TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đức Maria Trinh Nữ Vương

07/06/2021 10:46:34 |   1370


Ca nhập lễ

Lạy Thánh Mẫu, chúng tôi kính chào Mẹ, là Đấng đã sinh ra Đức Vua cai trị trời đất muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã đặt Thánh Mẫu của Ðức Kitô Con Chúa làm thánh mẫu và Nữ Vương chúng con. Xin nhận lời Ðức Nữ Vương chuyển cầu mà cho chúng con đạt tới phúc vinh quang Chúa dành sẵn trên trời cho con cái Chúa. Chúng con cầu xin...

Bài đọc: Is 9, 2-4. 6-7

"Chúa ban Con của Người cho chúng ta".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết. Chúa đã làm cho dân tộc nên vĩ đại, há chẳng làm vĩ đại niềm vui? Họ sẽ vui mừng trước nhan Chúa, như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt lúa, như những người thắng trận hân hoan vì chiến lợi phẩm, khi đem của chiếm được về phân chia. Vì cái ách nặng nề trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức. Chúa sẽ nghiền nát ra, như trong ngày chiến thắng Mađian. {Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm đẫm máu đào, sẽ bị đốt đi và trở nên mồi nuôi lửa.}

Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng tôi, và một người con đã được ban tặng chúng tôi. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên Người là "Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa huy hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình".

Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Ðavít và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. Lòng ghen yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 112, 1-2. 3-4. 5-6. 7-8

Ðáp: Nguyện danh Chúa được chúc tụng, từ bây giờ và cho đến muôn đời (c. 2).

Xướng: Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được chúc tụng, từ bây giờ và cho đến muôn đời.

Xướng: Từ mặt trời mọc lên tới khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi khen. Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời là vinh quang của Chúa.

Xướng: Ai được như Thiên Chúa chúng tôi, Người ngự trên nơi cao thẳm, và Người để mắt nhìn coi, khắp cả trên trời dưới đất?- Ðáp.

Xướng: Người nâng cao kẻ túng thiếu từ chỗ bụi tro, và cất nhắc bạn cơ bần từ nơi phẩn thổ, hầu cho họ ngồi với những bậc quân vương, với những bậc quân vương của dân Người.

Alleluia

Alleluia, alleluia! - Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 26-38

"Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một Con trai".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một Trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, Trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà Trinh nữ và chào rằng:

"Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ". Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận". Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"

Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế, Ðấng Bà sinh ra sẽ là Ðấng Thánh, và đưọc gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".

Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt Bà.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc: Lc 1, 39-47

"Phúc cho Bà là kẻ đã tin".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vả ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Êlisabeth. Và khi bà Êlisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Êlisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: "Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".

Bà Maria nói rằng: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, nhân ngày kính nhớ Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a, chúng con dâng tiến Chúa lễ vật này, xin Chúa thương chấp nhận. Ước gì, con Chúa nhập thể xưa đã hiến thân trên thập giá làm của lễ tinh tuyền, nay cũng vì yêu thương nhân loại mà đến trợ giúp chúng con. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng Ðức Mẹ: "trong ngày lễ...".

Ca hiệp lễ

Đấng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Người quyền năng, và danh Người là Thánh.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã nuôi dưỡng chúng con bằng lương thực bởi trời. Xin Chúa cho tất cả chúng con hôm nay mừng kính Ðức Trinh Nữ, mai kia cũng được tham dự bàn tiệc thiên quốc. Chúng con cầu xin...

Tiểu sử: Ngày 22/8: Đức Maria Nữ Vương

1. Ghi nhận lịch sử - phụng vụ

Lễ Đức Maria nữ vương được Đức Piô XII thiết lập năm 1955 vào ngày 31 tháng 5, nay chuyển sang tám ngày sau lễ Đức Mẹ lên trời để nhấn mạnh hơn dây liên lạc giữa tư cách nữ vương của Đức Trinh nữ với việc thân xác Người được gọi về trời. Công đồng Vatican II đã tuyên bố: “Đức trinh nữ vô nhiễm, được Chúa gìn giữ khỏi mọi tỳ vết tội nguyên tổ, sau khi vượt qua cuộc đời trần gian, đã được đưa cả hồn và xác về vinh quang trên trời, được Chúa đặt làm nữ hoàng vũ trụ để nhờ thế hoàn toàn phù hợp với Con mình hơn” (Vatican II, GH.59).

Ngay từ thế kỷ thứ IV, ảnh tượng đã thường biểu thị bên cạnh Đức Kitô Pantocrator (Đức Kitô uy nghiêm) hình ảnh của Mẹ Người mà từ trung cổ người ta đã gọi là Nữ vương. Chẳng hạn nhiều ca vãn rất cổ ca tụng Người là nữ hoàng như: Salve Regina, Regina coeli, Ave Regina coelorum... cũng như các mầu nhiệm trong chuỗi Mân côi và trong kinh cầu Đức Bà Lorette.

Việc thiết lập lễ này là theo lời thỉnh cầu của các đại hội Thánh mẫu ở Lyon (1900), Fribourg (1902), Einsiedeln (1906), nhưng nhất là sau việc Đức Piô lập lễ Chúa Kitô Vua năm 1925. Sau hết, ngày 11 tháng 10 năm 1954, nhân kỷ niệm trăm năm tuyên bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Piô XII đã thiết lập lễ Đức Maria Nữ vương, nêu lên các lý do lịch sử và thần học trong thông điệp Ad coeli Reginam

Các bản văn phụng vụ chọn nhân lễ Đức Maria Nữ vương năm 1955 nêu bật chân lý sau đây mà Tông Huấn Marialis cultus (số 6) cũng sẽ nhấn mạnh: “Đức Ma-ri-a ngồi bên cạnh Vua muôn đời, rạng rỡ trong tư cách Nữ hoàng và khẩn cầu cho ta trong tư cách bà mẹ”. Cũng vậy, điệp ca Maguificat nhắc lại rằng Đức Ma-ri-a “cùng với Đức Kitô thống trị muôn đời”.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày nhấn mạnh nền tảng của vương quyền Đức Maria mẹ Chúa Kitô, đồng thời cũng là mẹ và nữ hoàng của chúng ta. Lý do cuối cùng của “chức nữ vương” nơi Đức Trinh Nữ trước hết do tính cách mẹ Thiên Chúa của Người. Vì quả thực, cũng như Đức Kitô là Chúa và là vua mọi loài thụ tạo, Đức Maria, mẹ Chúa cũng tham gia một cách tương tự vào quyền vương đế của con mình. Chức nữ vương của Đức Maria cũng dựa trên sự tham dự sâu xa vào công trình cứu chuộc của Đức Giêsu con mình, cùng chịu đau khổ với Con và dâng Con lên Chúa Cha (xem thông điệp Ad coeli Reginam, của Đức Piô XII. Như công đồng Vatican II đã viết: “Đức Maria, khi dâng lên Chúa sự ưng thuận của mình, đã trở thành mẹ của Đức Giêsu và không chút vướng víu tội lỗi, Người chấp thuận ý định cứu rỗi của Chúa, Người hiến thân trọn vẹn cho con người và công việc của Con mình như là tỳ nữ của Chúa, hầu phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc trong sự lệ thuộc và cùng với Con, nhờ ơn Thiên Chúa toàn năng” (GH.56)

Đức Kitô Con Thiên Chúa và Con Đức Ma-ri-a là trưởng tử một đoàn anh em đông đúc (Rm 8,29) thế nào, thì Đức Maria cũng là mẹ của toàn dân Chúa, được chỉ định về vinh quang trên trời, hứa cho con cái Thiên Chúa (xem phần cuối lời nguyện trong ngày). Vậy nên vương quốc Đấng thiên sai được Đức Maria chia sẻ cũng được hứa ban cho mọi người, trước hết là các tông đồ, sau đến mọi Kitô hữu, hầu hoàn tất những lời này của Đức Kitô: “Phần anh em, anh em đã trung thành với Thầy trong các thử thách. Vậy nên Thầy đã sắm vương quốc cho anh em, như cha Thầy đã sắm cho Thầy, ngõ hầu anh em cùng ăn cùng uống nơi bàn tiệc trong vương quốc của Thầy và anh em ngồi trên các ngai để xét xử mười hai chi họ It-xra-en” (Lc 22,28-30).

Bài giảng thánh Amédée ở Lausanne trong lễ Đức Mẹ lên trời nhấn mạnh tính cách trung gian của Đức Maria vì Người đứng bên hữu của Con mình: “Là hôn thê, mẹ của Hôn Phu duy nhất, mẹ như suối từ những mảnh vườn thiêng liêng và là giếng phát sinh những mạch nước hằng sống, mạch nước nuôi sống vọt thành suối từ đỉnh Liban Thiên Chúa. Bởi thế từ núi Sion mẹ cho tuôn trào những con sông an bình, những con suối ân phúc xuống đến mọi dân tộc”.

Ca vãn trong thần vụ ca tụng Đức Maria nữ tỳ của Chúa “đã được Chúa chấp thuận như một công trình hoàn hảo” và đang ngự trị trong vinh quang. Ca vãn giải thích sứ mệnh của Đức Maria, là mẹ và là nữ vương, được kêu gọi trở nên sự phản chiếu lòng nhân từ Chúa và là sự nâng đỡ chúng ta bằng những lời: “Hỡi người phụ nữ / được Chúa khoác áo choàng ánh sáng / khi bóng tối sự chết / bủa vây trên vũ trụ / Mẹ soi chiếu con đường về Nước trời” .

Vai trò của Đức Ma-ri-a là Mẹ và là Nữ vương càng được ca khen một cách tuyệt diệu trong một Điệp ca cuối trong kinh tối: “kính lạy Bà vị Nữ hoàng Thiên quốc (Ave Regina coelorum) ...”

Kính lạy Bà, vị nữ hoàng Thiên quốc

Lạy nữ vương trên chín phẩm thiên thân,

Là cội thiêng, là cửa trời vinh phúc,

Đem vầng hồng rực rỡ xuống trần gian.

Mừng vui lên, mừng vui lên Trinh nữ,

Bà hiển vinh, Bà diễm lệ khôn tày

Bên tòa Chúa Kitô, ngôi Thánh Tử

Cúi lạy Bà, xin nguyện giúp cầu thay”

Enzo Lodi

Suy niệm

Lời kinh cầu khấn thắm thiết cùng Đức Mẹ Maria, ngoài kinh Kính mừng Maria, mà người tín hữu Chúa Kitô đọc hầu như thuộc lòng là kinh Salve regina - Lạy nữ vương mẹ nhân lành.

"Salve, Regina,

Mater misericordiae, vita, dulcedo, et spes nostra, salve.

ad te clamamus exsules filii Hevae, ad te suspiramus, gementes et flentes in hac lacrimarum valle.

Eia, ergo, advocata nostra, illos tuos misericordes oculos ad nos converte;

et Jesum, benedictum fructum ventris tui, nobis post hoc exsilium ostende.

O clemens, O pia, O dulcis Virgo Maria."

"Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành

làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy.

Thân lạy Mẹ, chúng con, con cháu E-và

ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà;

Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương.

Hỡi ôi! Bà là Chủ bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con.

Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu,

Con lòng Bà gồm phúc lạ.

Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh."

Đâu là nguồn gốc xuất xứ cùng ý nghĩa Lời kinh cảm động này?

Lời kinh Salve Regina do Thầy dòng Bênêđictô Hermann der Lahme (+ 1054),  người Đức viết ra bằng tiếng Latinh ở Tu viện Reichenau vùng Bodensee miền Nam nước Đức.

Thầy dòng Hermann ngay từ hồi thanh thiếu niên đã bị tàn tật. Nhưng Thầy được Chúa ban cho khả năng trí khôn thông minh. Thầy ham mê đọc sách, nghiên cứu và làm thơ văn, nhưng cầu nguyện vẫn luôn là nhịp sống cần thiết cho đời sống mà Thầy hằng chú tâm chăm sóc.

Sống trong tu viện khổ tu, nhưng thầy kiên trì học hành nghiên cứu môn Thần học, môn toán học tường tận, và trở thành nhà thần học cùng nhà chuyên môn về toán học. Ngoài ra thầy còn nghiên cứu thêm về môn Lịch sử, môn Thiên văn. Chưa hết, thầy còn có tài năng sáng tác âm nhạc. Như thế, thầy tuy là một người tàn tật, nhưng có nhiều tài năng thiên phú ẩn chứa trong người thầy.

Có nhiều tài năng thiên bẩm, nhưng vì bị tàn tật nên không thể tự mình làm được cả những điều căn bản cần thiết cho đời sống hằng ngày. Cuộc sống trở nên lệ thuộc vào sự giúp đỡ của anh em trong Dòng, của người khác. Và như thế lâu dài trở nên gánh nặng cho họ. Dù vậy nhà Dòng rất kính trọng yêu mến Thầy, cùng sẵn sàng giúp Thầy sống trọn vẹn ơn Kêu Gọi Tu sỹ, nhất là giúp Thầy phát triển tài năng Chúa ban cho Thầy!

Trong những giờ phút hoàn cảnh đau khổ như thế bài kinh cầu khẩn Salve Regina được cưu mang thai nghén và chào đời trong tâm hồn thầy Dòng tàn tật Hermann.

Thầy Dòng Hermann đã đọc Kinh Kính Mừng Ave Maria hằng ngày, hằng giờ, nên khi cảm hứng sáng tác kinh cầu nguyện thầy đã mượn lời Thiên Thần Gabriel chào Đức mẹ Maria là nữ vương: Salve regina!

Phải chăng Đức Mẹ Maria không phải là nữ vương? Chúa Giêsu trước mặt quan tổng trấn Philatô đã quả quyết: Phải, tôi là Vua!. Và trên đầu thập gía Chúa Giêsu, có bảng viết: Giêsu Nadareth, Vua dân Do Thái!

Đức mẹ Maria sau quãng đời trên trần gian được Chúa Giêsu, con Mẹ, đưa về trời cả hồn lẫn thân xác. Trên trời Đức mẹ là nữ vương.

Thầy Dòng Hermann qua đó muốn diễn tả tâm tư mình: Salve Regina - Kính chào Mẹ nữ vương trời đất! Lời chào này không do Thiên Thần hay sứ giả nào nói, nhưng do thầy dòng tàn tật Hermann nói thân thưa với Đức Mẹ Maria.

Xưng tụng Đức mẹ Maria là Mẹ, thầy vẫn cảm thấy chưa đủ hết tấm lòng của một người mẹ. Nên thầy thêm vào lời xưng tụng "Mẹ nhân lành" và còn hơn nữa "đời sống chúng con được vui được cậy".

Qua những xưng tụng đó, thầy dòng Hermann muốn nói lên tâm tình tin tưởng:

Đức mẹ Maria không là trung gian cho sự chết. Nhưng phù trợ cho sự sống

Đức Mẹ Maria không chối từ sự cay đắng đau khổ. Nhưng khi cầu nguyện ta tìm nhận ra nơi Đức mẹ nhân lành nguồn vui an ủi cho đời sống.

Đức Mẹ Maria không chỉ giúp cho đời sống trong một lúc khoảnh khắc ngắn ngủi gặp đau khổ, nhưng Đức mẹ là người cùng đồng hành trung thành hướng dẫn cho đời sống tìm đến nguồn hy vọng nơi Thiên Chúa tình yêu thương.

Đức Mẹ Maria được đưa về trời cả hồn lẫn thân xác bên ngai Thiên Chúa. Đó cũng là đích điểm của con người chúng ta mai sau cũng mong được về bên ngai Thiên Chúa.

Con người chúng ta còn đang là lữ khách ở trần gian, nên còn mang trong mình hậu quả của tội nguyên tổ của Ông Bà Adong Evà. Đó là những đau khổ, bệnh tật, yêu đuối giới hạn cả về thân xác lẫn tinh thần.Vì thế, trần gian được gọi là nơi chốn thung lũng đầy nước mắt.

Thầy Dòng Hermann đã có cảm nghiệm này từ nơi chính đời sống riêng mình về sự yếu hèn khiếm khuyết tật nguyền nơi thân thể. Nên qua đó thấy khao khát mong ước một đời sống tốt đẹp hơn, một đời sống vĩnh cửu. Điều khao khát mong ước đó thầy đặt niềm hy vọng nơi Đức Mẹ Maria, đấng là Trạng sư bầu chữa cho mình trước ngai tòa Chúa.

Lời kinh Salve Regina do thầy Dòng Hermann viết ra thành chữ, thoát ra từ tận sâu thẳm tâm hồn của một đời sống chịu đựng tàn tật về thân xác cũng như yếu đuối giới hạn về trí khôn tinh thần.

Lời kinh Salve Regina không vẽ hay tô điểm một hình ảnh bi quan đen tối về đời sống. Nhưng tràn đầy niềm hy vọng của chính Thầy Hermann. Và qua đấy cũng là của mọi người tín hữu Chúa Kitô.

Lời kinh Salve Regina đã gợi hứng cho không biết bao nhiêu những nhạc sỹ từ xưa nay viết thành những tấu khúc lớn nhỏ danh tiếng, nhất là vào thời Trung Cổ cho đến thời cận đại như Henri Dumont, G.F. Händel, Franz Liszt, Franz Schubert, Pierre de la Ruy....

Lời kinh Salve Regina trở thành lời kinh cầu nguyện không chỉ trong khuôn viên những Tu viện nhà Dòng đọc hát vào giờ Kinh Chiều hay giờ Kinh Tối. Nhưng đã trở thành lời kinh trong " kho tàng" về kinh cầu nguyện của Giáo Hội, cùng phổ thông cho mọi người tín hữu, nhất là với người Công Giáo Việt Nam.

Colonia, 13.05.2011

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây