TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XV Thường Niên -Năm C

“Ai là anh em của tôi?” (Lc 10,25-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XV Thường Niên -Năm C

09/07/2025 10:29:25 |   72
“Ai là anh em của tôi?” (Lc 10,25-37)

Chúa Nhật XV Thường Niên -Năm C

CN15TN C

Lc 10,25-37


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XV Thường Niên -Năm C

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Trong cuộc sống chúng ta có nhiều câu hỏi: Tôi phải làm gì để có tiền? Tôi phải làm gì để học giỏi? Tôi phải làm gì để dành được địa vị Giám đốc? V.V., và có rất nhiều câu hỏi mà chúng ta đặt ra cho mình cũng như cho người khác khi nhu cầu đòi hỏi…Nhưng có lẽ chưa một ai trong chúng ta tự hỏi mình: “ai là anh em của tôi? ” như người thông luật trẻ hôm nay.

Đức Giêsu kể ra dụ ngôn về người Samaria nhân hậu và Người đã dạy nhà thông luật làm như người Samaria.

Trong Thánh Lễ này Chúa Giêsu chính là “Người Samaria nhân hậu”, đã thể hiện tình yêu qua hiến tế mầu nhiệm trên bàn thờ Thập Giá. Với lòng thống hối ăn năn, chúng ta hãy bước theo Đức Kitô để cùng Người, dâng lên Thiên Chúa Hy Lễ Tạ ơn hôm nay, hầu xứng đáng thông phần sự sống viên mãn của Người.

Ca nhập lễ

Phần tôi, nhờ công chính, tôi sẽ được nhìn thấy thánh nhan Chúa, tôi sẽ được no thoả khi Chúa tỏ bầy sự vinh quang của Chúa

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa để họ được trở về nẻo chính đường ngay; xin ban cho những người xưng mình là Kitô hữu biết tránh mọi điều bất xứng và theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa của mình. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ðnl 30, 10-14

“Lời ở sát bên các ngươi, để các ngươi thực thi”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Nếu các ngươi nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ các giới răn và huấn thị của Người đã được ghi chép trong sách Luật này, hãy trở về cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi. Thánh chỉ ta truyền cho các ngươi hôm nay không quá khó khăn cũng không quá sức các ngươi. Nó không phải ở đâu trên trời, để các ngươi có thể nói: ‘Ai trong chúng tôi có thể lên trời mang luật xuống giảng cho chúng tôi nghe để chúng tôi thực hành được?’ Nó cũng không phải ở bên kia biển, để các ngươi viện lẽ nói rằng: ‘Ai trong chúng tôi có thể vượt biển, và mang nó về cho chúng tôi, để chúng tôi được nghe và thực hành điều đã truyền dạy?’ Nhưng lời ở sát bên các ngươi, nơi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 68, 14 và 17. 30-31. 33-34. 36ab và 37

Ðáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh (c. 33).

Xướng: Lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa, ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa. Lạy Chúa, xin nhậm lời con vì lòng khoan nhân trắc ẩn, theo lượng cả đức từ bi, xin nhìn đến tấm thân con. 

Xướng: Phần con, con đau khổ cơ hàn, lạy Chúa, xin gia ân phù trợ bảo toàn thân con. Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân.

Xướng: Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù. 

Xướng:  Vì Thiên Chúa sẽ cứu độ Sion, Người sẽ tái thiết thành trì của Giuđa, con cháu của bầy tôi Chúa sẽ thừa hưởng đất này, và tại đây những người yêu danh Chúa sẽ định cư. 

Bài Ðọc II: Cl 1, 15-20

“Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Ðức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài và mọi loài tồn tại trong Người. Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người. và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 25-37

“Ai là anh em của tôi?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?” Chúa Giêsu nói tiếp:

“Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông’. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Lời Chúa là nguồn mạch cho đời sống đức tin của mỗi người chúng ta. Với quyết tâm lắng nghe và thực thi Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin:

1. “Lời Chúa là thần khí và là sự sống”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh, luôn được ánh sáng Lời Chúa soi dẫn, để các ngài chu toàn sứ vụ Chúa và Giáo Hội trao phó.

2. “Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các nhà lãnh đạo quốc gia, luôn có một lương tâm ngay thẳng, để thực thi công lý trong niềm vui và mưu ích cho mọi người.

3. “Thưa thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu, luôn khao khát sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp cho đời sống mình.

4. “Lời Chúa ở rất gần anh em, để anh em đem ra thực hành”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

Chủ tế: Lạy Chúa, đức tin đòi buộc chúng con phải sống đức ái. Xin Chúa thương ban ơn trợ giúp, để chúng con có thể làm cho Lời Chúa sinh hoa kết quả trong đời sống của chúng con, qua việc sống yêu thương phục vụ lẫn nhau. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Hội Thánh Chúa thành tâm cầu nguyện và dâng lên Chúa lễ vật này; xin thương đoái nhìn và làm cho trở nên của ăn bổ dưỡng giúp chúng con vững bước trên đường nên thánh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Đến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa thiên binh. Ôi đại vương và Thiên Chúa tôi. Phúc cho những ai trú ngụ nơi nhà Chúa, họ sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy”.

Lời nguyện kết lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận hồng ân Chúa ban, xin cho chúng con mỗi khi cử hành bí tích này được hưởng dồi dào ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

đức ki-tô, người sa-ma-ri nhân hậu
“Ông ta lại gần lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà chăm sóc.”
(Lc 10,25-37)

Suy niệm: Thánh giáo phụ Am-rô-si-ô đã nhận ra người Sa-ma-ri-a nhân hậu ấy chính là hình ảnh của Chúa Giê-su. Người không ngồi yên trên lưng lừa những đã bước xuống, tức là từ bỏ địa vị là Con Thiên Chúa của Ngài, yên ổn, xa cách để nhập thể làm người sống gần gũi, thân cận với ta, chấp nhận chịu hệ luỵ đau khổ với ta. Ngài đã lau rửa vết thương tội lỗi của ta bằng chính máu của Ngài; băng bó và chữa lành ta bằng cái chết của Ngài; và khi sống lại từ cõi chết, Ngài đền bù sòng phẳng món nợ truyền kiếp là tội lỗi của cả nhân loại.

Mời Bạn: Có một trái tim biết “chạnh lòng thương xót”, biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để cảm thông chia sẻ, đó không chỉ là một hành vi nhân ái mà còn là một công việc có giá trị cứu độ nhờ kết hợp với Đức Ki-tô, người Sa-ma-ri-a nhân hậu của nhân loại. Hơn lúc nào hết, con người ngày nay rất cần đến tấm lòng biết thương xót của người Sa-ma-ri-a nhân hậu đó.

Chia sẻ: Sống ích kỷ làm ta cô đơn và nghèo nàn. Càng biết cho đi chúng ta lại càng được nhận lãnh và trở nên phong phú. Bạn đã cảm nghiệm được chân lý đó chưa?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn làm một việc bác ái, phục vụ cụ thể, không chỉ với người thân của bạn mà với bất cứ ai đang cần được cảm thông chia sẻ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con sống bác ái không chỉ bằng lý thuyết suông mà phải bằng hành động cụ thể với cả tấm lòng chân thành; và bác ái trước hết với những người thân cận đang sống ngay gần bên con. Amen.

Tội thờ ơ

Tôi đã chứng kiến không chỉ một lần cảnh đám đông vây quanh một đánh đánh lộn bên đường phố. Có khi đó là hai thanh niên quyết ăn thua đủ với nhau. Có khi đó là một người đàn ông đánh đập tàn nhận một người đàn bà. Có khi đó là hai cô gái sừng sổ với nhau. Điều đáng nói là mọi người dường như có vẻ dửng dưng, như chứng kiến một cánh đấm đá trên màn ảnh? Phải chăng con người ngày nay đã xơ cứng trước nỗi thống khổ của kẻ khác?

Thực tế có lẽ không đến nỗi quá quắt như vậy. Người ta chỉ thờ ơ để khỏi mang vạ vào thân giữa một xã hội mạnh ai nấy sống. Tuy thế cũng thật đáng buồn và đáng suy nghĩ. Tôi chắc có nhiều người cũng như tôi, không hẳn là mình không muốn can ngăn những cuộc ẩn đả xảy ra ngoài đường phố hay trong khu xóm. Có điều cái thói thờ ơ, để khỏi bị liên luỵ và được yên lòng, đã chiếm lĩnh lối sống ích kỷ, cầu an cá nhân của mình. Sống với tâm trạng như thế, chúng ta đọc sao được câu chuyện người Samaria nhân hậu của Tin Mừng.

Người Samaria là một anh chàng không có đạo, mà không có đạo cũng đồng nghĩa với không thể sống bác ái lương thiện. Quan niệm Do Thái hẹp hòi và thiển cận ấy, như một mẫu mực để những ai muốn có cuộc sống đời đời phải nhìn đó mà noi theo. Người Samaria ngoại đạo đã trổi vượt hơn những người chính thống, đạo đức nhất của xã hội và Giáo Hội lúc bấy giờ là thầy Lêvi và vị tư tế. Trổi vượt trong lãnh vực yêu thương, cứu giúp những người gặp vận nạn hiểm nguy trong cuộc sống. Còn chúng ta thì sao?

Tôi xin thưa chúng ta cũng phải trở nên là những người Samaria nhân lành của thời buổi hôm nay. Có nghĩa là chúng ta không phải chỉ sống cho riêng mình mà còn sống cho người khác. Chúng ta không chỉ lo toan cho cá nhân mà còn quan tâm tới hết mọi người chung quanh. Chúng ta không chỉ nghiêm túc trong giờ phụng vụ mà còn nghiêm túc trong mọi lãnh vực kinh doanh và sản xuất.

Trong xã hội, kẻ thờ ơ với tha nhân cũng nhiều, nhưng những người Samaria hiện đại cũng không thiếu. Họ có khi mang danh hiệu Kitô hữu, có khi mang danh hiệu Phật tử, có khi mang danh hiệu cộng sản và có khi chẳng mang một danh hiệu nào cả. Nhưng họ giống như Đức Kitô đã sống và họ tiếp cận được với Thiên Chúa cũng như với tha nhân. Vậy thì để trở nên những người Samaria thời buổi hôm nay, chúng ta đã thực sự có được một trái tim mở rộng, một thái độ quan tâm đến mọi người, mọi việc kế cận với chúng ta hay chưa?

Nhớ mang theo trái tim
Đức TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Trường sinh bất tử, muốn được hạnh phúc vĩnh viễn, muốn được sống đời đời, đó là mơ ước muôn đời của mọi người. Hôm nay, một thày thông luật nói lên mơ ước đó khi ông hỏi Chúa “làm cách nào để được hưởng sự sống đời đời”.

Để trả lời ông, Chúa Giêsu kể câu chuyện, một câu chuyện bình thường xảy ra hằng ngày: Một người đi đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị cướp trấn lột, đánh nhừ tử, dở sống dở chết nằm rên rỉ bên vệ đường. Thày tư tế đi ngang thấy thế tránh qua bên kia đường mà đi. Thày Lêvi cũng thế. Nhưng một người xứ Samaria, một người ngoại đạo, đã chạnh lòng thương, dừng lại băng bó cho nạn nhân. Chưa hết, ông còn chở nạn nhân đến quán trọ. Hơn thế nữa, ông gửi tiền để nhờ chủ quán chăm sóc nạn nhân cho đến khi bình phục.

Qua câu chuyện người xứ Samaria nhân hậu, Chúa Giêsu chỉ cho ta con đường dẫn đến sự sống đời đời.

Đường Giêrikhô tượng trưng cho con đường về Nước Trời. Đó là con đường gập ghềnh khó đi. Đó là con đường nguy hiểm vì có trộm cướp rình rập. Đó là con đường thử thách. Để vượt qua thử thách, vũ khí duy nhất hữu ích là trái tim. Trái tim chiến thắng có những phẩm chất như sau:

Đó phải là một trái tim nhạy bén.

Người xứ Samaria nhân hậu có một trái tim nhạy bén. Dù đang bận việc riêng, dù vó ngựa phi nhanh, ông vẫn nhìn thấy người bị nạn nằm bên vệ đường. Dù tiếng gió vù vù xen lẫn tiếng vó ngựa lộp cộp, ông vẫn nghe được tiếng rên rỉ rất yếu ớt của người bị nạn. Trong khi đó, thầy Tư Tế và Thầy Lêvi chỉ đi bộ lại không thấy, không nghe. Hay nói đúng hơn, các thầy có nghe, có thấy nhưng trái tim các thầy đóng kín, nên các thầy chẳng động lòng. Trái tim các thầy bị đóng kín vì những cánh cửa lề luật: Sợ đụng chạm vào máu, vào người bị thương, sẽ trở thành ô uế không được tới đền thờ dâng lễ vật. Người xứ Samaria không nghe bằng đôi tai, không nhìn bằng đôi mắt, nhưng nghe và nhìn bằng trái tim. Trái tim nhạy bén có đôi tai thính lạ lùng. Có thể nghe rõ tiếng rên rỉ thì thầm tận đáy lòng. Trái tim nhạy bén có đôi mắt sáng lạ lùng. Có thể nhìn thấy cả những nỗi đau âm thầm trong tâm khảm.

Đó phải là một trái tim quan tâm.

Trái tim quan tâm đưa ta đến gần gũi anh em. Trái tim quan tâm biết làm tất cả để phục vụ anh em. Các thầy Tư Tế và Lêvi không có trái tim quan tâm nên khi thấy người bị nạn đã tránh sang bên kia đường mà đi. Người xứ Samaria có một trái tim quan tâm nên ông lập tức đến gần nạn nhân. Vì có trái tim quan tâm nên ông có thể làm tất cả để giúp nạn nhân. Vì quan tâm nên ông đã mang sẵn bên mình nào là dầu, nào là băng vải. Chẳng học nghề thuốc mà ông săn sóc vết thương một cách thành thạo. Chẳng luyện tập mà ông đã lấy dầu xoa bóp rất nhanh, băng bó rất khéo. Chẳng có kỹ thuật mà ông biết cách đưa được bệnh nhân lên lưng ngựa. Ông đã làm tất cả theo sự hướng dẫn của trái tim. Với trái tim, ông đã làm tất cả với sự chuẩn xác và nhất là với nhiệt tình để cứu nạn nhân.

Đó phải là một trái tim chung thuỷ.

Trái tim chung thuỷ không làm việc nửa vời, nhưng làm đến nơi đến chốn. Trái tim chung thuỷ không mỏi mệt buông xuôi, nhưng theo dõi giúp đỡ cho đến tận cùng. Người xứ Samaria bận rộn công việc, nhưng vẫn lo lắng cho nạn nhân đầy đủ, gửi gắm chủ quán tiếp tục thuốc thang. Và khi xong việc ông sẽ trở lại thăm hỏi để tiếp tục săn sóc cho đến khi khỏi hẳn. Ông làm tất cả với một trái tim chung thuỷ vẹn toàn.

Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu dạy ta hiểu rằng: đường đến sự sống đời đời là con đường mọi người vẫn đang đi. Nhưng chỉ người đi với trái tim mới mong đến đích. Thầy Tư Tế và Thầy Lêvi đã rẽ sang hướng khác vì các thầy không mang theo trái tim. Người xứ Samaria đã đi đến nơi vì ông đi đường với trái tim nhân hậu, trái tim rất nhạy bén, rất quan tâm và rất chung thuỷ. Với trái tim ấy, ông đã yêu người thân cận như chính mình ông. Với trái tim ấy, ông đã mở đường đi đến sự sống đời đời.

Chúa Giêsu dạy tôi bắt chước người xứ Samaria nhân hậu. Hãy lên đường với trái tim. Hãy lắng nghe với trái tim. Hãy hành động với trái tim. Hãy đi trên đường của trái tim. Hãy để trái tim tham dự vào mọi lời nói, mọi cử chỉ, mọi suy nghĩ. Hãy mang theo trái tim theo trên khắp mọi nẻo đường. Con đường đi với trái tim chính là con đường dẫn đến sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Theo ý bạn đâu là những dấu hiệu cho thấy một tình yêu đích thực và đáng tin?

2- Mỗi khi gặp một người cần giúp đỡ, bạn có hăng hái ra tay giúp ngay hay còn chần chờ, viện lý do để thoái thác?

3- Sau khi nghe dụ ngôn “Người xứ Samaria nhân hậu”, bạn có quyết tâm gì?

4- Mang theo trái tim nghĩa là gì?

AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN
(CHÚA NHẬT TUẦN 15 TN NĂM C) 
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 15 Thường Niên, Năm C này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa, để họ được trở về nẻo chính đường ngay, xin Chúa ban cho những người xưng mình là Kitô hữu biết tránh mọi điều bất xứng, và theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa của mình.

Theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa Kitô hữu, để khỏi phải bị tự chuốc họa vào thân, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, trích sách Các Vua Quyển I nói về: Ngôn sứ Êlia bắt đầu hoạt động dưới triều vua Akháp. Vua Akháp vốn chẳng đạo đức gì, lại chịu ảnh hưởng của vợ là bà Ideven thờ tà thần. Ngôn sứ Êlia báo trước cho vua một cơn hạn hán lớn, như hình phạt người có tội và dấu chỉ quyền tối thượng của Thiên Chúa dân Ítraen, nhưng không phải vì vậy mà Thiên Chúa quên thương xót. Nếu Người thẳng tay trừng trị dân phản bội, thì lòng thương xót của Người vẫn dưỡng nuôi những đứa con hèn mọn nhất của Người. Ông Êlia đã tha thiết cầu xin cho đừng có mưa, thì đã không có mưa; rồi ông cầu xin thì trời liền mưa xuống. Ngôn sứ Êlia xuất hiện chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng. Ông dùng lời Thiên Chúa mà đóng cửa trời.

Theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa Kitô hữu, để được tái sinh và đổi mới, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Amrôxiô nói về: Huấn giáo về các nghi thức thánh tẩy… Xưa kia chúng ta cũng ngu xuẩn, không vâng lời, chúng ta cũng lầm lạc, sống trong gian ác và ganh tị, đáng ghét và ghen ghét lẫn nhau, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới. Tất cả chúng tôi xưa kia cũng buông theo các đam mê của tính xác thịt. Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.

Theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa Kitô hữu, để đáp lại tình yêu và lòng thương xót của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Đệ Nhị Luật nói: Lời Chúa ở rất gần anh em, để anh em đem ra thực hành. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 68, vịnh gia kêu gọi: Hỡi những ai nghèo hèn, hãy kiếm tìm Thiên Chúa, là tâm hồn phấn khởi vui tươi. Lạy Chúa, phần con xin dâng Ngài lời nguyện, lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân. Xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày, vì Chúa vẫn trung thành ban ơn cứu độ. Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân hậu mà đáp lại lời con; xin mở lượng hải hà mà đoái thương nhìn đến. trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Muôn loài đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa, Lời Chúa là thần khí và là sự sống; Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời. Trong bài Tin Mừng, người thông luật nói: Ai là người thân cận của tôi? Lời Chúa là thần khí và là sự sống, lời đem lại sự sống đời đời, lời đó chính là Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là người thân cận của chúng ta: mỗi khi làm cho những người bé mọn là làm cho chính Người. Lời đó ngay bên cạnh, trong miệng, trong lòng, để ta đem ra thực hành. Một khi đã được đổi mới nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, ta hãy sống xứng hợp với đời sống của những người đã được thanh tẩy; ta đã từ bỏ ma quỷ, để quay về với Đức Kitô và đăm đăm nhìn thẳng vào Người, thì hãy mở tai ra đón lấy lời ngọt ngào ban sự sống đời đời, đang tỏa ra cho ta, để ta không còn ngu xuẩn, lầm lạc, buông theo các đam mê của tính xác thịt, như những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa, để chúng ta được trở về nẻo chính đường ngay, ước gì chúng ta biết tránh mọi điều bất xứng, và theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa của mình. Ước gì được như thế!

 

Tin Mừng Chúa Nhật XV Thường Niên -Năm C
“Ai là anh em của tôi?” (Lc 10, 25-37)

CN15TNc 2

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
          
Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?” Chúa Giêsu nói tiếp:
          
“Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông’. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.
          
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XV Thường Niên -Năm C
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm



LUẬT SAMARITANÔ
(Chúa Nhật XV TN C) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Câu chuyện kể của Chúa Giêsu về người Samarianô nhân hậu đã khởi hứng cho một câu chuyện phim khá lý thú. Nội dung chuyện phim như sau: Một cô sinh viên trường y đang học năm cuối chương trình y khoa một lần kia chứng kiến một người đứng tuổi mập mạp đang trong cơn đột quỵ. Hoàn cảnh lúc ấy thật cấp bách, theo sự hiểu biết về y khoa mà cô sinh viên đã tiếp thu ở nhà trường thì cần phải có một tiểu phẫu nhỏ nơi cổ nạn nhân mới có thể cứu sống nạn nhân kịp thời trước khi đưa vào bệnh viện cấp cứu. Cô sinh viên ngành y ấy đã theo tiếng lương tâm mà làm tiểu phẫu trước khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nạn nhân được cứu sống, nhưng lại bị một di chứng là khó phát âm vì khi làm tiểu phẫu, cô sinh viên chưa tốt nghiệp ấy bị một sai sót nhỏ. Cô sinh viên bị nạn nhân kiện. Nhiều thế lực không tốt cũng nhân cơ hội ấy để kiện luôn cả khoa và trường mà cô sinh viên đang theo học. Vụ kiện làm xôn xao dư luận, trở thành đề tài “hot” và cô sinh viên đang ở trong cảnh thế bí chỉ vì lý do chính là chưa tốt nghiệp, chưa có bằng chứng nhận được phép hành nghề y khoa. Và nhà trường cũng bị liên lụy trách nhiệm đáng kể. Câu chuyện tưởng như không có hậu ấy đã thay đổi vào phút chót khi viên luật sư trẻ đầy tâm huyết đã tìm ra một luật để bào chữa đó là luật Samaritanô. Câu chuyện phim trở thành có hậu khi cô sinh viên được tòa tuyên vô tội.
          
Thánh tông đồ dân ngoại nói: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn mọi Lề Luật” (Rm 13,8). Có thể nói rằng luật tình yêu là luật của các luật. Tuy nhiên cần xác định thế nào là yêu thương. Dưới khía cạnh tiêu cực, “đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại” (Rm 13,10). Khổng Tử dạy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Theo Tanmút Do Thái giáo thì Rapbi Hinlen cũng nói: “Đừng làm cho người khác điều chính mình không thích”. Ông Tobia cha, đã khuyên bảo người con một đạo lý tương tự như trên: “Này con, hãy cẩn thận trong mọi việc con làm, và hãy tỏ ra con là nhà gia giáo trong mọi cách ăn thói ở của con. Điều gì con không thích thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb 4,14-15). Chúa Kitô đã đưa luật tình yêu này đến tận cùng với chiều kích tích cực: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môsê và các lời ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).
          
Bài Tin mừng Chúa Nhật XV TN C tường thuật khi được Chúa Giêsu hỏi rằng trong Luật đã viết những gì thì vị thông luật đã trả lời đó là: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”. Chúa Giêsu đã khẳng định rằng ông ta trả lời chính xác và hãy làm như vậy thì sẽ được sự sống đời đời làm gia nghiệp (x.Lc 10,25). Kitô hữu chúng ta ít băn khoăn hay tranh luận về giới luật phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn. Quả thật nếu đã tin nhận Thiên Chúa là căn nguyên và là cứu cánh của mọi vật mọi loài, nhất là loài người chúng ta thì việc phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự là lẽ tất yếu. Tuy nhiên, cũng như vị thông luật kia, chúng ta nhiều khi cảm thấy khó khăn với giới luật yêu tha nhân như chính mình.
          
Cựu Ước ghi rõ là phải yêu người thân cận như chính mình. Thế thì ai là người thân cận của chúng ta? Hạn từ người thân cận dường như giả thiết một sự giới hạn nào đó cả về mối tương quan cũng như điều kiện hoàn cảnh. Người Do Thái vốn ưu tiên đặt nặng mối dây tương quan niềm tin tôn giáo, kế đến là là mối tương quan màu da quốc tịch… Và chắc chắn kẻ thù không hề có trong phạm trù người thân cận. Chúng ta nhận ra điều này khi họ được dạy rằng “hãy yêu thương đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (Mt 5,43).
          
Chúa Giêsu đã làm chưng hửng vị thông luật kia, khi mở rộng phạm trù người thân cận đến tất cả mọi người, không trừ ai. Người lại còn khẳng định tính tất yếu và vô điều kiện của giới luật yêu người. Câu chuyện “người Samaritanô nhân hậu” là một ví dụ minh họa rõ nét. Dù là luật của nghi lễ tế tự như trường hợp vị tư tế hay dù là một sự cẩn trọng, khôn ngoan cần có như trường hợp của vị trợ tế hay dù bất cứ lý do gì cũng không thể là nguyên cớ khiến ta xao nhãng hay thoái thác nghĩa vụ sống yêu thương. Theo nội dung câu chuyện kể, khi truyền cho vị thông luật là hãy đi và làm như người Samaritanô nhân hậu thì Chúa Giêsu nhắc nhớ vị ấy cũng như chúng ta rằng đừng hỏi ai là người thân cận của tôi mà hãy tự hỏi tôi là người thân cận của những ai. Chúng ta phải trở nên người thân cận của tất cả những ai đang cần đến lòng xót thương, ngay ở đây và lúc này.
          
Là Kitô hữu, chúng ta không thể bỏ qua nội dung dụ ngôn cuộc phán xét chung trong Tin mừng Matthêu đã được Giáo hội viết thành lời kinh “mười bốn mối thương người”. “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống… Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta… Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói các ngươi đã không cho Ta ăn; Ta khát các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước, Ta mình trần, các ngươi đã không cho mặc…” (Mt 25,31-46).
          
“Hãy đi và hãy làm như người Samaritanô nhân hậu!” Một lệnh truyền mang tính cấp thiết vì nó liên hệ đến hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta. Lạy Chúa, con phải là người thân cận của ai đây? Không phải ở đâu xa hay là ngày mai, nhưng hôm nay và ở nơi này, lạy Chúa, những ai đang cần lòng thương xót, sự cứu giúp và nâng đỡ của con? Nếu thật lòng và xác tín với lời cầu nguyện trên, chắc chắn chúng ta sẽ biết phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

 

Tin mừng Chúa nhật 15 thường niên -C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN15TNc 4


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 10, 25-37)

Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?”

Chúa Giêsu nói tiếp: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông’. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.


Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XV Thường Niên -Năm C 
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh


 

Suy niệm

Nhiều người Kitô hữu vẫn thắc mắc và tự hỏi: ai là anh chị em tôi, bởi tôi có gia đình, có Cha, có Mẹ, có anh chị em, có bà con, bạn hữu, thế thì tương quan anh chị em mà Thầy Chí Thánh chỉ dạy là tương quan thế nào, có phải tương quan huyết thống hay tương quan thiêng liêng, vì tương quan thiêng liêng mà tôi phải có trách nhiệm với những người khác, ngay cả những người tôi không có thiện cảm, không ưa thích, đó có phải là tâm tình tôn giáo đích thực tôi phải thực hiện không, hay đó là một áp lực tinh thần để rồi người tín hữu phải làm việc nhiều hơn, phải cho đi nhiều hơn và phải sống rộng lượng hơn. Câu chuyện trong bài Tin mừng Chúa nhật 15 thường niên nói riêng và phụng vụ Lời Chúa nói chung, sẽ chỉ rõ tương quan từ bản thân tới tha nhân thế nào, từ những mối tương quan đó có thể xây dựng một gia đình thiêng liêng ấm áp.

Trước khi chia tay với cộng đoàn, ông Môisen đã căn dặn mọi người hãy thực thi những huấn lệnh của Thiên Chúa, bởi đó là kim chỉ nam để thờ phượng Thiên Chúa, sống niềm tin và tình hiệp thông trong cộng đoàn được gọi là dân riêng của Thiên Chúa. Bài đọc 1 từ sách Đệ Nhị Luật giúp người đọc và người nghe hiểu ra phần nào Thiên Chúa muốn con người làm gì để tạo dựng tình hiệp thông: “Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Nếu các ngươi nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ các giới răn và huấn thị của Người đã được ghi chép trong sách Luật này, hãy trở về cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi. Thánh chỉ ta truyền cho các ngươi hôm nay không quá khó khăn cũng không quá sức các ngươi”. Lời dạy của Thiên Chúa luôn là chân lý, là sự sống, nếu con người chấp nhận thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất và thực hiện giáo huấn của Ngài. Những gì Ngài dạy bảo không vượt quá khả năng và sự hiểu biết của con người đâu, tất cả chỉ cần cố gắng ắt sẽ thành công: “Nó không phải ở đâu trên trời, để các ngươi có thể nói: ‘Ai trong chúng tôi có thể lên trời mang luật xuống giảng cho chúng tôi nghe để chúng tôi thực hành được?’ Nó cũng không phải ở bên kia biển, để các ngươi viện lẽ nói rằng: ‘Ai trong chúng tôi có thể vượt biển, và mang nó về cho chúng tôi, để chúng tôi được nghe và thực hành điều đã truyền dạy?’ Nhưng lời ở sát bên các ngươi, nơi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi”.

Chúa Cha đã trao người Con duy nhất của Ngài cho con người, người Con đó đã đến, đã chỉ dạy cho con người con đường dẫn tới sự sống đời đời. Đón nhận lời chỉ dạy đó, con người được hạnh phúc, từ chối con đường đó, con người rơi vào hố sâu tội lỗi và sự chết, đó là lời nhắc của thánh Tông đồ Phaolô khi gởi lá thư cho giáo đoàn Colose: “Ðức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài và mọi loài tồn tại trong Người. Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài”. Thực hành giới luật của Thiên Chúa qua sự chỉ dạy của Đức Giêsu, con người không sợ lạc lối, trái lại, họ được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm có đầu là Đức Giêsu Kitô. Chính trong thân thể mầu nhiệm đó, con người được tiếp nhận sự sống của Thiên Chúa, được trở nên bạn hữu và là những người anh em của Đức Giêsu Kitô, vì thế, bất cứ ai dưới bầu trời này đều là con cái Thiên Chúa và là anh chị em với nhau trong gia đình của Ngài.

Làm sao để giữ trọn lề luật, để sống đúng với tinh thần của lề luật, đó là những trăn trở của dân chúng, của các nhà lãnh đạo tôn giáo xưa và ngay cả các Kitô hữu hôm nay, bởi đó là những lề luật đến từ Thiên Chúa. Thánh Luca đã kể lại câu chuyện Đức Giêsu chỉ dạy cho các Tông đồ, cho cộng đoàn xưa và các tín hữu hôm nay qua dụ ngôn đặc biệt này: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương”. Một người nằm bên vệ đường với nhiều vết thương trên mình, những người luôn tự hào là lãnh đạo tôn giáo, là tín hữu ngoan đạo đi ngang nhưng tất cả dửng dưng với sự việc, chỉ người ngoại giáo mới có đôi mắt tình người sáng hơn, đã dừng lại, đón lấy và chữa lành. Ý nghĩa câu chuyện đó như mũi tên đang chọc vào đúng tinh thần của người tín hữu hôm nay, khi không biết ai là anh em của mình khi sống giữa cộng đoàn. Đáng buồn thay.

Sao Đức Giêsu lại lấy hình ảnh của một người ngoại giáo để dạy dỗ các học trò của mình, thiếu gì những câu chuyện đầy nhân văn trong cuộc sống của các anh em. Chắc Thầy mình có một lời chê quá tinh tế. Tính tự mãn đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người Do-thái khi họ nghĩ rằng họ là dân riêng của Thiên Chúa, họ đâu cần giữ luật cách nhiệm nhặt nữa, kho tàng lề luật của họ đủ điều kiện để trở thành người công chính rồi. Hơn nữa, họ có một vị thần trổi vượt trên các thần linh khác là Thiên Chúa, Ngài luôn che chở và bảo bọc họ, thế nào cũng được gọi là công chính. Quan niệm đó đã làm cùn mòn những giá trị nhân văn, những hơi ấm tình người nhạt dần và tương quan con người với con người trở nên lạnh lùng. Đức Giêsu xuất hiện giới thiệu những tinh thần mới của lề luật, giúp họ thoát khỏi suy nghĩ chật hẹp bấy lâu, để họ cảm nghiệm được sự chăm sóc của Thiên Chúa thế nào và họ phải đền đáp ân tình đó qua việc đón nhận và chăm sóc anh chị em khi họ gặp những bất hạnh trong cuộc sống.

Quan niệm chỉ cần giữ luật tốt, chỉ cần tới nhà thờ vào những ngày được ấn định là đủ để có tên trong danh sách của Thiên Chúa, đó có phải là một lối suy nghĩ thiển cận không, bởi giới luật của Thiên Chúa tóm gọn trong hai điều: thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn và yêu thương tha nhân như chính mình. Yêu chính mình đã khó, đàng này Thiên Chúa còn đòi buộc yêu tha nhân như yêu chính mình. Thường con người chỉ yêu cái tôi của bản thân, yêu cái ích kỷ của mình hơn là yêu con người thực của mình, vì thế khi cái tôi và sự ích kỷ lên ngôi thì làm sao tương quan với tha nhân có chỗ đứng bên cạnh giới răn thứ nhất được. Nhiều lúc bước vào nhà thờ, chỉ biết ngồi xuống đúng chỗ mình, không can đảm lùi vào trong hay bước lên phía trước để những người đến sau có chỗ ngồi, sẵn sàng ngồi hàng giờ trước màn hình tivi hay điện thoại nhưng nán thêm một chút để cầu nguyện cho các linh hồn thì không dám. Buồn thay cho một lối sống đạo thực dụng và thiếu tình người.

Lạy Chúa, chúng con cứ suy nghĩ mãi vì sao Chúa lấy hình ảnh của người Sa-ma-ri-ta-nô, để nhắc nhở chúng con về tương quan tình người, xin Chúa đánh động tâm hồn mỗi người để chúng con đừng giữ đạo theo lý thuyết, theo sách vở, nhưng hãy giữ đạo theo tinh thần Tân ước, không chỉ giữ đạo nhưng phải sống đạo. Chúa dùng câu chuyện này để nhắc cho chúng con biết không phải đi lễ nhiều, đọc kinh dài hay nghiêm trang, thánh thiện khi tới nhà thờ, siêng năng trong công việc chung là đủ, nhưng cần phải sống đạo với một trái tim mở, cần phải sống đạo với tinh thần hiệp thông thiêng liêng, đó mới là điều Thiên Chúa đợi chờ nơi mỗi tín hữu Kitô hôm nay. Amen.


Tải về: PowerPoint-CN15TN-C

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây