TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XVII Thường Niên -Năm C

“Các con hãy xin thì sẽ được”. (Lc 11,1-13)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Các lộ trình thực hiện THĐ giai đoạn 2025-2028

Thứ bảy - 26/07/2025 17:27 | Tác giả bài viết: VP Tổng thư ký THĐ |   37
Ngày 07/7/2025, Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng đã công bố tài liệu: “Các lộ trình cho giai đoạn thực hiện Thượng Hội đồng 2025 - 2028”
Các lộ trình thực hiện THĐ giai đoạn 2025-2028

CÁC LỘ TRÌNH CHO GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN THƯỢNG HỘI ĐỒNG
2025 - 2028


WHĐ (26/7/2025) – Ngày 07/7/2025, Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng đã công bố tài liệu: “Các lộ trình cho giai đoạn thực hiện Thượng Hội đồng 2025 - 2028”, nhằm giúp các giáo hội địa phương tiếp tục con đường do Đức Thánh cha Phanxicô khởi xướng và được Đức Thánh cha Lêô XIV xác nhận. Sau đây là toàn văn bản dịch Việt ngữ do Ban Hiệp hành trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam thực hiện:


VĂN PHÒNG TỔNG THƯ KÝ THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

 

CÁC LỘ TRÌNH

CHO GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN THƯỢNG HỘI ĐỒNG

2025 – 2028

 

Hướng đến một Giáo hội hiệp hành

Hiệp thông - Tham gia - Sứ vụ

 

Chúng ta là “một Giáo hội truyền giáo, một Giáo hội xây dựng những cây cầu và cổ vũ đối thoại, một Giáo hội luôn rộng mở để đón tiếp - như chính quảng trường này với vòng tay rộng mở - tất cả những ai đang cần đến lòng bác ái, sự hiện diện, sự sẵn sàng đối thoại và tình yêu của chúng ta” (Đức Lêô XIV).

Chúng ta đang sống trong một thời khắc dồi dào sức sống thiêng liêng. Việc Đức Giáo hoàng Phanxicô qua đời đã chạm đến tâm hồn tất cả chúng ta cách sâu sắc, và chúng ta vẫn tiếp tục cầu xin Chúa đón nhận ngài vào nơi bình an của Chúa và ban thưởng cho ngài vì sự phục vụ của ngài đối với Giáo hội.

Đồng thời, chúng ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì việc bầu chọn Đức Thánh cha Lêô XIV, người ngay từ những ngày đầu tiên đã thúc đẩy chúng ta trong việc dấn thân đối với tiến trình hiệp hành, nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta là “một Giáo hội truyền giáo, một Giáo hội xây dựng những cây cầu và cổ vũ đối thoại, một Giáo hội luôn rộng mở để đón tiếp - như chính quảng trường này với vòng tay rộng mở - tất cả những ai đang cần đến lòng bác ái, sự hiện diện, sự sẵn sàng đối thoại và tình yêu của chúng ta”[1].

Chính niềm xác tín này cũng là nguồn động lực mạnh mẽ cho Văn kiện Chung kết (VC) của Thượng Hội đồng Giám mục Thường lệ lần thứ XVI với chủ đề: “Vì một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ”, đã được phê chuẩn vào ngày 26 tháng 10 năm 2024, khi kết thúc Khóa họp thứ hai của Đại hội Thượng Hội đồng. Hình thức Thượng Hội đồng của Giáo hội là để phục vụ cho sứ mạng truyền giáo của Giáo hội, và bất kỳ sự thay đổi nào trong đời sống Giáo hội cũng đều nhằm giúp Giáo hội có khả năng loan báo Nước Thiên Chúa và làm chứng về Tin mừng của Chúa cho con người thời đại hôm nay cách hữu hiệu hơn. Đây chính là chìa khóa để giải thích cách trung thành VC và, trên hết, để đưa nó vào thực hành.

Chúng ta đang sống trong một thế giới bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực và chiến tranh triền miên, ngày càng khó tạo ra những cơ hội để gặp gỡ và đối thoại, nhằm hướng đến thiện ích chung và hòa bình.

Hơn bao giờ hết, thế giới cần đến một Giáo hội biết cách để “trong Đức Kitô, Giáo hội như là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người” (Lumen Gentium, số 1; x. VC, số 56). Trong sự đa dạng của các bối cảnh trên thế giới này, Thượng Hội đồng “là một hành động tiếp nhận Công đồng cách sâu xa hơn, và từ đó, đào sâu thêm nguồn cảm hứng của Công đồng và tiếp thêm sức mạnh cho tính ngôn sứ của Công đồng đối với thế giới ngày nay” (VC, số 5).

Chính sự khẩn thiết của sứ vụ này thúc đẩy chúng ta thực hiện Thượng Hội đồng, một nhiệm vụ mà mọi người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội đều chia sẻ trách nhiệm. Nhiều giáo hội địa phương trên khắp thế giới đang nhiệt thành bước đi trên hành trình này.

Chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn và mời gọi các giáo hội địa phương này tiếp tục tiến bước cách quảng đại: họ đang thực hiện một sứ mạng cao quý cho toàn thể Giáo hội. Tài liệu này có thể cung cấp cho họ một khuôn mẫu để xem xét và trên hết, mời gọi họ chia sẻ các sáng kiến của mình, góp phần vào tiến trình phân định mang tính giáo hội rộng lớn hơn.

Những giáo hội địa phương khác vẫn còn đang tìm kiếm hướng đi cho giai đoạn thực hiện hoặc mới chỉ bước những bước đầu tiên. Chúng tôi khích lệ họ tiến bước cách can đảm, sẵn sàng đối diện với mọi trở ngại và khó khăn - dù mang tính thực tiễn hay bản chất - với tinh thần tự do và đơn sơ thẳng thắn: họ cũng có những đóng góp quý báu, và sẽ là một mất mát cho toàn thể Giáo hội nếu tiếng nói của họ không được lắng nghe.

Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng luôn sẵn sàng đồng hành với tất cả các giáo hội địa phương ấy, lắng nghe họ, đồng hành với họ, và nâng đỡ những cố gắng của họ và trên tất cả, góp phần thúc đẩy cuộc đối thoại và việc trao đổi các hồng ân giữa các Giáo hội, vì lợi ích và sự hiệp nhất của toàn thể Giáo hội.

Đó là cách thức chúng tôi thực hiện nhiệm vụ đồng hành trong giai đoạn thực hiện Thượng Hội đồng, như đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô ủy thác cho chúng tôi vào ngày 11 tháng 3 năm ngoái. Đức Giáo hoàng Lêô XIV đã xác nhận nhiệm vụ này vào ngày 26 tháng 6 vừa qua trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với Hội đồng Thường vụ của Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng lần thứ XVI, và khích lệ chúng tôi tiếp tục tiến bước.

Mục tiêu là bảo đảm rằng tiến trình này tiếp tục được thực hiện với một mối quan tâm sâu đậm cho sự hiệp nhất của Giáo hội, “hài hòa trong việc tiếp nhận giữa các bối cảnh giáo hội khác nhau”[2], mà không làm phương hại đến trách nhiệm của từng giáo hội địa phương. Bằng cách đặt mình trong sự liên kết với những chỉ dẫn của Văn kiện Chung kết, mục tiêu là hiện thực hóa cách cụ thể viễn tượng trao đổi các hồng ân giữa các giáo hội địa phương và trong toàn thể Giáo hội (x. VC, số 120–121)[3].

Các lộ trình được đề ra ở đây được đặt trong viễn tượng phục vụ ấy. Chúng tôi trao gửi những lộ trình này đến toàn thể Dân Thiên Chúa, là chủ thể của hành trình hiệp hành và cách riêng đến các giám mục Công giáo Rôma và các giám mục Công giáo Đông phương, các thành viên của các nhóm hiệp hành, và tất cả những ai đang tham gia vào giai đoạn thực hiện này dưới nhiều hình thức khác nhau. Mục tiêu là để họ cảm nhận được sự nâng đỡ của chúng tôi và tiếp tục cuộc đối thoại vốn là đặc điểm xuyên suốt của toàn bộ tiến trình Thượng Hội đồng. Thật vậy, nội dung của tài liệu này được đặt nền trên những phản hồi mà chúng tôi đã nhận được từ các giáo hội địa phương trong những tháng qua và trên những hoa trái từ các kinh nghiệm mà các giáo hội này đã chia sẻ. Dựa trên những đóng góp và những câu hỏi mà các giáo hội địa phương sẽ gửi về, cũng như những gì được nhận thấy là hữu ích, Văn phòng Tổng Thư ký sẽ tiếp tục cung cấp thêm những chỉ dẫn chuyên sâu cùng các phương thế thích hợp, với hy vọng góp phần làm cho giai đoạn thực hiện của Thượng Hội đồng sinh nhiều hoa trái hơn.

Chúng ta hãy phó thác bước đi mới này trên hành trình hiệp hành - hành trình mà chúng ta đang cùng nhau tiến bước như Dân Thiên Chúa - cho sự chuyển cầu của Mẹ Maria, Nữ Vương các Thánh Tông đồ và Mẹ của Giáo hội, cùng với hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, mà chúng ta long trọng mừng kính hôm nay.

Vatican, ngày 29 tháng 6 năm 2025

Lễ trọng hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô

Hồng y Mario Grech

Tổng Thư ký

 

Lời giới thiệu

Các Lộ trình này, do Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng soạn thảo với sự đồng thuận của Hội đồng Thường vụ và đã được Đức Thánh cha Lêô XIV phê chuẩn, là một phần trong nhiệm vụ đồng hành của Văn phòng Tổng Thư ký trong giai đoạn thực hiện Thượng Hội đồng.

Những lộ trình này hướng đến hai mục tiêu.

Một mặt, chúng nhằm cung cấp cho các giáo hội địa phương trên toàn thế giới một khuôn mẫu chung, giúp việc cùng nhau tiến bước trở nên dễ dàng hơn. Mặt khác, chúng thúc đẩy cuộc đối thoại sẽ dẫn đưa toàn thể Giáo hội đến với Đại hội Giáo hội (Đại hội Thượng Hội đồng) vào tháng Mười năm 2028, theo các giai đoạn đã được công bố trong Thư đề ngày 15 tháng 3 vừa qua:

- Tháng 6 năm 2025 – tháng 12 năm 2026: Các hoạt động thực hiện tại các giáo hội địa phương và tại các nhóm trong các giáo hội này;

- Giai đoạn I năm 2027: các Đại hội lượng giá tại các giáo phận và các giáo khu Công giáo Đông phương;

- Giai đoạn II năm 2027: các Đại hội lượng giá tại các Hội đồng Giám mục cấp quốc gia và quốc tế, tại các cơ cấu phẩm trật Công giáo Đông phương và tại các nhóm của các giáo hội;

- Bốn tháng đầu năm 2028: các Đại hội lượng giá cấp châu lục;

- Tháng 10 năm 2028: Đại hội Giáo hội tại Vatican.

Tài liệu “Các lộ trình” này – sẽ có thêm các tài liệu khác tùy theo nhu cầu – phác thảo giai đoạn thực hiện và trả lời một số câu hỏi nền tảng đã thường xuyên được gửi đến Văn phòng Tổng Thư ký trong những tháng gần đây. Tài liệu này được cấu trúc như sau:

1. Giai đoạn thực hiện là gì và mục tiêu của giai đoạn này là gì?

2. Ai sẽ tham gia vào giai đoạn thực hiện? Nhiệm vụ và trách nhiệm của họ là gì?

2.1. Trách nhiệm của Giám mục giáo phận hoặc Giám mục Công giáo Đông phương

2.2. Nhiệm vụ của các nhóm hiệp hành và các tổ chức tham gia

2.3. Vai trò của các nhóm của các giáo hội địa phương

2.4. Nhiệm vụ của Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng

3. Làm thế nào để gắn kết với VC trong giai đoạn thực hiện?

3.1. Duy trì tầm nhìn tổng thể

3.2. Dấn thân vào các thực hành cụ thể

4. Phương pháp và các công cụ nào có thể giúp định hình hành trình của chúng ta trong giai đoạn thực hiện?

4.1. Phân định mang tính giáo hội

4.2. Một cách tiếp cận mang tính hiệp hành trong việc hoạch định và đồng hành cho các tiến trình

 

"Giai đoạn thực hiện nhằm xem xét những thực hành và những cơ cấu mới hầu làm cho đời sống của Giáo hội trở nên hiệp hành hơn."

1. Giai đoạn thực hiện là gì và mục tiêu của giai đoạn này là gì?

Đây là giai đoạn cuối cùng trong ba giai đoạn của Thượng Hội đồng được quy định tại các điều 19–21 của Tông hiến Episcopalis Communio (EC), ban hành ngày 15 tháng 9 năm 2018. Giai đoạn này tiếp nối giai đoạn tham khảo và lắng nghe Dân Thiên Chúa (được tổ chức từ năm 2021–2023) và giai đoạn cử hành bao gồm hai khóa họp của Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục (tháng 10 năm 2023 và tháng 10 năm 2024), và đã đưa đến kết luận về sự phân định được thực hiện trên cơ sở lắng nghe Dân Chúa. Như EC giải thích: “Tiến trình Thượng Hội đồng không chỉ có điểm bắt đầu từ Dân Thiên Chúa mà còn có điểm đến là Dân Thiên Chúa, chính nơi Dân Thiên Chúa mà các hồng ân của Chúa Thánh Thần được tuôn đổ xuống qua việc quy tụ các giám mục trong Đại hội Thượng Hội đồng” (số 7).

Giai đoạn thực hiện được khai mở bởi Đức Giáo hoàng Phanxicô qua Ghi chú đính kèm Văn kiện Chung kết vào ngày 24 tháng 11 năm 2024, trong đó ngài tin tưởng trao gửi VC cho toàn thể Giáo hội. Trong một hành động chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Thượng Hội đồng, ngài tuyên bố rằng VC “trở thành một phần thuộc Huấn quyền thông thường của Vị kế nhiệm Thánh Phêrô” (x. EC 18 § 1; GLHTCG 892), và yêu cầu tiếp nhận văn kiện này như thế. Do đó, văn kiện này trong tính toàn thể của nó là điểm tham chiếu của giai đoạn thực hiện.

Đồng thời, Ghi chú đính kèm Văn kiện Chung kết cũng nhắc nhớ rằng việc áp dụng VC đòi hỏi nhiều sự điều chỉnh trung gian khác nhau: “Các giáo hội địa phương và các nhóm giáo hội giờ đây được yêu cầu thực hiện, trong các bối cảnh khác nhau, những chỉ dẫn có thẩm quyền được trình bày trong Văn kiện, thông qua các tiến trình phân định và ra quyết định được trù liệu bởi luật và bởi chính Văn kiện này” (sđd.).

Giai đoạn thực hiện nhằm xem xét những thực hành và những cơ cấu mới hầu làm cho đời sống của Giáo hội trở nên hiệp hành hơn, xuất phát từ tầm nhìn chung được phác họa trong VC, nhằm thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng một cách hiệu quả hơn. Công cuộc này bao gồm việc nghiên cứu thần học và giáo luật cần thiết, và trên hết là dấn thân vào việc phân định điều gì là phù hợp nhất và có thể sinh hoa trái trong các bối cảnh địa phương khác nhau. Cách cụ thể, ưu tiên hàng đầu là mang lại cho Dân Thiên Chúa những cơ hội mới để bước đi cùng nhau và để suy tư về những kinh nghiệm cùng nhau bước đi ấy hầu gặt hái những hoa trái cho sứ vụ và chia sẻ chúng.

Việc nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh nghiệm không có ý nói rằng: Giai đoạn thực hiện bao gồm một vài loại thực tập hay một nhiệm vụ nào đó được thêm vào do Rôma đòi hỏi. Nhưng nó là một phần của đời sống thường nhật của Giáo hội và nó truyền cảm hứng cho các thực hành mục vụ thường ngày của Giáo hội. Mỗi giáo hội địa phương, mỗi cộng đoàn giáo xứ đều có thể thực hành tính hiệp hành ngay trong thừa tác vụ mục vụ thường ngày, bằng cách cải thiện cách thế thi hành sứ vụ của mình qua sự phân định mang tính giáo hội mà Chúa Thánh Thần đang mời gọi chúng ta hiện nay. VC cũng mời gọi các giáo hội địa phương xác định “các tiến trình đào tạo để đạt được một sự hoán cải hiệp hành hữu hình trong các thực tại khác nhau của Giáo hội” (VC, số 9).

Vì thế, giai đoạn thực hiện nhằm tạo ra tác động cụ thể trên đời sống Giáo hội và trên cách vận hành các cơ cấu và thể chế của Giáo hội. Nếu giai đoạn này chỉ giới hạn trong việc hình thành những giả thuyết trừu tượng, nó sẽ không đạt được mục tiêu, và trên hết nó sẽ làm tiêu tan lòng nhiệt thành và năng lượng mà tiến trình hiệp hành đã khơi dậy cho đến nay.

Hơn nữa, giai đoạn thực hiện còn là cơ hội để bảo tồn việc trao đổi các hồng ân, đây chính là điều thúc đẩy sự hiệp thông giữa các giáo hội địa phương trong một Giáo hội duy nhất, thể hiện tính công giáo của Giáo hội trong khi vẫn tôn trọng sự đa dạng chính đáng. Chính từ những khác biệt đa dạng này mà phát sinh sự sáng tạo, vốn truyền cảm hứng cho những cách thế mới trong việc sống tính hiệp hành và làm phong phú cho sứ vụ. Vì lý do đó, cần phải chia sẻ các hoa trái kinh nghiệm từ những bối cảnh khác nhau, nhằm nuôi dưỡng cuộc đối thoại giữa các giáo hội địa phương. Trong giai đoạn thực hiện, một tiến trình đối thoại mới đặt nền trên VC được khai mở trong mỗi giáo hội địa phương và giữa các giáo hội địa phương.

Cũng cần nhấn mạnh rằng giai đoạn thực hiện không phải là một bước lùi, cũng không nhằm lặp lại những gì đã từng trải qua, nhưng các bước tiến và mục tiêu của giai đoạn này là hoàn toàn khác. Điểm tham chiếu là VC vốn thể hiện sự đồng thuận đạt được vào cuối tiến trình phân định của các mục tử từ các giáo hội địa phương và như một phần thuộc Huấn quyền thông thường của Vị kế nhiệm Thánh Phêrô, văn kiện này có giá trị ràng buộc đối với toàn thể Dân Thiên Chúa qua việc chỉ ra những hướng đi phải theo. Hơn nữa, kinh nghiệm của nhiều giáo hội địa phương trong những tháng gần đây cho thấy hiệu quả biết bao: trong việc kết nối lại với hành trình đã thực hiện trong các giai đoạn trước và với những gì đã học được thông qua hành trình đó; cũng như trong việc trao lại cho các giáo hội địa phương những hoa trái của tiến trình đã có sự tham gia của các giáo hội địa phương khác và của toàn thể Giáo hội.

Sự phát triển của một Giáo hội hiệp hành đòi hỏi kiến thức mà kiến thức đó chỉ có thể đạt được nhờ trải nghiệm và trải nghiệm đó mang chúng ta đến một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Đây chính là điều mà các tham dự viên của Đại hội Thượng Hội đồng đã trải nghiệm cách trực tiếp; không phải ngẫu nhiên mà VC bắt đầu bằng lời chứng rằng: “Bằng cách thực hiện cuộc đối thoại trong Thánh Thần, bằng cách lắng nghe nhau, chúng tôi nhận ra sự hiện diện của Người ở giữa chúng tôi: sự hiện diện của Người, qua việc ban Thánh Thần, tiếp tục tạo ra nơi dân của Người một sự hiệp nhất vốn là sự hòa hợp giữa những khác biệt” (VC, số 1). Đây cũng chính là trải nghiệm đã và đang được cảm nếm nơi các giáo hội địa phương và nơi các nhóm giáo hội khác nhau.

Giai đoạn thực hiện khởi sự ngay trước khi khai mạc Năm thánh Hy vọng. Sự trùng hợp này đã thúc đẩy chúng tôi lên chương trình cho một sự kiện quan trọng trong những tháng sắp tới: Năm Thánh dành cho các nhóm hiệp hành và các tổ chức tham gia được diễn ra từ ngày 24 đến 26 tháng 10 năm 2025, do Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng đảm trách. Đây sẽ là một hồng ân để cùng nhau sống một thời khắc thiêng liêng tuyệt vời, trong sự hiệp thông với toàn thể Dân Thiên Chúa, đồng thời cũng là dịp để thắt chặt mối dây hiệp thông, trao đổi kinh nghiệm và hòa điệu tốt hơn với nhau để hướng đến những sự kiện sắp tới.

 

2. Ai sẽ tham gia vào giai đoạn thực hiện? Nhiệm vụ và trách nhiệm của họ là gì?

Giai đoạn thực hiện là một tiến trình mang tính giáo hội đúng nghĩa. Tiến trình này bao gồm tất cả các giáo hội địa phương, trong tư cách là những chủ thể tiếp nhận VC, và do đó cũng bao gồm toàn thể Dân Thiên Chúa, nam cũng như nữ, với sự phong phú của các đặc sủng, ơn gọi và thừa tác vụ đang hiện diện trong Giáo hội, cũng như trong những hình thức cụ thể mà đời sống Giáo hội được thể hiện (các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ, các cộng đoàn Giáo hội cơ bản, các giáo xứ, các hiệp hội và phong trào, các cộng đoàn tu sĩ nam nữ, v.v.).

Vì tính hiệp hành là “một chiều kích cấu thành của Giáo hội” (VC, số 28), nên hành trình này không thể bị giới hạn nơi một nhóm nòng cốt những người “ủng hộ”. Trái lại, điều quan trọng là tiến trình mới này phải góp phần cụ thể “để mở rộng các khả năng tham gia và thực thi tinh thần đồng trách nhiệm trong sự khác biệt của tất cả những người đã được rửa tội, nam cũng như nữ” (VC, số 36), trong tinh thần hỗ tương. Hơn nữa, điều tối quan trọng là tiến trình này cần hướng đến việc thu hút sự tham gia của những người từ trước đến nay vẫn ở bên lề tiến trình canh tân đời sống Giáo hội mà Thượng Hội đồng đã khởi sự, chẳng hạn như “giữa các cá nhân và các nhóm có bản sắc văn hóa và điều kiện xã hội khác nhau, đặc biệt là người nghèo và những người bị loại trừ” (sđd.).

Nhiều giáo hội địa phương đã khởi xướng các sáng kiến nhằm biến cam kết trở nên một “Giáo hội biết lắng nghe” thành một phần trong đời sống thường nhật của mình, và nhiều nơi đã cho biết việc lắng nghe giới trẻ là một ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đặc biệt đến việc lắng nghe những người đã bày tỏ nghi ngờ và chống đối tiến trình hiệp hành: bởi vì nếu thực sự muốn cùng nhau tiến bước, chúng ta không thể để mất sự đóng góp từ quan điểm của họ.

Chính vì thế, tất cả các giáo hội địa phương được mời gọi tiếp tục tìm kiếm những phương thế thích hợp để lắng nghe sự đa dạng của các hoàn cảnh mà cộng đoàn Kitô hữu đang sống và làm việc, không giới hạn trong phạm vi giáo xứ - như đã thỉnh thoảng xảy ra trong giai đoạn lắng nghe - mà còn cần mở rộng đến các trường học và đại học, các trung tâm lắng nghe và đón tiếp, các bệnh viện và nhà tù, môi trường kỹ thuật số, v.v.

Đồng thời, giai đoạn thực hiện cũng là một cơ hội thuận lợi để củng cố các mối tương quan giữa những thành phần khác nhau trong cộng đoàn Kitô hữu, “nhằm dẫn tới việc trao đổi các hồng ân để phục vụ sứ vụ chung” (VC, số 65), bao gồm các cộng đoàn và các lĩnh vực phục vụ tông đồ gắn liền với các hội dòng đời sống thánh hiến, các tu đoàn đời sống tông đồ, cũng như các hiệp hội, các phong trào và các cộng đoàn mới. “Hoạt động của họ, cùng với hoạt động của nhiều cá nhân và các nhóm không chính thức, thường mang Tin mừng đến những nơi rất đa dạng” (VC, số 118), và hành trình của một Giáo hội hiệp hành rất cần đến sự năng động này.

2.1. Trách nhiệm của Giám mục giáo phận hoặc Giám mục Công giáo Đông phương

Chính vì đây là một tiến trình mang tính giáo hội đúng nghĩa nên người chịu trách nhiệm đầu tiên cho giai đoạn thực hiện tại mỗi giáo hội địa phương chính là giám mục giáo phận hoặc giám mục Công giáo Đông phương: Ngài có trách nhiệm khai mở tiến trình này, chính thức xác định thời gian, các phương pháp và các mục tiêu của tiến trình; theo dõi tiến độ thực hiện; và kết thúc tiến trình bằng việc xác nhận các kết quả đạt được.

Đây sẽ là cơ hội thích hợp để thực thi thẩm quyền theo cung cách hiệp hành, phù hợp với những nhận định của VC: “Người được tấn phong giám mục không mang vác những đặc quyền và những nhiệm vụ mà ngài phải hành xử một mình. Đúng hơn, ngài nhận được ân sủng và nhiệm vụ nhận biết, phân định và hợp nhất các hồng ân mà Thánh Thần tuôn đổ trên các cá nhân và các cộng đoàn, ngài làm việc với các linh mục và các phó tế theo một cách thế phản ánh mối liên kết bí tích chung; họ đồng trách nhiệm với ngài về việc phục vụ theo thừa tác vụ trong giáo hội địa phương” (VC, số 69). Những ai lãnh nhận hồng ân này và thi hành nhiệm vụ ấy có thể nhận ra và xác nhận một cách có thẩm quyền về giá trị mang tính hiệp hành của hành trình mà cộng đoàn giáo hội đã cùng nhau thực hiện, cũng như những hoa trái phát sinh từ đó; nhờ vậy thúc đẩy sự hiệp nhất của Giáo hội, điều mà Thánh Gioan Phaolô II từng nói rằng: “Sự hiệp nhất của Giáo hội không phải là sự đồng nhất, mà là một sự hội nhập hữu cơ của những sự đa dạng chính đáng” (Novo Millennio Ineunte, số 46; trích dẫn trong VC, số 39), và cho thấy hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng là bậc thầy của sự hòa hợp.

Chúa Thánh Thần hoạt động một cách tự do, gợi hứng cho những sáng kiến giữa Dân Thiên Chúa và ở nơi mà Ngài thấy thích hợp: Nhiệm vụ của thẩm quyền cũng là nhận biết những hồng ân này; đón nhận lời mời gọi mở rộng tầm nhìn mà các hồng ân ấy luôn hàm chứa; nuôi dưỡng những hoa trái của các hồng ân và thúc đẩy sự đa dạng, nhờ đó làm phong phú những khả năng cho việc trao đổi các hồng ân vốn là điều nuôi dưỡng sự hiệp thông trong Giáo hội.

Là “nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hợp nhất trong giáo hội địa phương của mình” (Lumen Gentium, số 23), các giám mục được mời gọi khích lệ và nâng đỡ việc tham gia vào tiến trình hiệp hành của mọi thành phần Dân Thiên Chúa được trao phó cho các ngài. Thực tế, trong mỗi giáo phận và giáo khu Công giáo Đông phương đều có những người đang mang trong mình một ước muốn tham gia mạnh mẽ, điều này cần được lắng nghe: họ sẵn sàng dấn thân cách nhiệt thành và cũng có thể đóng góp những đề xuất giá trị. Ngược lại, cũng có những người cần được trợ giúp để mở lòng đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần, trước hết là bằng cách lắng nghe chính những chống đối nơi bản thân họ. Để có thể thi hành trách nhiệm này một cách hiệu quả, ngoài giám mục phó và các giám mục phụ tá (nếu có), các giám mục giáo phận hoặc các giám mục Công giáo Đông phương nên mời gọi sự cộng tác của:

a) các linh mục và các phó tế. Nhiệm vụ của họ là cộng tác với giám mục “trong việc phân định các đặc sủng cũng như trong việc đồng hành và hướng dẫn giáo hội địa phương, đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ sự hiệp nhất” (VC, số 72). Như VC đã nhắc lại: “Kinh nghiệm của Thượng Hội đồng có thể là một câu trả lời cho thực tế này, giúp các giám mục, linh mục và phó tế tái khám phá tinh thần đồng trách nhiệm trong việc thực thi thừa tác vụ” (VC, số 74) và chiều kích hiệp hành trong chính thừa tác vụ của họ. Hơn nữa, theo cách này, cũng có thể thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn của các linh mục;

b) các tổ chức tham gia ở cấp giáo phận (Hội đồng Linh mục, Hội đồng Mục vụ và Hội đồng Kinh tế), mỗi tổ chức theo cách riêng của mình tham gia vào tiến trình phân định mang tính giáo hội và vào việc hình thành các quyết định như một đòi hỏi tất yếu của việc thực hiện Thượng Hội đồng. Như VC nhắc chúng ta: “Cần can thiệp vào cấu trúc và sự vận hành của các tổ chức tham gia. Trước tiên, cần bắt đầu bằng việc áp dụng phương pháp làm việc hiệp hành” (VC, số 105);

c) nhóm hiệp hành giáo phận hoặc giáo khu Công giáo Đông phương đóng vai trò đặc biệt trong việc khơi lên sức sống cho tiến trình này (xem phần tiếp theo).

Tại nhiều nơi, kinh nghiệm cho thấy rằng việc áp dụng các quy trình hiệp hành trong việc phân định mang tính giáo hội và trong việc hình thành các quyết định theo tinh thần hiệp hành dựa trên các số 87–94 của VC, thì không làm suy yếu, mà còn củng cố thẩm quyền của giám mục và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấp nhận và thực thi các quyết định đã được đề ra.

2.2. Nhiệm vụ của các nhóm hiệp hành và các tổ chức tham gia

Giai đoạn tham khảo đã cho thấy công trình của các nhóm hiệp hành là vô cùng quý giá: Được giám mục chỉ định và nâng đỡ, các nhóm này là những công cụ thiết yếu trong việc làm sinh động đời sống hiệp hành thường xuyên của các giáo hội địa phương. Đóng góp của họ cũng sẽ mang tính thiết yếu trong giai đoạn thực hiện: vì lý do đó, cần trân trọng các nhóm đang hiện hữu và nếu cần, giúp họ được canh tân; các nhóm đã ngưng hoạt động cần được tái lập và hoà nhập một cách thích hợp; đồng thời, tại những nơi chưa từng có nhóm hiệp hành thì cần thành lập mới.

Các tiêu chí dành cho thành phần của nhóm hiệp hành vẫn được giữ như đã đề ra trong giai đoạn tham khảo và lắng nghe, gồm: giáo dân nam nữ, linh mục và phó tế, tu sĩ nam nữ thuộc các độ tuổi khác nhau, đến từ các nền văn hóa và hoàn cảnh đào luyện khác nhau, đại diện cho các thừa tác vụ và đặc sủng đa dạng của Giáo hội. Vì vậy, không thể thiết lập một quy tắc chung mang tính phổ quát cho việc thành lập các nhóm này. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm tích lũy cho đến nay, có thể đưa ra một vài gợi ý để suy xét:

a) để dễ dàng tạo sự kết nối với đời sống và hoạt động mục vụ của giáo phận, nên có sự hiện diện của một số nhân sự lãnh đạo giáo phận trong nhóm;

b) để bảo đảm định hướng truyền giáo và tránh nguy cơ khép kín vào chính mình – như đã được khuyến nghị đối với tổ chức tham gia (x. VC, số 106) – cũng rất quan trọng khi có sự hiện diện trong nhóm hiệp hành những người đang tích cực dấn thân làm chứng và phục vụ tông đồ giữa đời sống thường nhật và trong các bối cảnh xã hội;

c) cũng đáng suy xét đến việc mời đại diện của các Giáo hội và các cộng đoàn Kitô giáo khác hoặc của các tôn giáo khác với tư cách quan sát viên;

d) không có gì ngăn trở giám mục trở nên thành viên của nhóm hiệp hành; nếu ngài không trực tiếp tham gia, thì cần được thông tin thường xuyên về công việc của nhóm và gặp gỡ nhóm vào những thời điểm thích hợp.

Về những yêu cầu đối với từng thành viên, thì việc nắm vững VC là điều thiết yếu, cùng với đó là kinh nghiệm trực tiếp về các động lực hiệp hành, cách riêng là những gì đã trải qua trong giai đoạn tham khảo và lắng nghe. Trong những năm gần đây, nhiều trường đào tạo và những sáng kiến huấn luyện về tính hiệp hành đã được thiết lập ở cấp quốc gia và quốc tế, có thể được sử dụng để củng cố sự chuẩn bị cho các thành viên nhóm hiệp hành.

Các nhóm hiệp hành có thành phần phong phú và đa dạng sẽ dễ dàng trở thành những phòng thí nghiệm của tính hiệp hành, khi được trải nghiệm trong chính họ những động lực mà họ được kêu gọi để cổ vũ nơi Dân Thiên Chúa.

Trong giai đoạn thực hiện, vai trò của họ trước tiên là cổ vũ và tạo điều kiện cho sự phát triển của động lực hiệp hành trong những bối cảnh cụ thể mà mỗi giáo hội địa phương đang sống; xác định những công cụ và phương pháp phù hợp, bao gồm cả những công cụ và phương pháp huấn luyện; và thực hiện các sáng kiến cần thiết để bảo đảm rằng những bước tiến thiết yếu sẽ được thực hiện.

Các nhóm hiệp hành thường được thành lập ở cấp giáo phận hoặc giáo khu Công giáo Đông phương, nhưng nếu có thể, sự hiện diện của họ ở cấp giáo hạt hoặc giáo xứ cũng rất đáng khích lệ. Trong nhiều bối cảnh giáo hội khác nhau, đã có những kinh nghiệm rất phong phú được triển khai, cho thấy rằng các nhóm này khi có sự kết nối phù hợp với nhau có thể góp phần làm cho tiến trình hiệp hành được lan rộng và gia tăng tính tham gia. Hơn nữa, một phần trong nhiệm vụ làm sinh động tiến trình hiệp hành là việc thúc đẩy sự sẵn sàng và huấn luyện các điều phối viên, cũng như điều phối công việc của họ.

Nhiệm vụ của các nhóm hiệp hành không trùng lặp với các tổ chức tham gia, nhưng được phối hợp với các tổ chức này trong tinh thần tìm kiếm sự hiệp lực. Các nhóm hiệp hành được thành lập để phục vụ việc làm sinh động tiến trình hiệp hành và đào tạo về tính hiệp hành cho giáo phận hoặc giáo khu Công giáo Đông phương. Trong khi đó, các tổ chức tham gia được kêu gọi thi hành những nhiệm vụ chủ động và tư vấn đã được Giáo luật quy định. Vì thế, nhiệm vụ của các tổ chức này là đóng góp vào việc hình thành các quyết định cần thiết cho việc thực hiện Thượng Hội đồng, qua việc phân định các ưu tiên mục vụ hoặc canh tân các cơ cấu và tiến trình đưa ra quyết định. Sự phối hợp thường xuyên và việc chia sẻ thông tin kịp thời sẽ giúp công việc của mọi người trở nên linh hoạt hơn.

Sau cùng, các nhóm hiệp hành có nhiệm vụ hỗ trợ việc thu thập các hoa trái của tiến trình thực hiện, nhất là hướng đến giai đoạn lượng giá và các Đại hội dự kiến bắt đầu từ năm 2027. Cũng tại đây, một lần nữa, giám mục sẽ là người có trách nhiệm nhận ra và xác nhận tính hợp lệ của các bản báo cáo liên quan đến hành trình mà cộng đoàn giáo phận đã thực hiện cùng nhau.

2.3. Vai trò của các nhóm của các giáo hội địa phương

VC vốn cũng được đặt nền trên Công đồng, nhấn mạnh cách cẩn trọng rằng các giáo hội địa phương không phải là những thực thể biệt lập, nhưng là thành phần của các mối dây hiệp thông liên kết họ lại với nhau, cách riêng là qua sự hiệp thông giữa các giám mục với nhau và với Giáo triều Rôma.

Trong nhiều trường hợp, các mối dây liên kết này là không chính thức, chúng là kết quả của một lịch sử chung, sự gần gũi về địa lý, các mối quan hệ hợp tác, di dân, hoặc có thể chỉ là những cuộc gặp gỡ giữa con người với nhau, và ngày càng nhiều hơn là qua phương tiện truyền thông kỹ thuật số, v.v. Trong một xã hội có mức độ “siêu kết nối” như hiện nay, không một giáo phận hay giáo khu Công giáo Đông phương nào có thể nghĩ rằng mình tồn tại một cách biệt lập, không bị ảnh hưởng - dù tốt hay xấu - bởi những gì đang diễn ra tại những nơi khác. Những mối dây tự phát và không chính thức này vốn không phải là kết quả của một kế hoạch có chủ ý, chúng phản ánh bối cảnh thời đại chúng ta đang sống, nhưng trên hết, chúng tạo ra một kho báu và một nguồn lực mà chúng ta nên nhận thức để nuôi dưỡng một trải nghiệm ngày càng rõ nét hơn về bản sắc giáo hội của chúng ta.

Trong những trường hợp khác, các mối dây này mang hình thức cơ cấu, được quản lý bởi luật, làm phát sinh các thể chế như các Toà thượng phụ Giáo tỉnh và nhất là các Hội đồng Giám mục (cấp quốc gia và cấp miền), cũng như các Thượng Hội đồng của các Giáo hội tự trị (sui iuris), và cả các tổ chức quốc tế của các Hội đồng Giám mục.

Các cơ cấu này cũng đóng vai trò trong giai đoạn thực hiện, được VC tóm lược như sau: “Chúng tôi đề nghị các Hội đồng Giám mục và các Thượng Hội đồng của các Giáo hội tự trị (sui iuris) phân bổ nhân sự và các nguồn lực để đồng hành với lộ trình phát triển Giáo hội như là Giáo hội hiệp hành trong sứ vụ, và đồng thời để duy trì liên lạc với Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng” (VC, số 9).

"Trong một xã hội “siêu kết nối” của chúng ta ngày nay, không một giáo phận hay giáo khu Công giáo Đông phương nào có thể nghĩ rằng mình tồn tại trong sự biệt lập."

Do đó, các nhóm của các giáo hội địa phương có hai vai trò.

Thứ nhất, họ được mời gọi: nâng đỡ các tiến trình đang diễn ra ở cấp địa phương - đặc biệt là nơi những tiến trình ấy vẫn còn ở giai đoạn khởi đầu - bằng cách thúc đẩy các giáo hội địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp và liên kết giữa các nhóm hiệp hành cấp giáo phận; tổ chức việc đào tạo, có tính đến các đề xuất từ những trường đào tạo và các sáng kiến huấn luyện về tính hiệp hành đang hiện diện tại các vùng lãnh thổ khác nhau (cách riêng là cho các thành viên nhóm hiệp hành và những người trực tiếp tham gia cổ vũ tiến trình thực hiện); thúc đẩy suy tư thần học và mục vụ, đặc biệt là nhằm cải thiện việc hội nhập văn hóa trong bối cảnh địa phương đối với các nguồn tài liệu do Văn phòng Tổng thư ký soạn thảo.

Việc thực hiện những nhiệm vụ này ở cấp độ địa phương sẽ nặng nề hơn và đòi hỏi nỗ lực gấp đôi; vì lý do đó, trong tinh thần bổ trợ, những nhiệm vụ này có thể được thực hiện hiệu quả hơn ở cấp độ các nhóm giáo hội địa phương, mà không làm giảm vai trò của mỗi giáo hội địa phương.

Hướng hành động thứ hai liên quan đến việc truyền thông liên lạc với Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, việc này sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn theo thời gian, chẳng hạn khi cần thu thập các đóng góp từ các giáo hội địa phương và tổng hợp chúng thành các bản tường trình cấp quốc gia. Những thông tin cụ thể hơn sẽ được cung cấp khi các chi tiết và thời hạn cho giai đoạn này được rõ ràng hơn. Tuy nhiên, các Hội đồng Giám mục có thể tin tưởng vào sự sẵn sàng hỗ trợ của Văn phòng Tổng Thư ký trong việc vượt qua bất kỳ trở ngại nào có thể phát sinh trong suốt hành trình.

Để thực hiện hai nhiệm vụ này, điều quan trọng là phải tái khởi động và canh tân các nhóm hiệp hành cấp quốc gia và cấp châu lục, theo định hướng đã được đề cập đối với các nhóm hiệp hành địa phương. Chính các nhóm này sẽ đảm trách việc thực hiện những công việc cụ thể.

Ngoài ra, còn có một nhiệm vụ thứ ba: VC nhìn nhận các Hội đồng Giám mục như là khí cụ để diễn tả và thực thi tính hiệp đoàn của các giám mục, cũng như để thúc đẩy sự hiệp thông giữa các giáo hội địa phương. Vì thế, tính hiệp hành cũng bao hàm việc suy xét lại những phương thức hoạt động cụ thể theo chức năng của các Hội đồng Giám mục. Trong số 125 của VC, có những chỉ dẫn cụ thể liên quan đến vấn đề này, những điều mà chắc chắn các giáo hội địa phương riêng lẻ không thể tự mình đảm trách. Vì vậy, điều quan trọng là các nhóm giáo hội địa phương cần dấn thân vào việc suy tư và thực nghiệm các cách thức thực hiện mang tính hiệp hành ở cấp độ của mình, và các kết quả đạt được sẽ đóng góp vào giai đoạn lượng giá.

2.4. Nhiệm vụ của Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng

Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô, và sau đó là Đức Giáo hoàng Lêô XIV trao phó nhiệm vụ khởi động và điều phối thông qua tiến trình đồng hành trong giai đoạn bốn năm từ 2025 đến 2028.

Trong khuôn khổ đó, một trong những nhiệm vụ chính yếu của Văn phòng Tổng Thư ký là thúc đẩy sự hiệp thông trong tinh thần trao đổi các hồng ân và hướng đến “sự hoán cải về các mối liên kết” (VC, Phần IV) giữa các Giáo hội. Những cách thức quan trọng cho mục tiêu này bao gồm việc lắng nghe các kinh nghiệm đã được thực hiện trong những bối cảnh giáo hội khác nhau và cổ vũ sự chia sẻ các suy tư về các kinh nghiệm ấy, để từ đó cùng nhau nhận ra tiếng nói của Chúa Thánh Thần và định hướng những bước đi theo sự chỉ dẫn của Ngài.

Văn phòng Tổng Thư ký được mời gọi cổ vũ cuộc đối thoại liên tục giữa các giáo hội địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông tin và trao đổi lẫn nhau, đặc biệt là thông qua các nhóm giáo hội địa phương, nhất là ở cấp châu lục. Với mục tiêu này, Văn phòng sẽ lắng nghe và thu thập các phản hồi của các giáo hội địa phương, trên cơ sở đó soạn thảo các ghi chú và tài liệu hỗ trợ, đồng thời phổ biến các thông tin và đề xuất. Ngoài ra, Văn phòng sẽ đề xướng các cuộc gặp gỡ nhằm cổ vũ sự lắng nghe lẫn nhau, chia sẻ hành trình và hoa trái của nó, cũng như biểu lộ cách cộng đoàn lòng biết ơn đối với Chúa.

Sự kiện đầu tiên trong số này là Năm thánh dành cho các nhóm hiệp hành và các tổ chức tham gia, sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 26 tháng 10 năm 2025. Thông tin chi tiết hơn về cách tổ chức các sự kiện khác cũng như việc thu thập các phản hồi sẽ được gửi đi trong tiến trình sắp tới. Trong thời điểm hiện tại, để bảo đảm luồng thông tin thông suốt và điều phối hiệu quả hơn, điều thiết yếu là mỗi giáo phận hoặc giáo khu Công giáo Đông phương cần đăng ký nhóm hiệp hành của mình vào cơ sở dữ liệu của Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng[4]. Chúng tôi trân trọng đề nghị mỗi giám mục giáo phận và giám mục Công giáo Đông phương xác nhận rằng điều này đã được thực hiện.

Nhiệm vụ thứ hai của Văn phòng Tổng Thư ký là đồng hành với các giám mục giáo phận hoặc các giám mục Công giáo Đông phương và các nhóm hiệp hành, chủ yếu thông qua việc đối thoại với các cơ chế thích hợp được thiết lập bởi các nhóm giáo hội địa phương, đặc biệt là ở cấp châu lục. Tuy nhiên, trong khả năng có thể, Văn phòng Tổng Thư ký cũng sẵn sàng đồng hành với từng giáo hội địa phương, cũng như với các hội dòng đời sống thánh hiến, các tu đoàn đời sống tông đồ, cũng như các hiệp hội, các phong trào và các cộng đoàn mới, hoặc các thể chế khác có nguyện vọng, với ưu tiên dành cho những giáo hội địa phương có ít nguồn lực hơn. Văn phòng Tổng Thư ký cam kết “luôn mở rộng cửa[5], sẵn sàng lắng nghe các nhu cầu, thao thức và đề xuất đến từ các giáo hội địa phương, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của các giáo hội này bằng cách cố gắng đáp lại các yêu cầu liên quan đến nội dung và phương pháp của giai đoạn thực hiện.

Một điểm đặc biệt quan trọng là khuyến khích các giáo hội địa phương thực hiện hành trình của mình với cách tiếp cận hiệp hành. Kinh nghiệm của những giáo hội địa phương đã khởi sự giai đoạn thực hiện cho thấy rằng nội dung và các quyết định là điều quan trọng, nhưng cách thức chúng được thực hiện cũng quan trọng không kém. Các cơ cấu và quy tắc phù hợp là điều không thể thiếu, nhưng tự chúng là chưa đủ. Viễn tượng và vẻ đẹp của một Giáo hội hiệp hành chỉ được hiểu trọn vẹn trong các cộng đoàn đã có kinh nghiệm trực tiếp về việc lắng nghe và tham gia vào các tiến trình phân định và ra quyết định. Chính nơi kinh nghiệm cụ thể và được chia sẻ này – dưới sự hướng dẫn của các Mục tử, thường được ghi dấu bởi niềm vui của Tin mừng – mà Văn phòng Tổng Thư ký mong muốn tiếp tục cống hiến một sự phục vụ tận tâm và kịp thời.

Nhiệm vụ thứ ba là tiếp tục điều phối các nhóm nghiên cứu trong sự phối hợp với các cơ quan hữu trách của Giáo triều Rôma, trong đó có sự tham gia của các mục tử và các chuyên gia đến từ mọi châu lục. Đức Giáo hoàng Lêô XIV đã xác nhận nhiệm vụ này, đồng thời bổ sung hai nhóm nghiên cứu mới (cụ thể là: nhóm nghiên cứu “Phụng vụ trong viễn tượng hiệp hành” và nhóm nghiên cứu “Quy chế của các Hội đồng Giám mục, các Đại hội Giáo hội và các Công đồng địa phương”). Văn phòng cũng có trách nhiệm bảo đảm rằng các quyết định của Đức Giáo hoàng - được xây dựng dựa trên những phát hiện của các nhóm này - sẽ được hội nhập một cách hài hòa vào tiến trình hiệp hành đang diễn ra. Với mục tiêu nghiên cứu sâu thêm các vấn đề đã nảy sinh trong tiến trình Thượng Hội đồng, Văn phòng cũng sẽ cổ vũ các hội nghị và các hội thảo chuyên đề, nhằm tạo ra những cơ hội cho việc suy tư cùng nhau, cũng như cho việc suy tư về thần học và mục vụ.

Sau cùng, một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là đồng hành trong việc tổ chức các Đại hội lượng giá cấp châu lục (bốn tháng đầu năm 2028) và tổ chức Đại hội Giáo hội vào tháng 10 năm 2028. Trong viễn tượng của các sự kiện này, cần nhắc lại rằng việc lượng giá không phải là một hình thức phán xét hay kiểm soát, nhưng là cơ hội để tự vấn: chúng ta đang ở đâu trong tiến trình thực hiện và hoán cải, nhằm làm nổi bật những bước tiến đã đạt được và xác định những điểm cần cải thiện (x. VC, số 100). Các Đại hội Giáo hội được dự kiến tổ chức trong năm 2027–2028 ở các cấp độ khác nhau cần được nhìn trong ánh sáng ấy, và sẽ là những cơ hội để vui mừng với các hồng ân đã lãnh nhận, hầu chúng ta tiếp tục lớn lên cùng nhau như một Giáo hội hiệp hành dấn thân thi hành sứ vụ đã lãnh nhận từ Đức Kitô trong hoàn cảnh cụ thể của thời đại chúng ta; đồng thời, đây cũng sẽ là dịp để hiện thực hóa những cách thức cụ thể trong việc kết hợp giữa tính hiệp hành, tính hiệp đoàn và quyền tối thượng một cách trung thành và sáng tạo, với tinh thần đồng trách nhiệm trong sự khác biệt.

Các chi tiết cụ thể hơn liên quan đến quy trình và các chủ đề cần được đề cập trong các Đại hội sẽ được hình thành từ tiến trình đối thoại trước các Đại hội, cũng như từ những kết quả của nhóm nghiên cứu mới, vốn có nhiệm vụ suy tư về các vấn đề này. Điều có thể tiên liệu trước là: các Đại hội này sẽ là cơ hội để chia sẻ những kinh nghiệm canh tân các thực hành mục vụ và các cơ cấu Giáo hội theo viễn tượng hiệp hành mà mỗi giáo hội địa phương cho là đã đủ vững chắc để đệ trình lên Đức Thánh Cha cho việc phê chuẩn chung cuộc. Đây cũng sẽ là dịp để cùng nhau bắt đầu đối diện với những vấn đề chắc chắn sẽ phát sinh trong hành trình phía trước.

 

"Việc đọc VC cần được nâng đỡ và duy trì bởi việc cầu nguyện riêng tư và cộng đoàn, quy hướng về Đức Kitô, Đấng là Thầy dạy lắng nghe và đối thoại (x. VC, số 51), và cần mở lòng trước tác động của Chúa Thánh Thần."

3. Làm thế nào để gắn kết với VC trong giai đoạn thực hiện?

VC là điểm tham chiếu cho toàn bộ giai đoạn thực hiện; đó là lý do vì sao nó được trích dẫn rất nhiều trong tài liệu này. Vì vậy, điều thiết yếu là phải cổ vũ việc hiểu biết về VC, cách riêng nơi các thành viên của các nhóm hiệp hành và những người ở các cấp khác nhau được mời gọi để thúc đẩy tiến trình thực hiện. Vì VC là một văn kiện phong phú và toàn diện, nên cần phải cung cấp – ở cấp địa phương, quốc gia hoặc vùng – những cơ hội và/hoặc những phương tiện đào tạo, hỗ trợ và hướng dẫn việc đọc nó, nhờ đó giúp mọi người nắm bắt được nguồn cảm hứng làm sinh động nó, chứ không chỉ đơn thuần hiểu sơ lược về các vấn đề được đề cập.

Trước hết, việc đọc VC cần được nâng đỡ và duy trì bởi việc cầu nguyện riêng tư và cộng đoàn, quy hướng về Đức Kitô, Đấng là Thầy dạy lắng nghe và đối thoại (x. VC, số 51), và cần mở lòng trước tác động của Chúa Thánh Thần: một phân tích mang tính tóm tắt về VC sẽ là không đủ. VC đề xuất cho toàn thể Giáo hội và cho mỗi người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội viễn tượng về một hành trình hoán cải: “Lời mời gọi thi hành sứ vụ cũng đồng thời là lời mời gọi hoán cải đối với từng giáo hội địa phương, cũng như toàn thể Giáo hội” (VC, số 11). Như mọi hành trình hoán cải khác, hành trình hoán cải này bao hàm một tiến trình đào sâu sự hiểu biết và thanh luyện nội tâm, vốn có khả năng dẫn đến những thay đổi về chọn lựa, hành vi và lối sống trên bình diện cá nhân. Trên bình diện cộng đoàn, việc canh tân các phạm trù tư duy và văn hoá theo hướng hiệp hành sẽ là nền tảng để phát triển các thực hành mới và phát triển các cơ cấu được đổi mới.

VC là một văn kiện toàn diện, được thúc đẩy bởi một động lực nội tại riêng, vốn là hoa trái của một tiến trình lắng nghe, trao đổi và phân định lâu dài. Do đó, không thể xem nó như là một tập hợp các hướng dẫn về nhiều vấn đề khác nhau có thể được tách rời khỏi bối cảnh mà các hướng dẫn này đã được hình thành. Cách tiếp cận như vậy sẽ cản trở việc nắm bắt ý nghĩa của các hướng dẫn và do đó không thể thực hiện cách đúng đắn. Điều này được thể hiện rõ ràng ngay từ cấu trúc của chính văn kiện này.

Thật vậy, Phần I trình bày sự hiểu biết chung về tính hiệp hành, là kết quả của hành trình đã được thực hiện, và phác thảo những nền tảng thần học và linh đạo của tính hiệp hành, được đặt nền trên Công đồng Vaticanô II.

Ở chiều ngược lại, Phần V tiếp tục viễn cảnh tổng quát và nhấn mạnh rằng việc phát triển như một Giáo hội hiệp hành truyền giáo đòi hỏi phải quan tâm đến việc đào tạo tất cả các thành viên của Dân Thiên Chúa.

Phần Kết luận sau đó nhắc lại một viễn cảnh cánh chung, vốn định hướng cho sứ vụ chung mà tất cả các thành viên của Dân Thiên Chúa được mời gọi cộng tác thực hiện.

Trong khung nền đầy ý nghĩa này, các Phần II, III và IV tập trung vào một số khía cạnh cụ thể của đời sống Giáo hội, đưa ra các đề xuất canh tân. Cách riêng: Phần II “được dành riêng để nói về sự hoán cải trong các mối tương quan được hình thành qua sự đan xen của các ơn gọi, các đặc sủng và các thừa tác vụ” (VC, số 11); Phần III xác định ba thực hành thiết yếu nhằm khởi động các tiến trình “biến đổi mang tính truyền giáo” (phân định mang tính Giáo hội, các tiến trình ra quyết định, văn hóa minh bạch, trách nhiệm giải trình và đánh giá), đồng thời nhấn mạnh sự cấp thiết phải canh tân các tổ chức tham gia; Phần IV “phác thảo cách chúng ta có thể vun đắp những hình thức mới trong việc trao đổi hồng ân và canh tân sự gắn kết giữa các mối dây liên kết chúng ta trong Giáo hội, đặc biệt trong bối cảnh trải nghiệm về sự gắn bó với địa phương đang thay đổi sâu sắc” (sđd.), đồng thời suy tư về vai trò của các Hội đồng Giám mục, các Đại hội Giáo hội và việc phục vụ của Giám mục Rôma.

3.1. Duy trì tầm nhìn tổng thể

Thay vì cung cấp một bản tóm lược các nội dung chính của VC, điều có thể trở thành rào cản cho việc tiếp cận bản văn trong tính toàn thể của nó, thiết tưởng tốt hơn là nêu bật một số điểm chủ chốt xuyên suốt văn kiện này, vốn làm nên sự nhất quán nội tại và hình thành các tiêu chí để định hướng và lượng giá các quyết định cần thực hiện. Chính trong viễn tượng ấy mà những bước đi cụ thể nhằm thực thi các đề xuất của VC cần được đặt nền trên:

a) Trước hết, VC đề xuất một viễn tượng thần học rõ ràng về Giáo hội để làm điểm quy chiếu, được đặt nền tảng trên Công đồng Vaticanô II: hành trình hiệp hành thực chất là “việc áp dụng vào thực tế theo như những gì Công đồng đã dạy về Giáo hội như là Mầu nhiệm và như là Dân Thiên Chúa, được mời gọi nên thánh thông qua một cuộc hoán cải liên tục xuất phát từ việc lắng nghe Tin mừng” (VC, số 5), trong ý thức rằng mỗi thành viên của Giáo hội, dù là nam hay nữ, đều đã lãnh nhận hồng ân Chúa Thánh Thần.

b) Sứ vụ loan báo Nước Thiên Chúa, được Chúa Giêsu khởi xướng và tất cả những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội được mời gọi tham gia vào, mỗi người tham gia với những đặc sủng, ơn gọi và thừa tác vụ riêng của mình, là trục xuyên suốt của toàn bộ VC và là mục tiêu tối hậu của nó. Những suy tư về các phương thế cần được sử dụng hoặc những cải tổ cần được thực hiện luôn phải được đặt trong viễn tượng của sứ vụ, vốn là tiêu chuẩn nền tảng cho mọi sự phân định trong lãnh vực này.

Đặc biệtVC mạnh mẽ cổ vũ một Giáo hội ngày càng can đảm đi ra, đến mức mời gọi các cộng đoàn hãy tự xem mình như “là người phục vụ cho sứ vụ mà các tín hữu đảm nhận trong xã hội, trong gia đình và trong môi trường làm việc, mà không còn chỉ tập trung vào các hoạt động diễn ra nội bộ và các nhu cầu tổ chức của riêng cộng đoàn mình” (VC, số 59).

c) Viễn tượng tương quan và logic của việc trao đổi các hồng ân như là một biểu lộ của tính công giáo là hai định hướng chủ đạo khác xuyên suốt toàn bộ VC, và nhờ đó góp phần định hướng cho việc hiểu và thực thi Văn kiện này. Điều này được thể hiện rõ ràng trong việc trình bày về các thừa tác viên có chức thánh, trong mối tương quan hội nhập giữa họ với nhau và với toàn thể Dân Thiên Chúa (x. VC, các số 69–74), hoặc trong việc mô tả các mối dây liên kết giữa các giáo hội địa phương qua sự hiệp thông giữa các giám mục.

d) Động lực đại kết thể hiện sự phát triển quan điểm tương quan và logic của việc trao đổi các hồng ân. Do đó, đây không phải là một yếu tố tùy chọn, nhưng là một đòi hỏi thiết yếu, có thể được sử dụng để lượng giá tính năng động cho hành trình bước đi cùng nhau của chúng ta.

e) Sau cùng, VC đón nhận viễn tượng của Công đồng về một Giáo hội hiện diện trong thế giới, đối thoại với mọi ngườivới các truyền thống tôn giáo khác (x. VC, số 41) và với toàn thể cộng đồng nhân loại (x. VC, số 42). Việc phát triển như một Giáo hội hiệp hành có khả năng đối thoại mang một giá trị ngôn sứ, nó bao hàm sự dấn thân cho công bằng xã hội và sinh thái toàn diện. Những chiều kích này không thể bị xem nhẹ trong giai đoạn thực hiện, vì chúng dẫn đến việc tạo ra những cơ hội đối thoại dựa trên các nhu cầu cụ thể của các lãnh thổ và xã hội mà chúng ta đang sống.

Bên cạnh những định hướng chủ đạo đã nêu trên, động lực nội tại làm sinh động VC – và cũng là điều mà giai đoạn thực hiện được mời gọi đảm nhận – phát xuất: từ sự khai triển liên tục một số cặp lưỡng cực và căng thẳng vốn định hình đời sống của Giáo hội; và từ cách thức mà các phạm trù giáo hội học diễn đạt đời sống ấy. Sau đây là một số cặp lưỡng cực điển hình: Giáo hội toàn thể và giáo hội địa phương; Giáo hội như là Dân Thiên Chúa, là Thân Thể Đức Kitô và Giáo hội như là Đền thờ của Chúa Thánh Thần; sự tham gia của tất cả mọi người và thẩm quyền của một số người; tính hiệp hành, tính hiệp đoàn và quyền tối thượng; chức tư tế cộng đồng và chức tư tế thừa tác; thừa tác vụ (gồm thừa tác vụ có chức thánh và những thừa tác vụ được thiết lập) và sự tham gia trong sứ vụ nhờ ơn gọi Bí tích Rửa tội mà không có hình thức thừa tác vụ.

Việc thực hiện VC đòi hỏi phải tiếp cận và phân định những căng thẳng này khi chúng nảy sinh trong hoàn cảnh cụ thể của từng giáo hội địa phương. Hướng đi không phải là tìm ra một giải pháp bất khả thi nhằm loại bỏ căng thẳng bằng cách nghiêng hẳn về một phía. Trái lại, chính trong hoàn cảnh cụ thể “ở đây và lúc này” của mỗi giáo hội địa phương, cần phải phân định xem sự quân bình khả thi nào cho phép phục vụ sứ vụ một cách năng động hơn. Nhiều khả năng, tại các nơi khác nhau sẽ đưa đến những quyết định khác nhau. Vì lý do đó, trong nhiều lãnh vực, VC mở ra những không gian dành cho việc thử nghiệm mang tính địa phương, chẳng hạn liên quan đến các thừa tác vụ (x. VC, các số 66, 76, 78), tiến trình ra quyết định (x. VC, số 94), trách nhiệm giải trình và lượng giá (x. VC, số 101), và các tổ chức tham gia (x. VC, số 104). Các giáo hội địa phương được mời gọi sử dụng các phương thế này.

Trong hoàn cảnh xã hội và văn hóa hiện nay, một số căng thẳng đang mang những hình thái mới và đòi hỏi một sự nỗ lực trong việc nhận thức. Vì lý do này, VC đã dành riêng một đoạn với tựa đề rất ý nghĩaĐược bén rễ vững chắc nhưng vẫn là những người hành hương” (x. VC, các số 110–119). Theo truyền thống, chính mối liên hệ với một nơi chốn, được hiểu theo nghĩa không gian và địa lý, làm nên căn tính của các giáo hội địa phương như những phần tử của Dân Thiên Chúa, và là nền tảng cho cảm thức thuộc về của mọi người. Tuy nhiên, các hiện tượng như đô thị hóa, di chuyển ngày càng nhiều, hiện tượng di dân, và sự lan rộng của văn hóa kỹ thuật số đang làm biến đổi sâu sắc cách con người cảm nhận về tính thuộc về: cảm thức này hiện nay gắn liền với mạng lưới các mối tương quan hơn là với không gian địa lý, dù nhu cầu của con người về những mối dây cộng đoàn thì vẫn không thay đổi. Thật vậy, sự suy yếu của những liên kết đó càng làm cho nỗ lực sáng tạo truyền giáo trở nên cấp thiết hơn, để Giáo hội có thể chạm đến con người và tạo dựng mối dây tương quan với họ ngay tại nơi họ đang sống (x. VC, các số 110–119).

Trong giai đoạn lượng giá, điều quan trọng là phải thu thập các hoa trái từ kinh nghiệm của các giáo hội địa phương trong việc sống những cặp lưỡng cực và căng thẳng ấy, cũng như các kết quả của những nỗ lực sáng tạo truyền giáo, nhằm thúc đẩy việc trao đổi những thực hành tốt đẹp.

3.2. Dấn thân vào các thực hành cụ thể

Với sự chăm chú lắng nghe Chúa Thánh Thần và trong viễn tượng giáo hội học mà VC tiếp nhận từ Công đồng Vaticanô II, mục tiêu cụ thể của giai đoạn thực hiện là phân định những bước hoán cải về văn hóa, các mối tương quan và thực hành Giáo hội, và do đó, là cải cách các cơ cấu và thể chế. Đây là một điểm then chốt trong toàn bộ tiến trình: “Nếu sắp tới không có những thay đổi cụ thể, tầm nhìn về một Giáo hội hiệp hành sẽ không đáng tin cậy, điều này sẽ khiến các thành viên Dân Thiên Chúa vốn đã tìm được sức mạnh và niềm hy vọng từ tiến trình hiệp hành phải lui xa” (VC, số 94).

VC nhiều lần nhấn mạnh rằng “các giáo hội địa phương phải tìm ra những phương thức thích hợp để thực hiện những thay đổi này” (sđd.), và đây chính là nhiệm vụ then chốt của giai đoạn thực hiện. Do đó, không thể xác định đâu là những ưu tiên mang tính phổ quát trong số nhiều lãnh vực được VC đề cập. Tình hình cụ thể ở từng địa phương có thể hoàn toàn chính đáng khiến cho một vấn đề nào đó trở nên quan trọng và cấp thiết, trong khi tại nơi khác thì không: chẳng hạn như mối tương quan giữa Giáo hội Latinh và các Giáo hội Công giáo Đông phương tại một số vùng, hoặc sức sống của phong trào đại kết hay đối thoại liên tôn tại những nơi khác, những điều này đòi hỏi phải có hình thức cụ thể, kể cả về cơ cấu và thể chế cho việc dấn thân cùng nhau tiến bước.

Đồng thời – liên quan đến sự căng thẳng giữa Giáo hội toàn thể và giáo hội địa phương như đã nói ở trên – cũng có một nhu cầu cấp thiết là phải cùng nhau tiến bước như một Giáo hội toàn thể. Thật vậy, đây chính là lý do chính yếu cho việc khai mở tiến trình đồng hành và lượng giá.

Trong bối cảnh ấy, và xét đến trách nhiệm của từng giáo hội địa phương trong việc thực hiện các chỉ dẫn của VC trong hoàn cảnh của mình, giờ đây đã có thể tiên liệu rằng - dựa trên tiến trình Thượng Hội đồng 2021–2024 - các giáo hội địa phương được mời gọi chia sẻ những bước tiến đã được thực hiện trong một số lãnh vực cụ thể, dưới hình thức và cách thế mà họ cho là phù hợp nhất. Các lãnh vực ấy bao gồm:

a) thúc đẩy linh đạo hiệp hành (x. VC, các số 43–46);

b) bảo đảm việc nhận lãnh cách hữu hiệu các vị trí trách nhiệm và các vai trò lãnh đạo - vốn không đòi hỏi phải lãnh nhận chức thánh - cho cả nam và nữ, dù là giáo dân hay tu sĩ (x. VC, số 60);

c) tìm kiếm và phát triển những hình thức phục vụ và thừa tác vụ đáp ứng nhu cầu mục vụ trong các bối cảnh khác nhau (x. VC, các số 75–77);

d) thực hành phân định mang tính giáo hội (x. VC, các số 81–86);

e) kích hoạt các tiến trình ra quyết định theo cách thức hiệp hành (x. VC, các số 93–94);

f) tìm kiếm và phát triển những hình thức thích hợp cho tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và lượng giá (x. VC, các số 95–102);

g) nghĩa vụ của các giáo phận và các giáo xứ trong việc thiết lập các tổ chức tham gia theo quy định của giáo luật, và canh tân phương thức hoạt động của các tổ chức này theo chiều kích hiệp hành (x. VC, các số 103–106);

h) tổ chức thường xuyên các Đại hội Giáo hội cấp địa phương và cấp vùng (x. VC, số 107);

i) thúc đẩy Công nghị giáo phận và Đại hội giáo khu Công giáo Đông phương (x. VC, số 108);

j) canh tân các giáo xứ trong tinh thần hiệp hành và truyền giáo (x. VC, số 117);

k) lượng giá tính hiệp hành của tiến trình khai tâm Kitô giáo (x. VC, số 142), và nói chung, của các chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo liên quan (x. VC, các số 143–151).

Danh sách này chắc chắn là chưa đầy đủ và sẽ được phát triển thêm trong quá trình thực hiện, dựa trên những phản hồi từ các giáo hội địa phương.

 

4. Phương pháp và các công cụ nào có thể giúp định hình hành trình của chúng ta trong giai đoạn thực hiện?

Hành trình của toàn bộ tiến trình Thượng Hội đồng đã cho thấy tầm quan trọng của việc có một phương pháp phù hợp với các vấn đề được đặt ra. Thật vậy, để xây dựng một Giáo hội hiệp hành, thì nội dung và phương pháp thường phải ăn khớp với nhau: việc gặp gỡ và đối thoại như anh chị em trong Đức Kitô về cách tốt hơn để sống chiều kích hiệp hành của Giáo hội chính là một kinh nghiệm về Giáo hội hiệp hành, qua đó mở ra một sự hiểu biết hơn về chủ đề hiệp hành.

Do đó, phương pháp hiệp hành không thể bị giản lược thành một loạt các kỹ thuật kiểm soát các cuộc gặp gỡ, nhưng là một kinh nghiệm thiêng liêng và mang tính giáo hội, mời gọi chúng ta lớn lên trong một cách thế hiện hữu mới của Giáo hội, được đặt nền trên niềm tin rằng: Chúa Thánh Thần ban tặng hồng ân của Ngài cho tất cả những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, khởi đi từ sensus fidei (cảm thức đức tin) (x. VC, số 81).

Vì không phải là một kỹ thuật, nên phương pháp hiệp hành không thể đảm bảo trước kết quả mong muốn, bởi vì kết quả đó tùy thuộc vào mức độ cởi mở để lắng nghe nơi những người tham gia tiến trình, và vào việc họ có sẵn sàng để cho Thần Khí của Đức Kitô biến đổi mình trong sự hiệp thông với anh chị em hay không. Đây chính là một chiều kích khác của cuộc hoán cải hiệp hành mà VC mời gọi toàn thể Giáo hội thực hiện.

4.1. Phân định mang tính giáo hội

Các số 81–86 của VC trình bày một cách súc tích nhưng sâu sắc đặc điểm của việc phân định mang tính giáo hội, tức là phương pháp đặc thù của một Giáo hội hiệp hành. Cần quy chiếu về những số này, trong ý thức rằng: “Giáo hội có nhiều cách tiếp cận và nhiều phương pháp luận vững chắc để phân định” (VC, số 86).

Liên quan đến điều này, đáng nhắc lại rằng phương pháp đối thoại trong Thánh Thần - vốn chắc chắn là một phương pháp nổi bật và là yếu tố góp phần vào thành công của tiến trình Thượng Hội đồng - cần được trân trọng, nhưng đây không phải là phương pháp hiệp hành duy nhất và, trên hết, phương pháp này cũng không đồng nghĩa với việc phân định mang tính giáo hội, nhưng là một công cụ và là sự chuẩn bị cho việc phân định ấy.

Như đã được đề cập trong số 85 của VCviệc phân định mang tính giáo hội đòi hỏi sự đóng góp của nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau nhằm hiểu sâu hơn bối cảnh và xác định rõ hơn điều đang bị đe dọa hoặc cần phải đối diện. Tuy nhiên, không dễ để những đóng góp chuyên môn này tìm được một vị trí thích hợp trong tiến trình của phương pháp đối thoại trong Thánh Thần, một phương pháp vốn trước hết là phương thế cho sự gặp gỡ, cho việc lớn lên trong tương quan và cho hành trình đi từ cái “tôi” đến cái “chúng ta”.

Sau cùng, vì giai đoạn thực hiện sẽ đòi hỏi phải đưa ra những quyết định cụ thể nhằm canh tân các thực hành và cơ cấu, nên các tiến trình đưa ra quyết định cần mang trọn vẹn tính giáo hội, trong đó phải nhìn nhận vai trò đặc thù của thẩm quyền, cách riêng là của các giám mục giáo phận hoặc các giám mục Công giáo Đông phương, những người chịu trách nhiệm chính yếu về sự hiệp thông trong các giáo hội địa phương được trao phó cho các ngài, cũng như giữa các giáo hội địa phương.

Cách cụ thể, trong số những yếu tố cần thiết cho một tiến trình phân định tốt, điều cốt yếu là phải xác định rõ ràng các mục tiêu của tiến trình, bảo đảm rằng những mục tiêu này khả thi và tương xứng với thời gian sẵn có, với không gian có thể sử dụng và với số lượng người tham gia. Hơn nữa, những tâm thế chuẩn bị ban đầu là không thể bỏ qua: điều quan trọng là mỗi người tham dự cần có sự chuẩn bị thích đáng, và bối cảnh cho việc phân định cần phải khơi dậy được bầu khí cầu nguyện cũng như sự cởi mở nội tâm để lắng nghe và đối thoại.

Theo hướng nhìn này, thật đáng để nhắc lại cách mà kinh nghiệm thực tiễn làm nổi bật tầm quan trọng và hoa trái của các tiến trình hiệp hành khi các tiến trình này được nâng đỡ bởi những hình thức điều phối thích hợp, với sự tham gia của những người đã được đào luyện, những người biết gìn giữ và điều chỉnh phương pháp một cách thích hợp, nhằm tránh những gián đoạn đột ngột và có thể giúp các tham dự viên tập trung cách quyết liệt hơn vào các vấn đề cần phân định.

4.2. Một cách tiếp cận mang tính hiệp hành trong việc hoạch định và đồng hành cho các tiến trình

Những hướng dẫn về phương pháp phân định nói trên có thể được áp dụng trong nhiều tình huống và tiến trình, vốn mang những mục tiêu khác nhau, nhưng chúng được liên kết với nhau vì được thực hiện theo cùng cách thức hiệp hành. Để có thể thực hiện chúng một cách hiệu quả, tránh nguy cơ ứng biến tùy tiện hoặc thiếu tập trung, thì cần đầu tư vào việc hoạch định và đồng hành cho các tiến trình này. Dưới đây là một vài ví dụ, và chắc chắn không thể đầy đủ mọi trường hợp:

a) về các tiến trình phân định mang tính giáo hội, thì cần xác định các ưu tiên cho sứ vụ, cũng như cần xác định những hình thức và quy trình quản trị phù hợp với một Giáo hội hiệp hành. Mỗi mục tiêu này đều có những đòi hỏi riêng nên được cân nhắc kỹ lưỡng trong việc hoạch định cho lộ trình phía trước. Việc hoạch định và đồng hành cho các tiến trình này đòi hỏi phải có sự hiện diện của những người có kinh nghiệm, có khả năng giúp thực hiện những hướng dẫn đã được trình bày ở trên;

b) về các tiến trình cho các khóa huấn luyện về tính hiệp hành thì cần tuân theo những đề nghị trong Phần V của VC, đồng thời cũng lưu ý đến sự đa dạng trong các nhu cầu đào tạo, và vì thế cần nỗ lực làm rõ các mục tiêu cụ thể của từng khóa huấn luyện. Thông thường, phương pháp đào tạo hiệu quả nhất chính là việc chia sẻ và suy tư trong bầu khí cầu nguyện về những kinh nghiệm đã sống trong tư cách là Giáo hội hiệp hành, nhờ đó làm lộ rõ những điểm mạnh và điểm yếu của những kinh nghiệm này. Vì vậy, việc suy tư về các tiến trình phân định mang tính giáo hội, về các tiến trình ra quyết định mang tính hiệp hành, hay về cách thức vận hành của các tổ chức tham gia, có thể mang lại giá trị đào tạo cao hơn so với các khóa học theo các mô hình truyền thống. Trong trường hợp này, sự hiện diện của các điều phối viên có chuyên môn là điều cốt yếu. Vì thế, cũng cần tổ chức huấn luyện cho chính những điều phối viên này;

c) về các tiến trình và các trải nghiệm của việc lắng nghe và đối thoại trong các cộng đoàn ở cấp địa phương cũng như ở cấp khu vực, thì thực tế cho thấy: Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số cũng có thể là một nguồn lực quan trọng phục vụ cho mục đích này. Trong tinh thần đã nêu, điều quan trọng là thực hiện các trải nghiệm lắng nghe và đối thoại trong bầu khí cầu nguyện và dành thời gian cho việc suy tư cùng nhau để những hoa trái của các trải nghiệm này được trân quý.

d) về các buổi cử hành, gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm giữa các cộng đoàn trong một giáo phận hay giữa các giáo phận trong cùng một vùng, thì các phương tiện truyền thông kỹ thuật số cũng có thể hữu ích, tuy nhiên không nên đánh giá thấp tiềm năng của các sự kiện gắn liền với lòng đạo đức bình dân, như hành hương đến các đền thánh, vốn quy tụ rất đông người tham dự. Điều cần quan tâm là làm thế nào để những sự kiện này được sinh động hóa theo cách thức mang đặc tính hiệp hành hơn, và góp phần thúc đẩy sự gặp gỡ cũng như đối thoại giữa mọi người với nhau?

e) về các tiến trình và hoạt động truyền thông hướng đến các cộng đoàn Kitô hữu cũng như các cộng đoàn xã hội mà họ đang hiện diện, thì sử dụng những phương tiện thích hợp nhất cho từng bối cảnh. Việc tìm hiểu tiềm năng của các kênh truyền thông kỹ thuật số mới cũng sẽ rất hữu ích, vì ngày nay, đối với một số người, đặc biệt là người trẻ, thì đó thực sự là những môi trường mà họ sống và xây dựng các mối tương quan, và đó cũng là nơi mà việc loan báo Tin mừng có thể được vang vọng cách thích hợp. Trong chiều hướng này, kinh nghiệm của một Thượng Hội đồng kỹ thuật số là một nguồn lực quý giá;

f) về các lộ trình canh tân hoạt động mục vụ trong một khu vực cụ thể hoặc trên một chủ đề liên quan đến mỗi giáo hội địa phương (ví dụ: thúc đẩy sự tham gia sống động hơn vào cử hành thánh lễ Chúa nhật, các chương trình giáo lý, đối thoại đại kết, hoà nhập di dân, dấn thân chăm sóc ngôi nhà chung, v.v), thì cần thực hiện những sáng kiến làm cho sự tác động của phương pháp tiếp cận mang tính hiệp hành trở nên hữu hình và có kết quả kiểm chứng được. Điều này có thể giúp cụ thể hóa viễn tượng hiệp hành vào đời sống thực tế của các cộng đoàn.

g) về các lộ trình nghiên cứu thần học, mục vụ và giáo luật để phục vụ cho việc thực hiện Thượng Hội đồng trong các khía cạnh cụ thể của bối cảnh địa phương và trong cuộc đối thoại giữa các giáo hội địa phương, thì các thần học gia “giúp Dân Thiên Chúa phát triển sự hiểu biết về thực tại được soi sáng bởi mạc khải, và mở ra những câu trả lời phù hợp và ngôn ngữ thích đáng cho sứ vụ” (VC, số 67). Điều này cũng đặt ra một trách nhiệm đặc biệt cho các học viện thần học, là để đồng hành với Giáo hội trong việc sống chiều kích hiệp hành ngày càng trọn vẹn hơn.

Phương pháp hiệp hành đã giúp chúng ta mở lòng trước những bất ngờ của Chúa Thánh Thần và gặt hái được những hoa trái không ngờ tới trong giai đoạn tham khảo và lắng nghe, và trong các khóa họp của Đại hội Thượng Hội đồng cũng vậy, phương pháp này đã khơi dậy sự ngạc nhiên và lòng hăng say nơi nhiều tham dự viên, bằng chứng là nhiều bản tổng hợp và tài liệu đã ghi nhận: sự hiệp thông giữa các tín hữu, giữa các mục tử và giữa các giáo hội địa phương đã được nuôi dưỡng qua việc tham gia vào các tiến trình và các sự kiện Thượng Hội đồng, qua đó canh tân động lực và ý thức chia sẻ trách nhiệm đối với sứ vụ chung.

Chính điều đó làm chúng ta vững tâm tiến bước trên hành trình đang chờ đợi chúng ta trong những năm sắp tới, khởi đầu với Năm thánh của các nhóm hiệp hành và các tổ chức tham gia. Chúng tôi đang nỗ lực tổ chức sự kiện này cách tốt nhất có thể, để cơ hội cùng nhau tiến bước qua Cửa thánh cũng trở thành dịp trao đổi các hồng ân và cử hành niềm hy vọng không làm thất vọng - niềm hy vọng duy nhất có khả năng nuôi dưỡng cam kết của chúng ta trong việc tiếp tục thi hành - với tư cách là một Giáo hội hiệp hành - sứ vụ mà Chúa Giêsu đã trao phó cho các môn đệ của Người.

 

Bản dịch của Ban Hiệp hành trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam

[1] Đức Lêô XIV, Phép lành đầu tiên trong vai trò kế vị Thánh Phêrô, ngày 08 tháng 5 năm 2025.

[2] Thư về tiến trình đồng hành trong giai đoạn thực hiện Thượng Hội đồng, ngày 15/3/2025, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/van-phong-tong-thu-ky-thuong-hoi-dong-thu-ve-tien-trinh-dong-hanh-trong-giai-doan-thuc-hien-thuong-hoi-dong

[3] Sđd.

[4] Các nhóm hiệp hành có thể đăng ký trong cơ sở dữ liệu của Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng bằng cách yêu cầu một đường liên kết tại địa chỉ synodus@synod.va. Việc đăng ký này khác với việc đăng ký tham dự Năm thánh dành cho các nhóm hiệp hành và các tổ chức tham gia.

[5] Địa chỉ email cần gửi đến là: synodus@synod.va

 
Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng
26/07/2025

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây