Đức Thánh Cha đã nghĩ đến điều này từ vài năm trước. Trong một sứ điệp video gửi các tham dự viên đại hội quốc tế về giáo lý vào năm 2018, ngài đã nói rõ rằng “giáo lý viên là một ơn gọi”: “Trở thành giáo lý viên, đây là ơn gọi, không phải làm việc như một giáo lý viên.” Ngài nói thêm rằng “hình thức phục vụ được thực hiện trong cộng đoàn Ki-tô hữu” cần phải được công nhận “là một thừa tác vụ thật sự và đích thực của Giáo hội.”
Xác tín này của Đức Thánh Cha được thể hiện trong Tự sắc Antiquum ministerium. Tài liệu này sẽ được công bố tại Phòng Báo chí Tòa Thánh vào lúc 11:30 ngày 11/5, trước sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Tái Truyền giảng Tin Mừng; và Đức ông Franz-Peter Tebartz-van Elst, phụ trách ủy ban về dạy Giáo lý của Bộ.
Thành lập thừa tác vụ giáo lý viên
Trong Tự sắc Antiquum ministerium Đức Thánh Cha sẽ chính thức thành lập thừa tác vụ giáo lý viên, phát triển chiều kích truyền giáo của giáo dân mà Công đồng Vatican II đã hy vọng. Đây là một vai trò, mà Đức Thánh Cha đã nói trong sứ điệp video, rằng nó thuộc về trách nhiệm của “lời loan báo đầu tiên”. Ngài khẳng định rằng trong bối cảnh “thờ ơ về tôn giáo, lời của anh chị em sẽ luôn là lời loan báo đầu tiên, có thể chạm đến trái tim và tâm trí của nhiều người đang chờ đợi gặp gỡ Chúa Kitô.”
Thừa tác vụ trong cộng đoàn
Việc dạy giáo lý là một sứ vụ được thực hành với đức tin và trong cộng đoàn. Trong cuộc gặp gỡ với các tham dự viên của Văn phòng Giáo lý toàn quốc của Hội đồng giám mục Ý vào ngày 31/1 vừa qua, Đức Thánh Cha đã nói: “Đây là lúc trở thành những nghệ nhân của các cộng đoàn cởi mở, những nơi biết cách nâng cao tài năng của mỗi người. Đây là thời kỳ của các cộng đoàn truyền giáo, tự do và không vụ lợi, không tìm kiếm sự nổi tiếng và lợi nhuận, nhưng đi trên những nẻo đường của con người cùng thời với chúng ta và cúi xuống những người ở bên lề xã hội.”
Hồng Thủy - Vatican News