TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Phục Sinh - Năm B

Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,1-10)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm B

25/04/2021 07:24:01 |   920

Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm B


Ga 10,11-18

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và ngành nho, để nói lên sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và người Kitô hữu. Chúa ví Người như cây nho, Chúa Cha là người trồng nho, còn ta là ngành nho. Cây nho gồm nhiều ngành được hợp nhất với nhau, tạo thành một giàn nho. Cành nào không gắn liền với thân nho sẽ bị chết khô vì không hút được nhựa sống. Cũng vậy người Kitô hữu phải tháp nhập vào thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô bằng ơn thánh, hầu sinh hoa trái thiêng liêng. Để đáp lại tình yêu của Người, chúng ta hãy giao hòa với Thiên Chúa và với nhau, để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Ca nhập lễ

Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu; Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt muôn dân – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô, Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử; xin lấy tình Cha mà âu yếm đoái nhìn: này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 9, 26-31

“Ngài thuật lại cho các ông biết trên đường đã thấy Chúa thế nào”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, khi tới Giêrusalem, Saolô tìm cách tiếp xúc với các môn đệ; nhưng mọi người đều sợ ngài, không tin rằng ngài đã trở thành môn đệ. Barnaba dẫn ngài đến gặp các Tông đồ, và ngài thuật lại cho các ông biết trên đường ngài đã thấy Chúa thế nào, đã được Chúa phán dạy, và tại Ðamas ngài dạn dĩ xưng danh Ðức Giêsu thế nào. Và từ đó, ngài ra vào Giêrusalem với các ông, và dạn dĩ xưng danh Chúa. Ngài cũng giảng dạy cho dân ngoại, và tranh luận với những người Hy-lạp, nên họ tìm cách giết ngài. Các anh em biết việc đó, nên đem ngài xuống Xêsarêa, rồi tiễn đưa ngài về Tarsê.

Hội Thánh được bình an trong miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được xây dựng và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 21, 26b-27. 28 và 30. 31-32

Ðáp: Lạy Chúa, bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội. Con sẽ làm trọn những lời khấn hứa của con, trước mặt những người tôn sợ Chúa. Bạn cơ bần sẽ ăn và được no nê, những kẻ tìm kiếm Chúa sẽ ca khen Chúa: “Tâm hồn các bạn hãy vui sống tới muôn đời”.

Xướng: Thiên hạ sẽ ghi lòng và trở về với Chúa, khắp cùng bờ cõi địa cầu; và toàn thể bá tánh chư dân sẽ phủ phục trước thiên nhan Chúa. Bao người ngủ trong lòng đất sẽ tôn thờ duy một Chúa; bao kẻ nằm xuống bụi tro sẽ sấp mình trước thiên nhan. Và linh hồn con sẽ sống cho chính Chúa.

Xướng: Miêu duệ con sẽ phục vụ Ngài, sẽ tường thuật về Chúa cho thế hệ tương lai, và chúng kể cho dân hậu sinh biết đức công minh Chúa, rằng: “Ðiều đó Chúa đã làm”.

Bài Ðọc II: 1 Ga 3, 18-24

“Ðây là giới răn của Người: là chúng ta phải yêu thương nhau”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và chân thật. Do đó, chúng ta biết mình thuộc về sự thật, và sẽ được vững lòng trước mặt Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có khiển trách chúng ta, thì Thiên Chúa còn lớn hơn lòng chúng ta và Người thông biết mọi sự.

Các con thân mến, nếu lòng chúng ta không khiển trách, thì chúng ta tin tưởng nơi Thiên Chúa, và bất cứ điều gì chúng ta xin, thì chúng ta cũng được Người ban cho, vì chúng ta giữ giới răn Người và làm điều đẹp lòng Người.

Và đây là giới răn của Người: Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta. Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Do điều này mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 15, 4 và 5b

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Các con hãy ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con; ai ở trong Thầy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 15, 1-8

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

“Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Muốn sống hiệp thông, chúng ta phải tăng triển đời sống thân mật với Chúa, và thi hành sứ mệnh Ngài trao cho trong tinh thần khiêm tốn, cậy trông. Muốn được như vậy chúng ta tha thiết cầu xin:

1 .”Hội Thánh được bình an… sống trong sự kính sợ Chúa” Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa được tràn đầy nhựa sống ân sủng của Đức Kitô, để hăng say thi hành chức vụ, và gìn giữ ơn bình an cũng như lòng kính sợ Chúa cho dân Người.

2. “Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ” Xin cho các tín hữu ý thức được hồng ân sống trong nhiệm thể Chúa Kitô, và trách nhiệm phải sinh hoa trái, là do tuân giữ giới răn Chúa truyền dạy và sống kết hiệp với Người.

3. “Nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn” Xin cho những ai dấn thân làm việc tông đồ, nhận ra tình yêu và ân sủng Chúa qua những gian nan thử thách, đau khổ và cả sự chết, vì đó là những phương thế đem lại kết quả cho việc tông đồ.

4. “Các con ở trong Thầy và Thầy ở trong các con”.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta biết hân hoan vui mừng được có Thánh Lễ hằng ngày, để được tiếp rước Chúa Thánh Thể và hiệp nhất nên một với Người.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, mỗi ngày chứng con liên kết mật thiết với Chúa qua Bí tích Thánh Thể, xin cho chúng con ý thức được bổn phận phải sống trong tình yêu của Chúa và tình thương nhau, để làm sung mãn đời sống thiêng liêng cho bản thân và mọi người, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con tin Chúa sẽ thực hiện trong thánh lễ này một cuộc trao đổi kỳ diệu là làm cho bánh và rượu chúng con dâng tiến trở nên Mình và Máu Thánh Ðức Kitô, để chúng con được thông phần thiên tính của Chúa. Xin cho chúng con biết ăn ở thế nào cho phù hợp với chân lý chúng con tin nhận. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Chúa phán:”Thầy là cây nho thật, các con là nhành, ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái” – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con là đoàn dân của Chúa. Chúa đã lấy bánh bởi trời mà nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ và hân hoan bước vào đời sống mới. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Cây nho
Sưu tầm

Đối với người Do Thái thì cây nho là một hình ảnh thật quen thuộc và gần gũi, giống như hình ảnh cành tre khóm trúc đối với người Việt Nam. Thế nhưng Chúa Giêsu muốn nói gì qua hình ảnh cây nho?

Tôi xin thưa: Qua hình ảnh cây nho, Ngài cho chúng ta biết rằng Ngài chính là hiện thân của Thiên Chúa. Ngài đến không phải chỉ để trông nom chăm sóc vườn nho, mà hơn thế nữa, còn để trở thành chính cây nho, hầu có thể trực tiếp thông ban sự sống của mình cho chúng ta; như thân cây nuôi ngành cây bằng nhựa sống của nó. Từ hình ảnh trên, chúng ta thấy được hai ý nghĩa nổi bật.

Ý nghĩa thứ nhất: Thiên Chúa là người trồng nho, còn chúng ta là những cây nho. Thế nhưng kể từ nay giữa chúng ta và Thiên Chúa, còn có một trung gian đó là Đức Kitô. Và như chúng ta đã biết: Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, có nghĩa là Ngài cũng đã trở thành một cây nho, một cây nho hảo hạng, một cây nho giống tốt để tạo nên một vườn nho mới. Nói cách khác, Đức Kitô là một con người mới, là một Adong mới hầu tạo nên cho Thiên Chúa một nhân loại mới, theo đúng hình ảnh của Ngài.

Ý nghĩa thứ hai đó là một sự trao đổi kỳ lạ, được thực hiện qua mầu nhiệm nhập thể. Đúng thế, với mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa đã bước xuống phận con người, để con người được bước lên ngôi Thiên Chúa. Ngài đã trở thành cây nho, để chia sẻ cho chúng ta, những cành nho của Ngài, chính nhựa sống thần linh. Kể từ nay, mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa, không phải chỉ là mối liên hệ cứng nhắc giữa Đấng hoá công và loài người thụ tạo, nhưng là một liên hệ thân thương, gần gũi và gắn bó mật thiết như cành liền cây hiệp thông cùng một nhựa sống, đến nỗi chúng ta có thể nói: Thiên Chúa ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Thiên Chúa. Hay: Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.

Một khi đã hiệp thông trong cùng một nhựa sống, thì chúng ta cũng phải chia sẻ những khổ đau với Ngài. Thực vậy, nếu thân cây bị chặt thì những cành lá cũng phải chết theo. Và một khi chồi mới mọc lên thì những cành lá mới cũng ló dạng. Là Kitô hữu, đời sống của chúng ta từ nay không thể tách rời Đức Kitô. Do đó, những khổ đau của Ngài cũng phải là những khổ đau của chúng ta và sự chết của Ngài cũng phải là sự chết của chúng ta, để rồi sự phục sinh của Ngài cũng phải là sự phục sinh của chúng ta. Như lời thánh Phaolô xác quyết: Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ cùng Ngài phục sinh. Nếu ta chịu khổ với Ngài, ta sẽ cùng Ngài thống trị.

Đó cũng chính là ý nghĩa của việc cắt tỉa mà Chúa Giêsu đã nói đến, để cho cành cây sinh nhiều trái hơn. Cành nho càng được cắt tỉa thì lại càng mang nhiều trái. Cũng vậy, đời sống người Kitô hữu càng kết hiệp với Đức Kitô, càng chịu nhiều gian nan thử thách, thì lại càng nhiều ơn phúc trước mặt Thiên Chúa hơn.

Chúa nhật thứ 5 mùa Phục Sinh
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 15, 1-8).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.
“Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.

Suy niệm

Mầu nhiệm phục sinh của Đức Giêsu Kitô đã làm thay đổi nhận thức về con người trong thế giới, thay đổi hình ảnh về Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, thay đổi niềm tin của bản thân trong hiện tại cũng như trong hành trình đức tin. Hình ảnh cây nho luôn đem đến cho những cành nho sức sống mãnh liệt cùng với những chùm trái chín mọng, là một tương quan rất chặt chẽ nhưng khắng khít trong mọi khía cạnh. Đức Giêsu đã ví mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người như mối liên hệ giữa cành nho và cây nho. Đây là một mối liên hệ sinh tử, một mối tương quan sự sống. Chúa nhật thứ 5 mùa phục sinh mời gọi người tín hữu Kitô, trở lại với niềm tin của mình sau khi chứng kiến mầu nhiệm phục sinh của Thầy Chí Thánh, mỗi người gắn bó với Chúa phục sinh như thế nào trong hành trình đức tin của mỗi người.

Bài đọc 1 được trích từ sách Tông Đồ Công Vụ, một  tác phẩm của Chúa Thánh Thần. Tác giả kể lại câu chuyện trở lại của thánh Phaolô, vị tông đồ của dân ngoại, tên gọi do Chúa phục sinh đặt cho ngài. Cuộc trở lại của thánh nhân không phải là cuộc trở lại về luân lý, về nhân cách, bởi thánh nhân là một thành viên của biệt phái, một nhóm người sống rất nhiệm nhặt với lề luật của tiền nhân. Thánh nhân cũng không trở lại theo nghĩa của một người tội lỗi trở về nhưng trở về với tâm tình của một người can đảm thay đổi suy nghĩ và hình ảnh Thiên Chúa trong cuộc đời của mình: “Trong những ngày ấy, khi tới Giêrusalem, Saolô tìm cách tiếp xúc với các môn đệ; nhưng mọi người đều sợ ngài, không tin rằng ngài đã trở thành môn đệ. Barnaba dẫn ngài đến gặp các Tông đồ, và ngài thuật lại cho các ông biết trên đường ngài đã thấy Chúa thế nào, đã được Chúa phán dạy, và tại Ðamas ngài dạn dĩ xưng danh Ðức Giêsu thế nào. Và từ đó, ngài ra vào Giêrusalem với các ông, và dạn dĩ xưng danh Chúa. Ngài cũng giảng dạy cho dân ngoại, và tranh luận với những người Hy-lạp, nên họ tìm cách giết ngài”. Thay đổi nhận thức và tâm tình tôn giáo của bản thân không phải là một câu chuyện bình thường, nhưng là một sự cố gắng ngay từ bên trong và từng ngày sống của chính mình.

Bước sang bài đọc 2, lời bộc bạch của thánh Gioan Tông đồ khi nói về tình yêu, đưa mỗi người đi vào bên trong giá trị của tình yêu. Tình yêu đích thực phải là tình yêu đến từ những cái biết của nhau, đến từ sự cảm thông, đồng điệu và thấu hiểu lẫn nhau. Yêu mến Thiên Chúa chỉ dừng lại nơi đầu môi chót lưỡi thì đó đâu phải là một tình yêu đích thực, nhưng nếu đến từ sự khiêm tốn của đức tin, đến từ nỗi thấu hiểu và đồng điệu với Ngài, đó là một sự hiện diện cảm thông, đồng hành và hy sinh: “Các con thân mến, chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và chân thật. Do đó, chúng ta biết mình thuộc về sự thật, và sẽ được vững lòng trước mặt Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có khiển trách chúng ta, thì Thiên Chúa còn lớn hơn lòng chúng ta và Người thông biết mọi sự”. Một tình yêu đích thực là đi vào trong chiều sâu tâm hồn của người mình yêu. Tình yêu vợ chồng đã phản ánh điều đó khi người chồng biết và hiểu người bạn của mình trong từng nhịp sống, từng thói quen và cả những tật xấu, ngược lại, người vợ biết người chồng mình là biết được sự sống và những trăn trở trong từng ngày sống với trọng trách trên vai. Một tình yêu đích thực, một tương quan sự sống, một tương quan sinh tử được diễn tả trọn vẹn nhất nơi tình yêu vợ chồng, và đó cũng là hình ảnh của tình yêu và mối liên hệ cây và cành trong câu chuyện của bài Tin Mừng.

Hình ảnh cây nho và cành nho được Đức Giêsu dùng diễn tả mối liên hệ giữa Ngài, Con Thiên Chúa làm người, với con người nhân loại, quả là một mối liên hệ vượt lên trên tất cả. Không chỉ là mối liên hệ cây – cành, hay là mối liên hệ trong cùng một tên gọi, nhưng đó là mối liên hệ sự sống. Nhựa sống sẽ được thông truyền từ cây sang cành và ngược lại, cành sẽ làm cho sức sống của cây phong phú hơn bằng những trái thơm, quả ngọt: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn”. Mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa bấy lâu nay có thể chỉ dừng lại nơi những mệnh đề, những giới luật, những bài giáo huấn, và tất cả như là công thức đức tin, nếu tin là như thế thì chắc chắn chưa đủ để đức tin lớn lên và sinh nhiều bông hạt, mối liên hệ đó phải đi xa hơn, tiến sâu hơn vào bên trong của thân cây và cành, đó là mối liên hệ sự sống, mối liên hệ sinh tử. Nếu cành lìa cây, sự sống sẽ bị cắt đứt, cành sẽ chết, nếu cây không có cành, làm sao có nhiều quả ngọt, trái thơm: “Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy”.

Biết bao lần trong hành trình đức tin, chúng ta nghĩ rằng, tôi tuân giữ những lề luật của Thiên Chúa, của Giáo hội, tôi thực thi những giáo huấn của Đức Giêsu là đủ để được sống trong Ngài và với Ngài, nhưng thực tế, tất cả chỉ dừng lại nơi hình thức bên ngoài. Đức Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho để nói về Ngài và cành nho là hình ảnh của con người. Mối tương quan Thiên Chúa – con người là mối tương quan đem đến sự sống cho nhau, mối tương quan đó không thể thiếu một trong hai, và đó thực sự là mối tương quan sinh tử. Chính mối tương quan đó, đòi hỏi người tín hữu Kitô phải gắn bó với một vị Thiên Chúa làm người là Đức Giêsu, chấp nhận cho Ngài đi vào cuộc đời tôi, đến nỗi có thể nói như thánh Tông đồ dân ngoại: tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Trong mối tương quan này, sự hòa quyện và đồng điệu của sự sống như là hoa quả tình yêu tất yếu sẽ đến.

Hành trình đức tin của người tín hữu gắn bó với mỗi ơn gọi Thiên Chúa trao cho mỗi người. Trong bước đường ơn gọi, niềm tin của người tín hữu cần được làm mới mỗi ngày và được đơm bông kết trái. Để cho niềm tin đó lớn lên và xác tín hơn, người tín hữu cần tìm đến với Đức Giêsu, nguồn gốc sự sống, làm quen với Ngài, để học với Ngài, để được ở lại với Ngài và để biết Ngài đang muốn tôi thực hiện điều gì vào giờ phút đó trong ơn gọi của mình. Và khi mối liên hệ này đủ lớn và đủ chín muồi, cuộc sống của người tín hữu không dừng lại nơi sự đơn điệu của con người, nhưng đó là một cuộc sống song hành giữa con người với Con Thiên Chúa làm người. Và cũng từ đây, mỗi người cần phải minh định rõ hơn Thiên Chúa lúc này đang hiện diện ở đâu, nơi người bạn đời của tôi có Ngài không? Nơi thành viên cộng đoàn huynh đệ tôi đang sống, có Ngài không? Trong cộng đoàn xứ đạo, có Ngài hiện diện không? Xác định rõ như thế, giúp người tín hữu sống với Thiên Chúa cách sâu đậm hơn, đồng thời cố gắng sống ơn gọi của mình ngày một vẹn toàn hơn như lòng Chúa ước mong.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là cây nho, đem lại sự sống cho con người khi con người là cành tháp nhập vào cây, xin cho chúng con luôn cố gắng sống mối liên hệ sự sống này, để từng lời nói, việc làm và cả cuộc đời con họa lại cuộc đời của Con Thiên Chúa làm người. Chúa là cây nho đem nhựa sống tới cho cành, để mỗi cành sinh nhiều trái ngọt, xin cho chúng con cố gắng mở rộng tâm hồn, để nhựa sống của Thiên Chúa đong đầy và sinh hoa kết trái. Trái ngọt của niềm tin và tình yêu sẽ dồi dào khi chúng con cộng góp sự cố gắng của mình vào đó, Chúa sẽ ban đủ ơn và đủ nhựa sống tình yêu, để Chúa mãi lớn lên trong con và con được ở mãi trong quyền năng  của Chúa. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 

ĐỂ SINH HOA KẾT TRÁI XUM XUÊ

(Chúa nhật V PS B)

Đức cố giáo hoàng Phaolô VI đã từng nhấn mạnh rằng phát triển là hình thức truyền giáo của thời đại hôm nay. Phát triển bản thân, xã hội cũng như Giáo Hội là một đòi hỏi có tính tất yếu để sống còn. Kitô hữu chúng ta vốn quen thuộc với dụ ngôn “những nén vàng hay nén bạc” mà Chúa Giêsu kể trong Tin mừng (x.Mt 25,14-30; Lc 19,12-27). Không làm sinh lợi những gì chúng ta đã lãnh nhận là một thái độ không chỉ đáng trách mà còn đáng trừng phạt. Ngay đêm Tiệc ly, trước khi chịu tử nạn, Chúa Kitô đã khẳng định: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15,16). Người còn nói rõ: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”(Ga 15,8). Qua hình ảnh cây nho, Chúa Kitô cho ta thấy hai điều kiện không thể thiếu nếu muốn đơm hoa kết trái. Đó là gắn bó và cắt tỉa.

Gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu: Chúa Giêsu đã làm nổi rõ chân lý này khi tự ví mình là thân nho, còn chúng ta là cành nho. Tách lìa khỏi thân nho thì cành nho sẽ chết. Mọi sự đều là ân sủng Chúa. Sự hiện hữu của chúng ta là do ân ban từ trời. Để tồn tại và phát triển, không một ai có thể tách lìa khỏi nguồn mạch tác tạo nên chính mình. Đã là người, chúng ta dễ chân nhận rằng thái độ sống kiểu “vong bản”, hay “mất gốc”, không chóng thì chầy cũng sẽ bị huỷ diệt. Người ta cũng dễ đồng thuận với nhau về những nguồn gốc tự nhiên là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, là nơi chôn nhau cắt rốn, là tổ quốc, quê hương. Tuy nhiên, nguồn gốc của mọi nguồn gốc tự nhiên ấy là gì, là ai, là Đấng nào thì còn tuỳ ở quan điểm, ở niềm tin của mỗi người.

Như thế, nền tảng và động lực của sự gắn bó này đó là sự nhìn nhận nguồn gốc, xuất xứ của bản thân mình. Một trong những nét trỗi vượt của con người trên các loài thụ tạo hữu hình khác chính là biết hướng về cội nguồn. Thực tế cho ta khẳng định điều này. Các loài vật càng lớn lên thì chúng càng như quên mất cội nguồn sinh ra chúng. Với con người thì trái lại, càng thêm tuổi thì khao khát truy về nguồn càng mãnh liệt. Không kể các anh em vô thần hay vô tín, nói chung, nhân loại xưa nay vốn có tâm thức hướng về Đấng Tạo Thành, Đấng tác sinh mọi vật, mọi loài. Một trong những biểu hiện tâm thức này là lòng biết ơn, sự cảm tạ. Vào mỗi dịp năm hết, Tết đến hay vào các dịp lễ tiết theo phong tục tập quán như khởi đầu công việc, sau vụ mùa… những nén hương được thắp lên cùng các lễ vật bày ra cách này cách khác, chính là tấm lòng cảm tạ, biết ơn được dâng lên Đấng là cội nguồn các ơn lành đã lãnh nhận.

Với Kitô giáo, hình thức gắn bó với Thiên Chúa có thể gọi là căn bản, đó là sự thờ phượng. Cầu nguyện bằng nhiều hình thức là cách thế biểu lộ sự thờ phượng. Tuy nhiên một trong các tâm tình cầu nguyện nói lên sự gắn bó của chúng ta với Đấng là cội nguồn của mọi sự, mọi loài, đó là tâm tình cảm tạ, tri ân. Đã từng xem đoạn video clip thật cảm động trình bày cảnh sống có thật như sau: Một anh nhà nghèo, làm nghề thu dọn thức ăn thừa trong một quán ăn (theo cảnh quay thì có lẽ là ở nước Mỹ). Các thực khách ăn uống rất phí phạm. Đồ ăn thừa đáng gọi là ê hề. Trong khi đổ các thức ăn thừa vào thùng rác thì anh nhà nghèo này không quên lọc, giữ lại những thức ăn có thể dùng được như là những đùi thịt gà mà người ta chỉ ăn một tí, qua loa hay chỉ ăn có một nửa và chí ít là còn một phần ba, phần tư thịt thừa. Cuối giờ làm anh ra về với bọc thức ăn thừa. Vào bàn dùng bữa, anh đổ các đùi thịt gà thu lượm được ra trước mặt vợ và bốn đứa con đang hăm hở chép miệng chờ ăn. Cả nhà ngồi vào bàn. Cô con gái nhỏ, khoảng 8 tuổi, cầm vội một đùi thịt gà hầu như chỉ còn là xương, may ra còn dính chút thịt mà khách ăn còn dư. Cũng có thể vì quá đói, mà cũng có thể vì bé nghĩ rằng miếng này ít thịt nên cả nhà không tính số. Bỗng người cha lấy tay ngăn em bé lại. Tôi ngạc nhiên, nhưng sự ngạc nhiên ấy lại tiếp nối bằng sự ngỡ ngàng cùng vài giọt lệ ngấn trên khoé mắt khi thấy người cha ra hiệu cho cả nhà làm dấu Thánh Giá, dâng lời cám ơn Chúa trước khi dùng những miếng thịt gà thừa mà khách ăn đã bỏ đi.

Kitô hữu chúng ta hiểu rằng đỉnh cao của việc thờ phượng là Thánh Lễ. Tham dự Thánh Lễ là tham dự vào hy tế tạ ơn mà Chúa Kitô đã hiến dâng trên thập giá xưa nay được hiện tại hoá trên các bàn thờ. Chúa Kitô nhìn nhận mọi sự của Người là do Chúa Cha trao ban. Trên thập giá, Người trao dâng lại cho Chúa Cha tấm xác thân và linh hồn mà Cha ban cho Người khi Người vào trần gian. Hành vi tự hiến này nói lên sự gắn bó thiết thân của Người với Cha trên trời. Người đã khẳng định rằng Người với Cha là một (x.Ga 10,30). Sự tạ ơn là một động thái thờ phượng tuyệt hảo, biểu lộ sự gắn bó của chúng ta với cội nguồn của mình. Và khi gắn bó với nguồn của mọi ân sủng thì chuyện sinh hoa kết trái là chuyện đương nhiên sẽ đến.

Cắt tỉa: Để đơm bông kết trái ngày càng nhiều và tươi tốt, Chúa Giêsu còn đề cập đến sự cắt tỉa. Nói đến sự cắt tỉa thì nông gia rất dễ am tường. Cây trồng khi giảm phát sinh thì tăng phát dục. Cứ đến kỳ, đến vụ, nhà nông lại làm cành, tỉa cây để mong có mùa màng bội thu. Để lớn lên, con rắn cần phải lột bỏ lớp da cũ. Để tung bay giữa trời xanh cánh bướm phải giả từ cái kén ấm êm. Cuộc đời con người cũng tương tự, dù là cá nhân hay tập thể, để tồn tại và phát triển, rất cần đến sự cắt tỉa, nói cách khác là cần sự dứt bỏ, đoạn tuyệt. Tuy nhiên, phải làm rõ những gì cần dứt bỏ và đoạn tuyệt.

Trước hết, cần dứt bỏ những yếu tố không còn sự sống hay những yếu tố tật bệnh làm ảnh hưởng đến sự sống, sự phát triển. Người ta dễ dàng loại bỏ các cành khô của cây, nhưng lại rất khó để đoạn tuyệt với tội lỗi của bản thân mình, dù tội lỗi được đồng hoá với sự chết. Dưới cái nhìn luân lý học ngày nay, thì chỉ có tội trọng mới được gọi là tội nguy tử, gây ra cái chết đời đời. Người phạm tội nguy tử là lỗi phạm luật Chúa trong một điều nặng, có ý thức đầy đủ và tự do hoàn toàn. Là Kitô hữu bình thường thì ít ai dám to gan ở lì trong tình trạng nguy tử này. Nhưng chúng ta có thể dây dưa trong tình cảnh không chết mà chẳng ra sống. Có thể xem tình trạng này như những cành cây đang bị sâu bệnh. Nhà nông thì không tiếc xót gì khi cắt tỉa chúng, còn chúng ta thì quả là khó dứt bỏ những lỗi mọn. Xin hãy nhớ lại những lần chúng ta đến toà cáo giải, hình như đang có đó nhiều tội mà bản thân cứ mãi xưng thú đi, xưng thú lại không biết bao nhiêu lần.

Trở lại với nghề nông, các nông gia chuyên nghiệp vẫn không ngần ngại cắt tỉa những cành lá không sâu bệnh, có khi là xanh tốt, nhưng chúng không có khả năng sinh hoa trái, lại còn ảnh hưởng đến sự sinh hoa trái của các cành khác, chẳng hạn như những chồi vượt sát gốc thân cây… Đọc sách Công vụ tông đồ, chúng ta cần chân nhận sự can đảm của các nghị phụ Công đồng Giêrusalem. Đoạn tuyệt với lễ nghi cắt bì, một nghi lễ gia nhập Do Thái giáo (tương tự với bí tích Thánh Tẩy của Kitô giáo), đúng là một quyết định kiên cường, dĩ nhiên sẽ phải hứng chịu nhiều điều không như ý: bị cho là bội giáo, mất gốc, vong bản, phản bội…

Vừa phải biết trở về nguồn để đi theo đường lối tông truyền, khỏi phải chệch hướng, nhưng cũng phải biết cắt tỉa những yếu tố nhân loại cho dù đã thành truyền thống của một thời đã qua mà nay không còn phù hợp cho sự phát triển. Vuông tròn hai nhiệm vụ này quả là không mấy dễ. Trong thực tế, nhiều khi khó phân biệt rõ ràng các yếu tố tông truyền nghĩa là được truyền từ Chúa Kitô qua các tông đồ với các yếu tố của truyền thống cha ông một thời mà nay đã “lỗi thời”. Bên cạnh đó tâm lý hoài cổ hoặc cho rằng “rượu cũ thì ngon hơn” vẫn còn đó ảnh hưởng đến cung cách hành xử chúng ta.

Xin được bỏ qua lãnh vực lớn là xã hội và Giáo Hội, để nhấn mạnh đến đời sống cá nhân. Có nhiều điều mà chúng ta cần phải cắt tỉa để phát triển và sinh hoa kết trái trong đời sống nhân bản lẫn tâm linh. Tuy nhiên xin được nhấn mạnh đến một điều rất cần cắt tỉa đó là thái độ tự cao, tự đại cho rằng: “bàn tay ta làm nên tất cả…”. Kiêu ngạo là mối tội đầu tiên trong bảy mối tội lớn, và cũng là đầu mối của của mọi sự tội.

Khi đã cho rằng mọi sự ta có, ta là, đều do bởi tay ta thì ta chẳng cần đến bất cứ ai và dĩ nhiên chẳng cần đến Đấng Tạo thành. Một điều tất yếu, khi ta tự tách lìa khỏi nguồn cội thì phải lãnh lấy hậu quả là sự chết. Chúa Cha sai Chúa Con đến thế gian không phải để luận phạt hay xét xử thế gian, nhưng để những ai tin vào Người Con, gắn bó với Người Con thì sẽ được sống muôn đời và sinh trái đơm hoa (x.Ga 3,16;15,5). Xin đừng quên: cành nào lìa cây sẽ khô héo liền (x.Ga 15,6).

Cắt tỉa sự tự cao, tự đại để thêm gắn bó với Đấng mà nhờ Người mọi vật mọi loài được tác thành (x.Col  1,15-16). Gắn bó với Người thì chắc chắn ta sẽ đơm hoa, kết trái trĩu cành. Và rồi khi Chúa đến, Người sẽ nói với ta: “Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ ngươi” (Mt 25,21). Ngoài việc chuyên chăm tham dự Thánh Lễ, thì theo thiển ý, những thực hành đạo đức quen được gọi là “bình dân” như cầu nguyện trước, sau các bữa ăn, cầu nguyện mỗi sáng khi thức dậy và mỗi tối trước khi buông màn, làm dấu Thánh giá khi vào sân bóng hay sau khi ghi được bàn thắng… sẽ giúp ta dần dà cắt tỉa những điều xấu xa, tồn tại, để ngày càng gắn bó với Đấng mà  nếu không có Người thì ta sẽ không làm được sự gì tốt đẹp (x.Ga 15,5).

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây