TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lễ Thánh Giuse thợ

28/04/2021 06:20:37 |   3250

Lễ Thánh Giuse thợ

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Ngày 01/5: Thánh Giuse Thợ

Ca nhập lễ

Phúc thay tất cả những ai tôn sợ Thiên Chúa. Những ai ăn ở theo đường lối của Người. Công quả tay bạn làm ra bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may - Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa tạo thành trời đất, Chúa đã muốn cho con người lao động để tiếp tục công trình của Chúa. Xin nhận lời thánh cả Giuse chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương người để lại là chu toàn nhiệm vụ Chúa đã trao phó hầu được hưởng niềm vui Chúa đã hứa cho tôi tớ trung thành. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: St 1, 26 - 2, 3

"Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống trị nó".

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất, và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất". Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh Chúa. Người tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Người tạo thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: "Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống thị nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất".

Thiên Chúa phán: "Ðây Ta ban cho các ngươi làm thức ăn mọi thứ cây cỏ mang hạt giống trên mặt đất, và toàn thể thảo mộc sinh trái có hạt tuỳ theo giống. Ta ban mọi thứ cây cỏ xanh tươi làm thức ăn cho mọi dã thú trên mặt đất, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất". Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu. Thế là trời đất và mọi vật trang điểm của chúng đã hoàn thành.

Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Người chúc phúc và thánh hoá ngày thứ bảy, vì trong ngày đó Người nghỉ việc tạo thành.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc: Cl 3, 14-15. 17. 23-24

"Tất cả những gì anh em thực hiện, anh em hãy thành tâm thực hiện như cho Thiên Chúa, chớ không phải cho người đời".

Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa.

Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.

Tất cả những gì anh em thực hiện, anh em hãy thành tâm thực hiện như cho Thiên Chúa, chứ không phải cho người đời; vì anh em biết rằng anh em sẽ lãnh nhận phần thưởng gia nghiệp do Thiên Chúa trao ban, nên anh em hãy phục vụ Chúa Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 89, 2. 3-4. 12-13. 14 và 16

Ðáp: Lạy Chúa, xin củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Ôi Thiên Chúa, trước khi núi non sinh đẻ, trước khi địa cầu và vũ trụ nở ra, tự thuở này qua thuở kia, vẫn có Ngài.

Xướng: Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về bụi đất, Ngài phán: "Hãy trở về gốc, hỡi con người".

Xướng: Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chứ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài!

Xướng: Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con được mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho các bầy tôi nhìn thấy sự nghiệp của Chúa, và cho con cháu họ được thấy vinh quang Ngài.

Alleluia: Tv 67, 20

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Chúa trong mọi ngày, Thiên Chúa là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, Người vác lấy gánh nặng của chúng ta. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 13, 54-58

"Ông ta không phải là con bác phó mộc sao?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà, giảng dạy dân chúng trong hội đường, họ bỡ ngỡ và nói rằng: "Bởi đâu ông này khôn ngoan và tài giỏi như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc ư? Mẹ ông không phải là bà Maria? và Giacôbê, Giuse, Simon và Giuđa không phải là anh em của ông sao? Và tất cả chị em của ông không phải ở nơi chúng ta đó sao? Vậy bởi đâu ông được mọi điều ấy như thế?" Và họ lấy làm gai chướng về Người. Nhưng Chúa Giêsu nói với họ: "Không có tiên tri nào được vinh dự nơi quê hương và nơi nhà mình". Và Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ cứng lòng tin.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa là nguồn mạch lòng thương xót, xin đoái nhìn lễ vật chúng con dâng trước Thánh Nhan nhân ngày lễ thánh Giuse thợ. Chúng con khẩn khoản nài xin Chúa cho của lễ này trợ giúp chúng con. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi việc anh em nhân danh Chúa mà thi hành, anh em hãy tạ ơn Thiên Chúa - Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy lương thực bởi trời nuôi dưỡng chúng con, xin dạy chúng con biết noi gương thánh Giuse để lại mà làm chứng về đức ái Chúa đã đổ xuống tâm hồn chúng con, nhờ đó chúng con sẽ được hưởng bình an mãi mãi. Chúng con cầu xin...

 

Suy niệm

Thánh Giuse lao động

Hôm nay lễ Thánh Giuse Thợ, chúng ta đọc lại một vài suy niệm của ĐTC Phaolô VI về cuộc đời lao động của Thánh cả.

Trong bài giảng vào lễ Thánh Giuse năm 1969 (*), ĐTC Phaolô VI nói rằng: khi suy niệm về Thánh Giuse, ta tưởng chừng như thiếu chất liệu khai thác. Phúc Âm không ghi lại lời nào của Ngài, ngoại trừ vài ghi nhận: Ngài hoàn toàn yên lặng và lắng nghe tiếng Chúa qua những giấc mơ. Ngài mau mắn thi hành ý Chúa. Ngài chuyên chăm làm việc tay chân cách cần mẫn, khiến người đời chỉ biết về Chúa Kitô là con bác phó mộc. Tất cả chỉ vỏn vẹn có thế, và có thể nói: cuộc đời Thánh Giuse là một cuộc đời ẩn dật, lao công lam lũ, một đời bình thường không chút danh giá.

Nhưng, ĐTC Phaolô VI nhấn mạnh, nếu chúng ta tìm hiểu sâu xa hơn cuộc đời ẩn dật của Thánh Giuse, chúng ta sẽ thấy một cuộc đời đầy nhân đức và công nghiệp, đầy hạnh phúc và đau khổ, đầy hy sinh và ơn thánh. Thánh Giuse đã dấn thân và đón nhận mọi gánh nặng gia đình. Ngài chỉ nghĩ đến phục vụ, chỉ biết làm việc và hy sinh trong khung cảnh thầm kín mà Phúc Âm đã diễn tả: mái ấm Nadarét với trẻ Giêsu và Đức Maria. Ngài thực đáng được ca ngợi là người diễm phúc và cực tốt lành.

Chính nơi Thánh Giuse, ta nhìn thấy những giá trị đích thực của đời sống con người, khác hẳn cách người đời thường thẩm định. Ở đây, cái nhỏ bé trở nên lớn lao. Ở đây, cái hèn hạ lại có địa vị xứng đáng trong xã hội. Ở đây, những kết quả lao công tầm thường và khó nhọc, lại trở nên hữu dụng cho công việc giảng dạy của Đấng Tạo Thành. Ở đây, những gì bị mất vì yêu Chúa thì lại tìm thấy, những gì hy sinh cho Chúa thì lại được nên dồi dào.

Thánh Giuse chính là tiêu chuẩn Phúc Âm, mà Chúa Giêsu - sau khi rời bỏ xưởng thợ Nazareth - đã rao giảng. Thánh Giuse là gương mẫu của lớp người khiêm hạ mà Kitô giáo đã phát hiện ra như những sự cả thể lớn lao.

Cuối cùng, ĐTC Phaolô VI kết luận, Thánh Giuse là biểu chứng cho thấy, muốn nên môn đệ Chúa Kitô thì không phải nhắm ra tay làm những sự lớn lao, mà chỉ cần tập làm những việc nhỏ mọn, đơn sơ xứng hợp với con người... Vậy Thánh Giuse là gương mẫu cho chúng ta bắt chước, là Đấng Bảo Hộ chúng ta cần cầu khẩn.

Lịch sử ngày lễ: Ngày 01/05 - Thánh Giuse Thợ

1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Lễ này đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập năm 1955 và được ấn định vào ngày 1 tháng 5 để mang lại cho lao động một chiều kích Kitô-giáo. Thật vậy, khuôn mặt thánh Giuse, người thợ mộc ở Nagiarét, đã kỳ diệu góp phần giúp chúng ta hiểu được giá trị và sự cao cả của giới lao động. Từ Hy-lạp Tectôn được dịch là “thợ mộc” gán cho Giuse có lẽ chỉ định người thợ mộc, thợ đá hoặc thợ kim loại và cũng có thể là thợ xây dựng nhà cửa.

Do truyền thống gia đình, chắc chắn Đức Giêsu đã được hướng dẫn để làm nghề này. Vì thế, chúng ta đọc trong Tin Mừng của Marcô: (Đức Giêsu) không phải là bác thợ, con Bà Maria sao ? (Mc 6,3). Đối với người Do Thái thuộc thời soạn thảo Kinh thánh, công việc tay chân cũng thánh thiêng, đối với các Rabbi hay các tư tế cũng thế. Các Rabbi bình giảng sách Giảng viên cũng nói: “Con hãy lo cho mình có được một nghề nghiệp, song song với việc học hỏi lẽ khôn ngoan”. Thế rồi, không những hành nghề mà thôi, song còn phải truyền nghề cho con cái vì như sách Talmud đã chép: “Kẻ nào không dạy nghề tay chân cho con mình, kẻ đó như thể cướp mất sự nghiệp sinh tồn của con cái”. Sách này còn nhấn mạnh đến tính chất thánh thiêng và giá trị của công việc tay chân: “Người thợ, trong lúc lao động, không buộc đứng dậy tiếp bậc kinh sư cho dù là vị cao trọng nhất... Kẻ nào giúp ích cho người đồng loại bằng sức lao động của mình thì cao trọng hơn người học biết Thiên Chúa... Kẻ nào nuôi sống mình bằng sức lao động thì cao trọng hơn người vô công rỗi nghề, chỉ biết giam mình trong các tâm tình đạo đức ...”

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Lời nguyện trong Thánh lễ gợi cho chúng ta “Gương thánh Giuse”, được Tin mừng gọi là “người thợ mộc” (Mt 13,55). Truyền thống cho thấy ngài sống thân tình với Đức Maria, hôn thê của mình và với trẻ Giêsu, chính Người cũng được gọi là “bác thợ mộc” (Mc 6,3). Như thế cả ba vị đều tôn vinh Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ; Người muốn con người lao động để tôn vinh Người và tiếp tục công trình sáng tạo của Người (lời nguyện nhập lễ).

b. Bài đọc - Kinh sách, trích Vaticanô II (Hội thánh trong thế giới ngày nay) làm nổi bật ý nghĩa Kitô giáo trong các sinh hoạt của con người. “Nỗ lực này đáp ứng với ý định của Thiên Chúa... Điều ấy cũng bao gồm các sinh hoạt thông thường nhất. Vì con người, nam cũng như nữ, khi nuôi sống mình và gia đình, đều phải hoạt động phục vụ xã hội. Họ có quyền nghĩ rằng sức lao động của họ mở mang công cuộc của Đấng tạo hóa và mang lại hạnh phúc cho các anh chị em, cũng như khả năng riêng của mỗi người, cũng góp phần kiện toàn kế hoạch của Thiên Chúa trong lịch sử”. Nơi khác, cũng Hiến chế này ghi nhận: “Nhờ việc làm của mình dâng lên Thiên Chúa, con người cộng tác vào chính công cuộc cứu rỗi của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã nâng cao giá trị của việc làm khi Người làm việc với chính hai bàn tay của mình tại Nagiarét. Do đó, mỗi người có bổn phận phải trung thành làm việc và cũng có quyền làm việc nữa” (Vaticanô II: LG 67,2).

Enzo Lodi

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây