trên ngai vàng đặt ở giữa họ. Họ sẽ không còn đói khát; mặt trời và nóng bức sẽ không làm khổ họ, vì Con Chiên đứng trước ngai vàng sẽ thống trị họ, sẽ dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống, và Thiên Chúa sẽ lau hết mọi giọt lệ nơi mắt họ”. Vinh quang và danh dự chưa thể nào thấy được hôm nay khi cộng tác với Thiên Chúa trong việc phục vụ các linh hồn, chỉ thấy đau khổ, chỉ thấy bị loại trừ, chỉ thấy bị kết án, nhưng Thiên Chúa đâu để con người phải rơi vào chỗ tuyệt vọng, Ngài trọng thưởng cho họ những vòng nguyệt quế của người chiến thắng, Ngài trọng thưởng cho họ một ngôi nhà hạnh phúc là Nước Trời, Ngài trọng thưởng cho họ một chỗ nghỉ ngơi đời đời là được ở bên cạnh Thiên Chúa. Còn niềm vui nào lớn cho bằng, còn hạnh phúc nào để so sánh và còn phần thưởng nào lớn cho bằng để mong chiếm hữu. Thiên Chúa luôn quảng đại hơn những món quà con người dành cho Ngài, vì thế, ơn gọi thiên triệu dù đến từ Thiên Chúa, nhưng phần thưởng không hề nhỏ cho ai đáp trả bằng tình thương và sự hy sinh như Thầy đã hy sinh cho anh em.

Những ai sẽ thuộc về đoàn chiên của Thiên Chúa, đó là những người lắng nghe được tiếng của Ngài. Tiếng của Thiên Chúa vang lên trong lương tâm mỗi người, tiếng của Ngài còn vang lên trong lòng Giáo hội. Để nghe được tiếng đó, con người phải có một trái tim hướng về, phải có một tấm lòng thao thức và phải có một tinh thần khiêm tốn đủ. Những ai đã thuộc về đoàn chiên của Thiên Chúa thì Ngài biết rõ từng con và tất cả, bởi thế, khi chiên đau ốm, Ngài chăm sóc, khi chiên đói, Ngài đưa tới đồng cỏ, khi chiên khát, Ngài dẫn tới dòng suối nước mát trong. Người mục tử tốt lành luôn bảo vệ đoàn chiên mình trước mọi loài thú dữ và những kẻ thù, Ngài canh giữ bằng cách dạy dỗ, Ngài chăm sóc bằng cách khuyên bảo, Ngài chữa lành bằng cách cõng trên vai đem về chuồng chiên: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta”. Sự chăm sóc ân cần của Thiên Chúa đến từ tình yêu thương và hy sinh chứ không đến từ một thói quen hay một nghề nghiệp. Ngài mong con người hãy cộng tác với Ngài, để tiếp nối sứ vụ đó bằng tình yêu thương, bằng tinh thần phục vụ vô vị lợi, không tham vọng quyền bính và không tính toán thiệt hơn. Đó mới là chiều sâu của đời sống phục vụ và là linh đạo của ơn gọi thiên triệu trong sinh hoạt thiêng liêng của Mẹ Giáo hội.

Trở thành một Linh mục không phải là một nghề nghiệp, một công chức như ngoài xã hội, trở thành một Tu sĩ cũng không ngoại lệ, thế nhưng, vì ảnh hưởng của thế giới tục hóa, người tín hữu vẫn quan niệm rằng Linh mục hay Tu sĩ chỉ là một cái nghề, do đó, họ mong muốn được làm một Linh mục, một Tu sĩ để tiến thân, để có địa vị trong một thể chế cơ cấu của Giáo hội theo suy nghĩ của họ. Chính vì có những quan niệm như thế, vô tình đẩy các Linh mục, các Tu sĩ là những nhân viên của các dịch vụ tôn giáo, tất cả nhằm đáp ứng các nhu cầu tôn giáo, đáp ứng những lễ hội trong cuộc đời của các tín hữu. Vô hình chung chính con cái trong nhà đang làm thay đổi bộ mặt của gia đình, làm thay đổi hình dạng và tất cả mọi sinh hoạt trong chính gia đình của mình. Giáo hội là một mầu nhiệm, Giáo hội là tài sản của Thiên Chúa chứ không phải là tổ chức trần thế, Giáo hội là nơi Thiên Chúa hiện diện, để gặp gỡ, trò chuyện và đồng hành với con người. Đừng vội thay đổi chiều sâu thánh thiêng của Giáo hội, nhưng hãy yêu mến Giáo hội, chăm sóc và bảo vệ Giáo hội trước những cơn bão lớn của thế giới tục hóa.

Tôi là một Linh mục hay tôi đang làm một Linh mục, đây là một vấn nạn rất dễ bị hiểu lầm và lệch lạc. Là một Linh mục, ứng viên luôn ý thức mình chỉ là người đầy tớ vô dụng, chỉ làm những việc bổn phận phải làm dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đang hiện diện trong Giáo hội. Họ sẽ làm việc trong ánh sáng của Tin mừng, trong huấn quyền của Giáo hội, không phục vụ vì tư lợi, họ sẽ đặt lợi ích các linh hồn trên tất cả, để phục vụ, để chữa lành và để chăm sóc. Do đó, những giới hạn của một con người nhiều lúc chưa thể giúp đỡ cho các con chiên đau yếu, chưa giúp đỡ những con chiên lầm đường lạc nẻo. Ý thức khả năng giới hạn của mình, người ứng viên luôn cần ơn Chúa giúp đỡ, luôn cần lời cầu nguyện của cộng đoàn, luôn cần sự chỉ dạy của những người có kinh nghiệm và kiến thức thiêng liêng, tất cả để cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào giữa lòng thế giới này. Bên cạnh đó cũng không thiếu những ứng viên nghĩ rằng tôi đang làm Linh mục. Họ coi thiên chức Linh mục như một cơ hội khởi đầu để tiến thân, để đạt được mọi tính toán, họ chấp nhận đi khẽ, nói nhẹ, cười duyên, tất cả chỉ để được nhận vinh quang của thế gian. Vì thế, họ chỉ làm việc như một công chức, như một người chăn thuê cho ông chủ, và tất nhiên họ sẽ không bao giờ làm việc hết mình, hết tình và hết bổn phận đối với đoàn chiên của mình. Đức Giáo Hoàng đương kim trong cuộc gặp gỡ các Linh mục đã nói: “Linh mục là người mục tử chứ không phải là người làm công”. Vị Cha chung nhắc nhở các Linh mục, Phó tế hãy là một Linh mục, một mục tử nhân lành, chứ đừng là một người làm Linh mục để chăn thuê, để làm công trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha.

Lạy Chúa Giesu, người mục tử nhân lành, Chúa đến trần gian đem theo sự sống và tình yêu của Thiên Chúa, Chúa muốn mọi người được cứu độ và được yêu thương, do đó, Chúa cho con người cộng tác vào chương trình cứu độ, xin cho chúng con hiểu được chiều sâu của ơn gọi thiên triệu, hiểu được chiều rộng của tình yêu phục vụ và tự hiến, để chúng con quảng đại đáp lại và cộng tác với Chúa cách khiêm tốn và chân thành. Chúa đã biết từng con chiên trong đoàn, tất cả vì yêu, xin cho chúng con biết học nơi Chúa bài học tình yêu, để sống đúng giá trị của ơn gọi thiên triệu là chăm sóc cho chiên đau ốm, chữa lành cho chiên bị tổn thương và bảo vệ chiên trước thú dữ và bão táp cuộc đời. Amen.

NHẬN DIỆN MỤC TỬ VÀ NGƯỜI CHĂN THUÊ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Hằng năm cứ đến ngày Lễ Chúa Chiên Lành (Chúa Nhật IV Phục Sinh), cả Giáo Hội hướng đến việc cổ võ ơn thiên triệu trong bậc tu trì nói chung và cách riêng ơn gọi làm linh mục. Có thể luận suy rằng khi người ta yêu sách phẩm hạnh cần có của một bậc sống thì mặc nhiên người ta khẳng định sự cao quý và cần thiết của bậc sống ấy.

Một sự thật dễ thấy, đó là khi đề cập đến mặt tích cực và khi đó là một trong những nhân đức hay lý tưởng thì người ta dễ đón nhận và cũng dễ tự bằng lòng khi thấy mình chưa đạt đến. Một trong những luận lý để tự châm chước đó là phận người còn nhiều hạn chế, thiếu sót vì như lời người xưa: “nhân vô thập toàn”. Trái lại khi nói đến điều tiêu cực, hay mặt trái của vấn đề thì người ta khó đón nhận, vì ai ai cũng vấn vương chút sĩ diện, chút tự ái nào đó. Dù vậy, qua những lời của chính Chúa Kitô, chúng ta cũng cần xem xét đôi điều để phân biệt mục tử với người chăn thuê.

Đã nói là phân biệt hai thực thể nào đó thì chắc chắn giữa chúng phải có nét tương đồng khiến người ta dễ lầm lẫn. Vì thế, trước hết chúng ta cùng xem xét một vài nét xem ra tương đồng giữa người chăn thuê và vị mục tử:

1. Qua cửa ràn chiên: Cả hai, vị mục tử và kẻ chăn thuê đều đường đường chính chính qua cửa ràn chiên mà vào và ra chứ không leo tường hay chui rào. Có thể nói rằng dù được tấn phong giám mục thành sự, được truyền chức linh mục thành sự, dù có sắc phong, có văn thư bổ nhiệm hợp pháp… thì cũng chưa hẳn đã là mục tử chính hiệu.

2. Biết chiên: Dù rằng khó có thể có cái “biết” theo nghĩa Kinh Thánh đó là đồng thân, chung phận, nhưng người chăn thuê cũng biết con chiên một cách nào đó khả dĩ đáng gọi là biết theo nhãn quan nhân loại.

3. Chiên nghe tiếng và đi theo mục tử cũng như kẻ chăn thuê: Ít ai phản đối sự thật này, vì người chăn thuê không phải là người lạ hay là kẻ trộm (x.Ga 10,5;8). Ngoại trừ một số ít chiên “cá biệt” hoặc bị gán nhãn mác là “chống giáo sĩ”, thì có thể nói là đại đa số giáo dân Công giáo, cách riêng giáo dân Công giáo Việt Nam đều ngoan, theo nghĩa là biết vâng nghe lời các đấng bậc.

4. Người chăn thuê và mục tử đều dẫn chiên đến đồng cỏ và nguồn nước: Rất có thể chiên không được hưởng dùng các loại cỏ xanh tươi hay dòng nước mát trong cách tốt nhất, nhưng người chăn thuê vẫn không quên bổn phận cung cấp thức ăn và nước uống cho đàn chiên. Phải chăng đã và đang có đó nhiều vị giảng dạy, cử hành các Bí tích, làm mục vụ… mà còn thiếu tấm lòng mục tử?

Tiếp đến chúng ta cùng nhận diện những điểm khác biệt giữa người chăn thuê và vị mục tử. Đây là nội dung muốn chia sẻ. Hy vọng rằng khi trực kiến với hình ảnh mang tính phản diện thì chúng ta dễ giật mình hơn, không chỉ với những người đang trong phận vụ mục tử mà còn với cả những người trong danh phận con chiên.

1. Làm chỉ vì tiền: Mục đích nhắm của bất cứ người làm thuê nào, nếu thực sự là làm thuê, thì đều vì tiền công. Người chăn thuê cũng có thể có tấm lòng với đàn chiên, nhưng ưu tiên số một vẫn là tiền công, dù là công nhật, công tháng, công năm hoặc hưởng lương theo sản phẩm.

2. Làm hết giờ hơn là làm hết việc: Trong thân phận người làm thuê thì người ta rất mong đến giờ tan sở. Giả như người làm thuê nếu có làm hết việc thì ít khi hết lòng. Nếu người làm thuê làm ăn lương theo sản phẩm thì có đó chuyện làm hết sức, nhưng làm cách công tâm và hết tình thì chưa hẳn có. Trái lại, nếu đúng là mục tử thì có thể nhiều khi làm không hết việc, thậm chí có khi không được việc trước mắt, nhưng luôn thực thi hết lòng.

3. Không quan tâm đến chiên ngoài đàn: Đây là một điều tất yếu đương nhiên. Đã là làm thuê thì ít có ai thích dài tay với những việc xem ra không quá đòi buộc phải làm hoặc có xao nhãng hay không làm cũng chẳng bị trừ lương. Đã là mục tử thì không thể quên lời của Thầy chí thánh, Giêsu: “Ta còn nhiều chiên ở ngoài đàn…”

4. Không bao giờ sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì chiên: Cần thú nhận rằng chẳng có ai dại gì tự nguyện bị thiệt thân vì những gì không thuộc về mình. Khi thấy sói đến người chăn thuê sẵn sàng bỏ chiên để giữ lấy mạng sống mình (x.Ga 10,12). Chuyện hiến dâng mạng sống vì chiên xem ra chẳng hề có trong tâm trí của người chăn thuê. Trái lại, đây là điểm không thể thiếu để thẩm định ai mới là mục tử.

Đọc lịch sử Giáo Hội và với chút luận suy thì chúng ta có thể khẳng định rằng đã và có thể đang có đó “kẻ trộm, kẻ cướp” trong vai mục tử. Thế nhưng đó chỉ là số rất nhỏ và rồi đoàn tín hữu cũng có thể dễ dàng phát hiện hạng người đến chỉ nhằm giết hại đàn chiên, hoặc nếu họ có ngụy trang cách khéo léo thì “cây kim lâu ngày trong bọc cũng sẽ lộ ra”. Trái lại sự nhập nhằng đen trắng giữa mục tử với kẻ chăn thuê thì hầu như rất khó nhận diện cả với đàn chiên và có thể với cả các đấng bậc trong vai vị mục tử.

Với bốn điểm đồng và bốn điểm dị, thầm mong khi phân biệt mục tử với người chăn thuê, chúng ta thêm xác tín rằng ngoài việc cần thiết cầu nguyện liên lỉ cho các mục tử trong Giáo Hội, thì đang còn đó nhiều việc đáng làm và nên làm. Cũng hy vọng rằng một số mục tử nào đó trong Giáo Hội, dù chưa hẳn xứng danh mục tử tốt lành nhưng không phải là những người chăn thuê. Và mong sao không hề có những kẻ chăn thuê đang mang danh mục tử.

Dù rằng ngay cả bậc thánh nhân được liệt vào hàng các Thánh mục tử thì không một ai thực sự là mục tử chính danh chính phận. Chỉ một mình Chúa Giêsu mới đích thực là mục tử. Dù là bậc cao trọng và đạo hạnh trong Hội Thánh thì vẫn tồn tại hai tính phần mục tử và chăn thuê nơi các đấng bậc. Mong sao phần tính chăn thuê chỉ là phần chiếm tỷ lệ rất nhỏ nơi con người và đời sống các ngài. Nếu phần tính chăn thuê đang là 30-50% hay quá bán thì quả là đáng quan ngại. Chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ muốn đoàn chiên của Người sống và hành xử như “đoàn cừu của Panurge”, mà là như đoàn dân Thiên Chúa trưởng thành, đầy ý thức và tinh thần trách nhiệm, luôn tích cực cộng tác với ơn Chúa để dệt xây những mục tử tốt lành như lòng Chúa ước mong.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây